các mục đích của nhóm với thời gian, tiền bạc, và sự bất mãn cá nhân ít nhất. Với tư cách thực hành thì quản lý là một nghệ thuật, còn kiến thức có tổ chức về quản lý là một khoa học” [17, tr36].
Theo Paul Hersey và KenBlanc Heard trong cuốn “Quản lý nguồn nhân lực” thì: Quản lý là một quá trình cùng làm việc giữa nhà quản lý và người bị quản lý nhằm thông qua hoạt động của cá nhân, của nhóm, huy động các nguồn lực khác để đạt mục tiêu của tổ chức” (dẫn theo [2]).
Ở Việt Nam tác giả Trần Kiểm cho rằng: “Quản lý là những tác hoạch định của chủ thể quản lý trong việc huy động, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) trong và ngoài tổ chức (chủ yếu là nội lực) một cách tối ưu nhằm đạt mục đích của tổ chức với hiệu quả cao nhất [22, tr.25].
Theo Trần Quốc Thành: “Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý để chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn các quá trình quản lý xã hội, hành vi và hành động của con người nhằm đạt tới mục đích, đúng với ý chí nhà quản lý, phù hợp với quy luật khách quan” [35, tr.11].
Theo Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc: “Hoạt động quản lý là tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt mục đích của tổ chức” [6, tr.16].
Cho dù cách tiếp cận nào thì bản chất của hoạt động quản lý là cách thức tác động (tổ chức, điều khiển, kiểm tra) hợp quy luật của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt hiệu quả mong muốn và đạt mục tiêu đã đề ra.
1.2.2. Khái niệm giá trị, văn hóa, di sản văn hóa, giá trị di sản văn hóa
* Khái niệm về giá trị
Giá trị trước hết là một một phạm trù triết học, chỉ sự đánh giá những thành quả lao động sáng tạo vật chất và tinh thần của con người. Nó có tác dụng định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động của xã hội nhằm vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
Giá trị là những cái thuộc về sự vật, hiện tượng và những thuộc tính của chúng mà có ý nghĩa tích cực đối với xã hội, một nhóm người và cá nhân, với tư cách là phương tiện thoả mãn những nhu cầu và lợi ích, đồng thời biểu thị niềm tin của con người về những mục đích và phương thức ứng xử lý tưởng.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh các trường THPT thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - 1
- Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh các trường THPT thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - 2
- Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh các trường THPT thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - 3
- Phương Pháp Giáo Dục Giá Trị Di Sản Văn Hóa Vật Thể Cho Học Sinh Thpt
- Khái Quát Chung Về Tình Hình Giáo Dục Ở Các Trường Trung Học Phổ Thông Trên Địa Bàn Thành Phố Cao Bằng
- Khái Quát Giá Trị Di Sản Văn Hóa Vật Thể Ở Tỉnh Cao Bằng
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
* Khái niệm văn hóa
- Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.
- Khái niệm văn hoá bao giờ cũng có thể qui về hai cách hiểu chính: theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng.
+ Theo nghĩa hẹp, văn hoá được giới hạn theo chiều sâu hoặc theo chiều rộng, theo không gian hoặc theo thời gian… Giới hạn theo chiều sâu, văn hóa được hiểu là những giá trị tinh hoa của nó (nếp sống văn hoá, văn hoá nghệ thuật…). Giới hạn theo chiều rộng, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng lĩnh vực (văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh…). Giới hạn theo không gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị đặc thù của từng vùng (văn hoá Tây Nguyên, văn hoá Nam Bộ…). Giới hạn theo thời gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng giai đoạn (văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn…),…
+ Theo nghĩa rộng, văn hoá thường được xem là bao gồm tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Năm 1940, Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [Hồ Chí Minh 1995: 431]. Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO, cho biết: “Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lĩnh
vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá họp năm 1970 tại Venise” [UNESCO 1989: 5].
- Theo Từ điển tiếng Việt, văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” (văn hóa ăn, văn hóa mặc, công trình kiến trúc, điêu khắc, văn học...).
- Khi nghiên cứu quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khái quát các hoạt động của xã hội thành hai loại hình hoạt động cơ bản là "sản xuất vật chất" và "sản xuất tinh thần". Do đó, văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Văn hóa vật chất là năng lực sáng tạo của con người được thể hiện và kết tinh trong sản phẩm vật chất. Văn hóa tinh thần là tổng thể các tư tưởng, lý luận và giá trị được sáng tạo ra trong đời sống tinh thần và hoạt động tinh thần của con người. Đó là những giá trị cần thiết cho hoạt động tinh thần, những tiêu chí, nguyên tắc chi phối hoạt động nói chung và hoạt động tinh thần nói riêng, chi phối hoạt động ứng xử, những tri thức, kỹ năng, giá trị khoa học, nghệ thuật được con người sáng tạo và tích lũy trong lịch sử của mình; là nhu cầu tinh thần, thị hiếu của con người và những phương thức thỏa mãn nhu cầu đó.
* Khái niệm giá trị di sản văn hóa
Giá trị di sản văn hoá dân tộc là yếu tố cốt lõi của văn hóa, được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Giá trị DSVH là một hệ thống các giá trị có ý nghĩa khách quan được quy định bởi thực tiễn lịch sử, bởi tính thông tin rộng rãi.
Các giá trị di sản văn hoá đều biểu hiện các lợi ích của các lực lượng xã hội tiên tiến. Các giá trị DSVH đều chứa đựng những điều tốt đẹp (Chân, Thiện,
Mỹ) và luôn tạo ra các định hướng làm phát huy cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Con người.
1.2.3. Khái niệm giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể
1.2.3.1. Văn hóa vật thể
Là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm:
- Di tích lịch sử - văn hóa: Là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
- Danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: “Là cảnh quan thiên nhiên có sự kết hợp giữa cảnh quan với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mĩ, khoa học” [23].
1.2.3.2. Di sản văn hóa vật thể
Theo Công ước di sản thế giới thì DSVH vật thể là:
- Các di tích: Các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, ký tự, nhà ở trong hang đá và các công trình có sự liên kết giữa nhiều đặc điểm, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học.
- Các quần thể các công trình xây dựng: Các quần thể các công trình xây dựng tách biệt hay liên kết lại với nhau mà do kiến trúc của chúng, do tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong cảnh quan, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo.
- Các di chỉ: Các tác phẩm do con người tạo nên hoặc các tác phẩm có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo và các khu vực trong đó có các di chỉ khảo cổ có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học.
DSVH vật thể cần được hiểu như là “sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” [23].
1.2.3.3. Giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể
Giáo dục giá trị DSVH vật thể là quá trình nhà giáo dục xây dựng nội dung chương trình, sử dụng phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp để giúp học sinh hiểu biết về các giá trị DSVH vật thể ở vật thể và dân tộc thông qua quá trình tiếp xúc, thực tế trải nghiệm những giá trị văn hóa này; bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị DSVH vật thể; góp phần định hướng và xây dựng những hành vi đúng đắn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể tốt đẹp của dân tộc.
Có thể hiểu, giáo dục giá trị DSVH vật thể cho học sinh là hệ thống các tác động sư phạm của nhà giáo dục đến học sinh nhằm giúp các em hiểu biết về các giá trị DSVH vật thể ở vật thể và dân tộc thông qua quá trình tiếp xúc, thực tế trải nghiệm những giá trị văn hóa này; bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị DSVH vật thể; góp phần định hướng và xây dựng những hành vi đúng đắn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể tốt đẹp của dân tộc.
1.2.4. Quản lý giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể
Quản lý giáo dục giá trị DSVH vật thể là quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lý lên các thành tố tham gia vào quá trình giáo dục văn hóa vật thể như mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục giá trị văn hóa phi vật thể.
Quản lý hoạt động giáo dục giá trị DSVH vật thể trong nhà trường phổ thông là hệ thống các hoạt động có mục đích của chủ thể quản lý (người Hiệu trưởng) tác động tới đội ngũ GV, nhân viên, học sinh và các lực lượng liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị DSVH vật thể cho học sinh để đạt được mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống thông qua các DSVH vật thể của địa phương cho học sinh trong nhà trường [2].
Để làm tốt được việc quản lý hoạt động giáo dục giá trị DSVH vật thể trong trường THPT cần phải thực hiện nghiêm túc các khâu lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục giá trị di sản cho phù hợp với tâm lý, tình cảm đối tượng học sinh bậc THPT với nhiều biện pháp, hình thức phong phú, linh hoạt dần hình thành thói quen, tính tự giác trong tìm hiểu, trân trọng các di sản và giá trị di sản.
Trong thực tế triển khai, chủ thể quản lý ngoài Hiệu trưởng còn có thể là Phó Hiệu trưởng, Bí thư đoàn thanh niên, GV chủ nhiệm, GV bộ môn… khi được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động.
1.3. Giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh trung học phổ thông
1.3.1. Mục tiêu của việc giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh THPT
Mục đích ý nghĩa của việc giáo dục giá trị DSVH vật thể cho học sinh THPT là nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của DSVH; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh.
Quản lý giáo dục giá trị DSVH là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất, bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị DSVH về vật thể; phi vật thể; các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc được lưu truyền, tồn tích, vận hành nối liền các thế hệ. Giáo dục giúp cho học sinh hiểu biết về giá trị DSVH để tôn trọng, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH truyền thống của dân tộc mình.
DSVH vật thể là tài sản vô giá, góp phần làm nên bản sắc riêng của từng địa phương; là chất liệu gắn kết cộng đồng, dân tộc; là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu, hội nhập giữa cộng đồng dân tộc và các quốc gia. Điều này có ý nghĩa to lớn trong hành trình phát triển của mỗi dân tộc.
Trước nguy cơ một số DSVH vật thể bị mai một, có trường hợp bị biến dạng, không giữ được các giá trị nguyên bản, đòi hỏi các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa phải tìm cách tháo gỡ. Để hiện thực hóa chính sách nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản (năm 2013) hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Mục đích, giúp học sinh hiểu được những giá trị của di sản, qua đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ các DSVH.
Việc sử dụng DSVH vật thể để dạy học đã mang lại những kết quả tích cực, bởi vậy, chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa vật thể và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường, việc đưa DSVH vật thể vào dạy trong các nhà trường cũng là cách để người vật thể biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho vật thể. Vai trò quan trọng của giáo dục giá trị DSVH vật thể cho học sinh chính là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của dân tộc.
1.3.2. Nội dung giáo dục giá trị di sản văn hóa vật thể cho học sinh THPT
1.3.2.1. Giáo dục nhận thức về giá trị di sản văn hóa vật thể
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hoá [9].
Qua Luật DSVH Việt Nam, môn Lịch sử, môn Địa lý, trên sách báo, tạp chí,... giúp học sinh hiểu một số thông tin về các DSVH vật thể của vật thể. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của học sinh vào việc bảo vệ và phát huy các DSVH vật thể và truyền thống văn hóa của địa phương, của đất nước. Từ đó, học sinh sẽ hiểu trách nhiệm, vai trò của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH vật thể của địa phương.
1.3.2.2. Giáo dục thái độ đối với giá trị di sản văn hóa vật thể
Giáo dục học sinh nhận thức về vẻ đẹp và giá trị về vật chất và tinh thần to lớn của các giá trị DSVH vật thể. Giáo dục tình yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của quê hương đất nước, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Từ đó, sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể của địa phương, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Giáo dục học sinh biết bảo vệ các giá trị DSVH vật thể. Có lối sống lành mạnh, nếp sống và ứng xử văn hóa với các DSVH vật thể. Lao động chăm chỉ, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
1.3.2.3. Giáo dục kỹ năng, hành vi tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể
Giáo dục cho học sinh các kỹ năng cơ bản để nhận biết, học tập tại các di sản như: quan sát, lắng nghe để chắt lọc và ghi chép thu thập thông tin, xử lý thông tin, trao đổi thông tin, từ đó nhận thức được sự tồn tại của DSVH vật thể, tiếp thu được giá trị của di sản và ý nghĩa của những giá trị đó đối với cộng đồng.
Giáo dục kỹ năng vận dụng kiến thức thu nhận được từ thực địa, từ việc trải nghiệm tới các di sản để kiểm chứng lại các kiến thức trong sách vở, liên môn học từ sách vở đến thực tế, biết vận dụng những điều đã được học vào giải thích các hiện tượng, sự vật có trong DSVH.
Giáo dục học sinh các hành vi văn hóa, thiết thực trong giữ gìn các di sản, bảo tồn giá trị của di sản. Biết tuyên truyền tới bạn bè, gia đình và cộng đồng về ý nghĩa của DSVH, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ di sản, phát huy giá trị di sản trong đời sống. Giáo dục các hành vi văn hóa trong giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc. Giáo dục hành vi giữ gìn các DSVH vật thể nơi công cộng, bảo tàng dân tộc,…
Đối với GV khi dạy về giá trị DSVH vật thể, dù là vật thật hay qua phim, ảnh, tranh vẽ,… được sử dụng trong bài giảng, đều góp phần nâng cao tính trực quan, giúp khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến DSVH vật thể trong bài học. Nội dung giáo dục giá trị DSVH vật thể cho học sinh THPT được triển khai thực hiện hàng năm.