với các thể loại tiểu thuyết khác như tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết phong tục... ở cách thức nhà văn tiếp cận đề tài cũng như đối tượng được miêu tả.
Một yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa người viết tiểu thuyết lịch sử với người viết tiểu thuyết thông thường chính là đối tượng lịch sử, nên yêu cầu nhà văn vừa phải có kiến thức uyên bác, tỉ mỉ như một nhà sử học, vừa có khả năng biến những kiến thức lịch sử khô khan trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy, chất liệu làm nên tác phẩm của nhà tiểu thuyết lịch sử phải đảm bảo yếu tố chuẩn mực về thời gian, sự kiện, tập quán... vì người đọc hoàn toàn có thể kiểm chứng tính đúng đắn đó. Những hư cấu của nhà văn phải nằm trong “vùng an toàn” và đảm bảo sự kiện hay nhân vật lịch sử được nhắc đến không bị sai lệch, nhưng đồng thời vẫn phải tạo ra yếu tố hấp dẫn cho tác phẩm của mình. Bên cạnh những nhân vật có thật trong lịch sử, nhà văn còn sáng tạo nên những nhân vật hư cấu. Bằng tài năng của mình họ sẽ gắn kết hai đối tượng nhân vật này, thậm chí có thể dành sự chăm chút, miêu tả nhiều hơn về phía nhân vật hư cấu.
Vấn đề quan trọng làm rõ khái niệm tiểu thuyết lịch sử là phải phân biệt được đâu là nhà văn và đâu là nhà sử học. Mối quan tâm chính của họ là lịch sử nhưng mỗi người lại có mục đích riêng, và mối quan tâm là không giống nhau. Nếu nhà sử học có mục đích chính là khám phá sự thật lịch sử, thì nhà tiểu thuyết lịch sử lại thông qua việc tái hiện lịch sử rút ra những quan niệm và suy ngẫm về cuộc sống và con người. Tôn trọng sự chân thực lịch sử nên nhà sử học quan tâm đến tính chỉnh thể của lịch sử và tính chính xác đến từng chi tiết, còn nhà tiểu thuyết ít bị ràng buộc hơn, ông ta có thể quan tâm đến một khoảnh khắc nào đó trong lịch sử, không bị lệ thuộc vào chi tiết, và sự hư cấu sáng tạo là không thể thiểu. Cách miêu tả lịch sử và nhân vật lịch sử của nhà văn cũng khác với nhà sử học. Sử gia giới thiệu nhân vật như những danh
nhân anh hùng trong các biến cố, sự kiện lịch sử, còn nhà văn miêu tả nhân vật lịch sử như con người trong tính nhất quán, trong mối quan hệ phức tạp của nó với các mặt đời sống.
Khi tìm hiểu về sự hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, các nhà nghiên cứu vừa chú ý đến các yếu tố của tiểu thuyết vừa quan tâm tới sự thật lịch sử trong tiểu thuyết để suy ngẫm chiêm nghiệm. Một điều dễ nhận thấy là tiểu thuyết lịch sử thiên về góc độ đời tư của nhân vật. Cái nhìn từ góc độ đời tư trong tiểu thuyết lịch sử là nhu cầu phản ánh số phận để qua đó đưa ra cách đánh giá các vấn đề thời đại. Nhân vật tiểu thuyết là con người cá nhân, con người đó sẽ tham gia vào các biến cố lịch sử theo sự sáng tạo của nhà văn, sự sáng tạo và hư cấu đó là không có giới hạn. Đó là điều thu hút các nhà tiểu thuyết cũng là sức mạnh của tiểu thuyết lịch sử so với sách lịch sử.
Viết tiểu thuyết lịch sử nhưng nhà văn thường không coi việc phản ánh lịch sử là mục đích chính mà qua các yếu tố lịch sử đó nêu lên những vấn đề có ý nghĩa đối với con người, đối với hiện tại. Biêlinxki, nhà nghiên cứu văn học nước Nga khẳng định: “chúng ta hỏi và chúng ta chất vấn những cái đã qua để chúng ta giải thích cho hiện tại và chỉ ra tương lai của chúng ta” [8]. Ở quan niệm này, ông đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại trong tiểu thuyết lịch sử.
Có những thể loại gần gũi với tiểu thuyết lịch sử như truyện kí lịch sử, truyện dã sử. Điểm giống nhau giữa chúng là đều có những yếu tố lịch sử trong tác phẩm. Tuy nhiên, ở truyện dã sử nhà văn dựa vào một vài chi tiết lịch sử và hầu như sử dụng những hư cấu, những điều lưu truyền trong dân gian để tạo thành cốt truyện của mình. Nhân vật chính trong truyện dã sử cũng là nhân vật hư cấu, truyện thường mang sắc thái kiếm hiệp ly kỳ nhằm tạo sự hấp dẫn. Truyện ký lịch sử ngoài yêu cầu phải đảm bảo về tính chính xác lịch sử thì gần như nó loại trừ yếu tố hư cấu.
Có thể bạn quan tâm!
- Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 1
- Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 2
- Những Phương Diện Cơ Bản Của Tư Duy Tự Sự
- Đề Tài Lịch Sử - Văn Hóa Và Thông Điệp Thế Sự
- Cảm Hứng Lịch Sử - Văn Hóa Và Suy Tư Thế Sự
- Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 7
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
Nhìn chung, tiểu thuyết lịch sử ngày càng có những đổi mới về nghệ thuật, về tư duy tự sự… khiến thể loại thực sự có sức hấp dẫn đối với công chúng.
1.2.2. Đặc trưng thể loại
Là một thể loại có tính đặc thù, tiểu thuyết lịch sử có những quy luật sáng tạo riêng so với các thể loại khác. Như trên đã trình bày, tiểu thuyết lịch sử yêu cầu nhà văn viết về đề tài lịch sử trong quá khứ; nguồn dữ liệu từ lịch sử và đảm bảo được màu sắc lịch sử; nhà văn được quyền hư cấu như một không gian mở của tiểu thuyết, tuy nhiên nhà văn nói chuyện xưa nhưng nhằm mục đích soi chiếu vào hiện tại để làm rõ vấn đề. Nói một cách khác, tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi rất cao ở người viết: phải xử lí được mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và hư cấu, tưởng tượng. Thông thường, nhà văn có thể tự do trong lựa chọn nhân vật, chi tiết, sự kiện lịch sử nhưng ngược lại, cũng bị chính những yếu tố đó quy định. Khi viết về một thời đại lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử, đối với nhà văn bên cạnh tài năng còn là vấn đề cái nhìn, cách nhìn, đòi hỏi nhà văn không đơn thuần chỉ có vốn sống mà còn là vốn hiểu biết về lịch sử, phong tục tập quán, địa lí, ngôn ngữ, văn hóa... để có thể đưa những chi tiết của lịch sử vào tác phẩm “chân thật hơn lịch sử”. Tiểu thuyết lịch sử ưu tiên khẳng định tính chất hư cấu của cốt truyện nhưng tạo cho nó cái vẻ giống như thật bởi kết cấu và những hành động. Bảo đảm cho độc giả rằng mọi sự đều có thể diễn ra như vậy, tiểu thuyết lịch sử còn giúp họ hiểu tốt hơn những nguyên nhân và hậu quả của những sự kiện đã qua.
Vấn đề tiếp nhận của người đọc cũng ảnh hưởng lớn đến tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm văn học nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng chỉ trở thành một tác phẩm thực sự khi nó được tiếp nhận. Nhà văn cố gắng tạo cho mình một lượng công chúng ủng hộ, nhưng họ cũng bị chính công chúng chi phối lại. Ở thời kì đổi mới, cuộc sống con người không đơn giản chỉ là ăn no
mặc lành nữa, mà những nhu cầu về giải trí đối với công chúng không ngừng đòi hỏi được nâng cao, trong đó nhu cầu giải trí bằng văn học cũng đòi hỏi phong phú hơn, mới mẻ hơn. Cần thấy rằng, sự thật trong văn học tuy thống nhất với sự thật ngoài đời nhưng rõ ràng chúng chưa bao giờ là một. Sự đồng nhất giữa hai loại sự thật này, dù chỉ là vô tình cũng làm phương hại đến sự lung linh đa nghĩa của nghệ thuật. Chỉ khi hai yếu tố thông tin sự thật và thông tin thẩm mĩ kết hợp hài hòa thì tác phẩm mới có cơ hội tồn tại lâu dài. Vì vậy đọc văn phải khác đọc sử. Những tác phẩm văn học viết về lịch sử dù nổi tiếng đến mấy cũng không thay thế được các bộ chính sử, thông sử. Mặt khác, không thể phủ nhận ý nghĩa nhận thức lịch sử của các sáng tác nghệ thuật có giá trị. Một người đọc “đích thực” sẽ không được nhầm lẫn giữa tác phẩm văn học viết về lịch sử với những công trình khoa học lịch sử.
1.2.3. Tiểu thuyết lịch sử trong đời sống tiểu thuyết Việt Nam đương đại
Tiểu thuyết Việt Nam đương đại là chặng đường chưa dài so với tiến trình vận động của thể loại hơn hai thế kỉ qua, nhưng cũng để lại những dấu ấn đáng chú ý trong đời sống văn học. Với tinh thần đổi mới, văn học đương đại có sự thay đổi lớn lao về tư duy nghệ thuật. Là loại hình tự sự có nhiều ưu thế, đáp ứng nhanh nhạy những yêu cầu đổi mới, từ năm 1986 đến nay tiểu thuyết nhanh chóng chiếm giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn xuôi. Chỉ trong vòng mười năm đầu thế kỉ XXI, người đọc dễ dàng quan sát và khắc nhớ hàng loạt cái tên, những người viết tiểu thuyết như Võ Thị Hảo với Giàn thiêu; Hồ Anh Thái với Cõi người rung chuông tận thế, Đức P hật, nàng Savitri và tôi, Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Dấu về gió xóa. Rồi Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà; Thoạt kì thủy, Ngồi của Nguyễn Bình Phương; Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh; China Town, Paris 11 tháng 8 của Thuận; Và khi tro bụi, Mưa ở
kiếp sau của Đoàn Minh Phượng; Nháp, Phiên bản, Kín của Nguyễn Đình Tú;
Nhiều cách sống, Mất kí ức của Nguyễn Quỳnh Trang…
Thời gian gần đây, công chúng yêu văn học chứng kiến sự nở rộ của các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Có thể kể một số cuốn tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu như: Người đẹp ngậm oan, Gươm thần Vạn Kiếp của Ngô Văn Phú; Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải; Vua đen của Hoàng Công Khanh; Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác; Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh; Giàn thiêu của Võ Thị Hảo; Minh sư của Thái Bá Lợi; Hội thề của Nguyễn Quang Thân; Thông reo Ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang... Đề tài lịch sử đã tạo nên tiếng vang nhất định cho một số cây bút tiểu thuyết đương đại, đem lại nhiều đóng góp vào quá trình phát triển thể loại, đặc biệt trong khoảng chục năm trở lại đây. Người viết tiểu thuyết lịch sử hôm nay đã vượt qua cái khó của chính mình khi cố gắng thoát khỏi “định mệnh thuyết”, sáng tạo lịch sử từ nhân vật như một con người của tiểu thuyết, xóa nhòa những định kiến đã biết trước về nhân vật. Số lượng tác phẩm cho thấy ưu thế của tiểu thuyết lịch sử chặng này là sự đa dạng trong phong cách cá nhân. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tính chất dân chủ hóa đã khai phóng cho cá tính sáng tạo và kinh nghiệm cá nhân của nhà văn. Những quan niệm quen thuộc trong văn học trước đây bị phá vỡ hoặc được bổ sung. Có nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử trở về với khuynh hướng sử thi, có tác phẩm đi sâu khai thác vấn đề thế sự, có tác phẩm tiếp nối kĩ thuật tự sự của tiểu thuyết lịch sử truyền thống, có tác phẩm tiếp thu lối viết hiện đại của tiểu thuyết phương Tây… Tất cả tạo thành một vườn hoa với đủ cả sắc, hương và một bầu không khí sôi nổi.
Hiện thực được phản ánh trong các tiểu thuyết lịch sử thời kì này cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Đó có thể là hiện thực của các sự kiện, biến cố
lịch sử nhưng có thể là hiện thực của số phận con người. Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm không chỉ một chiều mà đa diện, nhiều chiều, thậm chí có khi là hiện thực “xoay chiều, ngược chiều”, hiện thực ở dạng khả năng, tiềm ẩn những bất ngờ. Đó dường như là lịch sử trong cảm nhận riêng, được biết đến qua những trăn trở, khổ đau, vui buồn của từng nhân vật. Có nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh còn đưa các yếu tố phong tục, văn hóa vào tác phẩm để mở rộng khả năng phản ánh hiện thực của tiểu thuyết lịch sử.
1.3. Nguyễn Xuân Khánh và thể loại tiểu thuyết lịch sử - văn hóa
1.3.1. Nguyễn Xuân Khánh và hành trình viết văn nửa thế kỉ
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông học Đại học Y khoa Hà Nội. Thời trai trẻ, ông được biết đến là người rất say mê âm nhạc. Bước vào ngưỡng tuổi hai mươi, Nguyễn Xuân Khánh tham gia vào lực lượng quân đội. Trong thời gian ở quân ngũ, Nguyễn Xuân Khánh đã viết tác phẩm đầu tiên. Năm 1957, truyện ngắn Một đêm của ông được giải Nhì cuộc thi viết truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (không có giải nhất). Từ đó văn chương gắn với ông như một duyên nghiệp. Năm 1962, sau khi in tập truyện ngắn đầu tay có tên Rừng sâu và bị kỉ luật, ông tạm ngừng sáng tác. Tuy nhiên ông vẫn ấp ủ những dự định văn chương của mình. Ông về hưu sớm và không xuất hiện trong đời sống văn học. Để đối diện với cuộc sống mưu sinh, ông làm rất nhiều nghề như dịch sách, thợ may, thợ khóa... Chính thời gian này đã cho ông sự trải nghiệm trong cuộc sống, vốn tri thức văn hóa ông vẫn hàng ngày nghiền ngẫm. Từ sâu thẳm tâm hồn, Nguyễn Xuân Khánh vẫn dành cho văn chương một vị trí đặc biệt.
Từ sau Đại hội Đảng VI (1986), sự nghiệp Đổi mới đất nước diễn ra trên mọi phương diện đã tác động tới văn nghệ sĩ. Sự thay đổi diện mạo của đất nước, sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật là những nhân tố quan trọng tạo nên chuyển biến của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Ngoài ý
thức đổi mới thể loại còn có sự đổi mới cả trong tư tưởng, nội dung phản ánh. Thế hệ nhà văn Cách mạng trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc... trở thành những người mở đường tinh anh và đặt nền móng cho quá trình đổi mới văn học. Từ đó đến nay có sự xuất hiện trở lại của một thế hệ nhà văn mà do thử thách thời thế đã có một thời gian vắng bóng như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh... Sự nỗ lực âm thầm bền bỉ cuối cùng đã mang lại cho Nguyễn Xuân Khánh những thành quả xứng đáng. Đầu thế kỉ XXI, bộ ba tiểu thuyết Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa của ông giành được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam... Nhưng giải thưởng chưa phải là tất cả, bởi vì độ dày của sách, số lần tái bản, danh mục giải thưởng, sự hâm mộ của độc giả tuy mang lại nhiều vinh quang cho người sáng tác, nhưng tất cả những cái đó chưa hẳn đã đủ đảm bảo để tác phẩm có đời sống lâu bền trong lịch sử văn học. Điều đó có nghĩa, chỉ sau khi đọc tác phẩm, tìm được giá trị nội tại của nó, ta mới có thể bàn tới vị trí văn học sử của một nhà văn. Song, thực tiễn đời sống văn học đã chứng minh bộ ba trường thiên tiểu thuyết Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa đã khiến Nguyễn Xuân Khánh xác lập cho mình một vị trí riêng trên văn đàn Việt Nam đương đại. Nguyễn Xuân Khánh “đột ngột xuất hiện, như thể ông vừa bước ra từ một huyền thoại nào đó, từ một sự ẩn mình đâu đó lâu lắm, như loài trầm hương trong rừng sâu kia, một ngày nhoài lên từ lớp mùn và mục gỗ để đi về phía ánh sáng mặt trời và đem theo mùi hương quý giá” [35]. Những cuốn tiểu thuyết của một người viết cao tuổi không chỉ khiến người đọc kinh ngạc vì sức lao động nghệ thuật đáng nể, mà còn gây ấn tượng mạnh cho độc giả bởi sự độc đáo của một cây bút bậc thầy về văn hóa. Nó làm nên nét hấp dẫn riêng của văn chương Nguyễn Xuân Khánh.
1.3.2. Tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh trong dòng chảy tiểu thuyết thế kỉ XXI
Như đã biết, Nguyễn Xuân Khánh viết văn từ thời kì kháng chiến chống Mỹ, nhưng thành công mà ông thu được trên con đường hoạt động nghệ thuật nhọc nhằn chứ không dễ dàng. Mãi đầu thế kỉ XXI, ông mới thực sự thành công với bộ ba tiểu thuyết về đề tài lịch sử, văn hóa là Hồ Qúy Ly (2000); Mẫu Thượng Ngàn (2006); Đội gạo lên chùa (2011).
Lựa chọn viết về một thể loại văn học không mới như tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh có những quan điểm riêng: “Tôi quan niệm tiểu thuyết lịch sử không phải để kể lại lịch sử, minh họa lịch sử... Người viết lịch sử không thể dựng lại đúng hiện thực mà chỉ là cách nhìn về lịch sử, và cái nhìn ấy, ngôn ngữ ấy được độc giả chấp nhận là được” [25]. Như vậy, nhà văn quan niệm: lịch sử chỉ là phương tiện để truyền đạt các ý tưởng, chủ đề và làm nền cho tưởng tượng, hư cấu của tác phẩm. Tuy nhiên, việc hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử trên nền tảng các cứ liệu lịch sử cũng có những khó khăn riêng, những quy định riêng cần đảm bảo chứ không thể tùy tiện, phóng túng. Nói về vấn đề này, Nguyễn Xuân Khánh cho rằng: “Tôi quan niệm tiểu thuyết lịch sử phải tạo ra một hiện thực làm sao để gây cho người đọc một ảo tưởng là có thật... Tiểu thuyết phải có đời thường, bi hài, trữ tình. Trong khi đó kí sự lịch sử chỉ là bám chắc vào các văn bản sử để viết” [25]. Nhà văn đưa hiện thực lịch sử ấy vào trong tác phẩm và gán cho nó những trải nghiệm của cá nhân, theo cái nhìn của cá nhân.
Hồ Qúy Ly là cuốn tiểu thuyết tái hiện lại thời kì lịch sử sóng gió cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV. Đó là giai đoạn cuối triều đại nhà Trần, đầu triều đại nhà Hồ; với nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly, trong bối cảnh nước Đại Việt phải gồng mình đổi mới để thoát khỏi khủng hoảng trong nước và chống giặc ngoại xâm. Thấm đẫm trong từng trang văn, kết cấu truyện, không gian, nhân vật tác phẩm… là những chất liệu lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán rất