Những Giá Trị, Hạn Chế Của Các Công Trình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Luận Án Và Những Vấn Đề Luận Án Tiếp Tục Làm Sáng Tỏ


1.3. NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN TIẾP TỤC LÀM SÁNG TỎ

Có thể nói, một khối lượng tri thức phong phú với nhiều công trình nghiên cứu công phu về trí thức cho thấy sức hấp dẫn hay tính đặc biệt quan trọng của vấn đề này đối với sự phát triển của xã hội. Giá trị khoa học của một khối lượng lớn những tài liệu, công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về trí thức, trí thức GDĐH đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả luận án nghiên cứu chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH ở nước ta hiện nay.

Từ tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án, tác giả xin đưa ra những đánh giá khái quát như sau:

Một là, các công trình nghiên cứu đã vạch ra một hệ thống các phương pháp tiếp cận về trí thức và đội ngũ trí thức GDĐH. Đáng chú ý là những quan điểm xem trí thức như một lực lượng xã hội, một nhóm xã hội - nghề nghiệp được nhận diện và phân định bởi phương thức, tính chất lao động trí óc, sáng tạo và phức tạp. Trong những năm gần đây, các công trình nghiên cứu khi quan niệm về trí thức thường chú trọng nhấn mạnh tiêu chí trách nhiệm và hiệu quả đóng góp cho sự phát triển xã hội từ hoạt động chuyên môn đặc thù của từng chủ thể trí thức trong cơ cấu nghề nghiệp. Đây chính là sự bổ sung vào cách tiếp cận mới về trí thức, nó được thai nghén và dần trở thành hướng nghiên cứu trọng tâm trong quá trình đổi mới tư duy, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức.

Hai là, những nghiên cứu lý luận về trí thức, trí thức giáo dục, trí thức GDĐH là khá phong phú nhưng nghiên cứu về chất lượng lao động của trí thức, trí thức GDĐH còn ít. Chưa có công trình nghiên cứu chuyên khảo hay các đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cũng chưa có luận án, luận văn nào trực tiếp đi sâu luận giải một cách có hệ thống về vấn đề này. Ba là, dưới các góc độ, bình diện, phạm vi nghiên cứu khác nhau, những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã giải quyết được một số vấn đề lý luận và thực tiễn về trí thức GDĐH. Ở chừng mực nhất định đã đề


cập đến đặc điểm lao động của đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, các công trình đã công bố chưa khai thác vấn đề ở chiều sâu từ góc độ mối quan hệ giữa việc nhận thức đầy đủ đặc điểm lao động với việc xác lập các tiêu chí đánh giá chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh, đổi mới và phát triển kinh tế tri thức, đó là một vấn đề liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay nhưng chưa được trực tiếp đi sâu nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và tìm giải pháp phát triển. Hơn nữa, nghiên cứu lý luận về đặc điểm lao động của trí thức GDĐH mới được đề cập ở mức độ hạn chế hoặc ở từng khía cạnh cụ thể, chủ yếu luận bàn đến chức trách, nhiệm vụ, đối tượng, công cụ tác động, tính chất lao động của giảng viên và nhà khoa học.

Bốn là, trên bình diện chất lượng lao động của trí thức GDĐH, những công trình nghiên cứu đã công bố chủ yếu tiếp cận ở khía cạnh chung về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức hoặc chỉ chú trọng đánh giá nhiệm vụ giảng viên theo góc độ tiếp cận giáo dục học. Phương thức đánh giá chất lượng giảng viên bước đầu được quan tâm và luận giải, tuy nhiên, các tác giả còn ít đi sâu vào việc cụ thể hoá phương thức đánh giá thông qua các tiêu chí định lượng. Trên thực tế, lý luận về chất lượng lao động của trí thức GDĐH chưa được nghiên cứu theo quan điểm toàn diện, hệ thống với giác độ tiếp cận liên ngành triết học - chính trị - xã hội - giáo dục.

Năm là, nhiều khía cạnh thực tiễn về nâng cao chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH chưa được làm sáng tỏ như: thực trạng, những vấn đề đặt ra từ thực trạng; việc qui chế hoá chất lượng lao động của đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở đào tạo đại học trên phạm vi cả nước; cơ chế, mức độ, hiệu quả tác động của chủ trương, chính sách, pháp luật đến việc nâng cao chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH ở nước ta hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.

Sáu là, việc làm rõ chất lượng lao động của đội ngũ trí thức quản lý giáo dục bậc đại học ở Việt Nam còn là vấn đề mới mẻ, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu theo hướng xây dựng thành lý luận và tổng kết


Chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 4

thực tiễn về chất lượng lao động của đội ngũ này đáp ứng yêu cầu đổi mới

quản lý hệ thống GDĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bảy là, còn có nhiều vấn đề chưa được luận chứng mà trong luận án này, trên cơ sở tiếp thu thành quả của các công trình nghiên cứu đi trước, sẽ tập trung giải quyết như:

- Thông qua việc khai thác, kế thừa kết quả nghiên cứu từ các công trình khoa học trong và ngoài nước có liên quan, với phương pháp tiếp cận liên ngành triết học - chính trị - xã hội - giáo dục, luận án hình thành quan niệm mới có tính hệ thống về chất lượng lao động của trí thức GDĐH và tính đặc thù của lao động trí thức GDĐH Việt Nam hiện nay.

- Xây dựng luận cứ khoa học cho tính tất yếu nâng cao chất lượng lao

động của trí thức GDĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

- Luận án xác lập những tiêu chí đánh giá chất lượng lao động của trí thức GDĐH làm cơ sở khoa học cho việc khảo sát thực trạng chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH Việt Nam ở các trường đại học công lập.

- Luận án làm rõ một số vấn đề đặt ra đối với chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất những giải pháp chủ yếu liên quan đến việc đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; giáo dục nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực sư phạm, phẩm chất đạo đức của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo ở các trường đại học; đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực; tăng cường công tác kiểm định chất lượng lao động của đội ngũ trí thức GDĐH ở Việt Nam hiện nay.


Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG

CỦA TRÍ THỨC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC


2.1. QUAN NIỆM VỀ TRÍ THỨC, TRÍ THỨC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ LAO ĐỘNG CỦA TRÍ THỨC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

2.1.1. Quan niệm về trí thức

Trí thức là một thuật ngữ, một khái niệm khoa học với những hàm nghĩa khác nhau. Nghiên cứu về trí thức là nghiên cứu về một đối tượng đặc thù trong cơ cấu xã hội gắn liền với phương thức lao động nhất định và không tách rời bản chất xã hội cũng như môi trường, điều kiện mà trí thức hình thành, phát triển. Theo đó, khi xem xét quan niệm về trí thức đòi hỏi phải chú ý đến tính lịch sử - cụ thể và giác độ tiếp cận.

Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về trí thức:

Trong lý luận mác xít về trí thức, việc xác định vai trò đặc biệt to lớn của tầng lớp này đối với đời sống chính trị chiếm một vị trí quan trọng và thu hút sự quan tâm của các nhà kinh điển.

Trong bức thư gửi V.I.Daxulich, Ph.Ăngghen đã nói tới thái độ kiên quyết và lòng nhiệt tình của những người trí thức dân tộc trong việc “chặt đứt xiềng xích đang giam cầm họ”, tức là nền quân chủ. Ph. Ăngghen khẳng định, “để điều hành bộ máy hành chính và toàn bộ nền sản xuất xã hội, hoàn toàn không cần những lời nói suông, mà cần những trí thức vững vàng” [97, tr.432].

Hiểu rõ tầm quan trọng của trí tuệ nói chung đối với tiến trình phát triển và nhất là đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin cho rằng, “trí thức bao hàm không những chỉ các nhà trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những người tự do nói chung, các đại biểu của lao động trí óc” [88, tr.372]. Mặc dù trí thức không phải là giai cấp kinh tế độc lập và vì thế không phải là lực lượng chính trị độc lập nhưng V.I.Lênin đánh giá cao vai trò của trí thức: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được” [90, tr.217].


Quan niệm của Hồ Chí Minh về trí thức:

Từ phương diện tiếp cận triết học - chính trị, trên tinh thần kế thừa và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức thấu đáo vai trò, vị trí của tầng lớp trí thức trong xã hội. Người nhận định, “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” [101, tr.156]. Hồ Chí Minh quan tâm đến trí thức một cách khoa học, sâu sắc và chân thành, Người khen ngợi trí thức chân chính như “những anh hùng vô danh”, những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, những trí thức “chính tâm, thân dân”. Người cũng trực tiếp phê bình “trí thức một nửa” và thẳng thắn cho rằng:

Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức nhưng công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem trí thức đó áp dụng vào thực tế [101, tr.235].

Quan niệm của Hồ Chí Minh cho ta thấy một vấn đề tưởng như đã rõ nhưng không dễ dàng phân định, rằng trí thức là ai, ai là người trí thức chân chính. Theo Hồ Chí Minh, trí thức đáng trọng phải là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Điều này đã góp phần làm rõ ranh giới để phân biệt người trí thức thực học, thực tài với những người mang danh trí thức với những bằng cấp, chức quyền nhưng trên thực tế lại thiếu những đóng góp xứng đáng cho hoạt động lao óc trí óc, sáng tạo vốn được trân trọng và tôn vinh. Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp ta nhận thức sâu sắc vấn đề mà có lẽ cả xã hội đang trăn trở, đó là nạn “chảy máu chất xám”, “bạc chất xám”, “lãng phí chất xám” hay “tha hóa lao động trí óc” ở một bộ phận trí thức trước tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị truờng.

Một số quan niệm khác về trí thức:

Tiếp cận khái niệm trí thức ở góc độ tính chất lao động và yêu cầu về trình độ chuyên môn, Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ, M.1986, Từ điển Chủ nghĩa xã hội khoa học và Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, 1994 đều có chung nhận định: Trí thức gồm những người làm nghề lao


động trí óc và có học vấn chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp

của mình.

Từ sự phân tích những đặc trưng cơ bản của trí thức, PGS.TS Đàm Đức Vượng và PGS.TS Nguyễn Viết Thông xác định: “Họ là người lao động trí óc, có trình độ phát triển về trí tuệ, có hiểu biết sâu về một lĩnh vực chuyên môn, có năng lực sáng tạo, nhạy bén với cái mới” [161, tr.25].

Khi xem xét các thuộc tính cơ bản của trí thức, PGS, TS Phan Thanh Khôi cho rằng, “trí thức là một tầng lớp xã hội, lao động trí óc với trình độ học vấn cao, sản xuất tinh thần là chủ yếu nhằm sáng tạo, giữ gìn và truyền đạt, nhất là ứng dụng tri thức khoa học góp phần đẩy nhanh sự phát triển của xã hội” [83, tr.4]. Quan niệm đó vừa phân định vị trí của trí thức trong cơ cấu xã hội - giai cấp, vừa chỉ rõ vai trò của trí thức đốivới sự phát triển của xã hội, đồng thời chỉ rõ tính đặc thù về phương thức lao động của trí thức so với các lực lượng xã hội khác.

Trên cơ sở phân tích những vấn đề triết học - xã hội về trí thức, GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trong cơ cấu xã hội - giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội đa dạng về nghề nghiệp và hoạt động. Vấn đề đặt ra đối với người trí thức, đó là “hiểu biết và sáng tạo, là năng lực làm chủ phương pháp, biết dùng phương pháp để mở rộng và nâng cao hiểu biết” [10, tr.6]. Theo đó, trí thức phải là người “thực học để có thực lực và thực tài”. Hơn nữa, ở người trí thức có sự phát triển cao tính tự nguyện và lòng tự trọng, lao động của người trí thức, do đó là lao động tự do. GS, TS Hoàng Chí Bảo còn khẳng định, nhiệm vụ của trí thức là “đóng góp vào sự khám phá, sáng tạo cái mới, những giá trị mới thúc đẩy sự phát triển nhận thức khoa học và phát triển xã hội” [10, tr.6].

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, vai trò của trí thức được nâng lên một tầm cao mới. Theo tác giả Nguyễn Đắc Hưng, “trong xã hội hiện đại, khoa học ngày càng phát triển, đội ngũ trí thức sẽ đóng vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp thứ nhất…Người trí thức Việt Nam phải ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng nhân loại mà tích cực dấn thân vào hoạt động khoa học mang tầm thế giới” [73, tr.27-28].


Quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về trí thức:

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, Đảng ta khẳng định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội” [50, tr.81]. Đây là lần đầu tiên, Đảng đưa ra quan niệm về trí thức với sự nhất quán trong việc đánh giá cao vai trò của trí thức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với lực lượng cách mạng quan trọng này.

Thống nhất với những cách tiếp cận cơ bản nêu trên, chúng tôi cho rằng, trí thức là một tầng lớp xã hội được đặc trưng bởi phương thức lao động trí óc, sáng tạo. Họ là lực lượng chủ yếu tham gia trực tiếp vào việc phát kiến, giữ gìn và truyền bá tri thức góp phần thúc đẩy sự phát triển nhận thức khoa học và sự tiến bộ của xã hội.

Từ tổng thể những quan niệm đã nêu, cần nhận diện trí thức ở một số điểm cơ bản sau:

Một là, trí thức không phải là một giai cấp mà là một tầng lớp xã hội đặc biệt và đặc thù. Bởi vì, trí thức không thuộc về một giai cấp nào duy nhất, nó hình thành từ một nhóm xã hội lớn theo cách tiếp cận của xã hội học, có đặc điểm lao động và phương thức sản xuất riêng để sản xuất tri thức và truyền bá tri thức. Trí thức đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ các giai cấp, các lực lượng, các tập đoàn và các nhóm xã hội khác nhau trong xã hội, mặc dù không trực tiếp sở hữu tư liệu sản xuất vật chất của xã hội nhưng sở hữu trí tuệ lại được xem là đặc trưng cơ bản của trí thức.

Hai là, trí thức cần được xem như một cá thể - chủ thể mang nhân cách sáng tạo. Trên bình diện rộng hơn, trong cơ cấu xã hội - giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội, có thể coi như một tập hợp, một phân hệ của cơ cấu xã hội chỉnh thể, đa dạng về lĩnh vực lao động và hoạt động nghề nghiệp. Trí thức, dù là một cá thể hay một số đông tập hợp thành đội ngũ do hoạt động nghề nghiệp qui định thì trí thức luôn gắn liền với lao động trí óc, có hiểu biết sâu rộng, có năng lực sáng tạo, có trình độ phát triển cao về trí tuệ.


Ba là, học vấn, học thức của người trí thức được hình thành qua đào tạo, được bồi dưỡng và phát triển không ngừng bằng con đường tự đào tạo, tự trau dồi và hoàn thiện của cá nhân trong lao động và hoạt động sáng tạo.

Bốn là, với trí thức chân chính, hiểu biết phải nhằm phục vụ cộng đồng, cống hiến cho dân tộc và xã hội; lý tưởng chính trị và trách nhiệm xã hội phải được biểu hiện thông qua lý tưởng nghề nghiệp, qua hoạt động chuyên môn đặc thù, gắn bó sâu nặng với Tổ quốc và nhân dân. Đó còn là tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc, là ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của xã hội. Thực tiễn luôn đòi hỏi người trí thức hiện đại cần phải có tài năng và phẩm chất đạo đức, sự gắn bó thống nhất giữa trình độ học vấn với khát vọng cống hiến. Đó là giá trị cốt lõi để người trí thức chân chính xác định cho mình một thái độ lao động tích cực và tự giác nhận lấy trách nhiệm, nghĩa vụ phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc không toan tính ích kỷ hay vụ lợi.

Năm là, trí thức là người có cá tính sáng tạo, có lòng tự trọng cao, có đầu óc duy lý và phê phán, có khát vọng tự do, dân chủ, đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng. Người trí thức không lệ thuộc vào những hiểu biết cũ, giáo điều mà phải vượt lên cái cũ để sáng tạo những tri thức mới. Đây là những đặc trưng nổi trội và chiếm ưu thế trong cấu trúc nhân cách của trí thức.

2.1.2. Quan niệm về trí thức giáo dục đại học Việt Nam

Trí thức GDĐH Việt Nam cần được tiếp cận ở quan điểm hệ thống - cấu trúc, trong mối liên hệ hữu cơ, gắn bó với trí thức và trí thức giáo dục đào tạo. Những lực lượng đó đều có chung phương thức lao động trí óc với tư duy độc lập, có trình độ chuyên môn nhất định để có thể sáng tạo và ứng dụng những tri thức khoa học vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Theo chúng tôi, cần phải đứng trên góc độ triết học với các qui luật chính trị - xã hội và các qui luật giáo dục để nhận diện trí thức GDĐH Việt Nam. Đó là một lực lượng xã hội hay một nhóm xã hội - nghề nghiệp đặc thù, tiêu biểu của trí thức; là chủ thể của lĩnh vực GDĐH, có nhiệm vụ giảng dạy; NCKH, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tổ chức, quản lý hoạt động sư

Xem tất cả 192 trang.

Ngày đăng: 21/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí