Chương 3
CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHO SINH VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
3.1. Khái quát chức năng nhiệm vụ và đặc điểm ở các trường đại học nghiên cứu khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.1.1. Khái quát chức năng, nhiệm vụ giáo dục thể chất ở các trường đại học nghiên cứu khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội
Các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội có bề dày và truyền thống phát triển, trong đó có trường được thành lập cách đây trên 100 năm, những cũng có một số trường mới được thành lập gần đây. Nhiều trường có quy mô đào tạo trên dưới 10 nghìn sinh viên.
Hệ thống các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đóng góp cho đào tạo nguồn nhân lực trên các lĩnh vực khoa học kĩ thuật, kinh tế - văn hóa xã hội của đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Dù có những đổi mới theo xu thế phát triển toàn cầu, các trường luôn nỗ lực phát triển đảm bảo duy trì các giá trị cốt lõi trong các lĩnh vực chuyên môn đào tạo, đồng thời không ngừng phát triển nâng cao chất lượng đào tạo.
Tất cả các trường đại học đều đã xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển, có sứ mạng và tầm nhìn đặc thù phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Cơ cấu, trình độ năng lực, thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao.
* Chức năng
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình được phê duyệt các môn học về Giáo dục thể chất, xây dựng và hoàn thiện chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo liên quan đến chương trình giảng dạy. Nghiên cứu và cải tiến phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực chuyên môn giáo dục thể chất.
Hợp tác chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về công tác thực tập cho sinh viên chuyên ngành thể dục thể thao.
* Nhiệm vụ
Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch đào tạo và chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức và quản lý quá trình đào tạo trình độ đại học
Quản lý viên chức và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên.
Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch các môn học giáo dục thể chất cho sinh viên các ngành đào tạo; phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thống nhất, phê duyệt.
Quản lý cơ sở vật chất, tài sản được giao theo quy định của Nhà nước, đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị , thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học.
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo, tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; tham gia công tác kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo; nghiên cứu và thực hiện cải tiến phương pháp giảng dạy, giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực giáo dục thể chất.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu của quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo.
Xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên; làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức cấp phát chứng chỉ môn học giáo dục thể chất cho người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.1.2. Đặc điểm cơ cấu, tổ chức, biên chế các trường đại học
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có trên 100 trường đại học công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các trường đại học xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định của văn bản pháp quy, khá tương đồng. Hội đồng trường, Ban giám hiệu, phòng, khoa, viện nghiên cứu, các trung tâm… mặc dù các trường đại học có tên gọi khác nhau nhưng mỗi trường đều thể hiện các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chức năng nhiệm vụ, cũng như sứ mạng, tầm nhìn phù hợp với tên gọi của mình.
Trong các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng trên 20 trường dân lập và tư thục có cơ chế tự chủ hoàn toàn. Có hơn 10 trường công lập đã được tự chủ và các trường còn lại đang dần chuyển dịch sang quản lý tự chủ.
Do điều kiện nghiên cứu có hạn, luận án lựa chọn 03 trường đại học đại diện cho 03 loại hình trường theo cấp độ được phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội. Luận án nhận định yếu tố tự chủ tạo ra sự khác biệt trong triển khai các chương trình đào tạo ở trường đại học, nhất là các chương trình không thuộc khối kiến thức chuyên ngành như giáo dục thể chất.
Chính vì vậy luận án lựa chọn nghiên cứu khảo sát ở 03 trường.
* Trường đại học Thăng Long
Đại học Thăng Long là trường ngoài công lập đào tạo bậc đại học đầu tiên tại Việt Nam, với tên gọi ban đầu là Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, được thành lập theo Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15/12/1988 của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Theo Quyết định số 411/TTg ngày 09/08/1994 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long trở thành Trường Đại học dân lập Thăng Long.
Theo Quyết định số 1888/QĐ-TTg ngày 31/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học dân lập Thăng Long được chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục với tên gọi là Trường Đại học Thăng Long.
Chương trình đào tạo được xây dựng một cách khoa học, linh hoạt và mềm dẻo, cập nhật thường xuyên theo xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới và bám sát nhu cầu của thị trường lao động.
Có nhiều học phần tự chọn phù hợp với thực tế đa dạng của người học và nhu cầu thiết thực của xã hội.
Đặc biệt, còn có nhiều môn học bổ trợ phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên/học viên như: Kỹ năng lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp, Đạo đức kinh doanh, Đồ họa truyền thông, Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng thuyết trình…
- Nhóm ngành Toán - Tin học và Công nghệ
- Nhóm ngành Kinh tế - Quản lý
- Nhóm ngành Ngoại ngữ
- Nhóm ngành Khoa học sức khỏe
- Nhóm ngành Khoa học Xã hội và nhân văn
Trường quy tụ 240 giảng viên cơ hữu, trong đó có 13 giáo sư, 17 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 124 thạc sĩ. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường còn ký hợp đồng thỉnh giảng với 177 giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học có uy tín lớn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Hội đồng Khoa học của trường bao gồm các nhà nghiên cứu đầu ngành của nhiều lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe, khoa học về công nghệ thông tin và máy tính, kinh tế - quản lý…
Trường Đại học Thăng Long là một trong những trường có cơ sở vật chất được đầu tư thiết kế, xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 2,3 ha.
Tổng thể trường là một khu liên hợp hiện đại bao gồm các hạng mục: các khu nhà hiệu bộ, giảng đường, nhà thể chất, các phòng tập thể thao và các khu vực tiện ích…
* Trường đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678-TTg ngày 25 tháng 1 năm 1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính. Lúc đó, Trường được đặt trong hệ thống Đại học nhân dân Việt Nam trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 22 tháng 5 năm 1958, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 252- TTg đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Tài chính trực thuộc Bộ Giáo dục. Tháng 1 năm 1965 Trường lại một lần nữa được đổi tên thành trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Ngày 22 tháng 10 năm 1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đó đổi tên Trường thành trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trường đã thực hiện thí điểm tự chủ từ ngày 17/3/2015 theo Quyết định 368/QĐ-TTg. Cho đến nay trường đã tự chủ hoàn toàn.
Trường hiện đào tạo 33 ngành với 80 chương trình đào tạo, trong đó có 08 chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh, 03 chương trình Tiên tiến; 10 chương trình Chất lượng cao; 05 chương trình định hướng ứng dụng (POHE) và hơn 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Các ngành và chương trình đào tạo của Trường bao trùm gần như toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế. Người học có thể lựa chọn học tập bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh, với phương thức đào tạo và địa điểm linh hoạt phù hợp với từng đối tượng.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên có trình độ, giàu kinh nghiệm, và từng bước hướng đến chuẩn khu vực
và quốc tế. Tổng số giảng viên và nhân viên: 1228, trong đó có 18 Giáo sư, 95 Phó Giáo sư, 255 Tiến sĩ, 391 Thạc sĩ; 20 Giảng viên cao cấp, 230 giảng viên chính, 329 giảng viên. 2 Nhà giáo Nhân dân, 41 Nhà giáo Ưu tú, 382 Đảng viên. Với đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, giáo viên,
Trường có bề dạy trên 60 năm có trên 1200 cán bộ giảng viên có bề dày kinh nghiệm, với quy mô đào tạo trên 45 nghìn sinh viên với 19 khoa, 45 chuyên ngành, 11 viện và 8 trung tâm, 13 bộ môn, 9 phòng ban chức năng và 4 đơn vị phục vụ khác.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân có cơ sở vật chất, hạ tầng khang trang và hiện đại. có các khu nhà Hiệu bộ, giảng đường, tòa nhà 10 tầng có 147 phòng chức năng, ngài ra khu tập luyện thê thao các sân tập GDTC đảm bảo cho sinh viên.
* Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1583/2010/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Nhà trường có truyền thống đào tạo hơn 60 năm. Đến nay, Trường là cơ sở đào tạo đa ngành với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở trình độ thạc sỹ, đại học; từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp đến cộng đồng.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chịu sự quản lý quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động: Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2020, Trường có tổng số đội ngũ công chức, viên chức và người lao động là 676 người; đội ngũ giảng viên Nhà trường hiện có 473 người, trong đó có 14 Phó Giáo sư, 89 Tiến sĩ, 354 Thạc sĩ và 16 Cử nhân.
Về đào tạo, Trường đang đào tạo 23 ngành trình độ đại học (Công nghệ kỹ thuật môi trường; Khí tượng thủy văn biển; Kế toán; Quản lý tài nguyên nước; Kỹ thuật trắc địa bản đồ; Quản lý đất đai; Khí tượng học; Thuỷ văn; Công nghệ thông tin; Quản lý tài nguyên môi trường; Kỹ thuật địa chất; Quản lý biển; Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Khoa học đất; Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị kinh doanh và Luật) và 7 chuyên ngành thạc sĩ (Khoa học Môi trường, Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ, Thuỷ văn học, Quản lý Đất đai, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khí tượng và Khí hậu học và Kế toán) với quy mô là 250 học viên cao học và khoảng 8.000 sinh viên các hệ.
Về cơ sở vật chất, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có hệ thống trang thiết bị CSVC đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo đủ năng lực đáp ứng công tác đào tạo, với tổng diện tích là 19.772.1 m2. Trường có hệ thống 164 phòng học với tổng diện tích là 13.223.3 m2 và 43 phòng thực hành, thí nghiệm có diện tích 3.726.1 m2, hệ thông sân tập GDTC như sân bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền…
Với đặc thù của các loại hình trường dân lâp, trường công lập tự chủ, và trường công lập chưa tự chủ. Vì vậy cơ chế chính sách của các trường cũng khác nhau nên công tác quản lý GDTC ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng gặp không ít những trở ngại về chính sách của từng nhóm trường.
Mặc dù cơ chế quản lý khác nhau nhưng các trường hiện nay đều có số lượng giảng viên đạt chuẩn trình độ giảng dạy đại học với quy mô phù hợp, với cơ cấu về tổ chức là khoa và bộ môn trực thuộc Ban giám hiệu nên việc chỉ đạo được xuyên suốt và trực tiếp. Bộ máy quản lý trong trường đại học hiện nay theo mô hình Hội đồng trường, Ban giám hiệu, các khoa, phòng và trung tâm trực thuộc.
Về chương trình nội dung giáo dục thể chất trong các trường cũng khác nhau loại hình hoạt động để phù hợp với đối tượng sinh viên và điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.
3.2. Tổ chức khảo sát thực trạng
3.2.1. Mục đích khảo sát
Đánh giá được thực trạng hoạt động giáo dục thể chất và quản lý hoạt động giáo dục thể chất ở các trường đại học khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội làm căn cứ thực tiễn để đề xuất các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất tại các trường.
3.2.2. Nội dung khảo sát
Thực trạng hoạt động giáo dục thể chất ở các trường đại học khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thực trạng quản lý hoạt động giáo dục thể chất ở các trường đại học khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động giáo dục thể chất ở các trường đại học khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.2.3. Đối tượng khảo sát
Đối tượng điều tra, khảo sát gồm: 810 người trong đó; có 200 cán bộ quản lý, giảng viên và 610 sinh viên ở các trường đại học nghiên cứu khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số lượng cụ thể xem bảng 3.1.
Bảng 3.1. Số lượng đối tượng điều tra, khảo sát về thực trạng hoạt động giáo dục thể chất và quản lý hoạt động giáo dục thể chất ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội
TÊN TRƯỜNG | SỐ LƯỢNG CÁC ĐỐI TƯỢNG THAM GIA KHẢO SÁT | |||
CBQL | GV | SV | ||
1 | Đại học Thăng Long | 13 | 32 | 150 |
2 | Đại học Kinh tế Quốc dân | 34 | 38 | 220 |
3 | Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội | 23 | 60 | 240 |
Tổng cộng | 70 | 130 | 610 | |
200 | 610 |
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất Cho Sinh Viên Ở Các Trường Đại Học Theo Tiếp Cận Đảm Bảo Chất Lượng
- Quản Lý “Quá Trình” Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất (Process)
- Những Yếu Tố Tác Động Đến Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất Cho Sinh Viên Ở Trường Đại Học
- Công Cụ Điều Tra, Khảo Sát Và Cách Xử Lý Số Liệu
- Giảng Viên Giáo Dục Thể Chất Của Các Trường Đại Học Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội
- Tổng Hợp Ý Kiến Đánh Giá Của Cán Bộ Quản Lý, Giảng Viên Về Lập Kế Hoạch Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất