Sử dụng Padlet nhằm phát triển năng lực tự học phần Lịch sử thế giới cận đại lớp 11 cho học sinh trường Trung học phổ thông Hoa Lư A - Ninh Bình - 2

2.4.3. Nội dung và phương pháp thử nghiệm 86

2.4.4. Tiến trình thử nghiệm sư phạm 90

2.4.5. Kết quả thử nghiệm 99

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 104

1. Kết luận 104

2. Khuyến nghị 105

TÀI LIỆU THAM KHẢO 107

PHỤ LỤC

MỞ ĐẦU


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

1. Lý do chọn đề tài

Thế kỉ XXI được coi là thế kỉ bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT). CNTT đã có mặt trong hầu khắp mọi lĩnh vực của đời sống và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội loài người. Đối với giáo dục, sự tác động của CNTT đã mang lại những điều kì diệu chưa từng có trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. CNTT trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả đối với việc dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng. Theo UNESCO, khẩu hiệu đặt ra cho giáo dục và đào tạo của thế kỷ XXI là “Học ở mọi nơi, học ở mọi lúc, học suốt đời, dạy cho mọi người với mọi trình độ tiếp thu khác nhau”. Nhiệm vụ của giáo dục phải “giúp cho người học đạt được những kiến thức và kỹ năng, và giúp cho họ có thể tiếp tục việc học tập suốt cuộc đời”. Để làm được điều đó, việc học không chỉ còn giới hạn trong nhà trường mà đã được mở rộng hơn về không gian, thời gian và đa dạng hơn về hình thức tổ chức, hỗ trợ cho nhu cầu “tự học” và “học suốt đời” của mỗi người. CNTT được coi như một “chìa khóa thần kì” trong việc đổi mới giáo dục nhằm thực hiện những nhiệm vụ nêu trên.

Sử dụng Padlet nhằm phát triển năng lực tự học phần Lịch sử thế giới cận đại lớp 11 cho học sinh trường Trung học phổ thông Hoa Lư A - Ninh Bình - 2

Trên thế giới, việc sử dụng CNTT đã có từ nửa sau thế kỉ XX và đặc biệt phát triển ở những nước có nền kinh tế vượt trội. CNTT có mặt trong mọi khâu của hoạt động giáo dục từ cách quản lí, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá… Cho đến bây giờ ở các nước lớn, việc sử dụng CNTT được coi là không thể thiếu trong quá trình phát triển giáo dục và đào tạo.

Ở Việt Nam, CNTT được đưa vào trong các nhà trường từ những năm đầu thế kỉ XXI. Việc sử dụng CNTT trong DHLS (dạy học lịch sử) ở các trường phổ thông không còn là điều mới lạ tuy nhiên việc sử dụng CNTT mới dừng ở mức cơ bản, còn nhiều hạn chế. Giáo viên chủ yếu mới chỉ biết đến soạn bài giảng trên Powerpoint, sử dụng các tư liệu, hình ảnh, video trên internet để phục vụ cho bài giảng của mình. Chính vì vậy mặc dù đã sử dụng CNTT nhưng việc DHLS vẫn mang bóng dáng của sự truyền thụ một chiều, hiệu quả giáo dục chưa cao.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”[19; tr.52]. Luật giáo dục Việt Nam thì viết “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại hứng thú học tập cho học sinh”[31;tr.7]. Vì vậy người giáo viên phải thật sự quan tâm đến đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực đặc biệt là năng lực tự học cho học sinh.

Đối với việc DHLS hiện nay ở nước ta, việc phát triển năng lực tự học cho học sinh còn rất nhiều khó khăn, xuất phát từ nhiều phía. Để cải thiện tình trạng này, CNTT đã được đưa vào sử dụng như một biện pháp hữu hiệu nhằm chuyển đổi việc dạy học từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực. Có rất nhiều các sản phẩm công nghệ đã được dùng vào trong dạy học và mang lại hiệu quả nhất định như các phần mềm, các trang web điện tử… Các thuật ngữ như “lớp học ảo”, “lớp học trực tuyến”, “lớp học thực tế ảo”… được nhắc đến nhiều như một xu hướng giáo dục trong thời gian gần đây. Một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả cho xu hướng này là Padlet. Padlet là trang mạng cho phép chúng ta cộng tác với những người dùng khác bằng văn bản, hình ảnh, liên kết và các nội dung khác. Mỗi không gian cộng tác được gọi là một “bức tường”. Nó cũng có thể được sử dụng như một bản tin riêng. Với Padlet, các giáo viên có thể sử dụng trong quá trình dạy học để khuyến khích hội thoại đa phương tiện và phát minh mang tính sáng tạo của học sinh. Cũng từ đây, giáo viên có thể hướng dẫn và giúp học sinh phát triển năng lực tự học một cách hiệu quả hơn.

Chính vì những lí do đó, tác giả chọn đề tài “Sử dụng Padlet nhằm phát triển năng lực tự học phần Lịch sử thế giới cận đại lớp 11 cho học sinh trường THPT Hoa Lư A - Ninh Bình” làm luận văn tốt nghiệp với hi vọng có thể sử dụng

thành thạo Padlet như một công cụ hữu ích và mang đến sự đổi mới trong DHLS ở địa phương nơi tôi công tác.

2. Lịch sử nghiên cứu

Thuật ngữ CNTT (Information Technology) được xuất hiện lần đầu tiên năm 1958 trong một bài viết của tạp chí Harvard Business Review. Trong bài viết này, hai tác giả Leavitt và Whisler đã nhận định rằng “Công nghệ mới chưa thiết lập một tên riêng. Chúng ta sẽ gọi là công nghệ thông tin”. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên từ giữa thế kỉ XX, CNTT đã phát triển với tốc độ kì diệu cả về chiều rộng và chiều sâu. Từ nửa sau thế kỉ XX, loài người thực sự bước vào nền văn minh mới “văn minh thông tin”.

Tổ chức giáo dục thế giới UNESSCO đã chọn CNTT là chủ đề lớn để xây dựng thành chương trình hành động trước ngưỡng cửa thế kỉ XXI và dự đoán “sẽ có sự thay đổi nền giáo dục một cách căn bản vào đầu thế kỉ XXI do ảnh hưởng của CNTT”. Trên thế giới, CNTT được sử dụng như một công cụ hỗ trợ dạy học từ rất sớm, đặc biệt là ở các nước tư bản phát triển. Từ thập niên 70, 80 của thế kỉ XIX, các nước Anh, Pháp, Newzealand … đã đưa máy tính vào sử dụng phổ biến trong trường học các cấp từ bậc mầm non đến đại học và phát huy được hiệu quả đáng kể trong giáo dục.

Khi nhắc đến CNTT, có lẽ không ai có thể không nghĩ đến Bill Gates (chủ tập đoàn Microsoft). Bill Gates được coi là một trong những người tiên phong trên thế giới để mang đến sự bùng nổ mạnh mẽ của CNTT như ngày nay. Trong một bài phát biểu của mình năm 1996, ông đã khẳng định: “Một trong những điều kỳ diệu nhất trong 20 năm trở lại đây là sự xuất hiện của Internet. Chính Internet đã làm cho thế giới trở nên rất nhỏ, khoảng cách địa lý đã bị san phẳng… Một điều tuyệt vời khác là ngày càng có nhiều trường đại học trên thế giới đưa bài giảng lên Internet. Bạn có thể ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới để chọn bài giảng, chủ đề…, thậm chí là những giáo sư danh tiếng để học tập mà không phải trả tiền. Đây sẽ là một sự thay đổi gốc rễ hệ thống giáo dục trong thời gian tới”. Ở vào thời điểm năm 1996, theo thống kê mới chỉ có 1% dân số thế giới biết đến Internet và cũng chưa có nhiều trang web để người dùng truy cập, tốc độ mạng rất chậm. CNTT đã thay đổi mạnh

mẽ môi trường dạy học, nội dung và phương pháp dạy học buộc người dạy và người học cũng phải có những sự thay đổi cho phù hợp. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học đã thực sự tạo ra 1 “môi trường tương tác”, môi trường giáo dục thân thiện giữa thày và trò. Chính điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo những người lao động có khả năng đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Có rất nhiều tài liệu nói về việc ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, điển hình phải kể đến là bộ giáo trình “Teach to the Future” (Dạy học cho tương lai) của Intel và bộ giáo trình “Partners in learning” (hợp tác trong học tập) của Microsoft. Các bộ giáo trình này mới chỉ đề cập đến việc ứng dụng CNTT vào dạy học nói chung chứ chưa đề cập đến đặc thù từng bộ môn cũng như hướng dẫn sử dụng cho từng môn học.

Ở Việt Nam, CNTT được nghiên cứu và từng bước ứng dụng trong nhiều ngành trong đó có giáo dục. Các tác giả như Phạm Minh Hạc, Hoàng Tuỵ, Phạm Ngọc Ánh, Hoàng Mai Lê… có thể coi là những người tiên phong, mở đường cho việc đặt nền móng đưa CNTT vào giáo dục. Một số công trình nghiên cứu mang tính quốc gia về ứng dụng CNTT vào dạy học gồm: đề án “Giáo dục tin học” do tác giả Đinh Gia Phong chủ trì, đề tài cấp Bộ “Tin học và sử dụng máy tính điện tử trong dạy học” do tác giả Lê Công Triêm chủ trì, đề tài “Giáo dục tin học” do tác giả Hồ Ngọc Đại chủ trì. Những nghiên cứu này đã tiếp cận và góp phần định hướng rõ hơn cho việc ứng dụng CNTT vào từng môn học cụ thể.

Giáo trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học” của tác giả Đỗ Mạnh Cường do nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007 đã bước đầu trang bị cho GV cách hiểu về việc sử dụng CNTT trong dạy học như thế nào. Tác giả đã giới thiệu về các mô hình dạy học với máy tính, cách sử dụng máy tính để phục vụ cho bài giảng của GV và bước đầu hướng dẫn một số biện pháp thiết kế bài học theo mô hình mới, tiếp cận các kĩ thuật cao hơn trong việc sử dụng trình chiếu vào dạy học.

Tác giả Ngô Anh Tuấn trong giáo trình “công nghệ dạy học” (2012) đã tóm tắt quá trình phát triển của công nghệ dạy học, trong đó nhấn mạnh “dạy học là một công nghệ” đã khác hẳn khái niệm dạy học truyền thống trước đây. Tác giả cũng đã

đưa ra các biện pháp để thiết kế bài giảng điện tử và phần mềm dạy học, trình bày cách thức ứng dụng công nghệ dạy học vào thiết kế bài giảng, bài giảng điện tử và phần mềm dạy học. Trong đó nhấn mạnh đến qui trình thiết kế, biện pháp kỹ thuật và các điểm cần lưu ý khi thiết kế một bài học có ứng dụng CNTT.

Nguyễn Chí Thuận trong “Ứng dụng CNTT & TT kết hợp sách bài tập để đổi mới phương pháp DHLS ở trường THPT” thông qua khảo sát thực tế đã đưa ra những kết luận về thực trạng ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, từ đó tác giả cũng đề xuất một số biện pháp để sử dụng CNTT một cách hiệu quả khi ứng dụng vào soạn giảng các bài giảng điện tử.

Đối với việc giảng dạy môn Lịch sử trong các trường đại học cũng đã có nhiều bộ sách hướng dẫn cho sinh viên sư phạm những kĩ năng, kiến thức cần thiết nhất để có thể sẵn sàng ứng dụng những sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào dạy học lịch sử.

Bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ 21, DHLS nói riêng đã bắt đầu nhắc đến Powerpoint, violet như một thuật ngữ quen thuộc trong quá trình dạy học. Có thể kể đến là bộ giáo trình “Phương pháp DHLS” của Phan Ngọc Liên (chủ biên) và “Rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ sư phạm môn Lịch sử” của Nguyễn Thị Côi (chủ biên). Các giáo trình này đã đưa ra những yêu cầu, quy trình thiết kế và tiêu chí đánh giá bài giảng điện tử.

Cuốn “Ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH và kiểm tra đánh giá môn Sử” do nhóm tác giả Trịnh Đình Tùng và Nguyễn Mạnh Hưởng biên soạn (2009) đề cập tới các vấn đề: tổng quan về đổi mới phương pháp DHLS ở trường THPT với sự hỗ trợ của CNTT, hướng dẫn GV các thao tác sử dụng một số công cụ, phần mềm trong DHLS và chia sẻ một số kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào dạy học, kiểm tra đánh giá bộ môn.

Trong giáo trình “phương pháp dạy học lịch sử ở trường trung hoc phổ thông” (2014) của Vũ Quang Hiển và Hoàng Thanh Tú, các tác giả đã đề cập đến nhiều phương pháp khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong DHLS ở trường THPT. Một trong những phương pháp đó là hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu để hiểu và khắc sâu được kiến thức lịch sử của mình. Các tác giả cũng giới

thiệu, hướng dẫn một số phương pháp sử dụng CNTT trong phát triển năng lực tự học cho HS.

Tác giả Nguyễn Mạnh Hưởng trong nhiều bài viết và công trình nghiên cứu của mình đã đi sâu vào hướng nghiên cứu ứng dụng CNTT vào DHLS. Ví dụ như: “Thiết kế và trình diễn trực quan bài giảng bằng Microsoft Power Point trong DHLS ở trường phổ thông”; “Đặc trưng của việc DHLS và con đường hình thành kiến thức cho HS với sự hỗ trợ của CNTT”... đặc biệt là luận án Tiến sĩ: “Nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường THPT với sự hỗ trợ của CNTT” đã đi sâu nghiên cứu về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT trong dạy học, đề xuất nhiều biện pháp ứng dụng CNTT trong các giờ học nội khóa, ngoại khóa để góp phần nâng cao hiệu quả bộ môn.

Cho đến hiện nay, việc dạy học ứng dụng CNTT luôn được đề cập song song với việc nhằm định hướng phát triển năng lực cho người học. Một trong những năng lực cốt lõi được đề cập đến là năng lực tự học (NLTH). Bàn về vấn đề này, có khá nhiều tài liệu (chủ yếu là các giáo trình, luận văn, đề tài nghiên cứu…) viết về vấn đề “tự học” nói chung và “phát triển năng lực tự học” thông qua sử dụng CNTT trong DHLS nói riêng. CNTT được coi như một phương tiện, thiết bị trực quan trong DHLS, có vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu giáo dục lịch sử.

Trong cuốn “Phát triển kĩ năng tự học Lịch sử cho HS” của tác giả Nguyễn Thị Thế Bình đã đề cập đến một trong tám năng lực của HS cấp THPT. Nội dung của cuốn sách đề cập một cách có hệ thống, toàn diện, nhiều vấn đề có liên quan đến DHLS nói chung, tự học Lịch sử của HS ở trường THPT nói riêng; lí giải một loạt vấn đề mà nhiều GV lịch sử quan tâm như những kĩ năng tự học lịch sử nào cần hình thành và phát triển cho HS? Làm thế nào để phát triển kĩ năng tự học cho HS trong DHLS?

Trong bài viết “Vận dụng công nghệ dạy học (TAM) trong dạy học môn lịch sử ở trường THPT” của Hoàng Thanh Tú, tác giả đã khẳng định vai trò của công nghệ trong DHLS hiện nay. Bài viết đã đề xuất 5 định hướng cơ bản trong việc sử dụng phương tiện công nghệ hỗ trợ hoạt động dạy và học môn Lịch sử ở trường THPT theo mô hình tiếp cận công nghệ (TAM). Trong đó giáo viên là người thiết

kế nguồn tài liệu hỗ trợ, thiết kế câu hỏi, bài tập tương tác vào bài giảng (trình chiếu) để tổ chức dạy học trên lớp; đồng thời hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ, thiết kế thẻ nhớ nhân vật, sự kiện, khái niệm lịch sử và tạo ra các sản phẩm học tập với sự hỗ trợ của các phần mềm thông dụng.

Trong luận văn của Nguyễn Thị Yến với đề tài “Phát triển năng lực sử dụng CNTT cho học sinh trong DHLS lớp 10 ở trường THPT”, tác giả đã đề xuất một số biện pháp sử dụng CNTT trong quá trình giảng dạy lịch sử nhằm phát huy tính tích cực, chủ động cho HS.

Trong các tài liệu trên, các tác giả đã đề cập đến nhiều công cụ công nghệ được sử dụng trong DHLS và bước đầu có những chỉ dẫn cho GV và HS trong cách thức sử dụng các công cụ đó để nhằm thay đổi hình thức, phương pháp DHLS. Tuy nhiên các nghiên cứu này chủ yếu mới dừng lại ở việc khai thác và sử dụng các công cụ đơn lẻ, độc lập hỗ trợ và phục vụ một mục tiêu nào đó trong quá trình dạy học, ít có sự liên kết với nhau. Mặt khác, thực tế cho thấy rằng không thể chỉ sử dụng 1 công cụ nào đó mà đạt được mọi mục tiêu dạy học đề ra, do đó luôn cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, nhiều công cụ khác nhau trong DHLS.

Những tài liệu kể trên là cơ sở lí luận để tôi tiếp thu và thực hiện nghiên cứu này. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện một số công cụ là các trang Web, phần mềm cho phép cả GV và HS cùng sử dụng, cùng phối hợp hoạt động để nâng cao hiệu quả bài học đặc biệt là phát triển các năng lực cho học sinh. Một trong những công cụ như vậy là Padlet, tuy nhiên chưa chưa có tài liệu nào phân tích, hướng dẫn kĩ về việc sử dụng Padlet trong DHLS với tư cách là một công cụ dạy học. Padlet vẫn còn xa lạ với nhiều giáo viên và học sinh vì thế những ưu điểm của Padlet chưa được phát huy trong quá trình DHLS ở trường THPT, đặc biệt là trong phát triển năng lực tự học cho học sinh. Đây chính là vấn đề mà luận văn sẽ đi sâu nghiên cứu, giải quyết và ứng dụng cho đối tượng HS ở trường THPT Hoa Lư A tỉnh Ninh Bình trong phần LSTG cận đại lớp 11.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng: Quá trình sử dụng Padlet trong DHLS thế giới cận đại để phát triển năng lực tự học cho học sinh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/04/2023