Yêu Cầu Khách Quan Đối Với Công Tác Xây Dựng Đội Ngũ Cán Bộ Chủ Chốt Cấp Cơ Sở Của Đảng Bộ Tỉnh Bình Dương Giai Đoạn Đầu Tỉnh Mới Tái Lập


Chương 2

ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG QUÁN TRIỆT CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHỦ CHỐT CẤP CƠ SỞ (1997-2005)


2.1. YÊU CẦU KHÁCH QUAN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHỦ CHỐT CẤP CƠ SỞ CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẦU TỈNH MỚI TÁI LẬP

2.1.1. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và chủ trương của Đảng

về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

2.1.1.1. Khái niệm đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở

"Đội ngũ" là thuật ngữ dùng chỉ khối đông người được tập hợp, tổ chức thành một lực lượng để thực hiện mục đích nhất định trong quan hệ phối hợp, thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, có cùng vai trò trong một tổ chức, một địa phương. Theo Luật cán bộ, công chức (tại Điều 4 khoản 3) xác định: "Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội" [75]. Trong các nghị quyết của Đảng và văn bản quản lý nhà nước thường dùng thuật ngữ "đội ngũ cán bộ" để chỉ những người làm trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Khi nghiên cứu về xã, phường, thị trấn có hai cách tiếp cận: (1) Tiếp cận nghiên cứu ở góc độ hệ thống tổ chức chính quyền địa phương thì gọi xã, phường, thị trấn bằng một từ chung là cấp xã [76]; (2) Tiếp cận nghiên cứu ở góc độ hệ thống chính trị thì gọi chung xã, phường, thị trấn là ở cơ sở [29].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 240 trang tài liệu này.


Luận án xác định, cấp cơ sở là một cấp quản lý trong hệ thống bốn cấp quản lý nhà nước, đó là: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở của hệ thống chính trị Việt Nam. Cấp cơ sở bao gồm: Đảng bộ (chi bộ), chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn.

Đảng Bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ năm 1997 đến năm 2015 - 5

Trong đó, phường là cơ sở ở đô thị, xã và thị trấn là cơ sở ở khu vực nông thôn, có vai trò quan trọng, bởi: Là nền móng của bộ máy nhà nước, quản lý mọi mặt đời sống xã hội ở xã, phường, thị trấn; là cấp gần dân nhất, cầu nối giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân; là cấp trực tiếp đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và kiểm nghiệm tính giá trị, tính hiệu lực của hệ thống thể chế chính sách; là nơi tiếp nhận nhanh nhất những phản ánh về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tình hình của địa phương; là cấp cụ thể hóa dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện công bằng, bình đẳng theo pháp luật ở Việt Nam. Do vậy, chất lượng hoạt động của cấp cơ sở phần lớn tùy thuộc vào đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Văn kiện của Đảng về công tác cán bộ, thường đề cập đến thuật ngữ "cán bộ chủ chốt", "đội ngũ cán bộ chủ chốt" là để nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Có ý kiến cho rằng:

Cán bộ chủ chốt là những người đứng đầu quan trọng nhất trong một tập thể, có quyền ra quyết định về chủ trương, có trách nhiệm về quyền điều hành một tập thể, một đơn vị, một tổ chức để thực hiện những nhiệm vụ tập thể hoặc tổ chức ấy, thậm chí có thể chi phối, dẫn dắt toàn bộ hoạt động của một tổ chức [131, tr. 35-36].

Có thể nói, đây là một khái niệm khá cụ thể và toàn diện về cán bộ chủ chốt.

Khi nghiên cứu về cấp cơ sở, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm "cán bộ chủ chốt cấp cơ sở". Có ý kiến cho rằng "Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là những người có chức năng lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ chủ yếu


nhất trong tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở" [72, tr. 7]. Ý kiến khác lại cho rằng, "cán bộ chủ chốt cấp cơ sở được hiểu là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt quan trọng trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội của hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn)" [82, tr. 6]. Trong văn bản của Tỉnh ủy Bình Dương xác định:

Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở có trách nhiệm cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, an toàn trật tự xã hội tại địa phương [104, tr. 8].

Dù được trình bày khái quát hay cụ thể, các tác giả đều cho rằng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là những người đứng đầu, giữ vị trí lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Qua nghiên cứu cho thấy, chưa có một định nghĩa thống nhất về "đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở", nhưng căn cứ vào việc sử dụng trong văn bản của Đảng, Nhà nước và công trình: sách chuyên khảo, luận văn, luận án, bài viết công bố trên các tạp chí khoa học nghiên cứu về xã, phường, thị trấn, tác giả xác định: Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là những người được bầu giữ chức vụ theo nhiệm kỳ, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn. Có quyền chính trong ra quyết định việc triển khai, chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc lãnh đạo, quản lý và tổ chức các nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao phụ trách.

Như vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là những người quyết định chất lượng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành mục tiêu và các giải pháp phù hợp với cơ sở, trực tiếp tổ chức


thực thi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: "cấp xã là cấp gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi" [65, tr. 460]. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở phải được coi là một nhiệm vụ trọng yếu của các Đảng bộ cơ sở, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, gần dân, có trách nhiệm cao trước nhân dân, là tiền đề để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, nhân tố then chốt trong xây dựng Chính quyền xã, phường, thị trấn vững mạnh.

2.1.1.2. Chủ trương của Đảng về xây dựng cán bộ cấp cơ sở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sau 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986-1996), Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng yêu cầu mới, Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6/1996) xác định:

Bố trí và sử dụng cán bộ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn và sở trường; Xây dựng quy chế bầu cử có nhiệm kỳ, bổ nhiệm có thời hạn. Có chế độ cho cán bộ được từ chức hoặc rút lui để nhận công việc thích hợp. Xây dựng quy chế tuyển chọn cán bộ, tuyển chọn nhân tài, có chính sách tiền lương và đãi ngộ hợp lý [34, tr. 379-380].

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chiến lược xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, Đảng chủ trương, "đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tạo nguồn cán bộ


lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở" [28, tr. 83]. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ trong thời kỳ mới, ngày 03/5/1999, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Quyết định số 49-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ; Quyết định số 50-QĐ/TW về quy chế đánh giá cán bộ; Quyết định số 51-QĐ/TW về quy chế bổ nhiệm cán bộ. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (8-1999) ra Nghị quyết về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001), tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000), khẳng định những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, "nhiều Nghị quyết Trung ương đã đề ra những chủ trương, giải pháp củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ" [34, tr. 449]. Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu, Đại hội chỉ rõ, "công tác tổ chức, cán bộ chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước" [34, tr. 454].

Trên cơ sở phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ, Đại hội xác định nhiệm vụ, "xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân. Làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ nữ" [34, tr. 492]. Đồng thời, "định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém và thoái hóa. Tăng cường cán bộ cho cơ sở. Có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn" [34, tr. 488-489]. Để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết, khắc phục tình trạng cục bộ khép kín về cán bộ trong từng địa phương, đơn vị, ngày 25/01/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.


Xuất phát từ đặc điểm, tính chất và tầm quan trọng của cán bộ cấp cơ sở, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ra Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18/3/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Nghị quyết chỉ rõ, cấp xã có cán bộ chuyên trách, là những cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử, gồm: cán bộ chủ chốt cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Nghị quyết xác định:

Xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân; trẻ hóa đội ngũ, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở. Dựa vào dân và thông qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc thăm dò, lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi bầu cử cấp ủy [29, tr. 167-168].

Nhằm tạo sự chủ động trong công tác cán bộ, tạo nguồn cán bộ dồi dào, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, ngày 30/11/2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 42-NQ/TW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh: Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ. Đồng thời, có cơ chế để nhân dân, mặt trận, các đoàn thể giám sát việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Trong giai đoạn 1996 - 2005, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm


đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Những chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng là định hướng cơ bản để Đảng bộ tỉnh Bình Dương cụ thể hóa trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh ngay từ những năm đầu tái lập.

2.1.2. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương và thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở khi tỉnh mới tái lập

2.1.2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh tác động đến công tác xây dựng đội ngũ chủ chốt cấp cơ sở

Đặc điểm tự nhiên

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX (họp từ ngày 15/10 đến ngày 12/11/1996) ra Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh [74], trong đó, có tỉnh Sông Bé. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Sông Bé họp để tiến hành chia tách. Bình Dương chính thức được tái lập ngày 01/01/1997, là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, được Trung ương xác định là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên 2.695,54 km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh (phụ lục 1). Bình Dương có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông bao quanh, có nhiều quỹ đất để phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Bình Dương khi mới tái lập (1997), có 4 đơn vị hành chính cấp huyện, với 77 đơn vị hành chính cấp xã, là tỉnh không có cảng biển, sân bay, nhưng nằm ở trung tâm của miền Đông Nam Bộ, có vị trí thuận lợi về địa chính trị, địa kinh tế, là cầu nối các tỉnh nam Trường Sơn với đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh, nên Bình Dương chịu tác động của hai xu hướng: (1) Nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương bị hút về Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ cao hoặc ngành


nghề đặc thù; (2) Nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch về tỉnh Bình Dương, do xu hướng bão hòa nên phát triển theo hướng lan tỏa ra các vùng lân cận.

Để khai thác được tối đa những tiềm năng sẵn có từ thiên nhiên, lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, Đảng bộ tỉnh Bình Dương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy nguồn lực con người nhất là cấp cơ sở, bởi xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của cấp cơ sở là nơi trực tiếp tổ chức và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trực tiếp kiểm nghiệm sự đúng đắn, chính xác của đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật và các giải pháp quản lý, phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước; là nơi khởi nguồn những sáng tạo, cung cấp những kinh nghiệm cho điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, chính sách.

Mặt khác, xu hướng của thế giới đang chuyển từ phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang phát triển kinh tế tri thức, mà cấp cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện các quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân đi vào cuộc sống; là cấp hướng dẫn, giám sát, tạo điều kiện để nhân dân phát huy mọi tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là khâu quan trọng, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự là những "thủ lĩnh" của các phong trào ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, nâng cao nhận thức, khắc phục tư duy coi điều kiện tự nhiên là yếu tố quan trọng, chưa thật sự chú trọng xây dựng nguồn nhân lực "tinh hoa", đó là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đặc điểm kinh tế

Từ khi tái lập năm 1997, tỉnh Bình Dương đã phát huy những lợi thế sẵn có, cộng với truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất nên Bình Dương nhanh chóng trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh

Xem tất cả 240 trang.

Ngày đăng: 11/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí