Sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học Lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình - 2

DANH MỤC SƠ ĐỒ, BIỂU ĐỒ, HÌNH

Sơ đồ 1.1. Phân loại di sản văn hóa 16

Biểu đồ 2.1. So sánh kết quả thực nghiệm 106


Hình 2.1. Giáo viên tập trung học sinh trước cổng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ..87

Hình 2.2. Đại diện nhóm 1 đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Ngọ môn quan (với 4 chữ “Bắc môn tỏa thược”) tại Cổng vào đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

...................................................................................................................................88

Hình 2.3. Đại diện nhóm 2 đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Long sàng trước Bái đường cho cả lớp và khách du lịch nước ngoài tại Cố đô Hoa Lư 88

Hình 2.5. Học sinh tham gia tìm hiểu Long sàng ở Nghi môn ngoại - Bảo vật quốc gia tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng 104

Hình 2.6. Học sinh tích cực tham gia hoạt động nhóm phần luyện tập 104

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

“Ghép tranh di sản theo nhóm” 105

Hình 2.4. Các nhóm học sinh thi tài năng 162

Sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học Lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình - 2

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

1.1. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức cho các dân tộc phải có biện pháp lưu giữ các giá trị tốt đẹp về vật chất và tinh thần của đời sống xã hội loài người và dân tộc. Ngoài ra, những tác động tiêu cực của xã hội thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khiến cho chúng ta cần phải có được trạng thái cân bằng, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Do đó, ở sách lược phát triển trong những năm gần đây của các địa phương trong cả nước luôn quan tâm đến vấn đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Mặt khác, trong bối cảnh các nước tập trung vào việc hội nhập, phát triển kinh tế hiện nay thì những giá trị văn hóa đang ngày dần bị mai một đi và không còn giữ nguyên được bản chất ban đầu vốn có của nó. Trong Công ước Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua ngày 21/11/1972 đã nhấn mạnh rằng di sản văn hóa đang ngày càng bị đe dọa hủy diệt không chỉ bởi các nguyên nhân truyền thống mà còn bởi các điều kiện kinh tế và xã hội làm trầm trọng thêm tình hình với những hiện tượng thậm chí còn ghê gớm hơn cả sự phá hủy.

Đứng trước xu thế này, trong công văn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL (năm 2013), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm GDTX nhằm góp phần giáo dục toàn diện học sinh, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó, Bộ đã chỉ rõ việc sử dụng nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cả nội khóa và ngoại khóa. Cho đến nay, giáo dục di sản luôn là nội dung được Bộ giáo dục và đào tạo quan tâm chỉ đạo trong nhiệm vụ trọng tâm của các năm học ở trường phổ thông. Đây cũng là nội dung không thể thiếu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018) sẽ dần được áp dụng trong ngành giáo dục ở những năm tiếp theo.

1.2. Trong số các bộ môn mà học sinh được học ở trường trung học phổ thông

thì lịch sử có thể được coi là môn học có ưu thế và có nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. Bởi vì, giáo dục lịch sử là một phương tiện hiệu quả để giáo dục lòng yêu nước, làm cho mỗi con người có ý thức trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển xã hội, với chính quê hương của mình. Để từ đó, mỗi người cần phải có hành động thiết thực với lịch sử, văn hóa nơi mình sinh sống và cao hơn cả là quyết tâm bảo vệ được những giá trị linh thiêng đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” [38; tr.38]. Bởi vậy, trong cuộc đời hoạt động của mình, Người đã khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, coi đó là “chìa khóa vàng” để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức, lãnh đạo họ thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người viết trên báo “Việt Nam độc lập” (số ra ngày 1/2/1942): “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị người ngoài xâm lấn” [28].

Không thể phủ nhận được rằng lịch sử địa phương là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên lịch sử dân tộc, cho nên hiểu biết về lịch sử địa phương sẽ góp phần hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Bởi vậy, nếu giáo dục địa phương hiệu quả sẽ bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Sử dụng di sản văn hóa vào dạy học lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng, đặc biệt là các di sản văn hóa ở nơi HS đang sinh sống sẽ khiến cho bài giảng lịch sử được sinh động, gần gũi và lôi cuốn các em hơn.

1.3. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế đáng buồn là học sinh ngày càng xa rời với các môn khoa học xã hội, đặc biệt là bộ môn lịch sử. Việc học sinh hiểu biết lịch sử đất nước còn rất hạn chế, chứ chưa nói gì đến việc hiểu được lịch sử của địa phương mình. Thực tế kết quả học sinh thi THPT quốc gia môn Lịch sử những năm gần đây đã phần nào chứng minh điều đó.

Mặt khác, việc thực hiện công tác giảng dạy lịch sử địa phương ở các trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả đạt được chưa cao do xuất phát từ nhiều phía như hạn chế về việc khai thác nguồn tư liệu địa phương, sự thiếu quyết tâm đổi mới phương pháp và hình thức dạy học của giáo viên...

1.4. Tỉnh Ninh Bình được biết đến từ trong lịch sử là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây còn được xem là địa phương “ngàn năm văn vật” với những di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành di sản văn hóa nổi tiếng. Trong đó, di tích lịch sử

- văn hóa Cố đô Hoa Lư là một di tích cấp quốc gia đặc biệt (là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia – Theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009) gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc ở giai đoạn đầu của thời kì phong kiến độc lập, tự chủ (gồm các triều đại kế tiếp nhau Đinh, Tiền Lê, Lý từ thế kỉ X đến thế kỉ XI). Bởi vậy, sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư là một giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học nội dung giáo dục địa phương nói riêng và dạy học môn Lịch sử nói chung.

1.5. Mặt khác, di sản văn hóa với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó vẫn tiếp tục được chú trọng trong mạch nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định được những hướng đi thích hợp, trên cơ sở các giải pháp hữu hiệu đã thực hiện ở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để có thể đạt được hiệu quả trong sử dụng di sản khi thực hiện chương trình phổ thông sắp tới.

Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn vấn đề: “Sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình” làm đề tài nghiên cứu luận văn.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, một loại phương tiện trực quan vô giá, một nguồn tài liệu học tập quý hiếm trong dạy học các môn khoa học xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng là một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ rất sớm. Trên cơ sở tìm hiểu có tính kế thừa các thành tựu đó, chúng tôi sẽ vận dụng phù hợp để giải quyết những vấn đề nghiên cứu trong luận văn của mình.

2.1. Tài liệu nước ngoài

- Vấn đề sử dụng phương tiện trực quan và tài liệu học tập nói chung, di sản văn hóa trong đó có di tích lịch sử - văn hóa nói riêng từ lâu đã được các nhà lý luận dạy học đề cập đến.

Trong phần 3 cuốn: “Phương pháp dạy học lịch sử ở các trường phổ thông”, tập 2, NXB Mátxcơva, 1972, người dịch: Hoàng Trung, hiệu đính: Phan Ngọc Liên (Lưu trữ trong Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội), tác giả AA.Vaghin đã khẳng định nguồn tài liệu trực quan chiếm vai trò quan trọng trong việc dạy học lịch sử địa phương ở trường phổ thông: “Bài học dựa trên cơ sở tài liệu lịch sử địa phương thường được tiến hành bằng phương pháp trực quan (bằng cách tham quan viện bảo tàng, các đài tưởng niệm và các nơi có di tích lịch sử)” [64; tr.297].

N.G.Đairi trong “Chuẩn bị giờ học Lịch sử như thế nào?”, NXB Giáo dục, 1973 đã nhìn nhận tài liệu trực quan như là một nguồn nhận thức khi ông cho rằng: “Tính cụ thể và hình ảnh của sự kiện có một giá trị lớn lao, bởi vì chúng cho phép hình dung lại quá khứ” [26; tr.25]. Tác giả đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của việc gắn dạy học bộ môn với “thực tế trực tiếp bao quanh học sinh”. Tài liệu này góp phần định hướng, giúp tìm ra các biện pháp sử dụng DSVH trong bài học lịch sử nội khóa.

Trong giáo trình “Phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT”, tập 2, 1978, Hoàng Trung dịch, lưu trữ tại Đại học Sư phạm Hà Nội, N.G.Đairi và các tác giả A.T.Kinkunkin, A.G.Kôlôscốp, P.Karốpkin, P.C.Lâybengrúp đề cập đến vai trò, ý nghĩa, cách phân loại, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học lịch sử và hình thức tổ chức dạy học lịch sử, các loại bài học lịch sử, trong đó có bài học tại nơi sự kiện lịch sử đã xảy ra.

Tác giả I. Ia.Lecne (1982) trong: “Phát triển tư duy của học sinh trong dạy học lịch sử", NXB Giáo dục Mátxcơva, Dịch: Trần Kim Văn, Đinh Ngọc Bảo, Phan Huy Khánh, Nguyễn Thị Côi, Hiệu đính: Nguyễn Khoa, lưu trữ tại Đại học Sư phạm Hà Nội, đã nhấn mạnh sử dụng các loại đồ dùng trực quan trong dạy học lịch sử (như: hiện vật, tranh ảnh, tài liệu văn kiện hoặc di tích lịch sử...) là cơ sở quan trọng giúp HS tái hiện, nhận thức chính xác lịch sử khách quan, tránh hiện đại hóa lịch sử và tạo cảm hứng đặc biệt cho HS.

Tác giả M.N.Sácđacốp trong tác phẩm: “Tư duy học sinh”, NXB Giáo dục, 1982 khẳng định trong dạy học cần tăng cường nhận thức trực quan cho học sinh bằng cách: “Có thể thực hiện nhiệm vụ này bằng cách tổ chức cho học sinh tri giác các di tích lịch sử và các di sản văn hóa” [48; tr.53]. Như vậy, ngay từ rất sớm, các

nhà giáo dục học cũng đã chỉ ra vai trò quan trọng của các di tích lịch sử trong việc giáo dục lịch sử. Được quan sát trực tiếp các di sản nói chung, di tích nổi tiếng cũng là một cách thiết thực của việc vận dụng nguyên tắc trực quan trong dạy học.

Sách “Giáo dục học, tập 1” của VI.Savin, NXB Giáo dục, 1983 đã đề cập đến nhiều vấn đề chung của giáo dục học. Trong đó, ông đặc biệt coi tham quan là một hình thức dạy học quan trọng trong các hình thức tổ chức dạy học. Tài liệu này của ông có ý nghĩa rất lớn đối với giáo viên trong việc lập kế hoạch tham quan khi ông nhấn mạnh trước khi tổ chức tham quan cần phải xác định xem mình sẽ nghiên cứu những chủ đề gì, cần vạch ra các nhiệm vụ gì cho buổi tham quan. Đó là những tư liệu quý giá có ý nghĩa gợi mở giúp cho chúng tôi xác định các hình thức và biện pháp sư phạm khi sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử địa phương.

Trong cuốn “Lý luận dạy học và đời sống”, NXB Giáo dục, 1985, tác giả LV.Dancôp đã chỉ rõ việc giáo dục trong nhà trường cần gắn bó với thực tiễn sinh động của cuộc sống như các hoạt động thực nghiệm, thực tế, tham quan. Qua các hoạt động này giúp học sinh “cảm thấy hài lòng vì lao động trí tuệ căng thẳng, sung sướng vì hoàn thành được những bài tập khó, dường như các em đang tiến về phía một cái gì mới mẻ mà mình phải nhận ra” [22; tr.95].

James H. Stronge (2013) trong “Những phẩm chất của người giáo viên hiệu quả”, NXB Giáo dục Việt Nam, (người dịch: Lê Văn Canh) đã có những gợi ý cho người giáo viên trong việc tổ chức đa dạng các hoạt động dạy học như học sinh được tổ chức tranh luận, lập hồ sơ dữ liệu lịch sử, tham quan bảo tàng, tăng cường hoạt động dựa vào Internet…

- Vấn đề nghiên cứu về di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của các tác giả ở nhiều nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã khai thác khía cạnh di sản văn hóa trước những thách thức của thế giới toàn cầu hóa. Helaine Silverman và D.Ruggles Fairchild (2007) trong cuốn: “Cultural Heritage and Human Rights” (Di sản văn hóa và nhân quyền), NXB Springer, NewYork đã đề cập đến một khía cạnh chính trị sâu sắc của bảo tồn và quản lý di sản vì nó liên quan đến quyền con người. Các tác giả khẳng định rằng bảo vệ di sản là cần thiết cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Việc trưng bày các di tích có thể là một chiến lược để khẳng định bản sắc thiểu số trước áp lực của đa số.

Peter F.Biehl; Douglas C.Comer; Christopher Prescott và Hilary A.Soderland trong cuốn sách xuất bản năm 2015: “Identity and Heritage – Contemporary Challenges in a Globalized World” (Bản sắc và Di sản – Những thách thức đương đại trong một thế giới toàn cầu hóa), NXB Springer, New York đã nhấn mạnh di sản văn hóa là một khái niệm phổ biến, đặc biệt còn đề cập đến khái niệm di sản xuyên quốc gia và quan tâm đến di sản thế giới ở những địa điểm xung đột hiện nay như cuộc chiến đấu chống khủng bố đã ảnh hưởng như thế nào đến di sản ở Pakistan.

2.2. Tài liệu trong nước

- Các công trình nghiên cứu về giáo dục học, lý luận dạy học đã đề cập đến các vấn đề sử dụng đồ dùng trực quan nói chung, di sản văn hóa nói riêng trong dạy học.

Giáo trình “Giáo dục học, tập 1”, NXB Giáo dục, 1987 của các tác giả Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt đã nhận định đồ dùng trực quan nếu được sử dụng khéo léo sẽ giúp cho học sinh dễ hiểu bài, nhớ lâu kiến thức, phát triển năng lực tập trung, óc quan sát và sự tò mò.

Công trình “Những vấn đề cơ bản giáo dục hiện đại”, NXB Giáo dục, 1998 của tác giả Thái Duy Tuyên đã khẳng định dạy học phải buộc học sinh động não, tìm tòi trước những tình huống cuộc sống cụ thể. Tác giả còn chỉ rõ vai trò, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học và nhấn mạnh sự đa dạng của các hình thức tổ chức dạy học.

Đặng Thành Hưng trong cuốn: “Dạy học hiện đại – Lí luận, biện pháp, kĩ thuật”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002 đã chỉ rõ bài học vừa được tiến hành ở trên lớp vừa có thể tiến hành qua các giờ học ngoài lớp như học tham quan, học thí nghiệm – thực hành, học xêmina ở thực địa.

Trong giáo trình “Lí luận dạy học”, NXB Giáo dục, 2002 của Nguyễn Văn Hộ có đề cập đến các hình thức dạy học như: hình thức tự học ở nhà, hình thức tham quan, hình thức thảo luận xêmina, hình thức dạy học theo nhóm, hình thức hoạt động ngoại khóa trong dạy học. Ở mỗi hình thức, tác giả đề cập đến những đặc điểm của từng hình thức, đặc biệt nhấn mạnh phần chuẩn bị của giáo viên và học sinh cũng như quy trình thực hiện.

Các giáo trình “Phương pháp dạy học lịch sử”, NXB Giáo dục, xuất bản năm 1976 (tập 1), 1980 (tập 2), cuốn giáo trình xuất bản năm 1992 sửa chữa, bổ sung, tái bản những năm sau đó do Phan Ngọc Liên, Trần Văn Trị chủ biên. Đặc biệt là giáo trình “Phương pháp dạy học lịch sử” của Phan Ngọc Liên (chủ biên), Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi do NXB Đại học Sư phạm xuất bản năm 2002, tái bản có sửa chữa bổ sung năm 2009 cho đến nay đã đề cập đến nhiều vấn đề chung về phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Trong đó, phần hệ thống phương pháp dạy học đề cập đến phương pháp sử dụng trực quan nói chung, di tích lịch sử nói riêng và các tài liệu học tập. Ở phần các hình thức tổ chức dạy học đề cập đến bài học tại thực địa (di tích lịch sử), các hình thức ngoại khóa như tham quan di tích, kể chuyện, đọc sách… Đây là nguồn tài liệu quý báu định hướng chúng tôi đề xuất các hình thức, biện pháp sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử nói chung, lịch sử địa phương nói riêng ở tỉnh Ninh Bình.

Vũ Quang Hiển, Hoàng Thanh Tú trong giáo trình: “Phương pháp dạy môn lịch sử ở trường trung học phổ thông”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014 đã dành cả một chương nói về các hình thức tổ chức dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (Phần III. Chương 6) bao gồm dạy học lịch sử trên lớp, dạy học lịch sử ngoài lớp và hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử. Trong đó, các tác giả nêu rõ tiến trình thực hiện bài học lịch sử trên lớp, các hình thức dạy học lịch sử ngoài lớp và ngoại khóa, phân tích rõ vị trí, ý nghĩa cũng như ưu, nhược điểm của một số hình thức dạy học.

Trong cuốn “Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông”, NXB Đại học sư phạm, 2016 của Nguyễn Thị Côi đã đề cập đến các hình thức tổ chức dạy học trong môn lịch sử. Theo đó, ngoài tiến hành dạy học trên lớp là chủ yếu thì để nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử cần tăng cường kết hợp các hình thức khác như tiến hành bài học tại thực địa, tổ chức tham quan học tập ở nhà bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử; tổ chức hoạt động ngoại khóa, thực hành…

Trong cuốn “Dạy học phát triển năng lực môn Lịch sử trung học phổ thông”, NXB Đại học Sư phạm, 2018 của Nghiêm Đình Vỳ (Tổng chủ biên), Trần Thị Vinh (Chủ biên), Nguyễn Ngọc Cơ, Đào Tuấn Thành, Nguyễn Mạnh Hưởng, Nguyễn

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 27/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí