Những Tác Gia Và Tác Phẩm Tùy Bút Tiêu Biểu Trong Văn Học Việt Nam

78


vẫn vi vút như tiếng gió thổi qua mảnh vườn cây trái sum suê mát rượi (...). Đi trên những vùng đất ấy, lòng ta thêm trong sáng, lòng tràn ngập niềm tự hào. Bởi qua cái thử thách khắc nghiệt nhất, sức sống chiến đấu của chúng ta đã chiến thắng cái tàn bạo của quân thù” [224; 93].

Một khi ý thức và tình cảm công dân đã dâng tràn đến cao trào, biến thành cảm hứng sáng tác thì trữ tình là phương tiện giãi bày thích hợp nhất. Trữ tình kết hợp với chính luận là chất nhạc nền của âm hưởng sử thi:

“Đây là thời đại anh hùng của một dân tộc anh hùng. Người người, lớp lớp xông ra tiền tuyến. Hơn bao giờ hết, giờ đây ba tiếng “ra tiền tuyến” hấp dẫn, thôi thúc lòng người lạ thường (...). Giờ đây cao đẹp, vinh dự nhất, hạnh phúc nhất là được ra tiền tuyến đánh Mỹ, cứu nước” (Đường ra tiền tuyến - Lê Quang Hòa).

“Hãy nghe nhịp bước dồn của hàng triệu bàn chân đang tiến về phía trước như nước chảy, như gió nổi, như biển dâng. Vui biết bao nhiêu, hả hê biết bao nhiêu ngày hội lên đường ngàn năm có một này, ngày hội lên đường chiến đấu để vĩnh viễn xóa sạch mọi đau thương trên khắp đất nước thân yêu. Ở bến phà này, ở nhịp cầu kia, gần một nghìn đêm qua đã thức với miền Nam, đã nghĩ về phía trước; gần một nghìn đêm qua đã đưa hàng vạn chuyến xe hối hả sang sông. Ai cũng nghe như có tiếng nhủ thì thầm của đất nước, cỏ cây, thôn xóm: phía trước đang chờ ! Phía trước đang chờ !” (Phía trước - Khánh Vân).

Thiên tùy bútnổi tiếng Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành đã thể hiện những cảm nhận sâu sắc về lịch sử bi hùng của dân tộc, đồng thời khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển trong mỗi con người Việt Nam trước trận chiến đấu cuối cùng:

“Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh (…). Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không ? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc, thì có trang nào dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu ? Máu

79


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thắm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm những con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi (…). Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên (…). Tôi thiết tha yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ trùng trùng điệp điệp của chúng ta đang tiến lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này”[166; 7].

Đội ngũ sáng tác tùy bút thời kỳ này tuy không hùng hậu như ở các thể loại khác, nhưng cũng khá đa dạng với sự góp mặt của hai thế hệ: 1- Những cây bút có sáng tác trải dài qua hai thời kỳ trước và sau 1945 (Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Xuân Diệu,...); 2- Những cây bút trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến (Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Phan Tứ, Khánh Vân, Đặng Văn Nhưng...). Trừ Nguyễn Tuân ra, không thấy nhà văn nào chuyên sáng tác ở thể loại tùy bút. Không hiếm trường hợp các tác gia tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, ngoài thể loại sở trường, còn tìm đến với tùy bút những khi xúc cảm nghệ thuật cần được bộc lộ một cách trực tiếp. Ngoài ra, còn phải kể đến những cây bút có sáng tác tùy bút trong vùng tạm chiếm ở miền Nam như Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Vò Phiến, Mai Thảo.

Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 11

Tên tuổi của Vũ Bằng đã được khẳng định bằng thể loại tùy bút, với tác phẩm Thương nhớ mười hai. Bình Nguyên Lộc được biết đến nhiều hơn qua truyện ngắn và tiểu thuyết. Bên cạnh đó, nhà văn quê gốc miền Đông Nam bộ này còn có đóng góp đáng kể ở thể loại tùy bút. Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966) là tác phẩm đặc sắc nhất.

Sáng tác của Vò Phiến (đăng chủ yếu trên tạp chí Bách Khoa) và của Mai Thảo (trong nhóm Sáng tạo) khá phong phú, bằng nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, thơ, nghiên cứu, phê bình…). Ở giai đoạn trước 1975, Vò Phiến có các tập tùy bút: Thư nhà (1962), Ảo ảnh (1967), Phù thế (1969), Chúng ta, qua cách viết (1972), Đất nước quê hương (1973); Mai Thảo có tập Căn nhà vùng nước mặn (1966). Tùy bút của Vò Phiến và Mai Thảo tuy ít nhiều có điểm đáng ghi nhận ở phương diện ngôn ngữ và bút pháp, nhưng nội dung bộc lộ rò tư tưởng chống cộng.

80


Rò ràng, giai đoạn 1945 - 1975 đã ghi nhận bước phát triển đáng kể của thể loại tùy bút. Đề tài sáng tác phong phú, bút pháp đa dạng và đội ngũ sáng tác đông đảo hơn. Hiện thực khốc liệt của 30 năm chiến tranh vệ quốc lại chính là hoàn cảnh để nảy sinh, thử thách và khẳng định biết bao giá trị có ý nghĩa nhân văn trong các mối quan hệ xã hội (giữa cá nhân với cộng đồng, giữa dân tộc với thời đại, giữa chính nghĩa với phi nghĩa). Chính cái thế giới tâm hồn mênh mông thẳm sâu của con người Việt Nam trong thử thách hiểm nghèo của lịch sử là mảnh đất màu mỡ, là nguồn chất liệu thích hợp để hình thành nên những trang tùy bút mang âm hưởng một thời đại bi hùng.

Cũng không khó khăn gì để nhận ra những điểm hạn chế, trong tình hình chung của văn chương thời chiến: giọng điệu tùy bút đôi khi đơn điệu, công thức, mòn sáo; chí thì cao, tình thì nặng, nhưng chưa có nhiều sáng tạo, cách tân trong bút pháp thể hiện. Mặt khác, tùy bút là một thể loại văn xuôi hiện đại, chỉ thực sự bộc lộ hết thế mạnh của nó khi nhà văn được tự do bộc bạch, giãi bày quan điểm tư tưởng và cảm xúc của cái tôi cá nhân, riêng tư. Trong một giai đoạn văn học mà mọi nghĩ suy và hành động con người đều phải hướng tới việc phụng sự tốt nhất cho cái Ta cộng đồng thì phương thức biểu hiện của tùy bút ít nhiều có bị ảnh hưởng. Chất tùy bút, vì thế, đôi khi nhạt đi ở những trang viết không in rò dấu ấn cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây chính là lý do để giải thích vì sao có ý kiến cho rằng tùy bút của Nguyễn Tuân có phần “bị mai một” đi, từ sau 1945:

“Trước 1945, Nguyễn Tuân viết các tác phẩm ký đúng nghĩa là “tùy bút” với sự hiện diện kiêu bạc của cái tôi trữ tình độc đáo của tác giả, sau 1945, ký Nguyễn Tuân không hẳn là “tùy bút” nữa mà đã chú trọng ghi chép sự kiện, sự thật và ngả sang bút ký, ký sự, truyện,… thậm chí ghi chép” (Nguyễn Thành Thi) [179; 37].

Từ sau 1975, hiện thực căn bản đổi thay. Tiếng nói nghệ thuật phải đa chiều, toàn diện hơn thì mới bao quát hết mọi chiều kích cuộc sống, mới cận nhân tình. Do đó, trong văn chương thời hòa bình, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn lắng xuống, nhường chỗ cho khuynh hướng đời tư và cảm hứng thế sự. Một số tiểu loại của mặc dù đã phát huy ưu thế trong thời kỳ chiến tranh, nhưng giờ đây không còn thích hợp nữa (như truyện ký, ký sự, bút ký). Do tính chất linh hoạt,

81


mềm dẻo của một thể loại trung gian nên tùy bút không phải mất nhiều thời gian để thích nghi với bối cảnh mới, để chuyển từ trữ tình công dân sang trữ tình cá nhân. Mất bề rộng của cộng đồng, tùy bút tìm về khai thác bề sâu tâm hồn, số phận riêng tư của mỗi con người và trong lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc.

Ngoài các nhà văn đã khẳng định tên tuổi ở giai đoạn trước vẫn còn đều đặn sáng tác, những cây bút có tác phẩm tùy bút tiêu biểu ở thời kỳ này phải kể đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn, Lý Lan, Nguyễn Tường Bách,…

Hầu hết sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường được xếp vào thể loại bút ký, hình như chỉ duy nhất tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? tùy bút. Nhưng thực tế đã chứng minh nhà văn này có đầy đủ tố chất của một người viết tùy bút tài hoa, tài tử, tài tình. Những trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bằng chứng sinh động để xác nhận một thực tế là rất khó phân định ranh giới giữa tùy bút bút ký. Có thể nói, với Hoàng Phủ Ngọc Tường, thể loại tùy bút đã vươn tới một vẻ đẹp kỳ ảo của sự đa thanh, phức hợp, từ bút pháp cho đến giọng điệu, ngôn từ và hình ảnh.

Băng Sơn xuất hiện muộn, nhưng viết thật khỏe. Chỉ trong vòng 10 năm, từ 1993 đến 2003, ông đã đều đặn cho ra đời trên dưới 18 tập tùy bút ! Đề tài bao trùm tùy bút Băng Sơn là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, con người Hà Nội xưa và nay. Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng (Hải Dương), phải chăng Băng Sơn muốn nối bút Thạch Lam - người đồng hương - tiếp tục tôn vinh mảnh đất và con người của thủ đô ngàn năm văn hiến ? Cũng vẫn băm sáu phố phường ấy, nhưng dưới ngòi bút dạt dào niềm yêu thương, trân trọng và đầy chất thơ của Băng Sơn, mọi thứ chợt như được làm mới lại, lạ hóa trước mắt mọi người. Tùy bút của Băng Sơn nối kết được vào cái mạch trữ tình đa tầng, đa diện có từ thời Thạch Lam: vừa háo hức, tin yêu trước những giá trị mới vừa bâng khuâng ngậm ngùi, nuối tiếc những vẻ đẹp xưa chỉ còn trong hoài niệm. Tùy bút của Băng Sơn đã góp thêm vào văn xuôi về đề tài Hà Nội một mảng hương sắc riêng, độc đáo.

Lý Lan vốn thành công ở thể loại truyện ngắn, nhưng khi viết về kỉ niệm, viết bằng hoài niệm thì lại thấy tùy bút thích hợp hơn. Tác phẩm Miên man tùy bút được viết bằng một kiểu bút pháp thật tự do, linh hoạt, có khuynh hướng vượt khỏi những câu thúc, giới hạn của thể loại. Có lúc độc giả như được đắm hồn vào một

82


thế giới dân dã, mộc mạc mà lung linh bao nhiêu giá trị văn hóa truyền thống; có lúc lại phải trở về đối mặt với những phiền lụy đời thường vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Giọng điệu văn chương có nét dung dị gần gũi với Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, nhưng cái mạch trữ tình được bộc lộ có phần đậm đà và trực tiếp hơn.

Nguyễn Tường Bách - một cây bút ở hải ngoại (Đức), từng được biết đến qua những tác phẩm biên dịch và sáng tác có màu sắc Thiền học. Với tác phẩm Mộng đời bất tuyệt, ông đã góp thêm một giọng văn lạ và mở rộng đến bất ngờ khả năng diễn tả, biểu đạt toàn bộ thế giới tinh thần, tình cảm con người của thể loại tùy bút. Mạch trữ tình trong tác phẩm có khả năng biến hóa thật linh hoạt với nhiều ngã rẽ, nhiều tầng bậc sâu sắc. Quá khứ với hiện tại, truyền thống và cách tân, dân tộc với thời đại, quê hương và hải ngoại đan xen, hòa quyện vào nhau trong một dòng thác thanh âm ngôn từ ngỡ như bất tận. Bản ngã của người nghệ sĩ in rò trên từng trang viết: đó là một con người tài hoa, lịch lãm và luôn nặng nghĩa nặng tình với Tổ quốc, với đồng bào.

Có một hiện tượng đáng lưu ý: những năm gần đây, cách hiểu tùy bút như một kiểu bút pháp trở nên khá phổ biến. Nghĩa là không chỉ riêng trong văn chương, cách viết kiểu tùy bút còn có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác như chính trị, tôn giáo, triết học, lịch sử, phê bình,… Tuy chưa có thật nhiều tác phẩm tùy bút, nhưng rất dễ nhận ra chất tùy bút bàng bạc trong các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác (như bút ký, tạp văn, tạp bút). Thực tế đó đã tạo nên một diện mạo mới, làm phong phú, linh hoạt hơn khả năng bao quát hiện thực của thể loại này. Thực chất, tạp văn, tạp bút chính là những biến thể, mang đầy đủ đặc điểm của đoản thiên tùy bút. Có thể lấy tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư để làm ví dụ minh họa.

Nhìn chung, mặc dù mãi đến thập niên 30 của thế kỷ XX tùy bút mới thực sự hiện diện với tư cách một thể loại văn xuôi hiện đại, rồi từng bước khẳng định sự góp mặt xứng đáng bằng nhiều tên tuổi lớn, nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng trước đó, trong các tác phẩm trung đại, đã xuất hiện ngày càng rò những nét diện mạo cơ bản của nó. So với các thể loại khác, đội ngũ sáng tác và thành tựu của tùy bút còn khá khiêm tốn. Nhưng rò ràng, nó đã có một quá trình hình thành và phát triển theo đúng quy luật kế thừa - cách tân, có chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cả văn học

83


phương Đông và phương Tây. Trong quá trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, ở mỗi giai đoạn thường có một vài thể loại nổi trội lên, để ưu tiên đáp ứng yêu cầu của công chúng và phù hợp với tính chất của hoàn cảnh lịch sử. Với tùy bút, tình hình có vẻ hơi khác: một cách lặng lẽ, vừa xông xáo vừa điềm tĩnh, nó thích nghi được cả trong thời chiến lẫn thời bình, cả sử thi hoành tráng lẫn thế sự đời thường. Đặc biệt, tùy bút luôn tỏ rò ưu thế khi diễn tả quan hệ của con người với thiên nhiên và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.

2.3. Những tác gia và tác phẩm tùy bút tiêu biểu trong văn học Việt Nam

từ 1930 đến 1975


2.3.1. Nguyễn Tuân - người viết tùy bút số một


Cho đến nay và mãi nhiều năm về sau nữa, chắc chắn không ai nghi ngờ về vị trí hàng đầu của Nguyễn Tuân trong văn học Việt Nam hiện đại. Trong điếu văn với tựa đề Người đi tìm cái Đẹp, cái Thật, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định: “Ông là một trong mấy nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX”. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một nhà văn có tư tưởng và phong cách nghệ thuật độc đáo. Sáng tác của ông tồn tại vừa như những giá trị thẩm mỹ độc lập vừa gợi ý, kích thích tìm tòi để sáng tạo nên các giá trị mới. Trải qua hơn nửa thế kỷ cầm bút (từ khoảng 1932 đến 1987), với gần 5000 trang sách in (Nguyễn Tuân toàn tập gồm 5 quyển, mỗi quyển gần 1000 trang), Nguyễn Tuân đã dành trọn tâm huyết của mình để gắn bó với thể loại tùy bút. Cũng có lúc ngông nghênh, cực đoan, nhưng điều đáng trân trọng là đằng sau từng trang viết của ông, độc giả luôn nhận ra một tấm lòng thành đối với đất nước và dân tộc. Nguyễn Tuân không chỉ là một nhà văn lớn mà còn là một nhân cách văn hóa đáng trân trọng.

Thuở thiếu thời, Nguyễn Tuân được hấp thu tinh hoa của cửa Khổng sân Trình (Bố là cụ Tú Hải Văn, một trong những vị Tú tài của khoa thi Hán học cuối cùng, năm 1915). Nhưng lúc này, Hán học đã suy tàn, dần phải nhường chỗ cho Tây học. Cả một thế hệ nhà nho bỗng dưng thất thế, lỗi thời trong xã hội buổi giao thời nhố nhăng, “lộn tùng phèo” mọi quan niệm, mọi giá trị. Tư tưởng bất đắc chí, sinh bất phùng thời, đầu thai nhầm thế kỷ, cầu an hưởng lạc đã nảy sinh trong lớp nho sĩ cuối mùa như một hệ lụy không thể tránh khỏi của biến cố lịch sử - xã hội.

84


Hoàn cảnh xã hội hỗn tạp, nhiễu nhương bấy giờ đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân.

2.3.1.1. Là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, Nguyễn Tuân đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khổ sở, bế tắc ở giai đoạn trước 1945. Có lúc ông đã nghĩ đến chuyện tự sát để kết thúc chuỗi ngày triền miên đớn đau, phẫn uất trong bi kịch của thân phận nô lệ. Cách mạng tháng Tám kịp đến, đã cứu sống cuộc đời và làm hồi sinh trang viết của Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân là một nhà văn rất mực tài hoa và uyên bác. Đọc văn của ông, độc giả không chỉ dễ dàng tìm thấy những khoái cảm thẩm mỹ từ nghệ thuật ngôn từ mà còn được bồi dưỡng thêm tri thức phong phú về nhiều ngành khoa học, nghệ thuật khác nhau. Am tường cả Hán học lẫn Tây học nhưng Nguyễn Tuân thiết tha yêu mến và trân trọng tiếng Việt. Ông chú tâm gìn giữ nhân cách, đồng thời luôn bày tỏ thái độ bất bình và phê phán thói xấu xa đê tiện, rởm đời, vô văn hóa.

Trước Cách mạng tháng Tám, trong bối cảnh nước mất, xã hội đảo điên, Nguyễn Tuân đã đứng hẳn về phía dân tộc và truyền thống để dũng cảm chống lại sức tấn công của lối sống xu thời, hãnh tiến. Sáng tác của ông thời kỳ này dồn sức chủ yếu vào việc phục hiện lại các giá trị văn hóa thuộc lĩnh vực tinh thần và xã hội. Trên trang viết Nguyễn Tuân, những “vẻ đẹp xưa” chợt sống dậy trong niềm xót xa, tiếc nuối khôn nguôi. Dù điều kiện bấy giờ không cho phép nhà văn trực tiếp bộc lộ tâm sự u hoài với dân, với nước, người đọc vẫn cảm nhận được trong sáng tác của ông “một tấm lòng An Nam” chân thành và rất mực thủy chung. Ông đã ghé vai vào chống chỏi, hàn gắn, sắp xếp lại với kỳ vọng gìn giữ cho mai sau những giá trị thiêng liêng nhất vốn hun đúc nên quốc hồn, quốc túy Việt Nam.

Từ sau 1945, Nguyễn Tuân ngày càng nhận thức sâu sắc về sự gắn bó giữa nghệ thuật với đời sống, về mối quan hệ máu thịt giữa người nghệ sĩ với quảng đại quần chúng nhân dân. Nhà văn có dịp đi nhiều, vừa đi vừa mở lòng đón nhận bao nhiêu thanh sắc của cuộc sống mới. Nếu trước Cách mạng tháng Tám chỉ có thể bộc lộ tâm sự yêu nước thương dân một cách thầm kín, thì giờ đây con người tài hoa uyên bác ấy như được tháo cũi sổ lồng, phát huy hết mọi sở trường để cất cao lời ngợi ca đất nước và con người Việt Nam. Nếu trước kia quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân đôi khi đậm màu sắc chủ quan đến cực đoan, “không bà con gì

85


với luân lý đạo đức”, thì giờ đây đã có sự hài hòa cần thiết giữa sở thích riêng với những chuẩn mực chung của thời đại. Bởi vì cái Đẹp đã hiện hữu trong thực tại, là đời sống nhân dân đang từng ngày sinh sôi, biến đổi.

2.3.1.2. Là cây bút văn xuôi thuộc thế hệ thứ nhất của văn học Việt Nam hiện đại, sáng tác của Nguyễn Tuân trải dài qua hai thời kỳ: trước và sau 1945. Nguyễn Tuân có một khoảng thời gian thử bút ở vài thể loại khác, trước khi dừng lại và tỏa sáng với tùy bút. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hán học, sáng tác của ông, cho đến trước năm 1937, hầu hết được viết theo bút pháp cổ điển. Những sáng tác buổi đầu ấy chưa gây được tiếng vang. Tuy nhiên, có thể bắt gặp ở một số trang viết tiêu biểu như Giang hồ hành (thơ), Vườn xuân lan tạ chủ (truyện ngắn), Chơi thành Cổ Loa (tùy bút) những tín hiệu của một phong cách nghệ thuật độc đáo. Đó là tinh thần hoài cựu, luôn chăm chút nhặt nhạnh những vẻ đẹp xưa dù đã tàn tạ, cuối mùa; là hệ thống nhân vật tài tử, lịch lãm, nhuốm chút ngông nghênh kiêu bạc; là lối văn cầu kỳ trúc trắc mà tài hoa, uyên bác hơn người.

Đến 1937, Nguyễn Tuân lại xuất hiện trên báo với những truyện ngắn hiện thực trào phúng, ở đó thường vỡ ra những tràng cười châm biếm nhẹ nhàng mà thấm thía, đậm đà phong vị dân gian (Đánh mất ví, Gỡ cái vạ vịt, Một vụ bắt rượu, Mười năm trời mới gặp lại cố nhân, Răng người tình,…). Tuy nhiên, do trào lưu hiện thực phê phán đang phát triển rất mạnh với nhiều tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng,… nên thật không dễ dàng đối với Nguyễn Tuân trong việc tìm một vị trí có hạng trên văn đàn lúc bấy giờ. Vả chăng, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Tuân sớm nhận ra rằng truyện ngắn vẫn chưa phải là thể loại phù hợp với cái tạng của mình.

Nguyễn Tuân chỉ thực sự được công nhận như một phong cách văn chương độc đáo kể từ tùy bút - du ký Một chuyến đi, sáng tác vào năm 1938. Tác phẩm là tập hợp những trang viết từ chuyến du lịch không mất tiền sang thành phố Hương Cảng (Hồng Công) để tham gia thực hiện bộ phim Cánh đồng ma - một trong những phim lồng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Nét đặc sắc nhất ở Một chuyến đi chính là giọng điệu. Có thể nói, đến đây Nguyễn Tuân mới tìm được giọng điệu riêng, một giọng điệu hết sức phóng túng, linh hoạt đến kỳ ảo: “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí