Nội Dung Luận Giải Cụ Thể Trên Tinh Thần Đối Thoại


Hình thức kết cấu của xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu khá phong phú, đa dạng, có nét vừa giống, lại vừa không giống với hai xu hướng TTLS kia. Ví dụ, tác phẩm “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân cũng thể hiện sự cách tân trong hình thức kết cấu thể loại khi không chia chương, không đánh số La Mã, mà mỗi mảnh truyện đều được đặt nhan đề, viết to và in đậm để tóm lược nội dung cụ thể của từng truyện như “Bữa ăn đêm”, “Sang sông”, “Thân chinh”, “Xương Giang”, “Ngọc Trần”, “Tứ hải giai huynh”, “Sân đình”, “Hội thề”. Có thể nói, 8 mảnh truyện này lồng ghép, đan kết với nhau, dệt nên thế giới nghệ thuật sống động của tác phẩm Hội thề. Một ví dụ khác, các tác phẩm “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh lại đổi mới hình thức kết cấu bằng việc vẫn chia các lớp truyện thành các mục được đánh số La Mã như I, II, III, IV, V,... và mỗi mục có đặt nhan đề thâu tóm nội dung khái quát của từng mục để tạo nên các lớp truyện, hình thành khung viền và sườn truyện trong tác phẩm. Trong mỗi mục La Mã, tác giả lại đánh số 1, 2, 3, 4, 5... ứng với từng sự kiện, nhân vật được kể lẻ tẻ, chắp nối trong các lớp truyện. Các mục được liên kết chặt chẽ với nhau bằng nhiều hình thức, có cả hình thức liên văn bản để kiến tạo nên bộ khung sườn của tòa nhà nghệ thuật với vô vàn các lớp truyện được ghép nối, lồng nhau để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nhìn chung, sự cách tân trong hình thức kết cấu tác phẩm thể hiện rất đa dạng, có nhà văn chia các lớp truyện bằng việc đánh số La Mã hay các “phần”, có nhà văn lại không đánh số La Mã, không chia các phần.

Xu hướng tiểu tiểu thuyết lịch sử đối thoại với sử liệu đề cao yếu tố hư cấu hơn yếu tố lịch sử, nên nếu hư cấu hoàn toàn sẽ dễ dẫn đến bóp méo, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, làm giả lịch sử, phản ánh sai bản chất của lịch sử. Nếu nhà văn không tuân theo giới hạn của sự hư cấu trong nguyên tắc thể loại, rất dễ dẫn đến quan điểm cực đoan đảo lịch sử, lật ngược vấn đề, “đổi trắng thay đen lịch sử, xúc phạm chiều sâu văn hoá dân tộc”. Ví dụ như tác phẩm Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn nghệ số 50, 12/2017 gây nhiều tranh luận khi tác giả vi phạm nguyên tắc hư cấu theo xu hướng đảo lịch sử, xuyên tạc, lật ngược lịch sử khi viết về nhân vật Trần Ích Tắc. Nguyễn Văn Dân cho rằng “tác giả đã [...] vi phạm nguyên tắc hư cấu”[75; 211]. Đây là mặt hạn chế của TTLS Việt Nam đương đại.

4.2. Nội dung luận giải cụ thể trên tinh thần đối thoại

4.2.1. Đối thoại về các vấn đề tâm linh

Các tác phẩm thuộc xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường đề cao yếu tố “hư cấu” mang tính phản biện lại, luận giải các vấn đề lịch sử nhằm gửi đến người đọc những cách nhìn mới mang tính khách quan, luận giải công bằng hơn về các vấn đề lịch sử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân cho rằng muốn luận giải không phải bịa đặt, không phải xuyên tạc lịch sử, không phải lật ngược bản chất vấn đề, nhà văn phải có quan điểm nhìn nhận các vấn đề lịch sử theo chủ nghĩa duy vật biện chứng mang tính khách quan, không


định kiến [75] . Vì xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường luận giải về các vấn đề lịch sử bằng sự phản biện khá tự do, dân chủ, nên nhà văn phải kiểm soát tốt tư duy nghệ thuật, không được mở rộng quan điểm phản biện quá chủ quan đến mức cực đoan, không xuyên tạc sai lệch bản chất lịch sử dân tộc, vi phạm nguyên tắc thể loại.

Trong bối cảnh giao lưu hội nhập toàn cầu, cuộc sống hiện đại luôn nhắc nhở con người giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ quốc hồn quốc túy qua các giá trị văn hóa ổn định của dân tộc là điều cần thiết. Vì vậy, xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu tái hiện lại không khí cổ xưa, luận giải lịch sử bằng việc tìm về với các giá trị văn hóa cội nguồn để luận giải bản sắc văn hóa Việt Nam với nền văn hiến lâu đời, độc lập, tự chủ, thấm đượm tính nhân văn là điều quan trọng.

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường đào sâu vào lĩnh vực văn hóa, phong tục cũng là một hướng khám phá mới về lịch sử, góp phần đổi mới thể loại trong tiến trình phát triển của TTLS tiểu thuyết nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung. Các tác phẩm viết theo xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường tái hiện lại bức tranh toàn cảnh về văn hóa Việt, miêu tả sâu sắc tín ngưỡng, luận giải về các vấn đề tôn giáo của nhân dân vùng Bắc Bộ trong sự va đập với văn hóa của Pháp. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt còn được luận giải sâu sắc, hiện lên trong nhiều tác phẩm khác nhau của Nguyễn Xuân Khánh như “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa”. Qua đó, bức tranh toàn cảnh về văn hóa của nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được các nhà văn tái hiện lại một cách cụ thể, chân thực. Các nhà văn không né tránh lĩnh vực văn hóa tâm linh tôn giáo như trước đây, vấn đề này rất khó viết, buộc nhà văn phải có quan điểm thẩm mỹ sâu sắc, có vốn sống, vốn tri thức sâu rộng, có nhiều kinh nghiệm, có tầm văn hóa cao chắt lọc các nhân tố tích cực và loại bỏ những hạn chế, tiêu cực của tôn giáo để xây dựng các hình tượng nghệ thuật bằng thái độ khẳng định hoặc phủ định rõ ràng, tránh sa vào mê tín dị đoan. Nhìn chung, hầu hết các nhà văn viết theo xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường có những cách tiếp cận, đối thoại, phân tích, xử lý chất liệu, luận giải lịch sử bằng quan điểm nghệ thuật thẩm mỹ, ngay cả cách đối thoại với các vấn đề khó viết- vấn đề tôn giáo, tác giả luôn đứng trên quan điểm biện chứng tích cực, tiếp thu các giá trị Chân- Thiện- Mỹ, chắt lọc tinh hoa tôn giáo nhân loại để thúc đẩy sự phát triển của xã hội và lên án, phê phán, tố cáo, loại bỏ các hiện tượng tôn giáo cực đoan, tiêu cực.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Các nhà văn luôn quan tâm đến lĩnh vực tôn giáo gắn với đời sống tinh thần của con người, coi nó như một giải pháp tinh thần tích cực để nuôi dưỡng nhân tâm con người hướng thiện, an lạc, tĩnh tâm, nhân đạo hóa con người mà không mê tín dị đoan theo tà đạo. Vì thế, ta thấy thế giới tâm linh và con người tâm linh trong mối quan hệ với lịch sử- văn hóa, phong tục được khám phá bằng quan điểm biện chứng tích cực xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh như “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”; “ iàn thiêu” của Võ Thị Hảo,… Các nhà văn đề cập đến vấn đề tôn giáo tâm linh bằng quan điểm biện chứng rõ ràng, hướng người đọc tiếp nhận các vấn đề tôn


Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại nhìn từ góc độ thể loại - 16

giáo bằng ánh sáng của lý trí và tình cảm thẩm mỹ, tư tưởng nhân đạo, tình yêu thương con người, hướng tới các giá trị Chân- Thiện- Mỹ, chứ không dẫn dụ, mê hoặc con người theo những niềm tin mù quáng, không mê tín dị đoan theo tà đạo.

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường phát huy cao độ tính hư cấu qua bút pháp huyền thoại hóa gắn với việc dùng mô típ giấc mơ của nhân vật để luận giải khát vọng lịch sử gắn với vận mệnh của quốc gia dân tộc qua hình tượng con người tâm linh. Ví dụ như mô típ giấc mơ còn được Nguyễn Xuân Khánh miêu tả nhiều lần trong “Hồ Quý Ly” như chi tiết vua Lý Thái Tông mơ thấy thần núi Đồng Cổ giúp sức dẹp giặc Chiêm, chi tiết vị thần này hiện về trong giấc mơ của vua Lý Thái Tông báo trước về “loạn tam vương”, những giấc mơ kỳ lạ về việc mọc cánh và biết bay của Nguyên Trừng, giấc mơ của Hồ Quý Ly về “kẻ mặt trắng” quay đi như điềm báo báo trước việc tầng lớp trí thức quay lưng lại, không đứng về phía ông. Có lúc giấc mơ là hình thức để xét đoán lòng người, dự báo về thời thế như việc vua Nghệ Tông bịa ra giấc mơ “hầu mõm đỏ”(ám chỉ Quý Ly tuổi Thân) trèo lên “lầu gà trắng” (vua sinh năm Tân Dậu) và mời Sử Văn Hoa đến giải mộng. Giấc mơ của vua Nghệ Tông như để nói lên sự chia rẽ bè phái rất nguy hại trong xã hội, cảnh báo trước tham vọng thoán ngôi đoạt vị của Quý Ly và sự trả thù của ông gây ra những bi kịch đau đớn với tầng lớp quý tộc nhà Trần, kết thúc bằng sự sụp đổ của nhà Trần. Bút pháp huyền thoại hóa việc dùng mô típ giấc mơ của nhân vật có vai trò trong việc hư cấu phân tích tâm lý nhân vật trong các tình huống cụ thể, tạo sự hấp dẫn, thú vị, lôi cuốn người đọc.

Bút pháp huyền thoại hóa được phát huy cao độ trong “ iàn thiêu” của Võ Thị Hảo, ta thấy con người tâm linh và thế giới siêu hình hư ảo, huyễn hoặc, rùng rợn, ghê sợ đầy quỷ sứ và hồn ma được tái sinh qua nhiều kiếp sống, đồng hiện trong nhiều khoảng không- thời gian thực ảo để nhà văn luận tội nhân vật Ỷ Lan và giải thiêng thần tượng Ỷ Lan trên cơ sở của sự kiện lịch sử có thật được chính sử ghi chép. Đó là oan hồn Từ Vinh, những oan hồn quanh miếu thổ thần, dật dờ, “mặc áo trắng và xõa tóc” bồng con, oan hồn của Thái hậu Thượng Dương và hơn bảy mươi (72) cung nữ trong lãnh cung, nhiều quỷ sứ “được ra khỏi vạc dầu địa ngục để tái sinh trở lại thành người trong một kiếp khác” [118; 396]. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh tâm trí Ỷ Lan, gợi nhắc về tội ác của bà đã gây ra với Thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ trong cuộc chiến giành quyền lực mà lịch sử không thể tha thứ. Sử liệu vẫn còn ghi chép về tội ác này của Lan Ỷ: “Bà đã bắt giam Thái hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung, bỏ đói cho đến chết” [49; 88]. Một nguồn sử liệu khác cũng ghi chép lại sự kiện có thật đau xót, khủng khiếp, kinh hoàng này: “Ỷ Lan Thái phi tính hay ghen ghét, thấy bà Dương Thái hậu giữ quyền, trong bụng không yên, bèn xui vua bắt Thái hậu và 72 người thị nữ bỏ ngục tối, rồi đem giết cả” [154; 106]. Võ Thị Hảo đã dùng bút pháp huyền thoại hóa đã hòa trộn thế giới ảo và thực, miêu tả không gian tâm linh huyền bí đầy ám khí với những vong hồn, “oan hồn”, thần thánh…hiện về trong giấc mơ để báo mộng, đối thoại, ám ảnh Ỷ Lan, tác động mạnh vào óc tưởng tượng của người


đọc, gợi cảm giác mê hoặc, rùng rợn, ghê sợ, bất ngờ, lôi cuốn, hấp dẫn. Tác giả dùng bút pháp huyền thoại hóa với lớp ngôn ngữ đậm màu sắc tôn giáo với các từ và cụm từ như Niệm xứ”, “Đầu thai”, “ iải thoát”, “Nghiệp chướng”, “Kinh cầu hồn”, “Vãng sinh tịnh độ thần chú”, “Kinh Đại bi sám pháp”... để tái hiện lại không khí lịch sử của quá khứ và hư cấu thế giới nội tâm của con người một cách sâu sắc trên nguyên tắc đối thoại. Nhìn chung, bút pháp huyền thoại hóa đã vén mở tất cả những góc khuất lịch sử, đối thoại, phản biện lại lịch sử, vạch trần tất cả các phần sáng tối, thậm chí cả tội ác của Ỷ Lan nhằm giải thiêng thần tượng, chứ không ca ngợi một chiều về các mặt hiền từ, nhân đức của nhân vật lịch sử này.

Qua con người tâm linh và thế giới kì ảo, các nhà văn hư cấu sáng tạo trên cơ sở hiện thực lịch sử để tạo ra các giấc mơ như điềm báo, … nhằm làm toát lên đời sống tinh thần của những con người có thật trong lịch sử. Ví dụ như trong tác phẩm “Hồ Quý Ly”, Nguyễn Xuân Khánh miêu tả nhân vật Sử Văn Hoa có tài đoán giải các giấc mộng: “có tài chiêm mộng. Việc bói toán, việc đoán mộng trong triều đình đều do ông làm” [173; 35]. Ông đã đoán giải giấc mộng của Nguyên Trừng, đoán mộng cho vua Duệ Tông, đoán giấc mơ của vua Trần Nghệ Tông, .…Qua đó, nhân vật Sử Văn Hoa bộc lộ sự thông minh, sáng suốt, thẳng thắn, trung thực trong việc kín đáo tham vấn với các bậc tướng lĩnh và vua qua việc giải mộng để hướng tới khát vọng cao đẹp, tránh đau khổ cho con người, không gây tội ác, không sa vào những niềm tin mù quáng. Mỗi lần luận giải giấc mộng cho vua hay các vị tướng trong triều, Sử Văn Hoa biết sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng ông đứng trên lập trường của nhân dân, bất chấp tất cả để nói ra hết mọi sự thật nhằm bảo vệ sự cường thịnh của quốc gia dân tộc, thúc đẩy tiến bộ xã hội hoặc ngăn chặn cái xấu cái ác ngầm được cảnh báo trước trong các giấc mơ do vua bịa ra để dò lòng thiên hạ. Văn Hoa là nhân vật hư cấu hoàn toàn, đại diện cho tầng lớp trí thức tâm thiện, ngay thẳng, trong sạch, khí phách hiên ngang, bất chấp tất cả, không khom lưng uốn gối trước cường quyền bạo ngược để ghi chép trung thực lịch sử của thời đại, nói lên khát vọng của nhân dân: “ông cặm cụi ghi chép những việc xảy ra”, “không bỏ sót việc gì [...] sâu bệnh, bão lụt, mất mùa”, “tranh quyền cướp vị, thắng giặc”, “những vụ án oan [...] ông muốn viết một quyển quốc sử cho thật đàng hoàng, thật trung thực [...] đạo Phật là phần âm. Dân có được thuần phong mỹ tục, có được văn hiến sáng ngời, phần nào nhờ vào đạo Phật” [173; 482-484, 635]. Nhân vật Sử Văn Hoa mang ý nghĩa biểu tượng cho những tư tưởng biện chứng tích cực của tầng lớp trí thức trong xã hội thời xưa để định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy tiến bộ xã hội… Khi miêu tả con người tâm linh trong đời sống văn hóa tâm linh, các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại cũng thẳng thắn bày tỏ thái độ phủ định, lên án, phê phán, tố cáo các hoạt động mê tín dị đoan, bác bỏ các hiện tượng tiêu cực mê hoặc, dẫn dụ con người theo niềm tin mù quáng của tà đạo, phản khoa học, gây tổn hại đến đời sống của con


người như việc chữa bệnh bằng bùa chú, trừ ma đuổi tà, uống nước thánh, lên án việc lợi dụng niềm tin mù quáng, cực để buôn thánh bán thần, kiếm lợi bất chính.

Khi con người đắm mình trong cõi tâm linh, người ta thường tưởng tượng ra sự kết nối, cầu khấn người đã khuất, trời Phật phù hộ để thắng giặc ngoại xâm. Ví dụ như chi tiết Trần Khát Chân khấn vái mong thắng giặc Chiêm trong tác phẩm “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh: “Con là Trần Khát Chân, được mệnh vua mang quân đi dẹp giặc. Thế giặc đang quá mạnh. Con xin anh hồn của các bậc tiền nhân, những anh hùng tận trung với nước, hãy phù hộ độ trì, giúp đỡ cho con, để diệt tan giặc dữ, bảo vệ được giang sơn” [173; 260]. Vì vậy, nhiều nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử đương đại đã thể hiện niềm tin vào tôn giáo theo chiều hướng biện chứng tích cực, thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp, chứ không mê tín, không u mê theo đức tin mù quáng. Qua đó, các nhà văn thể hiện sự cách tân trong quan niệm thẩm mĩ, không né tránh các vấn đề tâm linh như trước thời kỳ Đổi mới (1986). Ví dụ như chi tiết miêu tả giặc Chiêm nhiều lần cất quân đánh Đại Việt, Hồ Quý Ly thực hiện chính sách “thầy chùa còn trẻ dù đã cắt tóc cũng phải sung vào lính” [173; 226]. Như vậy, ta thấy tác giả đã đưa các vấn đề tôn giáo tâm linh gắn với quan điểm biện chứng, tích cực, tràn đầy lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, hướng về nhiệm vụ thực tiễn của đất nước chống giặc ngoại xâm. Nguyễn Xuân Khánh còn phê phán việc lợi dụng việc chùa chiền để kiếm lợi bất chính hay việc Thiên Nhiên tăng (Phạm Sư Ôn) không thể dứt bỏ dục lạc trần gian nên buộc phải hoàn tục qua thái độ nghiêm khắc của sư Vô Trụ và lối hành xử theo giáo lý “tùy duyên” của nhà Phật.

Nguyễn Xuân Khánh còn luận giải về văn hóa Việt bằng việc đối thoại với tư tưởng Phật giáo, chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại trong Phật giáo và các tôn giáo khác để nuôi dưỡng tâm hồn con người hướng đến các điều Chân- Thiện- Mỹ: “đó là những suy tư của ông về lịch sử và văn hóa, trong đó, văn hóa là cốt lõi của lịch sử, là chiều sâu quy định sự hằng tồn của quốc gia, dân tộc” [99; 8]. Trong “Hồ Quý Ly”, các vấn đề Phật giáo được miêu tả qua lối sống hướng thiện, thanh sạch, nhân đạo của nhân vật sư Vô Trụ theo triết lý của nhà Phật, từ bỏ tham- sân- si, bao dung, độ lượng, nhân từ, bác ái, từ- bi- hỉ- xả, hướng thiện, ung dung, tự tại, an nhiên giữa cuộc đời. Song, ông cũng phê phán mặt hạn chế như việc “ai cũng chỉ lo xuất thế đi tìm cực lạc” trong lúc Tổ quốc lâm nguy để nêu lên bức thông điệp thẩm mỹ mang tính hành động giữa đạo và đời: mọi tư tưởng nhân văn của Phật giáo mang tính biện chứng, tích cực phải biến thành hành động yêu nước thiết thực của mỗi người dân để bảo vệ non sông đất nước khi có “Kẻ ngoại bang lăm le dòm ngó”. Qua đó, người đọc hiểu sâu sắc về đời sống tinh thần, niềm tin của con người trong lịch sử, từ đó giữ gìn nền văn hiến, phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy mặt tích cực phục vụ cuộc sống đương đại, ngăn chặn, loại bỏ các tư tưởng, quan điểm cực đoan, cổ hủ lạc hậu, mê tín dị đoan, tà đạo gây tổn hại xã hội.


Trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu, ta thấy lịch sử dân tộc được luận giải hòa quyện, thấm sâu vào đời sống sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tâm linh, tín ngưỡng, phong tục của con người và nhà văn lật giở những góc khuất lịch sử để luận giải về số phận con người, văn hóa tâm linh một cách xúc động. Ví dụ như trong các tác phẩm “Mẫu Thượng Ngàn” và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh. Ví dụ như hình ảnh sư Vô y trong “Đội gạo lên chùa” có cách hành xử theo giáo lý nhà Phật. Đây là nhà sư đức độ, hướng thiện, trút bỏ mọi tham- sân- si, giữ tâm hồn thanh sạch, sống nhân đạo, từ bi, yêu thương vạn vật, cứu nhân độ thế, tìm cách giải thoát cho chúng sinh thoát khỏi “vô minh”, khổ đau, cứu giúp người cơ nhỡ, hoạn nạn, tất cả vì sự phát triển tốt đẹp của con người. Tác giả hư cấu ra chi tiết sư Vô y được cứu sống bởi bát nước thịt của Trắm để luận giải, phản biện, đối thoại về quan niệm tu hành, ăn chay của nhà Phật, không phải cứ niệm Phật là phải ăn chay, mọi sự “tùy duyên”, nếu tốt đẹp thì ta không nên “chấp trước điều gì”, không vận dụng một cách máy móc, có thực mới vực được đạo. Con người trước hết phải sống, phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của của cuộc sống như ăn, mặc, ở..., có sức khỏe tốt thì mới “vực đạo” như sư Vô y. Tu Phật là lối sống “âm tính” nhập thế, hướng thiện, bao dung, từ bi, bác ái, yêu thương, cứu giúp con người một cách vô tư, thanh thản mà không toan tính thiệt hơn, không quay lưng lại với đời. Lối sống tu Phật, hướng thiện, nhân đạo có ý nghĩa cảm hóa, lay động lối sống của những con người đang lao vào cuộc chiến tranh giành quyền lực, xâm lược lãnh thổ mà chém giết nhau, sát hại lẫn nhau, gây cảnh chiến tranh loạn lạc đau thương, hủy diệt. Nhưng cuối cùng, sư Vô y bị giam hãm, tra tấn, hành hạ trong đồn bốt của Pháp, ở trại cải tạo số 2 và chết dưới nòng súng của đội cải cách ruộng đất. Nguyễn Xuân Khánh lật giở lại những góc khuất của lịch sử, trở về với cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất sau khi đuổi Pháp, Mỹ và lập lại hòa bình trên đất nước, để từ đó luận giải về số phận cá nhân, những khổ đau, oan trái, tức tưởi, sai lầm của con người trong lịch sử qua nhân vật sư Vô y.

4.2.2. Đối thoại về lịch sử đổi mới và thống nhất đất nước

Chúng ta không nên hiểu một cách cơ học đối thoại với sử liệu là đem đối chiếu các tư liệu lịch sử với tác phẩm văn học thuộc thể loại TTLS, chúng ta không nên thực hiện thao tác đối chiếu cơ học giữa nguồn sử liệu và TTLS, mà bản thân các yếu tố “lịch sử” được đưa vào tác phẩm và triển khai theo tư tưởng, quan điểm nghệ thuật thẩm mĩ của nhà văn đã là cuộc đối thoại lớn, được thể hiện trong các lớp cấu trúc của tác phẩm và người đọc đã phần nào cũng biết trước về sử liệu.

Trong xu hướng TTLS tiểu thuyết lịch sử đối thoại với sử liệu, một số nhà văn cũng đưa một số ít nhân vật lịch sử có thật vào tác phẩm để tạo khung cốt truyện theo nguyên tắc thể loại nhằm luận giải về các vấn đề lịch sử, hư cấu dự phóng về những khả năng có thể xảy ra của lịch sử, đánh giá nhân vật có thật một cách khách quan, công bằng, dân chủ trên tinh thần không hiểu sai bản chất lịch sử như “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.


Các nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường tìm về với lịch sử dân tộc, khám phá, luận giải các nhân vật, sự kiện có thật được ghi chép, đánh giá, nhìn nhận theo chính sử trong phạm vi giới hạn thể loại. Nguyễn Xuân Khánh quan niệm: “viết về những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử…, người viết không được bịa đặt một cách trắng trợn. Chỉ được phép hư cấu về tâm lý hoặc thêm những nhân vật hư cấu để soi sáng nhân vật có thực” [149]. Trong lối tư duy nghệ thuật, nhà văn lật giở lại lịch sử, muốn đảo lại lịch sử để luận giải một cách khách quan, công bằng đối với nhân vật lịch sử đã “đóng đinh” vào sử sách. Nguyễn Xuân Khánh muốn đảo lại lịch sử để đánh giá lại nhân vật Hồ Quý Ly một cách công tâm, khách quan qua những nghi vấn về lịch sử để thay đổi cái nhìn của các nhà sử học xưa nay vẫn thường lên án, tố cáo Hồ Quý Ly. Nguyễn Xuân Khánh luận giải về khát vọng đổi mới và thống nhất đất nước cũng như những sai lầm, thất bại của nhân vật Hồ Quý Ly qua bi kịch lịch sử, để từ đó rút ra nhiều bài học sâu sắc.

Thật vậy, tác phẩm “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh tái hiện lại giai đoạn lịch sử phức tạp, đầy sóng gió gắn với nhân vật lịch sử có thật là Hồ Quý Ly để luận giải về lịch sử. Nhà văn tập trung vào nhân vật lịch sử “có vấn đề” là Hồ Quý Ly, khám phá các mặt tích cực, tiến bộ mà trước đây chính sử phủ nhận, để luận giải về vấn đề “thời thế” và việc đổi mới, canh tân đất nước. Hồ Quý Ly là con người nhập thế, mang khát vọng lịch sử, muốn “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, đưa đất nước phát triển, tiêu biểu cho lối sống “dương tính” của con người nhập thế, không quay lưng lại với thời cuộc. Ông sẵn sàng làm mọi việc để thực hiện tham vọng, kể cả những việc tàn bạo nhất, chà đạp lên người khác, tàn sát quý tộc nhà Trần, gây tội ác tày trời mà sử sách còn ghi chép. Khi miêu tả các sự kiện quan trọng và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Hồ Quý Ly và một số nhân vật lịch sử khác được nhân dân tôn thờ, Nguyễn Xuân Khánh không hư cấu tuỳ tiện, mà chỉ hư cấu ở giới hạn cho phép của thể loại để luận giải, giải thích một cách cụ thể, chân thực, xác tín, sát đúng theo tinh thần lịch sử gắn với các sự thật lịch sử được ghi chép trong chính sử. Qua nhân vật Hồ Quý Ly, tác giả đã biện giải về một lịch sử đã ổn định, hoàn tất nhưng còn nhiều điều bí ẩn, góc khuất của nó bị bỏ qua bởi lớp bụi thời gian và định kiến của con người, cùng diễn ngôn thời đại chi phối việc chép sử. Nhà văn không chỉ khám phá những mặt “tội” mà còn phân tích, luận giải những mặt tích cực, tiến bộ, khẳng định “công” của Hồ Quý Ly đối với lịch sử một cách công bằng, khách quan.

Trước đây, các sử gia phong kiến đều cho rằng Hồ Quý Ly là “kẻ loạn thần tặc tử”, “kẻ thoán đoạt ngôi vua”, quan liêu, “tham”, đã gây nhiều “tội ác” tầy trời, tráo trở, gây “tai họa cho đất nước” như bức hại Thuận Tông, sát hại các công thần chống đối ông, tàn sát quý tộc nhà Trần một cách dã man, tàn bạo, làm nội bộ đất nước lục đục, rối ren và không chống đỡ được giặc Minh [235; 15]...Các sử gia phong kiến “kết tội” Hồ Quý Ly nhiều hơn việc phân tích “công lao”, các mặt tiến bộ, tích cực của ông đối với đất nước lúc bấy giờ. Trong khuynh hướng đối thoại với sử liệu, nhận thức lại lịch sử, nhiều nhà sử học


ngày nay nhìn nhận Hồ Quý Ly “đánh giá cao mặt tích cực của Hồ Quý Ly”, cho ông là một “nhà cải cách táo bạo và kiên quyết”, là người “yêu nước và độc lập cao”, “thông minh, kiến thức sâu rộng”, mạnh mẽ, quyết đoán, có ý thức lo cho vận mệnh của quốc gia dân tộc, có óc “thực tiễn” nhưng “nóng vội”, “mù quáng” [235; 54]. Các nhà văn trong xu hướng đối thoại với sử liệu cũng nhận thức lại lịch sử, để có những cái nhìn khách quan, luận giải công bằng, trung thực về “công và tội” của Hồ Quý Ly. Để lãnh đạo đất nước, xây dựng xã hội yên bình, hưng thịnh, Hồ Quý Ly đã đổi mới đất nước trước các yêu cầu của lịch sử để chống đỡ, cứu vãn nguy cơ mạt vận, sụp đổ của nhà Trần. Ông kiên quyết, dứt khoát, quyết liệt trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.

Nguyễn Xuân Khánh đã luận giải về “tội và công” của Hồ Quý Ly với sự thật lịch sử: đứng trước việc giặc Chiêm nhiều lần cất quân đánh Đại Việt và giặc Minh lăm le xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly muốn giữ nước, yên dân, có khát vọng đổi mới mọi mặt đến quyết liệt, tàn bạo. Nhưng, ông nóng vội, chủ quan, duy ý chí, không được lòng dân, không hiểu được sức mạnh của dân, xa dời dân, nên không thể tránh khỏi sai lầm, thất bại đau đớn, rơi vào bi kịch lịch sử, không cản được giặc Minh xâm lược đất nước. Đó là bài học kinh nghiệm xương máu mang tính thời sự cho muôn đời sau trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước: phải coi trọng sức mạnh đoàn kết muôn dân, lấy dân làm gốc, làm cho dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu mạnh để dân giữ nước, tránh sai lầm, thất bại của lịch sử qua nhân vật Hồ Quý Ly. Ông không chú ý nhiều đến lợi ích của dân, không đảm bảo được cuộc sống ấm no cho dân, nên dân “oán hận” và không thể tránh khỏi thất bại. Nguyễn Trãi đã phản ánh sự thật lịch sử dẫn đến sai lầm, thất bại của Hồ Quý Ly trong Bình Ngô đại cáo: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa/ Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”. Khi đọc Hồ Quý Ly, ta thấy việc “dân oán hận”, Hồ Quý Lý để “mất lòng dân” xuất phát từ chính sách hạn điền, hạn nô đánh vào giới quý tộc và địa chủ nhà Trần, “dân” ở đây chính là tầng lớp nô tỳ, nông nô bị giới địa chủ, quý tộc áp bức, bóc lột sức lao động nên “oán hận”. Có thể hiểu “mất lòng dân” theo nghĩa trực tiếp và gián tiếp: tầng lớp địa chủ, quý tộc oán hận Hồ Quý Ly. Đây là một cách biện giải lịch sử rất cụ thể, khách quan cho việc “dân oán hận” Hồ Quý Ly. Ông nhận thức rõ yêu cầu bức thiết của lịch sử phải đổi mới, tìm ra một con đường đi riêng cho dân tộc, yêu nước, có ý chí, có lòng tự tôn dân tộc, có những thành công nhất định trong việc tổ chức quân đội để chống giặc Minh. Tư tưởng canh tân đất nước của ông có tiến bộ, tích cực nhưng chưa triệt để, thậm chí có những cải cách còn đi ngược lại lợi ích của dân, nhân dân không đứng về phía ông nên không tránh khỏi bi kịch thất bại. Ông không biết dùng lối đánh du kích, không phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống giặc Minh; ông đảm trách nhiều việc hệ trọng trong quân sự nhưng không có tài dùng binh pháp, thiếu mưu lược quân sự, bị động

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/02/2023