tiền đề là lý lẽ và kinh nghiệm của cổ nhân của lịch sử xa xưa. Các nhà văn đời sau thường “tập cổ” vay mượn văn liệu, thi tứ, hình ảnh nghệ thuật của các nhà thơ nhà văn đời trước mà không bị đánh giá là “đạo văn”. Ngược lại, họ được đánh giá là cây bút đạo đức, trang trọng, tác phẩm của họ rất giàu giá trị. Hồng Đức quốc âm thi tập là một tác phẩm như thế. Cụ thể ở đây, rất nhiều bài thơ sử dụng điển tích điển cố và thi liệu Hán học. Điển cố, điển tích là những tích chuyện xưa, thường kể về tấm gương hiếu thảo, anh hùng, đạo đức, hoặc những chuyện có triết lý nhân văn trong lịch sử (thường là của Trung Quốc). Trong văn hóa truyền thống, người ta cho rằng nhìn người chính là một cách để tự soi xét mình, lấy những điển tích kinh điển trong lịch sử làm tham chiếu để luận giải làm sáng tỏ ý mình muốn biểu đạt. Do vậy rất nhiều điển cố được nhắc đến trong Hồng Đức quốc âm thi tập và được xem như một chuẩn mực. Ta có thể dễ dàng liệt kê một loạt những điển cố trong tập thơ như: “Ba dương” (Họa vần bài vịnh tết Nguyên đán); “Ả Ngụy, nàng Diêu” (Lại vịnh cảnh mùa xuân); “Nam ngoa”, “Ngu Thuấn”, “Hy Hòa” (Vịnh cảnh mùa hè); “Quy Ưng”, “Tống Ngọc” (Lại Vịnh Cảnh mùa thu); “Thanh Vũ” (Lại vịnh cảnh mùa đông); “Chức Nữ”, “Khai Nguyên” (Lại vịnh trăng non); “Ông nọ ví đâu xe chỉ đỏ/ Nàng nào chơi đấy rẽ may xanh” (Trăng); “Uyên Minh”, “Phạm Lãi”, “khách tinh” (Họa vần bài vịnh trăng); “Thiềm cung”, “Củi hát tư mùa Ngô” (Nguyệt trung đan quế); “Họ Tô”, “Gã Lý”, “Tống hoàng” (Tháng mười); “núi Trĩ”, “hươu chùn cổ”, “khỉ ướt đuôi”, “người chực giỏ”, “kẻ cầm muôi” (Vịnh vua Cao tổ nhà Hán); “Thành Cốc”, “Ngũ Hồ” (Vịnh Trương Lương); “Thơm tho dòng Đậu cành đan quế/ Đầm ấm sân Điền khóm tử kinh/ Chớ chớ phen lê khi chử đậu” (Huynh đệ); “Dâng canh” (Tử đạo); “Chiêu hầu”, “Vương Mãnh” (Bạch sắt); “Báo ơn”, “Xuyên ngọc” (Nghĩ),… Việc sử dụng các điển cố này khiến cho lời thơ cô đọng, hàm súc tuy vậy lại giàu tính hình tượng và gợi liên tưởng. Khảo sát bất kỳ bài thơ
nào có điển tích điển cố trong tập thơ, ta đều dễ dàng nhận ra những ưu điểm trong việc biểu đạt nội dung và nghệ thuật mà nó mang lại. Ví dụ như:
Tề Khương, Tống Tử gạ nào xong Chàng lại hương quan đoái thiếp.
(Lãng ngâm, bài 3, Nhàn ngâm chư phẩm thi tập)
“Tề Khương, Tống Tử” là điển được dẫn trong sách Mao thi đại ý nói: “lấy vợ không cần phải kén chọn con nhà quyền quý, mà cốt lấy được người có đức trinh thuận là hơn. Cũng ví như vua dùng bầy tôi, không cứ phải bậc thánh hiền, mà cốt dùng người có trung hiếu là hơn” [3, tr.216]. Như vậy, chỉ với một điển tích nằm vẻn vẹn trong bốn chữ mà ý nghĩa đạo đức Nho giáo được truyền tải một cách sâu sắc. Sử dụng điển cố được xem như là một đặc trưng cơ bản của văn học trung đại, thể hiện đầy đủ quan niệm thẩm mĩ và triết học cổ của người phương Đông. Khi chữ Nôm chưa hình thành, văn học chữ Hán của Việt Nam phần lớn mượn dùng các điển gốc Hán, đọc theo âm đọc Hán Việt. Bên cạnh đó tập thơ sử dụng rất nhiều các thi liệu Hán học cổ được lấy từ Sử ký, Mao thi, Hán quan nghi, Luận ngữ, Hoài Nam tử… Điều này khiến các bài thơ tuy ngắn gọn mà như chứa đựng cả một câu chuyện lịch sử dài. Điển hình như:
Nhiều phen làm bạn trong song Tống, Mấy phút đưa người khỏi đỗi Tần.
Dầu nhẫn hôm nào phong vũ nữa, Ắt chăng chẳng phụ chức tư thần.
(Kê, bài 61, Phẩm vật môn)
Bốn câu thơ mà nhắc được đến chuyện Tống Xử Tông nuôi gà trong U minh lục, Mạnh Thường quân trốn thoát khỏi nước Tần được ghi trong Sử ký, thậm chí dẫn điển câu thơ trong sách Mao thi: “Phong vũ như hối, kế minh bất di”. Tất cả những điều đó mở ra một không gian cổ xưa đầy triết lý khi nói
về đạo, về cảnh, về cuộc sống… Hồng Đức quốc âm thi tập được viết bằng chữ Nôm nhưng lại sử dụng và khai thác triệt để các thi liệu của Trung Quốc. Phải chăng đây là bút pháp không thể thiếu khi các tác giả trung đại muốn biểu đạt “chí”, “đạo” theo tư tưởng Nho giáo, thậm chí, cảnh vật thiên nhiên cũng đều được miêu tả mang hơi hướng Đường thi.
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh Hưởng Tư Tưởng Nho Giáo Trong Nội Dung Tác Phẩm
- Mối Quan Hệ Xã Hội Trong Nền Nếp Tam Cương, Ngũ Thường
- Ảnh Hưởng Tư Tưởng Nho Giáo Trong Bút Pháp Nghệ Thuật Tác Phẩm
- Sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong Hồng Đức Quốc âm thi tập - 9
Xem toàn bộ 73 trang tài liệu này.
2.3.3. Bút pháp vịnh
Bút pháp vịnh là bút pháp quen thuộc thường được các nhà Nho sử dụng khi muốn mượn cớ vịnh một đối tượng nào đó để thuyết minh, giáo huấn về đạo đức và bày tỏ quan điểm của bản thân về cuộc đời và xã hội. Đề tài lịch sử có vị trí nổi bật trong Hồng Đức quốc âm thi tập và hầu hết là vịnh về nhân vật lịch sử. Đó là những nhân vật ở cả Việt Nam và Trung Quốc: Ngưu Lang Chức Nữ (3 bài), Thánh Gióng (1 bài), Chử Đồng Tử (1 bài), Triệu Ân (1 bài), Trưng Vương (1 bài), Lý Ông Trọng (1 bài), Lê Du (1 bài), Lương Thế Vinh (1 bài), Nguyễn Trực (1 bài), Vũ Nương (2 bài), Mỵ Ê (1 bài), chùm thơ về Lưu Nguyễn (12 bài), Vương Chiêu Quân (3 bài), Tô Vũ (2 bài), Khổng Tử (3 bài), Quan Vân Trường (6 bài), Gia Cát Lượng (1 bài), Triệu Tử Lang (1 bài), Tào Tháo (1 bài), Điêu Thuyền (1 bài), Hán Cao Tổ (1 bài), Hạng Vũ (1 bài), Trương Lương (1 bài), Tiêu Hà (1 bài), Hàn Tín (1 bài), Mẹ Vương Bằng (1 bài). Bên cạnh đó có một bài vịnh về địa danh lịch sử là Bạch Đằng giang nằm trong phần Phong cảnh môn. Như vậy, cảm hứng về lịch sử trong Hồng Đức quốc âm thi tập chủ yếu bắt nguồn từ “nhân kiệt” chứ không bắt nguồn từ “địa linh”. Các nhân vật lịch sử Trung Quốc chiếm số lượng đông đảo và trở thành đối tượng chính trong các bài thơ vịnh. Đó là những nhân vật lịch sử tập trung ở hai thời đại: thời Xuân Thu và thời Hán. Thời Xuân Thu chỉ có nhân vật Khổng Tử với 3 bài vịnh còn lại là các nhân vật thời Hán. “Cảm hứng về các nhân vật lịch sử thời Hán vẫn là cảm hứng mang đậm dấu ấn thời đại. Văn học thời Lê sơ không thiếu những bài văn, bài
thơ so sánh sự nghiệp Lê Thái Tổ với sự nghiệp Lưu Bang, so sánh những anh tài thời khởi nghĩa Lam Sơn với thời Hán tam kiệt. Tác giả thời Hồng Đức đã khai thác đề tài vịnh các nhân vật lịch sử thời Hán để đề cao đạo đức, lý tưởng Nho giáo, phục vụ cho triều đại Lê Thánh Tông và chế độ phong kiến nói chung” [7, tr.152]. Mỗi nhân vật trở thành đối tượng vịnh đều mang ý đồ sáng tác, tiêu biểu cho một tư tưởng đạo đức nào đó của Nho giáo.
Đáng lưu ý là những bài thơ vịnh về địa danh và nhân vật lịch sử Việt Nam. Về địa danh lịch sử, chỉ với một bài thơ viết về sông Bạch Đằng cũng đủ nói lên được niềm tự hào trước chiến công huy hoàng trong quá khứ và ý thức của con người thời đại về cuộc sống thanh bình trong hiện tại:
Lẻo dẻo doành xanh nước tựa dầu, Trăm ngòi, ngàn lạch chảy về chầu. Rửa không thay thảy thằng Ngô dại, Dịa mọi lâng lâng khách Việt hầu. Nọ đỉnh Thái – sơn rành rạch đó, Nào hồn Ô mã lạc loài đâu?
Bốn phương phẳng lặng kình bằng thóc, Thong thả dầu ta bủa lưới câu.
(Bạch Đằng giang, bài 34, Phong cảnh môn)
Với nhân vật lịch sử, tác phẩm Hồng Đức quốc âm thi tập đề cao những tấm gương cứu nước thời Hùng Vương như Phù Đổng thiên vương, Chử Đồng Tử; thời nghìn năm đấu tranh giành quyền tự chủ như Lí Ông Trọng, Trưng Vương, Triệu Trinh nương. Đặc biệt một số nhân vật đương thời như Lê Khôi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trực cũng được các tác giả ngợi ca và bày tỏ lòng tiếc thương khi họ thành người thiên cổ. Cảm hứng chung bao trùm đề tài, chủ đề viết về nhân vật lịch sử Việt Nam là cảm hứng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả có ý
thức về sự gắn bó chặt chẽ giữa họ với đất nước, nhân dân, dân tộc. Phù Đổng thiên vương “âm phù quốc thế vững bằng non”, Chử Đồng Tử giúp “Triệu Việt nạn xong nên nghiệp cả”. Họ đã làm nên lịch sử dân tộc và lịch sử dân tộc đời đời ghi ơn họ:
Anh linh miếu dòi lừng hương khói Còn nước, còn non, tiếng hãy còn
(Chử Đồng Tử, bài 85, Nhàn ngâm chư phẩm
thi tập)
Thơ vịnh sử bên cạnh gửi gắm tâm trạng chủ quan của tác giả thì chủ yếu là giải quyết những vấn đề của lịch sử. Khác với những thể loại văn học phản ánh hiện thực lịch sử, thơ vịnh sử đặt nặng vấn đề suy tư lịch sử. Trước Hồng Đức quốc âm thi tập đã có nhiều bài thơ vịnh các nhân vật lịch sử Trung Quốc và được viết bằng chữ Hán. Đề tài, chủ đề vịnh sử Nôm chỉ thực sự được khai mở từ Hồng Đức quốc âm thi tập. Do thái độ sùng cổ và mục đích giáo hóa của văn chương, văn học mới có đề tài vịnh sử. Lê Thánh Tông và những văn thần thời ông hiểu rò sự tồn tại của thời đại mình bắt nguồn từ đâu. Ông đã kế tục sự nghiệp dựng nước trên những thành quả đổi bằng xương máu của các thế hệ trước. Mục đích giáo huấn của Nho giáo và những chiêm nghiệm về lịch sử trong Hồng Đức quốc âm thi tập đã được các tác giả thể hiện thành công qua bút pháp vịnh sử - bút pháp đắc địa khi muốn truyền đạt tư tưởng này.
Tiểu kết chương 2
Như vậy có thể thấy tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng tới toàn bộ nội dung tác phẩm Hồng Đức quốc âm thi tập và nội dung lại quyết định bút pháp nghệ thuật thể hiện. Ngôn từ trang nhã, lấy cổ xưa làm mẫu mực, sử dụng bút pháp vịnh theo định hướng Nho giáo là nghệ thuật quen thuộc ta bắt gặp trong văn học trung đại khi các giả dùng văn chương với mục đích “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Việc sử dụng nhiều thi liệu Hán học để biểu đạt khiến cho các bài thơ mang tính chất khuôn sáo, trùng lặp. Tuy nhiên, đó là đặc điểm nghệ thuật chung của văn học thời kì này. Đặt vào bối cảnh thời đại, bối cảnh văn học thời bấy giờ thì tập thơ được coi là tuyên ngôn đạo đức của cả một triều đại dân tộc, là thứ văn chương lịch sử cao quý. Đó chính là kết quả của cuộc sinh hoạt nghệ thuật cung đình mang tính công dân đầy trang trọng và nghiêm túc.
KẾT LUẬN
Có thể nói, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong Hồng Đức quốc âm thi tập là rất mạnh mẽ và rò rệt trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Để lý giải điều này, chúng ta tìm về bối cảnh xã hội thế kỉ XV khi tác phẩm Hồng Đức quốc âm thi tập ra đời. Đó là thời kì Nho học đạt tới mức cực thịnh còn Phật, Đạo mất dần địa vị. Để suy tôn Nho giáo lên thành quốc giáo, chủ trương thiết lập kỉ cương xã hội thời bình theo nguyên tắc đạo đức của Nho giáo, Lê Thánh Tông cấm in sách Phật, cấm tự tiện xây chùa, tô tượng đúc chuông. Điều đó chứng tỏ một điều: Thời đại nào thì văn học đó. Thời đại Hồng Đức thế kỉ XV, Nho giáo phát triển, hơn nữa tác giả của Hồng Đức quốc âm thi tập là vua, quan, là môn đệ của Nho giáo nên tác phẩm mang nặng tư tưởng Nho giáo là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên đôi khi tác phẩm nhìn Nho giáo với thái độ quá tôn sùng và tuyệt đối hóa tư tưởng Nho giáo khiến một số bài thơ có tư tưởng hơi cực đoan như: “Hết lòng uống máu vì nhà chúa”. Song có thể nói, các tư tưởng đạo đức mà thơ ca Hồng Đức thể hiện đều tích cực bằng chứng cụ thể là nhà vua đã xây dựng được triều đại phong kiến hoàng kim trong lịch sử dân tộc dựa trên nền tảng các tư tưởng đó. Hồng Đức quốc âm thi tập nói riêng và các tác phẩm chữ Hán của Lê Thánh Tông nói chung đã đảm nhiệm đúng chức năng của văn học thời bấy giờ: tải đạo, nói chí, truyền bá tư tưởng đạo đức mong muốn cho xã hội phát triển tốt đẹp. Văn chương dùng để nói đạo thường khô khan và các thủ pháp nghệ thuật thường đi theo một khuôn mẫu, kìm nén sự sáng tạo của các tác giả - đó là đặc điểm chung không thể tránh khỏi của dòng chảy văn học này. Tuy nhiên mục đích sáng tác của tập thơ vẫn được hoàn thành một cách xuất sắc. Ở đây, con người từ đấng quân vương đến dân thường đều được nhìn ở phương diện đạo đức, ý thức trách nhiệm bổn phận trong mối quan hệ với những người xung quanh theo quy chuẩn của Nho giáo.
Hồng Đức quốc âm thi tập đã đóng góp một thành tựu to lớn vào văn hiến Đại Việt, làm khởi sắc cho nền văn học dân tộc. Tác phẩm là sự kế thừa và phát triển thành công về cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Lần đầu tiên ở nước ta, thơ Nôm được nâng lên địa vị cung đình, mang tầm vóc quốc gia, sánh ngang với thơ chữ Hán. Tập thơ mang một giá trị mới vì nó được sáng tác bởi Nhị thập bát tú – những thi nhân kiệt xuất của thời đại, được sáng tác bởi bút pháp nghệ thuật trang nhã cổ xưa. Và hơn hết, giá trị của tập thơ nằm ở nội dung và mục đích nó phản ánh – tư tưởng đạo đức Nho giáo. Nhìn chung, có thể nói nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong Hồng Đức quốc âm thi tập khiến cho tác phẩm được nhìn nhận một cách phong phú hơn, nó khiến cho sự nghiên cứu về tập thơ được toàn diện, tương xứng với tầm vóc, giá trị và vị trí tác phẩm trong tiến trình văn học sử dân tộc. Khóa luận đóng góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu giá trị của Hồng Đức quốc âm thi tập trong nền văn học Việt Nam trung đại. Cũng từ đây, ta lý giải được tại sao thời đại Hồng Đức lại là thời kì phong kiến thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc ta, nó minh chứng cho quan niệm: “Văn học là tấm gương phản ánh chân thực lịch sử”.