Quản Lý “Quá Trình” Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất (Process)


Những biểu hiện ngại khó, ngại khổ, không cố gắng vượt qua khả năng hiện có của bản thân sinh viên sẽ cản trở rất lớn đến kết quả học tập, rèn luyện GDTC ở trường đại học.

Hai là, tổ chức đánh giá tình trạng thể lực và phát hiện năng khiếu thể thao của sinh viên trước và trong quá trình GDTC.

Nhiệm vụ quan trọng của GDTC là phát triển năng lực thể chất, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao của sinh viên. Vì vậy, tổ chức đánh giá tình trạng thể lực và phát hiện năng khiếu thể thao của sinh viên trước và trong quá trình GDTC được coi là nội dung không thể thiếu của quá trình quản lý hoạt động GDTC. Theo đó, khoa, bộ môn phải xây dựng một số bài test thể lực và sử dụng chúng vào đánh giá tình trạng thể lực của sinh viên. Đồng thời, khoa, bộ môn giao nhiệm vụ cho giảng viên thông qua hoạt động luyên tập và kiểm tra, đánh giá sinh viên tiến hành theo dõi, phát hiện những sinh viên có năng khiếu thể thao.

* Tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục thể chất phù hợp với từng ngành đào tạo trong nhà trường

Trong trường đại học thường đào tạo đa ngành, mỗi ngành đòi hỏi việc chuẩn bị thể lực cho sinh viên có những nét đặc thù nhất định. Để đáp ứng hoạt động thực tiễn trong từng lĩnh vực ngành nghề được đào tạo, chương trình môn GDTC ở trường đại học phải được xây dựng phù hợp với từng ngành đạo tạo. Tiến trình thực hiện chương trình GDTC phải tuân theo nguyên tắc 5W và 1H: Who: Ai làm? What: Làm việc gì? Where: Làm ở đâu? When: Khi nào làm? Why: Tại sao làm việc đó? và How: Làm như thế nào? Vì vậy, bên cạnh xây dựng chương trình, các chủ thể quản lý phải xây dựng kế hoạch hoạt động GDTC. Để làm tốt những nội dung vừa nêu, các chủ thể quản lý cần làm tốt các công việc sau:

Một là, định kỳ rà soát và hoàn thiện chương trình GDTC theo từng ngành đào tạo trong nhà trường.


Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về khung chương trình GDTC bậc đại học, từng trường căn cứ vào yêu cầu phát triển năng lực thể chất của từng ngành đào tạo, tình trạng thể chất của sinh viên, sự phát triển của khoa học TDTT … để xây dựng chương trình GDTC theo từng ngành đào tạo. Để chương trình này đáp ứng tốt nhu cầu phát triển thể chất của sinh viên và nhu cầu của xã hội về phát triển phong trào thể thao trong nhà trường, trường đại học phải định kỳ rà soát và hoàn thiện chương trình GDTC. Công việc này, trước hết thuộc trách nhiệm của khoa, bộ môn GDTC. Đây được coi là nội dung quản lý hoạt động GDTC cho sinh viên theo tiếp cận ĐBCL.

Hai là, xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu học tập phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và quy luật hình thành, phát triển năng lực thể chất của sinh viên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 198 trang tài liệu này.

Điều kiện cơ sở vật chất nhà trường là yếu tố ảnh hưởng đến nội dung hoạt động GDTC, chính vi vậy trước khi triển khai hoạt động GDTC thuộc yếu tố đầu vào thì nhà quản lý phải xem xét việc xây dựng kế hoạch với những nội dung GDTC phù hợp với đặc thù về cơ sở vật chất, diện tích sân tập, điều kiện tổ chức các hình thức hoạt động GDTC phù hợp và khả thi để thực hiện được kế hoạch đề ra.

Sự hình thành, phát triển năng lực thể chất của sinh viên diễn ra trong một quá trình tương đối dài, vì vậy kế hoạch GDTC không thể dồn ép trong một thời gian ngắn. Trước khi xây dựng kế hoạch, chủ thể quản lý cần tính đến quá trình tích lũy về thể lực để phát triển thể chất và quy luật lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, thói quen vân động và sự phát triển các tố chất thể thao ở con người cho phù hợp. Mặt khác, hoạt động GDTC thường diễn ra ở sân bãi, nhà luyện tập và đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng của giảng viên, sinh viên. Vì vậy, thời khóa biểu học tập cũng phải được bố trí phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết từng vùng, miền và đặc điểm tâm - sinh lý của người dạy, người học.

Quản lý hoạt động giáo dục thể chất cho sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiếp cận đảm bảo chất lượng - 9


Ba là, phân công giảng viên phù hợp với chuyên môn, đồng thời đảm bảo cân đối về cường độ lao động sư phạm trong tập thể khoa, bộ môn.

Đây là nội dung quản lý thuộc trách nhiệm của người đứng đầu khoa, bộ môn. Để làm tốt nội dung này, khoa, bộ môn phải căn cứ kế hoạch đào tạo của nhà trường, chương trình môn GDTC để tính toán cường độ lao động sư phạm chung của khoa, bộ môn trong từng năm học, học kỳ, từ đó đưa ra phương án cân đối cường độ lao động sư phạm của từng giáo viên. Bên cạnh đó, cán bộ khoa, bộ môn cần tính đến chuyên ngành thể thao và sở trường của từng giáo viên để phân công giảng dạy theo các bài, các học phần cho phù hợp. Nguyên tắc chung của việc phân công giảng dạy là xuất phát từ chương trình, kế hoạch giảng dạy để chọn giảng viên phù hợp. Đồng thời, khoa, bộ môn phải chủ động bồi dưỡng giảng viên để họ có thể thay thế lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

2.2.3.3. Quản lý “quá trình” hoạt động giáo dục thể chất (Process)

* Quản lý mục tiêu giáo dục thể chất

Mục tiêu GDTC ở các trường đại học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực cho người học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Để đạt được mục tiêu như vậy, cần có sự tham gia quyết liệt của các nhà quản lý, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo trường đại học trong việc xây dựng mục tiêu giáo dục đào tạo nói chung và GDTC nói riêng, vì mục tiêu giáo dục là cốt lõi của đào tạo trong nhà trường, nó không chỉ phản ánh các định hướng trong đào tạo nguồn nhân lực mà còn tạo ra sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bởi vậy, việc tổ chức xây dựng và quản lý thực hiện mục tiêu GDTC trong nhà trường cần chú trọng đến người học giúp họ hình thành, phát triển


kĩ năng chăm sóc sức khoẻ, kĩ năng vận động, thói quen tập luyện TDTT và rèn luyện những phẩm chất, năng lực để trở thành người công dân phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao.

* Quản lý nội dung, chương trình giáo dục thể chất

Đây là nội dung cốt lõi của quản lý “quá trình” GDTC ở trường đại học. Yêu cầu chung của chỉ đạo thực hiện nội dung, chương trình GDTC là phù hợp đối tượng và đảm bảo hiệu quả phát triển thể chất và năng khiếu thể thao của sinh viên. Để thực hiện tốt được nội dung này trong quá trình hoạt động GDTC, cần nâng cao hứng thú tập luyện của người học với hoạt động rèn luyện thể lực nhằm tạo cơ sở vững chắc cho sinh viên tự giác luyện tập và tham gia có hiệu quả vào hoạt động thể thao. Để đáp ứng yêu cầu đó, các trường phải làm tốt công tác quản lý đổi mới nội dung chương trình GDTC theo hướng phát triển năng lực người học. được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: nội dung GDTC giúp người học biết cách chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện TDTT; hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Sinh viên được lựa chọn nội dung hoạt động TDTT phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: nội dung GDTC được thực hiện thông qua hình thức CLB TDTT. Sinh viên được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những sinh viên có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.


* Quản lý phương tiện cơ sở vật chất giáo dục thể chất.

Việc quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện đáp ứng cho hoạt động GDTC là điều kiện quan trọng trong quản lý quá trình GDTC. Hiện nay cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện GDTC cho sinh viên phát triển rất phong phú. Ngoài những sân bãi, phòng tập, phương tiện dùng chung cho nhiều môn thể thao còn có những phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật dùng riêng cho từng nội dung và phương pháp luyện tập riêng để nâng cao sức nhanh, sức mạnh, độ chính xác, khéo léo trong vận động của sinh viên. Để nâng cao thể lực cho sinh viên, trường đại học phải từng bước hiện đại hóa và khai thác hiệu quả các cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện GDTC. Do đó, quản lý hoạt động GDTC theo tiếp cận ĐBCL đòi hỏi bộ máy quản lý của trường đại học phải làm quản lý tốt và có kế hoạch đầu tư hệ thống sân bãi, phòng tập, phương tiện, trang thiết bị luyện tập thể dục, thể thao.

Quản lý và xây dựng hệ thống sân bãi, phòng tập, phương tiện, trang thiết bị luyện tập thể dục, thể thao là đảm bảo công cụ cần thiết cho hoạt động GDTC ở trường đại học. Đây là yếu tố “ quá trình” GDTC cần được tính đến trong quản lý hoạt động GDTC. Vai trò khoa, bộ môn GDTC quan trọng trong việc quản lý các phương tiện cơ sở vật chất, bởi chính khoa, bộ môn GDTC là đơn vị trực tiêp thực hiện các nhiệm vụ GDTC trong nhà trường và hiểu rõ cũng như cách thức quản lý một cách có hiệu quả các phương tiện cơ sở vật chất.

Ngoài ra cần quản lý tổ chức tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà trường trong hoạt động phong trào thể thao.

* Quản lý hình thức hoạt động giáo dục thể chất của sinh viên

Quản lý hình thức hoạt động giáo dục thể chất của sinh viên bao gồm: Quản lý hoạt động học tập trong giờ GDTC trên lớp; Quản lý hoạt động học tập trong giờ học ngoài khóa; Quản lý hoạt động học tập trong


hoạt động câu lạc bộ TDTT; Quản lý hoạt động trong các giải đấu phong trào TDTT của nhà trường.

Để quản lý tốt hoạt động GDTC cho sinh viên, các trường đại học phải có sự kết nối giữa hoạt động GDTC và phong trào TDTT nhằm thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Để đạt được điều đó, các chủ thể quản lý phải làm tốt các công việc như:

Một là, tổ chức thu hút sinh viên tham gia vào hoạt động các câu lạc bộ thể thao trong nhà trường.

Hoạt động GDTC cho sinh viên và hoạt động của các câu lạc bộ thể thao trong trường đại học luôn quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau phát triển. Vì vậy, chủ thể quản lý ở đây trong khi tác động đến “quá trình” GDTC cần tính đến mối quan hệ này. Theo đó, khoa, bộ môn GDTC phải phân công giảng viên tham gia tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ ban chủ nhiệm các câu lạc bộ thể thao tổ chức hoạt động sao cho tạo được sức thu hút để đông đảo sinh viên tự nguyện tham gia. Mặt khác, thông qua hoạt động GDTC, giảng viên cần giới thiệu với sinh viên về các câu lạc bộ thể thao của nhà trường, đồng thời hướng dẫn sinh viên lựa chọn câu lạc bộ thích hợp để rèn luyện thể chất phù hợp với tố chất vận động của từng người. Như vậy, các chủ thể quản lý phải đòi hỏi giảng viên làm tốt vai trò “cầu nối” giữa sinh viên và các câu lạc bộ thể thao trong trường đại học, qua đó tác động tích cực đến việc rèn luyện thể chất của sinh viên ngoài các buổi học theo chương trình GDTC.

Hai là, tổ chức các đội tuyển, các giải đấu thể thao trong và ngoài nhà trường.

Thành tích của các đội tuyển tại những giải đấu thể thao trong và ngoài nhà trường luôn dựa trên nền tảng của hoạt động GDTC trong trường đại học, đồng thời là yếu tố có tác dụng thúc đẩy việc ĐBCL học tập, rèn luyện thể chất của sinh viên. Vì vậy, tổ chức các đội tuyển, các giải đấu thể thao trong


và ngoài nhà trường là một nội dung quản lý hoạt động GDTC ở trường đại học. Theo đó, khoa, bộ môn GDTC của nhà trường có trách nhiệm đề xuất với Hội đồng trường và ban giám hiệu về tổ chức các đội tuyển, các giải đấu thể thao để thúc đẩy hoạt động thể thao phong trào của nhà trường. Trên cơ sở những đề xuất được chấp nhận, khoa, bộ môn GDTC phải là lực lượng nòng cốt thực hiện việc tuyển chọn, huấn luyện đội tuyển theo từng khối ngành, từng khóa đào tạo và đội tuyển của nhà trường. Bên cạnh đó, theo kế hoạch hoạt động chung của nhà trường, khoa, bộ môn GDTC phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn thể tổ chức tốt các giải đấu thể thao. Đây là phương thức kiểm nghiệm kết quả và thúc đẩy hoạt động GDTC ở trường đại học rất có hiệu quả.

* Quản lý hoạt động dạy của giáo viên

Quản lý chủ thể đối tượng đào tạo chính là quản lý hoạt động của giáo viên và hoạt động của sinh viên trong quá trình đào tạo. Đội ngũ giáo viên có vai trò cốt lõi trong việc tạo ra chất lượng đào tạo; vì vậy, giáo viên cần phải luôn luôn học tập và nâng cao trình độ để đạt được các tiêu chuẩn như: Năng lực sư phạm để đảm bảo dạy được tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Quản lý hoạt động dạy của giáo viên là quản lý các khâu từ xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn người dạy, tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy, tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng dạy, kiểm tr a, đánh giá chất lượng …

* Quản lý đánh giá kết quả giáo dục thể chất

Đánh giá kết quả GDTC là hoạt động thu thập thông tin và so sánh mức độ đạt được của người học so với yêu cầu cần đạt của môn học, nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự tiến bộ của người học, mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình để trên cơ sở đó


điều chỉnh hoạt động và cách tổ chức quản lí nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Quản lý đánh giá kết quả học tập phải được thực hiện theo Tiêu chí (Criteria Referenced Assessment), có nghĩa là đo sự thực hiện hay thành tích của người học trong mối liên hệ so sánh với các tiêu chí và tiêu chuẩn chứ không có liên hệ so sánh với sự thực hiện hay thành tích của người khác. Các tiêu chí đánh giá được xác định từ các tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT và một số quy định, tiêu chuẩn riêng khác do nhà trường quy định.

Đánh giá kết quả học tập của người học không phải là đánh giá xem người học đã thu nhận được những gì trong quá trình học tập mà là đánh giá người học đã có năng lực để có thể hoàn thành được những mục tiêu cụ thể so với chuẩn đầu ra.

Như vậy, đánh giá kết quả học tập phải đồng thời đánh giá cả 3 thành tố là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết. Tuy nhiên, trong 3 thành tố thì kỹ năng là quan trọng nhất, là cốt lõi để người học hình thành được năng lực vận động, kiến thức và thái độ là những thành tố hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển kỹ năng, kỹ xảo vận động.

Để quản lý tốt việc kiểm tra - đánh giá, nhà quản lý phải xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động GDTC dựa trên cơ sở điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ, giảng viên đảm bảo cho công tác đánh giá; quản lý đánh giá, xếp loại thể lực sinh viên và lưu hồ sơ kết quả việc đánh giá, tổng hợp và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp định kỳ hàng năm.

2.2.3.4. Quản lý các yếu tố “đầu ra” hoạt động giáo dục thể chất (Output)

“Đầu ra” của hoạt động GDTC được xem xét trên các khía cạnh chính là: sự thỏa mãn nhu cầu của sinh viên, kết quả học tập và mức độ đáp ứng đòi hỏi xã hội về chuẩn bị về thể chất cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Theo đó, quản lý hoạt động GDTC cho sinh viên theo tiếp cận ĐBCL cần hướng vào kiểm soát “đầu ra” trên các mặt sau:

Xem tất cả 198 trang.

Ngày đăng: 26/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí