Nhận Xét Quá Trình Đảng Bộ Tỉnh Bình Dương Lãnh Đạo Phát Triển Công Nghiệp Từ Năm 1997 Đến Năm 2015


về bảo vệ môi trường của các công ty, nhà máy trong các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đẩy mạnh sử dụng công nghệ sản xuất sạch, thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tuân thủ đúng theo Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND ngày 26/7/2006 của UBND, Về quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ban Quản lý các KCN Bình Dương, Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án phải xem xét danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư vào từng KCN theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc của UBND tỉnh để cấp phép cho các dự án đầu tư vào KCN đúng theo đúng danh mục quy định.

Cùng với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường, đến năm 2015, tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt mức phần lớn các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, đảm bảo bền vững trong phát triển công nghiệp. Các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm đạt 98,8%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh mới đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 90% [22, tr.180].


Tiểu kết chương 3


Căn cứ vào thực trạng phát triển công nghiệp giai đoạn 1997 - 2005 còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; bước vào giai 2006-2015, Đảng bộ tỉnh đã bám sát và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp trong tình hình mới, từ đó, vận dụng và đề ra những định hướng quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển công nghiệp ở địa phương một cách toàn diện, theo hướng nhanh gắn với bền vững. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là tiếp tục xây dựng các KCN, CCN tập trung, đặc biệt chú trọng xây dựng KCN công nghệ cao làm đòn bẩy phát triển. Đẩy mạnh và


thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hạn chế thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và sử dụng nhiều lao động.

Giai đoạn 2006-2015, kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được của giai đoạn trước đó, trên cơ sở chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển công nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh. Nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo, công nghiệp Bình Dương tiếp tục là chủ lực, tốc độ tăng trưởng cao, tương đối ổn định, đúng định hướng, từng bước phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,8%; trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 31%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 69%. Đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 217.211 tỷ đồng, tăng gần 50 lần so với năm 1997. Sản phẩm công nghiệp của Bình Dương rất đa dạng, chủ yếu là công nghiệp chế biến và xuất khẩu với các ngành mũi nhọn như: chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, hóa chất, cao su, plastic, điện - điện tử, chế biến gỗ, dệt may - da giày… Công nghệ, năng lực sản xuất công nghiệp được nâng lên, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng CNH, HĐH, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60%

- dịch vụ 37,3% - nông nghiệp 2,7% [46, tr.44].

Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 - 15

Chính nhờ hạ tầng các KCN, CCN của tỉnh được quy hoạch đồng bộ, kết hợp những yếu tố như sự thân thiện và năng động của lãnh đạo tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dòng vốn trong và ngoài nước liên tục đầu tư về Bình Dương. Sự đầu tư lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao và kéo theo tiềm năng lớn cho dịch vụ - thương mại và đô thị Bình Dương phát triển. Đến năm 2015, Bình Dương đã có 20.422 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đăng ký 148.911 tỷ đồng và 2.558 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư gần 22,1 tỷ đô la Mỹ [46, tr.54-55]. Bình Dương là địa phương đầu


tiên trong cả nước đưa vào hoạt động khu hành chính hiện đại, tập trung, mở ra hướng đột phá trong công tác cải cách hành, tạo tiền đề để Bình Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Song song với thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân, công nhân tốt hơn nhằm từng bước ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với Bình Dương. Kinh tế phát triển làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân. Nhờ đó mà thu nhập đầu người của Bình Dương luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 73,1 triệu đồng; Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia…

Mặc dù, trong bối cảnh chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước. Đó là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; kết quả tất yếu từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhất là việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp Bình Dương phát triển mạnh trong giai đoạn 2006-2015.


Chương 4

NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM


4.1. NHẬN XÉT QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2015

4.1.1. Ưu điểm

4.1.1.1. Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã nhận thức đúng vai trò của công nghiệp trong đời sống kinh tế - xã hội

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương đã nhận thức rõ: để thực hiện thành công cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của hầu hết các cơ quan, ban, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh; đồng thời nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. HĐND, UBND tỉnh đã thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy, ban hành cơ chế chính sách, đề án để triển khai thực hiện. Cấp ủy các cấp nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, triển khai sâu rộng từng nội dung cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Những năm đầu tái lập tỉnh, Bình Dương cũng như hầu hết các tỉnh thành khác trên cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với điểm xuất phát của Bình Dương là vùng đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp đặc trưng như: cao su, hồ tiêu, điều và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác. Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp là một tỉnh nông nghiệp, gần như chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp. Trên cơ sở đường lối lãnh đạo của Đảng và đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã vận dụng sáng tạo đề ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo cụ thể các cấp, các ngành nhanh chóng ổn định mọi mặt đời sống xã hội, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 1997-2005, tỉnh Bình Dương chủ trương tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, phù hợp với việc phát huy, sử dụng có hiệu quả lợi thế của địa phương về vị trí, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và nguồn nhân lực, phù hợp với chính sách mở cửa đón nhận đầu tư trong và ngoài


nước. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh Bình Dương chủ trương từng bước chuyển dịch cơ cấu với việc đầu tư mới các ngành công nghiệp là thế mạnh về nguyên liệu của địa phương như: công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành thủ công truyền thống…

Trong giai đoạn 2006-2015, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh xác định việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển phải vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ CNH, HĐH trong chặng đường tiếp theo. Trong giai đoạn này, tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng vừa tăng trưởng về lượng, vừa tăng trưởng về chất, đảm bảo hiệu quả, ổn định và bảo vệ môi trường. Phân bố không gian phát triển và lựa chọn ngành nghề một cách hợp lý, khuyến khích đầu tư phát triển nhanh các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với công nghệ hiện đại. Hạn chế phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam và ngoài KCN, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN đã được quy hoạch ở phía Bắc. Hạn chế thu hút các ngành sử dụng nhiều lao động, các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao, khó có khả năng xử lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao gắn với phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, tỉnh đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, đô thị loại I trước năm 2020.

Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương thông qua việc quy hoạch và xây dựng các KCN, CCN tập trung để thu hút đầu tư đầu tư trong và ngoài nước. Quy hoạch KCN là rất cần thiết để định hướng cho phát triển công nghiệp trong tương lai, nhưng cần có những giải pháp phù hợp giữa quy hoạch hiện tại và quy hoạch định hướng đến năm 2020, tránh tình trạng “quy hoạch treo”, để không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác như chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng… Hàng năm, Bình Dương đã tính toán và điều chỉnh


quy hoạch KCN, CCN cho phù hợp tình hình thực tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII (12/2005) xác định: “Đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; lấp kín diện tích các khu công nghiệp hiện có. Chú trọng đầu tư đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt nhu cầu phát triển công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị theo hướng hiện đại, tiên tiến” [44, tr.97]. Đây là cách làm mới vừa quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối CNH, HĐH của Đảng, vừa thể hiện tính sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đạt kết quả tích cực. Cùng với việc xây dựng hạ tầng KCN, để tạo lực đưa công nghiệp phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, Bình Dương đã tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông và áp dụng những chính sách, biện pháp thông thoáng và linh hoạt trong việc mời gọi và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung phát triển đô thị, đào tạo nghề, giao thông nhằm phục vụ cho công nghiệp; tập trung chăm lo đời sống của người dân, công nhân tốt hơn nhằm từng bước ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với Bình Dương.

Quá trình lãnh đạo phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương còn chỉ đạo UBND, Sở Công - Thương và các sở, ban ngành làm tốt công tác quy hoạch chi tiết gắn với phát triển dịch vụ và đô thị. Các quy hoạch đã góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển công nghiệp cũng như quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Đây không chỉ dừng lại ở việc tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp mà còn được thể hiện rõ nét khi gắn kết chặt chẽ với phát triển các khu đô thị, dân cư, bảo vệ môi trường, tạo lập không gian kinh tế hài hòa, hiện đại và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND, công nghiệp của Bình Dương tiếp tục tạo mũi nhọn đột phá quan trọng để phát triển KT-XH. Những chủ trương và biện pháp kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương, xu thế phát triển chung của đất nước, hợp lòng dân, đã được các ngành các cấp và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy, công nghiệp ở Bình Dương đã luôn duy trì được tốc độ phát triển cao trong thời kỳ CNH, HĐH.


4.1.1.2. Trong lãnh đạo phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã sớm vạch ra chủ trương và giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương

Đề ra chủ trương sát với thực tiễn địa phương

Sau khi được tái lập (1997), Bình Dương không phải là một trung tâm kinh tế

- chính trị lâu đời như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, không có bề dày lịch sử phát triển công nghiệp như Đồng Nai, không có vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi như Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng lại có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp như: Bình Dương nằm ở vùng ven của Thành phố Hồ Chí Minh, gần với trung tâm công nghiệp Biên Hòa, có vùng nguyên liệu đồi dào cho công nghiệp chế biến là tỉnh Bình Phước,... Nhận thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp, mạnh dạn tìm hướng đi mới, bằng những chủ trương và sự chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo. Điều khác biệt là Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chú trọng hơn đến những tiềm năng, lợi thế riêng của mình để phát triển như: vị trí địa lý, nguồn nhân lực,… mà không phải là tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu như các Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé trước đây xác định. Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chứng tỏ một cách nhìn, cách đi, một tư duy kinh tế hoàn toàn mới. Phát triển không chỉ dựa vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên mà quan trọng hơn chính là những lợi thế mang tính nhân văn. Đó là cơ chế, chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi để huy động, thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn thúc đẩy sự phát triển.

Đặt công nghiệp Bình Dương trong tổng thể phát triển của vùng

Ngay từ khi tái lập tỉnh, trong khi nguồn lực của địa phương còn rất nhiều hạn chế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương chủ động khơi dậy các tiềm năng lợi thế và liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các công trình thực hiện chương trình đột phá của tỉnh để hoàn thiện kết nối với các trung tâm phát triển của tỉnh và hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng, qua đó nâng cao vai trò của Bình Dương trong “Tứ giác hạt nhân” và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược và lâu dài đối với Đảng bộ và


chính quyền tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Bình Dương biết khai thác thế mạnh về hệ thống cảng biển và dịch vụ logistic của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cảng sông tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng để phát triển KT-XH; khai thác những thế mạnh về thương mại, dịch vụ và vận tải hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch xây dựng các KCN để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư di dời từ Thành phố Hồ Chí Minh do áp lực của quá trình đô thị hóa.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, để ưu tiên phát triển công nghiệp, Bình Dương chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút mạnh các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong quá trình phát triển KT- XH và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là điểm khác biệt của Bình Dương so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm thể hiện vai trò và trách nhiệm của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo ra niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Điều này trước hết được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo tại các kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ. Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản để nhằm hiện thực hóa hoạt động cải cách hành chính của tỉnh. Ngay sau khi được khi tái lập, tỉnh đã ra Quyết định 2640/QĐ-UB, ngày 19/9/1997, Về chỉ định đầu mối “một cửa” giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vân bản hành chính; Quyết định 4635/QĐ-UBND, ngày 13/10/2006, phê duyệt đề án áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên cả ba mặt: Thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính, trong tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và tiện lợi, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến giao, cho thuê đất, xây dựng, quản lý môi trường, thuế và hải quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo Tỉnh với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tuyên truyền cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/03/2023