Sản Phẩm Lao Động Của Trí Thức Giáo Dục Đại Học Góp Phần Phát Triển Nguồn Nhân Lực Chất Lượng Cao Của Đất Nước


phải gắn liền với xu hướng nghề nghiệp NCKH và năng lực NCKH. Trước hết, họ phải biết tổ chức quá trình nhận thức của sinh viên bằng hoạt động giảng dạy, đồng thời phải biết tự nghiên cứu, triển khai các ý tưởng khoa học, phát triển những năng lực, phẩm chất tốt đẹp của một chuyên gia.

Giảng dạy và NCKH không tồn tại tách rời hay đối lập mà là một quá trình hoạt động thống nhất. Ở đó, mục đích phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên luôn được xem như thuộc tính cơ bản; lòng nhiệt huyết, yêu người, yêu nghề cũng trở thành động lực chủ yếu của lao động. Hiện nay, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục ở Việt Nam theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng đang đòi hỏi người thầy đứng trên bục giảng, trước sinh viên phải với tư cách nhà khoa học. Kỹ năng nghiên cứu chỉ có thể được hình thành, phát triển khi trí thức nhà giáo am hiểu sâu lĩnh vực này. Trên thực tế, dù NCKH chưa được đại đa số nhà giáo coi trọng nhưng không thể phủ nhận rằng, nó là bộ phận chủ đạo, cốt lõi tạo ra nội dung khoa học của giảng dạy, thậm chí của lao động lãnh đạo, quản lý thể hiện chức trách, nhiệm vụ của phần lớn trí thức GDĐH.

Gắn bó giữa giảng dạy với NCKH là để thực hiện yêu cầu có kiến thức và biết truyền thụ kiến thức của trí thức GDĐH. Suy đến cùng, bồi dưỡng cho người học năng lực tư duy, tự học, tự nghiên cứu chính là bồi dưỡng phương pháp NCKH. Đây là điểm khác biệt căn bản của trí thức nhà giáo đại học so với các bậc học khác đồng thời cũng là yêu cầu rất cao mà chỉ những giảng viên am hiểu sâu, đạt được một số kết quả trong NCKH mới có nhiều khả năng làm việc đó. Tính cập nhật, hiện đại, khoa học trong nội dung giảng dạy của mỗi trí thức GDĐH chỉ có thể được hình thành và đảm bảo nếu họ có năng lực nghiên cứu và thường xuyên NCKH một cách hiệu quả. Giảng dạy và nghiên cứu vì thế luôn là hai nhiệm vụ chủ yếu, có mối quan hệ tương hỗ trong lao động chuyên môn của phần lớn trí thức GDĐH.

Trí thức GDĐH ở cương vị lãnh đạo, quản lý cũng không thể không gắn bó với hoạt động giảng dạy, càng không thể trở nên xa lạ với NCKH. Việc phân chia hai lĩnh vực giảng dạy và NCKH trong lao động của trí thức


GDĐH chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi giữa chúng có nhiều nét tương đồng về bản chất và luôn tác động, hỗ trợ, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động lãnh đạo, quản lý giáo dục. Sự phát triển các lĩnh vực nghiên cứu, kết quả và thành tựu nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, qua đó trực tiếp tạo điều kiện, tiền đề để trí thức GDĐH đảm bảo chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của mình. Mối quan hệ đó mật thiết tới mức, không một chủ thể nào có thể lãnh đạo, quản lý giáo dục tốt nếu không am hiểu về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và không biết cách NCKH.

Nếu không NCKH thì trường đại học chỉ còn là một trường dạy nghề. Vì thế, trí thức GDĐH không thể nào khác, phải đồng thời vừa là nhà sư phạm tham gia giảng dạy, vừa là nhà khoa học làm công tác nghiên cứu, thậm chí một bộ phận trí thức GDĐH còn là nhà quản lý. Chỉ khi nào những người giảng viên xem hoạt động giảng dạy, NCKH là nhu cầu lao động đầu tiên, thường xuyên của bản thân mình thì khi ấy chất lượng lao động của họ mới được đảm bảo bởi thái độ lao động tích cực, tự giác, bởi những giá trị đích thực trong lao động ở cả hai lĩnh vực cơ bản nêu trên. Không nâng cao chất lượng giảng dạy thì trường đại học không thể đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Không đẩy mạnh hoạt động NCKH trong trường đại học hoặc tình trạng lạc hậu, chậm phát triển, chất lượng yếu kém ở lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động giảng dạy của trí thức GDĐH, thậm chí có thể dẫn đến sự lạc hậu cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Hệ quả của tình trạng này là suy thoái chất lượng đào tạo, từ đó dẫn đến sự tụt hậu về tiềm lực trí tuệ ở ngay trong bản thân đội ngũ có trọng trách gây dựng, phát triển trí tuệ cho dân tộc. Thách thức ấy cần được cả dân tộc, trước hết là đội ngũ trí thức GDĐH chủ động khắc phục trên con đường phát triển, cạnh tranh và hội nhập.

2.2.4. Sản phẩm lao động của trí thức giáo dục đại học góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước

Nhìn từ góc độ nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức GDĐH Việt Nam phải đóng góp xứng đáng vào sự phát triển là nhân tài của quốc gia. Họ vừa là

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.


nhân lực trình độ cao, vừa phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn lực trí tuệ cho đất nuớc. Sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức GDĐH nước ta cùng với sản phẩm lao động của họ phải là nguồn bổ sung trực tiếp và quan trọng để phát triển đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 7

Giáo dục bậc cao có bốn chức năng chính: đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân về tri thức, để họ có thể tự phát triển tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội; cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự tăng trưởng và giàu mạnh của một nền kinh tế hiện đại; khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, đóng góp vào việc xây dựng đường lối và chính sách của nhà nước; quảng bá và phát triển tri thức. Cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn đều tất yếu đòi hỏi, trường đại học cần trở thành nơi “tiêu biểu cho đời sống trí tuệ và văn hóa tinh thần của xã hội. Đó là những vườn ươm các tài năng khoa học tương lai, là cái nôi nuôi dưỡng những trí tuệ khoa học thuộc nhiều thế hệ” [9, tr.2]. Bằng tài năng, sự cống hiến, mỗi trí thức nhà giáo đều tham gia vào quá trình sản xuất ra tri thức, kiến tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao của nước mình từ mặt bằng chung tới mỗi nấc thang phát triển của nó để từng bước đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nền giáo dục hiện đại không chỉ chú trọng đào tạo nhân lực, trong đó có vấn đề nâng cao mặt bằng chung của dân trí xã hội mà còn phải chú trọng phát triển đỉnh tháp dân trí, đào tạo nên những tinh hoa trí tuệ cho đất nước. Đó là đội ngũ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia, học giả, các trí thức cao cấp, các tài năng sáng tạo ở mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn học nghệ thuật. Chức năng vượt trội này còn được biểu hiện ở nhiệm vụ đào tạo sau đại học và trên đại học để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao có học vị thạc sĩ, tiến sĩ của một lực lượng đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, trong đó có nhiều chuyên gia bậc cao. Hệ thống các trường đại học là nơi qui tụ lực lượng những giảng viên, những nhà khoa học, nơi tập trung một phần tiềm lực khoa học của cả nước, nơi thực hiện chức năng phát triển đội ngũ trí thức cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.


Lao động của trí thức GDĐH tác động trực tiếp vào đối tượng sinh viên. Đó là sự tác động tổng hợp, toàn diện của những người thầy tới rất nhiều thế hệ sinh viên để giáo dục, đào tạo họ trở thành trí thức tinh hoa, các nhà khoa học và các chuyên gia trong tương lai. Đó là những lớp người trí thức mới xã hội chủ nghĩa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để cống hiến, phụng sự cho nhân dân, cho tổ quốc trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế sâu rộng trong xu thế toàn cầu hóa. Đại thi hào Ấn độ Tagorơ đã từng nhấn mạnh: “giáo dục một người đàn ông được một người, giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình, giáo dục một người thầy được cả một thế hệ”. Triết lý sâu xa ấy góp phần soi rọi và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của người thầy, nhất là đội ngũ những nhà giáo giảng dạy bậc đại học đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tiềm lực trí tuệ của quốc gia.

Thực tiễn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đang đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo ở các trường đại học phải có khả năng lao động ở một trình độ mới, cao hơn trước đây rất nhiều, phù hợp với nhu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, phù hợp với xu hướng gia tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, với đòi hỏi mới về tính năng động, sáng tạo…nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường mở cửa, cạnh tranh và hội nhập. Sản phẩm đào tạo phải có khả năng thích nghi với thị trường lao động nghề nghiệp tương đối rộng và có tiềm năng vững để vừa dễ chuyển đổi nghề nghiệp, vừa thuận lợi trong việc vươn lên những trình độ học vấn cao hơn. Sản phẩm đào tạo của GDĐH Việt Nam còn là những chuyên gia có kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu hoặc liên ngành, thông thạo về nghề nghiệp ở trình độ cao, trong đó có những chuyên gia với khả năng sáng tạo lớn trong NCKH, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Do đó, lao động của trí thức GDĐH có những giá trị nổi bật - đó là nguồn bổ sung trực tiếp, lớn nhất để phát triển đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Như vậy, trí thức GDĐH Việt Nam đang đóng vai trò động lực thúc

đẩy việc nâng cao dân trí bằng nỗ lực khai sáng, quảng bá thông tin, rèn luyện


kỹ năng và phát triển nhân cách cho người học. Hơn nữa, họ còn là lực lượng tiên phong đi đầu trong quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI. Nhờ có hoạt động lao động sư phạm của trí thức GDĐH mà đội ngũ trí thức của đất nước ngày càng được củng cố, tăng cường, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Mỗi thành công trong hoạt động lao động của trí thức GDĐH đều góp phần làm tăng thêm tiềm lực khoa học, tiềm lực trí tuệ của quốc gia.

2.3. QUAN NIỆM VỀ CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG VÀ CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

2.3.1. Quan niệm về chất lượng lao động

Chất lượng là một phạm trù phức tạp và trừu tượng. Có nhiều định

nghĩa, quan niệm khác nhau về chất lượng.

Thông thường, có thể xem chất lượng thể hiện thông qua “tổng thể những thuộc tính của sản phẩm được xác định bằng những thông số có thể đo được hoặc so sánh được, phù hợp với những điều kiện hiện có và có khả năng thỏa mãn những nhu cầu của xã hội và của cá nhân” [147, tr.38].

Ở góc độ quản lý, chất lượng là “sự thỏa mãn nhu cầu hoặc hơn nữa nhưng với những phí tổn là thấp nhất” [59, tr.64]. “Chất lượng bao gồm những đặc tính của sản phẩm nhằm đáp ứng được những yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm có công dụng tốt, tuổi thọ cao, tin cậy, sự phân tán ít” [59, tr.61].

Theo ISO 8402: 1994 thì “chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể, đối tượng, tạo cho thực thể, đối tượng đó có khả năng thỏa mãn nhu cầu đã nêu ra hoặc tiềm ẩn”.

Theo tiêu chuẩn mới nhất hiện nay - tiêu chuẩn ISO 9000: 2000, “chất lượng là mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu”.

Tựu trung lại, có thể tiếp cận khái niệm chất lượng qua các khía cạnh: chất lượng là khái niệm dùng để chỉ mức độ thỏa mãn các tiêu chí, các yêu cầu đặt ra của một thực thể, đối tượng hay sản phẩm nào đó; chất lượng là hoàn thành mục tiêu đã đề ra; chất lượng là những đo lường phản ánh thành


quả xứng đáng với mức đầu tư; chất lượng là tập hợp các đặc tính đáp ứng nhu cầu mong muốn và biểu hiện sự hài lòng của khách hàng hay các chủ thể sử dụng…

Dưới chủ nghĩa xã hội, với nguyên tắc phân phối cơ bản nhất - phân phối theo kết quả lao động cùng với cách quản lý dựa trên cơ sở hạch toán kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, vấn đề chất lượng lao động đã trở thành mối quan tâm của nhiều chủ thể cũng như của không ít các ngành khoa học. Đó không những là đối tượng nghiên cứu của triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học mà còn của xã hội học, tâm lý học, quản trị nhân lực và quản trị chất lượng… Tính nhiều mặt, nhiều cấp độ, tính đa nghĩa của phạm trù “chất lượng lao động” về mặt phương pháp luận đòi hỏi phải nghiên cứu nó từ quan điểm toàn diện, từ phương pháp tổng hợp và hệ thống.

Có thể nói, chất lượng lao động là khái niệm dùng để chỉ mức độ thỏa mãn, khả năng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu đặt ra của một công việc cụ thể nào đó. Trên phương diện ấy, chất lượng lao động không thể không phụ thuộc trực tiếp vào thái độ và trách nhiệm lao động của con người. Bản chất của vấn đề là ở chỗ, chất lượng lao động bao hàm trong bản thân nó hàng loạt các yếu tố, truớc hết là sự thỏa mãn, đáp ứng, sự trùng khớp giữa kết quả lao động thực tế với nhu cầu, mong muốn của các chủ thể hay mục tiêu định sẵn và những tiêu chuẩn xác định.

Chất lượng lao động của bất kỳ chủ thể nào cũng phản ánh giá trị lao động thực tế của mỗi cá nhân. Trên phạm vi rộng lớn hơn, nó còn góp phần tạo thành tấm gương phản chiếu giá trị lao động của toàn xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định. Sẽ là không đầy đủ nếu chúng ta chỉ thấy ý nghĩa và giá trị chất lượng lao động ở phương diện kinh tế. Cần thiết phải nhận diện nó từ những giá trị chính trị - văn hóa - tư tưởng - đạo đức trong chất lượng lao động của con người.

Xuất phát từ quan điểm hệ thống, có thể và cần phải xác định những nhân tố tham gia trực tiếp vào sự hình thành chất lượng lao động. Như đã nhấn mạnh ở trên, chất lượng lao động là một tổng hòa, một phức hợp các


quan hệ kinh tế - xã hội và tư tưởng, biểu hiện không chỉ trong ý thức, nhận thức, tình cảm mà điều quan trọng hơn cả là được chứng thực trong hành vi, trong những kết quả cụ thể, trong hiệu quả công tác và năng suất lao động. Với tư cách là một hiện tượng lịch sử - xã hội, chất lượng lao động chứa đựng trong bản thân nó những mối quan hệ khác nhau, những yếu tố, thành phần đa dạng khác nhau. Nó được biểu hiện trong thực tiễn lao động của con người cũng như trong những mối liên hệ, tác động lẫn nhau của các nhân tố kinh tế, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và văn hóa.

Từ điều kiện lịch sử hiện thực - với tư cách là nhân tố tác động khách quan; từ phương thức quản lý xã hội - với tư cách là hoạt động tác động một cách tự giác, có định hướng của các chủ thể lãnh đạo đến thái độ, trách nhiệm lao động và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng chủ thể - với tư cách là nhân tố chủ quan có ý nghĩa quyết định nhất đến chất lượng lao động của từng cá nhân cũng như của cả tập thể. Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của nhân tố chủ quan, chúng ta không hề hạ thấp, cũng không xem thường ảnh hưởng của những nhân tố khác trong việc cấu thành chất lượng lao động. Trên quan điểm hệ thống, toàn diện không thể xem xét chất lượng lao động ở một khía cạnh riêng biệt, càng không thể tách rời các yếu tố tác động nêu trên một cách siêu hình, phiến diện.

Ở mức độ sâu xa hơn có thể nói, chất lượng lao động theo đúng bản chất của nó là sản phẩm, là kết quả của sự phát triển lịch sử. Nó mang tính chất xã hội, phản ánh bản chất chế độ xã hội và phụ thuộc trước hết từ bản chất kinh tế của một chế độ nhất định, mặc dù mỗi con người là chủ thể quyết định hoạt động lao động của chính mình. Nếu như lao động là phạm trù vĩnh viễn với tư cách là hoạt động sống cơ bản của con người thì chất lượng lao động lại được xem là phạm trù lịch sử. Với mỗi chế độ xã hội, chất lượng lao động bị qui định bởi điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội ở từng giai đoạn xác định. Theo đó, tiêu chí đánh giá, đo lường chất lượng lao động của mỗi chủ thể ở từng quốc gia, dân tộc cần thiết phải được định hình và xác lập từ điều kiện thực tiễn trong nước và những yêu cầu đòi hỏi của thời đại.


2.3.2. Quan niệm về chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học

Chất lượng lao động của trí thức GDĐH là một khái niệm đa chiều, bao trùm chức trách, nhiệm vụ của nhà giáo ở bậc đại học, biểu hiện kết quả tổng hợp các mặt hoạt động nghề nghiệp của người giảng viên. Theo đó, lao động của trí thức GDĐH được đánh giá là có chất lượng nếu nó tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn được xác định hoặc đạt được mức độ nào đó mục tiêu của GDĐH. Biểu hiện phổ quát nhất trong chất lượng lao động của đội ngũ này là mức độ phát triển hay khả năng đáp ứng thị trường, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như hội nhập quốc tế của nguồn nhân lực được đào tạo. Điều đó được xem như thước đo căn bản để đánh giá chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH trong điều kiện hiện nay. Với tư cách là kết quả lao động trực tiếp của trí thức nhà giáo ở bậc đại học, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo trên các mặt về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng lao động; phẩm chất chính trị, đạo đức sẽ được vật chất hóa và kiểm nghiệm bởi thực tiễn giảng dạy, NCKH, chuyển giao công nghệ, tổ chức quản lý giáo dục của đội ngũ trí thức GDĐH.

Quá trình dạy học theo quan niệm đổi mới hiện nay không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà chủ yếu là giúp người học tự mình chiếm lĩnh tri thức, hình thành thái độ, kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Vấn đề là bằng năng lực, nhân cách và hệ thống các phương pháp, người thầy phải khơi dậy, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo chiếm lĩnh tri thức vô tận của nhân loại và hình thành ở nguời học những kỹ năng lao động tương ứng với trình độ, ngành nghề đào tạo. Xét đến cùng, chất lượng lao động của đội ngũ nhà giáo đại học ở nước ta hiện nay không đơn thuần biểu hiện ở khối lượng thông tin truyền đạt mà được đánh giá cao ở mức độ và hiệu quả hình thành năng lực nhận thức, tư duy, thực hành cũng như khả năng tự tạo việc làm hay khả năng thích ứng và hội nhập quốc tế của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Chất lượng NCKH, chuyển giao công nghệ của đội ngũ trí thức GDĐH được biểu hiện ở mức độ sáng tạo, hiệu quả triển khai, ứng dụng kết quả nghiên

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/11/2022