Quản Lí Kiểm Tra, Đánh Giá Hoạt Động Giáo Dục Môi Trường Cho Học Sinh Tiểu Học


1.4.4. Quản lí kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học

Theo Trần Khánh Đức (2014), Kiểm tra, đánh giá là chức năng của quản lí, thông qua đó, một cá nhân, một nhóm hoặc một tổ chức theo dõi, giám sát các thành quả hoạt động và tiến hành ngay những hoạt động sửa chữa, uốn nắn cần thiết.

Quản lí kiểm tra HĐGDMT cho HS ở trường tiểu học là đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học giúp nhà quản lí đối chiếu với kế hoạch GDMT đã xây dựng, kịp thời điều chỉnh hoạt động GDMT cho phù hợp với mục tiêu đề ra.

Kiểm tra là chức năng của hiệu trưởng trong việc tìm hiểu xem các quyết định chỉ đạo được thực hiện như thế nào, phát hiện và kịp thời giúp đỡ đội ngũ khắc phục các thiếu sót, các trở ngại trong quá trình thực hiện kế hoạch, đồng thời phát hiện các mối liên hệ ngược về bản thân các quyết định, các kế hoạch nhằm điều chỉnh đúng đắn để đạt tính khả thi hơn. Mặt khác, giám sát, kiểm tra còn có ý nghĩa tác động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, qua kiểm tra để khen thưởng các sáng kiến, các thành tích nhằm động viên, khích lệ các cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Để quản lí kiểm tra, đánh giá, hiệu trưởng cần tập trung các nội dung sau:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ nhà trường, trong đó có nội dung kiểm tra việc GDMT của giáo viên. Kế hoạch kiểm tra cần xác định rõ mục đích kiểm tra, cách thức, phương pháp kiểm tra (kiểm tra giáo án, dự giờ đột xuất hoặc theo kế hoạch, kiểm tra kết quả GDMT của HS…), đối tượng kiểm tra (giáo viên, tổng phụ trách Đội, nhân viên) và thời gian, không gian kiểm tra. Xác định nội dung kiểm tra: Nội dung kiểm tra toàn diện hoặc chuyên đề, cụ thể như sau: Kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch chương trình GDMT của các bộ phận; Kiểm tra việc thực hiện quy chế, nề nếp quy định theo đặc trưng loại hình giáo dục; Kiểm tra hồ sơ GDMT của từng bộ phận và từng cá nhân; Kiểm tra việc giảng dạy, giáo dục của GV; Kiểm tra tình hình sử dụng, bảo quản trang thiết bị phục vụ hoạt động GDMT; Kiểm tra công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường trong HĐGDMT (tuyên truyền, vận động, quản lí thu chi,..).


- Hiệu trưởng phổ biến, công khai kế hoạch kiểm tra đến toàn thể HĐSP.

- Đồng thời, nhà quản lí cần xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch HĐGDMT tương ứng với từng bộ phận và công khai tiêu chí trên trong toàn thể HĐSP được biết và cùng nhau thực hiện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 313 trang tài liệu này.

- Sau mỗi lần kiểm tra cần có nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm trong HĐSP, trong tổ, nhóm chuyên môn. Cuối mỗi học kì hoặc năm học, nhà quản lí cần kịp thời khen thưởng các cá nhân, các tổ chuyên môn có thành tích tốt trong HĐGDMT cho HS. Đồng thời, cũng nhắc nhở, phê bình những cá nhân, tập thể thực hiện chưa tốt.

1.4.5. Quản lí các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học

Quản lí hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh ở các trường tiểu học tại thành phố Đà Nẵng - 10

HĐGDMT cho HS ở trường tiểu học không thể được thực hiện nếu thiếu các điều kiện về nhân lực, vật lực và tài lực. Các điều kiện này là điều kiện cần và đủ để nhà giáo dục tiến hành các HĐGD nói chung và HĐGDMT cho HS nói riêng.

Chất lượng giáo dục của nhà trường phần lớn do đội ngũ giáo viên quyết định. Do đó việc sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển nhà trường. Chất lượng đội ngũ trong mỗi nhà trường thể hiện ở nhiều mặt: Đủ về số lượng, hợp lý cơ cấu, đảm bảo về trình độ đào tạo và có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài việc quản lí đội ngũ đóng vai trò quan trọng, thì việc quản lí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí và thời gian cho HĐGDMT cho HS tiểu học cũng rất cần thiết. Vì vậy để quản lí các điều kiện hỗ trợ HĐGDMT cho HS, hiệu trưởng cần quan tâm đến các nội dung sau:

- Phân công sử dụng con người phù hợp với năng lực: Phân công hợp lí trong chuyên môn trên cơ sở có chú ý đến điều kiện năng lực giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa của từng giáo viên trong trường. Xây dựng quy chế thi đua hợp lí nhằm nhân rộng cá nhân, tập thể thực hiện có hiệu quả kế hoạch của nhà trường đề ra hoặc có thành tích nổi bật trong HĐGDMT.

- Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên: Hiệu trưởng phải thường xuyên quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ dưới nhiều hình thức: tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, cấp trường về GDMT; Tổ chức thảo luận các chuyên đề GDMT; mời chuyên


gia về GDMT cho HS cấp tiểu học về nói chuyện trong HĐSP; cho giáo viên tham quan, giao lưu, học tập ở các trường bạn; tự bồi dưỡng theo các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD&ĐT.

- Phân bổ thời gian cho HĐGDMT phù hợp với từng thời điểm, chủ điểm, ngoài việc cân đối thời gian cho việc tích hợp GDMT qua các môn học. Tăng cường các HĐGDMT thông qua HĐNGLL nhằm giúp cho HS có thêm các sân chơi bổ ích, lí thú.

- Phân bổ kinh phí cho HĐGDMT: kinh phí chi lương, kinh phí phục vụ dạy học và giáo dục môi trường, kinh phí tập huấn, bồi dưỡng, kinh phí mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, trang bị cơ sở vật chất, kinh phí khen thưởng và các khoản khác, kinh phí tổ chức các hoạt động GDMT cho HS.

- Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học: thống kế số lượng và chất lượng các phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, nhà bếp. Từ thực trạng hiện có về cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các điều kiện hiện có, đồng thời có hướng cải tạo, xây dựng hoặc bổ sung thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hằng năm. Cung cấp các tài liệu hướng dẫn của các cấp, sưu tầm và cung cấp các nguồn tư liệu GDMT địa phương, sưu tầm thêm các nội dung, tài liệu GDMT khác không được Bộ, Sở, Phòng cung cấp nhưng có tính thực tiễn cao. Khuyến khích các LLGD và HS tham khảo, cập nhật thêm các nguồn thông tin về GDMT để không ngừng nâng cao hiểu biết về GDMT, nhất là trong thời điểm hiện nay – môi trường đang từng ngày biến đổi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web, thư viện.

1.4.6. Quản lí sự phối hợp các lực lượng giáo dục

Trong lí luận cũng như trong thực tiễn giáo dục, sự thống nhất tác động giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội được xem là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Trong việc tổ chức kết hợp các lực lượng giáo dục, gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, là trọng tâm của các hoạt động kết hợp. Gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ là đầu tiên và sớm nhất. Giáo dục con cái trong gia đình không phải chỉ là việc riêng tư của bố mẹ, mà


còn là trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ công dân của những người làm cha mẹ. Nó được xác định trong nhiều văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay như trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, …gắn với quan hệ máu mủ ruột thịt và tình yêu thương sâu sắc của ông bà, cha mẹ với con cái nên giáo dục gia đình mang tính xúc cảm mạnh mẽ, có khả năng cảm hóa lớn nhất (Lê Văn Bình, 2019).

Quản lí sự phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường trong HĐGDMT là quản lí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường và các lực lượng giáo dục khác tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào HĐGDMT như cha mẹ học sinh, các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng đồng, các nhà hảo tâm, các chuyên gia,…trong xã hội và quan trọng hơn hết là làm thế nào quản lí có hiệu quả sự hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng giáo dục này để việc triển khai thực hiện kế hoạch, mục tiêu giáo dục của nhà trường đạt được kết quả cao nhất. Trong các nội dung quản lí, đây được coi là nội dung quản lí quan trọng nhất, nó quyết định hiệu quả trong công tác quản lí HĐGDMT cho HS ở trường tiểu học.

Để quản lí tốt sự phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường trong HĐGDMT cho HS, hiệu trưởng nhà trường cần quan tâm:

- Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Nhà trường - gia đình – xã hội trong HĐGDMT cho học sinh ở trường tiểu học;

- Xác định rõ nội dung cần sự phối hợp và những điều kiện cơ yếu bảo đảm cho nội dung hoạt động đó;

- Xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của từng lực lượng giáo dục trong mỗi hoạt động;

- Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp: phân công, phân nhiệm hợp lý, phát huy được hiệu lực và hiệu quả công việc;

- Quan tâm đến việc huy động sự tham gia của các LLGD thông qua công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi cho từng hoạt động, tạo dựng một môi trường hợp tác đồng thuận và hướng đích cao.


1.5. Các yếu tố ảnh hưởng công tác quản lí hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học

Công tác quản lí HĐGDMT cho học sinh ở các trường tiểu học chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan sau đây:

- Hệ thống văn bản pháp quy bao gồm Luật, Nghị quyết, Chỉ thị, các văn bản dưới luật… Hệ thống văn bản pháp quy này thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của các cấp về vấn đề môi trường nói chung và GDMT cho HS nói riêng. Đây là phương tiện, kim chỉ nam trong hành động quản lí, để các nhà quản lí thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy, hiệu trưởng các trường TH cần dựa trên hệ thống văn bản do các cấp ban hành về GDMT để triển khai thực hiện.

Các văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục, Sở giáo dục và Bộ giáo dục và đào tạo về hoạt động GDMT cho học sinh ở trường tiểu học. Nếu các văn bản được ban hành đầy đủ, đảm bảo tính thời sự (thường xuyên được bổ sung), sát với thực tiễn cơ sở thì các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch đảm bảo đầy đủ và đúng theo yêu cầu đặt ra. Vì các văn bản này bước đầu đã tạo hành lang pháp lý điều kiện quan trọng cần có đầu tiên để các nhà trường thực hiện hoạt động giáo dục môi trường.

- Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở, Phòng GD&ĐT đối với hoạt động GDMT từ việc triển khai kế hoạch tới các nhà trường đến việc giám sát, kiểm tra phải cụ thể, rõ ràng đồng thời có tiêu chí đánh giá việc quản lí, thực hiện hoạt động GDMT mới có thể thúc đẩy các nhà trường tổ chức hoạt động GDMT có hiệu quả.

- Sự quan tâm của chính quyền địa phương là nguồn lực quan trọng giúp nhà trường trong công tác kết nối cộng đồng dân cư trong các HĐGDMT cho HS.

- Năng lực quản lí của CBQL: Năng lực của CBQL được thể hiện trong việc hoạch định kế hoạch giáo dục, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá việc thực hiện của các LLGD được phân công. Những năng lực này có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả quản lí HĐGDMT cho HS ở các trường TH.

- Trình độ của đội ngũ GV về GDMT: Yếu tố này có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại trong HĐGDMT cho HS ở trường tiểu học. GV là người hưởng ứng các thay đổi trong nhà trường; GV là người xây dựng và thực hiện kế


hoạch phát triển nhà trường; GV là người xây dựng, vun trồng và phát triển văn hóa nhà trường; GV là người tham gia huy động và sử dụng các nguồn lực của nhà trường. Vì vậy, nhà quản lí cần quan tâm phát hiện, sử dụng hợp lý và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên cho đội ngũ GV.

- Nhận thức của các LLGD trong nhà trường đóng vai trò quan trọng, quyết định tới sự thành công hay thất bại bại của việc tổ chức giáo dục môi trường. Chỉ khi BGH các nhà trường và các LLGD trong nhà trường nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết phải giáo dục môi trường cho hs tiểu học; xác định được vị trí của hoạt động giáo dục MT cho học sinh tiểu học; thấy được vai trò của kĩ năng sống trong việc phát triển nhân cách học sinh thì kế hoạch giáo dục môi trường của ban giám hiệu mới có tính khả thi cao và việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này mới đem lại hiệu quả như mong muốn.

- Cơ chế quản lí hoạt động giáo dục môi trường: là một điều kiện rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường. Nhà trường với chức năng chuyên biệt về dạy học, giáo dục, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp, nắm vững quan điểm, đường lối, mục đích, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng con người mới. Mặt khác, nhà trường có đội ngũ chuyên gia sư phạm có trình độ, năng lực, đạo đức, do đó nhà trường cần phát huy vai trò là trung tâm tổ chức phối hợp, dẫn dắt nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục môi trường cho HS. Cơ chế quản lí các hoạt động giáo dục kĩ năng sống là phương tiện giúp cho ban giám hiệu thực hiện chức năng quyền hạn lãnh đạo của mình đối với công tác giáo dục kĩ năng sống; là cơ sở để ban giám hiệu huy động các nguồn lực có được vào việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng sống.

- Nhận thức của PHHS về tầm quan trọng, vai trò, bản chất của HĐGDMT và quản lí HĐGDMT.

- Hiệu quả của công tác kiểm tra đánh giá các hoạt động GDMT: Thực hiện tốt công tác kiểm tra đánh giá các hoạt động phối hợp sẽ có tác dụng: Đôn đốc các khách thể chịu sự quản lí, làm tốt hơn các nhiệm vụ đã được chủ thể quản lí phân công; Đánh giá đúng mức độ hoàn thành công việc của từng cá nhân, đơn vị, hay tổ chức


xã hội tham gia vào quá trình GDMT cho HS; Cho phép nhà quản lí nắm bắt chính xác việc diễn biến các hoạt động GDMT, kết quả của hoạt động này. Nhờ đó nhà quản lí có điều kiện điều chỉnh các hoạt động cho hợp lí góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách quản lí của mình

Tiểu kết chương 1

Giáo dục môi trường cho học sinh nói chung, cho học sinh tiểu học nói riêng là một nội dung giáo dục rất quan trọng và cần thiết trong nhà trường nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, góp phần hình thành nhân cách toàn diện cho học sinh. Mục tiêu của GDMT cho học sinh tiểu học là cung cấp những kiến thức cơ bản về môi trường để học sinh có những hiểu biết những vấn đề về môi trường diễn ra xung quanh các em; từ đó hình thành ở học sinh tình cảm, thái độ và hành vi đúng đắn trong ứng xử với môi trường. Giáo dục môi trường cho học sinh là một hoạt động giáo dục trong nhà trường, do nhiều thành tố cấu thành, bao gồm: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, kiểm tra đánh giá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà giáo dục và người được giáo dục (HS).

QLHĐGDMT cho HS tại các trường tiểu học là quá trình tác động có mục đích của nhà quản lí (trong đó hiệu trưởng là quan trọng) đến toàn bộ hoạt động GDMT nhằm thực hiện mục tiêu HĐGDMT cho học sinh. Để quản lí HĐGDMT đạt kết quả, nhà quản lí cần xác định các thành tố cần quản lí bao gồm: quản lí mục tiêu thực hiện GDMT, quản lí thực hiện nội dung GDMT cho học sinh, quản lí việc sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động GDMT cho học sinh, quản lí kiểm tra đánh giá kế hoạch HĐGDMT cho học sinh, quản lí các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ HĐGDMT trong nhà trường, quản lí cán bộ quản lí cấp dưới (Phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn), quản lí nhà giáo dục và quản lí học sinh. Trên cơ sở xác định các nội dung quản lí HĐGDMT cho HS ở trường tiểu học, nhà quản lí cần tiến hành xây dựng kế hoạch GDMT, tổ chức và chỉ đạo các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường thực hiện, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch đề ra.


Công tác quản lí HĐGDMT cho học sinh nói chung, học sinh tiểu học nói riêng còn chịu ảnh hưởng các yếu tố khách quan và chủ quan như cơ chế, chính sách, môi trường xã hội, nhận thức của lực lượng giáo dục nhà trường, năng lực quản lí, điều hành của hiệu trường; năng lực về giáo dục môi trường của đội ngũ giáo viên, nhân viên; cơ chế quản lí và hiệu quả của công tác kiểm tra, đánh giá.

Tóm lại, trong chương 1, NCS đã hệ thống hóa được khung lí luận cho công tác quản lí HĐGDMT cho học sinh ở trường tiểu học với việc xác định các thành tố của công tác quản lí HĐGDMT và từng thành tố được tiến hành thực hiện theo chức năng quản lí. Đồng thời, chương 1 cũng đã xác định được yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lí là cơ sở để tiến hành khảo sát thực trạng ở Chương 2. Để công tác quản lí HĐGDMT cho HS ở các trường tiểu học đạt kết quả mong đợi, ngoài việc xác định và điều hành tốt các nội dung quản lí thì nhà quản lí cần biết nắm bắt, tận dụng, khai thác những lợi thế và loại bỏ những bất lợi của các yếu tố ảnh hưởng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/02/2024