Các Loại Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Xuân Khánh 2.2.1.nhân Vật Bi Kịch


Chương 2


CÁC LOẠI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ NGUYỄN XUÂN KHÁNH


2.1. Khái niệm nhân vật văn học

Bất kì một tác phẩm tự sự nào cũng không thể thiếu nhân vật vì nhân vật là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Do đó, nhân vật bao giờ cũng là vấn đề trung tâm của tác phẩm văn học.

Trong cuốn Lý luận văn học (Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo Dục, H.2007) cho rằng, nhân vật văn học: “đó không chỉ là con người, những con người có tên hoặc không tên, được khắc hoạ sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người”[37].

Trong cuốn “Lý luận văn học” do Phương Lựu chủ biên (NXB Giáo dục, H2006) cũng đưa ra quan niệm khái quát cho rằng: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả , thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học”. Nhân vật là yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm văn học. Thông qua nhân vật, nhà văn “khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó[64 ].

Theo “Giáo trình lý luận văn học – Tập 3” (Trần Đình Sử chủ biên, NXB ĐHSP), khái niệm nhân vật được “dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.


các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ”. Sự thể hiện nhân vật trong tác phẩm văn học không nhất thiết phải là “những người có tên” mà có thể là “những người không có danh tính bình thường nhưng vẫn được nhận biết nhờ cái “tên” mà nhà văn đặt ra một cách ước lệ”. Nhân vật cũng “không nhất thiết phải mang hình hài con người mà có thể đội lốt vật, muông thú, cây cỏ hay lốt của những sinh thể hoang đường”[79].

Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh - 6

Như vậy, trong tác phẩm tự sự nhân vật là một trong những khái niệm quan trọng để xem xét sáng tác của một nhà văn. Dù nhân vật tồn tại dưới hình thức nào chăng nữa thì nhân vật văn học cũng là sự thể hiện con người và thân phận con người. Bởi vậy, nhân vật cũng chính là tất cả những gì mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc trong tác phẩm của mình.

Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn là những cuốn tiểu thuyết bề thế viết về những thời điểm lịch sử khá nhạy cảm của nước ta. Hồ Quý Ly viết về thời mạt Trần đầu Hồ cách đây đã hơn 600 năm. Mẫu thượng ngàn viết về cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX cách đây hàng trăm năm. Trong hai cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng một thế giới nhân vật vô cùng phong phú, hấp dẫn. Sự phong phú của thế giới nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh chính là hình bóng thật của lịch sử với tất cả sự phức tạp vốn có của nó. Mỗi loại nhân vật gắn với chiều sâu lý giải thế giới và con người của nhà văn, mỗi nhân vật thể hiện một quan niệm nghệ thuật về con người cũng như thể hiện sự chiêm nghiệm của nhà văn về nhân thế, bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu sự cá tính hoá hết sức sâu sắc của nhà văn.

Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu vào một số loại nhân vật tiêu biểu, thể hiện sâu sắc quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Đó là nhân vật bi kịch, nhân vật bản năng, nhân vật huyền thoại kì ảo, nhân vật dị biệt. Tất nhiên, sự phân loại nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi có


những nhân vật được nhà văn thể hiện như là sự tổng hoà của các quan niệm khác nhau về con người. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, nhân vật ông hộ Hiếu có thể coi là con người dị biệt nhưng soi chiếu từ một bình diện khác đây lại là nhân vật bi kịch. Hay bà Ba Váy, cô Mùi, cô Ngơ, thím Pháo… cũng vậy. Họ là hiện thân đầy sức sống của những nhân vật bản năng nhưng cuộc đời họ cũng mang bao nhiêu nỗi đau và bi kịch của cõi nhân sinh.

2.2. Các loại nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh 2.2.1.Nhân vật bi kịch

Nhân vật bi kịch thực ra đã xuất hiện trong văn học hiện thực phê phán từ những năm 1930 -1945 với những nhân vật điển hình như Chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo... Lịch sử chế độ thực dân phong kiến thối nát đã đẩy cuộc đời họ vào những tấn bi kịch đau đớn và những bi kịch ấy cho đến nay vẫn gợi lên ở người đọc nỗi niềm cảm thương da diết. Nhưng đến văn học 1945 – 1975, do chịu sự quy định của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của cảm hứng sử thi, lãng mạn nên con người bi kịch ít khi xuất hiện trong văn học thời kì này, con người với những nỗi đau riêng về thân phận ít được quan tâm. Nhân vật trong tác phẩm văn học lúc này chỉ có thể là những con người yêu nước, con người cách mạng hoà chung vào sự nghiệp cao cả, vĩ đại của cả dân tộc.

Khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống thời bình trở lại quy luật của cuộc sống đời thường với bao nhiêu bộn bề, phức tạp. Văn học lúc này “phải nhìn thẳng vào sự thật” để thấy được tất cả mọi mặt của đời sống con người, trong đó có cả những mâu thuẫn, những trăn trở, khát vọng, và cả bi kịch… Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng như bao nhà văn đương đại khác đã chứng tỏ một hiện thực cuộc sống phong phú, toàn diện như nó vốn có chứ không phải một “hiện thực được chưng cất và lý tưởng hoá” [75,107] qua việc xây dựng hàng loạt những nhân vật bi kịch trong Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn.


2.2.1.1. Bi kịch của nhân vật làm chủ lịch sử

Nhân vật làm chủ lịch sử là những nhân vật có khả năng tác động đến lịch sử, làm xoay chuyển được guồng quay của lịch sử, vận hành bánh xe lịch sử theo mong muốn chủ quan của cá nhân. Đó là những con người trong mối quan hệ với lịch sử ở vào thế chủ động hoặc tình thế lịch sử đã tạo cho họ cơ hội để thực hiện hoài bão, khát vọng của mình. Nhân vật Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên và anh em nhà Messmer trong Mẫu thượng ngàn là những nhân vật như vậy.

* Nhân vật Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly là nhân vật để lại dấu ấn khá đậm trong lịch sử nước ta với những nhận định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của hậu thế. Trong các bộ chính sử của các sử gia phong kiến, trong tiềm thức của bao thế hệ, Hồ Quý Ly được nhìn nhận như một kẻ phản thần, loạn thần, một kẻ nghịch tặc, bất trung, mang trọng tội với đất nước, với nhân dân. Sau này, các sử gia hiện đại có cái nhìn cởi mở hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá về ông. Hồ Quý Ly được coi là “một nhân vật lịch sử có tầm cỡ, một nhân cách đặc biệt, một nhà cải cách lớn”[76,258]; “Họ Hồ có một tinh thần độc lập, chịu suy xét, dám tự tin, dám hoài nghi, không adua hót bậy, nịnh sằng như đám nho sĩ trước và sau đấy”[77] Song tất cả những nhận định trên mới chỉ thấy được con người “bên ngoài” của nhân vật lịch sử phức tạp này.

Từ cái nhìn “đa diện” về con người cùng với cái nhìn rộng mở mang tinh thần dân chủ của tư duy tiểu thuyết hiện đại, nhà văn đã vượt qua những “kỵ huý lịch sử”, xây dựng nhân vật Hồ Quý Ly với tính cách phức tạp, với sự phát triển đầy mâu thuẫn, biện chứng, có chiều sâu. Nhà văn đã đặt Hồ Quý Ly vào nhiều mối quan hệ phức tạp của gia đình và xã hội để soi chiếu với tư cách một con người trong tính toàn vẹn, trong chiều sâu nhân bản. Điều này đã giúp nhà


văn khám phá con người Hồ Quý Ly không chỉ “bề ngoài” mà còn khám phá được cả “bề sâu”, khám phá được cả sáng - tối, âm – dương. Hồ Quý Ly là nhân vật đa diện được nhà văn khắc hoạ sinh động bậc nhất trong tác phẩm này với tư cách một con người đời thường đầy những bi kịch. Bi kịch trong con người Hồ Quý Ly là bi kịch cá nhân nhưng cũng đồng thời phản ánh bi kịch lịch sử.

Bi kịch do buộc phải làm điều ác

Nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly gắn liền với 30 năm mạt Trần từ 1370 – 1400 và những năm đầu của thế kỉ XV. Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhìn nhận ông là một nhân vật lịch sử có tầm cỡ về tư tưởng, có thực tài, quyết đoán, dám đương đầu với mọi thế lực lớn nhỏ để làm nên một cuộc “đổi đời” trời long đất lở.

Để thực hiện hoài bão chính trị lớn lao đó, Hồ Quý Ly buộc phải ác, bàn tay ông buộc phải nhuốm máu, buộc phải trở thành một “bạo chúa” để trấn áp những kẻ chống đối và đương đầu với ông. Với hàng loạt tội ác mà Quý Ly đã gây ra, ông bị kết tội “tàn tặc, lạnh lùng, đa sát”, thậm chí còn bị xem như loài “chó lợn”. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, ta thấy rằng những hành vi tội ác của Hồ Quý Ly là tất yếu trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nhân vật. Không thể đổ lỗi tất cả mọi hành động cho hoàn cảnh nhưng Hồ Quý Ly vốn không phải dòng dõi tôn thất mà chỉ là ngoại thích, nếu không ác, nếu nhu hiền như Nghệ Hoàng thì chẳng mấy chốc Hồ Quý Ly sẽ bị phe bảo thủ nhà Trần hất ra khỏi vũ đài chính trị và sớm thất bại thê thảm. Cho dù muốn hay không, khi đã tham dự vào sân khấu chính trị, Hồ Quý Ly không thể không tuân theo những quy luật của nó, kể cả đó là những quy luật tàn nhẫn.

Điều đáng nói là nếu sau những hành động nhẫn tâm đó, Hồ Quý Ly cảm thấy đắc thắng, thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng, hả hê, sung sướng thì Hồ Quý


Ly quả thật đáng sợ. Nhưng không, ở đây ta thấy Hồ Quý Ly dằn vặt, giằng xé nội tâm ghê gớm. Giết Nguyễn Đa Phương là một bất đắc dĩ bởi: “Đáng lẽ ra những lúc này, Phương cần phải trung thành với ta. Ta tin hắn nhưng thực không ngờ, lúc bão tố hắn lại quay đầu phản ta”. Những lời thổ lộ của ông với Hồ Hán Thương như là sự sám hối, thanh minh: “Phương là con đẻ của thầy dạy ta, ta cũng đành phải giết. Giết để rồi lại ưu phiền lo lắng... Con có hiểu không, bởi vì ta vẫn rất cần tin người và cần người tin ta... Con có hiểu không... Bởi thế nên ta trằn trọc, ta âu lo. Ta cần, ta muốn, ta thèm được có người hiểu ta. Vây cánh của ta, họ có hiểu ta không? Có lẽ họ mới chỉ hiểu ta ở bề ngoài. Nhưng còn con, liệu con có hiểu được đến thâm tâm của cha không?”[8,94]. “Đành phải giết”, đó là một sự lựa chọn bắt buộc, một việc Hồ Quý Ly không muốn làm nhưng không thể không làm bởi nếu ông “không phụ người” thì rồi “người sẽ phụ ông”.

Việc giết Thuận Tôn cũng vậy, Hồ Quý Ly “buộc phải muốn ông ta chết”. Vì ông đang ở trong tình thế đối đầu gay gắt một mất một còn với lực lượng phò Trần. Vì “lòng dân lại cứ hướng về nhà Trần. Bọn quan trong triều lại cứ muốn dựng một lá cờ đại nghĩa vì ông. Mấy đám giặc cỏ, thanh thế chẳng có gì, cũng phất cờ phò Trần, chúng mọc lên như nấm ở khắp nơi... Thái sư buộc phải muốn ông ta chết” [8,715]. Thuận Tôn chết có thể xem như triều đại nhà Trần đã cáo chung, kết thúc sứ mệnh lịch sử. Giết con rể, ông biến cô con gái Thánh Ngẫu thành một goá phụ khi Thánh Ngẫu mới ở độ tuổi đôi mươi, cháu ngoại ông mất cha khi mới lên ba nhưng một người “đại chí” như ông không thể vì tình riêng bởi “đã sinh ra làm con cái vua chúa, tức là không có số phận riêng nữa. Tất cả phải vâng theo thiên mệnh”, phải vì “đại sự”.

Hay vụ thảm sát sau Hội thề Đốn Sơn, ông cũng buộc phải ra tay, “cho đến hôm nay đúng là hai mươi ngày… Cho đến hôm nay đã có 215 người bị bắt. Cho đến hôm nay, người bị sử tội chết là 85”[8,828]. Xung quanh Hồ Quý Ly


đầy rẫy những kẻ thù cuồng vọng nuôi chí phục Trần nên để trừ hậu hoạ về sau, việc “tru di tam tộc” đối với tôn thất nhà Trần của Hồ Quý Ly là hành động “tất phải thế”, “đau đấy…nhưng cần thiết”, bởi đó là biện pháp tự vệ của mọi chế độ, mọi cá nhân cầm quyền trong thời phong kiến trung đại.

Qua những giằng xé, dằn vặt nội tâm, những cơn bão lòng của Hồ Quý Ly trước mỗi hành động tội ác, Nguyễn Xuân Khánh muốn đưa ra cho người đọc những ấn tượng mới mẻ, phá đi cái nhìn định kiến về Hồ Quý Ly. Từ đó, chúng ta có cách nhìn công bằng và thấu đáo hơn về nhân vật lịch sử này.

Bi kịch do không gặp thời, không được lòng người

Xuất hiện trên chính trường Đại Việt trong bối cảnh nhà Trần mục nát, thối ruỗng, Hồ Quý Ly đã “bị lịch sử chọn”, trao cho ông sứ mệnh canh tân đất nước, “tìm cho thiên hạ một phương thuốc lớn”. Vì “họ nhà Trần để đất nước này xộc xệch lâu rồi, lúc này cần thiết nhất phải chỉnh cho nó ngay thẳng lại” [8,202]. Bản thân Trần Nghệ Tôn cũng nhận thấy rằng: “Chỉ có Quý Ly lúc này mới đủ tầm vóc, trí lực để giữ con thuyền xã tắc trong cơn giông bão”[8,366].

Trong thời gian nắm quyền chính và giữ vai trò làm chủ sân khấu chính trị nhà Trần, ban đầu, Hồ Quý Ly “thực bụng chỉ muốn đơn thuần làm biến pháp giúp Nghệ Hoàng cứu đất nước thoát khỏi nghèo khổ yếu hèn”[305]. Hồ Quý Ly đã phát huy vai trò cá nhân tác động đến tiến trình lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ông từng bước củng cố quyền lực và địa vị chính trị của mình, tiến hành dồn dập những cuộc cải cách mới mẻ, táo bạo như dùng chữ Nôm, tiền giấy, chiêu mộ và đào tạo người hiền tài, đề ra chính sách hạn điền… Tuy nhiên, tư tưởng canh tân đất nước của ông đã gặp phải muôn vàn trở ngại và sự chống đối quyết liệt của phe bảo thủ triều Trần. “Hạn điền, người ta bảo cướp ruộng, chính sách tiền giấy, người ta bảo cướp tiền; hạn nô, người ta bảo bẻ nanh vuốt của người quân tử. Rồi còn bao nhiêu nhóm người, bao nhiêu


âm mưu định giết ông”[8,305]. Chính sự phản đối đó đã làm ông hiểu: “muốn làm biến pháp cần phải có quyền hành. Từ đó tham vọng trong ông lần lần nảy nở, mới đầu chỉ là cái mầm, sau đó là một ý chí, cũng không ai biết điều đó chuyển biến từ lúc nào, manh nha từ lúc nào, thành hình rõ ràng từ lúc nào”[8,305]. Ông say mê quyền lực bởi ông hiểu rằng chỉ khi ở đỉnh cao tối thượng của quyền lực thì ông mới có thể thực hiện được chí lớn. Chính vì vậy, ông đã tìm mọi cách để lật đổ nhà Trần, giành lấy ngôi vua về họ Hồ.

Nếu nhìn những hành động, việc làm của Hồ Quý Ly từ góc độ lợi ích quốc gia, dân tộc thì Hồ Quý Ly đã có công “thủ tiêu” một triều đại phong kiến mục ruỗng, thối nát, trì trệ nhằm đem lại cho đất nước một diện mạo mới, tạo đà để vận hành bánh xe lịch sử đi theo đúng quy luật của nó. Mọi chủ trương, chính sách mà ông ban hành và thực thi có sự nhất quán và kiên định ở mục tiêu cứu nước. Tham vọng quyền lực của ông tuyệt nhiên không vì lợi ích cá nhân ông hay gia tộc ông, không phải để thoả mãn giấc mộng vinh hoa phú quý. Ông tiến hành hàng loạt những cải cách với “kỳ vọng tạo nên một đất nước rạng rỡ như thời Nghiêu Thuấn”[8,631]. Hồ Quý Ly là người “đi trước thiên hạ sự”, người dấn thân, tiên phong mở đường tìm lối thoát cho vận mệnh dân tộc. Một hoài bão lớn lao, cao đẹp! Một tham vọng chính trị đáng trân trọng biết bao!

Nhưng những “cái mới” bao giờ cũng khiến con người ta hoặc ngỡ ngàng hoặc băn khoăn, hoài nghi. Vì vậy, những chủ trương, chính sách tiến bộ của Hồ Quý Ly trong “Minh đạo” lại trở thành những rắc rối, “phiền hà”, “nhiễu sự” đối với dân với nước. Những người thức thời nhận thấy được tư tưởng tiến bộ của ông, coi đó là lý tưởng “Đường sáng! Đạo sáng!” quá ít ỏi, trong khi đó số người phản đối, cản trở ông lại quá đông. Đất nước đang bế tắc, suy thoái, đổ vỡ nghiêm trọng, cơ đồ nhà Trần đang trì trệ, suy kiệt, rệu rã. Song quan lại nhà Trần một mặt vẫn ảo tưởng về sự hưng thịnh của nhà Trần mặt khác họ mang nặng tư tưởng “trung quân” nên họ nhìn nhận về Hồ Quý Ly như một kẻ

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 18/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí