- Thay đổi cơ cấu kinh tế của một quốc gia, một địa phương theo hướng có hiệu quả hơn. Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các hoạt động du lịch phát triển ở các vùng nông thôn tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương. Các hoạt động gắn với du lịch cộng đồng tạo thu nhập trực tiếp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững. Thông qua du lịch, văn hóa địa phương, các vùng miền được tôn trọng, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.
Mặt khác, du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn mà không cần phải đào tạo công phu, từ đó góp phần từng bước nâng cao tích lũy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hiện nay, tỷ lệ hộ kinh tế làm dịch vụ trong nông thôn mới chỉ chiếm 11,2%. Tiếp tục khuyến khích phát triển mạnh thêm du lịch sẽ giúp cho nông thôn giải quyết hàng loạt vấn đề: Tạo công ăn việc làm, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, từ đó, làm thay đổi cơ cấu kinh tế và lao động trong nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tác động đến thị trường: Cung, cầu, giá cả.
- Tác động đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia, một địa phương (đặc biệt là các quốc gia chậm và đang phát triển), tạo cơ sở giúp phát triển các vùng đặc biệt. Một vùng kém phát triển, ít tài nguyên, khi phát triển những cơ sở dịch vụ, du lịch ở đó vẫn có thể tạo những hấp dẫn để thu hút khách, hấp dẫn sự đầu tư của các ngành công nghiệp khác vào địa phương đó phát triển. Mặt khác, khi vùng địa phương phát triển thì thu nhập của người dân tăng, đời sống văn hóa tư tưởng của người dân tăng, người dân an tâm sinh sống định cư.
- Tác động đến cán cân thanh toán thông qua xuất nhập khẩu dịch vụ. Với sự gia tăng thu nhập ngoại tệ, du lịch góp phần đáng kể vào việc
cân bằng cán cân thanh toán quốc tế của nhiều quốc gia. Tại Thụy Sỹ, thu nhập từ ngành du lịch bù đắp được từ 50-70% cán cân thâm hụt. Dịch vụ du lịch có giá trị xuất khẩu cao và hiệu quả kinh tế cao nhất trong các hoạt động xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là theo góc độ thu ngoại tệ và thu hút lao động, tạo công ăn việc làm. Xuất nhập khẩu dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Ở Việt Nam, xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành du lịch chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, đồng thời có doanh thu ngoại tệ lớn nhất, trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hoá, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau bốn ngành xuất khẩu hàng hoá là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản. Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội mà hiện nay chưa tính toán hết được. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2017 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 7,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2017 đạt 17 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ du lịch đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 29,8% và tăng 12,7%. Nhập siêu dịch vụ năm 2017 là 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
- Tăng nguồn thu của chính phủ: Phát triển du lịch đem lại lợi nhuận nhiều nhất vì chi phí thấp. Vì vậy, phát triển du lịch không chỉ tăng thu của doanh nghiệp mà nguồn thu của chính phủ cũng tăng thông qua thuế. Thu nhập của chính phủ từ thuế trong ngành du lịch gồm thuế trực tiếp và gián tiếp, đó là thuế thu nhập của các đơn vị và kinh doanh du lịch và thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (VAT) do khách du lịch (người tiêu dùng dịch vụ) đóng góp. Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ước tính năm 1988, du lịch đã đóng góp tất cả các khoản thuế khoảng 800 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm!
- Chi Phí Và Lợi Nhuận Dựa Trên Vị Trí (% Doanh Thu)
- Bản Chất Kinh Tế - Xã Hội Của Hiệu Quả
- Đo Lường Hiệu Quả Kinh Tế - Xã Hội Của Du Lịch
- Các Chỉ Tiêu Đo Lường Hiệu Quả Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp Du Lịch
- Kinh tế du lịch Phần 2 - 20
- Kinh tế du lịch Phần 2 - 21
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
- Khuyến khích nhu cầu nội địa: Khi phát triển du lịch cùng với văn minh lên cao tạo nhận thức của con người về dịch vụ du lịch tăng, phát triển nhu cầu tiêu dùng du lịch.
b. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch
Đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu:
- Thu nhập xã hội từ du lịch - là toàn bộ các phần thu được từ du lịch trong xã hội.
- Tỷ trọng của du lịch trong GDP.
- Xác định tỷ trọng xuất nhập khẩu du lịch trong quá trình hội nhập, quá trình phát triển kinh tế quốc tế trong du lịch. Chỉ tiêu này phản ánh sự ảnh hưởng trực tiếp của du lịch đối với cung cầu thị trường thương mại.
8.2.1.2. Đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch
a. Các tác động xã hội
Du lịch tác động đối với các quốc gia khác nhau vì mức độ phát triển của các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, các nước đang phát triển, các nước kém phát triển, khi du lịch phát triển tác động đến các mặt xã hội, bao gồm:
- Tạo cơ hội việc làm mới: Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Du lịch là ngành thu hút lao động rất lớn. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, cứ một việc làm trong ngành du lịch sẽ tạo ra 2,2 việc làm ở các ngành khác, lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch hiện chiếm hơn 10,7% tổng lao động trên toàn thế giới. Du lịch là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm nhất trên thế giới, ở tất cả các địa bàn từ các vùng đô thị, nông thôn và đặc biệt là ở cả vùng sâu, vùng xa.
Ở Việt Nam, năm 2015, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra
2.783.000 việc làm trực tiếp (5,2% tổng số việc làm). Dự báo đến năm 2026, sẽ tạo ra 3.553.000 việc làm trực tiếp với tốc độ tăng khoảng 2,4% mỗi năm trong vòng 10 năm tới (Hình 8.4).
Hình 8.4. Đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào việc làm năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
Năm 2015, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành vào việc làm (bao gồm cả những tác động đến từ đầu tư, chuỗi cung cấp, thu nhập phát sinh) là 6.035.500 việc làm (chiếm 11,2% tổng số việc làm). Đến năm 2026, dự báo ngành du lịch và lữ hành sẽ hỗ trợ tạo ra 7.632.000 việc làm (chiếm 12,3% tổng số lao động), tăng trung bình 2,3% mỗi năm trong giai đoạn này (Hình 8.5).
Hình 8.5. Tổng đóng góp của du lịch và lữ hành vào việc làm năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
Riêng với dịch vụ du lịch ở nước ta, tính đến cuối năm 2019, ngành du lịch có hơn 1,3 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; dịch vụ du lịch với các sản phẩm cộng đồng, du lịch bền vững cũng đã giúp xóa đói, giảm nghèo đáng kể cho nhiều vùng sâu, vùng xa của nước ta như Sapa (Lào Cai), Bản Lác (Hòa Bình),...; du lịch phát triển mang lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo đã góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư trong xã hội.
- Tái sản xuất sức lao động: Sự phát triển của dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe, tinh thần cho con người.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống, mở rộng giao lưu xã hội: Phát triển du lịch sẽ phát triển nhận thức về văn hóa, nghệ thuật, tập quán của
các địa phương khác nhau. Ảnh hưởng đến sự hiểu biết và đánh giá của người dân về văn hóa - xã hội.
- Phân phối lại thu nhập quốc dân: Du lịch tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân (sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kĩ thuật...) làm tăng tổng sản phẩm quốc nội và tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng.
- Giữ gìn, bảo vệ môi trường, nhận thức và đánh giá đúng vai trò của môi trường: Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bởi vậy, du lịch được định hướng quy hoạch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh - bền vững. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó tác động qua lại với nhiều ngành kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, trong đó quan hệ giữa du lịch và môi trường gắn kết hữu cơ với nhau: sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch phát triển chỉ khi môi trường được bảo vệ. Việc khai thác hợp lý, phục hồi, cải tạo và tái tạo tài nguyên du lịch sẽ làm tốt lên chất lượng môi trường du lịch, làm tăng sức hấp dẫn tại các điểm, khu du lịch. Ngược lại, việc khai thác không đồng bộ, không có các biện pháp phục hồi, tái tạo tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng sinh thái, gây nên sự giảm sút chất lượng môi trường, sự đi xuống của hoạt động du lịch cũng như chất lượng của môi trường du lịch ở khu vực đó.
- Tác động khác:
+ Ảnh hưởng hình mẫu cuộc sống của dân cư. Đặc biệt ở các nước đang phát triển vì sự tác động của khách tiêu dùng dịch vụ du lịch.
+ Cấu trúc xã hội của gia đình có thể bị thay đổi. Vì phát triển du lịch thu hút nhiều lao động nữ, người đàn ông không còn là trụ cột, xung đột gia đình, xung đột thế hệ.
+ Nảy sinh nhiều mối bất hòa về cách thức chi tiêu và tiết kiệm trong gia đình.
b. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch
Đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch thường mang tính chất định tính, bởi vậy để thuyết phục được lợi ích của sự phát triển du lịch đối với xã hội cần cố gắng lượng hóa cụ thể thành các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả xã hội.
* Phạm vi vĩ mô
- Số việc làm tạo ra trong lĩnh vực du lịch gồm số lao động trực tiếp và gián tiếp.
- Tỷ lệ lao động nữ trong tổng lao động du lịch. Theo thống kê, hiện nay tỷ trọng lao động nữ chiếm 2/3 tổng số lao động du lịch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, xuất phát từ các lý do tâm lý, tính chất của các công việc trong nghề du lịch đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thu nhập từ lao động du lịch không cao và không ổn định,...
- Số lao động làm thêm vào thời kỳ cao điểm/thời vụ, vì sử dụng lao động nhàn rỗi trong xã hội như người hưu trí, sinh viên,... điều này thể hiện chính sách xã hội của du lịch.
- Số lượng cơ sở du lịch/1000 dân, thể hiện mức sống của dân cư được cải thiện.
- Lợi ích và chi phí liên quan đến môi trường của hoạt động du lịch.
* Phạm vi vi mô
Tùy từng doanh nghiệp du lịch mà có tác động hiệu quả đến xã hội khác nhau, có thể sử dụng chỉ tiêu chung:
- Thời gian xếp hàng (thời gian chờ đợi trung bình/khách).
- Việc làm.
- Chế độ lao động (đãi ngộ lao động).
8.2.2. Đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch
8.2.2.1. Các quan điểm đo lường hiệu quả kinh doanh
Để đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch cần phải thống nhất quan điểm đo lường đầu vào, đo lường đầu ra và đo lường tỷ số hiệu quả.
Đo lường đầu vào là đo lường các nguồn lực cần thiết để sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất kinh doanh, những nguồn lực này sẽ chuyển hoá thành chi phí và thường được biểu hiện dưới dạng giá trị bao gồm chi phí sử dụng lao động, chi phí sử dụng vốn, chi phí cơ sở vật chất,...
Đo lường đầu ra được xác định cho toàn doanh nghiệp hoặc của từng nghiệp vụ/bộ phận kinh doanh. Đo lường đầu ra là kết quả hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ, kết thúc quá trình cung ứng sản phẩm đến tay khách hàng, bao gồm đo lường đầu ra cuối cùng và đầu ra trung gian. Trong đó, đầu ra cuối cùng là kết quả kinh doanh dịch vụ hoặc cung ứng dịch vụ gắn với tiêu dùng trực tiếp của khách hàng và được đo lường bằng chỉ tiêu giá trị (doanh thu, lợi nhuận) hoặc chỉ tiêu hiện vật (số khách sử dụng dịch vụ). Đầu ra trung gian là sự chuyển hóa đầu vào nhưng sản phẩm chưa đến tay khách hàng. Trong kinh doanh khách sạn, kết quả của bộ phận này là đầu vào của bộ phận khác. Đầu ra trung gian tồn tại khi quá trình cung ứng, tiêu thụ dịch vụ chưa kết thúc và được đo lường bằng chỉ tiêu hiện vật.
Đo lường tỷ số hiệu quả (đo lường tỷ số đầu ra và đầu vào): Tỷ số hiệu quả có tầm quan trọng và vị trí khác nhau trong doanh nghiệp, nó cũng phán ánh thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp khác nhau và có thể dùng để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Có một số loại tỷ số không mang bản chất hiệu quả, không phản ánh tương quan giữa đầu ra - đầu vào nhưng có thể sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh, đó là: Tỷ suất chi phí, tỷ suất lợi nhuận.