Giọng Điệu Trần Thuật Trong Truyện Ngắn Bảo Ninh


vừa nói lảm nhảm” [60,206]. Cái cảm giác đau đớn của Phúc nhận được quà và thư của Quỳnh trong trại giam khiến anh “muốn khóc mà không sao khóc nổi, chỉ một nỗi đau câm lặng thọc trong tim làm cho nghẹt thở làm cho mờ mịt hai con mắt và làm cho run bắn hai bàn tay”[60,308]. Hối hận khi chọn nhầm đường, hối hận khi tự mình đánh mất tình yêu khiến cho Phúc sống một cuộc sống vô nghĩa, không hy vọng trong trại cải tạo. Đến niềm vui cũng trượt ra khỏi cuộc sống hiện tại của anh: Được tự do rồi mà Phúc “chẳng đi đâu cả, ủ rũ, suy nhược, tuyệt đối âm thầm, tuyệt đối không trò chuyện, chẳng giao du, dường như chẳng hề quen biết bất kỳ một ai trên đời” [60,324]. Nỗi đau nhân lên gấp bội khi ông bất ngờ biết Quỳnh không hề vào Nam như dự định mà ở lại chờ đợi Phúc: “Ông không thể thốt nên lời. Không phải sự kinh ngạc, không phải tâm trạng buồn đau hay thất vọng mà là nỗi khiếp sợ đến tê dại khiến ông tái nhợt đi”. Thời gian trôi qua, nỗi đau, sự ân hận, tiếc nuối day dứt, ám ảnh đến cuối cuộc đời. Cuộc sống với ông vô nghĩa, tẻ nhạt, “đầu óc buồn ngủ, trái tim uể oải. rời rã, buông xuôi trong buồn nản”[60,328].

Nỗi đau của “tôi” trong Bí ẩn của làn nước cũng là một nỗi đau khôn tả. Qua một số từ ngữ miêu tả trạng thái tâm lý, người đọc cũng phần nào thấy được những mất mát vô bờ của nhân vật: “Kiệt sức, tôi ngất đi. Khổ đau, tôi tỉnh dậy, nước mắt nóng rực, tê nhói” [60,33]. Khi phát hiện ra đứa bé được cứu không phải là con mình, tôi “choáng váng chết lặng, nén một tiếng kêu thất thanh” [60,34]. Bất bình trước sự vô cảm, vô lương tâm của con người với con vật, với đồng loại, Bảo Ninh không kìm nén được cảm xúc, sử dụng từ ngữ gần như chửi rủa “mẹ kiếp”, “con người cao hơn con vật ở chỗ, chỉ có con người mới biết tự kết liễu cuộc đời khi cảm thấy đời quá chừng chó má” [60,37].

Trong truyện ngắn Bảo Ninh, người đọc nhận thấy, tác giả đã rất thành công trong việc sử dụng lớp từ ngữ biểu thị ý nghĩa tột cùng của hành động và cảm xúc. Nếu như lớp từ ngữ biểu thị ý nghĩa tột cùng của hành động tỏ ra đắc dụng trong việc miêu tả hiện thực chiến tranh thì lớp từ ngữ biểu thị ý nghĩa tột cùng của cảm xúc lai có hiệu quả cao khi nhà văn diễn tả nội tâm nhân vật.


d. Từ láy

Bảo Ninh là nhà văn có biệt tài sử dụng từ láy. Ông am hiểu sâu sắc giá trị và tác dụng của loại từ này trong việc tạo hình, biểu cảm và đã khai thác triệt để nhằm xây dựng hình tượng không gian nghệ thuật đặc sắc, tính cách nhân vật rõ nét. Hệ thống từ láy tạo hình tạo hình được sử dụng trong việc khắc họa khung cảnh thiên nhiên. Đây là không gian của một khu rừng bị chất độc màu da cam phá hoại: “Trong không khí ngàn ngạt một mùi gì là lạ, tựa như mùi nước bị oi khói. Tôi ngước lên, nhìn. Rừng đang đổ lá, mái rừng tróc từng mảng rộng, lở ra, rụng xuống như bị lột da. Không một phẩy gió, cây cối bất động vậy mà tơi tả chẳng khác nào đang trong một trận động rừng. Một trận động rừng câm lặng, lay chuyển ngàn cây nhưng mà lại im phăng phắc. Lá, hoa, quả và các cành con nữa trút như mưa song không một tiếng xào xạc. Chẳng phải phải lá vàng, chẳng phải lá xanh, lá to, lá nhỏ tất cả đều là những xác chết thâm xịt và nhầu nhĩ như bị vò” (Rửa tay gác kiếm) [60,202]. Chỉ với vài từ láy được dùng đúng chỗ, Bảo Ninh đã tái hiện sống động một cảnh tượng bi thảm, ám ảnh sâu sắc người đọc về một thời kỳ bi thương, mất mát của con người cũng như thiên nhiên đất nước trong những năm chống đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, có những không gian đậm chất thơ nhờ sự xuất hiện của những từ láy gợi hình, như trong Lá thư từ Quý Sửu: “Bên bờ đông Đắc-bờ-là, hướng vừng dương sẽ mọc, màu trời thẫm dần lên, bóng đêm mau chóng bốc thành hơi bay là là mặt nước và nhè nhẹ tan ra dưới vòm xanh trong lác đác những đám mây đỏ. Phong cảnh đôi bờ thức giấc. Đồi núi trập trùng. Mặt trời hiện lên, sắc hồng lộng lẫy” [60,276]. Hiệu quả sử dụng từ láy trong câu văn của tác giả rất lớn. Nó tạo ra một không gian sống động, hấp dẫn và thơ mộng.

Từ láy cũng được Bảo Ninh sử dụng hiệu quả khi khắc hoạ chân dung của nhân vật. Tư trong Hữu khuynh hiện lên với “vóc dáng lòng khòng, lênh khênh, sạm đen và sứt sẹo, cánh tay phải bị xén cụt, ống tay áo vắt lên vai, mặt dài, xương xẩu nhưng hàm lại bạnh ra, môi dày và nhợt. Con mắt trái che kín bằng một miếng vải đen, nhường hết cái nhìn cho con mắt còn lại. Tuy nhiên, trong


sự xấu xí ấy ẩn nét duyên dáng âm thầm vẫn thường thấy ở những người đàn ông tốt bụng mà trầm mặc” [60,162]. Hàng loạt những từ láy đó (in nghiêng) không chỉ khắc hoạ được vóc dáng của Tư mà còn gợi lên cái vẻ khắc khổ của một số phận bất hạnh. Dù vậy, thẳm sâu sau hình hài ấy là một tâm hồn đẹp đẽ, cao thượng của người lính bước ra từ chiến tranh. Những từ láy mà Bảo Ninh sử dụng trong câu văn ấy thấm đẫm sự chia sẻ, đồng cảm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Như vậy, ngôn ngữ trần thuật đậm chất triết lý, chất trữ tình đã đem đến cho truyện ngắn Bảo Ninh những ý vị mới mẻ trong quan niệm về chiến tranh, về hạnh phúc, hoà bình, về cuộc sống người lính trong và sau chiến tranh. Góp một phần không nhỏ trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn chính là một số phương tiện đặc trưng của nó. Đó là kiến trúc câu văn đa dạng, linh loạt; lớp từ ngữ gắn với hồi ức nhân vật; lớp từ ngữ biểu thị trạng thái tột cùng của hành động, cảm xúc và hệ thống từ láy. Tất cả làm nên một Bảo Ninh giàu có về ngôn từ, một Bảo Ninh tinh tế nhạy cảm và luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo trong cách sử dụng. Điều này góp phần không nhỏ tạo nên dấu ấn riêng của nhà văn.

3.3. Giọng điệu trần thuật

Truyện Ngắn Bảo Ninh - 14

3.3.1. Khái niệm giọng điệu

Trong nghệ thuật kể chuyện, giọng điệu (voice) là một yếu tố cơ bản, phản ánh quan điểm, thị hiếu thẩm mĩ của người sáng tạo. Giọng điệu là “âm thanh được xét ở tấm lòng, biểu hiện thái độ: buồn, vui, giận, hờ hững” [6, 67]. Nó khác giọng, bởi giọng là “âm thanh được xác định ở góc độ vật lí như cường độ, trường độ, cách phối âm và âm lượng”. Còn “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…”[23,112].

Giọng điệu chịu sự chi phối trực tiếp của nhà văn, phụ thuộc chặt chẽ vào yếu tố chủ thể như thái độ, tình cảm, điểm nhìn, quan hệ của chủ thể đối với đối tượng được tái hiện trong tác phẩm. Trong đó, điểm nhìn và thái độ sẽ quy định tính chất của giọng điệu.


Sau 1986, trong sáng tác của nhà văn có sự đổi mới trong nghệ thuật trần thuật. Mỗi nhà văn đã rất quan tâm tới việc làm mới giọng điệu để góp phần cách tân nghệ thuật trần thuật. Nhiều tác giả đã khẳng định mình qua giọng điệu trần thuật như Nguyễn Khải, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Chu Lai… Khảo sát giọng điệu trần thuật chính là cách để xác định khuôn mặt nhà văn. Bởi giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng để khu biệt phong cách tác giả, là “một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm”. Nó là yếu tố có vai trò chủ đạo cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu “vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó trong chính giọng ấy mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí mới mẻ hơn” [77,152]. Mỗi nhà văn có phong cách đều tạo cho mình một kiểu giọng điệu riêng. Nếu như trong đời sống, giọng nói giúp ta nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp ta nhận ra tác giả. Nếu như giọng điệu của Nam Cao “là giọng cay đắng, chua chát trước những bi kịch của con người” thì “giọng điệu của Nguyên Hồng là giọng cảm thương thống thiết trước sự thống khổ của con người” [53,72]…

Vậy, làm thế nào để xác định giọng điệu của một tác phẩm, một nhà văn? Đây là một vấn đề không đơn giản bởi không phải là phép cộng của câu chữ mà nó là sự cộng hưởng, kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố cùng sự thăng hoa cảm xúc của chủ thể sáng tạo.

Trở về sau chiến tranh, Bảo Ninh nhìn cuộc sống, con người trong và sau chiến tranh, nhìn hiện thực chiến tranh và sự tác động của nó đối với người lính hậu chiến với cái nhìn khách quan, công bằng. Do vậy, nhà văn đã tạo được một hệ thống giọng điệu phù hợp với cảm hứng chủ đạo, tư tưởng, nhân vật…


3.3.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh

3.3.2.1. Giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa

Đứng trước sự xô bồ của cuộc sống hậu chiến, Bảo Ninh rất ít khi phản ánh cuộc sống hiện đại mà chủ yếu miêu tả cuộc sống và con người quá khứ từ cái nhìn hiện tại. Nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh lưu giữ những kỉ niệm của quá khứ để rồi khi gặp lại, nhân vật không khỏi xúc động nghẹn ngào xen lẫn sự nuối tiếc, xót xa.

“Tôi” trong truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ nghẹn ngào, xúc động không thốt nên lời khi gặp lại người xưa sau ba mươi tư năm xa cách. Kỉ niệm về “mối tình đầu không có thật của thằng bé mười ba tuổi” ngây thơ trong sáng ngày nào với chị Giang nơi căn nhà số bốn thân yêu. Giờ gặp lại có cái gì đó “đau thắt”, nghẹn ngào: “Cuộc đời tôi. Cuộc đời chị. Thì cũng như cuộc đời của bao người thôi trên đất nước này những chục năm qua, mà sao nhắc lại trái tim cứ đau thắt lại thế này” [60,136]. Hồi tưởng về những kỷ niệm xưa, giọng “tôi” như có cái gì đó tiếc nuối, xót xa bởi “gần trọn quãng đời trai trẻ của (…) không hề được hưởng tình yêu” [60,141]. Mãi tận sau này, “tôi mới nhận ra rằng những tội lỗi trong mơ ngày đó chính là hình bóng của mối tình đầu không có thật của tôi”. Dù đó là mối tình không có thật nhưng nó đã “góp phần soi rọi tâm hồn tôi, giúp tôi vững tinh thần, và có lẽ một phần nhờ thế mà rốt cuộc tôi đã sống sót trở về”. Nó “tiếp tục là một trong những nguồn sáng giúp tôi từ sau ngày trở về biết yên lòng vui sống, biết vững tâm mà mạnh dạn vượt qua được những năm dài giao lao thời hậu chiến” [60,142]. Chính thứ tình cảm thiêng liêng ấy đã làm cho “tôi” cảm thấy ấm áp khi được ở bên Giang. Anh như được sống lại với những kỷ niệm đẹp, với bạn bè, với tình yêu của tuổi thơ.

Tình yêu người lính thiêng liêng và xúc động xiết bao. Trên đất nước này đã có vô vàn người lính sống bằng niềm tin, niềm hi vọng mạnh mẽ như vậy. Nó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tâm hồn người lính, giúp họ vượt qua mọi trở ngại cho đến ngày toàn thắng, vượt qua cuộc sống xô bồ phức tạp hiện tại. Bảo Ninh đã tạo ra một thứ giọng điệu đầy xúc cảm khi kết thúc câu chuyện: “Bởi


vì thời gian càng nhích sâu vào trời khuya đến với ngày mai thì chúng tôi càng về gần hơn với Hà Nội những đêm xưa, với Hà Nội trong vắt lúc không giờ. Về gần hơn với bạn bè một lửa bên trời, về gần hơn với tình yêu ban đầu, về gần hơn với tuổi thơ non dại. Sinh ra, lớn lên, rồi làm lụng, rồi chiến đấu và hi sinh cho thành phố này, thế hệ chúng tôi được hưởng phép màu của nó, trở thành một thế hệ mãi mãi tuổi thanh xuân của một thành phố trẻ trung vĩnh hằng” [60,143].

Câu chuyện trong Thời tiết của kí ức là quá khứ trớ trêu đã khiến cho tác phẩm cảm động, gây xúc động lòng người. Nuối tiếc về một tình yêu thầm lặng, hối hận khi chọn nhầm đường đã khiến Phúc day dứt khôn nguôi. Phúc hồi tưởng về tình yêu và cuộc đời mình bằng giọng kể buồn man mác với tâm trạng day dứt ân hận. Ở tù với Phúc là quãng thời gian vô nghĩa bởi tình yêu đã mất. Mặc dù phải sống trong trại cải tạo là quãng thời gian “ngồi bóc lịch nhưng Phúc chẳng đếm ngày tính tháng. Mười năm hay mười lăm năm, chung thân cũng vậy cả thôi, ngày lại ngày trôi qua, ý niệm thời gian rơi rụng” [60,313]. Phúc hầu như vô cảm trước tự do, trước sự chảy trôi của cuộc đời. Tạo nên giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa là sự hồi tưởng chậm buồn miên man của ông Phúc. Những nỗi niềm tưởng như đã được chôn giấu kỹ nhưng lại lần lượt hiện hình, “dằng dặc và chậm rãi”. Non bốn chục năm qua, con người ấy đã sống không yên với những lầm lẫn thời trẻ. Với ông, tất cả trở nên vô nghĩa. Thật xót xa làm sao khi con người sống mà mất hết ý niệm sống!

Bảo Ninh đã rất thành công khi khắc họa những tổn thương về tinh thần người lính sau chiến tranh. Truyện ngắn của ông thể hiện sâu sắc bi kịch của người lính hậu chiến: người thì đau đớn với những di chứng chiến tranh, người thì day dứt khôn nguôi với quá khứ, người trở về với cuộc sống đời thường nhưng không sao hòa nhập được, người thì nuối tiếc với tình yêu không thành… Tất cả tạo nên giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa, day dứt. Nó khiến cho người đọc ám ảnh khôn nguôi.

Trong truyện ngắn Lá thư từ Quý Sửu, nỗi ân hận pha lẫn sự nuối tiếc về việc bỏ lỡ một lá thư đã khiến “tôi” sau bao năm vẫn còn day dứt: “Từ bấy tới


nay, thời gian mất đi đã nhiều năm nhưng nỗi đau Quý Sửu vẫn mãi còn như một hạt sạn trong ký ức tôi… và dù là trong mơ mà lòng lại nhói đau khi gặp lại anh em đồng đội đã khuất” [60,290]. Những ấn tượng tốt về Duy - người bên kia chiến tuyến, mãi in dấu trong tâm hồn “tôi”. Năm tháng qua đi, “sự khủng khiếp và lòng căm thù” giữa những con người thuộc hai đầu chiến tuyến không còn nữa nhưng “nỗi buồn thương” vẫn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Cái chết của Duy – một kẻ thù nhưng đã khiến “tôi” lặng người đi trong sự xúc động: “Giật bắn mình, tôi lùi bước lại. Thiếu úy Duy! Đầu nghẹo về một bên vai. Mắt mở, máu ứa ra ở mép” [60,289].

Đến với truyện ngắn Bảo Ninh, người đọc không thể không xót xa trước những hình ảnh người lính chịu di chứng của chiến tranh trong Rửa tay gác kiếm. Những người lính trở về may mắn hơn những người đã “mãi mãi tuổi hai mươi”. Nhưng liệu họ có được hạnh phúc trọn vẹn với sự trở về ấy khi mà hằng đêm, họ phải sống trong những giấc mơ đau đớn và ám ảnh về sự tàn phá của chiến tranh, về cái chết của đồng đội và cả kẻ thù… Những tưởng “nước mắt để dành cho ngày gặp mặt đã khóc cạn với nhau rồi vào giờ phút tuyệt đỉnh đời người, giờ phút đất rộng trời cao lòng người nhập một ấy, lạ sao bây giờ lại tràn mi, nóng rực và nhói đau như kim châm trong lòng mắt” [60,196]. Sự trở về của người lính không chỉ có niềm vui và hạnh phúc mà có cả nỗi đau. Nỗi đau ấy là sự mất mát tuổi trẻ và tình yêu. Ta không khỏi ngậm ngùi trước số phận người lính trong và sau chiến tranh. Giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa là kết quả của việc phản ánh chiến tranh dưới cái nhìn của cá nhân đặt trong số phận của từng con người. Dù có oanh liệt, hào hùng đến mấy thì với những người từng xung trận, chiến tranh vẫn là sự tàn khốc vô cùng. Bảo Ninh không lên án, không phê phán dữ dội mà chỉ xót xa, nuối tiếc ngậm ngùi cho sự trả giá cho hòa bình. Giọng điệu này cũng tràn ngập trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh tạo nên âm hưởng buồn thương, ngậm ngùi triền miên. Đúng như tên gọi của nó, nỗi buồn tràn ngập tác phẩm: nỗi buồn tình yêu, nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn về sự sáng tạo nghệ thuật, buồn về những gì đang diễn ra trong hiện tại.


Giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa còn được thể hiện khi phản ánh những góc khuất, những nỗi đau không dễ thổ lộ. Đó là sự xót xa của “tôi” (Bí ẩn của làn nước) khi không cứu được vợ và con mình mà cứu và nuôi con người khác. Đó là sự ngậm ngùi của Tân (Gọi con) khi khám phá ra bí mật trong chiếc hòm mẹ anh để lại, hiểu được tâm trạng đau buồn khi mẹ anh còn sống. Hay đó chỉ là nỗi ân hận, nuối tiếc về những hành động nông nổi bồng bột thời trẻ của “tôi” (Tấn) trong Mối ngờ, của “tôi” trong Thách đấu. Hoặc là tâm trạng buồn man mác của những người lạc lõng trước cuộc sống hiện tại (tâm trạng của “tôi” trong các tác phẩm: Ngôi sao vô danh, La Mác – xây – e, của người mẹ trong Chuyện xưa kết đi, được chưa? ...).

Lựa chọn giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa để miêu tả những số phận, những bi kịch của người lính đã giúp Bảo Ninh dễ dàng thể hiện tình cảm của mình. Ông viết bằng cả sự thôi thúc mãnh liệt trong tâm hồn và như bằng chính nỗi đau đang dằn vặt, day dứt, vò xé tâm can về cuộc sống, con người và thân phận người lính. Điều này tạo nên gương mặt Bảo Ninh - một gương mặt không dễ lẫn trong rất nhiều nhà văn viết về chiến tranh thời hậu chiến.

3.3.2.2. Giọng điệu lạnh lùng, khách quan

Trong nền văn học dân tộc, Nam Cao nổi tiếng với việc sử dụng giọng điệu khách quan, lạnh lùng “khi miêu tả tường tận mọi chi tiết về cuộc sống u ám, tăm tối đói nghèo và tàn nhẫn của xã hội Thực dân nửa Phong kiến – một cuộc sống bế tắc, quẩn quanh của những con người bất lực trước hoàn cảnh” [55,70]. Khi viết về đề tài chiến tranh trong quá khứ và cuộc sống con người hiện tại, Bảo Ninh cũng sử dụng giọng điệu này để thể hiện. Đó là giọng kể thâm trầm, chậm rãi, nhẹ nhàng mà đầy ám ảnh. Qua đó, nhà văn bộc lộ thái độ của mình.

Nếu các nhà văn trước 1975 thường né tránh những nỗi đau, những mất mát hy sinh, những tổn hại lớn lao do chiến tranh gây nên thì các nhà văn sau 1975 nói chung và Bảo Ninh nói riêng đã nhìn thẳng vào sự thật, tái hiện chân xác hiện thực chiến tranh mà mình đã từng trải nghiệm và chứng kiến. Ông miêu tả những cái chết, những mất mát hi sinh và cả sự tàn khốc của chiến

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí