Chương trình GDTC bao gồm nội dung lý thuyết (người học được trang bị cơ sở lý luận về GDTC và thể thao trường học là nền tảng cho kỹ năng vận động) và nội dung thực hành (thực hiện các bài tập thể thao vận động rèn luyện các kỹ năng vận động động tác). Ở giai đoạn ban đầu, nội dung thực hành chú trọng đến các bài tập phát triển thể lực toàn diện khắc phục sự mất cân đối về hình thể và thể lực của sinh viên. Ở giai đoạn hoàn thiện, tập trung đi sâu vào các bài tập thể thao phù hợp với nhu cầu sở thích và chuyên môn đặc thù đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp sau khi ra trường.
Giờ học GDTC có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt đối với việc quản lý và giáo dục con người trong xã hội. Việc học tập GDTC và các bài tập thể dục, các kỹ thuật động tác là điều kiện cần thiết để con người phát triển cơ thể một cách hài hòa, bảo vệ và củng cố sức khoẻ, hình thành năng lực chung và năng lực chuyên biệt.
2.1.3.3. Hình thức hoạt động giáo dục thể chất
Hình thức hoạt động GDTC ở các trường đại học khá phong phú, nhưng phải được lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng trường và dựa trên cơ sở kế hoạch đã được xây dựng. Các hình thức hoạt động GDTC thuộc hai nhóm: Các hình thức tổ chức theo chương trình GDTC và các hình thức tự chọn theo năng khiếu và theo sở thích người học. Ngoài ra, còn có các hình thức khác (tự tập luyện thông qua hoạt động TDTT quần chúng, các câu lạc bộ TDTT, các cuộc thi đấu thể thao trong và ngoài trường, thời gian luyện tập là giờ rảnh rỗi không ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác).
Riêng hình thức tự tập là nhu cầu và ham thích trong khi nhàn rỗi của một bộ phận sinh viên với mục đích và nhiệm vụ là góp phần phát triển năng lực, thể chất một cách toàn diện, đồng thời góp phần nâng cao thành tích thể thao của bản thân. Hoạt động ngoại khóa nhằm củng cố và hoàn thiện các bài học chính khóa và được tiến hành ngoài giờ học của sinh viên. Hoạt động ngoại khóa với chức năng là động viên lôi kéo nhiều người tham gia tập luyện
các môn thể thao yêu thích, góp phần nâng cao sức khỏe phục vụ học tập và sinh hoạt.
2.1.3.4. Phương tiện, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động giáo dục thể chất
Cơ sở vật chất phục vụ GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường là yêu cầu bắt buộc của một trường đại học (Sân bãi tập, nhà tập luyện đa năng, phòng tập, bể bơi, các trang thiết bị và các điều kiện bảo đảm an toàn).
Có thể bạn quan tâm!
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Quản Lý Giáo Dục Đại Học Theo Tiếp Cận Đảm Bảo Chất Lượng
- Khái Quát Kết Quả Nghiên Cứu Của Các Công Trình Khoa Học Đã Công Bố Và Những Vấn Đề Đặt Ra Luận Án Tiếp Tục Nghiên Cứu
- Những Vấn Đề Lý Luận Về Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất Cho Sinh Viên Ở Các Trường Đại Học
- Khái Niệm Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất Cho Sinh Viên Ở Các Trường Đại Học Theo Tiếp Cận Đảm Bảo Chất Lượng
- Quản Lý “Quá Trình” Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất (Process)
- Những Yếu Tố Tác Động Đến Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất Cho Sinh Viên Ở Trường Đại Học
Xem toàn bộ 198 trang tài liệu này.
Theo quy định về bình quân diện tích sử dụng học tập của sinh viên ở Việt Nam là 6m²/sinh viên và ở các nước phát triển là 9-15m²/sinh viên. Qua kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT theo công văn số 4208/BGDĐT - GDTC, ngày 13 tháng 9 năm 2018 về việc hướng dẫn sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg [7]. Tình trạng phổ biến hiện nay ở nhiều trường đại học là ký túc xá xuống cấp, không gian học ngoài giờ lên lớp của sinh viên không có và thiếu trầm trọng các công trình phục vụ công cộng và hoạt động thể thao trong các trường đại học.
Theo Quyết định 14/2001/QĐ-BGDĐT, ngày 03/5/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành quy chế GDTC và y tế trường học [3], các trường đại học phải đảm bảo các điều kiện phục cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học GDTC (Có sân tập, nhà tập, trang thiết bị, dụng cụ TDTT để phục vụ cho việc dạy và học môn GDTC và hoạt động thể thao cho sinh viên). Đây là một trong những điều kiện tiên quyết đáp ứng nhu cầu cho GDTC trong các nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là diện tích sân tập thể thao và nhà thi đấu đa năng...
2.1.3.5. Chủ thể của hoạt động giáo dục thể chất
* Giảng viên
Giảng viên là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường theo qui định của Pháp lệnh công chức và Điều lệ của trường đại học.
Giảng viên GDTC giảng dạy theo nội dung, chương trình môn học đã được nhà trường phê duyệt, chuẩn bị chu đáo nội dung, phương pháp, hình thức, các điều kiện để đảm bảo thực hiện giảng dạy môn GDTC có chất lượng. Đó là những căn cứ để giảng viên (i) Đề xuất kế hoạch, tổ chức hướng dẫn sinh viên tập luyện thể dục, thể thao ngoại khoá và tham gia các cuộc thi đấu thể thao trong trường và các Đại hội thể thao sinh viên; (ii) Phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao cho sinh viên; (iii) Giúp đỡ sinh viên có thể lực yếu, sinh viên khuyết tật tham gia tập luyện với nội dung, phương pháp và hình thức phù hợp.
Giảng viên là người đánh giá kết quả học tập môn GDTC, hướng dẫn tập luyện và kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho sinh viên.
Hiện nay, phần lớn các trường đại học cơ bản đã chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ giảng viên GDTC. Tuy nhiên, ở một số trường vẫn còn tồn tại những hạn chế của về đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra (giảng viên có độ tuổi cao, có hạn chế việc học nâng cao trình độ). Chính vì vậy, các trường cần phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên kịp thời, đáp ứng yêu cầu.
* Sinh viên
Sinh viên vừa là đối tượng giáo dục, vừa là chủ thể của hoạt động học tập, lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kĩ xảo vận động một cách tích cực, tự giác. Người học có nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch GDTC của nhà trường theo sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy. Khác với bậc học phổ thông, ở bậc đại học, hoạt động học phải mang tính chất nghiên cứu chủ động, đòi hỏi người học phát huy tư duy độc lập, sáng tạo trong việc tiếp nhận chân lý khoa học, lĩnh hội kiến thức, trên cơ sở đó có thể giải quyết một cách độc lập, sáng tạo các vấn đề lý luận và thực tiễn.
Để nâng cao chất lượng học tập, người học cần phải tham gia đầy đủ các buổi học GDTC theo kế hoạch , tích cực học tập nhằm tiếp thu kiến thức
tiên tiến, có chế độ học tập nghỉ ngơi hợp lý, kiểm tra sức khỏe và thể lực định kỳ, thường xuyên tập các bài tập thể dục thông dụng, củng cố và nâng cao sức khoẻ, lấy tiêu chẩn rèn luyện thân thể làm chuẩn, tích cực tham gia các phong trào thể thao quần chúng.
2.1.3.6. Kiểm tra - đánh giá kết quả giáo dục thể chất
* Các hình thức kiểm tra – đánh giá
(i) Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì:
Đánh giá thường xuyên bao gồm đánh giá chính thức (thông qua hoạt động thực hành, tập luyện, trình diễn...) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, đối thoại, sinh viên tự đánh giá...) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực của từng sinh viên. Đánh giá định kì: Nội dung đánh giá chú trọng đến kĩ năng thực hành, thể lực của sinh viên; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại sinh viên và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục;
(ii) Đánh giá định tính và đánh giá định lượng:
Đánh giá định tính: Kết quả học tập được mô tả bằng lời nhận xét hoặc biểu thị bằng các mức xếp loại. Sinh viên có thể sử dụng hình thức này để tự đánh giá sau khi kết thúc mỗi nội dung, mỗi chủ đề, hoặc giáo viên sử dụng để đánh giá thường xuyên (không chính thức).
Đánh giá định lượng: Kết quả học tập được biểu thị bằng điểm số theo thang điểm 10. Giáo viên sử dụng hình thức đánh giá này đối với đánh giá thường xuyên chính thức và đánh giá định kì.
* Nguyên tắc Kiểm tra - đánh giá
Kiểm tra - đánh giá phải bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hoá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kì; kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của sinh viên.
Trước khi được đánh giá, người học cần được biết thông tin chi tiết về hình thức, thời điểm, phương pháp đánh giá và chủ động tham gia quá trình đánh giá.
Đánh giá phải coi trọng sự tiến bộ của sinh viên về năng lực, thể lực và ý thức học tập; có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên phát triển các phẩm chất, năng lực; tạo được hứng thú, khích lệ tinh thần tập luyện của sinh viên, qua đó khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động TDTT ở trong, ngoài nhà trường.
* Nội dung kiểm tra - đánh giá
Với môn GDTC, nội dung kiểm tra - đánh giá bao gồm (i) Kiến thức về lý luận GDTC và những kỹ thuật động tác thực hành các môn thể thao (ii) Sức khỏe và thể lực của sinh viên (dựa trên tiêu chuẩn rèn luyện thân thể làm chuẩn); (iii) Hoạt động các câu lạc bộ thể thao trong sinh viên và mức độ tham gia (iv) Mức độ hài lòng của người học thông qua môn học GDTC.
* Những yêu cầu của việc kiểm tra - đánh giá
Để thực hiện tốt việc kiểm tra - đánh giá, các trường đại học phải (i) Chuẩn bị về cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ, giảng viên đảm bảo cho công tác đánh giá được thuận lợi, an toàn và hiệu quả. (ii) Có kế hoạch kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên cụ thể hàng năm, bố trí thời gian tổ chức kiểm tra hợp lý; (iii) Ghi và lưu hồ sơ kết quả việc đánh giá, xếp loại thể lực của mỗi sinh viên, tổng hợp và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp định kỳ hàng năm.
2.2. Những vấn đề lý luận về quản lý hoạt động giáo dục thể chất cho sinh viên ở các trường đại học theo tiếp cận đảm bảo chất lượng
2.2.1. Tiếp cận đảm bảo chất lượng trong quản lý giáo dục đại học
Để hiểu về tiếp cận đảm bảo chất lượng trong quản lý giáo dục đại học, chúng tôi phân tích, cập nhật một số thuật ngữ có liên quan sau:
Chất lượng:
Chất lượng là thuộc loại khái niệm trừu tượng. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một sự vật, sự việc” [60, tr.237]. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 8402:1999, “Chất lượng là toàn bộ các đặc tính của một thực thể (đối tượng có thể được mô tả và xem xét một
cách riêng biệt) tạo cho thực thể đó khả năng thỏa mãn những nhu cầu đã nêu ra và đã dự định” [13]
Nhằm tổng kết những quan niệm chung của các nhà giáo dục học, Harvey và Green (1993)[70] đã định nghĩa chất lượng như tập hợp các thuộc tính khác nhau: (i) Chất lượng là sự xuất sắc (quality as excellence); (ii) Chất lượng là sự hoàn hảo (quality as perfection); (iii) Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu (quality as fitness for purpose); (iv) Chất lượng là sự đáng giá với đồng tiền bỏ ra (quality as value for money); (v) Chất lượng là sự chuyển đổi về chất (quality as transformation).
Ở Việt Nam, các nhà Giáo dục học cũng đưa ra một số định nghĩa khác nhau, nhưng các định nghĩa này thường trùng với các định nghĩa của nước ngoài:
Phạm Thành Nghị cho rằng “Chất lượng là cái làm hài lòng, vượt những nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng [41]. Tiếp cận dưới góc độ quản lý, tác giả Bùi Minh Hiền khẳng định: “Chất lượng là sự thực hiện được mục tiêu và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng” [27, tr.257].
Theo Nguyễn Đức Chính (2000) [13],“Chất lượng GDĐH được đánh giá qua mức độ trùng khớp với mục tiêu định sẵn”. Định nghĩa này tương đồng với quan niệm về chất lượng của hầu hết các tổ chức ĐBCL trên thế giới.
Từ các định nghĩa nêu trên, có thể khái quát rằng, “Chất lượng là tổng thể những thuộc tính cơ bản và giá trị của thực thể, tạo nên khả năng của thực thể đó trong đáp ứng nhu cầu của chủ thể sử dụng”. Như vậy, chất lượng cần được xem xét trong mối quan hệ giữa thuộc tính, giá trị của thực thể và nhu cầu của chủ thể sử dụng thực thể đó.
Chuẩn mực
Khi nói đến việc đạt được một chuẩn mực, người ta thường ám chỉ đến chất lượng mà người ta mong muốn. Vì vậy, chất lượng và chuẩn mực thường đi đôi với nhau. Trong ĐBCL, chuẩn mực thường được sử dụng với những
nội hàm khác nhau. Trong đánh giá, chuẩn mực được hiểu là nguyên tắc đã được thống nhất giữa những người trong cùng một lĩnh vực đánh giá để đo lường giá trị hoặc chất luợng (Joint Committee on Standards for Educational Evaluation, 1981).
Trong công tác kiểm định ở Mỹ, chuẩn mực được hiểu là mức độ yêu cầu nhất định mà các trường đại học hoặc chương trình đào tạo cần phải đáp ứng để được cơ quan ĐBCL hoặc kiểm định công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định (Chea, 2001) [66].
Thuật ngữ Chất lượng (Standard) trong từ điển Anh - Việt là (i) Tiêu chuẩn, chuẩn mực; (ii) Mức độ phẩm chất đòi hỏi, mức độ phẩm chất mong đợi, mức độ phẩm chất được chấp nhận; (iii) Trình độ, mức; (iv) Mức độ trung bình; (v) Mức cụ thể của chuyên môn… Trong luận án, thuật ngữ “Tiêu chuẩn” được dùng thay cho các thuật ngữ “Chuẩn mực”.
Chuẩn mực cần thiết cho bất cứ nền giáo dục nào, đặc biệt ở giai đoạn chuyển từ GDĐH tinh hoa sang GDĐH đại chúng. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, chất lượng và chuẩn mực nhiều lúc có xu hướng suy giảm. Một số ý kiến cho rằng, chất lượng GDĐH có nguy cơ giảm sút khi chất lượng đầu vào (sinh viên, cơ sở vật chất) bị suy giảm, khi các trường đại học không đòi hỏi yêu cầu cao đối với người học. Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học không chỉ hạ điểm chuẩn để tuyển được nhiều sinh viên, mà còn hạ yêu cầu chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp. Vì vậy, việc đặt ra các chuẩn mực và duy trì các chuẩn mực đó là hết sức cần thiết và quan trọng để ĐBCL đào tạo của từng trường đại học và cả hệ thống GDĐH.
Ở các nước châu Âu, chuẩn mực thường được dùng gắn kết với mức độ của đầu ra. Theo cách định nghĩa của các nước châu Âu, chuẩn mực được xem như kết quả mong muốn của một chương trình đào tạo trong giáo dục,
bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có của người học, kể cả về chuẩn mực của bậc học lẫn chuẩn mực của ngành được đào tạo (Brennan, 1997)[65].
Tóm lại, chuẩn mực đối với sinh viên là những đòi hỏi mà sinh viên phải có khả năng đạt được nhằm hoàn thành một môn học hoặc một bậc học. Những chuẩn mực như thế thường là những mong muốn, đòi hỏi và rất khó xác định trước một cách chính xác.
Tiêu chí
Tiêu chí được định nghĩa thông qua chuẩn mực. Chea (2001)[66], coi tiêu chí là chuẩn mực để kiểm định hoặc xác nhận một trường đại học hoặc một chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định. Như vậy, tác giả đã sử dụng chuẩn mực và tiêu chí như những từ đồng nghĩa.
Trong số sáu hiệp hội kiểm định các trường đại học ở sáu vùng của Mỹ, thì năm hiệp hội dùng thuật ngữ “chuẩn mực” trong khi đó chỉ có một hiệp hội ở vùng Trung - Bắc (Higher Learning Commission, 2002) là sử dụng thuật ngữ “tiêu chí” (Theo Chea, 2002) [67]. Trong khi đó, những hiệp hội kiểm định các trường cao đẳng cộng đồng hoặc các trường phổ thông thiên về sử dụng thuật ngữ “tiêu chí” hơn là thuật ngữ “chuẩn mực”.
Tiêu chí được xem như những điểm kiểm soát và là chuẩn để đánh giá chất lượng của đầu vào và quá trình đào tạo (Johnes & Taylor, 1990)[69]. Trong thực tế chưa có sự khác biệt rõ ràng giữa chuẩn mực và tiêu chí, nhưng đôi khi tiêu chí được sử dụng như những yêu cầu cụ thể hơn so với chuẩn mực. Vì vậy, nhiều người vẫn quan niệm rằng tiêu chí nằm trong chuẩn mực hay mỗi chuẩn mực có một hay nhiều tiêu chí.
Chỉ báo hành vi
Chỉ báo hành vi là các biểu hiện của tình trạng, hoặc kết quả đầu ra của một tổ chức giáo dục (ví dụ: trường đại học, trường phổ thông), của chương trình đào tạo hoặc quá trình hoạt động (Chea, 2001)[66].