Kinh tế du lịch Phần 2 - 1


Chương 5 ĐẦU TƯ DU LỊCH


Mục tiêu của chương:

Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:

Nắm được khái niệm đầu tư, các nhu cầu đầu tư nói chung và nhu cầu đầu tư du lịch nói riêng; các yếu tố cơ bản của đầu tư.

Hiểu rõ đầu tư du lịch thường không liên hệ trực tiếp tới các khoản thu hồi dự kiến mang tính chất thương mại; đầu tư theo “định hướng tài sản”, khả năng tồn tại của nó hoàn toàn không ràng buộc với sự tăng trưởng về cầu du lịch.

Nắm được các đặc điểm của đầu tư du lịch; đầu tư vào các "sự kiện" du lịch; các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến đầu tư du lịch.

Hiểu biết về các nguồn vốn chủ yếu sử dụng trong đầu tư du lịch.


5.1. KHÁI NIỆM VÀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA ĐẦU TƯ

5.1.1. Khái niệm đầu tư

Đầu tư, theo nghĩa chung nhất, là sự bỏ ra hoặc sự “hy sinh” những cái gì đó ở hiện tại (tiền bạc, sức lao động, của cải vật chất, thời gian, trí tuệ) nhằm đạt được những kết quả có lợi cho người đầu tư trong tương lai. Trên phương diện kinh tế, đầu tư là sự hy sinh giá trị các nguồn tài nguyên hiện tại để thu được của cải nhiều hơn trong tương lai. Theo Luật Đầu tư của Việt Nam, đầu tư là hoạt động sử dụng tiền vốn, tài nguyên trong một thời gian tương đối dài nhằm thu được lợi nhuận hoặc các lợi ích xã hội.

Theo các nhà kinh tế học, bản chất của đầu tư là sự phân bổ các nguồn tài nguyên thành vốn cố định, nhờ đó làm cho hoạt động sản xuất


tăng thêm có thể xảy ra. Trên giác độ vĩ mô, đầu tư là một phần thu nhập của nền kinh tế không bị tiêu dùng và được sử dụng để tạo nguồn tài chính cho sản xuất. Trên giác độ vi mô, đầu tư liên quan đến sự phân phối bất cứ nguồn tài nguyên cần thiết nào của một doanh nghiệp thành các tài sản sản xuất. Nhu cầu đầu tư thường tồn tại trong ba lĩnh vực sau đây:

- Các tài sản cố định mới như nhà cửa, nhà máy, thiết bị và các tài sản cố định khác.

- Nâng cấp hoặc thay thế các tài sản cố định hiện tại đã hết thời hạn sử dụng.

- Bổ sung vốn lưu động để thanh toán các chi phí sản xuất định kỳ.

Trong du lịch, ba nhu cầu đầu tư nói trên thường gắn với cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành. Ngoài ra, du lịch còn có nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho quảng bá du lịch. Đầu tư cơ sở hạ tầng thường gắn chặt chẽ với nhu cầu chung của nền kinh tế quốc dân (nhu cầu của nhiều ngành trong đó có du lịch và nhu cầu dân sinh). Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho quảng bá du lịch thuộc loại đầu tư phi vật chất (đầu tư vô hình). Phạm vi của chương này giới hạn nghiên cứu đầu tư nhằm hình thành các tài sản sản xuất (đầu tư hữu hình) bao gồm cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng du lịch.

Sự tăng trưởng và phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào đều tuỳ thuộc vào khả năng thu hồi đầu tư, mà nguồn đầu tư này có thể nhận được thông qua thị trường vốn và thu nhập nội bộ tăng thêm của ngành đó. Các khoản thu hồi chủ yếu được xác định thông qua sự bồi hoàn các nhân tố (lãi suất và cổ tức) thu được do đầu tư và cũng như do sự tăng trưởng vốn và các lợi ích khác.

5.1.2. Các yếu tố cơ bản của đầu tư

Yếu tố cơ bản quyết định số lượng đầu tư mới cần thiết là khả năng sinh lợi có thể nhận được. Đó là khoản chênh lệch giữa thu nhập hoặc


sản lượng thuần mong đợi từ đầu tư với chi phí vốn sử dụng. Trong các doanh nghiệp thương mại, thu nhập thuần đạt được từ doanh số bán dự kiến trừ đi các chi phí dự kiến, vì vậy trong du lịch nó phụ thuộc vào các kỳ vọng về số khách du lịch, mô hình cầu, chi tiêu của khách và một số dự báo về sự biến động của chi phí hàng hoá và dịch vụ có nhu cầu. Đối với một dự án đầu tư phi thương mại, thu nhập thuần có thể còn phụ thuộc vào sự định giá các lợi ích và chi phí xã hội dự kiến của dự án. Chi phí vốn là tỷ lệ lãi suất trung bình cần thiết và vốn có thể nhận được từ một số nguồn sau:

- Tài chính nội bộ: Lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng để lại; khoản dự phòng giảm giá; khoản dự phòng thuế;

- Tài chính bên ngoài: Cổ phần (và các khoản trợ cấp đầu tư); vốn vay dài hạn, tài chính ngắn hạn (tín dụng ngân hàng, thuê tài chính, tín dụng thương mại...).

Trong khi vốn vay luôn kèm theo một tỷ lệ lãi suất trực tiếp thì vốn cổ phần lại đòi hỏi cổ tức cùng với khả năng rủi ro xuất hiện tùy theo mô hình đầu tư đề xuất, còn đối với tài chính nội bộ thì thường có chi phí cơ hội của vốn khi nó có thể được sử dụng vào mục đích khác.

Một số phương pháp chủ yếu có thể sử dụng để đánh giá các dự án đầu tư với các yếu tố cơ bản thể hiện trong bảng 5.122. Những người đánh giá đầu tư thận trọng nhất đều sử dụng một số cách tính chiết khấu các thu nhập và chi phí tương lai đưa về giá trị hiện tại và kết hợp (nếu có thể) với phân tích rủi ro. Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực tế cho thấy doanh nghiệp thường thay đổi các phương pháp đánh giá và thậm chí thay đổi cả các quy tắc để quyết định đầu tư. Trong bất kỳ tình huống nào thì một quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào kỳ vọng ở các thị trường và nền kinh tế quốc dân.



22 Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman, Melbourne.


Bảng 5.1. Các phương pháp đánh giá dự án đầu tư


Chỉ tiêu đánh giá

Sử dụng tính chiết khấu

Quy tắc

của phương pháp

Hoàn trả

Không

Thời kỳ hoàn đầu tư

Hoàn trả chiết khấu

Thời kỳ hoàn đầu tư

Thu hồi kế toán bình quân

Không

Tỷ lệ % thu hồi bình quân trên đầu tư

Tỷ lệ thu hồi nội bộ*

Tỷ lệ thu hồi tạo ra thu nhập chiết khấu



bằng với chi phí đầu tư

Giá trị hiện tại thuần

Giá trị phần thặng dư của thu nhập chiết khấu trên chi phí đầu tư

Chỉ số khả năng sinh lợi

Tỷ số thu nhập chiết khấu trên chi phí đầu tư

(* tương đương với hiệu quả cận biên của vốn)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

Kinh tế du lịch Phần 2 - 1


Hầu hết các phương pháp đánh giá trên đều giả thiết rằng quyết định đầu tư được doanh nghiệp xác định rõ ràng, đó là sẽ tiến hành hoặc không tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, lý thuyết đầu tư hiện đại chỉ ra rằng có thể thực hiện các quyết định đầu tư trong một khung thời gian linh hoạt kết hợp chặt chẽ với thời kỳ tính toán về sự không chắc chắn của đầu tư. Trong thời kỳ đầu, đầu tư có thể mang lại khả năng sinh lợi, nhưng cũng có thể xuất hiện nhiều rủi ro. Theo thời gian, giá trị chưa xác định được của rủi ro (ví dụ như chi phí hoặc mức giá cả) trở thành giá trị được xác định thì mức độ sinh lợi trở nên chắc chắn hơn. Nếu doanh nghiệp quyết định tiến hành đầu tư sớm thì cần căn cứ vào mức độ dự báo khả năng sinh lợi cao hơn để bù đắp cho những tình huống rủi ro có khả năng xảy ra. Nếu doanh nghiệp quyết định đầu tư muộn hơn thì điều đó tương tự như mua quyền lựa chọn một tài sản hơn là mua chính tài sản đó. Vì vậy, lý thuyết này được gọi là lý thuyết lựa chọn đầu tư thực tế. Việc làm dự án đầu tư chậm lại cho đến khi các rủi ro không mong đợi được giảm thiểu sẽ có giá trị đối với doanh nghiệp. Điều đó giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp dường như chậm chạp trong việc đón nhận các cơ hội đầu tư.


Đầu tư thay thế có xu hướng theo chu kỳ và phụ thuộc vào phần vốn khấu hao trích lập theo quy định cũng như các tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật và mức độ cạnh tranh đòi hỏi phải luôn thay đổi các tài sản. Ví dụ, các công ty cho thuê xe thay đổi ô tô thường xuyên vì lý do khuếch trương cũng như do sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Do đó, đầu tư thay thế có xu hướng tăng lên sau một thời gian sử dụng tài sản mà tài sản này được hình thành trong thời kỳ đầu tư trước đó.

Khi GDP tăng lên và kỳ vọng của doanh nghiệp ngày một cao thì mức độ đầu tư sẽ tăng, với các điều kiện khác không thay đổi. Đến lượt mình, các dự án đầu tư sẽ tạo ra thu nhập và chi phí tăng thêm (thông qua hiệu quả bội số của Keynes), thu nhập tăng tiếp tục tạo ra khả năng cung ứng mới về vốn cho các dự án đầu tư tiếp theo. Đó là nguyên tắc gia tốc trong đầu tư.


5.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA ĐẦU TƯ DU LỊCH

5.2.1. Các lý do đầu tư du lịch

Ở hầu hết các quốc gia và trong các lĩnh vực kinh doanh của ngành du lịch, đầu tư phụ thuộc vào các nguyên tắc thương mại tương tự như các ngành kinh tế khác. Nhà cung ứng dự kiến trước khoản lợi nhuận nhận được từ việc bán sản phẩm cho du khách cũng như cho một số ngành kinh doanh hỗ trợ, từ đó định ra nguyên tắc ra quyết định và phương pháp đánh giá dự án đầu tư của chính mình. Tuy nhiên, du lịch có một số lý do khác để thực hiện đầu tư mà những lý do này có liên quan đến mục tiêu chung của các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ nhất, chính phủ các nước thường tiến hành đầu tư vào các dự án du lịch vì các lợi ích cuối cùng mang tính xã hội và phi thương mại. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, các trung tâm thông tin du lịch, các tiện ích của công viên quốc gia hoặc các trung tâm biểu diễn, các cơ sở đào tạo và các dự án tương tự được đánh giá là hợp lý trên cơ sở phân tích chi phí - lợi ích mà không chỉ căn cứ vào khả năng sinh lợi đơn thuần của các dự án đầu tư đó. Các phương pháp đánh giá


dự án và sử dụng kỳ vọng về lợi ích trên nhiều khía cạnh khác cũng tương tự như đánh giá đầu tư thương mại.

Thứ hai, sự hình thành vốn cố định ở các khu vực điểm đến du lịch đều có định hướng tài sản. Doanh nhân là những nhà đầu tư phát triển tài sản, đã xây dựng các công trình mới như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị và thương mại thay vì lựa chọn xây dựng các văn phòng, nhà máy hoặc kho bãi. Động cơ đầu tư của họ là tỷ lệ lợi nhuận thu hồi được từ việc cho thuê tài sản, nhưng quan trọng hơn là sự tăng thêm đáng kể về giá trị của tài sản khi so sánh với đầu tư vào các tài sản khác có xu hướng giảm giá trị. Sau đó, người kinh doanh du lịch chỉ đơn thuần là người thuê tài sản và các khoản thu từ kinh doanh du lịch phải cạnh tranh với khoản thu có thể nhận được từ những người thuê tài sản nhằm mục đích khác. Do đó, nhà đầu tư phát triển có thể là các tổ chức không thực sự liên quan đến du lịch như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, các tập đoàn xây dựng và sản xuất. Đầu tư tài sản được tách biệt với đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch là một xu hướng cần quan tâm và ngày càng phổ biến trong thực tế hiện nay, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ.

Thứ ba, ở các nước phát triển, một số đầu tư được thực hiện vì lý do “phong cách sống”. Ví dụ, một số người ở Anh hoặc châu Âu đầu tư phát triển trang trại, mua sắm du thuyền, sửa chữa nâng cấp các ngôi nhà cổ hoặc các toà lâu đài và thiết kế xây dựng các điểm hấp dẫn giải trí khác. Các đầu tư này trước hết nhằm cải thiện và tạo ra môi trường, phong cách sống cao hơn, thoái mái hơn cho những người đầu tư, nhưng đồng thời chúng có thể trở thành điểm hấp dẫn tham quan và bổ sung cho hoạt động du lịch. Do đó, ngành du lịch có thể xem xét việc hỗ trợ các đầu tư này như đề nghị chính phủ miễn giảm thuế, tư vấn kỹ thuật hoặc hỗ trợ kinh phí trong những điều kiện nhất định.

5.2.2. Đặc điểm của đầu tư du lịch

Đầu tư du lịch có một số đặc điểm khác biệt so với đầu tư vào các ngành khác. Nói chung, các đặc điểm này làm tăng thêm khả năng sinh


lợi và xem xét tính khả thi của một dự án đầu tư du lịch. Sáu đặc điểm chính sau đây có ảnh hưởng quan trọng đến sự cân nhắc một dự án đầu tư.

(1). Nhiều dự án đầu tư được thiết kế để cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng kết hợp giữa khách du lịch và những người tiêu dùng khác. Ví dụ, ở các thành phố nơi đến du lịch, phương tiện ô tô buýt thành phố có thể được dành phục vụ các tour tham quan và du lịch nói chung, nhưng cũng có thể phục vụ sự đi lại hàng ngày và nhu cầu vận chuyển khác của dân cư địa phương. Như vậy, những dự án đầu tư loại này sẽ tạo dòng lưu chuyển tiền tệ và thu hồi kết hợp từ cả hai nhóm người tiêu dùng. Thu nhập "kép" này có thể là một lợi thế của dự án đầu tư vào các tài sản vì chúng không phục vụ một thị trường riêng biệt, nhưng cũng có thể tạo ra sự trái ngược về chủng loại tài sản cần đầu tư để phù hợp với nhu cầu sử dụng tài sản đó. Ví dụ ở Anh, đối với du khách quốc tế ô tô buýt ở thủ đô London phải là xe hai tầng và màu đỏ, tuy nhiên loại ô tô này có thể không phù hợp với nhu cầu đi lại thường xuyên của dân cư thành phố.

Tương tự như vậy, các trung tâm hội nghị, hội thảo đa chức năng xây dựng ở các thành phố như Las Vegas (Mỹ), Djakarta (Indonesia) và Bournemouth (Anh), những trung tâm này tồn tại được vì chúng đáp ứng yêu cầu sử dụng kết hợp là các trung tâm thể thao hoặc giải trí cho dân cư địa phương. Nếu tách biệt chức năng của các trung tâm này thì có thể làm giảm sự đồng bộ, hoàn thiện và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của chúng ở cả hai thị trường.

(2). Du lịch tạo cơ hội cho các dự án đầu tư ngắn hạn có thời gian hoàn vốn nhanh. Bởi vì du khách đi đến tận “nhà máy” sản xuất để tiêu dùng hầu hết các dịch vụ và luôn luôn mong muốn được hưởng thụ các điểm hấp dẫn mới mà không gắn với yêu cầu đặc biệt về vị trí. Từ đó có thể phát triển các dự án du lịch có khả năng thu hồi vốn rất nhanh. Vấn đề này sẽ được xem xét chi tiết hơn trong phần sau - đầu tư vào các “sự kiện” du lịch.


(3). Khi đầu tư vào tài sản du lịch thì nhà đầu tư có thể cân nhắc khả năng sử dụng thay thế của tài sản trong tương lai và giá trị của tài sản tăng thêm trong giai đoạn cuối. Một toà tháp khách sạn xây dựng mới ở trung tâm thành phố trong giai đoạn đầu là để tạo ra thu nhập khi sử dụng phục vụ mục đích du lịch trong một số năm, giai đoạn sau nó có thể sử dụng vào mục đích khác và hữu ích hơn khi được chuyển thành các văn phòng hoặc căn hộ cho thuê. Nếu so sánh với đầu tư vào tài sản chỉ giới hạn cho một hoạt động sử dụng như thiết bị, máy móc trong sản xuất thì giá trị cuối cùng hoặc giá trị đã qua sử dụng của tài sản phụ thuộc vào tình trạng phát triển của ngành sản xuất đó.

(4). Tương tự như vậy, việc mua sắm các phương tiện giao thông được coi như là đầu tư vào tài sản du lịch vì có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác. Ở các nước có ngành du lịch phát triển, các công ty cho thuê xe thường bán rẻ ô tô sau khoảng 9 đến 24 tháng sử dụng. Người mua xe đã qua sử dụng là các cá nhân hoặc hãng taxi, họ có thể trả mức giá cao, hợp lý trên cơ sở tình trạng thực tế sử dụng, giữ gìn và bảo dưỡng xe của công ty cho thuê. Các hãng kinh doanh xe buýt chủ yếu mua xe mới để phục vụ tham quan du lịch, sau một thời gian sử dụng thì chuyển cho hoạt động xe buýt theo tuyến hàng ngày và cuối cùng uỷ thác cho việc đưa đón học sinh ở trường học hoặc các mục đích sử dụng tương tự. Trong ngành du lịch, các phương tiện vận chuyển khác cũng có thể dễ dàng chuyển đổi, như một hãng hàng không mua máy bay phục vụ một tuyến bay, ở giai đoạn sau có thể chuyển máy bay đó để sử dụng trên một tuyến khác. Đặc điểm này cho đến nay vẫn chưa được xem xét như là một cơ hội đầu tư. Do đó, các quyết định đầu tư mua máy bay thường được coi là đầu tư vào tài sản riêng biệt hơn là dự án đầu tư vào các tuyến bay để tạo ra thu nhập.

(5). Nhiều dự án đầu tư ở điểm đến du lịch là dự án kinh doanh sử dụng hỗn hợp gồm một số dự án nhằm mục đích du lịch và một số dự án vì các lý do không phải du lịch. Khác với các dự án sử dụng kết hợp (xem điểm a ở trên), các dự án này gồm các yếu tố đầu tư riêng biệt có

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2024