Công tác quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, song bên cạnh đó còn một số hạn chế trong bố trí, sử dụng đội ngũ GVCN; công tác phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ GVCN lớp chưa thực hiện thường xuyên; các biện pháp quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng đối với công tác chủ nhiệm lớp và đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp còn chưa thật hợp lý; thực hiện các điều kiện hỗ trợ, tạo động lực cho GVCN còn thấp. Nếu phân tích đánh giá đúng thực trạng quản lý đội ngũ GVCN lớp và nguyên nhân của thực trạng thì đề tài sẽ đề xuất được những biện pháp quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có tính khoa học, phù hợp, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GVCN và chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tại các trường THPT của địa phương.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Hệ thống hóa cơ sở lý luận về quản lý đội ngũ GVCN lớp ở trường THPT
5.2. Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng về quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
5.3. Đề xuất các biện pháp quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
6. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
- Về chủ thể thực hiện quản lý: Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng và đề xuất biện pháp quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT của chủ thể quản lý trường THPT gồm Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng. Không nghiên cứu biện pháp quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu công tác quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT dưới sự điều hành, lãnh đạo của hiệu trưởng nhà trường.
- Về địa bàn khảo sát: Đề tài tập trung nghiên cứu khảo sát thực trạng quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng bao gồm 4 trường:
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng - 1
- Quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng - 2
- Lý Luận Về Đội Ngũ Giáo Viên Chủ Nhiệm Lớp Ở Thpt
- Yêu Cầu Về Phẩm Chất Và Năng Lực Của Gvcn Lớp
- Ứng Dụng Tin Học Và Ngoại Ngữ Vào Việc Thực Hiện Nhiệm Vụ
Xem toàn bộ 183 trang tài liệu này.
+ THPT Hoàng Diệu
+ THPT Thành Phố Sóc Trăng
+ THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai
+ THPT Dân Tộc Nội Trú Huỳnh Cương
- Về thời gian: Để khảo sát thực trạng, đề tài sử dụng các số liệu, dữ kiện được thu thập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2017 - 2018.
7. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng 3 nhóm phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
7.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
- Nhóm phương pháp này nhằm thu thập, nghiên cứu các văn bản, Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác Giáo dục, những tài liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài để xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài.
- Nhóm này gồm các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:
+ Phương pháp phân tích - tổng hợp tài liệu
+ Phương pháp khái quát hóa các nhận định độc lập.
7.2 Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được thiết kế với mục đích khảo sát thực trạng phẩm chất, năng lực của đội ngũ GVCN lớp; kết quả thực hiện công tác chủ nhiệm lớp và thực trạng quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
- Đối tượng khảo sát: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và GVCN lớp ở các trường THPT thuộc Thành Phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Phương pháp khảo sát: Thiết kế bảng hỏi dành cho Cán bộ quản lí và GVCN lớp ở các trường THPT thuộc Thành Phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
7.3. Phương pháp thống kê toán học
Phương pháp thống kê toán học: Sử dụng phương pháp thống kê toán học để thu thập, xử lí và phân tích các số liệu thống kê. Sử dụng phần mềm SPSS để xử lý thông tin trong phiếu điều tra.
8. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mục lục, mở đầu, kết luận và khuyến nghị, phần phụ lục, nội dung chính của luận văn được kết cấu gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về quản lý đội ngũ GVCN lớp ở trường trung học phổ thông.
Chương 2. Thực trạng quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT Thành Phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chương 3. Biện pháp quản lý đội ngũ GVCN lớp ở các trường THPT Thành Phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Kết luận và kiến nghị
Danh mục tài liệu tham khảo Phụ lục
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ
ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM LỚP Ở TRƯỜNG THPT
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trên thế giới
Trong hệ thống tổ chức của các trường phổ thông, đơn vị cơ bản được tổ chức để giảng dạy và giáo dục học sinh là lớp học. Hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo lớp được hình thành từ thế kỷ XVI do nhà giáo dục Tiệp Khắc JA.Comenxki đề xướng. Mô hình lớp học được duy trì và ngày càng phát triển mạnh ở các nước trên thế giới. Mô hình lớp học được phát triển và mở rộng tùy thuộc vào điều kiện thực tế nhưng lớp học bao giờ cũng cần người quản lý. Để quản lý lớp học, nhà trường cử ra một trong những giáo viên đang giảng dạy làm công tác CNL. GVCN được Hiệu trưởng (HT) lựa chọn từ những giáo viên ưu tú có kinh nghiệm giáo dục, có uy tín với phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo được việc thực hiện tốt mục tiêu và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất định phải có đội ngũ GVCN đủ năng lực. Muốn vậy, nhà quản lý phải chọn lựa, bồi dưỡng, đào tạo và có biện pháp quản lý đội ngũ GVCN một cách khoa học và hiệu quả.
Trong tác phẩm “Phương pháp công tác chủ nhiệm lớp” (Nxb Giáo dục Matxcơva, 1984), N.I. Bôn-đư-rép đã trình bày những phương pháp cơ bản về cách thức thực hiện công tác chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông.
Theo quan điểm của UNESCO đã cho rằng: GD trung học là giai đoạn mà thế hệ trẻ lựa chọn cho mình những giá trị cần thiết cho cuộc sống cũng như con đường chuẩn bị bước vào hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống sau này. Đặc biệt, cuốn tài liệu tập huấn kỹ năng cơ bản trong tham vấn (Unicef 2005) cũng đưa ra những cách thức tham vấn cho HS lứa tuổi thanh niên. Như vậy, người GV cần tổ chức các họat động khác nhau để HS có thể tham gia được dễ dàng và học được rất nhiều thứ từ đó.
Xã hội phát triển, sự phân công lao động đã hình thành hoạt động, đặc biệt đó là sự chỉ huy, chỉ đạo, điều khiển, kiểm tra dành cho những người đứng đầu của một tổ chức hay một nhóm. Hoạt động đó chính là quản lý và trong một lớp học, người đóng vai trò quản lý cao nhất chính là GVCN. Trong tác phẩm “Phương pháp chủ nhiệm lớp” (NxbGiáo dục Matxcơva, 1984), Bôn-dư-rép N.I đã trình bày những phương pháp
cơ bản về cách thức thực thiện công tác CNL ở các trường phổ thông. Trong báo cáo (1996) với nhan đề “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn” của UNESCO đã xem xét vấn đề giáo dục suốt đời như là việc học tập dựa trên bốn trụ cột lớn: “Học để biết, học để làm, học để cùng tồn tại và học để cùng chung sống”. Đây cũng là định hướng cốt lõi cho giáo dục học sinh trong các trường THPT.
Từ định hướng trên, các nước phát triển đã chỉ ra những nội dung giáo dục cho học sinh trung học mà có liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp. Những nội dung giáo dục học sinh như: giáo dục kỹ năng sống, giáo dục những giá trị sống, giáo dục hướng nghiệp… Và để làm tốt các định hướng trên nhất thiết không thể không đề cập đến vai trò người GVCN.
Ở các nước tư bản không gọi là GVCN mà thường gọi là giáo viên chính (Professeur principal). Ở Bangladesh, một giáo viên chủ nhiệm cũng được gọi là “giáo viên phụ trách lớp”, có nhiệm vụ lấy hồ sơ tham dự của học sinh trong một lớp học và thực hiện các công việc khác trong lớp. Chủ nhiệm lớp tại Hàn Quốc có một vai trò quan trọng trong giáo dục của học sinh bởi giáo viên chủ nhiệm làm cả vai trò tư vấn và quản trị. Do đó, chủ nhiệm lớp ở trường trung học đặc biệt quan trọng vì giúp trang bị cho học sinh những kiến thức cũng như tâm lí trong quá trình chuyển đổi của mình để học đại học. Công tác chủ nhiệm thường kéo dài khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày và giáo viên sử dụng thời gian này để thông báo và thực hiện các nhiệm vụ hành chính khác. Quan trọng hơn, giáo viên dành thời gian này để thiết lập trật tự trong lớp.
Tuy nhiên, trong các tài liệu được đề cập ở trên, các nội dung được viết vắn tắt, ít đề cập đến việc tổ chức thực hiện, chưa nói được vai trò, nhiệm vụ của người quản lí trong nhà trường cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người Hiệu trưởng đối với công tác chủ nhiệm lớp và những kỹ năng cần có để hỗ trợ cho công tác của giáo viên chủ nhiệm nói chung và công tác chủ nhiệm lớp nói riêng.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu cụ thể của Giáo dục phổ thông là: “Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học” (Bộ Giáo dục và đào tạo, 2012). Do vậy, GD-ĐT phải hướng đến
việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Đội ngũ giáo viên nói chung và GVCN nói riêng ngoài việc cung cấp tri thức, kỹ năng cho học sinh, cần phải bồi dưỡng, định hướng cho các em hình thành nền tảng nhân cách mới.
Như vậy, có thể nói rằng, việc nghiên cứu về công tác quản lý, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên nói chung và GVCN lớp nói riêng là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với các nhà quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ở Việt Nam, nghiên cứu về công tác GVCN lớp đã có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu tiêu biểu: “Công tác GVCN lớp ở trường phổ thông” của tác giả Hà Nhật Thăng (Chủ biên) NxbGiáo dục, Hà Nội 2006 đã giới thiệu những nội dung cơ bản về công tác chủ nhiệm lớp; “Hướng dẫn tìm hiểu những điều giáo viên chủ nhiệm cần biết”, Lê Thị Huyền Trang - Minh Huệ (2011), (Sưu tầm, biên soạn), NxbĐại học Quốc gia Hà Nội; “Giáo dục học phổ thông” (Chương 3- Công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông) tác giả Trần Thị Hương (Chủ biên), NxbĐại học sư phạm Thành phố HCM, năm 2011 đã đề cập đến vị trí, chức năng, nội dung, phương pháp công tác chủ nhiệm của GVCN lớp ở trường phổ thông; “Giáo dục học” (Chương XVII- Người GVCN lớp) tác giả Phạm Viết Vượng, NxbĐại học sư phạm, năm 2008 cũng đã nói đến vai trò, nhiệm vụ, phương pháp và các yêu cầu đối với GVCN lớp…
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp trong giai đoạn hiện nay, tháng 8 năm 2010, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Công tác giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông”. Hội thảo đã bàn luận về những khó khăn, thuận lợi của công tác giáo viên chủ nhiệm lớp trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Đặc biệt là kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm, một số yêu cầu đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp bao gồm nội dung, phương pháp và kỹ năng thực hiện công tác chủ nhiệm của giáo viên ở trường phổ thông v.v… đã được nhiều thầy cô giáo trình bày trong các báo cáo tham luận tại hội thảo. Hội thảo đã đưa ra phương hướng, biện pháp tăng cường năng lực làm công tác chủ nhiệm cho giáo viên ở trường phổ thông, trong đó một nội dung thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các thầy cô giáo là giáo viên chủ nhiệm lớp với việc triển khai có hiệu quả phong trào thi đua” Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bàn về việc quản lí công tác chủ nhiệm, công tác quản lí giáo viên, hiện nay ở trong nước thường có hai hướng nghiên cứu chủ yếu: một là, công tác chủ nhiệm lớp được đề cập trong công tác quản lí giáo dục học sinh; hai là, công tác quản lí đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm.
Cho đến nay, có nhiều học viên cao học nghiên cứu đề tài về quản lý công tác chủ nhiệm lớp. Có thể đơn cử như:
- Luận văn thạc sỹ năm 2010 “Quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở các trường THPT tỉnh Thái Nguyên” của tác giả Trần Thị Thúy đã đi sâu nghiên cứu về thực trạng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và QL của HT đối với đội ngũ GVCN, hoạt động CTCN lớp. Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả cũng đã đề xuất một số giải pháp QL CTCN lớp của các trường THPT tỉnh Thái Nguyên.
- Luận văn thạc sĩ của Trương Lê Ngọc Phương với đề tài: “Quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở trường Trung học phổ thông, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh” đã hệ thống hóa lý luận về công tác chủ nhiệm lớp, quản lý công tác chủ nhiệm lớp. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích thực trạng quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở các trường THPT quận 10, thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp tại địa phương.
Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về quản lý đội ngũ GVCN trường THPT thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Do yêu cầu thực tế trong công tác quản lý tại địa phương, đặc biệt là việc quản lý đội ngũ GVCN ở các trường THPT tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nên cần thiết phải nghiên cứu thực trạng quản lý đội ngũ GVCN của HT ở các trường THPT, để từ đó đề xuất các biện pháp giúp HT quản lý đội ngũ GVCN một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
1.2. Các khái niệm cơ bản
1.2.1. Khái niệm về quản lý
Thuật ngữ quản lý được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Sau đây là một số định nghĩa:
- Theo Từ điển Tiếng Việt (Bùi Đức Tịnh chủ biên), quản lý là “Tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định” (Bùi Đức Tịnh, 2004).
- Harold Koontz cho rằng: Quản lý là hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được mục đích của nhóm (Harold Koontz, Cyril Ódonnell, Heinz weihrich, 1992).
- Nguyễn Quốc Chí - Nguyễn Thị Mỹ Lộc định nghĩa: “Hoạt động quản lý là tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức (Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc, 1996).
- Theo tác giả Nguyễn Minh Đạo “quản lý là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên khách thể về các mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, XH, GD bằng hệ thống các luật định, các chính sách, nguyên tắc, phương pháp, biện pháp cụ thể nhằm tạo ra môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng” (Nguyễn Minh Đạo, 1997).
- Tác giả Vũ Dũng, Phùng Đình Mẫn cũng cho rằng “Theo nghĩa chung nhất từ góc độ tâm lý học, quản lý được hiểu như sau: quản lý là sự tác động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch và có hệ thống thông tin của chủ thể đến khách thể của nó” (Vũ Dũng và Phùng Đình Mẫn, 2007).
Xét đến cùng, bản chất của hoạt động quản lý là cách thức tác động (tổ chức, điều khiển, kiểm soát) hợp quy luật của chủ thể quản lý đến khách thể và đối tượng quản lý trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra. Như vậy, nội hàm của khái niệm quản lý gồm: Hoạt động phối hợp nhiều người, nhiều yếu tố; định hướng các hoạt động theo mục tiêu nhất định; kiểm soát được tiến trình của hoạt động trong quá trình tiến tới mục tiêu.
Có thể hiểu quản lý một cách khái quát: Quản lý là quá trình thực hiện các công việc xây dựng kế hoạch, sắp xếp tổ chức, phân phối nguồn lực, chỉ đạo, điều hành và kiểm soát đánh giá… nhằm vận hành tổ chức một cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đề ra.
1.2.2. Khái niệm đội ngũ GVCN lớp ở trường THPT
1.2.2.1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường THPT