Qua các mô hình trên, có 3 yếu tố cơ bản trong hệ thống du lịch:
- Khách du lịch: Là những người có nhu cầu và thực hiện các hành trình du lịch.
- Nhóm yếu tố thuộc về địa lý: Gồm 3 khu vực địa lý:
+ Nơi cư trú của du khách: Đây là khu vực có nhu cầu du lịch nảy sinh nên được gọi là khu vực nguồn khách hay thị trường khách (thị trường cầu).
+ Nơi đến du lịch: Là khu vực mà du khách được thoả mãn nhu cầu du lịch của mình thông qua tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ du lịch nên được gọi là khu vực điểm đến du lịch hay thị trường điểm đến (thị trường cung).
+ Khu vực thuộc tuyến hành trình: Đó là những nơi đi qua, hoặc ghé thăm trên tuyến hành trình du lịch.
- Ngành du lịch: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho khách du lịch ở cả 3 khu vực địa lý nói trên.
1.1.2. Động cơ và loại hình du lịch
1.1.2.1. Động cơ du lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh tế du lịch Phần 1 - 1
- Kinh tế du lịch Phần 1 - 2
- Đặc Điểm Và Các Bộ Phận Cấu Thành Của Ngành Du Lịch
- Sự Đóng Góp Của Du Lịch Trong Tổng Sản Phẩm Trong Nước
- Sự Tương Tác Giữa Phát Triển Du Lịch Và Nền Kinh Tế Quốc Dân
Xem toàn bộ 188 trang tài liệu này.
Động cơ là sự thúc đẩy con người thực hiện hoạt động theo mục tiêu nhất định nhằm thoả mãn các nhu cầu đặt ra. Động cơ du lịch phản ánh những nhu cầu, mong muốn của du khách và là lý do của hành động đi du lịch. Nhu cầu du lịch mang tính cá nhân và chủ quan nên khá phức tạp, đa dạng, nhưng có thể phân thành ba nhóm: Nhu cầu đặc trưng, nhu cầu cơ bản và nhu cầu bổ sung.
Động cơ du lịch cũng mang tính cá nhân và chủ quan nên rất khó xác định. Nó được bộc lộ qua lý do đi du lịch của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, khách du lịch vì lý do này hay lý do khác mà không muốn hay không thể nói ra động cơ thực sự thúc đẩy họ tham gia vào chuyến đi cụ thể. Chính vì vậy, việc nhận thức được động cơ và bộc lộ động cơ du lịch
của khách có thể thuộc một trong ba trường hợp: i) Nhận thức được động cơ và sẵn sàng bộc lộ qua lý do thật sự của chuyến đi; ii) Nhận thức được động cơ nhưng không muốn bộc lộ hoặc bộc lộ qua những lý do không đúng; iii) Không nhận thức được động cơ, không bộc lộ được lý do thực sự của chuyến đi du lịch.
Xuất phát từ nhu cầu, các học giả Mỹ là McIntosh, Goeldner và Ritchie đã nhóm các động cơ du lịch thành bốn loại:
- Động cơ thể chất: Nhóm động cơ này nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng, hồi phục sức khoẻ thông qua các hoạt động thể chất như nghỉ dưỡng, tham gia thể thao, nghỉ biển, tắm suối khoáng, giải trí thư giãn và các động cơ khác liên quan trực tiếp tới sức khỏe.
- Động cơ tri thức: Sự khát khao của con người để được nhìn, được trải nghiệm và được học những điều mới lạ là không có giới hạn. Với trình độ giáo dục ngày một tăng cao, khi con người biết nhiều hơn về các vùng, các nước, các nền văn hóa và các điểm hấp dẫn khác nhau thì càng thôi thúc nhu cầu được đi du lịch và khám phá.
- Động cơ giao lưu: Đi du lịch nhằm gặp gỡ những con người mới, tạo những mối quan hệ bè bạn mới; thăm lại người thân hoặc bạn bè; thoát ly sự nhàm chán của công việc và gia đình thường ngày; hoặc để tận hưởng sự đồng hành cùng với những người khác.
- Động cơ địa vị, uy tín: Liên quan đến nhu cầu đề cao và phát triển cá nhân. Thông qua du lịch để nhằm thỏa mãn khát vọng được chú ý, đánh giá, thừa nhận và kính trọng.
Những nghiên cứu gần đây về động cơ du lịch thường đề cập đến khái niệm “đẩy và kéo”. Động cơ "đẩy" giúp giải thích tại sao con người phát triển nhu cầu và khát vọng đi du lịch, còn động cơ "kéo" giúp giải thích sự lựa chọn nơi đến du lịch.
1.1.2.2. Loại hình du lịch
Có thể phân chia hoạt động du lịch thành các nhóm - các loại hình theo những tiêu thức nhằm các mục đích khác nhau, trong đó loại hình
du lịch biểu hiện những nét đặc trưng của một nhóm khách du lịch. Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại các hoạt động du lịch dựa trên các tiêu thức (căn cứ) khác nhau.
a. Căn cứ vào mục đích chuyến đi
Mục đích chuyến đi là động lực thúc đẩy hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch của con người. Do đó, cách phân loại này còn được gọi là căn cứ vào động cơ hoặc căn cứ vào nhu cầu và có 10 loại hình du lịch phổ biến theo cách phân chia này:
- Du lịch thiên nhiên (hoặc sinh thái) hấp dẫn những người thích tận hưởng bầu không khí ngoài trời, thích thưởng thức phong cảnh đẹp và đời sống động thực vật hoang dã.
- Du lịch văn hóa thu hút những người có mối quan tâm chủ yếu là truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, nền văn hóa nghệ thuật... của điểm đến.
- Du lịch xã hội hấp dẫn những người mà đối với họ sự tiếp xúc, giao lưu với những người khác là quan trọng nhất.
- Du lịch hoạt động thu hút du khách bằng một hoạt động được xác định trước và thách thức phải hoàn thành trong chuyến đi, trong kỳ nghỉ của họ.
- Du lịch giải trí nảy sinh từ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi thể lực và tinh thần cho con người.
- Du lịch thể thao thu hút những người ham mê thể thao để nâng cao thể chất, sức khoẻ.
- Du lịch chuyên đề liên quan đến một nhóm nhỏ, ít người, đi du lịch với cùng một mục đích chung hoặc mối quan tâm đặc biệt nào đó.
- Du lịch tôn giáo thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt của những người theo các đạo phái khác nhau.
- Du lịch sức khỏe hấp dẫn những người tìm kiếm cơ hội cải thiện điều kiện thể chất của mình.
- Du lịch dân tộc học đặc trưng hóa cho những người quay trở về nơi quê cha đất tổ tìm hiểu lịch sử nguồn gốc của quê hương, dòng dõi gia đình hoặc tìm kiếm, khôi phục các truyền thống văn hóa bản địa.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch hiện nay làm nảy sinh thêm nhiều loại hình du lịch khác như: Du lịch học tập, du lịch đi công việc, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch thăm hỏi, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực... Trong một chừng mực nhất định, những loại hình du lịch này đã được bao hàm phần nào trong 10 loại hình phổ biến nói trên hoặc là sự phát triển các mục đích chi tiết và cụ thể hơn từ các loại hình du lịch sẵn có. Để đơn giản hóa và hệ thống hóa, có thể phân các loại hình du lịch theo mục đích chuyến đi làm hai nhóm chính:
- Nhóm có mục đích du lịch thuần túy, bao gồm các loại hình du lịch tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao (chơi, tập luyện), khám phá.
- Nhóm có mục đích kết hợp du lịch, bao gồm các loại hình du lịch tín ngưỡng, học tập nghiên cứu, hội họp, thể thao (thi đấu, cổ vũ), kinh doanh, công tác, chữa bệnh, thăm thân...
b. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ
Căn cứ vào tiêu thức này có thể phân chia thành các loại hình du lịch sau:
- Du lịch quốc tế liên quan đến các chuyến đi vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ (biên giới) quốc gia của khách du lịch. Loại hình du lịch này được phân chia làm hai nhóm: i) Du lịch quốc tế đến là chuyến viếng thăm của những người từ các quốc gia khác; ii) Du lịch ra nước ngoài là chuyến đi của cư dân trong nước đến một nước khác.
- Du lịch trong nước là chuyến đi của những cư dân chỉ trong phạm vi quốc gia của họ.
- Du lịch nội địa bao gồm du lịch trong nước và du lịch quốc tế đến.
- Du lịch quốc gia bao gồm du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài.
c. Căn cứ vào sự tương tác của du khách đối với điểm đến du lịch
Cách phân loại này quan tâm đến sự tác động (về kinh tế, xã hội và môi trường) của du khách đối với điểm đến du lịch thông qua một số biến số quan trọng như: Phạm vi khách du lịch quan tâm (ảnh hưởng đến môi trường), thời gian lưu lại và đối tượng dân cư du khách thường gặp gỡ (và mục đích của cuộc gặp gỡ). Theo cách này, có các loại hình du lịch sau:
- Du lịch thám hiểm: Bao gồm các nhà nghiên cứu, học giả, người leo núi và những nhà thám hiểm đi theo nhóm với số lượng nhỏ. Loại hình du lịch này ảnh hưởng không đáng kể tới kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường của điểm đến.
- Du lịch cao cấp: Chuyến đi của tầng lớp thượng lưu đến những nơi độc đáo để giải trí và tìm kiếm sự mới lạ. Số lượng khách của nhóm này tương đối ít, có nhu cầu về những sản phẩm du lịch chất lượng cao và không đàn hồi theo giá cả. Chuyến du lịch của họ có thể dẫn tới những hoạt động đầu tư sau này có lợi cho điểm đến.
- Du lịch khác biệt: Bao gồm những khách du lịch không giàu có như tầng lớp thượng lưu, nhưng họ thích đến những nơi xa xôi, hoang dã, quan tâm đến những nền văn hóa sơ khai hoặc tìm kiếm những phần bổ sung thêm (không có) trong một tour du lịch tiêu chuẩn.
- Du lịch đại chúng: Ban đầu, một dòng khách du lịch ổn định đi cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ đến các nơi an toàn, phổ biến, khí hậu phù hợp. Về sau lôi kéo một lượng lớn khách du lịch tạo thành dòng chảy liên tục tràn ngập các khu nghỉ mát nổi tiếng vào mùa du lịch. Khách du lịch thuộc tầng lớp trung lưu, yêu cầu các tiện nghi tiêu chuẩn tại điểm đến du lịch. Với số lượng nhiều, phạm vi du lịch rộng và nhu cầu có thể đàn hồi theo giá cả, loại hình du lịch này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch ở các nơi, các quốc gia gửi khách lẫn các quốc gia đón khách, các điểm đến du lịch.
- Du lịch thuê bao: Đây là loại hình du lịch phát triển rộng rãi, thị trường phát triển đến các tầng lớp có thu nhập trung bình và thấp nên có dung lượng lớn. Khách du lịch thuộc loại này yêu cầu các tiện nghi tiêu chuẩn (đặc biệt về vận chuyển và lưu trú) và nhu cầu của họ đàn hồi theo giá cả. Với số lượng lớn, chi tiêu của du khách tạo ra nguồn thu nhập lớn đối với các cơ sở kinh doanh và khu vực điểm đến. Tuy nhiên, loại hình du lịch này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực (đặc biệt đến môi trường và xã hội) đối với điểm đến du lịch.
d. Các cách phân loại khác
Ngoài ba cách phân loại phổ biến và có ý nghĩa nói trên còn có rất nhiều cách phân chia du lịch thành các loại hình khác nhau. Đó là:
- Căn cứ vào đặc điểm địa lý của điểm đến du lịch có du lịch biển, du lịch núi, du lịch thành phố (đô thị), du lịch nông thôn (đồng quê, điền dã, trang trại, miệt vườn).
- Căn cứ vào phương tiện giao thông có du lịch xe đạp và các phương tiện thô sơ (xích lô, xe ngựa, lạc đà), du lịch xe máy, du lịch ô tô (ô tô du lịch hoặc xe buýt đường dài), du lịch tàu hoả, du lịch tàu thủy (bao gồm cả thuyền bè, ca nô), du lịch máy bay (bao gồm cả tàu lượn, trực thăng, khinh khí cầu). Trong loại hình này cần chú ý, du khách có thể có nhu cầu về dịch vụ chuyên chở hoặc thuê phương tiện.
- Căn cứ vào phương tiện lưu trú có du lịch ở khách sạn, motel, nhà trọ, homestay, làng du lịch và bãi cắm trại.
- Căn cứ vào thời gian du lịch có du lịch dài ngày và du lịch ngắn ngày.
- Căn cứ vào lứa tuổi có du lịch thiếu niên, du lịch thanh niên, du lịch trung niên và du lịch cao niên.
- Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch có du lịch theo đoàn, du lịch gia đình và du lịch cá nhân (du lịch “ba lô”).
- Căn cứ vào phương thức (hợp đồng) bán sản phẩm có du lịch trọn gói và du lịch từng phần.
1.1.3. Điểm đến và điểm hấp dẫn du lịch
1.1.3.1. Điểm đến du lịch
Điểm đến du lịch là vị trí địa lý mà một du khách đang thực hiện hành trình đến đó nhằm thoả mãn nhu cầu tùy theo mục đích chuyến đi của người đó. Có thể phân biệt hai loại điểm đến: Điểm đến cuối cùng thường là điểm xa nhất tính từ điểm xuất phát gốc của du khách và (hoặc) là địa điểm mà người đó dự định tiêu dùng phần lớn thời gian. Điểm đến trung gian hoặc điểm ghé thăm là địa điểm dành thời gian ngắn hơn để nghỉ ngơi qua đêm hoặc tham quan một điểm hấp dẫn du lịch.
Hầu hết các điểm đến bao gồm một hạt nhân cùng với các yếu tố cấu thành sau:
- Các điểm hấp dẫn du lịch;
- Giao thông, phương tiện đi lại (khả năng tiếp cận điểm đến);
- Nơi ăn nghỉ;
- Các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ;
- Các hoạt động bổ sung.
Các yếu tố cấu thành này cần hiện hữu đồng thời trước khi hoạt động du lịch có thể xảy ra và cần có sự phối hợp hoàn chỉnh thể hiện điểm đến đó hoạt động được và cung cấp được các trải nghiệm du lịch cho khách thăm.
Các điểm đến du lịch rất đa dạng nhưng chúng thường có các đặc điểm chung sau:
- Được thẩm định về văn hóa: Du khách thường cân nhắc một điểm đến có hấp dẫn và đáng đầu tư thời gian, tiền bạc đến viếng thăm hay không. Như vậy, điểm đến là kết quả của sự thẩm định về văn hóa của khách thăm.
- Tính không tách biệt: Du lịch được tiêu thụ ở nơi mà nó được sản xuất ra - du khách phải hiện hữu tại điểm đến để thu nhận được các trải nghiệm du lịch.
- Tính đa dụng: Các tiện nghi ở điểm đến thường phục vụ cư dân địa phương quanh năm, nhưng vào một số thời gian nhất định hoặc cả năm lại có những người sử dụng tạm thời các tiện nghi này, đó là khách du lịch hoặc khách tham quan.
- Tính bổ sung: Các yếu tố cấu thành điểm đến có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chất lượng của mỗi yếu tố cấu thành và khả năng cung cấp dịch vụ du lịch của chúng cần có sự tương đồng, bổ sung cho nhau một cách phù hợp.
1.1.3.2. Điểm hấp dẫn du lịch
Các điểm hấp dẫn là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của điểm đến du lịch nói riêng và của hệ thống du lịch nói chung. Nó là động cơ chính cho các chuyến đi du lịch và là hạt nhân của sản phẩm du lịch. Điểm hấp dẫn là các thực thể có khả năng quản lý và được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Chúng có thể tiếp cận và thúc đẩy một số lượng lớn những người vượt qua khoảng cách không gian từ nơi ở của mình để đến tham quan vào lúc rảnh rỗi trong một thời gian ngắn (thời gian hạn chế).
Để hiểu rõ hơn bản chất của điểm hấp dẫn du lịch, cần nắm bắt được các đặc điểm chính của nó như sau:
- Cho phép sự tiếp cận của công chúng nhằm mục đích giải trí, thưởng thức, tìm hiểu và giáo dục;
- Khách thăm có thể là dân cư địa phương và khách du lịch;
- Có sự quản lý và kiểm soát nhằm tạo ra sự hài lòng cho khách thăm;
- Cung cấp các tiện nghi và dịch vụ ở một mức độ phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích của khách thăm;
- Có giới hạn về không gian hoặc không có giới hạn không gian;
- Có mối quan hệ chặt chẽ với điểm đến, các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ, các hoạt động bổ sung ở điểm đến du lịch.