Đối Thoại Về Lịch Sử Kết Đọng Trong Chiều Sâu Số Phận Con Người


phòng ngự, sai lầm trong chiến lược tiến công “kéo dãn phòng tuyến chiến đấu theo lối đánh đông quân của giặc” nên thất bại. Quý Ly bị mắc mưu của giặc: chúng đắp ngăn sông ở thượng nguồn, rồi cho đội tượng binh mai phục, vờ bỏ trại; Ông cho quân bộ và quân thủy ra đánh, giặc phá đập nước và dùng voi xông trận nên đội quân thủy - bộ của Quý Ly không liên lạc, tiếp ứng được với nhau và thất bại. Công bằng mà nói, sự thất bại của Hồ Quý Ly do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cuối thời Trần, xã hội trì trệ, khủng hoảng, vua quan ngày đêm ăn chơi, sống xa hoa, trụy lạc như Trần Dụ Tông; thêm vào đó, bọn quan lại nịnh thần đục khoét, hoành hành, các bậc hiền tài bất lực đành lui về ở ẩn, bộ máy triều đình ngày càng rệu rã, lỏng lẻo, suy yếu. Lúc này mâu thuẫn xã hội sâu sắc, một mình Hồ Quý Ly không thể chống đỡ được với quý tộc nhà Trần và giặc Minh, nên kết cục bi thảm: ông bị giặc bắt và mất nước. Qua nhân vật này và sự thất bại lịch sử ấy, ta thấy những mặt tích cực, tiến bộ ông đã cống hiến cho lịch sử, xã hội thời ấy thật đáng khâm phục, nhưng không lớn bằng những bài học kinh nghiệm đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc: con người đương đại rút ra được bài học giữ nước cho muôn đời sau, cần ý thức sâu sắc sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, có chiến lược quân sự phù hợp, phải lấy dân làm gốc, chăm lo cho dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để nhân dân giữ nước dưới sự lãnh đạo của triều đình. Trong khi Hồ Quý Ly chỉ quan tâm củng cố lực lượng để phòng thủ chống giặc Minh, chú ý xây dựng quân đội nhưng ông lại không biết làm “yên dân”, dẹp sự lục đục nội bộ, không biết khích lệ lòng yêu nước cho toàn dân, chưa cố kết thống nhất mối quan hệ giữa nhân dân và người chỉ huy quân đội, chưa gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến, chưa huy động được sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của cả nước hướng vào nhiệm vụ đánh giặc.

Nguyễn Xuân Khánh có cách luận giải, thể hiện cái nhìn mới về các mặt tiến bộ, tích cực, giá trị lịch sử, biện giải về “công và tội” của nhân vật Hồ Quý Ly một cách khách quan, giàu sức thuyết phục, đảm bảo nguyên tắc thể loại. Công bằng mà nói, nhà văn đã đối thoại với lịch sử để nhìn nhận một cách khách quan, công tâm, bao dung, nhân ái với nhân vật Hồ Quý Ly bằng việc luận giải một thực tế khách quan là cuối triều đại nhà Trần suy thoái, mục nát, bảo thủ, trì trệ, nhân dân đói khổ, xã hội bất ổn, giặc ngoài đe dọa, nên cần một người mạnh mẽ, quyết đoán thay thế. Và lịch sử tất yếu đã chọn lựa và trao thời cơ cho Hồ Quý Ly lãnh đạo ngôi nước. Nhưng, nhân dân không đứng về phía ông, một mình Hồ Quý Ly không thể chống đỡ nổi giặc Minh, không thể đưa cả xã hội thoát khỏi sự bảo thủ, trì trệ khi đã để mất lòng dân.

Nguyễn Xuân Khánh viết đảo lại lịch sử bằng cái nhìn nhân văn, nhân đạo, không định kiến, không cực đoan mà rất vô tư, công tâm, khách quan khi phân tích, luận giải về các mặt tiến bộ, những cống hiến, đóng góp của Hồ Quý Ly cho quốc gia dân tộc. Hồ Quý Ly nung nấu khát vọng đổi mới đất nước, cũng có nhiều cải cách tích cực, tiến bộ bằng bản


lĩnh mạnh mẽ, cứng cỏi, dám nghĩ dám làm, dám nhận mọi trách nhiệm của người lãnh đạo đất nước. Hồ Quý Ly cũng biết kế thừa một số tư tưởng tiến bộ của các bậc vua hiền tướng giỏi của nhà Lý và nhà Trần. Sử sách còn ghi chép một sự thật: sau này triều đình nhà Lê cũng kế thừa và phát huy tư tưởng đổi mới tích cực, tiến bộ của Hồ Quý Lý, mang đến sự phát triển vượt bậc cho đất nước dưới thời vua Lê Thánh Tông. Hồ Quý Ly xuất hiện giữa lúc nhà Trần mục nát, cứu vãn nguy cơ sụp đổ, ông năng động, cương quyết, táo bạo, nhiều tham vọng, đã gánh vác các việc trọng đại của triều đình, đổi mới đất nước trên nhiều mặt, làm được nhiều việc có ích để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Ông viết sách Minh Đạo thể hiện tư tưởng đổi mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tăng gia sản xuất, điều tra dân số, cải cách chế độ hạn điền, hạn nô làm tăng sức lao động sản xuất cho xã hội, phát hành tiền giấy, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua hệ thống văn tự. Hồ Quý Lý đã đổi mới văn hóa, giáo dục, cải cách thi cử, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng hiền tài cho bộ máy lãnh đạo quốc gia, nhất là những nho sĩ “hay chữ” và “có văn học” được “giữ quyền bính” thay cho quý tộc, đào tạo được nhiều hiền tài, phát hành tiền giấy để thu tiền đồng đúc vũ khí chống giặc Minh. Ông cũng xây thành, dời đô để chống giặc, muốn đất nước phát triển hưng vượng về mọi mặt. Hồ Quý Ly quan tâm đến hệ thống giao thông, mở đường, quy hoạch phố xá, xây dựng bộ máy lãnh đạo đất nước, chăm lo sự nghiệp giữ nước, phòng thủ quốc gia mà đến nay vẫn có tính thời sự và giàu ý nghĩa thực tiễn. Ông lên ngôi giữa lúc xã hội đại loạn, khôi phục lại sự mục ruỗng của triều Trần và sự chuyển giao lịch sử từ triều Trần sang triều Hồ là quy luật tất yếu của lịch sử. Giữa lúc đó, giặc Minh sang xâm lược nước ta, một mình Hồ Quý Ly không thể vực dậy cả xã hội đang trì trệ, không thể chống đỡ giặc Minh khi ông phạm sai lầm để mất lòng dân, không đoàn kết và không phát huy được sức mạnh của toàn dân, nhân dân không đứng về phía ông, nên đất nước rơi vào tay giặc và sự nghiệp đổi mới đất nước của Hồ Quý Ly dang dở, thất bại.

Giống với xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu nhằm giáo huấn, nhà văn viết theo xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường phân tích tâm lý của nhân vật khá tinh tế, sắc sảo qua những suy nghĩ nội tâm, các trạng thái tâm lý phức tạp của nhân vật trong chiều sâu hữu thức và vô thức qua các hình thức đối thoại hay độc thoại nội tâm. Nhờ nghệ thuật đối thoại và độc thoại nội tâm trong ngôn ngữ nhân vật, nhà văn đã hư cấu tưởng tượng về những điều mới mẻ, thú vị của đời sống cá nhân với các trạng thái tâm lí phức tạp, bí mật còn khuất lấp của con người có thật trong lịch sử, lấp đầy những “điểm trắng” mà sử liệu bỏ qua, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về lịch sử. Có thể nói, Nguyễn Xuân Khánh đã phân tích sâu sắc các trạng thái tâm lý đau buồn, cô đơn, dằn vặt, mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt... sâu thẳm trong tâm hồn, tính cách và hành động của Hồ Quý Ly. Con người mang khát vọng đổi mới, thống nhất đất nước, muốn mở đường ấy nhiều khi bị rơi vào trạng thái cô đơn, trống vắng, bơ vơ, lạc lõng của con người mang cảm thức hiện sinh. Bi kịch cô


đơn của con người có khát vọng đổi mới, mở đường ấy được thể hiện qua nghệ thuật độc thoại nội tâm: “Hạnh phúc ư? Ta sung sướng hay không sung sướng? Ông không nén được nụ cười bật ra... tiếng cười cô đơn? Có ai biết được?” [173; 503, 504]. Những lúc như vậy, ông lại tự đối thoại với chính lòng mình, nghẹn ngào “muốn khóc” cho nhẹ lòng, đêm thường đến bàn thờ hay đến bên pho tượng người vợ- công chúa Huy Ninh để tìm lại những cảm xúc yêu thương, an ủi, vỗ về của vợ và sám hối, tự thú với lòng mình. Nguyễn Xuân Khánh miêu tả nội tâm của Hồ Quý Ly trong cuộc sống đời thường cũng bộc lộ những băn khoăn, suy tư, trăn trở. Ông là người sống nội tâm, đầy lòng trắc ẩn, rất mực yêu thương các con và vợ mình- công chúa Huy Ninh, cũng có lúc mềm yếu, cảm thấy cô đơn, trống vắng mà không thể giãi bày, chia sẻ cùng ai. Trong các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, để triển khai tư tưởng luận giải chủ quan của mình trong việc biện giải lịch sử, tác giả đã phát huy nghệ thuật hư cấu, vận dụng đến không gian tâm tưởng. Việc luận giải không thể được triển khai trên không gian địa lý của các cuộc chinh chiến và trận mạc, mà nó chỉ có thể diễn ra trong không gian tâm tưởng, không gian tâm lý của nhân vật và thời gian đa chiều được nhà văn hư cấu. Nhà văn hư cấu không gian tâm tưởng tồn tại trong những suy nghĩ nội tâm, cảm nhận, các trạng thái tâm lý, giấc mơ của các nhân vật. Đúng như Nguyễn Đăng Điệp nói: “nhà văn hoàn toàn có quyền miêu tả nỗi cô đơn, cảm giác thất bại, niềm vui thắng trận, sự khắc khoải yêu đương, những tính cách cá biệt của vĩ nhân với tư cách là những con người trần thế” [143; 261].

Tác phẩm “Hồ Quý Ly” đã tái hiện lại không khí lịch sử của xã hội Việt Nam ở cuối thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, với sự kiện nhà Trần lâm vào khủng hoảng, trên đà suy thoái, suy tàn và đặt ra nhiều vấn đề của thời đại như công cuộc cải cách, khát vọng đổi mới, thống nhất đất nước, vai trò của người trí thức, mối quan hệ nhân dân- người lãnh đạo đất nước... Qua nhân vật Hồ Quý Ly, phải chăng nhà văn còn muốn luận giải về nguyên nhân của chiến tranh: xuất phát từ việc tranh giành quyền lực, xung đột giữa 2 hệ ý thức tư tưởng đối lập giữa Hồ Quý Ly và quý tộc nhà Trần, mà cụ thể là Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hàng qua vụ mưu sát Quý Ly thất bại và kết cục bi kịch với sự sát hại nhằm trả thù một cách dã man, tàn ác, thâm độc của Quý Ly. Nhà văn luận giải về một sự thật lịch sử: các cuộc chiến xâm lược lãnh thổ, tranh giành quyền lực một cách bất nghĩa bao giờ cũng phải trả bằng những cái giá rất đắt. Qua việc miêu tả nhân vật Hồ Quý Ly và nhiều nhân vật khác trong tác phẩm Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy TTLS Việt Nam đương đại có sự: đan xen mô hình chuyện đại tự sự và chuyện thế sự đời tư làm cho tác phẩm đậm chất sử thi của lịch sử và điểm xuyết chất thế sự của tiểu thuyết, tạo sự hấp dẫn, thú vị, lôi cuốn người đọc. Điều này được thể hiện trực tiếp qua việc đan xen các câu chuyện quốc gia dân tộc, chuyện chính trị, quân sự trọng đại của đất nước với việc bảo vệ nền độc lập, tự do và các câu chuyện đời thường rất mộc mạc của con người trần thế trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


4.2.3. Đối thoại về bản thể con người

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại nhìn từ góc độ thể loại - 17

Các nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu đã tiếp cận lịch sử rất khác so với nhiều nhà văn trong xu hướng TTLS bám sát sử liệu ở chỗ: không quan tâm miêu tả các trận đánh, ghi công trạng của nhân vật lịch sử trong các sự kiện có thật, mà nghiêng hẳn về hư cấu các vấn đề thế sự, miêu tả đời sống bình thường hằng ngày của nhân vật từ góc nhìn đời tư, đôi khi suồng sã, gần gũi với con người hôm nay. Nhiều nhà văn hoài nghi lịch sử, đề cao việc hư cấu nhằm giải thích lại các vấn đề lịch sử cũ bằng những cách luận giải mới về những sự thật lịch sử trong quá khứ, thậm chí giải thiêng thần tượng trong sự đối thoại với “những gì được coi là chuẩn mực, trang trọng, quyền uy” [123].

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu có nhiều thể nghiệm mới, phân tích những sự thật bí ẩn bị che khuất, những khát khao bản năng thầm kín trong đời tư của nhân vật được bộc bạch ở chiều sâu thế giới nội tâm, điều này cũng thể hiện sự cách tân thể loại. Nhiều tác phẩm phát huy cao độ nghệ thuật hư cấu, vượt qua quan điểm của cộng đồng, để đối thoại, thức nhận lại các vấn đề lịch của lịch sử theo những cách hình dung, luận giải khác nhau của mỗi nhà văn.

Khi đề cập đến con người thế sự, các nhà văn đã mở rộng, đào sâu, có nhiều cách nhìn mới về con người khi miêu tả đời sống tự nhiên gắn với con người bản năng trong cấu trúc nhân cách của con người. Các nhà văn coi con người là một thực thể sinh học cần được nhìn theo đúng bản chất trên các mặt tự nhiên, xã hội với tất cả các phẩm chất thiện ác, tốt xấu, sự nhân đạo, chính nghĩa, cao thượng, thấp hèn, tha hóa, ... Về bản năng tự nhiên, các nhà văn miêu tả khách quan, chân thực bản chất con người cũng có hai phần vô thức và hữu thức gắn với phần “Con” và phần “Người” hiện lên “cụ thể và toàn phần”, gần gũi với con người hôm nay. Điều này cũng thể hiện sự đổi mới trong các lớp kết cấu thể loại của xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu so với xu hướng TTLS bám sát sử liệu- ít miêu tả phần vô thức bản năng của con người trần thế trong cuộc sống đời tư.

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thể hiện sự đổi mới về nội dung khi khám phá con người bản năng gắn với khát vọng tình yêu, không né tránh việc miêu tả, luận giải phần vô thức bản năng luôn bị chế ngự bởi các quan niệm văn hóa, đạo đức xã hội. Các nhà văn thể hiện quan điểm nhân đạo, thái độ cảm phục, trân trọng, cảm thông, chia sẻ với các nhân vật khi miêu tả tình yêu bản năng của con người trần thế theo chiều tích cực gắn với các quy phạm đạo đức và quy luật tất yếu, tự nhiên của đời người. Ví dụ như chi tiết miêu tả con người bản năng trong “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh, đây là một vài chi tiết minh chứng cho hình tượng con người bản năng cứu vớt, cân bằng tâm lý, xua tan bệnh trạng, làm hồi sinh tâm hồn con người qua việc nhà văn miêu tả tình yêu của vua Thuận Tông với cung nữ Ngọc Kiểm: “Bàn tay của Trần Ngung rụt rè”, “Đôi môi và những ngón tay quấn quýt với nhau, Thị Kiểm là một mảnh ván đôn hậu, biết an ủi, biết xoa dịu lòng chàng” và “bám vào nhau tìm về sự sống” [173; 391-393]. Và đây là các chi tiết miêu tả con người bản năng ý thức rõ về sự trưởng thành gắn với trách nhiệm duy trì


giống loài theo quy luật của đời người, “yên bề xã tắc” qua tình yêu của vua Thuận Tông với Hoàng hậu Thánh Ngẫu trong “tuần trăng mật”: “Triều đình sẽ làm lễ hợp cẩn cho hai con […] mau chóng sinh hoàng tử” và “Thuận Tông bỗng phát hiện được vị thơm mát dịu dàng” của tình yêu [173; 404-409]. Đó còn là hình tượng con người bản năng hiện lên trong tình yêu nồng nàn, say đắm, khao khát quấn quýt bên nhau giữa Hồ Nguyên Trừng và Thanh Mai trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh: “Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là một tình yêu… Người đàn bà ấy cuốn tôi vào cuộc tình, lúc êm đềm, lúc man dại [...] khúc đàn ân ái đầy mới lạ” [173; 340, 341]. Khoa học nghiên cứu về con người cũng khó giải thích hết được cái phần vô thức bản năng chìm khuất trong tâm hồn con người. Khi miêu tả vô thức bản năng tự nhiên của con người, các nhà văn có thể đi sâu vào thế giới tâm hồn, miêu tả cả những góc khuất tối bên trong của con người, không né tránh việc miêu tả “bản năng tự nhiên” của con người mà các phạm trù đạo đức và giao tiếp xã hội luôn kiềm chế con người. Đặc biệt là các nhà văn có những trang viết đề cập đến “vô thức bản năng” của con người để luận giải bản thể “toàn phần cụ thể” của con người theo chiều hướng tích cực, nhân văn và ngăn chặn các mặt tiêu cực. Viết về điều này rất khó, nhà văn phải có tầm văn hóa cao, khái quát vấn đề bằng quan điểm mỹ học để tránh gây phản cảm và không bị hạ thấp nhân cách. Vấn đề này được Freud, Kundera và Jung bàn đến từ lâu, còn các nhà văn luận giải bằng cái nhìn văn hóa gắn với khát vọng tình yêu nguyên thủy duy trì nòi giống của loài người và giải phóng ý thức cá nhân khỏi những điều cấm kỵ để hướng đến khát vọng kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc đích thực rất nhân văn của con người trần thế. Nhìn chung, quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn thể hiện xu hướng khám phá, hư cấu sáng tạo thẩm mỹ trong lĩnh vực miêu tả, phân tích, cắt nghĩa, nhìn nhận, suy cảm, lí giải, đánh giá về con người theo chiều sâu, trong tất cả các mặt tốt xấu, cao thượng, thấp hèn, nghiêm túc, buồn cười, bi hài… Các nhà văn miêu tả con người thế sự đời tư gắn với phần vô thức bản năng và hữu thức đầy trách nhiệm giá trị nhân văn, nhân bản. Đây cũng là điểm mới của xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu so với xu hướng TTLS bám sát hay xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu.

4.2.4. Đối thoại về lịch sử kết đọng trong chiều sâu số phận con người

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu không quan tâm nhiều đến yếu tố “lịch sử”, chỉ có số lượng ít các sự kiện, nhân vật có thật được điểm qua để làm khung nền, tác giả dồn trọng tâm tô đậm các nhân vật hư cấu hoàn toàn, luận giải lịch sử bằng những trải nghiệm cá nhân về lịch sử gắn với số phận con người, đậm chất thế sự. Tác phẩm Đàn đáy của Trần Thu Hằng là một ví dụ minh chứng cho điều này.

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu mượn lịch sử để bày tỏ những cách đánh giá, luận giải riêng về lịch sử của mỗi nhà văn. Xu hướng này coi lịch sử chỉ là “cái cớ” để nhà văn hư cấu khung cốt truyện, thể hiện quan điểm thẩm mĩ, suy tư của nhà văn về cuộc đời và số phận con người, gửi gắm các bức thông điệp cho hiện tại. Nhà văn mượn lịch sử để hư cấu ra sự kiện không có trong lịch sử và hư cấu ra các nhân vật chính, đóng vai trò


trung tâm của tác phẩm, làm sống lại không khí thời đại nhằm đối thoại, phản biện, lý giải lịch sử kết đọng trong chiều sâu số phận con người. Khi đọc Đàn đáy, ta thấy lịch sử được luận giải gắn với chiều sâu số phận con người trong những thời khắc lịch sử đầy mâu thuẫn, biến động và tác giả đã tạo ra các nhân vật hư cấu với nhiều trạng thái tâm lý phức hợp, để luận giải về bi kịch và số phận con người trong thời khắc lịch sử đầy biến động, rối ren, tao loạn ấy qua nhân vật như Bạch Vĩ và Bạch Dung. Đàn đáy cho thấy sự kết hợp kiến thức lịch sử- văn hóa, mang đến cho người đọc sự nhận thức sâu sắc về các giá trị cốt lõi của lịch sử, tràn đầy tính nhân văn qua sự hư cấu, tưởng tượng và những trải nghiệm cá nhân của tác giả về bức tranh lịch sử xã hội thời Lê- Trịnh vào thế kỷ 18. Trần Thu Hằng không chú ý nhiều đến các sự kiện có thật và mạch thời gian tuyến tính, chỉ chọn lựa vài nhân vật có thật như Lê Chiêu Thống, Nguyễn Hữu Chỉnh, chúa Trịnh Sâm, quận huy Hoàng Đình Bảo…với những nét tâm lý hư cấu để dựng lại không khí thời đại. Không khí lịch sử được tái hiện qua câu chuyện của phường hát ca trù nổi tiếng đất kinh kỳ- Cổ Tâm, đây là câu chuyện hoàn toàn hư cấu và đậm chất thế sự để làm sống lại không khí lịch sử rối ren cuối thế kỷ 18. Tác phẩm không tập trung miêu tả các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật theo trục thời gian tuyến tính, mà thiên về miêu tả số phận của nhân vật hư cấu là Bạch Vĩ và Bạch Dung, kể về cuộc đời đày trắc trở, éo le, đau khổ, đầy bi kịch của hai người nghệ sĩ tài hoa này, nặng chữ tâm và chữ tình với nghệ thuật ca trù một cách xúc động, gợi nhiều cảm xúc buồn thương, cảm thông, chia sẻ trong lòng người đọc. Nhân vật chính là chàng Bạch Vĩ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giỏi đàn hát, tha thiết yêu và tâm huyết với nghệ thuật, khao khát được cầm cây đàn đáy để cất lên những “sướng vui, đau khổ” của con người trong đời sống nhân sinh thế sự, nhưng chàng bị đánh hỏng thi vì những định kiến cá nhân. Trong tâm trạng chán chường, Bạch Vĩ tìm quên trong rượu để giải sầu, chàng gặp được cô gái đẹp tên Bạch Dung, đưa về để mẹ chàng dạy đàn hát, vì “nó là Lễ, là Đạo” nhằm gìn giữ văn hóa dân tộc [133; 223]. Nghệ thuật ca trù được thể hiện qua tiếng hát của Bạch Dung có ý nghĩa quan trọng, nó như liều thuốc tinh thần làm dịu mát tâm hồn con người trước hiện thực khốc liệt của chiến tranh, hướng tới Cái Đẹp. Vì thế, tiếng hát của Bạch Dung đã làm cho vị tướng quận Huy trước lúc ra trận cảm thấy “lòng ngập tràn một sức sống mới”, như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn nơi chiến trường. Nhưng rồi bão táp lịch sử, hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh cũng cuốn trôi, nhấn chìm tài năng nghệ thuật đàn hát, giọng ca tài tử của Bạch Vĩ không được cất lên dâng hiến cho đời bởi hiện thực lịch sử rối ren, nghiệt ngã, phũ phàng mà chiến tranh gây ra. Bạch Vĩ luôn ý thức cao về việc gìn giữ văn hóa, nghệ thuật đàn hát, ca trù, nhưng sự thật nghiệt ngã, phũ phàng đã khiến khát vọng cao đẹp ấy tan thành mây khói khi đôi bàn tay tàn tật của anh không còn khả năng đánh đàn. Người nghệ sĩ nghèo tha thiết yêu quê hương và sự sống ấy lấy hết sức lực tàn cuối cùng để cõng ông ngoại, hướng về nguồn cội: “chúng ta nhất định phải sống để nhìn thấy cố hương” [133; 335]. Trần Thu Hằng không quan tâm nhiều đến các sự kiện có thật, các trận đánh và các nhân vật lịch sử nổi tiếng như


các nhà văn theo xu hướng TTLS bám sát sử liệu hay xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu, mà xoáy sâu vào việc ngợi ca, trân trọng nhân cách của người nghệ sĩ như Bạch Dung, Bạch Vĩ…và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ, xót thương với những nỗi khổ đau, bi kịch của người nghệ sĩ trong con đường công danh sự nghiệp và tình yêu trước bão tố chiến tranh qua các nhân vật hư cấu hoàn toàn. Qua cuộc đời, số phận của các nhân vật hư cấu, tác giả đã làm sống lại không khí lịch sử cuối thế kỷ 18 khá sống động, chân thực bằng quan điểm nhân đạo. Qua đó, tác giả luận giải lịch sử kết đọng ở cuộc đời của cá nhân trong vòng xoáy lịch sử và bão tố chiến tranh.

Tác giả đã mượn cái vỏ lịch sử để phát huy tính hư cấu sáng tạo, luận giải lịch sử gắn với chiều sâu số phận con người trong những biến động lịch sử nhằm nêu lên bức thông điệp hòa bình và vấn đề thời sự của của cuộc sống đương đại như việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa nghệ thuật và các giá trị nhân văn. Đàn đáy là bức thông điệp về khát vọng hòa bình của nhân loại trên khắp hành tinh này, khát vọng nhân quyền, đòi quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, phát triển tài năng trong bối cảnh chiến tranh. Con người chỉ có thể tỏa sáng và phát huy được tài năng, thực hiện được ước mơ, lý tưởng, hoài bão cao đẹp khi dập tắt chiến tranh, lập lại hòa bình: “thời tao loạn lấy gì bảo đảm cho tài năng và nghệ thuật. Thời thanh bình [...] con người mới có thể đi vào không trung như một cánh diều” [133; 87]. “Đàn đáy” của Trần Thu Hằng phục hiện lại không khí lịch sử thời Lê- Trịnh vào thế kỷ 18 với số lượng ít sự kiện, nhân vật có thật làm khung nền, tô đậm chất thế sự, luận giải về các chân lý đời sống theo ý đồ nghệ thuật riêng của tác giả. Trần Thu Hằng đã tạo ra hệ thống nhân vật hư cấu và tập trung phân tích các trạng thái tâm lý trong tâm hồn nhân vật để luận giải về bản chất lịch sử của một thời rối ren, đầy bi kịch và số phận con người trong thời khắc lịch sử đầy biến động, tao loạn ấy. Nhìn chung, khi đọc “Đàn đáy”, ta thấy không khí lịch sử được phục hiện qua trí tưởng tượng, hình dung, hư cấu qua những trải nghiệm cá nhân của tác giả với cách luận giải thuyết phục: lịch sử lắng kết ở số phận, cuộc đời con người và ẩn chứa nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại. Trong bối cảnh phức tạp ở một số khu vực, ta thấy bức thông điệp được nêu trong tác phẩm có ý nghĩa thời sự, thức tỉnh con người bảo vệ hòa bình, chấm dứt chiến tranh phi nghĩa, giữ gìn các giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Qua đó, ta thấy tác giả đã mượn cái vỏ lịch sử để phát huy tính hư cấu sáng tạo, luận giải số phận con người để nêu lên bức thông điệp về khát vọng hòa bình và vấn đề thời sự của của cuộc sống đương đại như việc giữ gìn văn hóa tinh thần của dân tộc và các giá trị nhân văn.

Khi đọc “Đội gạo lên chùa”, ta thấy bối cảnh lịch sử được Nguyễn Xuân Khánh chọn lựa đưa vào tác phẩm là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ hào hùng của dân tộc Việt Nam từ năm 1954- 1975, đi sâu vào những góc khuất của hiện thực lịch sử với vấn đề cải cách ruộng đất, miêu tả số phận cá nhân trong thời khắc đầy biến động của lịch sử gắn với chiến tranh, rồi trở về hòa bình, không né tránh việc miêu tả sự chọn lựa lẽ sống sai trái của những đứa con lai Tây khi muốn phủ định dòng máu ngoại của người mẹ gốc Việt.


Nhà văn hư cấu ra nhân vật Bernard để luận giải về tội ác của những đứa con lai Tây ấy xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử gắn với cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa: “một người lính đi xâm chiếm phối kết với một người đàn bà thuộc địa, thì đứa con sinh ra sẽ là một bãi chiến trường cho cuộc chiến tranh chấp giữa dòng máu nội và dòng máu ngoại. Nếu người mẹ thắng, người con sẽ đứng về phía ngoại [...] chống thực dân kiên quyết nhất. Nếu phía người cha giành giật được, đứa con sẽ chống đối lại dòng máu ngoại [...] một cách điên cuồng” [170; 70]. Khác với Nam Dao luận giải xung đột lịch sử xuất phát từ sự tranh giành quyền lực và tham vọng xâm lược, Nguyễn Xuân Khánh lại xuất phát từ các vấn đề của lịch sử như cảnh chiến tranh hủy diệt, tha hương, tao loạn để đề cao hư cấu nghệ thuật nhằm mục đích đi sâu luận giải về xung đột văn hóa, hệ tư tưởng, ý thức dân tộc giữa các quốc gia. Nhân vật trong tác phẩm phần lớn là các nhân vật hư cấu hoàn toàn, họ là những con người đang khát khao tìm lẽ sống cho riêng mình trong cuộc xung đột giữa cái tốt- xấu, thiện- ác, chính nghĩa- phi nghĩa, thống trị- bị trị được dựng lại theo trục thời gian biên niên tuyến tính khách quan và các lớp thời gian đa chiều mang tính hư cấu gắn với các mảng không gian sáng tối của xóm làng nơi thôn dã, chiến trường miền Nam, các trại giam, nơi luyện quân...Trên không gian rộng ấy, nhà văn xoáy vào miêu tả những nỗi oan khuất, khổ đau, bi kịch, sai lầm của con người trong công cuộc cải cách chế độ ở thời khắc tưởng như hòa bình, hạnh phúc đang nằm trong tầm tay mỗi người. Qua đó, ta thấy được quan niệm mới, những cách biện giải mới về quy luật vận động, những thăng trầm lịch sử, cả những góc khuất sai lầm của con người trong công cuộc cải cách chế độ: Lịch sử lắng kết trong chiều sâu số phận con người, sự chọn lựa lẽ sống của nhân vật. Ông hư cấu từ những sự thật vốn có của lịch sử để luận giải một lịch sử đáng tin cậy với các sự thật đã được cộng đồng thừa nhận và sự hư cấu theo khuynh hướng mới ấy dễ dàng được cộng đồng chấp nhận.

Tóm lại, nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường không quan tâm nhiều đến yếu tố “lịch sử”, không chú ý đến việc miêu tả các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, chú trọng xây dựng các nhân vật hư cấu hoàn toàn. Qua đó, các tác giả luận giải lịch sử kết đọng ở cuộc đời, chiều sâu số phận của con người trong vòng xoáy lịch sử và bão tố chiến tranh. Từ đó, nhà văn nêu lên khát vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh và việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

4.3. Một số phương diện nghệ thuật đối thoại

4.3.1. Đối thoại giải thiêng thần tượng là nhân vật có thật qua những góc khuất lịch sử

Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thường đề cao yếu tố hư cấu khi miêu tả nhân vật lịch sử gắn với những sự việc có thật thuộc về quá khứ mà nhà văn tái tạo lại bằng thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, vừa được hư cấu một số chi tiết trong một giới hạn nhất định của nguyên tắc thể loại, mà không được xuyên tạc bản chất lịch sử. Nhân vật lịch sử có thật có vai trò đặc biệt quan trọng trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, “là phương tiện tư duy về

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 23/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí