+ Hiệu trưởng chỉ đạo GV tăng cường ứng dụng CNTT trong thiết kế giáo án tích hợp giáo dục pháp luật và trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục.
+ Hiệu trưởng huy động phối hợp phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội trên địa bàn nơi trường đóng cùng tham gia hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh: hội phụ nữ, công an, đoàn thanh niên...
Quản lý hoạt động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực GDPL của giáo viên. Đây là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản lý nhà trường của Hiệu trưởng. Cần tiến hành việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên GDPL, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bao gồm việc bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
e. Quản lý hoạt động tự giáo dục pháp luật của học sinh theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Hoạt động học tập của HS là hoạt động tồn tại song song với hoạt động dạy của người thầy. Do vậy, quản lý hoạt động học của học sinh có vai trò quan trọng trong quy trình quản lý chất lượng GDPL, đó là quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, rèn luyện của học sinh trong quá trình GD. Cũng như hoạt động tác động của giáo viên, hoạt động tự GD của học sinh là hoạt động trọng tâm của nhà trường giúp các em lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Quản lý hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh dân tộc nội trú bao gồm:
- Quản lý nề nếp, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tính tự giác tích cực của học sinh. Hiệu trưởng cần chỉ đạo đội ngũ cố vấn học tập, Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên, giáo viên để hình thành ở học sinh động cơ, thái độ học tập đúng đắn; những thói quen, nề nếp trong các hoạt động ở nhà trường; có ý thức tự phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện mình. Đồng thời, tìm hiểu và nắm bắt kịp thời các biểu hiện tích cực và tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập môn học.
- Quản lý việc bồi dưỡng phương pháp học tập cho học sinh: Phương pháp học tập ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập. Việc quản lý, bồi dưỡng
phương pháp học tập cho học sinh phải đảm bảo giúp học sinh nắm vững phương pháp, kỹ năng chung của hoạt động học tập, kỹ năng học tập phù hợp với bộ môn; Bồi dưỡng cho học sinh phương pháp học tập ở trên lớp; phương pháp tự học ở mọi nơi, mọi lúc.
g. Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả GDPL theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Kiểm tra đánh giá kết quả GDPL cho học sinh là cơ sở để đánh giá quá trình và hiệu quả của hoạt động GDPL, giúp thầy và trò xác định được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó điều chỉnh hoạt động của thầy và hoạt động của trò nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp Luật Và Giáo Dục Pháp Luật Cho Học Sinh Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú, Bán Trú Theo Định Hướng Đổi Mới Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông
- Mục Tiêu Của Giáo Dục Pháp Luật Cho Hsptdt Nội Trú, Bán Trú Theo Định Hướng Đổi Mới
- Hình Thức Giáo Dục Pháp Luật Cho Học Sinh Trường Ptdt Nội Trú, Bán Trú Theo Định Hướng Đổi Mới Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông
- Thực Trạng Giáo Dục Pháp Luật Cho Học Sinh Ở Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú, Bán Trú Huyện Ba Bể, Tỉnh Bắc Kạn Theo Định Hướng Đổi Mới Chương Trình
- Thực Trạng Hình Thức Gdpl Cho Hs Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú, Bán Trú Huyện Ba Bể, Tỉnh Bắc Kạn Theo Hướng Đổi Mới Chương Trình Giáo Dục Phổ
- Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Soạn Giáo Án Và Lập Kế Hoạch Tổ Chức Gdpl Theo Định Hướng Đổi Mới Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông
Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.
Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả GDPL của học sinh là chức năng và nhiệm vụ của cán bộ quản lý. Thông qua việc quản lý kiểm tra đánh giá kết quả GDPL cho học sinh, nhà quản lý sẽ nắm bắt được chất lượng hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh. Để hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh PTDT nội trú, bán trú có chất lượng, hiệu quả, hiệu trưởng cần tập trung quản lý các nội dung sau:
Chỉ đạo giáo viên đánh giá được đầu vào và đánh giá liên tục trong quá trình GDPL để tổ chức GD thích ứng với năng lực học sinh
Thông báo cho học sinh thường xuyên các kết quả đánh giá để giúp học sinh điều chỉnh hành vi ứng xử, có ý thức tự học, tự rèn luyện để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Chỉ đạo GV chú ý đến những đặc điểm đặc trưng riêng của học sinh ở các trường PTDT nội trú, bán trú trong quá trình kiểm tra, đánh giá (tiêu chí đánh giá).
Chỉ đạo GV xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục pháp luật cho học sinh ở các mức độ đảm bảo tính khách quan và công bằng.
Như vậy, Quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả GDPL là tập trung vào quản lý mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện ở các khâu lập kế hoạch kiểm tra đánh giá; tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ trong quá trình học tập môn học hoặc sau một hoạt động giáo dục tích hợp nội dung giáo dục pháp luật.
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí giáo dục pháp luật cho học sinh trường PTDT nội trú, bán trú theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Cũng như các dạng hoạt động xã hội khác, GDPL cho HS PTDT nội trú, bán trú luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố, các yếu tố này luôn nằm trong sự đan xen lẫn nhau và có quan hệ mật thiết với nhau. Việc xem xét, đánh giá đúng đắn sự ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan đến GDPL cho HS PTDT nội trú, bán trú là cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng các biện pháp bảo đảm hiệu quả của công tácnày.
1.5.1. Năng lực quản lý của hiệu trưởng nhà trường
Ở các trường PTDT nội trú, bán trú hiệu trưởng là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động GD và DH. Có thể nói, hiệu trưởng có năng lực quản lý tốt thì mọi mục tiêu giáo dục đặt ra mới trở thành hiện thực. Lý luận cũng như thực tế cho thấy, người hiệu trưởng không những cần có phẩm chất, kiến thức khoa học, nhận thức đúng đắn về lý luận dạy học, ý nghĩa và sự cần thiết của hoạt động GDPL cho học sinh, mà còn cần có năng lực quản lý, hiểu được các biện pháp, hình thức tổ chức GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới để từ đó quản lý chỉ đạo cán bộ GV thực hiện tốt mục tiêu GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
1.5.2. Nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động GDPL cho HS PTDT nội trú, bán trú theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Nội dung, chương trình GDPL mang tính thiết thực, phù hợp sẽ kích thích, động viên học sinh thực hiện tốt. Phương pháp, hình thức GD thích hợp sẽ góp phần phát huy vai trò tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh, huy động họ tham gia vào quá trình học tập, tự GD để hoàn thiện nhân cách.
Hình thức tổ chức quản lý người học sẽ phát huy vai trò cá nhân người học, khai thác tiềm năng và trí tuệ của họ, giúp họ phát triển nhân cách theo yêu cầu xã hội và mục tiêu của chương trình dạy học môn học.
1.5.3. Năng lực sư phạm của giáo viên trong tổ chức hoạt động GDPL theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Nhiệm vụ quan trọng của hoạt động GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường PTDT nội trú, bán trú là giúp học sinh hình thành phẩm chất
và phát triển năng lực trong học tập và hoạt động nghề nghiệp sau này. Chính vì vậy, vai trò của đội ngũ GV - những người trực tiếp truyền đạt kiến thức đến HS là vô cùng quan trọng.
Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi đội ngũ GV phải tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nắm vững chương trình để khai thác và sử dụng có hiệu quả trong quá trình thiết về và tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm học sinh và điều kiện thực tiễn ở các trường PTDT nội trú, bán trú. Đội ngũ GV cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của hoạt động GDPL cho HS PTDT nội trú, bán trú có say mê, nhiệt huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật đa dạng từ đó thực hiện được mục tiêu giáo dục đề ra.
1.5.4. Học sinh và mối quan hệ trong gia đình và ngoài môi trường xã hội
Học sinh PTDT nội trú, bán trú là lứa tuổi đã và đang hình thành, phát triển mạnh mẽ năng lực, tự ý thức và nhu cầu tự học. Tính tích cực của học sinh, năng lực tự học là nhân tố quyết định kết quả cuối cùng của quá trình GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Không ai có thể học thay, làm thay người học, mà phải bằng chính họ quyết định sự thành đạt của bản thân.
Bên cạnh đó, trong các mối quan hệ của HS PTDT nội trú, bán trú với gia đình, các lực lượng bên ngoài xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động GDPL trong nhà trường.
1.5.5. Yếu tố cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho hoạt động giáo dục pháp luật của trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú
Quá trình GDPL và quản lý hoạt động GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới có đảm bảo chất lượng và hiệu quả tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện GD. Sự đầu tư phù hợp về phòng học, thiết bị GD và DH, học liệu tạo điều kiện cần và đủ để quản lý hiệu quả hoạt động GDPL.
Để có được kết quả giáo dục pháp luật có tính bền vững thì việc duy trì các hoạt động này thường xuyên trong nhà trường là điều cần thiết. Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất đảm bảo còn cần có một nguồn kinh phí thường xuyên cho hoạt động này. Việc sử dụng đúng nguồn tài chính trong tổ chức các hoạt động giáo dục có tác động
lớn đến nhận thức về pháp luật của học sinh, từ đó mà củng cố được thái độ và niềm tin vào pháp luật, giúp hình thành ở học sinh các hành vi phù hợp với quy định của pháp luật và các nội quy, quy định.
1.5.6. Yếu tố chính trị - xã hội
Yếu tố chính trị là toàn bộ các yếu tố tạo nên đời sống chính trị của đất nước, của mỗi địa phương ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, bao gồm môi trường chính trị, hệ thống các chuẩn mực chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các cấp ủy Đảng ở địa phương, quá trình tổ chức thực hiện chúng và các quan hệ chính trị; hoạt động của hệ thống chính trị; cùng với đó là nền dân chủ xã hội và bầu không khí chính trị - xã hội. Yếu tố chính trị đó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động GDPL HS PTDT nội trú, bán trú.
Yếu tố văn hóa - xã hội luôn gắn liền với một phạm vi không gian - xã hội nhất định - nơi các cá nhân và cộng đồng xã hội tổ chức các hoạt động sống, lao động, sinh hoạt, cùng nhau tạo dựng, thừa nhận và chia sẻ các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, lối sống, phong tục, tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng. Các yếu tố văn hóa - xã hội đó bao gồm: các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, lối sống, các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của HS các dân tộc trong trường PTDT nội trú, bán trú, dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Ở mức độ khác nhau, các yếu tố đó ảnh hưởng đến GDPL cho HS PTDT nội trú, bán trú bao gồm các tác động tích cực và cả tác động tiêu cực.
Tiểu kết chương 1
Pháp luật là phương tiện quan trọng để nhà nước quản lý xã hội, để công dân thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình. Để làm được điều đó mỗi công dân cần có những kiến thức cơ bản về pháp luật, đặc biệt là lứa tuổi học sinh phổ thông, các em đang ở độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Vì vậy, GDPL và quản lý hoạt động GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới là nội dung rất quan trọng trong chương trình, kế hoạch giáo dục của các trường phổ thông.
Từ cơ sở lý luận đã nghiên cứu có thể thấy rằng quản lý HĐGD nói chung và quản lý HĐGDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng là công việc khó khăn, phức tạp, bao gồm một chuỗi các yếu tố có liên quan mật thiết, biện chứng với nhau, đó là mục đích, nội dung, người dạy, người học, phương pháp GDPL, việc kiểm tra, đánh giá quá trình GDPL,… đòi hỏi nhà quản lý phải có sự hiểu biết và sự tinh tế trong quản lý.
Quản lý HĐGDPL là nội dung cơ bản trong quản lý nhà trường. Quản lý tốt HĐGD trong đó bao gồm quản lý HĐGDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới với một số nội dung: quản lý thực hiện nội dung, chương trình GDPL, quản lý thực hiện và đổi mới phương pháp GD, quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả GDPL sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.
Chất lượng của việc GDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở các trường PTDT nội trú, bán trú phụ thuộc rất nhiều vào tác động của chủ thể quản lý để điều hành và phối hợp giữa các yếu tố nêu trên với nhau như thế nào. Bởi vậy, cần thiết phải xây dựng được những biện pháp quản lý phù hợp, khoa học và có tính khả thi để quản lý tốt HĐGDPL nhằm nâng cao chất lượng GDPL trong nhà trường.
Để tăng hiệu quả quản lý HĐGDPL theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở các trường PTDT nội trú, bán trú cần tập trung vào các nội dung: quản lý hoạt động dạy của thầy, quản lý hoạt động học của trò cùng những điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động GDPL.
Trên cơ sở lý luận đó, tác giả tiến hành tìm hiểu thực trạng quản lý hoạt động GDPL cho HS các trường PTDT nội trú, bán trú. Đồng thời đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động GDPL cho HS các trường PTDT nội trú, bán trú theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ, BÁN TRÚ
HUYỆN BA BỂ, TỈNH BẮC KẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
2.1. Khái quát về trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
2.1.1. Vị trí địa lý, dân cư và tình hình kinh tế - xã hội của huyện Ba Bể
Ba Bể là huyện niền núi của tỉnh Bắc Kạn, cách tỉnh lỵ 60 km về phía Bắc, có diện tích tự nhiên là 67.412ha. Phía Đông giáp huyện Ngân Sơn Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang Phía Nam giáp huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông Phía Bắc Giáp huyện Pác Nặm và tỉnh Cao Bằng.
Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 01 thị trấn với 206 thôn bản. Dân số toàn huyện hơn 48 nghìn người, trong đó có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số. Thành phần dân tộc chính là: Tày, Kinh, Dao, Mông, Nùng, Hoa và một số dân tộc khác.
Ba Bể chủ yếu là đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, đất nông nghiệp chiếm 10%, đất chưa sử dụng chiếm 10%. Huyện có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, núi nên giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn bản vùng cao.
Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, ở độ cao từ 500 - 1000m so với mặt biển, Ba Bể có đủ nhiệt độ, nắng, mưa... thích hợp cho sự phát triển của động vật, thực vật.
Do kiến tạo địa chất, sự bồi đắp của các con sông, suối đã tạo cho Ba Bể những bồn địa, những thung lũng, đất đai khá màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa, ngô, các loại rau, đậu, cây công nghiệp (mía, bông, cam, quýt, chuối, hồng).
Cùng với đó, hồ Ba Bể rộng gần 500ha gắn liền với dòng sông Năng và hệ thống hang động, thác nước thiên nhiên kỹ vĩ trở thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc.
Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của huyện Ba Bể đã từng bước phát triển mạnh về quy mô trường lớp và số học sinh; đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường về số lượng, nâng
cao về chất lượng. Giáo dục các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm.
2.1.2. Khái quát về trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Trường PTDT nội trú huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được thành lập từ năm 1964, học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh. Học sinh được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển (1964 - 2019), trường PTDT nội trú Ba Bể đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau với nhiều tên gọi như trường Thiếu nhi dân tộc, Trường vùng cao. Đến năm 1997, sau khi tái lập tỉnh Bắc Kạn, trường được thành lập lại với tên gọi trường PTDT Nội Trú theo Quyết định số 18/TC-ĐT ngày 11/4/1997 của Giám đốc Sở GD&ĐT. Trường đóng trên địa bàn Tiểu khu 2 thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, là nơi tập trung đông dân cư, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kinh, Tày sinh sống, có hệ thống đường giao thông tiện lợi cho việc đi lại của cư dân ở các địa phương. Là trường chuyên biệt nên công tác quản lí học sinh của nhà trường diễn ra suốt 24 giờ trong ngày.
Trường PTDT Nội trú Ba Bể với quy mô gồm 8 lớp, 03 tổ công tác (02 tổ chuyên môn, 01 tổ văn phòng), với 38 cán bộ, giáo viên (01 hiệu trưởng, 02 phó hiệu trưởng, 19 giáo viên, 16 nhân viên) và 280 học sinh đến từ các xã của huyện Ba Bể. 38/38 cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như: tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Nhà trường có Chi bộ Đảng với 24 đảng viên, 01 tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 01 Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và chi hội Khuyến học, chi hội Chữ thập đỏ.
Trường PTDTBT THCS Cao Thượng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có 8 lớp, 02 tổ chuyên môn với 22 cán bộ giáo viên (02 Phó Hiệu trưởng, 17 giáo viên, 03 nhân viên) và 212 học sinh, trong đó học sinh ở bán trú là 138 em chiếm tỷ lệ 65,09% học sinh toàn trường.
Địa bàn tuyển sinh học sinh bán trú chủ yếu của trường gồm 09 thôn bản thuộc thôn vùng cao của xã, là những thôn mà học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Các thôn trên có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các hộ dân sống rải rác trên các vùng núi cao chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Hiện nay 2 thôn chưa có đường giao thông liên thôn, cách trung tâm xã 23 km, dân cư đi lại đi bộ bằng đường mòn nên việc đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn.