Trên cơ sở của việc khảo sát thực trạng về việc tích hợp DSVH trong quá trình dạy học, có những đề xuất, trao đổi cùng các đồng nghiệp trong việc quản lý, tổ chức dạy học nói chung, tích hợp DSVH nói riêng, góp phần đổi mới phương thức quản lý giúp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực HS từ đó mà từng bước nâng cao hiệu quả quá trình dạy học, tình yêu quê hương đất nước cho HS.
9. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn có 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa thông qua dạy học các môn khoa học xã hội ở trường trung học cơ sở.
Chương 2: Thực trạng quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa thông qua dạy học các môn khoa học xã hội ở các trường THCS thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ.
Chương 3: Các biện pháp quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa thông qua dạy học các môn khoa học xã hội ở các trường THCS ở thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA THÔNG QUA DẠY HỌC CÁC MÔN KHOA HỌC XÃ HỘI
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa thông qua dạy học các môn khoa học xã hội ở các trường trung học cơ sở thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ - 1
- Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa thông qua dạy học các môn khoa học xã hội ở các trường trung học cơ sở thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ - 2
- Giáo Dục Giá Trị Di Sản Văn Hóa Cho Học Sinh Thông Qua Con Đường Dạy Học
- Quản Lý Đảm Bảo Yêu Cầu Dạy Học Nội Dung Giáo Dục Di Sản Văn Hóa Vào Các Môn Khoa Học Xã Hội Ở Các Trường Trung Học Cơ Sở
- Đảm Bảo Điều Kiện Tài Chính, Vật Chất Cho Các Hoạt Động Dạy Học, Giáo Dục Giá Trị Di Sản Văn Hóa Thực Hiện Trong Và Ngoài Nhà Trường
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Nghiên cứu về giáo dục giá trị đạo đức và di sản văn hoá cho học sinh phổ thông
Giáo dục giá trị đạo đức ở Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng các giá trị gia đình và văn hóa truyền thống, được thực hiện ưu tiên so với tất cả môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều nước trên thế giới quan niệm rằng nội dung giáo dục đạo đức cần tập trung đào luyện những phẩm chất cơ bản của nhân cách như tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác... trong khi Nhật Bản hướng đến việc bảo tồn các giá trị xã hội của dân tộc. Triết lý giáo dục đạo đức của Nhật Bản được nêu trong chương trình khung quốc gia nhằm đào luyện: - Tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống - Nhiệt tâm kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống - Nhiệt tâm phát triển một đất nước và xã hội dân chủ - Ý thức đóng góp cho sự phát triển của một xã hội quốc tế thanh bình - khả năng tự quyết định - Ý thức đạo đức. Đặc trưng giáo dục đạo đức ở Nhật Bản tập trung vào ba điểm: lòng tôn trọng cuộc sống, quan hệ cá nhân và cộng đồng và ý thức về trật tự dọc. Trật tự dọc được xem là một tôn ti xã hội nghiêm ngặt và là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của quốc gia Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu khiến nền giáo dục Nhật Bản thành công chính là trật tự này đã được chuyển hóa vào các đơn vị cơ sở của xã hội bao gồm cả trường học và được biến đổi tương thích với những mục tiêu chuyên biệt của từng đơn vị. Trật tự này bắt nguồn từ Khổng giáo và ở đơn vị gia đình, các thành viên thuộc nhiều thế hệ gắn kết với nhau bởi tình cảm tự nhiên hơn là bởi khả năng và quyền lực. Trong ý nghĩa này, Nhật Bản được xem như một xã hội có diện mạo gia đình (a pseudo-family society). Nhà trường giúp HS nhận thức về bản thân trong mối quan hệ với gia đình và các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau của cộng đồng. Trẻ em được dạy chăm sóc trẻ nhỏ tuổi hơn trong nhà trường hay ở nhà và thể hiện lòng kính trọng đối với người lớn tuổi. Thái độ này được phát triển thành ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân phù hợp với vị trí hay tuổi tác của cá nhân ấy trong gia đình hoặc cộng đồng.
Khác với nhiều nước thực hiện giáo dục giá trị đạo đức và giá trị văn hoá chủ yếu thông qua một môn học (đạo đức hoặc giáo dục công dân) trong chương trình giáo dục phổ thông, Nhật Bản thực hiện qua toàn thể các môn học, qua các
hoạt động đặc biệt và qua sinh hoạt hằng ngày. Chương trình giáo dục đạo đức khung được xây dựng trên nền tảng luật pháp quốc gia, với bộ tiêu chuẩn mà tất cả các trường từ công lập đến tư thục đều phải thực hiện. Ấn tượng nhất trong chương trình giáo dục đạo đức ở Nhật Bản là việc thực hiện thông qua các hoạt động đặc biệt và hoạt động hằng ngày. - Hoạt động đặc biệt gồm: hoạt động lớp học, hội đồng sinh viên/HS, hoạt động câu lạc bộ, các sự kiện nhà trường (liên quan đến những ngày lễ, giáo dục thể chất, các chuyến tham quan thực tế và các hoạt động phục vụ xã hội). Các hoạt động đặc biệt này kết hợp chặt với nội dung của môn đạo đức hay giáo dục công dân. - Hoạt động hằng ngày được xem như phương tiện giáo dục đạo đức. HS phải tham gia lau dọn trường lớp. Việc thứ hai trong hoạt động hằng ngày liên quan đến chăm sóc các sinh vật. HS cho vật nuôi ăn hoặc tưới nước cho cây suốt năm học, nhiều khi cả trong kỳ nghỉ. HS được làm quen và phát triển tình cảm đối với môi trường tự nhiên, động thực vật và nhờ vậy học cách trân trọng đời sống. Thứ ba là hoạt động câu lạc bộ sau giờ học tại trường trung học cơ sở và phổ thông (khác với hoạt động câu lạc bộ trong các hoạt động đặc biệt) giúp lĩnh hội các quy tắc và kỹ năng tương tác giao tiếp có tính chất bắt buộc. Hoạt động câu lạc bộ sau giờ học liên quan đến nhiều nội dung giáo dục đạo đức như lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự hoàn thiện, tình bạn... HS phát triển các phẩm chất này thông qua việc thực hiện mục đích chung của câu lạc bộ.
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy DSVH luôn là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Tổ chức khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) hoạt động với mục đích góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học, văn hóa. UNESCO có vai trò lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH thông qua nhiều dự án, chương trình đầu tư vào giáo dục để nâng cao nhận thức của công dân toàn cầu về DSVH.
Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có những cách thức và chiến lược nhằm phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước. Ở Nhật Bản: các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, luôn được được gìn giữ và bảo tồn, phát huy rất tốt. Để thực hiện tốt công tác giáo dục giá trị văn hóa cho cộng đồng, chính phủ Nhật Bản cho thành lập Cục văn hoá Nhật Bản vào năm 1960 (chữ viết tắt tiếng Anh là ACA). Đây là cơ quan trực thuộc MEXT (Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Nhật Bản), là bộ máy hành chính được tổ chức theo chiều dọc với nhiệm vụ và chức năng điều hành các hoạt động văn hoá từ trung ương đến địa phương. Hoạt động của ACA được thực hiện thông qua các chương trình văn hoá, giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó nhiều quốc gia đã thành lập các Website liên quan đến giáo dục và đặc biệt là cung cấp các nguồn tư liệu về di sản, môi trường...liên kết các trang học tập nhằm giáo dục kiến thức toàn diện cho HS. Ví dụ:
www.swmlac.org.uk/MLI/muslin.htm là trang thông tin điện tử hữu ích giới thiệu các chủ đề như học tập trong bảo tàng, phát triển chính sách giáo dục.
Ở Việt Nam, từ xưa, ông cha ta đã đúc kết một cách sâu sắc kinh nghiệm về giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn “, “Lễ” ở đây chính là nền tảng của sự lĩnh hội và phát triển tốt các tri thức và kỹ năng. Ngày nay, phương châm “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề“ cũng thể hiện rõ tầm quan trọng của hoạt động giáo dục đạo đức, như Bác Hồ đã dạy: “Dạy cũng như học, phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc quan trọng. Nếu thiếu đạo đức, con người sẽ không phải là con người bình thường và cuộc sống xã hội sẽ không phải là cuộc sống xã hội bình thường, ổn định...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài không có đức chỉ là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó “.
Đảng ta đã chủ trương: “Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đưa việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhà trường phù hợp với từng lứa tuổi và bậc học...”. Bởi vậy, tu dưỡng và rèn luyện bản thân để trở thành người có nhân cách, vừa có đức vừa có tài là hết sức quan trọng đối với mỗi con người, là nhiệm vụ hàng đầu của thanh niên, HS.
Ngày nay giáo dục đạo đức cho HS là giáo dục lòng trung thành đối với Đảng, hiếu với Dân, yêu quê hương đất nước, có lòng vị tha, nhân ái, cần cù liêm khiết và chính trực. Đó là đạo đức Xã hội Chủ Nghĩa là đạo đức của cá nhân, tập thể và chủ nghĩa nhân đạo mang tính chân thực tích cực, khác với đạo đức vị kỷ, cá nhân. Giáo dục đạo đức HS gắn chặt với giáo dục tư tưởng - chính trị, giáo dục truyền thống và giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục pháp luật nhà nước XHCN, cung cấp cho HS những phương thức ứng xử đúng trước vấn đề của xã hội ... giúp cho các em có khả năng tự kiểm soát được hành vi của bản thân một cách tự giác, có khả năng chống lại những biểu hiện lệch lạc về lối sống.
Trong những năm gần đây, khi xu thế toàn cầu hoá, hội nhập với thế giới, mở ra cho nước ta những thời cơ, vận hội mới. Nền kinh tế đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng lên. Công tác giáo dục đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo. Trong nhà trường, các tổ chức Đoàn thể đã có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức HS, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những thành tựu của ngành Giáo dục và Đào tạo như: Số HS học giỏi, chăm ngoan vẫn nhiều … đã góp phần tạo nên những thành quả quan
trọng trong thực hiện mục tiêu của Ngành: “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài" cho đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan:
- Về gia đình: Có gia đình do cha mẹ sống không gương mẫu, cha mẹ ly hôn; hay buông lỏng giáo dục, phó mặc cho xã hội, cho nhà trường “trăm sự nhờ thầy” …
- Về Nhà trường: Có lúc, có nơi uy tín người thầy bị sa sút, các giá trị truyền thống “Tôn sư trọng đạo“ bị nhìn nhận một cách méo mó, vật chất hóa, thực dụng.
- Về Xã hội: Những hạn chế, tác động xấu từ môi trường của thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, những “tư tưởng văn hoá xấu, ngoại lai”; mặt trái của cơ chế thị trường
…có cơ hội xâm nhập. Đây đó, còn có những hiện tượng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, thích chạy theo lối sống thực dụng, thậm chí những hành động phạm pháp của “người lớn” đã tác động xấu trực tiếp đến HS. Các tệ nạn xã hội có nơi, có lúc đã xâm nhập vào trong trường học; tình trạng một số ít HS lún sâu vào tệ nạn xã hội thậm chí đánh thầy, gây án, giết người, cướp của, … số này tuy không phổ biến nhưng có xu hướng gia tăng, làm băng hoại đạo đức, tha hoá nhân cách; gây nỗi đau, đáng lo ngaị cho các bậc cha, mẹ; đã tác động xấu tới các gía trị đạo đức truyền thống, ảnh hưởng không nhỏ trực tiếp đến công tác GDĐĐ HS, đến an ninh trật tự xã hội.
- Các thế lực phản động: Đang tìm mọi cách chống phá cách mạng XHCN ở Việt Nam. Với âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng “Tự do, dân chủ, dân quyền, dân tộc, tôn giáo,...” để kích động gây rối trật tự, an ninh xã hội, lối kéo đặc biệt là thanh niên, HS, …Vì vậy, chúng ta cần phải tích cực giáo dục cho HS nhận thức được âm mưu thâm độc của kẻ thù, đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng cho HS, cho thế hệ trẻ; là vấn đề cấp thiết, đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam là một nước có nền văn hóa lâu đời, nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị DSVH đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau đề cập đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH.
Nghị quyết số 03/ - NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998 Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về việc xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung nghị quyết đã đề cập tới vấn đề “Di sản vǎn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu vǎn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị vǎn hóa truyền thống (bác học và dân gian), vǎn hóa cách mạng, bao gồm cả vǎn hóa vật thể và phi vật thể… [6, tr. 63]. Coi trọng giáo dục
đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức lối sống, nếp sống vǎn hóa, lịch sử dân tộc và bản sắc dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước; bồi dưỡng ý thức và nǎng lực phát huy giá trị vǎn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa vǎn hóa nhân loại.
Tác giả Nguyễn Thị Kim Loan với Giáo trình “Quản lý DSVH” đã trình bày một số vấn đề liên quan đến lý luận về DSVH, vai trò của DSVH trong phát triển xã hội, giới thiệu một cách hệ thống về quả lý nhà nước về DSVH. [19]
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tác giả cũng khái khoát những vấn đề trọng tâm của việc phát triển văn hóa, việc hình thành nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam hiện đại đặt ra cho văn hóa những trọng trách “ …đó là mối quan tâm thường xuyên đến nhân tố con người, không ngừng cổ vũ, hướng dẫn con người hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, phấn đấu cho hạnh phúc chính đáng của chính mình và góp ngày càng nhiều cho xã hội. Kiên quyết lên án sự suy thoái đạo đức, lối sống, bài trừ thói hư, tật xấu, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, vô trách nhiệm, coi thường kỷ cương phép nước…” [30, tr. 6]
Các nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động hội nhập kinh tế, quốc tế như “ Giá trị truyền thống trước thách thức toàn cầu hoá” (2002) của tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn - Nguyễn Văn Huyên [10]; “ Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” (2008) do PGS.TS Nguyễn Duy Bắc làm chủ biên [1]. Các tác giả đã phân tích sâu sắc các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, chỉ rõ thời cơ, thách thức của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời kì xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay.
1.1.2. Nghiên cứu về quản lý hoạt động giáo dục giá trị di sản văn hoá cho học sinh ở trường phổ thông
Nghiên cứu về quản lý hoạt động giáo dục giá trị DSVH cho HS ở các trường phổ thông hiện nay có rất nhiều các tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này:
Trong luận văn “Quản lý giáo dục giá trị sống cho HS trường THCS thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội” của tác giả Đỗ Thị Hải Yến đã khẳng định “Con người muốn thành công và sống có chất lượng trong xã hội hiện đại thì đòi hỏi phải có giá trị sống, giá trị sống vừa mang tính xã hội, vừa mang tính cá nhân”. Giáo dục giá trị sống trở thành mục tiêu và là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng xuyên suốt tinh thần của một nền giáo dục toàn diện. [29, tr.1]
Không chỉ quản lý giáo dục giá trị sống cho HS THCS trong luận văn “Quản lý giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống cho HS tại trường THPT Thanh Oai A, thành phố Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh xác định rõ mục đích nghiên cứu của luận văn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho HS từ đó thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ Việt Nam [12].
1.2. Giáo dục giá trị di sản văn hóa
1.2.1. Giá trị di sản văn hoá
Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về giá trị: Theo tác giả Trần Trọng Thủy: “Giá trị, đó là một hiện tượng xã hội điển hình, biểu thị các sự vật hiện tượng, các thuộc tính và quan hệ của hiện thực các tư tưởng của tự nhiên và xã hội được con người tạo ra hoặc không được con người tạo ra nhưng đều phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của cá nhân con người” [26, tr.11].
Tác giả Phạm Minh Hạc lại cho rằng: “Giá trị là tính có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, đáng quý, có ích của các đối tượng với chủ thể” [26, tr.12]. Tác giả luận văn vận dụng khái niệm này để làm rõ khái niệm giá trị DSVH.
Văn hóa và DSVH là khái niệm rộng, nó phản ánh những giá trị về vật chất và giá trị tinh thần mà con người đã sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Vì thế xem xét DSVH ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà giáo dục có thể đưa ra các khái niệm khác nhau, cách hiểu khác nhau về DSVH, còn trong môi trường sư phạm, môi trường giáo dục, yêu cầu chúng ta phải sử dụng khái niệm một cách thống nhất, khái niệm đã được luật hóa. Trên tinh thần đó khái niệm DSVH được hiểu như sau: DSVH Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Theo điều 1, chương I Luật DSVH do chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2001 đã nêu rõ “DSVH quy định tại luật này (tức luật DSVH) bao gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [21,tr.17]. Trong nội hàm khái niệm DSVH (theo Luật DSVH), giá trị giữ vai trò nòng cốt, nó phân biệt tất cả các hiện tượng văn hóa nói chung với các hiện tượng văn hóa được coi là di sản. DSVH phải có giá trị trên nhiều mặt khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tinh thần, vật chất. Như vậy có thể hiểu giá trị DSVH là mặt ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, đáng quí, có ích của DSVH, là hệ thống những đánh giá của xã hội về di sản trên các mặt văn hóa, lịch sử, khoa học, nghệ thuật, tinh thần. Giá trị của DSVH là sự kết tinh giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, cộng đồng.
Một DSVH có thể chứa đựng nhiều giá trị khác nhau, tuy nhiên giá trị cơ bản được quan tâm khi đánh giá về DSVH là giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Như vậy: Giá trị DSVH dân tộc là yếu tố cốt lõi của văn hóa, được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Giá trị DSVH là một hệ thống các giá trị có ý nghĩa khách quan được quy định bởi thực tiễn lịch sử, bởi tính thông tin rộng rãi.
Các giá trị DSVH đều biểu hiện các lợi ích của các lực lượng xã hội tiên tiến. Các giá trị DSVH đều chứa đựng những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), luôn tạo ra định hướng làm phát huy cái đúng, cái tốt, cái đẹp của con người.
1.2.2. Giáo dục giá trị di sản văn hoá cho học sinh phổ thông
Giáo dục giá trị của các DSVH cho HS là con đường bảo tồn và phát huy DSVH một cách bền vững nhất.
DSVH là tài sản của cộng đồng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là linh hồn gắn kết cộng đồng, dân tộc. DSVH không trường tồn mãi mãi, nó có thể bị mai một, bị mất đi nếu không có sự chăm sóc, giữ gìn, phát huy của cộng đồng. Có nhiều con đường để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong đó có sự tham gia của giáo dục. Có thể coi giáo dục là con đường bền vững nhất để giúp các thế hệ sau nắm bắt được những tinh hoa văn hóa mà các thế hệ cha ông đi trước đã xây dựng, chỉ khi mỗi cá nhân trong cộng đồng có những nhận thức, thái độ, hành vi đúng đắn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của DSVH thì mới đảm bảo được sự bền vững của các DSVH. Giáo dục giá trị DSVH cho HS THCS là quá trình tác động đến nhận thức của các em để từ đó các em có ý thức trong việc giữ gìn, tôn trọng giá trị của các DSVH cũng như quảng bá hình ảnh của DSVH của cộng đồng, dân tộc mình đến các cộng đồng trong nước và quốc tế.
1.2.2.1. Khái niệm
Giáo dục giá trị DSVH cho HS THCS là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch. Trong đó, dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục, đối tượng giáo dục tích cực, chủ động tiếp nhận những tác động đó để có nhận thức, hiểu biết đúng đắn về giá trị của DSVH từ đó có thái độ, hành vi tích cực trong việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH của địa phương, đất nước. Mục đích cuối cùng của giáo dục giá trị DSVH là tạo ra sự thống nhất giữa: nhận thức - thái độ - hành vi của đối tượng giáo dục đối với các DSVH.
1.2.2.2. Mục tiêu
Nhà trường cần giáo dục cho HS THCS có nhận thức đúng đắn về giá trị của các DSVH qua việc trang bị cho HS tri thức về DSVH từ đó nâng cao ý thức cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị DSVH của đất nước nói chung của địa phương nói riêng.