Các Công Trình Khoa Học Nghiên Cứu Liên Quan Đến Xây Dựng Đội Ngũ Cán Bộ Chủ Chốt Cấp Cơ Sở Ở Tỉnh Bình Dương


giả đề xuất 4 giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Sóc Trăng. "Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc" của Trần Nhật Duật [21], đã làm rõ năng lực của cán bộ chủ chốt cấp xã, khái quát thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở 4 tỉnh, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái; nêu lên những điểm mạnh và những mặt hạn chế; trên cơ sở đó, tác giả đề xuất 6 giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Bắc.

Bài viết "Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tại thành phố Đà Nẵng" của Nguyễn Thị Tâm [83], đã nêu rõ thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở thực trạng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của thành phố Đà Nẵng, tác giả khẳng định, để nâng cao chất lượng quản lý hành chính ở cấp cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn tiếp theo, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản: Chuẩn hóa các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ chủ chốt các phường, xã trên địa bàn thành phố; làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Bài viết "Đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở ở tỉnh Phú Thọ hiện nay" của Nguyễn Thị Thu Huyền [53], đã khái quát lý luận đội ngũ cán bộ, thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, từ đó, tác giả đề xuất 7 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh.

Các công trình khoa học trên đã cung cấp những tư liệu có giá trị về công tác lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của Đảng bộ ở một số địa phương trong cả nước. Đó là tài liệu quý để luận án có thể tham khảo, phục vụ cho việc giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu do đề tài đặt ra.


1.1.3. Các công trình khoa học nghiên cứu liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Bình Dương

Cuốn sách "Bình Dương hội nhập bài học thành công" của Công ty Cổ phần Thông tin đối ngoại [15]. Cuốn sách khẳng định, sau hơn 10 năm tái lập tỉnh (1997-2008), từ vùng đất nông nghiệp, Bình Dương vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp phát triển nhờ biết tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế trên cơ sở những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, điển hình là chủ trương "trải chiếu hoa" mời gọi các nhà đầu tư đi đôi với chính sách "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài. Liên quan đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, hằng năm, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ cán bộ các cấp đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng đẩy mạnh chương trình đào tạo cán bộ có trình độ đại học và sau đại học ở nước ngoài và xây dựng cơ chế phát huy tài năng đội ngũ cán bộ trẻ… Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nội dung mới chỉ dừng lại ở nêu vấn đề, chưa đưa ra những nhận xét, đánh giá về kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ trong 10 năm đầu tái lập tỉnh.

Công trình "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010)" của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương [2], đã nêu bật lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong 35 kể từ sau miền Nam hoàn toàn giải phóng được chia thành hai thời kỳ, trước và sau năm 1997, khi tái lập tỉnh Bình Dương. Thời kỳ thứ nhất, với Đảng bộ tỉnh Sông Bé, từ sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và kết thúc ngày 31/12/1996. Trong 21 năm, Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục sản xuất, khắc phục sự đình trệ trong có chế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp. Từ sau năm 1990, kinh tế - xã hội của tỉnh đã chuyển biến tích cực, có những thành quả bước đầu về thu hút đầu tư hình thành và các khu công nghiệp. Một trong những nguyên nhân tạo ra chuyển biến đó, chính là Đảng bộ tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Tuy nhiên, do phải tổng kết nhiều nội


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 240 trang tài liệu này.

dung, nên cuốn sách chưa có điều kiện đề cập cụ thể đến chủ trương, thành tựu, hạn chế trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh và mới chỉ đến năm 2010.

Nội dung cuốn sách "Sự chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1945-2007" của Nguyễn Văn Hiệp [45], gồm 6 chương: Giới thiệu về đặc điểm tự nhiên, xã hội và sự biến đổi địa hành chính trong lịch sử phát triển vùng đất Bình Dương; tái hiện lại bức tranh biến đổi kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tái hiện 21 năm xây dựng tỉnh Bình Dương (1975-1996) và những chuyển biến kinh tế - xã hội Bình Dương thời kỳ đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997- 2007); những vấn đề kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và tầm nhìn đến năm 2020. Cuốn sách giúp luận án có cái nhìn khái quát về Bình Dương trên lĩnh vực kinh tế và xã hội, từ đó, xác định rõ hơn những cầu đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở từng giai đoạn.

Đảng Bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ năm 1997 đến năm 2015 - 4

Hội khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương với công trình nghiên cứu "Bình Dương 20 năm phát triển" [48], đã tập hợp bài viết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ và các lĩnh vực hoạt động, trong đó, bước đầu đề cập đến việc thực hiện nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng gắn với quy hoạch cán bộ nguồn, nhất là triển khai thực hiện Đề án tạo nguồn cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn và Đề án tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc trong tỉnh. Tuy nhiên, cuốn sách mới chỉ đề cập đến chủ trương là chính, chưa có những đánh giá về quá trình thực hiện, đặc biệt là nguồn số liệu còn hạn chế.

Đề tài "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" của Phạm Công Tâm [80], đã khái quát cơ sở lý luận của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi


dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương từ năm 1993-2003. Từ đó, đề ra phương hướng, giải pháp, những kiến nghị nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Đây cũng là công trình mà luận án có thể kế thừa kết quả nghiên cứu để so sánh, đối chiếu với các báo cáo của sở, ban, ngành liên quan; từ đó, làm rõ thực trạng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tỉnh Bình Dương trong những năm đầu tái lập. Từ khi tái lập tỉnh Bình Dương 1997 đến năm 2015, đây là đề tài duy nhất nghiên cứu về đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở Bình Dương.

Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công "Tạo nguồn cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương" của Nguyễn Thanh Cư [16]. Luận văn đã nêu lên những vấn đề lý luận chung về tạo nguồn cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở, nêu thực trạng công tác tạo nguồn cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2015; từ đó, tác giả đề xuất 4 nhóm giải pháp: Về nhận thức, về thể chế, về đối tượng và về tài chính để tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Bình Dương. Kết quả nghiên cứu của luận văn là cơ sở để tác giả tham khảo số liệu phục vụ cho luận án.

Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam "Chuyển biến kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương từ 1945 đến 2005" của Nguyễn Văn Hiệp [44], đã nghiên cứu sự chuyển biến về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương từ năm 1945 đến năm 2005, luận án không chỉ tái hiện bức tranh sinh động về sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm rõ thêm tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo. Tác giả đã nêu thành tựu và hạn chế của quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương (1945-2005) qua các thời kỳ, chỉ ra nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, góp phần vào việc hoạch định chính sách xây dựng, phát triển tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng "Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015" của Nguyễn Văn Linh [61],


đã nêu rõ quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Dương vận dụng chủ trương của Trung ương Đảng vào phát triển lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, trong 18 năm lãnh đạo thực hiện phát triển công nghiệp Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế cấn phải khắc phục. Qua nghiên cứu tác giả đã đưa ra những nhận xét và đúc rút những kinh nghiệm mà Đảng bộ tỉnh Bình Dương trải nghiệm trong quá trình lãnh đạo phát triển lĩnh vực công nghiệp.

Luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng "Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ 1997 đến 2010" của Bùi Thanh Xuân [189], nội dung đã khái quát đặc điểm kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, những chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế nông nghiệp ở các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (1997) đến Đại hội lần thứ IX (2010), những thành tựu, hạn chế trong quá trình chỉ đạo thực hiện và từ đó tác giả đã nhận xét và rút ra những kinh nghiệm.

Ngoài ra, còn có các bài viết "Đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cấp xã ở Bình Dương" của Võ Châu Loan [62], đã khái quát thực hiện Chiến lược cán bộ theo Nghị quyết Trung ương ba (khóa VIII) đối với cấp xã ở Bình Dương; nêu lên một số thành tựu và hạn chế về công tác tạo nguồn; từ đó, tác giả đề ra 7 giải pháp để tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã trong thời gian tới. Bài viết "Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" của Nguyễn Chí Hải - Hạ Thị Thiều Giao [41]; và "Bình Dương - Nơi đang cần nguồn nhân lực có trình độ cao" là bài viết của Nguyễn Văn Hiệp - Đinh Thị Hoa [46], các tác giả đã khái quát về vùng đất Bình Dương giàu tiềm năng và lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương đã khai mở. Đồng thời, nêu rõ thực trạng, đặc điểm và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực ở Bình Dương, từ đó các tác giả đã nêu ra những giải pháp và lĩnh vực mà tỉnh Bình Dương cần ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao.


Tóm lại, đến 2015, chưa có đề tài nào nghiên cứu về Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ khi tái lập năm 1997 đến năm 2015. Các công trình nghiên cứu về công tác cán bộ, đặc biệt là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Bình Dương còn rất ít. Đa phần các vấn đề về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Bình Dương còn nằm ở tư liệu gốc, trong các Báo cáo của các ban, ngành, trong các đề án quy hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

1.2. KHÁI QUÁT NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN CÁC CÔNG TRÌNH TRÊN ĐÃ GIẢI QUYẾT VÀ NHỮNG NỘI DUNG LUẬN ÁN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU

1.2.1. Khái quát kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án

đã được giải quyết

Các công trình nghiên cứu ở mục (1.1.1; 1.1.2 và 1.1.3) đã tiếp cận công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng tựu chung lại, các nhà khoa học với tư cách là những chủ thể sáng tạo đã cố gắng giải quyết những vấn đề căn cốt của các khâu trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển và chính sách đối với cán bộ. Các công trình khoa học ở trên không chỉ nghiên cứu kinh nghiệm ở các địa phương trong nước mà còn nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đội ngũ những người lãnh đạo, quản lý ở một số nước trên thế giới. Ở các mức độ khác nhau, những công trình khoa học trên đã đề cập đến vấn đề cơ bản sau:

- Làm rõ những vấn đề lý luận chung về công tác cán bộ, vai trò của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


- Thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, những giải pháp lớn mang tính định hướng, hoặc là giải pháp cho một số vùng, miền, địa phương qua các giai đoạn lịch sử có điều kiện không giống Bình Dương.

- Các công trình nghiên cứu về Bình Dương, tập trung chủ yếu vào nguồn nhân lực nói chung. Đáng chú ý là, "Tạo nguồn cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương", Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thanh Cư, chuyên ngành Quản lý công, đã đề cập đến khái niệm, vai trò, nội dung tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, thực trạng và giải pháp tạo nguồn cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở tỉnh Bình Dương những năm tiếp theo.

Những nội dung đã được các công trình đề cập đến là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để luận án tiếp thu, kế thừa và phát triển nhằm giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

1.2.2. Những nội dung luận án tập trung nghiên cứu

Kế thừa thành tựu của các công trình nghiên cứu đã công bố, nắm bắt khoảng trống tồn tại xung quanh vấn đề nghiên cứu, bám sát đối tượng, mục đích, nhiệm vụ, tiếp cận vấn đề nghiên cứu thuộc nội hàm của đề tài luận án dưới góc độ Lịch sử Đảng, nội dung luận án làm rõ các vấn đề sau:

Một là, nghiên cứu về những yêu cầu khách quan tác động đến công tác lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở xã, phường, thị trấn của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015.

Hai là, luận giải làm sáng tỏ quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Dương vận dụng chủ trương của Trung ương Đảng vào lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015, thông qua tìm hiểu tài liệu và khảo sát thực tiễn ở các địa phương, đơn vị có liên quan.

Ba là, nhận xét khách quan ưu điểm, hạn chế và làm rõ nguyên nhân. Từ đó, rút ra kinh nghiệm có giá trị tham khảo trong quá trình Đảng tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở xã, phường, thị trấn hiện nay và những năm tiếp theo.


Tiểu kết chương 1

Các công trình nghiên cứu ở trên cho thấy, hệ thống chính trị là một bộ phận kiến trúc thượng tầng xã hội, bao gồm các tổ chức, các thiết chế có quan hệ với nhau về mặt mục đích, chức năng trong việc thực hiện, tham gia thực hiện quyền lực chính trị, hoặc đưa ra các quyết định chính trị. hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm: "Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội" [20, tr. 169]. Trong đó, xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, có vai trò quan trọng trong tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết toàn dân, phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức cuộc sống cộng đồng dân cư.

Để hệ thống chính trị cấp cơ sở của Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nói riêng có vai trò quan trọng. Do tầm quan trọng của cấp cơ sở và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, nên chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Tuy có nhiều công trình nghiên cứu về đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, nhưng từ góc độ chuyên ngành Lịch sử Đảng, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên khảo nào về "Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ năm 1997 đến năm 2015". Những kết quả tổng quan các công trình nghiên cứu là nền tảng quan trọng giúp nghiên cứu sinh có hướng tiếp cận đúng đắn về nguồn tư liệu, những tiền đề về lý luận, phương pháp luận và có thêm cơ sở thực tiễn trong nghiên cứu, luận án đi sâu nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Dương vận dụng chủ trương của Trung ương Đảng vào lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở xã, phường, thị trấn từ năm 1997 đến năm 2015 ở tỉnh Bình Dương, nhận xét và đúc kết kinh nghiệm.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/05/2023