Phương Hướng Cơ Bản, Tầm Nhìn Nâng Cao Hiệu Quả Việc Giữ Gìn Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Ở Thừa Thiên Huế Hiện Nay


Hơn 26 năm đổi mới, nền văn hóa Việt Nam nói chung và DSVH ở TTH nói riêng đang đứng trước những thử thách rất lớn do toàn cầu hóa đặt ra: sự nhạt nhòa, hòa tan, lệ thuộc, đánh mất dần bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, là những va chạm, đụng độ giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với các giá trị văn hóa từ bên ngoài vào. Đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa giữ gìn và phát huy DSVH (bản sắc văn hóa dân tộc) với phát triển. Trong thực tế, không phải bao giờ người ta cũng tìm được lời giải đúng đắn cho vấn đề bảo tồn và phát triển. Nguyên nhân của mọi sự sai lầm đều xuất phát từ nhận thức lệch lạc, trong đại bộ phận các trường hợp là do quá coi trọng việc phát triển kinh tế, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Và do đó, không lưu ý hoặc không xử lý thoả đáng nhu cầu bảo tồn DSVH. Ở TTH, dự án xây dựng khu du lịch tại khu vực đồi Vọng Cảnh cũng là trường hợp điển hình trong nhận thức về phương án xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Như chúng ta đã biết, cảnh quan thiên nhiên luôn được coi là một trong những bộ phận quan trọng của cơ cấu không gian kiến trúc một đô thị nói chung và của một khu vực cư dân nói riêng. Đối với quần thể di tích Cố đô Huế - một khu DSVH thế giới, thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn nơi nào hết. Đồi Vọng Cảnh là một trong những yếu tố cảnh quan thiên nhiên như vậy. Và cũng có thể, khu vực cảnh quan thiên nhiên này đã từng góp phần tạo ra ý tưởng quy hoạch ban đầu cho kinh thành Huế, rất nổi tiếng. Trải qua nhiều trăm năm, với biết bao nhiêu thăng trầm và biến thiên lịch sử, đồi Vọng Cảnh vẫn hoang sơ, không ai xây dựng các công trình quy mô lớn ở đây. Điều đó chứng tỏ địa danh đồi Vọng Cảnh đã đi vào tiềm thức của người dân xứ Huế như một yếu tố thiêng. Nhưng ngày nay, nhân danh phát triển kinh tế mà đã từng có dự án xây dựng ở đây một khu khách sạn nghỉ dưỡng quy mô lớn ngay sát mép nước sông Hương thì thật khó tưởng tượng, tuy nhiên rất may là dự án đã dừng lại.

Kết luận chương 3

Trong chương 3, luận án cho rằng, DSVH là biểu hiện của bản sắc văn

hóa dân tộc. Giữ gìn DSVH là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho bản


sắc văn hóa dân tộc không ngừng tiến kịp với những biến chuyển khách quan của thời đại. Để tồn tại và phát triển, tỉnh THH phải giữ gìn và phát huy DSVH một cách sáng tạo, linh hoạt; phải kết tinh lại và nâng lên tầm cao mới những nét đặc sắc, riêng có của giá trị DSVH. Tuy nhiên, nằm ở vùng có địa lý khí hậu khắc nghiệt, kinh tế phát triển chậm, ý thức bảo vệ của con người chưa cao, nên nhiều DSVH ở TTH chưa được khai thác và phát huy hết tác dụng.

Trong chương 3, luận án đã chỉ ra đặc điểm, những thành tựu của việc giữ gìn và phát huy giá trị DSVH ở TTH như: thành tựu trong việc tu bổ tôn tạo di tích, khoanh vùng bảo vệ các khu di sản, nghiên cứu sưu tầm và khôi phục nhiều DSVH phi vật thể…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, công tác này vẫn bộc lộ những hạn chế. Điều đó được thể hiện trên một số mâu thuẫn cơ bản sau: mâu thuẫn việc giữ gìn, phát huy DSVH Huế với tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, việc giữ gìn và phát huy DSVH với ý thức của chủ thể văn hóa, mâu thuẫn giữa giữ gìn DSVH với phát triển xã hội.Với tất cả những hạn chế và mâu thuẫn trên, đòi hỏi tỉnh TTH cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao công tác giữ gìn và phát huy DSVH của tỉnh nhà góp phần xây dựng TTH xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 187 trang tài liệu này.

Chương 4

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN

Vấn đề giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay - 16

ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN

HÓA Ở THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY


4.1. PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN, TẦM NHÌN NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA Ở THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY

4.1.1. Những quan điểm cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay

Để có cơ sở xác định và thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của DSVH đối với sự phát triển ở TTH hiện nay, trước hết là cần xác định các quan điểm có tính chất định hướng chỉ đạo.

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt các quan điểm của Đảng đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị DSVH ở TTH hiện nay.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn luôn khẳng định: DSVH là tài sản vô giá của dân tộc và tài sản tinh thần quý báu của nhân dân. Giữ gìn và phát huy các DSVH chính là bảo vệ quyền lợi của nhân dân, của đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khóa VIII đã ghi rõ:

DSVH là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng, bảo tồn kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và nhân gian) văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đệp do cho ông để lại [28, tr.58].

Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành TW khóa IX đã nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc


và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại [30, tr.243].

Văn kiện Đại hội đại điểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng Sản Việt

Nam xác định:

Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (…) Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng, kháng chiến, các DSVH vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các DSVH với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch [32, tr.106].

Kế thừa những thành tựu đạt được trên phương diện lý luận và thực tiễn

25 năm đổi mới đất nước, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh:

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sau vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển [33, tr.75-76].

Như vậy, rõ ràng Đảng không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò to lớn của văn hóa đối với quá trình đổi mới đất nước mà còn xác lập vị trí chiến lược của văn hóa, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với xây dựng văn hóa- nền tảng tinh thần của xã hội, tạo thế vững chắc cho quá trình phát triển đất nước. Trong chiến lược phát triển văn hóa, Đảng đã khẳng định giữ gìn và phát huy DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt.

Những định hướng cơ bản nói trên của Đảng Cộng sản Việt Nam là phương hướng cơ bản cho việc giữ gìn và phát huy giá trị DSVH ở TTH đến năm 2020. Đòi hỏi tỉnh TTH thông qua các định hướng này để đề ra các chính


sách phù hợp cho công cuộc giữ gìn và phát huy các DSVH ở địa phương. “Phải coi bảo vệ và phát huy DSVH như là một quốc sách, đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy DSVH là đầu tư cho sự phát triển” [9, tr.122].

Thứ hai, đảm bảo tính kế thừa và đổi mới trong việc giữ gìn và phát huy DSVH ở TTH trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã quan niệm kế thừa là biểu hiện tất yếu của quá trình vận động và phát triển của thế giới vật chất. Tính khách quan ấy của kế thừa cũng được phản ảnh trong quá trình vận động và phát triển của nhận thức. Bản chất của kế thừa là thực hiện sự lọc bỏ, chuyển hóa cái cũ tích cực thành nhân tố của cái mới, là mắc khâu cơ bản trong quá trình biến đổi về chất. Kế thừa là quy luật của sự phát triển, của mối liên hệ tất yếu giữa cái cũ và cái mới, của tính liên tục qua những đứt đoạn. Trong lĩnh vực văn hóa, quan niệm về sự kế thừa bao gồm cả nhận thức tính kế thừa (khách quan, phổ biến, phủ định, bản chất), về mặt lý luận cũng như hành động biểu hiện ở sự đánh giá có phê phán các giá trị văn hóa và sử dụng chúng một cách sáng tạo.

Một quy luật lớn của vận động văn hóa là:

- Kế tục các giá trị đã có trong văn hóa truyền thống.

- Bù đắp các giá trị thiếu hụt.

- Tiếp biến các giá trị nhập nội để hiện đại hóa.

- Chuẩn bị tiền đề cho hình thành các giá trị tương lai [3, tr.19-20].

Trong quá trình vận động của văn hóa, quy luật này được thể hiện rõ nét

ở hai cấp độ:

Một là, mối liên hệ tất yếu giữa hiện tượng văn hóa với các hiện tượng khác như sản xuất vật chất, chính trị, kinh tế.

Hai là, mối liên hệ bản chất bên trong giữa các yếu tố hợp thành văn hóa. Đó là sự tác động biện chứng giữa các yếu tố khoa học, đạo đức, thẩm mỹ. Sự thống nhất giữa tiến bộ văn hóa và sự kế thừa nền văn hóa nhân loại, bản sắc văn hóa dân tộc và sự giao lưu giữa các nền văn hóa thế giới, sự thống nhất giữa việc làm chủ văn hóa quá khứ và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới…


Như vậy, rõ ràng DSVH dân tộc không chỉ phát triển trong sự vận động của môi trường tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, mà còn tiếp thu các giá trị văn hóa của các dân tộc khác. Do đó, DSVH dân tộc không phải là cái cố hữu, bất biến mà luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với sự vận động của dân tộc. Thể hiện tính kế thừa, tiếp thu các giá trị DSVH dân tộc mình trong lịch sử và các giá trị DSVH dân tộc khác: kế thừa là một trong những đặc trưng cơ bản của phép biện chứng duy vật, nó “như là" cái cầu nối giữa cái cũ với cái mới. Trong xã hội, kế thừa cái gì, kế thừa như thế nào... điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể kế thừa.

Kế thừa không có nghĩa chúng ta giữ lại toàn bộ những gì mà quá khứ đã tạo ra, “bê” nguyên xi cái lịch sử đặt vào tương lai - nghĩa là kế thừa một cách nguyên vẹn, không có đổi mới. Nếu như vậy là không biện chứng, không khoa học. Kế thừa nhưng phải biết lọc bỏ những gì không phù hợp với hiện tại, đã bị thực tiễn “vượt qua”, chỉ giữ lại những gì còn có giá trị, còn có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay. Điều đó, cũng có nghĩa là “đổi mới” những gì quá khứ trao lại cho chúng ta, làm cho “cái cũ của quá khứ” có giá trị hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống hôm nay. Đổi mới không có nghĩa là phủ định sạch trơn những gì tốt đẹp nhất mà lịch sử dày công vun xới, tạo lập. Đổi mới là làm cho những giá trị đó tiếp tục phát huy vai trò, tác dụng, giá trị của mình trong hiện tại.

Việc đảm bảo tính kế thừa và đổi mới trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị DSVH ở tỉnh TTH có một ý nghĩa lớn cả về lý luận và thực tiễn. Có như vậy, chúng ta mới hiện thực hóa mục tiêu mà trong báo cáo của Đảng bộ tỉnh TTH đã đưa ra: “Phát huy mọi giá trị quý giá của DSVH Cố đô Huế bao gồm giá trị DSVH vật chất, giá trị DSVH tinh thần và giá trị DSVH môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân” [101].

Thứ ba, trong điều kiện KTTT, giá trị DSVH ở TTH cần thiết phải được bảo vệ và phát triển.

Việt Nam chuyển sang nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa theo một kiểu thị trường không phải mọi giá trị văn hóa phải thích nghi với nó mà ngược lại vai trò của văn hóa mang một ý nghĩa chủ động to lớn, làm sao để


Nhà nước làm chủ được cơ chế thị trường, vì lẽ đó sản phẩm văn hóa không những không tất yếu là con đẻ của thị trường mà ngược lại nó sẽ tìm cách định hướng một thị trường mà ở đó hiệu quả kinh doanh phải được thống nhất với đạo đức lao động. Văn hóa điều tiết làm cho tính thực dụng, tính thương mại, tính cạnh tranh của thị trường phải được xác lập trên nền tảng văn hóa.

Kế thừa DSVH dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện KTTT định hướng XHCN, cần nhận thức và thực hiện các vấn đề sau:

Một là, trong cơ chế thị trường, một bộ phận văn hóa là hàng hóa, nhưng khác với hàng hóa thông thường, nó có những thuộc tính, giá trị đặc biệt. Hiệu quả sử dụng của nó không chỉ là thõa mãn nhu cầu tức thời mà còn có ý nghĩa để đầu tư cho lâu dài, cho các thế hệ nối tiếp. Vì vậy, không thể để mặc sản phẩm văn hóa trôi nổi trên thị trường mà phải hướng dẫn, điều tiết theo những định hướng nhất định.

Hai là, hàng hóa đặc biệt, sản phẩm văn hóa cũng phải tuân thủ những quy luật phổ biến của kinh tế thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng bị quy định bởi tính đặc thù của văn hóa. Do đó, cần phân loại sản phẩm văn hóa để áp dụng các chính sách điều tiết thích hợp.

Ba là, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh khiến ba nhân tố kinh tế, xã hội, văn hóa phải luôn là những yếu tố đồng hành làm tiền đề cho nhau phát triển.

Bốn là, trong nền KTTT, quản lý văn hóa là quản lý một loạt các hoạt động của toàn xã hội, trong đó có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Cho nên, cần mở rộng hơn, dân chủ hơn để phát huy tính tự giác của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng văn hóa.

Năm là, yếu tố quyết định cuối cùng sức sống của một nền văn hóa dân tộc không chỉ dừng lại ở cái dân tộc đã có mà ở khuynh hướng phát triển của nó. Giao lưu văn hóa là một quy luật phát triển của mọi nền văn hóa dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa là: không giao lưu thì bất cứ nền văn hóa cũng bị ngạt thở và dễ bị mỏi mòn, tàn lụi. Giao lưu văn hóa quốc tế và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hai mặt của vấn đề phát triển.


4.1.2. Tầm nhìn về công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Căn cứ vào kết luận 48 của Bộ Chính Trị, tỉnh TTH phấn đấu đến năm 2020 xây dựng TTH xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước. Với mục tiêu phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, giàu bản sắc; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hoá Huế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá.; gắn văn hoá với du lịch, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ lệ ngày càng cao trong GDP, tỉnh đã xác định:

- Đến năm 2015, tỉnh TTH cố gắng huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Triển khai quyết liệt Quyết định 818/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020; trong đó, tập trung dự án di dời, giải toả, tái định cư dân vùng Thượng Thành, Eo Bầu để tiến tới hoàn thành cơ bản trùng tu khu vực Đại Nội và các di tích tiêu biểu trong Kinh thành Huế. Bổ sung cơ chế, chính sách khai thác và bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn.

- Giữ gìn, phát huy các giá trị DSVH phi vật thể, đặc biệt là Nhã nhạc Cung đình Huế và các lễ hội mang bản sắc văn hoá Huế. Khai thác giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian gắn với nghiên cứu, phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy truyền thống văn hoá, cốt cách con người Huế; đưa văn hoá Huế thấm sâu vào đời sống xã hội.

- Xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó trọng tâm đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng, Hệ thống bảo tàng Huế… Đầu tư tôn tạo, nâng cấp hệ thống di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh; các nhà trưng bày nghệ thuật; Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế... Xây dựng, tôn tạo tượng đài Phan Bội Châu, tượng đài 11 cô gái sông Hương và một số tượng đài danh nhân văn hoá, lịch sử. Củng cố, phát huy giá trị di tích Văn Miếu, Di Luân Đường và các di tích văn hoá, lịch sử khác.

Xem tất cả 187 trang.

Ngày đăng: 05/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí