chậm như ngừng lại bởi dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật quan Điện tiền và thời gian tâm lý của vua Lý Thái Tổ.
Nhà văn còn dùng hình thức đảo thuật và lược thuật trong các lớp thời gian đa chiều, đảo thuật là hình thức hồi cố để kể về thời gian quá khứ gắn với tuổi thơ và môi trường giáo dục nhân văn, hướng thiện của vua Lý Thái Tổ với các mốc thời gian “tới năm Công Uẩn sáu tuổi”, “ba năm về trước”, “Và từ bữa ấy” để kể về việc sư Vạn Hạnh nuôi dạy Công Uẩn thành một bậc hiền tài lãnh đạo quốc gia dân tộc. Nhờ biện pháp “đảo thuật”, người kể chuyện có thể ghép nối các biên độ (độ dài) thời đoạn của quá khứ- hiện tại- tương lai đan xen đồng hiện qua các từ ngữ như “trong kí ức của tôi”, “hồi ấy”, “từ đó đến nay”, “mãi tới giờ”… làm cho các vấn đề lịch sử không hề đông cứng, khép lại mà vẫn tiếp tục sống trong dòng cảm xúc của các nhân vật và in sâu trong trái tim người đọc hôm nay. Nhìn chung, người kể chuyện rút ngắn thời gian sự kiện bên ngoài để kéo dài thời gian tâm lý trong nội tâm, tâm hồn của các nhân vật trong nhiều tình huống nhằm tổ chức các lớp thời gian đa chiều đan dệt trong cốt truyện để phân tích sâu sắc tâm lý nhân vật trong quá trình đời sống. Với việc tổ chức thời gian đa chiều, nhà văn sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy tính hư cấu, phân tích tâm lý của nhân vật mà vẫn đảm bảo nguyên tắc thể loại. Việc tổ chức thời gian đa chiều, phi tuyến tính với các câu chuyện, sự kiện của hiện tại- quá khứ- tương lai được lồng ghép đặt trong thời gian hiện tại đang tiếp diễn của nhân vật là sự đổi mới về nghệ thuật của TTLS.
Trong thời gian đồng hiện, mô típ giấc mơ và bút pháp huyền thoại hóa có vai trò quan trọng để đi vào cõi tiềm thức, vô thức và hữu thức của con người, đồng hiện trong thời gian ảo của hiện tại, quá khứ, tương lai được đảo lộn trong giấc mơ, tạo ra sự dồn nén, co ngắn nhiều mảnh “thời gian giả” trong thời gian tâm lý nhân vật, dự báo về tương lai, làm nhịp kể chậm lại. Nhà văn dùng bút pháp huyền thoại hóa, cùng biện pháp đảo ngược thời gian kể về quá khứ, luận giải về sự ra đời thần kỳ của nhân vật này qua các lớp thời gian đa chiều gắn với các từ ngữ chỉ thời gian như “đêm nọ”, “ban ngày”, “Một bữa nọ trời đã sẩm chiều”, “đêm tối”, “quá nửa đêm”, “Sớm hôm sau”, “đêm qua” là thời gian sự kiện được hư cấu- ước lệ theo mô típ thời gian phiếm chỉ của truyện cổ tích. Đó là các khoảng thời gian diễn ra câu chuyện kỳ lạ về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ: người đàn ông và đàn bà làm việc trong chùa, một vãi mệt quá, ngủ trên phiến đá “mơ thấy có người thần đến. Từ ấy, bụng cứ phình to ra, người đàn ông nọ tụt chân xuống giếng. Sớm hôm sau, Lạ thay! Nàng không thấy cái giếng đâu nữa” [121; 48, 49]. Các khoảng thời gian sự kiện này như là thành phần chêm xen mang ý nghĩa bổ sung, giải thích về nguồn gốc ra đời của vị vua tài đức Lý Thái Tổ. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng vận dụng ký ức, hồi tưởng của nhân vật để kể chuyện là một trong những thủ pháp đặc trưng của văn học hiện đại: “Chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội tâm nhân vật thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng và mới xuất hiện thời quá khứ. Chú trọng quá khứ là một đặc điểm phổ biến của văn học hiện đại” [265; 89]. Thủ pháp “dự thuật” là hình thức kể về thời gian của tương lai với các sự kiện dự báo, tiên cảm còn thể hiện trong lời dự báo của sư Vạn Hạnh chính xác đến từng
ngày từng giờ về sự việc chấm dứt, kết thúc của cái xấu, cái ác [121; 51]: “Vạn Hạnh vào triều chữa trị, người dặn lại: Trong bảy ngày nữa, tức là ngày Ất Tỵ, bệnh nhà vua ắt tái phát. Đau trong bảy ngày rồi đi vào giờ Dậu ngày Tân Hợi” [121; 57]. Như vậy, ta thấy các lớp thời gian đa chiều giúp nhà văn phát huy được tính hư cấu sáng tạo trong miêu tả tâm lý nhân vật từ góc nhìn thế sự đời tư một cách cụ thể, chân thực, sống động.
Xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu nói riêng và TTLS Việt Nam đương đại (sau năm 1986) nói chung có nhiều hình thức tổ chức thời gian đa chiều như dự thuật, đảo thuật, lược thuật khá đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, thú vị. Hoàng Quốc Hải đã sáng tạo hình thức dự thuật độc đáo, mới lạ được lồng trong bút pháp huyền thoại hóa với những lời tiên đoán, báo trước về những sự kiện trọng đại của quốc gia dân tộc, khiến người đọc tò mò, hồi hộp chờ đợi, gây hứng thú, lôi cuốn, hấp dẫn với độc giả. Trong các lớp thời gian đa chiều của Tám triều vua Lý, bút pháp huyền thoại hóa có vai trò quan trọng để tạo ra thời các lớp thời gian đa chiều thực- ảo đan xen, đồng hiện trong thời gian tâm lý của nhân vật qua các hình thức xáo trộn, đảo thuật, lược thuật. Đó là các từ ngữ chỉ thời gian của hiện tại- quá khứ- tương lai đồng hiện, đan xen, lồng ghép các lớp thời gian đa chiều trong thời gian tâm lý nhân vật qua các cụm từ “tới lúc này”, “suốt đêm ngày”, “Lại một hôm”, “Một lát”, “Ngừng một lát”, “Lúc đầu”, “những năm tháng sống trong triều đình”, “sau này”, “bây giờ”, “nay mai” [121; 101-109], “Từ lâu”, “sẩm tối”, “xưa nay”, “bây giờ mới là lúc”, “mấy ngày trước đây, “bấy lâu”, “mấy bữa nay, “trong lúc này”, “từ lâu”, “từ bữa”, “giây lâu”, “một lát sau”, “ngày thứ ba”, “hàng ngày”, “mấy chục năm nay”, “cách đây hai ngày”, “sẩm tối”, “từ tiền cổ tới giờ” mang tính ước lệ [121; 54- 68]. Đồng hiện thời gian xuất hiện cùng thời gian quá khứ- hiện tại- tương lai như Đặng Anh Đào khẳng định: “Trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện” [91; 77]. Bút pháp huyền thoại hóa là hình thức nghệ thuật để nhà văn phát huy đặc trưng hư cấu các lớp thời gian ảo trong “giấc mơ” của vua Lý Thái Tổ, ngài được thần của thành Đại La mách bảo rằng Đại La là vùng đất “anh linh, tú khí”, “ngày lành tháng tốt” để dời đô đã đến: “Tôi là thần Long Đỗ nơi thành Đại La đến chào bệ hạ, bệ hạ còn chờ gì nữa mà không dời đô” [121; 135]. Nhà văn dùng hình thức dự thuật, đồng hiện thời gian trong giấc mơ để đi sâu vào cõi tiềm thức của nhân vật một cách tự nhiên, dùng các kiểu mô típ thời gian mở đầu trong thể loại truyện cổ tích bằng các từ ngữ chỉ thời gian mang tính phiếm chỉ như “bữa nọ”: “Bữa nọ có người trong làng mơ thấy vị thổ thần báo mộng: Chùa làng ông sắp được dựng lại. Sẽ có vị cao tăng về đây trụ trì. Làng sẽ hưng thịnh, giàu của nhiều người, liệu mà chăm lo việc Phật. Ông là người có duyên phước, vậy ta báo trước cho ông hay. Ông lão giật mình tỉnh dậy mới hay mình vừa nằm mơ” [121; 180]. Bút pháp huyền thoại hóa có vai trò quan trọng để tạo ra thời các lớp thời gian đa chiều thực- ảo đan xen trong giấc mơ, đồng hiện trong thời gian tâm lý của nhân vật. Hình thức dự thuật xuất hiện dưới dạng điềm báo từ những giấc mơ, mộng mị. Việc hồi tưởng lại quá khứ với các giấc mơ đã tạo ra “sự sai lệch thời gian” trong kỹ thuật đảo ngược, đồng hiện thời gian. Trong
trục thời gian tuyến tính, nhà văn đan xen các lớp thời gian đa chiều mang tính hư cấu như thời gian ảo của giấc mơ, thời gian hồi cố, thời gian sinh hoạt, thời gian tâm lý, thời gian tự nghiệm của nhân vật, luân phiên, hoán đổi liên tục mà vẫn đảm bảo mạch thời gian khách quan của lịch sử. Đặc biệt là sự cảm nhận về thời gian trong nội tâm, tâm lý nhân vật là chỗ nhà văn có thể dùng các thành phần chêm xen kể nhanh hay chậm để xáo trộn thời gian. Đôi khi k thuật xáo trộn thời gian tưởng như gây rối, làm khó cho người đọc trong việc nắm bắt các sự kiện, câu chuyện dệt nên cốt truyện của toàn tác phẩm. Người đọc không biết mình đang ở hiện tại nào, quá khứ nào hay bay đến tương lai xa xôi của nhân vật trong sự đồng hiện thời gian của quá khứ- hiện tại- tương lai. Nhìn chung, thời gian đa chiều góp phần tô đậm thời gian tâm lý, thời gian tự nghiệm, thời gian sinh hoạt, làm lịch sử hiện lên gần gũi với con người hôm nay. Các lớp thời gian đa chiều giúp nhà văn phát huy được tính hư cấu sáng tạo, đi sâu vào nội dung thế sự, phân tích tâm lý của các nhân vật có thật một cách cụ thể, sâu sắc. Đó là hình thức để mỗi nhà văn tạo sự đồng hiện thời gian, kết nối quá khứ- hiện tại -tương lai trong nguyên tắc miêu tả nhân vật nhằm mục đích truyền tải những bài học dụ ngôn mang tính giáo huấn.
Trong thời gian đa chiều, ta thấy thời gian tâm lý và thời gian lịch sử- xã hội được tổ chức với nhịp độ nhanh chậm theo ý đồ nghệ thuật riêng của Hoàng Quốc Hải để thể hiện quan điểm thẩm mỹ trong việc tái hiện lại nhân vật, các sự kiện có thật và không khí lịch sử ở thời đại nhà Lý trị vì đất nước. Thời gian tâm lý của vua Lý Thái Tổ được miêu tả trong thời gian hiện tại “vài tháng” lên ngôi [121; 121], gắn với tâm trạng lo lắng, trằn trọc, thao thức không ngủ để lo việc dời đô về Đại La. Những sự việc đó được miêu tả bằng các từ ngữ chỉ thời gian như “Đêm tĩnh lặng”, “Đêm tịch mịch”, “Nay phải dời bỏ những cung điện”, “trong lúc này”, “từ lâu”, “mấy tháng nay”, “bây giờ” [121; 110-112]. Thời gian xã hội- lịch sử được miêu tả bằng sự kiện “Từ khi nhà Lý thay nhà Lê”, đó cũng là thời gian hiện tại gắn với nhiều sự đổi thay quan trọng của đất nước mà “Đại La từ trước tới nay… chưa hề có”. Vua Lý Thái Tổ chọn Đại La làm nơi để đặt kinh đô, thời gian chỉ “một tháng sau” bộ mặt của đất nước thay đổi, các ngôi làng mới được hình thành [121; 131- 133]. Thời gian xã hội- lịch sử được lồng ghép trong thời gian đa chiều hư cấu, thời gian cảnh tượng đối thoại của các nhân vật và thời gian trải nghiệm của nhân vật vua Lý Thái Tổ, diễn tả nhiều nỗi lo toan cho quốc gia dân tộc của ngài. Ta thấy có rất nhiều từ ngữ chỉ thời gian hiện tại- quá khứ- tương lai, đan xen đồng hiện để tạo cảm giác thời gian vận động như: “ba đến năm năm”, “bảy đến mười năm”, “ba năm liền, kể từ năm Canh Tuất (1010) này”, “gần sáng”, “một lúc”, “một lát”, “bảy chục năm qua”, “Nay”, “nay mai”, “bây giờ”, “vài tháng”, “ba mươi năm về trước”, “ngày nay”, “xưa”, “một hai tháng”, “từ sang năm”, “hiện tại”, “quá khứ”, “ngay nay mai” [121; 113-129, 182], “lúc này”, “mai sau”, “mai này”, “từ lâu”, “hai tháng”, “đúng ba ngày ba đêm”, “Đêm ấy”, “suốt đêm”, “sáng ra”, “nửa tuần trăng”, “rạng sáng ngày hôm sau”, “sáng sớm”, “Một lát sau”, “hiện nay”... [121; 88-99, 135-178]. Nhìn chung, thời gian tâm lý cũng được cảm nhận rất khác nhau, mang đầy tính hiện sinh, gắn với những vui buồn của kiếp người, gắn
Có thể bạn quan tâm!
- Giáo Huấn Về Vấn Đề Đại Đoàn Kết Dân Tộc
- Các Hình Thức Nghệ Thuật Nổi Bật Của Tiểu Thuyết Lịch Sử Dụ Ngôn Hóa Sử Liệu
- Hư Cấu Các Lớp Thời Gian Đa Chiều
- Nội Dung Luận Giải Cụ Thể Trên Tinh Thần Đối Thoại
- Đối Thoại Về Lịch Sử Kết Đọng Trong Chiều Sâu Số Phận Con Người
- Hư Cấu, Dự Phóng Về “Lịch Sử Mới” Qua Nhân Vật Hư Cấu Hoàn Toàn
Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.
liền với ý thức về ý nghĩa của cuộc đời, với quan niệm về thế giới và lịch sử, với ước mơ, lí tưởng của con người.
Tóm lại, xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu vừa tuân thủ chặt chẽ kết cấu theo mạch thời gian tuyến tính khách quan của tiểu thuyết cổ điển, vừa đan cài nhiều lớp truyện qua việc đảo trật tự cấu trúc bên trong trục thời gian tuyến tính bằng các lớp thời gian đa chiều. Xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu có sự đan xen hình thức thời gian tuyến tính lịch đại mang tính biên niên sử với thời gian đa chiều mang tính hư cấu gắn với thời gian tâm lí, thời gian sinh hoạt và thời gian tự nghiệm của nhân vật để tạo “sự chờ đợi”, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Việc tổ chức kết hợp thời gian tuyến tính và thời gian đa chiều là một trong những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản, không thể thiếu trong cấu trúc thể loại TTLS dụ ngôn hóa sử liệu. Với cách tổ chức thời gian ấy, lịch sử được kể bằng những trải nghiệm cá nhân của con người hiện đại hôm nay dựa trên cơ sở nguồn sử liệu, nên truyền tải được những bài học giáo huấn sâu sắc và cả những vấn đề thời sự của cuộc sống đương đại. Nhìn chung, việc nhà văn kết hợp thời gian tuyến tính và thời gian đa chiều là một trong những đặc sắc nghệ thuật, khẳng định những nỗ lực cách tân đáng kể trong cấu trúc thể loại.
Tiểu kết chương 3
Tóm lại, xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu gửi đến người đọc các bài học giáo huấn qua việc miêu tả chân thực, sống động những nhân vật có thật, sự kiện lịch sử của dân tộc. Qua đó, nhà văn truyền đến người đọc nhiều nội dung giáo huấn sâu sắc, lôi cuốn, hấp dẫn, thú vị, đầy sức thuyết phục. Điều này cho thấy những cách tân đáng kể, thể hiện khả năng cảm nhận, phân tích, đánh giá, khái quát các vấn đề lịch sử gắn với nhân vật, sự kiện có thật trong quá khứ của nhà văn rất sâu sắc, toàn diện, giàu tính lý luận và thực tiễn, đậm chất triết luận, mang ý nghĩa thời sự.
Nhiều nội dung giáo huấn thực tiễn mang ý nghĩa thời sự được truyền đến người đọc, góp phần xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước như: giáo huấn về lòng yêu nước, gìn giữ hòa bình, đạo trị bình, nghệ thuật quân sự, giáo huấn về chính trị- tôn giáo, vấn đề đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, giáo huấn về đạo lý qua chủ nghĩa nhân đạo...
Xu hướng TTLS dụ ngôn hoá sử liệu đảm bảo nguyên tắc thể loại, kết hợp hài hòa yếu tố “lịch sử” và “hư cấu”, một biểu hiện đổi mới dễ nhận thấy trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, đó là lối tư duy chính luận sắc sảo, tràn đầy cảm hứng yêu nước và tinh thần nhân đạo. Xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu nêu lên các vấn đề nhân sinh thế sự, giàu tính triết lý, hướng người đọc đến lẽ sống đúng đắn, chuẩn mực, các giá trị Chân- Thiện- Mỹ, ý thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình, tập thể, quê hương, đất nước.
Đặc điểm nổi bật trong hình thức nghệ thuật của xu hướng này là nhà văn dùng lớp ngôn ngữ chính luận, với lối viết đậm chất giáo huấn sư phạm để truyền tải các bài học sâu sắc, đan xen các lớp thời gian tuyến tính biên niên sử và hư cấu các lớp thời gian đa chiều.
Chương 4
XU HƯỚNG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐỐI THOẠI VỚI SỬ LIỆU
Xuất phát từ lí thuyết đối thoại của M. Bakhtin, cho rằng đối thoại là “bản chất của ý thức và tư duy con người” thông qua ngôn ngữ và “ở đâu có nhận thức thì ở đó có đối thoại”, những nhà văn thuộc xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu muốn thể hiện ý thức nhận thức lại các vấn đề lịch sử thông qua đối thoại bằng nhiều lối tư duy nghệ thuật khác nhau, tạo nên nhiều tiếng nói đa giọng điệu, đa âm sắc về các thời kì lịch sử, các sự kiện, nhân vật có thật tưởng chừng như đóng đinh, bất biến, cố định trong sử liệu. Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu thể hiện sự cách tân thể loại trên tinh thần nhận thức lại lịch sử bằng hư cấu, trải nghiệm cá nhân về lịch sử. Các nhà văn theo xu hướng này muốn thoát khỏi lối viết truyền thống bằng yếu tố hư cấu về những điều có thể xảy ra của lịch sử, dự phóng về một “lịch sử mới” qua những trải nghiệm của cá nhân về lịch sử. Họ dựa trên lý thuyết đối thoại của Bakhtin nêu lên nguyên lí lời nói con người luôn mang tính đối thoại về mặt tư tưởng, quan điểm để phân tích ngôn ngữ. Vì thế, họ chủ trương đối thoại ở lối tư duy, ý thức, quan niệm nghệ thuật và cách kể chuyện, tạo ra nhân vật hư cấu hoàn toàn để làm sống lại không khí lịch sử thời đại.
Nhiều nhà văn miêu tả nhân vật theo nguyên lí đối thoại, thể hiện nhiều giọng nói và các tiếng nói bình đẳng với nhau trong sự đối thoại, tương tác giữa các luồng ý thức độc lập, các tiếng nói khác nhau của các nhân vật, đối thoại giữa người nói với lời nói của chính mình (tức đối thoại trong độc thoại hoặc đối thoại nội tâm), tạo sự đan xen nhiều giọng điệu phong phú. Hình thức đối thoại nội tâm xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật, khi đó nhân vật phân thân, tự tách mình ra thành những bản thể khác nhau, tự đối thoại với nhau với tư cách là một “kẻ khác” tồn tại trong chính nhân vật như một cái tôi hoàn toàn độc lập. Đối thoại trên nhiều cấp độ, còn thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa nhà văn và nhân vật, người đọc- nhân vật, nhà văn- người đọc, ... Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “cái mới của nhà văn chủ yếu nằm ở cách thức lý giải lịch sử và việc trình bày lịch sử phù hợp với chiều sâu lý giải mang tính cá nhân” trên nền tảng của sự đối thoại nhân văn, “truy tìm cái mới trên cơ sở tôn trọng cái khác biệt” và “nhà văn thực hiện một cuộc đối thoại kép: vừa đối thoại với lịch sử, vừa đối thoại với người đương thời về quá khứ để tìm thấy những mối liên hệ ngầm ẩn giữa xưa và nay” [143; 257-259]. Julia Kristeva còn diễn giải tính đối thoại thể hiện qua hình thức liên văn bản, đối thoại của văn bản gốc với các văn bản khác được sản sinh ra xung quanh nó, gây ra sự tương tác đối thoại với những trải nghiệm hệ thống tri thức vốn có ở người đọc. Mọi văn bản đều là liên văn bản đối thoại với một văn bản khác, đối thoại về tư tưởng, quan điểm giữa các văn bản, thể hiện rõ lập trường tư tưởng, văn hóa của thời đại, Bakhtin nói: “lối đối thoại: như một quan điểm này đối với quan điểm kia, một cách đánh giá này đối với cách đánh giá kia” và “sự liên kết đối thoại giữa hai ngôn ngữ và hai nhãn quan ấy cho phép chủ ý của tác giả thực hiện mình đầy đủ đến mức ta cảm thấy nó rõ rệt ở từng thành
tố tác phẩm” [31; 122]. Đối thoại trong tư duy nghệ thuật còn thể hiện trên bình diện sáng tác, tiếp nhận, phê bình. Khi đối thoại với nhau, bản chất của ý thức, quan điểm, tư tưởng sẽ được bộc lộ trong quá trình “phản bác” và “đáp ứng” lẫn nhau.
Một số nhà văn viết theo xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu còn đối thoại trong tư duy văn hóa nhằm giải thiêng thần tượng là nhân vật lịch sử có thật, phản biện lại lối tư duy truyền thống. Nhân vật được khám phá đa diện ở chiều sâu của các tầng hữu thức, vô thức, bản năng tự nhiên, tâm linh, trong mối quan hệ riêng- chung, cá nhân- tập thể… một cách toàn diện, sâu sắc. Qua đó, nhà văn biện giải, đánh giá lại một số vấn đề lịch sử, mượn lịch sử như là cái cớ để nhận thức lại các giá trị lịch sử, chiến tranh bằng quan điểm nghệ thuật thẩm mỹ, nhân văn, diễn giải lại những góc khuất lịch sử, hư cấu giả định, xoáy vào đời tư, số phận con người, luận giải yếu tố văn hóa nguồn cội kết tinh bản sắc văn hóa Việt. Các nền văn hóa của mỗi thời đại, mỗi quốc gia đối thoại với nhau bằng sự tự ý thức về giá trị và sự tồn tại của chính bản thân các nền văn hóa ấy.
4.1. Khái lược về xu hướng tiểu thuyết lịch sử đối thoại với sử liệu
TTLS đối thoại với sử liệu phát triển trong bối cảnh cụ thể, xuất phát từ khoa học lịch sử của chúng ta có hạn chế: chưa làm rõ thực tiễn lịch sử và lịch sử thật sự, nên nảy sinh vấn đề tranh cãi. Xu hướng TTLS bám sát sử liệu và xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu quan niệm rằng sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ luôn cố định, không bao giờ lặp lại, không thể thay đổi được, tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá sự thật lịch sử chính là quan niệm về các vấn đề lịch sử được thừa nhận trong sử liệu. Nhưng xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu lại hoài nghi liệu các sự kiện lịch sử được lưu lại ấy có phải là sự thật đã diễn ra trong quá khứ không? hay nó còn bị bỏ qua, chỉ là hình bóng lịch sử trong nhãn quan của người chép sử? Mấy năm gần đây người ta muốn đặt lại một số vấn đề lịch sử, hoài nghi lịch sử khách quan được ghi bởi điểm nhìn chủ quan người chép sử theo định chế của diễn ngôn thời đại cụ thể, nên muốn viết lại lịch sử, thay đổi cái nhìn về lịch sử. Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu đã lấp đầy những “điểm trắng” của lịch sử bằng sự hình dung, tưởng tượng của nhà văn về lịch sử và hư cấu những điều có thể xảy ra trong lịch sử nhằm giải thích lại lịch sử bằng những trải nghiệm cá nhân, rút ra các bài học nhân sinh cho cuộc sống đương đại.
Ta thấy tiêu biểu cho xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu có các nhà văn nổi bật như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo... Họ khác với các nhà văn thuộc hai xu hướng tiểu thuyết lịch sử kia với các tác giả như Lê Đình Danh, Phùng Văn Khai, Hoàng Quốc Hải ở chỗ đề cao nghệ thuật hư cấu, chọn các nhân vật có thật, sự kiện “có vấn đề” của một số giai đoạn lịch sử cụ thể làm khung viền cho tác phẩm, đi sâu vào việc hư cấu để dự phóng về những điều có thể xảy ra xung quanh các sự kiện mà sử liệu không ghi chép, luận giải lịch sử từ góc nhìn thế sự, lịch sử kết đọng trong chiều sâu số phận con người trước biến động lịch sử, khai thác tâm lý, văn hóa, phong tục... Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu cũng dùng các hình tượng mang tính ẩn dụ để truyền tải các bài học lịch
sử ẩn sâu trong mỗi sự kiện, nhân vật, biến cố lịch sử qua lớp ngôn ngữ biện giải và nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn. Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu gợi cho người đọc tưởng tượng về những điều phức tạp, bí ẩn có thể xảy ra trong lịch sử, hình dung về những khả năng diễn biến xung quanh các sự kiện lịch sử đã được chính sử ghi chép thông qua những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân về lịch sử. Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu đã gây hứng thú, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc bởi sự hư cấu sáng tạo, chiêm nghiệm, luận giải độc đáo, mới lạ của nhà văn dựa trên sự neo đậu mỏng manh vào yếu tố lịch sử xác tín theo nguyên tắc thể loại. Điều này cũng thể hiện những cách tân đáng kể và sự phát triển phong phú, đa dạng của TTLS từ 1986 đến nay.
Các nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu không quan tâm nhiều đến yếu tố lịch sử khách quan được nhìn nhận, đánh giá bởi quan niệm trong chính sử, mà quan niệm lịch sử có sự co giãn, có một “lịch sử mới” được cảm nhận ở góc độ cá nhân. Tiêu biểu cho xu hướng này có các nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Uông Triều, Bùi Anh Tấn... Họ coi trọng việc hư cấu lịch sử để thể nghiệm những suy tư cá nhân, giả định, hoài nghi về các vấn đề lịch sử, muốn lật đảo lại lịch sử để trả lời câu hỏi phải nhìn và xác định vấn đề lịch sử ấy như thế nào trên tinh thần nhân văn và công bằng với lịch sử. Họ mượn cái vỏ lịch sử để hư cấu về một “lịch sử mới” theo nguyên tắc thể loại, không hướng người đọc phán xét theo một chân lý duy nhất đúng, mà gợi ra nhiều đối thoại đa chiều khiến người đọc có thể biện giải về các vấn đề lịch sử một cách khách quan, công bằng, dân chủ trên tinh thần không hiểu sai bản chất lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh “Đã gọi là tiểu thuyết thì phải hư cấu […] người viết […] hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức […] Bất cứ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào cũng đều có ánh xạ của đời sống hiện tại. Tiểu thuyết do một người hiện tại viết, cho những người hiện tại đọc. Vậy những vấn đề cuốn sách đặt ra không chỉ cần đúng với lịch sử mà còn phải là những vấn đề được người hiện tại quan tâm. Muốn tác động tới tâm hồn bạn đọc, người viết phải mang những xúc động của mình vào trang sách” [167]. Trong bài viết gần đây, Nguyễn Xuân Khánh khẳng định: “Khi viết tác phẩm này (Hồ Quý Ly) tôi rất trung thành với sự kiện lịch sử. Tuy nhiên tiểu thuyết lịch sử không chỉ dừng lại ở đó mà nhà văn sẽ phải dùng kiến thức của mình về văn hóa, lịch sử dân tộc cùng những trải nghiệm để có được một cái nhìn tổng thể về thời đại và thời cuộc”. Lịch sử dân tộc chính là chất liệu để các nhà văn hư cấu sáng tạo, viết TTLS, làm sống dậy lịch sử dân tộc một cách sinh động, Nguyễn Xuân Khánh nói: “Tôi quan niệm tiểu thuyết lịch sử tạo ra một hiện thực làm sao để gây cho người đọc một ảo tưởng là có thật. Tiểu thuyết lịch sử phải dựng lại bối cảnh không khí của thời đại. Tôi phải đọc rất nhiều tư liệu cùng sự trải nghiệm thực tế để nhào nặn thành nhân vật, sự kiện, những mối liên hệ. Tiểu thuyết phải có đời sống, bi hài trữ tình” [116; 48]. Có thể nói, tính hư cấu nghệ thuật tạo nên sự bay bổng, lãng mạn, có sức hấp dẫn, mê hoặc, lôi cuốn người đọc vào lịch sử dân tộc, hiểu sâu hơn các nhân vật và sự kiện lịch sử có thật được ghi trong
chính sử. Các nhà văn theo xu hướng này thường đi sâu vào các yếu tố luận đề, tâm lý, thiên về sự hư cấu sáng tạo một cách tự do trên phông nền của tư liệu lịch sử. Họ coi lịch sử chỉ là “cái đinh” để “treo những bức họa”, thường chọn những giai đoạn và sự kiện lịch sử, tạo ra nhiều nhân vật hư cấu phản ánh không khí lịch sử, biến cố, xung đột của thời đại để luận giải về các vấn đề lịch sử.
Khi khảo sát các tác phẩm trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu, ta cảm nhận rõ chất thế sự được nhà văn khám phá từ góc nhìn đa chiều, thể hiện suy tư, trăn trở, sự biện giải khách quan, công bằng của nhà văn về số phận con người và các vấn đề lịch sử. Các nhà văn luận giải về lịch sử bằng những giả định, hoài nghi về những điều có thể xảy ra xung quanh các sự kiện có thật, ẩn chứa nhiều bài học kinh nghiệm về đạo lý, nhân sinh thế sự, thậm chí “giải thiêng” thần tượng... Điểm khác biệt của xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu là tỉ lệ hư cấu cao hơn rất nhiều so với xu hướng TTLS bám sát sử liệu hay xu hướng TTLS dụ ngôn hóa sử liệu. Xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu luôn đề cao yếu tố “hư cấu” hơn yếu tố “lịch sử”, có cả yếu tố cách tân, lệch chuẩn được dùng để luận giải lịch sử theo quan điểm thẩm mỹ của nhà văn, được người đọc tiếp thu trên tinh thần dân chủ hóa và hiện đại. Qua đó, các nhà văn bày tỏ quan điểm nhìn nhận, đánh giá, luận giải về vai trò của các nhân vật lịch sử trong việc thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển xã hội, luận giải các xung đột lịch sử, luận giải về văn hóa, phong tục… Tiêu biểu cho xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu có các tác giả như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Nam Dao, Võ Thị Hảo….
Một số nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu đã tiếp cận các vấn đề lịch sử bằng việc đào sâu vào lĩnh vực văn hóa, phong tục để phân tích, luận giải lịch sử bằng những tưởng tượng hư cấu, trải nghiệm cá nhân của nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh với các tác phẩm như Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn. Văn hóa được hiểu là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra qua các thời kì lịch sử, phản ánh trình độ xã hội ở các lĩnh vực “học vấn, khoa học kĩ thuật, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, sản xuất...”. Còn phong tục được hiểu là những tập tục, thói quen trong sinh hoạt cộng đồng đã thành tục lệ thấm sâu vào đời sống xã hội ở những giai đoạn cụ thể. Văn hóa, phong tục là những giá trị vật chất và tinh thần luôn thay đổi qua các thời kỳ lịch sử để phù hợp với xu thế thời đại, phản ánh nền văn hiến với bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Qua khảo sát các tác phẩm cụ thể, phần lớn các nhà văn viết theo xu hướng này chọn các vấn đề chính, nổi bật của từng giai đoạn lịch sử với rất ít nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu có thật làm sợi dây neo đậu để thỏa sức hư cấu ra nhiều nhân vật không có tên tuổi trong sử sách, tạo khung cốt truyện theo nguyên tắc thể loại để luận giải lịch sử bằng những trải nghiệm cá nhân. Các nhà văn trong xu hướng TTLS đối thoại với sử liệu chủ trương nhìn thẳng vào đời sống quá khứ, lật giở, đào xới lịch sử để lắng nghe những xao động, thăng trầm của lịch sử, thấu hiểu nhân tình thế sự, các vấn đề về lối sống, đạo đức của con người, truyền thống văn hóa, phong tục của dân tộc.