lục vấn đáp của Trần Thế Tông “Thiên giang hữu thủy, thiêng giang nguyệt/Vạn lý vô vân, vạn lý thiên”. Đây là một ký hiệu. Ngay từ khi bắt đầu tiểu thuyếtHồ Quý Ly, tác giả trích dẫn thơ thiền chứa đựng vấn đề “độc hành”, “độc bộ”, đã “độc hành” “độc bộ” mà còn “đồng du”?, ai là kẻ đi đến “niết bàn”? Niết bàn dành cho “đạt giả” chăng?,… Ý nghĩa tự thân của hai câu thơ thiền trên dù cho không được đặt vào trong văn cảnh, thì nó là đã có sẵn, việc hiểu được ý nghĩa hai câu thiền này đòi hỏi sự hiểu biết và tư duy của người đọc. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh là bước đầu tiếp xúc với tiểu thuyết, một người đọc thông thái, một người tư duy hiện đại có quyền thẩm thấu sự biện giải của mình về vai trò của các câu thơ này khi nó được đặt trong ngữ cảnh mới. Bởi vai trò của việc trích dẫn LVB không phải đơn giản chỉ là sự phát hiện ý nghĩa tự thân mà quan trọng nhất chính là sự phát hiện ý nghĩa khi nó nằm trong một hoàn cảnh cụ thể. Khi thực hiện việc trích dẫn thơ ở phần đề từ, nhà văn đã tạo ra tín hiệu khởi phát ban đầu để cho thấy xu hướng về nội dung, màu sắc trong ngôn ngữ của tác phẩm. Từ đó, hình thành ngay từ đầu tâm thế tiếp nhận cho người đọc. Tương tự, Nguyễn Xuân Khánh cũng bắt đầu Đội gạo lên chùa bằng việc trích dẫn bốn câu thơ thiền trích trong Cư trần lạc đạo phú của đức vua Trần Nhân Tông “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,/Cơ tắc san, hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch,/ Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.”,… đây đã trở thành phong cách của Nguyễn Xuân Khánh trong bộ ba tác phẩm Hồ Quý Ly – Mẫu Thượng Ngàn – Đội gạo lên chùa. Tùy vào mỗi ngữ cảnh mà những sự trích dẫn thơ ca có vai trò khác nhau. Điểm chung có thể thấy, sự trích dẫn này là bước đệm, bước khởi đầu để người đọc bước vào cuộc hành trình khám phá tác phẩm. Thơ ca xuất hiện trong tiểu thuyết lịch sử là một hình thức kết nối LVB không chỉ mang giá trị là một thao tác trong sáng tác, quan trọng nhất là từ sự mở rộng VB này, định hướng cho độc giả hướng đi để đến mục tiêu cuối cùng là giải mã các sự thật lịch sử, thậm chí là tiến hành khám phá đằng sau bức tranh lịch sử đã qua những hình ảnh phản chiếu
lại của bức tranh quá khứ và hướng đến cuộc sống hiện tại. Thơ ca góp phần làm cho tiểu thuyết có chất thi ca lãng mạn, trữ tình. Tính cô đúc, chặt chẽ của thơ ca còn là nơi chứa đựng những triết lý nhân sinh cao cả, làm giàu chất trí tuệ cho văn chương và cho đời sống.
Thơ ca còn xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết mang khuynh hướng hậu hiện đại, ngoài việc làm cho ngôn ngữ của tiểu thuyết gần với âm hưởng của thơ, thì nhiều nhà văn sử dụng thơ ca như những mang vai trò bổ nghĩa, ẩn dụ hóa, là công cụ giễu nhại vào các vấn đề của đời sống xã hội hiện nay. Điều này thường xuyên gặp trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh,… Vấn đề dùng thơ ca để giễu nhại, chúng tôi đã đề cập ở chương thứ ba của luận án.
4.2.2.2. Truyện ngắn trong tiểu thuyết
Biểu hiện của sự xâm nhập truyện ngắn vào tiểu thuyết trước hết thể hiện ở việc chia nhỏ đại tự sự thành những tiểu tự sự. Khác với cấu trúc truyền thống của tiểu thuyết là đi theo cấu trúc chương hồi, mỗi cuốn tiểu thuyết chỉ tập trung vào những sự kiện, biến cố nhất định. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại có xu hướng “chia nhỏ” đại tự sự và cấu trúc tác phẩm từ những tiểu tự sự và lắp ghép chúng bên cạnh nhau. Với Hồ Quý Ly Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng cấu trúc tác phẩm bằng việc đan xen kết cấu vòng tròn, tác phẩm mở đầu bằng hội thề Đồng Cổ, kết thúc là hội Đốn Sơn; kết cấu đầu cuối tương ứng lấy bạo lực làm cảnh mở đầu: cuộc hành quyết pháp trường với Nguyên Hàng, Nguyên Uyên, và kết thúc cũng bằng bạo lực qua cuộc tàn sát phe phái nhà Trần trên kinh đô mới,… Với Giàn thiêu, Võ Thị Hảo triển khai qua hai câu chuyện: câu chuyện về vua Lý Thần Tông (từ chương IX đến chương XV), câu chuyện về Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh (từ chương XVI đến chương XXI). Mỗi chương mang hình thức của một truyện ngắn hoàn chỉnh về mặt nội dung và hình thức của thể loại. Thao tác chia nhỏ tự sự đã làm cho cấu trúc VB không cố định mà luôn linh hoạt, biến đổi, từ đó giải phóng tự do cá nhân trong sáng
tác mà không bị gò bó vào bất cứ khuôn mẫu nào đã được định sẵn, đồng thời độc giả cũng được tự do trong việc chọn điểm xuất phát để tiếp cận VB.
Biểu hiện của truyện ngắn trong tiểu thuyết không chỉ thể hiện ở việc chia nhỏ đại tự sự thành những tiểu tự sự mà nó còn thể hiện ở việc lồng ghép những câu chuyện nhỏ vào trong mạch tự sự của câu chuyện lớn. Những tiểu tự sự này tùy theo mục đích sáng tác mà có những cách xử lý khác nhau đối với hạ bản và đặt vào văn cảnh mới cho phù hợp. Đối với tiểu thuyết lịch sử, thao tác này là một biểu hiện của viện dẫn LVB, tức xử lý hạ bản có đôi chút biến đổi nhưng không nhằm làm mới ý nghĩa của hạ bản đồng thời cũng không nhằm tạo ra tiếng cười đả phá, châm biếm hay mỉa mai. Phạm vi viện dẫn này càng rộng thì dung lượng nhân vật, sự việc được đề cập, được quan tâm sẽ càng rộng ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều khía cạnh và chiều kích được khai phá và khơi dậy tạo nên sự đa dạng trong việc kết hợp nhiều vấn đề vừa mang tính lịch sử vừa mang tính hiện đại. Tất cả hợp thành một bức tranh rộng lớn của tiểu thuyết trong phản ánh các vấn đề lịch sử đã qua và cả các vấn đề của cuộc sống hiện tại. Trong tiểu thuyết Trần Khánh Dư, Lưu Sơn Minh đã lồng ghép kể câu chuyện về nhân vật Đỗ Vĩ với những chi tiết về sự đóng góp và hy sinh oanh liệt của bậc tài hoa này. Chỗ khác, Lưu Sơn Minh lồng kể câu chuyện về Trần Văn Lộng, và trong câu chuyện về Trần Văn Lộng đó, lại có câu chuyện thật ngắn gọn về “bài học “uống nước bùn” của Thái Tổ Nguyên triều Thành Cát Tư Hãn” [84, tr.66]. Vậy là câu chuyện được lắp ghép từ nhiều mảnh vỡ khác nhau, câu chuyện có thể lồng ghép và chia nhỏ hơn nữa; đồng thời cũng trong tác phẩm, nhà văn lại lặp lại một lần nữa câu chuyện huynh đệ tương tàn lẫn nhau trong dòng tộc Thành Cát Tư Hãn được tóm tắt kể lại qua những sự việc chính nhất. Câu chuyện này trở thành bài học và sự liên hệ cho câu chuyện đang được kể ở thì hiện tại của tác phẩm: “Vậy là khối đại thống của họ Đông A vẫn còn vững, nhờ phúc ấm tổ tông mà trong họ chưa đến mức phải đánh giết nhau vì ngôi đại bảo.” [84, tr91]. Ngoài ra trong tác phẩm còn
có câu chuyện của Thiên Thụy, Trần Liễu, Hoàng Chí Hiển, Thị Thảo,… Trong Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã xoá bỏ cái nhìn toàn trị của tư duy đại tự sự, thể hiện rõ tính chất phân mảnh, đan xen những không - thời gian khác nhau: không gian của những nghi lễ, phong tục, văn hoá làng quê và từ đó gợi ra không gian của cuộc sống con người hôm nay. Tác phẩm được cấu trúc trong mối quan hệ giữa các vấn đề lịch sử với các vấn đề hiện tại. Việc lồng ghép, chia nhỏ đại tự sự đã làm cho tiểu thuyết mở rộng phạm vi phản ánh, bao quát được nhiều vấn đề của lịch sử và thời đại.
Sự có mặt của thể loại truyện có dung lượng ngắn còn thể hiện ở yếu tố tự sự dân gian được trích dẫn/viện dẫn trong lòng của tiểu thuyết lịch sử. Văn học dân gian là kho tàng vô giá chứa đựng nhiều “văn bản” có thể được nghiên cứu, được đọc lại, được trích dẫn và lắp ghép vào văn học viết nhằm biểu đạt những ý đồ khác nhau của người sáng tác. Ý nghĩa của văn học dân gian tưởng chừng như là cố định và đã được đóng khung. Tuy nhiên, đây lại là chất liệu vô cùng giàu có để nhà văn xử lý hạ VB từ đó sử dụng vào trong thượng VB của mình. Nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đương đại như Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Thế Quang,… đã lồng những truyện truyền thuyết, cổ tích, những truyện huyền thoại vào tiểu thuyết lịch sử dẫn đến sự mở rộng lịch đại đặt vào trong không - thời gian đương đại tạo ra sự mở rộng đường biên thể loại cho tiểu thuyết lịch sử hiện nay. Võ Thị Hảo trộn lẫn chính sử với dã sử, đưa vào Giàn thiêu huyền tích về Dã Nhân, thân phận chàng Cá Bơn [60, tr313], câu chuyện về Đức phật Thích ca [60, tr413]; Hoàng Quốc Hải đưa vào Tám triều vua Lý những câu chuyện truyền thuyết về Lý Công Uẩn, thiền sư Vạn Hạnh, Định Hương, câu chuyện phò trợ vua Lý Thánh Tông của Bà Triệu, truyền thuyết về hai vị Trương Hống, Trương Hát, những cổ tích về cuộc đời của thôn nữ Lê Thị Khiết. Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly trích dẫn huyền thoại lưu truyền trong dân gian,… Những câu chuyện dân gian được đưa vào đa phần không phải là một VB hoàn chỉnh, nó được tóm
thuật, lược trích. Khi viết lại, nhà văn có ý thức thực hiện việc kết nối VB của mình với tiền VB. Tiền VB được xử lý gắn với bối cảnh mà câu chuyện được kể, vì thế nó mang ý nghĩa tư tưởng và góp phần thể hiện, triển khai các vấn đề của đời sống hiện đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Viết Lại Lịch Sử Trong Tiểu Thuyết Việt Nam Đương Đại
- Những Hình Thức Viết Lại Lịch Sử Trong Tiểu Thuyết Việt Nam Đương Đại
- Tương Tác Thể Loại Trong Tiểu Thuyết Việt Nam Đương Đại
- Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 19
- Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 20
- Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 21
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho tiểu thuyết ngắn. Được cấu trúc theo hình thức LVB, Thoạt kì thủy gồm có ba phần. Phần A (tiểu sử), chỉ ba trang, liệt kê vắn tắt tiểu sử 18 nhân vật (cả người và vật), được viết theo văn bản hành chính thông thường, gần giống như các bản kê khai lý lịch. Phần B (chuyện) 140 trang, là phần trọng tâm của tiểu thuyết, kể song hành hai câu chuyện: chuyện về con cú bị bắn rơi và chuyện về người dân vùng Linh Sơn. Đây là phần mang đặc điểm của văn bản tiểu thuyết. Phần C (Phụ chú) 5 trang, gồm hai tiểu đoạn: I. Tác phẩm của ông Phùng, có nhan đề Và cỏ (mang hình thức vừa thơ vừa văn xuôi, gần như là thơ văn xuôi. II. Những giấc mơ, giấc mơ của Tính và giấc mơ của Hiền được viết dưới hình thức nhật ký. Cấu trúc tác phẩm tưởng chừng như theo một khuôn khổ rất khoa học nhưng thực chất đó là một kết cấu ẩn dụ đầy trừu tượng trong sự ngổn ngang của cõi vô thức về cuộc đời và số phận của những con người sống trong môi trường đầy bạo lực, u tối và đầy ẩn ức. Thuận trong tiểu thuyết Chinatown lồng tiểu thuyết I’m yellow mà nhân vật tôi đang viết. Tôi là nhân vật chính tự kể về mình trong Chinatown trở thành chị ta, được người khác kể lại trong I’m yellow. Với cách kể này, chị ta trong I’m yellow mở ra những phần bị che khuất trong tôi của Chinatown. Hai tiểu thuyết vận động theo hướng riêng nhưng đều là bệ đỡ cho sự phát triển tính cách của các nhân vật. Thuận đã thể hiện khả năng điêu luyện trong việc thực hiện truyện lồng trong truyện làm cho kết cấu của tiểu thuyết có khả năng linh động trong việc tiếp nhận nhiều thể loại, tạo ra đường link kết nối LVB giữa Chinatown, I’m yellow và Made in Vietnam. Tính LVB giữa Chinatown, Made in Vietnam và I’m yellow làm cho tiểu thuyết mang tính chất trò chơi, làm cho người đọc phải luôn đủ tỉnh táo để tham gia trò chơi đó. Đặng
Thân trong 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] đã xây dựng một tiểu thuyết mang tính đa VB khi LVB kết nối dày đặc trong tác phẩm. Tác phẩm cắt hình ảnh của trang báo mạng, email, bảng biểu, công thức, VB khoa học,… từ đó phá vỡ cấu trúc của tiểu thuyết chương hồi. Qua các thông tin kết nối, nhà văn đưa người đọc ra ngoài VB để đến những VB khác. Nhà văn cho người đọc tiếp xúc với vô vàn sự kết nối đến những luồng thông tin khác nhau bên ngoài VB. Trong đó, truyện lồng trong truyện chỉ là những mã chứa đường link, ra ngoài phạm vi của VB thuộc về nhu cầu, mong muốn, sự suy tư, thái độ, cũng như sự đam mê của người đọc. VB từ đây trở thành siêu VB, nó không đơn nghĩa, không tuyến tính. Người đọc trở thành người có quyền năng lớn trước việc có chấp nhận hay không “tính mở” của VB đang đọc và hướng tới những VB hoặc chỉ là dấu hiệu của một VB nào đó được đan cài. Sự kết nối này chính là biểu hiện cụ thể nhất của tính LVB, nó đòi hỏi nhân vật - nhà văn - độc giả tham gia vào trò chơi cùng thẩm thấu tính đa tầng của VB. VB như vậy không bao giờ mang tính cố định, đã hoàn tất, hay đã xong xuôi, nó là tập hợp ngôn ngữ mang tính đa nghĩa. Tập hợp đó luôn được hoàn tác, bổ sung đến vô hạn từ khả năng tư duy, trải nghiệm của người tiếp nhận.
4.3. Viết lại lịch sử và tương tác thể loại với sự đổi mới tiểu thuyết
4.3.1. Viết lại lịch sử với tính đối thoại
Tiểu thuyết lịch sử không đơn thuần chỉ là câu chuyện của lịch sử. Những câu chuyện lịch sử được thực hiện trong sự kết nối câu chuyện của văn hóa và các vấn đề xã hội khác có liên quan vì thế LVB trở thành liên văn hóa. Bằng cách thay thế, biến đổi những giá trị nguồn có trong hạ bản, thượng bản đã chất vấn, đối thoại trên nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội nhằm hướng tới những giá trị mới trong văn cảnh mới.
Tính chất văn chương độ hai mà Genette chỉ ra chính là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của tiểu thuyết lịch sử. Đó là quá trình mô phỏng lịch sử thời đã qua và cụ thể hóa lịch sử đương đại. Điều này có nghĩa, sự hấp dẫn của
tiểu thuyết lịch sử không chỉ nằm ở sự diễn giải mới đối với lịch sử mà còn là sự nối kết hai chiều giữa quá khứ và hiện tại. Như vậy, ngôn ngữ tiểu thuyết lịch sử là diễn ngôn mang tính hiện đại - điều mà khoa học lịch sử không thể làm được. Với tính chất diễn ngôn hiện đại đó, một lần nữa, tất yếu dẫn đến quá trình đối thoại, phản biện lại với lịch sử. Không phải cái gì của người xưa cũng đã được lưu lại, được tả lại, kể lại đầy đủ, chi tiết. Vì thế sự suy đoán, tưởng tượng,… cao hơn nữa là sự phản biện, đối thoại chính là cơ hội để nhà văn xây dựng tính chất tiểu thuyết cho lịch sử.
Nhân vật Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn nhưng bi kịch của ông là không được lòng dân và cho đến nay, vẫn còn có rất nhiều những tranh luận về vai trò lịch sử của nhân vật này. Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục lật xới vấn đề để cùng người đọc cùng suy ngẫm về các tư tưởng cách tân và bảo thủ, sự thành - bại trong những thời khắc lịch sử quan trọng của Hồ Quý Ly. Giả sử công cuộc canh tân đất nước của Hồ Quý Ly được thực hiện thành công thì vai trò của ông đối với nhà Hồ cũng như vai trò của Trần Thủ Độ đối với triều Trần, nhưng sự canh tân của Hồ Quý Ly cực đoan, bảo thủ đến mức đốt cháy giai đoạn và chính điều đó khiến ông tính nhầm nước cờ của lịch sử. Nếu lịch sử nhìn nhận Hồ Quý Ly “cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly?” [72, tr.184]. Đấy là phán xét rành rành của lịch sử, không thể biện minh. “Nhà Trần là ai? Xưa kia đích thực họ anh hùng; còn bây giờ, toàn bộ bọn chúng chỉ là lũ sâu mọt ức hiếp dân. Hồ Quý Ly là ai? Ông ta mưu mô xảo quyệt; rặt làm những chuyện phiền hà.” [68, tr.241]. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Khánh xây dựng Hồ Quý Ly ngoài đảm bảo đúng với chính sử thì tác giả khắc họa nhân vật này trong bi kịch của những nội tâm, dù ông là người có tội, nhưng cái công của Hồ Quý Ly không phải là không có. Nguyễn Xuân Khánh đã có lúc, có nơi trong tác phẩm nhìn một cái nhìn công bằng cho nhân vật này: “Quý Ly là người giầu óc thực tế” [68, tr.221]; “Vì những lý do ấy, việc tìm người chỉ huy quân đội lúc này. Quý Ly làm rất công tâm. Vốn có tài nhìn
người và dùng người, Quý Ly luôn để mắt đến những vị quan trẻ.” [68, tr.221]. Trong cuộc đối thoại của Hồ Nguyên Trừng và Hồ Quý Ly: “Bây giờ con đã hiểu tại sao cha không thích những bức tranh này. Con hiểu cái chí của cha. Cha muốn một cuộc đổi đời, một cuộc đảo lộn trời long đất lở ở xứ này. Bởi vậy, cha không thể như bốn vị tứ phụ này, đem thân phò tá bốn ông vua trẻ thơ. Trung thành như Chu Công Khuông phò Chu Võ Vương có thể còn được; chứ đến như Khổng Minh phò Lưu Triệu, Tô Hiến Thành phò Lý Cao Tông là hai ông vua trẻ con ngu độn, thật là ngu trung.” [68, tr.99]. Nguyễn Xuân Khánh, đã đặt Hồ Quý Ly trong nhiều mối quan hệ phức tạp của gia đình và xã hội, khai thác nhân vật ở nhiều phương diện: một vị cầm quyền văn võ song toàn, tinh tế, sâu sắc nhưng đầy tham vọng, quyết đoán, táo bạo; một người cha yêu thương con, một người chồng đầy trách nhiệm. Ở góc độ lịch sử, đấy là “kẻ thoán nghịch”, nhưng ở tính tiểu thuyết của lịch sử, con người ấy được nhìn nhận là một kẻ sĩ đầy tâm huyết trong công cuộc canh tân đất nước bằng tinh thần sáng tạo, quyết đoán, vượt ra khỏi những tư tưởng và thành kiến cũ. Từ những điều được đặt ra này, giá trị tư tưởng còn có ý nghĩa cho cuộc sống đương đại hôm nay. Quản lý đất nước, ở góc độ nào đó, cũng cần có những phẩm chất đáng quý của Hồ Quý Ly. Đó là tinh thần dám làm dám chịu. Tuy nhiên, những bi kịch và sai lầm dưới thời đại Hồ Quý Ly đến hôm nay vẫn là bài học kinh nghiệm cho những người chủ trương đổi mới bằng mọi giá hay bảo thủ một cách mù quáng. Như vậy, Hồ Quý Ly không chỉ là câu chuyện của lịch sử, mà qua lịch sử để đối thoại với câu chuyện đất nước, xã hội hôm nay.
Đối thoại với lịch sử được thực hiện bằng việc đánh giá cao vai trò của lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh viết trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly “Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh túy của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy! Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương.