Cho Vay Giải Quyết Việc Làm Tại Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội


nó giúp ổn định cuộc sống gia đình, mặt khác nó giúp xã hội được duy trì và phát triển thoát khỏi những mâu thuẫn nội sinh trong mỗi gia đình, giảm thiểu các tiêu cực, không tạo ra tệ nạn trong xã hội, con người được dần hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ…Ngược lại, khi nền kinh tế không đảm bảo đáp ứng về việc làm cho người lao động có thể dẫn đến nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách con người. Bên cạnh nhu cầu sống, nhu cầu phát triển và hoàn thiện bản thân, thì con người còn có nhu cầu lao động. Trong nhiều trường hợp, thiếu việc làm sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin, làm con người xa lánh xã hội và dấn thân vào các tệ nạn xã hội. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng cũng là một trong những hậu quả của nền kinh tế thiếu việc làm, dẫn đến những xung đột và ảnh hưởng chính trị.

Do đó, các chính sách, chủ trương và hoạt động giúp tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động là việc làm thiết yếu của mọi quốc gia, không chỉ giải quyết khó khăn về kinh tế mà còn khắc phục các vấn đề xã hội, góp phần vào xây dựng một xã hội, quốc gia ổn định và phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

1.2. Cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1.2.1. Khái niệm cho vay giải quyết việc làm


Trong xã hội hiện nay, các đối tượng chính sách được hiểu là những người nghèo, cận nghèo, lao động tự do không có thu nhập ổn định, thu nhập thấp, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những đối tượng chính sách trên hầu hết không đáp ứng được yêu cầu vay vốn của các NHTM, điều này khiến cho họ không có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn nhằm phát triển hoạt động kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Nhà nước là cần xây dựng một chương trình vay vốn nhằm giải quyết nhu cầu về tạo việc làm, cung cấp nguồn vốn cho những đối tượng này. Trên cơ sở đó, hình thành chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH.

Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. (Điều 2, thông tư 39/2016/TT-NHNN).


Cho vay giải quyết việc làm cũng là một trong những hình thức cho vay. Từ khái niệm trên, có thể hiểu cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách là hình thức cấp tín dụng cho người vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm nhằm giúp người lao động có việc làm mới, tăng cơ hội việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, tiến tới đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và các chương trình tạo việc làm. Là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.

Theo đó, NHCSXH giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi, giúp các đối tượng chính sách không phải vay từ các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi với mức lãi suất quá cao so với khả năng tài chính của mình, tạo điều kiện tiếp cận vốn làm ăn đối với những người không tiếp cận được với nguồn tín dụng thương mại đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm…

Chương trình cho vay giải quyết việc làm góp phần quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm, có tác động làm thay đổi nhận thức về việc làm cho chính người lao động, khuyến khích người lao động làm việc có kế hoạch và nâng cao ý thức sản xuất kinh doanh; là "đòn bẩy", kích thích và hỗ trợ kịp thời cho người lao động để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Phát triển hoạt động cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hà Nội - 4

Về cơ bản, cho vay giải quyết việc làm cũng thực hiện theo quy trình cho vay thông thường như các ngân hàng thương mại, bao gồm nhận hồ sơ theo quy định, đăng ký chương trình vay, dự án vay mức cao phải có tài sản đảm bảo, thế chấp theo quy định. Tuy nhiên, dự án vay vốn phải đảm bảo tạo ra được ít nhất một công việc mới cho người lao động. Tuỳ theo từng đối tượng khách hàng vay vốn mà hồ sơ vay chuẩn bị khác nhau, theo hướng dẫn cụ thể. Mức độ phân cấp thẩm định và phê duyệt dự án khác nhau tùy thuộc vào dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp vốn hay do tổ chức chính trị - xã hội hoặc Bộ Quốc phòng quản lý.

Mọi quy định về mức vay và lãi suất cho vay ưu đãi của chương trình cho vay


giải quyết việc làm từng thời kỳ đều do Chính phủ quy định và có sự phối hợp của các cơ quan liên quan.

1.2.2. Mục tiêu cho vay giải quyết việc làm


Thứ nhất, hoạt động cho vay giải quyết việc làm luôn hướng tới mục tiêu hỗ trợ và tạo việc làm cho người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) bằng hình thức cho người dân vay vốn với các điều kiện phù hợp cùng mức lãi suất ưu đãi để người vay có thể hoạt động kinh doanh và làm việc dựa trên số vốn đi vay. Bằng nguồn vốn vay của chương trình giải quyết việc làm, người dân và người lao động có thể kinh doanh, bán lẻ; trồng cây cảnh, cây nông nghiệp, vật nuôi…theo đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng để tạo việc và kiếm thu nhập phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Thứ hai, cho vay giải quyết việc làm không chỉ hướng tới việc tạo việc làm cho người lao động, mà còn có mục tiêu đó là đem lại nguồn vốn ổn định về lãi suất, chính sách, giúp người vay phát triển ngành nghề bền vững trong dài hạn. Tính bền vững của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội do chương trình mang lại là hiệu quả sử dụng vốn. Với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, người lao động tạo ra việc làm và thu nhập không chỉ phục vụ cuộc sống ngắn hạn mà trong nhiều trường hợp còn tạo công việc, ngành nghề gắn bó lâu dài, có xu hướng phát triển và mở rộng. Đây là trọng tâm và hiệu quả cốt lõi mà tín dụng giải quyết việc làm mang lại cho thành phố: cho vay tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phục vụ dân sinh, trả nợ vay và tích lũy phát triển ngành nghề… tạo ra dòng chu chuyển vốn hiệu quả góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thứ ba, chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm góp phần vào mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia đó là giảm tỉ lệ thất nghiệp. Đây là chính sách thực hiện công tác an sinh xã hội của Chính phủ và sự chung tay vào cuộc của cộng đồng. Là một giải pháp quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có thể nói hoạt động cho vay của ngân hàng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tạo việc làm, ổn định tình hình xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.


1.2.3. Đặc điểm cơ bản về cho vay giải quyết việc làm


Khác với các NHTM, cho vay GQVL tại NHCSXH có các quy định hướng dẫn riêng về thủ tục, quy trình cho vay, đối tượng được vay, mức tiền được vay, lãi suất cho vay, phương thức cho vay… Cụ thể:

Đối tượng vay vốn: là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động

Mức cho vay.


- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

- Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.


Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Lãi suất cho vay.


Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm).

Các trường hợp sau đây được cho vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định:

- Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, dân tộc thiểu số.

Nguồn vốn vay.


Không giống như tín dụng thương mại, tín dụng cấp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được ưu đãi về lãi suất, kì hạn cho vay dài (thường là vay trung hạn)


nên nguồn vốn cho vay phải đa dạng, có tính ổn định cao, lãi suất thấp hoặc không lãi suất.

Theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định các nguồn vốn NHCSXH Việt Nam được huy động để thực hiện cho vay bao gồm:

- Một là, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN): vốn điều lệ được NSNN cấp khi thành lập, vốn cho vay xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện các chính sách xã hội khác có nguồn gốc từ NSNN, vốn do ngân sách các cấp chính quyền địa phương chuyển sang để cho vay hộ nghèo trên địa bàn, vốn ODA do chính phủ giao. Đây là một nguồn vốn ổn định, dài hạn và không chịu tác động thay đổi của thị trường lãi suất. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là một đặc điểm nổi bật ở Việt Nam, xuất phát từ sự quan tâm đặc biệt của chính phủ đối với công cuộc xoá đói, giảm nghèo.

- Hai là, vốn huy động đến từ:


+ Tiền gửi có trả lãi của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi kế hoạch được chính phủ giao. Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng tín dụng được chính phủ phê duyệt, NHCSXH cân đối nguồn vốn hiện có, chủ động xây dựng kế hoạch nhận tiền gửi để đủ vốn thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng. Đây là nguồn vốn phải trả theo lãi suất thị trường, được NSNN cấp bù chênh lệch lãi suất, tính ổn định không cao, nhạy cảm với lãi suất. Chiến lược lâu dài cần phải giảm đến mức thấp nhất nguồn vốn huy động loại này.

+ Tiền gửi 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/12 năm trước. Đây là nguồn vốn phải trả lãi theo lãi suất thị thường song tính ổn định cao (mang tính mệnh lệnh bắt buộc), lãi suất ít biến động. Quy định này của chính phủ thể hiện trách nhiệm đóng góp của các tổ chức tín dụng đối với công cuộc xoá đói, giảm nghèo của đất nước.

- Ba là, vốn đi vay: vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, vay tiết kiệm bưu điện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vay Ngân hàng Nhà nước, Kho


bạc nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế. Nguồn vốn này tương đối bị động đặc biệt khi thị truờng vốn có biến động về lãi suất và thanh khoản.

- Bốn là, vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Nguồn vốn này hiện nay rất lớn, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo song nó đang phân tán, qua nhiều đầu mối trung gian nên hiệu quả chưa cao.

- Năm là, vốn nhận uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Sự tăng trưởng của nguồn vốn này một mặt tạo nguồn lực tài chính ổn định với chi phí thấp, mặt khác, thể hiện rõ sự quan tâm cũng như trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tập trung và cân đối các nguồn lực tài chính dành cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

- Sáu là, các nguồn vốn khác như các quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không sử dụng hết.

Như vậy, nguồn vốn huy động để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH khác hẳn nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, tập trung chủ yếu vào các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách, không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động vốn nhàn rỗi từ khu vực dân cư và các tổ chức kinh tế với lãi suất thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH là hợp lí, đảm bảo hỗ trợ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, nhưng trong tương lai để phát triển bền vững cần phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm dần cấp bù từ NSNN, lãi suất cho vay có thể ưu đãi hơn lãi suất thị trường song lãi suất huy động phải theo lãi suất thị trường.

1.2.4. Các phương thức cho vay giải quyết việc làm


Hiện nay, Ngân hàng Chính sách thực hiện hai phương thức cho vay: cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác.


1.2.4.1. Cho vay trực tiếp

Hình thức này được áp dụng cho các trường hợp cho vay vốn đối với cơ sở SXKD. Đối với hình thức này NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh hoặc trụ sở Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH cấp huyện (sau đây gọi chung là NHCSXH nơi cho vay).

Ngoài ra, người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam quản lý: NHCSXH cũng thực hiện cho vay trực tiếp cho người lao động tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay.

Đối với cho vay trực tiếp các dự án GQVL, cán bộ tín dụng là người thực hiện các quy trình cho vay từ khâu tiếp nhận hồ sơ ban đầu, thẩm định, trình phê duyệt giải ngân và chịu trách nhiệm về chất lượng hồ sơ vay vốn, việc sử dụng vốn của Chủ dự án, thu hồi vốn vay và xử lý rủi ro khi xảy ra. Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của NHCSXH. Ngoài việc thẩm định tính khả thi của dự án cho vay, cán bộ ngân hàng phải yêu cầu cở sở SXKD chứng minh được tình hình thu hút lao động để đảm bảo việc sử dụng lao động của doanh nhiệp và đảm bảo người lao động có thu nhập.

1.2.4.2. Cho vay ủy thác qua tổ chức chính trị xã hội


Hình thức này được áp dụng cho cá nhân người lao động vay vốn. Theo đó, “Cho vay ủy thác nghĩa là ngân hàng thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay cho bốn tổ chức CT-XH (gọi tắt là Hội, Đoàn thể) gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.” (Tài liệu đào tạo nội bộ NHCSXH).

Việc ủy thác cho hội, đoàn thể là nhằm công khai hóa, xã hội hóa chính sách tín dụng của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đồng thời củng cố hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở. Việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ bảo đảm đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, việc ủy thác giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dễ dàng, hiệu quả với dịch vụ tài chính, tiết


kiệm của ngân hàng. Quan hệ giữa Ngân hàng và hội, đoàn thể được xác lập qua văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận (cấp Trung ương), văn bản liên tịch (cấp tỉnh, huyện) và hợp đồng ủy thác (cấp xã).

Với phương thức ủy thác cho vay này, người lao động không cần có tài sản đảm bảo, vay vốn dựa trên uy tín (tín chấp) tại địa phương, được tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức CT-XH, UBND xã, phường, thị trấn bảo lãnh, bình xét đủ điều kiện để vay vốn. Bên cạnh đó, Hội đoàn thể có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng, hoạt động của các Hội đoàn thể được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh ở cơ sở.

1.3. Phát triển hoạt động cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1.3.1. Khái niệm phát triển hoạt động cho vay giải quyết việc làm


Đối với mỗi chương trình triển khai cho vay, các ngân hàng đều mong muốn chương trình cho vay đó được phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, nhằm đạt được mục đích ban đầu của nó, qua đó thể hiện rõ vai trò và những lợi ích của hoạt động cho vay đó đem lại cho ngân hàng.

“Phát triển được hiểu là một quá trình lớn lên, tăng tiến mọi lĩnh vực. Phát triển không chỉ đơn thuần là sự tăng lên hay giảm đi về lượng mà còn có sự biến đổi về chất của sự vật hiện tượng. Phát triển là khuynh hướng vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện thông qua việc giải quyết các mâu thuẫn. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, quá trình diễn ra theo đường xoắn ốc và hết mỗi chu kỳ sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở mức (cấp độ) cao hơn” (Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lenin, 2012).

Phát triển hoạt động cho vay giải quyết việc làm cũng không phải là một ngoại lệ. Đó là sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng các khoản vay gắn liền với sự

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/05/2023