Có 2 nhóm hành vi có vấn đề ở mức độ nặng và 3 nhóm hành vi có vấn đề ở mức độ trung bình. Rõ ràng HS rối loạn AD/HD thể hiện hành vi thiếu chú ý trong học tập, tổ chức sắp xếp kém ở mức độ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên; hành vi khó khăn trong giao tiếp ứng xử, hành vi không tuân thủ nội quy quy định và hành vi chống đối thể hiện ở mức độ hiếm khi hoặc thỉnh thoảng.
Nhóm hành vi HS rối loạn AD/HD thể hiện ở mức độ thường xuyên nhất là hành vi thiếu chú ý trong học tập (M= 3.63, SD= 0.69). Xếp ở vị trí thứ hai là hành vi yếu kém về kĩ năng tổ chức sắp xếp kém (M= 3.46, SD= 0.58). Tiếp theo là hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định (M= 3.33, SD= 0.65), rối loạn hành vi giao tiếp ứng xử (M= 3.14, SD= 0.61). Cuối cùng là những hành vi liên quan đến sự chống đối (M= 2.84; SD= 0.45).
Đánh giá mức độ thể hiện hành vi của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học được thể hiện qua biểu đồ sau:
Biểu đồ 2.2. Mức độ biểu hiện các nhóm hành vi của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
2.2.1.2. Thực trạng hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
Chúng tôi khảo sát 07 biểu hiện hành vi cụ thể trong nhóm hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định của HS rối loạn AD/HD trong lớp tiểu học hòa nhập. Kết quả được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 2.3. Thực trạng hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định của HS
rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
15
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Nói/ trả lời tự do | 47 | 4.26 | 0.70 | 2 | Rất nặng |
Luôn gây ồn ào | 47 | 2.64 | 0.60 | 5 | Trung bình |
Đi ra ngoài tự do | 47 | 3.55 | 0.82 | 3 | Nặng |
Luôn nhấp nhổm, không ngồi yên tại chỗ | 47 | 4.32 | 0.95 | 1 | Rất nặng |
Gây mất vệ sinh lớp học | 47 | 2.38 | 0.49 | 7 | Nhẹ |
Không ngồi đúng vị trí | 47 | 2.62 | 0.49 | 6 | Nhẹ |
Không làm theo hướng dẫn của GV | 47 | 3.51 | 0.54 | 4 | Nặng |
Chung | 3.33 | 0.65 | Trung bình |
Có thể bạn quan tâm!
- Giáo Dục Hành Vi Cho Học Sinh Tăng Động Giảm Chú Ý Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
- Biện Pháp Giáo Dục Hành Vi Cho Hs Rối Loạn Ad/hd Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
- Khảo Sát Thực Trạng Hành Vi Của Hs Rối Loạn Ad/hd Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
- Thực Trạng Gdhv Cho Hs Rối Loạn Ad/hd Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
- Thực Trạng Thực Hiện Các Phương Pháp Gdhv Cho Học Sinh Ad/hd Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
- Thực Trạng Đánh Giá Kết Quả Gdhv Cho Hs Rối Loạn Ad/hd Học Hòa Nhập Ở Đầu Cấp Tiểu Học
Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.
Hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định thể hiện thường xuyên nhất của HS rối loạn AD/HD trong lớp tiểu học hòa nhập là hành vi Luôn nhấp nhổm, không ngồi yên tại chỗ (M= 4.32, SD= 0.95, thứ bậc 1). Mức độ biểu hiện của hành vi này có độ phân tán lớn (SD= 0.95) chứng tỏ biểu hiện hành vi “Luôn nhấp nhổm, không ngồi yên tại chỗ” của HS rối loạn AD/HD có sự khác nhau giữa các HS, có HS biểu hiện ở mức độ rất nặng nhưng cũng có những HS biểu hiện ở mức độ nhẹ. Hành vi “Đi ra ngoài tự do” (M= 3.55, SD= 0.82, thứ bậc 3). Hai hành vi này gắn liền với triệu chứng tăng động, vốn là hành vi bắt nguồn từ yếu tố sinh học và diễn ra rất thường xuyên ở HS rối loạn AD/HD. Hành vi HS thể hiện nhiều tiếp theo là Nói/trả lời tự do (M= 4.26, SD= 0.70, thứ bậc 2), bao gồm việc tự nói, nói chuyện với bạn một cách tự do hoặc tự do trả lời mà không giơ tay xin phép.
Một số HS có hành vi Không làm theo hướng dẫn của GV (M= 3.51, SD= 0.54). Các hành vi không làm theo hướng dẫn của GV được thể hiện ở nhiều yêu cầu với các mức độ khác nhau. Khi được hỏi Học sinh rối loạn AD/HD trong lớp của cô thường có hành vi gì?, cô P.T.T chia sẻ: “Học sinh rối loạn AD/HD không thực hiện theo những hướng dẫn bằng lời nói của cô, ngay cả hướng dẫn đơn giản như lấy sách, lấy vở. Đôi khi không phải do HS không hiểu hướng dẫn mà là em
không để ý và không làm theo. Tôi thường phải xuống chỗ em hỗ trợ hoặc nhờ bạn bên cạnh hỗ trợ”. Học sinh rối loạn AD/HD cũng thường Luôn gây ồn ào (M= 2.64, SD= 0.60). Biểu hiện cụ thể của hành vi gây ồn ào của HS là la hét, khóc hoặc nói to, đôi khi là xô đẩy bàn ghế. Ngoài ra có một số ít HS có các hành vi Không ngồi đúng vị trí (M= 2.62, SD= 0.49) và hành vi Gây mất vệ sinh lớp học như vứt rác hay đi vệ sinh không đúng nơi quy định (M= 2.38, SD= 0.49). Mức độ biểu hiện của hai hành vi này có độ phân tán thấp (SD= 0.49) chứng tỏ HS rối loạn AD/HD chủ yếu thể hiện hành vi này ở mức độ nhẹ. Ít HS biểu hiện ở mức độ nặng.
Như vậy, kết quả khảo sát đã chỉ ra, HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học có hành vi khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định lớp học. Cụ thể, các em có thể luôn nhấp nhổm, đi lại tự do, nói tự do, không làm theo hướng dẫn của GV… Những hành vi này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tham gia của HS trong lớp học và việc giảng dạy của GV, việc học tập của các HS khác. Do đó, việc GDHV tuân thủ nội quy quy định cho HS rối loạn AD/HD là rất cần thiết.
2.2.1.3. Thực trạng hành vi thiếu chú ý trong học tập của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
Kết quả khảo sát biểu hiện hành vi thiếu chú ý khi học tập của HS rối loạn AD/HD được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 2.4. Thực trạng hành vi thiếu chú ý trong học tập của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
15
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Không chú ý lắng nghe giáo viên giảng bài | 47 | 4.06 | 0.63 | 2 | Nặng |
Khó khăn khi nghe hướng dẫn bằng lời | 47 | 3.30 | 0.68 | 7 | Trung bình |
Không chú ý vào nhiệm vụ, bài tập | 47 | 4.13 | 0.85 | 1 | Nặng |
Khó bắt đầu nhiệm vụ | 47 | 3.23 | 0.52 | 8 | Trung bình |
Khó duy trì chú ý vào nhiệm vụ, bài tập | 47 | 4.00 | 0.65 | 3 | Nặng |
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Không hoàn thành bài tập ở lớp (không phải do chống đối hay không hiểu hướng dẫn) | 47 | 3.36 | 0.64 | 6 | Trung bình |
Hay quên chép bài, quên làm bài tập về nhà, quên mang sách bài tập | 47 | 3.19 | 0.82 | 9 | Trung bình |
Thời gian chú ý vào nhiệm vụ ngắn | 47 | 3.96 | 0.72 | 4 | Nặng |
Dễ bị xao lãng bởi các kích thích không liên quan | 47 | 3.43 | 0.68 | 5 | Nặng |
Chung | 3.63 | 0.69 | Nặng |
Hành vi thiếu chú ý trong học tập là hành vi phổ biến ở HS rối loạn AD/HD, kể cả nhóm HS giảm chú ý và tăng động/hấp tấp. Các hành vi chú ý khi học tập phổ biến như: Không chú ý vào nhiệm vụ, bài tập được thể hiện nhiều nhất ở HS rối loạn AD/HD (M= 4.13, SD= 0.85), có HS không chú ý ở mức độ rất nặng nhưng cũng có những HS ở mức nhẹ. Không chú ý lắng nghe GV giảng bài (M= 4.06, SD= 0.63). Cô T.T.H cho biết: “Các em thường có vẻ chú ý đi nơi khác, không để ý vào nhiệm vụ, bài tập cũng như không chú ý vào bài giảng. Tôi thường phải nhắc nhở nhiều”. Khi HS đã chú ý vào nhiệm vụ, bài tập thì các em cũng Khó duy trì được sự chú ý (M= 4.00, SD= 0.65). Thời gian chú ý vào nhiệm vụ của các em ngắn (M= 3.96, SD= 0.72). Một số em chỉ chú ý được một vài phút sau đó lại di chuyển chú ý sang cái khác. Học sinh rối loạn AD/HD đã khó chú ý và duy trì chú ý vào nhiệm vụ nhưng cũng rất dễ bị xao lãng bởi các kích thích không liên quan (M= 3.43, SD= 0.68). Cô N.T.Đ cho biết: “Học sinh rối loạn AD/HD bị phân tán chú ý bởi nhiều loại kích thích như: tiếng bước chân ngoài hành lang, tiếng các bạn nói chuyện, hành động của các bạn...”
Việc thiếu chú ý khi học tập của HS dẫn đến một số hệ quả như: Không hoàn thành bài tập ở lớp (M= 3.36 , SD= 0.64), Hay quên chép bài, quên làm bài tập về nhà, quên mang sách bài tập (M= 3.19, SD= 0.82). Có HS hay quên nhưng cũng có những HS vẫn nhớ để chép bài, làm bài.
Kết quả sử dụng kiểm định hệ số tương quan Pearson giữa các biến số trong nhóm hành vi thiếu chú ý trong học tập của HS rối loạn AD/HD (phụ lục 9a) cho thấy:
Biến số “Không lắng nghe GV giảng bài” tương quan thuận với biến số “Khó bắt đầu nhiệm vụ” (r=0.674**, p< 0.01), biến số “Không hoàn thành bài tập ở lớp” (r=0.686**, p< 0.01). Điều đó có nghĩa HS cần được GDHV lắng nghe GV giảng bài để hiểu bài thì mới có thể bắt đầu nhiệm vụ và hoàn thành bài tập và ngược lại.
Biến số “Không chú ý vào nhiệm vụ, bài tập” có quan hệ thuận với biến số “Khó duy trì chú ý vào nhiệm vụ, bài tập” (r= 0.621**, p< 0.01) và biến số “Không hoàn thành bài tập ở lớp” (r= 0.592**, p< 0.01). Như vậy tăng cường khả năng tập trung chú ý vào nhiệm vụ cho HS, từ đó giúp HS duy trì chú ý vào nhiệm vụ và tăng mức độ khả năng hoàn thành bài tập ở lớp. Bên cạnh đó muốn HS hoàn thành được bài tập thì cần tăng cường sự chú ý của HS vào nhiệm vụ, bài tập.
Biến số “Khó bắt đầu nhiệm vụ” có quan hệ thuận và chặt chẽ với biến số “Không hoàn thành bài tập ở lớp” với mức ý nghĩa (r= 0.589**, p< 0.01). Điều đó có nghĩa khi HS khó bắt đầu nhiệm vụ thì cũng khó có thể hoàn thành bài tập ở lớp và muốn HS hoàn thành bài tập ở lớp thì cần dạy HS cách bắt đầu nhiệm vụ. Biến số “Thời gian chú ý vào nhiệm vụ ngắn” có tương quan thuận với biến số “Dễ bị xao lãng bởi các kích thích không liên quan” (r= 0.611**, p< 0.01). Như vậy có thể thấy những HS có thời gian chú ý ngắn thường dễ bị xao lãng bởi các kích thích. Do đó để HS có thể tập trung vào nhiệm vụ, GV cần sắp xếp môi trường giúp giảm thiểu các kích thích gây xao lãng.
Như vậy, kết quả khảo sát đã chỉ ra, HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học thể hiện rất nhiều hành vi liên quan đến việc thiếu chú ý khi học tập. Các hành vi này khiến HS gặp khó khăn trong học tập. Do đó, GV và cha mẹ cần thực hiện GDHV này cho HS.
2.2.1.4. Thực trạng hành vi yếu kém về kĩ năng tổ chức sắp xếp của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
Kết quả khảo sát biểu hiện hành vi liên quan đến tổ chức sắp xếp của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học thể hiện ở bảng sau:
Bảng 2.5. Thực trạng hành vi yếu kém về kĩ năng tổ chức sắp xếp của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
15
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Không chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập trước khi đến lớp | 47 | 2.77 | 0.42 | 6 | Trung bình |
Để đồ dùng lộn xộn | 47 | 4.36 | 0.64 | 1 | Rất nặng |
Không dành thời gian để soát và sửa lỗi | 47 | 3.30 | 0.54 | 4 | Trung bình |
Thực hiện nhiệm vụ một cách lộn xộn, cẩu thả, không cân nhắc kĩ lưỡng | 47 | 3.74 | 0.73 | 2 | Nặng |
Thường mắc lỗi do bất cẩn, bài tập mắc nhiều lỗi, tẩy xóa nhiều | 47 | 3.40 | 0.61 | 3 | Nặng |
Hay mất hoặc hỏng những thứ cần thiết cho các nhiệm vụ (sách, vở, bút, tẩy…) | 47 | 3.19 | 0.57 | 5 | Trung bình |
Chung | 3.46 | 0.58 | Nặng |
Biểu hiện hành vi Để đồ dùng lộn xộn thể hiện nhiều nhất ở HS rối loạn AD/HD trong lớp học hòa nhập (M= 4.36, SD= 0.64). Qua phỏng vấn GV và cha mẹ HS cho thấy, các em thường để đồ dùng lộn cả khi học tập và sinh hoạt, biểu hiện cụ thể như: để sách vở, đồ dùng học tập trong ba lô một cách lộn xộn; sách vở và đồ dùng để trên bàn học một cách lộn xộn; giá sách, giường ngủ thiếu ngăn nắp; đồ dùng cá nhân không được kiểm soát và sắp xếp gọn gàng. Hành vi Thực hiện nhiệm vụ một cách lộn xộn, cẩu thả, không cân nhắc kĩ lưỡng cũng được thể hiện một cách khá thường xuyên (M= 3.74, SD= 0.73). Khi làm xong bài tập HS rối loạn AD/HD cũng Không dành thời gian để soát và sửa lỗi (M= 3.30, SD= 0.54).
Khó khăn trong tổ chức sắp xếp khiến HS rối loạn AD/HD hay mất hoặc hỏng những thứ cần thiết cho các nhiệm vụ như sách, vở, bút, tẩy… (M= 3.19, SD= 0.57). Mẹ HS Đ.Đ.T cho biết: “Gần như ngày nào con cũng mất đồ dùng học tập, đặc biệt là bút chì, tẩy. Con không biết quản lý và giữ gìn đồ dùng học tập. Đôi khi các bạn trêu và lấy hoặc giấu đồ dùng con cũng không để ý”. Học sinh rối loạn AD/HD cũng gặp khó khăn trong việc Không chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập
trước khi đến lớp (M= 2.77, SD= 0.42). Hành vi HS chủ yếu biểu hiện ở mức độ trung bình. Theo chia sẻ của một số mẹ thì các mẹ thường phải nhắc nhở, hướng dẫn và hỗ trợ con chuẩn bị sách vở và đồ dùng trước khi đến lớp.
Như vậy, kết quả khảo sát đã chỉ ra, HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học có một số khó khăn về kĩ năng tổ chức sắp xếp. Những khó khăn này khiến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các em bị cản trở nhiều.
2.2.1.5. Thực trạng hành vi chống đối của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
Bảng 2.6. Thực trạng hành vi chống đối của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
15
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Không làm theo yêu cầu hoặc quy tắc của giáo viên | 47 | 4.19 | 0.61 | 1 | Nặng |
Hay cãi lời GV | 47 | 3.06 | 0.52 | 3 | Trung bình |
Dễ tức giận và mất bình tĩnh | 47 | 3.32 | 0.66 | 2 | Trung bình |
Hay thù hằn | 47 | 2.40 | 0.53 | 5 | Nhẹ |
Cố tình làm phiền người khác | 47 | 2.74 | 0.76 | 4 | Trung bình |
Chung | 3.14 | 0.61 | Trung bình |
Hành vi chống đối HS rối loạn AD/HD thể hiện nhiều nhất đó là Không làm theo yêu cầu hoặc quy tắc của GV (M= 4.19, SD= 0.61). Bên cạnh đó cảm xúc của HS rối loạn AD/HD dễ thay đổi, các em Dễ tức giận và mất bình tĩnh (M= 3.32, SD= 0.66). Cô L.T.L chia sẻ: “Học sinh rối loạn AD/HD dễ nổi cáu trước các tình huống hơn các HS khác. Khi tức giận các em thường mất bình tĩnh và có những hành động bột phát như đập phá đồ đạc, đánh bạn”. Ngoài ra có một số HS có biểu hiện hành vi Cãi lời GV (M= 3.06, 0.52), cố tình làm phiền người khác như xen vào trò chơi, làm đổ hoặc làm hỏng sản phẩm trong trò chơi của các bạn (M= 2.74, SD= 0.76), Hay thù hằn (M= 2.40, SD= 0.53).
Kiểm tra sự tương quan (phụ lục 9b) cho thấy: Biến số “Không làm theo yêu
cầu hoặc quy tắc của GV” có quan hệ thuận với biến số “Hay cãi lời GV” (r= 0.768**, p <0.01). Điều đó có nghĩa muốn HS giảm hành vi cãi lời, GV cần giúp HS hiểu và thực hiện theo các yêu cầu và quy tắc. Khi HS hiểu và thực hiện được các yêu cầu và quy tắc thì hành vi cãi lời GV cũng sẽ giảm.
Biến số “Dễ tức giận và mất bình tĩnh” có tương quan thuận với các biến số còn lại trong nhóm: “Không làm theo yêu cầu GV” (r= 0.810**, p <0.01), “Hay cãi lời GV” (r= 0.686**, p <0.01), “Hay thù hằn” (r= 0.545**, p = <0.01), “Cố tình làm phiền người khác” (r= 0.593**, p <0.01). Cảm xúc của HS ảnh hưởng đến sự tham gia của các em vào các hoạt động ở lớp học hòa nhập. Do đó GDHV cho HS rối loạn AD/HD cần gắn liền với hỗ trợ HS điều hòa và kiểm soát cảm xúc.
Như vậy, kết quả khảo sát đã chỉ ra, một số HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học có hành vi chống đối. Tuy nhiên, hành vi này xuất hiện ít hơn so với các hành vi khác.
2.2.1.6. Thực trạng rối loạn hành vi giao tiếp ứng xử của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
Bảng 2.7. Thực trạng rối loạn hành vi giao tiếp ứng xử của HS rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học
15
N | M | SD | Thứ bậc | Mức độ hành vi | |
Không chủ động chào hỏi thầy cô | 47 | 3.55 | 0.90 | 2 | Nặng |
Không biết kết bạn | 47 | 3.45 | 0.61 | 3 | Nặng |
Không duy trì được mối quan hệ bạn bè | 47 | 3.32 | 0.59 | 4 | Trung bình |
Không hợp tác với bạn trong hoạt động học tập và vui chơi | 47 | 4.02 | 0.60 | 1 | Nặng |
Trêu chọc bạn | 47 | 3.02 | 0.44 | 6 | Trung bình |
Khởi xướng việc đánh nhau | 47 | 1.19 | 0.39 | 7 | Không có vấn đề |
Nghịch hoặc làm hỏng đồ | 47 | 3.06 | 0.52 | 5 | Trung bình |