trẻ em. Đây là những yêu cầu về những công cụ cần thiết hỗ trợ giáo viên mầm non trong lao động sư phạm.
1.4. Quản lí đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
1.4.1. Phân cấp trong quản lí đội ngũ giáo viên mầm non
Phân cấp trong quản lí đội ngũ GV là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp quản lí trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp quản lí nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lí ĐNGV. Mục tiêu phân cấp trong quản lí ĐNGV nhằm tạo tính chủ động, sáng tạo, độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm...theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (BGDĐT- BNV,2015).
Theo phân cấp quản lí giáo dục, các chủ thể quản lí đội ngũ GVMN bao gồm: Cơ quan quản lí cấp trung ương là Bộ GD&ĐT; cơ quan quản lí cấp địa phương là Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT; cơ quan quản lí cấp trường là ban giám hiệu trường MN. Luật Giáo dục (2019), Điều 105 quy định: Nhà nước thống nhất quản lí hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; tập trung quản lí chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lí giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục, bao gồm:
- Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm, báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.
- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lí nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ như kiểm tra việc chấp hành pháp luật về GD của cơ sở giáo dục trên địa bàn; bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lí; phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương…
Trong phạm vi luận án đề cập đến hai chủ thể quản lí trực tiếp ĐNGVMN theo CNN là Phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng trường MN (Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT- BNV năm 2015).
Theo Điều lệ trường mầm non (2015) “Phòng GD&ĐT thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lí nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.”
Theo Nghị định 127/2018-NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lí về giáo dục Hiệu trưởng do chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền. Hiệu trưởng trường mầm non có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; phân công, quản lí, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định.
Để thực hiện phân cấp trong quản lí đội ngũ GVMN, Phòng GD&ĐT cần đảm bảo tính thống nhất, tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác để các trường mầm non thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho trường mầm non. Trong quản lí đội ngũ GVMN, Phòng GD&ĐT và trường MN luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đội ngũ GVMN đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và vững chắc về chất lượng đội ngũ.
1.4.2. Mục đích quản lí đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
Đội ngũ GV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi nhà trường và mỗi cấp học bởi đó là lực lượng chủ yếu, cơ bản và quyết định chất lượng của nhà trường. Việc quản lí đội ngũ GVMN theo CNN nhằm phát triển ĐNGV về số lượng, chất lượng là trách nhiệm của các nhà QLGD. Với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, kết hợp với vai trò, nhiệm vụ, yêu cầu ĐNGVMN, trách nhiệm của các chủ thể quản lí ĐNGVMN là xác định mục đích của quản lí ĐNGVMN nhằm xây dựng được đội ngũ GVMN đủ về số lượng, hợp lý, đồng bộ về cơ cấu, có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ của người GVMN trong giai đoạn hiện nay.
Mục đích ban hành CNN GVMN là để GVMN tự đánh giá phẩm chất, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Mục đích ban hành CNN GVMN còn làm căn cứ để cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên; làm căn cứ để cơ quan quản lí nhà nước xây dựng và thực hiện chế độ chính sách phát triển và sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán; làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức bồi dưỡng, phát triển phẩm chất và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GVMN.
Như vậy, mục đích quản lí đội ngũ GVMN theo CNN trước hết nhằm phát triển đội ngũ GVMN đủ về số lượng, ổn định, đồng bộ về cơ cấu, vững mạnh về chất lượng đội ngũ GVMN, trong đó phát huy năng lực nghề nghiệp của GV, gia tăng giá trị con người về phẩm chất nhà giáo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhà giáo đáp ứng mức độ cao của CNN là mục đích then chốt. Từ đó quản lí đội ngũ GVMN theo CNN nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa đội ngũ GVMN, nâng cao vị trí xã hội của đội ngũ GVMN, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước và giáo dục Việt Nam.
1.4.3. Nội dung quản lí đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
Leonard Nadler (1980) đã đề xuất mô hình quản lí NNL với ba nội dung chính, mỗi nội dung bao hàm những công việc cụ thể để thực hiện như sau:
Quản lí nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực
Sử dụng nguồn nhân lực
Tạo môi trường làm việcnguồn
- Tuyển dụng - Sàng lọc - Đánh giá - Đãi ngộ - Kế hoạch hóa sức lao động | - Mở rộng việc làm - Mở rộng quy mô công việc - Phát triển tổ chức |
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Về Chuẩn Nghề Nghiệp Giáo Viên Và Quản Lí Đội Ngũ Giáo Viên Mầm Non Theo Chuẩn Nghề Nghiệp
- Giáo Viên Mầm Non Và Đội Ngũ Giáo Viên Mầm Non
- Yêu Cầu Của Đội Ngũ Giáo Viên Mầm Non Trong Bối Cảnh Đổi Mới Giáo Dục Mầm Non
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Quản Lí Đội Ngũ Giáo Viên Mầm Non Theo Chuẩn Nghề Nghiệp
- Khái Quát Điều Kiện Tự Nhiên, Kinh Tế - Xã Hội Và Giáo Dục Mầm Non Khu Vực Miền Trung
- Tổ Chức Khảo Sát Thực Trạng Quản Lí Đội Ngũ Giáo Viên Mầm Non Khu Vực Miền Trung Theo Chuẩn Nghề Nghiệp
Xem toàn bộ 281 trang tài liệu này.
Hình 1.1. Mô hình quản lí nguồn nhân lực của Leonard Nadler (Bùi Minh Hiền, Nguyễn Vũ Bích Hiền (2015)
Từ mô hình quản lí NNL của Leonard Nadler như trên, những nghiên cứu của các tác giả Hendry, C. and Pettigrew, A.M (1990), Storey, J. (1992), Bratton, J.., & Gold (1999), Nguyễn Vân Điềm, Nguyễn Ngọc Quân (2007), Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2010); Nguyễn Lộc (2010), Bùi Minh Hiền, Nguyễn Vũ Bích Hiền (2015)… đều khá tương đồng quan điểm cho rằng, quản lí NNL là quá trình liên tục phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực và tạo môi trường làm việc của nhân lực. Nguyễn Lộc (2010) nhấn mạnh, quy trình quản lí NNL đòi hỏi thực hiện ba nhiệm vụ chính gồm: 1) Thu hút nhân lực có chất lượng (lập kế hoạch NNL, tuyển dụng mới và và lựa chọn nhân lực); 2) Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng (định hướng đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhân lực); 3) Duy trì nhân lực có chất lượng (duy trì đội ngũ, đánh giá thực hiện)… Từ cách tiếp cận quản lí NNL cân nhắc cả mục tiêu của tổ chức và nhu cầu của cá nhân và tiếp cận
mục đích của CNN GVMN, nội dung quản lí ĐNGV theo CNN trong phạm vi luận án gồm các nội dung như sau:
a. Quy hoạch và tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
Bất kì một cơ sở GDMN nào đều cần đội ngũ GVMN có năng lực nghề nghiệp phù hợp với công việc CSGD trẻ, do đó cần phải quy hoạch đội ngũ GVMN theo CNN. Quy hoạch ĐNGV theo CNN là căn cứ vào CNN để đánh giá thực trạng đội ngũ GVMN (Số lượng, cơ cấu và chất lượng), từ đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược của cơ sở GDMN, cụ thể hóa bằng quá trình dự báo nhu cầu nguồn nhân lực GVMN, lập kế hoạch, xác định yêu cầu bố trí, sắp xếp, đánh giá năng lực đội ngũ GVMN hiện có, quyết định tăng thêm hoặc thay thế GV đáp ứng yêu cầu CNN. Nói cách khác, quy hoạch đội ngũ GVMN đáp ứng CNN GVMN là sự dự báo về nhu cầu phát triển ĐNGV trên cơ sở phát triển GD&ĐT của từng địa phương, trong đó, đảm bảo ĐNGVMN đáp ứng được các yêu cầu CNN GVMN, bao gồm:
- Quy hoạch về số lượng đội ngũ GVMN nhằm đảm bảo duy trì đủ, ổn định số lượng đội ngũ GVMN, đảm bảo số lượng trẻ/giáo viên theo quy định, đảm bảo cho GVMN hoàn thành được nhiệm vụ CSGD và tạo điều kiện cho GVMN có thời gian tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực; đảm bảo cho việc sử dụng hợp lý và hiệu quả, đồng thời phát huy tối đa khả năng của đội ngũ GVMN.
- Quy hoạch về cơ cấu của đội ngũ GVMN nhằm tạo ra sự đồng bộ và cân đối đội ngũ GVMN trong nhà trường về các mặt độ tuổi, giới tính, trình độ, chức danh nghề nghiệp…tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ GVMN phát triển về chất lượng đội ngũ. Đặc biệt quy hoạch cơ cấu trình độ đào tạo và năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GVMN với các thông tin về bằng cấp, chứng chỉ, kĩ năng, kinh nghiệm thực tiễn… giúp các nhà quản lí cơ sở GDMN chủ động trong quản lí đội ngũ.
- Quy hoạch về chất lượng đội ngũ GVMN nhằm đảm bảo đội ngũ GVMN phát triển về năng lực, phẩm chất theo CNN và đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu giáo dục mầm non. Từ quy hoạch chung về chất lượng đội ngũ GVMN đáp ứng
ngày càng cao CNN, nhà quản lí có cơ sở để lập kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, phân công, bồi dưỡng đội ngũ GVMN, làm vững manh đội ngũ GVMN.
Quy hoạch ĐNGV được xem là nội dung tổng thể, làm cơ sở, nền tảng và định hướng để thực hiện các nội dung khác trong quản lí ĐNGVMN theo CNN. Vì vậy các biện pháp để thực hiện bao gồm: Xác định căn cứ khoa học để quy hoạch phát triển đội ngũ GVMN; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ GVMN theo địa phương, trường mầm non; xác định mục tiêu, nội dung quy hoạch đội ngũ GVMN theo địa phương, trường mầm non (về số lượng, cơ cấu, chất lượng); lựa chọn các biện pháp thực hiện quy hoạch đội ngũ GVMN; dự kiến các nguồn lực thực hiện quy hoạch đội ngũ GVMN; lập các loại kế hoạch phát triển đội ngũ GVMN (số lượng, chất lượng).
Tuyển dụng giáo viên là “quá trình sử dụng các phương pháp nhằm chọn lựa, quyết định xem trong số những người được tuyển mộ, ai là người đủ tiêu chuẩn; bao gồm các bước: tuyển mộ giáo viên và tuyển chọn giáo viên”. (Đặng Bá Lãm, 2012). Công tác tuyển dụng là một chuỗi các hoạt động được thiết kế để thu hút những GVMN đạt được trình độ đào tạo và CNN theo qui định. Tuyển dụng đội ngũ GV theo CNN là tuyển dụng có hiệu quả nhằm thu hút những GVMN có năng lực đáp ứng với CNN.
Quá trình tuyển dụng đội ngũ GVMN theo CNN gồm 3 bước: 1) Căn cứ vào những yêu cầu của CNN để giới thiệu vị trí công việc; 2) Tuyển mộ sơ bộ những ứng viên có tiềm năng; 3) Tuyển chọn những ứng viên đáp ứng yêu cầu trong CNN. Cách thức căn cứ vào CNN để giới thiệu thông tin và giới thiệu vị trí công việc GVMN giúp khắc phục kiểu tuyển dụng truyền thống là “thu hút càng nhiều người xin việc càng tốt”, dẫn đến hệ lụy những người mới được tuyển dụng nhanh chóng xin thôi việc vì không phù hợp công việc làm GVMN. Tuyển mộ GV chính là quá trình thu hút những người có khả năng từ nhiều nguồn khác nhau tham gia tuyển chọn. Tuyển chọn GV là quá trình xem xét, lựa chọn những GV có đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu làm GVMN theo CNN. Các tiêu chuẩn này căn cứ vào Luật giáo dục và Luật viên chức nói chung, những yêu cầu của CNN GVMN hiện nay, ngoài ra cần căn cứ vào nhu cầu và yêu cầu cụ thể của từng nhà trường MN và chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội... của địa phương. Hiệu quả của công việc tuyển dụng theo CNN GVMN phụ thuộc không chỉ vào việc chọn đúng người hay không mà còn giúp những người được tuyển chọn trở thành GVMN thích ứng về nghề nghiệp thông qua việc phân công công việc, bồi dưỡng ban đầu. Tuyển chọn GVMN thường theo hai cách: tuyển mới GVMN sau khi được đào tạo và tốt nghiệp từ trường sư phạm hoặc “đặt hàng” cho trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ.
Hiện nay CNN GVMN là một trong những căn cứ để tuyển dụng GVMN và định hướng để đổi mới tuyển dụng GVMN theo CNN. Những cách thức cụ thể gồm: Xác định cơ cấu tổ chức và biên chế GV phù hợp quy định của Nhà nước và tình hình nhà trường; phổ biến các tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển chọn theo CNN rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Tuyển dụng GVMN theo CNN phải thực hiện quy trình tuyển dụng phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương và trường MN, đảm bảo khách quan, công khai. Trong tuyển dụng chú ý lựa chọn GVMN đạt chuẩn trình độ đào tạo, CNN theo quy định và phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương và nhà trường hoặc lựa chọn GVMN đạt trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Trong tuyển dụng cần căn cứ CNN để tổ chức thử việc GV được tuyển chọn, có sự sàng lọc, lựa chọn, quyết định tiếp nhận sau thử việc.
b. Sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
Sử dụng GVMN chính là sự sắp xếp, bố trí, đề bạt GVMN vào các nhiệm vụ, chức danh cụ thể để GVMN phát huy tối đa khả năng hiện có, hoàn thành được mục tiêu giáo dục của cơ sở GDMN. Sử dụng giáo viên mầm non theo yêu cầu CNN GVMN là việc sắp xếp, bố trí, đề bạt GV vào các nhiệm vụ, chức danh cụ thể theo yêu cầu CNN quy định, đồng thời CNN GVMN cũng là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, công việc CSGD trẻ của GVMN. Sử dụng giáo viên là giúp cho GVMN thích ứng với môi trường làm việc, tạo điều kiện cho GVMN thực hiện và hoàn thành các hoạt động chuyên môn.
Sử dụng GVMN hợp lí thể hiện việc sắp xếp, bố trí công việc cho GV phù hợp với năng lực, chuyên môn đào tạo, nguyện vọng cá nhân tuân thủ định mức giờ chuẩn đối với GVMN theo quy định của ngành. Sử dụng GVMN theo CNN không chỉ là khai thác đúng sở trường, trình độ, năng lực nghề nghiệp của họ mà còn thúc
đẩy sự tiến bộ của họ trong hoạt động CSGD trẻ. GVMN sẽ tích cực, chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khi nhà quản lí sử dụng đúng và biết phát huy năng lực của họ, tạo niềm tin về sự tôn trọng phẩm chất, năng lực của GVMN. Vì vậy trong quá trình sử dụng đội ngũ GVMN theo CNN, nhà quản lí cần nắm vững yêu cầu của CNN GVMN, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng, công bằng, khách quan, hợp lí. Bên cạnh đó nhà quản lí cần tôn trọng nguyện vọng của các GV trong đội ngũ, kết hợp phân công theo năng lực và nguyên vọng với yêu cầu công việc. Căn cứ và CNN, CBQL tổ chức thực hiện quy chế làm việc, cơ chế phối hợp giữa các tổ, bộ phận và GV theo đúng chức năng để phát huy hế những thế mạnh, ưu điểm của mỗi GVMN, đề ra yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho GVMN thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt trong quá trình sử dụng ĐNGVMN theo CNN, CBQL cần ứng xử khéo léo, linh hoạt, tế nhị đối với các GVMN có trình độ, năng lực và đạt CNN theo các mức độ khác nhau, nhất là đối với những GV chưa đạt CNN. CBQL luôn theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động CSGD trẻ của GVMN và hỗ trợ, giúp đỡ, động viên giáo viên hoàn thành công việc.
c. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp
Một trong những biện pháp quản lí để đảm bảo và nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN đó là đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm mục đích phát triển đội ngũ GVMN đáp ứng ở mức độ ngày càng cao các yêu cầu của CNN GVMN. Mỗi GVMN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách và mục tiêu hoạt động nghề nghiệp của bản thân, luôn ý thức việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ nghề nghiệp theo những tiêu CNN đã quy định.
Đào tạo và bồi dưỡng là hai quá trình nối tiếp nhau trong quá trình phát triển ĐNGV. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Đào tạo là quá trình tác động đến một con người nhằm làm cho người đó lĩnh hội và nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách có hệ thống nhằm chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định, góp phần của mình vào việc phát triển xã hội, duy trì và phát triển nền văn minh của loại người” Như vậy, đào tạo GV là một quá trình chia làm hai giai đoạn đó là đào tạo ban đầu và đào tạo thường