Quan Niệm Về Sử Dụng Di Sản Văn Hóa Nói Chung, Di Sản Văn Hóa Cố Đô Hoa Lư Nói Riêng Trong Dạy Học Lịch Sử Địa Phương

Sơ đồ 1.1. Phân loại di sản văn hóa


Trong đó Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch 1

Trong đó:

+ Di sản văn hóa vật thể: “là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” [46]. Như vậy, DSVH vật thể bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Cụ thể hơn:

Di tích lịch sử - văn hoá: “là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học”;

Danh lam thắng cảnh: “là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”;

Di vật: “là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học”;

Cổ vật: “là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”;

Bảo vật quốc gia: “là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học” [46].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

Về phân loại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc DSVH vật thể nói chung, căn cứ Điều 4, Điều 28 Luật di sản văn hoá (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 14 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hoá, các di tích được phân loại theo 4 cách: Di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Trong đó: Di tích khảo cổ là những địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của các văn hoá khảo cổ; Di tích lịch sử là công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước; Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước; Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến; Di tích kiến trúc nghệ thuật là quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.

+ Về khái niệm Di sản văn hóa phi vật thể, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (Luật số 32/2009/QH12 của Quốc hội), tại Khoản 1 Điều 4:“là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” [46].

Theo Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT – BVHTTDL quy định DSVH phi vật thể bao gồm các loại hình: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; Ngữ văn dân gian (bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); Nghệ thuật trình diễn dân gian (bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); Tập quán xã hội và tín ngưỡng (bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian.

- Địa phương:

Để dạy học tốt LSĐP, trước hết chúng ta cần hiểu đúng khái niệm “Địa phương”. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, 2003, địa phương có nghĩa là vùng, khu vực trong quan hệ với những vùng, khu vực khác trong nước hoặc trong quan hệ với trung ương, với cả nước. Cho đến nay, có nhiều quan niệm về thuật ngữ này, tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, có thể hiểu theo hai nghĩa như sau theo cuốn Giáo trình Lịch sử địa phương của Nguyễn Cảnh Minh (chủ biên): Theo nghĩa cụ thể, địa phương “là những đơn vị hành chính của một quốc gia, đó là những tỉnh, thành phố, huyện, xã, thôn, bản, làng, buôn, mường, ấp…” [40; tr.3]. Theo nghĩa khái quát trừu tượng, địa phương “là những vùng đất, khu vực nhất định, được hình thành trong lịch sử, có ranh giới tự nhiên (không giống như địa giới hành chính) để phân biệt với các vùng đất khác” [40; tr.3].

Cũng theo Nguyễn Cảnh Minh, “địa phương có những mối liên hệ với cả nước và là một bộ phận cấu thành của đất nước, đồng thời cũng có những nét riêng tạo nên sắc thái riêng của vùng mình”. [39; tr.3].

Qua các cách hiểu như trên, có thể rút ra định nghĩa LSĐP chính là lịch sử của làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố hay khu vực, vùng miền... Ngoài ra, LSĐP còn bao hàm ý nghĩa là lịch sử của các đơn vị sản xuất, chiến đấu, các trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy…

1.1.1.2. Quan niệm về sử dụng di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư nói riêng trong dạy học lịch sử địa phương

Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, 2003, sử dụng có nghĩa là “đem dùng vào mục đích nào đó” [45; tr.876]. Vậy sử dụng DSVH trong dạy học LSĐP được hiểu là dùng nguồn tư liệu về DSVH như một phương tiện, công cụ để dạy học hiệu quả nội dung LSĐP trong chương trình GDPT.

- Về vấn đề sử dụng DSVH trong dạy học môn lịch sử nói chung, trong tài liệu tập huấn của Bộ Giáo dục và đào tạo về Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông đã nêu rõ các quan niệm về phương pháp, hình thức và kiểm tra đánh giá khi sử dụng DSVH trong dạy học môn lịch sử. Cụ thể là:

+ Về phương pháp: Sử dụng DSVH trong dạy học lịch sử đều phải tuân theo

phương pháp tích cực hướng tới hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học: “Các phương pháp tích cực có các dấu hiệu đặc trưng là: dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của HS; dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác” [13; tr.52]. Một số hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tạo điều kiện phát huy tính tích cực học tập của HS là: Thứ nhất, việc sử dụng di sản trong dạy học bộ môn lịch sử ở trường phổ thông trước hết phải thông qua các phương pháp truyền thống theo tinh thần đổi mới phù hợp với từng môn học như trình bày miệng, sử dụng đồ dùng trực quan, … Thứ hai, sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học hiện đại như: dạy học nêu vấn đề, dạy học theo dự án, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

+ Về hình thức: Đối với các hình thức dạy học khi sử dụng DSVH bao gồm: Khai thác, sử dụng tài liệu về DSVH để tiến hành bài học ở trên lớp; Tiến hành bài học tại nơi có di sản (hay thực địa, bảo tàng, phòng truyền thống…); Tổ chức tham quan ngoại khóa – trải nghiệm di sản; Sử dụng di sản để tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác (tổ chức triển lãm, ra báo học tập; thi tìm hiểu về di sản ở địa phương; tổ chức cho HS chăm sóc các DSVH ở địa phương…)

+ Về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS: khi GV sử dụng DSVH để kiểm tra, đánh giá vẫn đảm bảo những yêu cầu chung của công tác này. Đó là: Bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học và trung thực; Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của môn học/ hoạt động giáo dục ở từng lớp, vào mục tiêu giáo dục di sản được xác định ở từng bài/ hoạt động; Phối hợp giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS; Kết hợp các hình thức đánh giá khác nhau (tự luận, TNKQ, quan sát, sản phẩm…)

- Về vấn đề sử dụng DSVH trong dạy học LSĐP, ngoài việc lựa chọn nội dung kiến thức được quy định trong chương trình của lớp học, cấp học phù hợp với di sản, bài giảng cần được bổ sung nguồn tài liệu chính xác, tin cậy về địa phương. Nội dung bài giảng tại di sản ở địa phương có thể do GV thiết kế theo tài liệu hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc do GV tự biên soạn. Tài liệu do GV tự biên soạn cần tuân thủ các nguyên tắc: Một là, chọn những kiến thức cơ bản, tiêu biểu

của địa phương tương ứng với một nội dung kiến thức của bài học trong chương trình, SGK chung làm nội dung cho các tiết học về địa phương. Hai là, việc dạy học những tiết về địa phương trong chương trình ở trường phổ thông mang tính chất tổng hợp toàn diện, không phải là dạy chuyên đề về một lĩnh vực nào đó của bộ môn. Ba là, nguồn tài liệu cần dựa vào các bài viết, công trình của những cơ quan có trách nhiệm như Sở văn hoá - thông tin, Ban Tuyên giáo tỉnh...

Như vậy, việc sử dụng DSVH trong dạy học LSĐP có tầm quan trọng đặc biệt góp phần làm sinh động, cụ thể hóa nội dung bài học, qua đó khôi phục lại bức tranh quá khứ đã diễn ra tại di sản một cách sống động, chân thực nhất.

- Sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học lịch sử địa phương:

Sử dụng DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP cũng tuân thủ những quan niệm về DSVH trong dạy học lịch sử nói chung, LSĐP nói riêng. Đặc biệt cần thấu đáo quan điểm coi nguồn tư liệu về DSVH Cố đô Hoa Lư như một phương tiện, công cụ dùng để tiến hành bài học LSĐP.

Tuy nhiên, với một DSVH cụ thể là Cố đô Hoa Lư thì cần phải có những nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu về di sản này nhằm chỉ rõ những giá trị văn hóa tiêu biểu của di tích Cố đô Hoa Lư để phục vụ cho việc dạy và học LSĐP. Nhất là trong điều kiện nguồn tư liệu về di sản này rất phong phú nhưng chưa được chắt lọc, biên soạn để đưa vào nội dung dạy học LSĐP ở tỉnh Ninh Bình. Ngoài ra, cần có các định hướng về hình thức, biện pháp để khai thác, sử dụng DSVH này vào dạy học một cách hiệu quả trong chương trình LSĐP nói riêng, bộ môn lịch sử ở trường phổ thông nói chung. Điều đó càng khẳng định hơn nữa tính cấp thiết, vị trí quan trọng của đề tài nghiên cứu mà chúng tôi đang đề cập là sử dụng DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình.

1.1.2. Các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư cần khai thác sử dụng trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình

1.1.2.1. Khái quát về di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của nước ta, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An (bên cạnh 3 khu vực đặc biệt khác là Khu Tam Cốc – Bích Động, Khu sinh thái Tràng An và Rừng đặc dụng Hoa Lư) đã được UNESCO công nhận vào năm 2014.

Hiện nay, khu di tích Cố đô Hoa Lư có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình, nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Kinh đô Hoa Lư xưa là vùng đất phù sa cổ ven chân núi mà cho đến nay các nhà khảo cổ học đã chứng minh được nơi đây có dấu tích của con người cư trú từ rất sớm. Đó là các phát hiện trầm tích có xương răng động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và nhiều hang động có di chỉ cư trú của con người thuộc các thời kỳ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn và Đa Bút. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước.

Hệ thống di tích ở trung tâm Cố đô Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý (từ năm 968 đến năm 1010, bao gồm 6 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ). Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô ở Thăng Long. Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Trong tài liệu lưu hành nội bộ tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư ghi

chép lại: “Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt” [57; tr.11]. Từ năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến thời Trần, vùng này thuộc lộ Trường Yên. Nhà Trần sử dụng thành Nam Trường Yên của cố đô Hoa Lư để làm căn cứ địa kháng chiến chống Mông Nguyên. Vua Trần Thái Tông xây dựng ở Hoa Lư hành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu. Đầu thời Lê sơ, vùng cố đô Hoa Lư nhập vào Thanh Hóa, từ thời Lê Thánh Tông lại tách ra, thuộc phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Từ thời Lê trung hưng đến thời Tây Sơn, vùng này thuộc phủ Trường Yên thuộc trấn Thanh Hoa ngoại. Từ cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1831, vùng này thuộc tỉnh Ninh Bình. Từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 26 tháng 12 năm 1991, vùng cố đô Hoa Lư trở lại thuộc tỉnh Ninh Bình.

Ngày 29/4/2003, Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định 82/2003/QĐ- TTG về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư bao gồm: Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các di tích lịch sử: Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất... Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An, có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu,... [51].

Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, dân chúng ở bên ngoài kéo vào bên trong kinh thành sinh sống. Vì vậy mà ngoại trừ khu trung tâm cung điện giới hạn bởi ba cửa: Cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam thì rất nhiều các công trình kiến trúc của Cố đô Hoa Lư hiện tại nằm rải rác trong khu dân cư. Hiện nay, khu di tích Cố đô Hoa Lư còn lại là những di tích do hai triều Đinh - Lê xây dựng (Dấu tích kinh thành, cung điện, các chùa cổ và đền thờ thần) và di tích do các triều đại sau xây dựng (hệ thống lăng mộ, đền, đình thờ các danh nhân thời Đinh - Lê). Những di tích này giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu và hình dung, mô phỏng được hình thức bố trí cung điện của kinh đô Hoa Lư xưa.

Ngày 10/5/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 2 cho 13 di tích trong đó có di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là di tích Cố đô Hoa Lư). Ngày 21 tháng 6 năm 2014, di tích Cố đô Hoa Lư nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

1.1.2.2. Danh mục các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư cần khai thác sử dụng

Theo phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (mục 1.1.1.1), khu di tích Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay thuộc loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Trong lịch sử, khu vực này từng là địa điểm đóng đô của 3 vương triều là Đinh, Tiền Lê và Lý, gắn liền với thân thế và sự nghiệp của những anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ. Những dấu tích lịch sử - văn hóa hiện còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hoàng thành, hang động và một số công trình khác. Trong đó có một số công trình kiến trúc tiêu biểu như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành, Chùa Nhất Trụ, Chùa và động Am Tiên, Đình Yên Trạch… Các công trình kiến trúc ở đây không chỉ minh chứng cho một thời kì lịch sử dân tộc ở thế kỉ X mà còn có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử từ thế kỉ XVII và còn được lưu giữ đến ngày nay.

Ngoài những điểm di tích kể trên, hiện nay trong toàn khu di tích có gần 700 di vật, hiện vật khảo cổ học có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, với niên đại chủ yếu từ thế kỉ X. Tại khu vực đền Vua Lê Đại Hành, Trung tâm đã trưng bày các phế tích khảo cổ thu được tại Hoa Lư phân theo từng giai đoạn lịch sử: Đinh - Lê, Lý và Trần. Kết quả đợt khai quật của Viện Khảo cổ học năm 1997 tại khu vực đền vua Lê Đại Hành đã hé mở phần nào diện mạo của kinh đô Hoa Lư xưa với thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh - Lê. Trong đợt khai quật nằm trong dự án nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Cố đô Hoa Lư năm 2009 - 2010, các nhà khảo cổ tập trung thám sát, khai quật tại khu vực đồng Cây Khế phía Bắc đền Vua Lê Đại Hành. Kết quả là đã làm phát lộ dấu tích của tường gạch xây bằng loại gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên, cùng nhiều loại hình vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc của thời Đinh - Lê. Bên cạnh đó, công tác khảo cổ còn đưa lên khỏi lòng đất nhiều di vật quý giá góp phần nghiên cứu một cách toàn diện về lịch sử, văn hoá của vùng đất Cố đô Hoa Lư xưa.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/04/2023