Bảng hỏi dành cho trẻ em (xem phụ lục 2): Nội dung các câu hỏi tương tự như câu hỏi được thiết kế cho cha mẹ, tuy nhiên có thay đổi cách đặt câu hỏi cho phù hợp với các em. Cụ thể bảng hỏi cho trẻ em gồm 5 câu với mục đích đo lường như sau:
+ Mẫu hình nhân cách mà trẻ hướng tới: Câu 1
+ Định hướng giá trị của trẻ: Câu 2
+ Đánh giá của trẻ về các phương pháp GDGT của cha mẹ: Câu 3
+ Mong muốn của trẻ đối với việc định hướng giáo dục giá trị của cha mẹ:
Câu 4
+ Các thông tin cá nhân: Câu 5
b. Giai đoạn điều tra thử
* Mục đích:
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Về Mục Tiêu Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong Gia Đình
- Một Số Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong Gia Đình
- Đặc Điểm Mẫu Khách Thể Nghiên Cứu Là Cha, Mẹ
- Thực Trạng Chung Về Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong Gia Đình
- Thực Trạng Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong Gia Đình Thể Hiện Qua Nội Dung Và Phương Pháp Giáo Dục Giá Trị
- Các Giá Trị Mà Cha, Mẹ Lựa Chọn Để Giáo Dục Trẻ Và Giá Trị Mà Trẻ Hướng Tới
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
+ Xác định thời gian cho việc trả lời một bảng hỏi
+ Xác định độ tin cậy của bảng hỏi
+ Tiến hành chỉnh sửa những câu hỏi chưa đạt yêu cầu.
* Phương pháp: Tiến hành điều tra thử bằng bảng hỏi sơ bộ đã được soạn
thảo, khảo sát với câu hỏi kế thừa từ nghiên cứu của nước ngoài được dịch ra thích ứng với văn hóa Việt Nam và các câu được thiết kế bổ sung cho phù hợp với nội dung luận án.
* Khách thể: Khảo sát 50 cha mẹ và 45 học sinh THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
* Cách thức xử lý số liệu: Số liệu thu về được xử lý bằng phần mềm SPSS phiên bản 21.0. Nghiên cứu sử dụng 2 kỹ thuật thống kê là phân tích độ tin cậy của bảng hỏi theo hệ số Alpha của Cronbach và phân tích yếu tố để xác định giá trị của bảng hỏi. Theo quy ước thì một tập hợp các mục hỏi dùng để đo lường đánh giá là tốt phải có hệ số (Alpha) ≥ 0.6, các item đều có nội dung phù hợp với miền đo và có tương quan ở mức chấp nhận được. Nhìn chung kết quả cho thấy bảng hỏi có độ tin cậy cần thiết. Cụ thể như sau:
+ Phân tích độ tin cậy:
Bảng hỏi dành cho cha mẹ:
Phần 1: Nghiên cứu thực trạng ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đìnhgồm các câu 2, 3, 4, 5. Kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach của các câu hỏi lần lượt = 0.69, 0.86, 0.71, 0.80.
Phần 2: Mức độ hài lòng của cha mẹ về việc ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình: Câu 8. Kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach = 0.75.
Phần 3: Một số yếu tố ảnh hưởng đến ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình gồm các câu 1, 7. Kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach lần lượt = 0.78, 0.71.
Bảng hỏi dành cho học sinh:
Mẫu hình nhân cách mà trẻ hướng tới: Câu 1, kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach = 0.61.
Định hướng giá trị của trẻ: Câu 2, kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach = 0.85.
Đánh giá của trẻ về các phương pháp GDGT của cha mẹ: Câu 3, kiểm định độ tin cậy với hệ số Alpha của Cronbach = 0.80.
+ Phân tích độ hiệu lực:
Trên cơ sở các item và các phương án trả lời, chúng tôi tiến hành phân tích nhân tố để chọn ra các yếu tố có mối tương quan với nhau đưa vào một nhóm nhân tố. Cách xử lý này được sử dụng cho các câu: 1, 2, 5 ở bảng hỏi dành cho cha mẹ và câu 1, 3 ở bảng hỏi dành cho học sinh.
Sau khi tiến hành chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế, loại bỏ những item không cần thiết, chỉnh sửa lại về ngôn từ, ngữ pháp ở những câu mà khách thể phản hồi là không rõ ý khi trả lời, bảng hỏi được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
c. Giai đoạn điều tra chính thức
* Mục đích: Xác định thực trạng ĐHGDGT cho trẻ em của các bậc cha mẹ và một số yếu tố ảnh hưởng tới ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình.
* Khách thể nghiên cứu: Khảo sát 735 người (490 cha mẹ và 245 học sinh là con của các bậc cha mẹ này) tại 2 địa bàn thành thị và nông thôn của thành phố Hà Nội.
* Nội dung: Nội dung khảo sát theo các bảng hỏi đã được hoàn thiện sau khi điều tra thử.
Yêu cầu: Đảm bảo các khách thể trả lời đầy đủ những nội dung theo yêu cầu được nêu trong bảng hỏi.
* Nguyên tắc điều tra: Các khách thể tham gia điều tra trả lời một cách độc lập, khách quan theo suy nghĩ của bản thân.
3.3. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể
3.3.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Mục đích: Nhằm khảo sát thực trạng ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình của các bậc cha mẹ và các yếu tố ảnh hưởng tới thực trạng này thông qua việc trả lời phiếu hỏi của cha mẹ và sự đánh giá của học sinh.
Quá trình thực hiện: Đây là phương pháp chính của đề tài, được thực hiện trong ba giai đoạn: giai đoạn thiết kế bảng hỏi, giai đoạn điều tra thử và giai đoạn điều tra chính thức.
3.3.2. Phương pháp phỏng vấn sâu
* Mục đích: Nhằm thu thập thông tin để bổ sung, kiểm tra và làm rõ hơn những thông tin thu được từ kết quả khảo sát trên diện rộng, đồng thời làm rõ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến ĐHGDGT cho trẻ em của cha mẹ.
- Nguyên tắc phỏng vấn: Trong phỏng vấn sâu, chúng tôi thiết kế những câu hỏi mở, khách thể có thể trả lời một cách khá tự do, điều này giúp làm rõ hơn các câu hỏi cũng như những vấn đề đặt ra có liên quan đến ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình hiện nay.
- Khách thể phỏng vấn: Tiến hành phỏng vấn sâu cha mẹ có con trong lứa tuổi THCS và học sinh THCS trên địa bàn. Cụ thể là:
+ 6 cha, mẹ;
+ 6 học sinh.
* Nội dung (xem phụ lục số 3 và 4): Nội dung phỏng vấn được chuẩn bị trước theo mục tiêu nghiên cứu. Trong đó sử dụng các câu hỏi mở để thu thập ý kiến đánh giá của cha mẹ cũng như ý kiến phản hồi của học sinh về ĐHGDGT của cha mẹ đối với các em.
Nội dung gồm 2 phần: Phần phỏng vấn cơ bản (phần cứng) và phần linh hoạt. Phần cứng của phỏng vấn sâu được chuẩn bị chi tiết, rõ ràng theo các mảng vấn đề cụ thể. Phần linh hoạt, người phỏng vấn có thể linh động, mềm dẻo tùy theo mạch câu chuyện của từng khách thể thông qua quan niệm về giá trị, những phẩm chất cha mẹ hướng con tới, những khó khăn trong việc định hướng cho con, mong muốn của cha mẹ… Tùy vào đối tượng và khách thể mà phần linh hoạt trong mỗi
cuộc phỏng vấn có thể được thay đổi nhằm mục đích vừa tìm hiểu, khai thác được những thông tin cần thiết, đáp ứng được mục tiêu phỏng vấn, đồng thời vừa tạo ra sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau, tạo tâm lý thoải mái giữa người phỏng vấn và khách thể phỏng vấn.
Để có thể thu thập được thông tin đầy đủ, chi tiết và toàn diện về các nội dung trên, nghiên cứu đã sử dụng linh hoạt giữa các câu hỏi trực tiếp và câu hỏi gián tiếp. Trong đó, câu hỏi trực tiếp được sử dụng ở tất cả các nội dung, giúp cho quá trình phỏng vấn diễn ra nhanh chóng và có thể thu được kết quả cụ thể rõ ràng. Tuy nhiên, nhằm tránh cho người được phỏng vấn cảm thấy gò bó, khó chịu, nhất là khi người phỏng vấn và khách thể chưa có được mối quan hệ thân tình, gần gũi… người nghiên cứu chủ động đưa ra các câu hỏi gián tiếp nhằm khắc phục hạn chế của loại câu hỏi này và bổ sung thêm những thông tin cần làm rõ.
3.3.3. Phương pháp phân tích chân dung tâm lý điển hình
* Mục đích: Nghiên cứu cha mẹ có ĐHGDGT cho con điển hình, góp phần khẳng định cơ sở lý luận của luận án và bổ sung cho kết quả nghiên cứu thực trạng.
* Nội dung: Nội dung nghiên cứu được chuẩn bị thành các mảng vấn đề như thông tin về bản thân, trình độ học vấn, tuổi tác, nghề nghiệp của cha/mẹ, điều kiện kinh tế gia đình. Với cha mẹ: nội dung hỏi nhằm phân tích những nét cơ bản trong nhận thức (hiểu biết), các giá trị mà cha mẹ xác định mục tiêu định hướng cho con, các giá trị cha mẹ lựa chọn giáo dục và các phương pháp giáo dục giá trị mà cha mẹ lựa chọn, bên cạnh đó tìm hiểu những khó khăn mà họ gặp phải trong việc ĐHGDGT cho trẻ trong gia đình.
Với trẻ em: Các câu hỏi nhằm mục đích đối chiếu với nội dung mà cha mẹ của các em trả lời, tìm ra sự tương đồng/ phù hợp và những khác biệt (nếu có), những điểm chưa phù hợp giữa đánh giá của cha mẹ và ý kiến của trẻ. Các nội dung này là giống nhau khi hỏi các khách thể khác nhau, cách thức triển khai trên thực tế theo hướng tùy từng khách thể mà trình tự phỏng vấn có thể thay đổi.
* Cách thức tiến hành: Trên cơ sở những thông tin thu được từ khảo sát thực trạng, kết hợp với các thông tin thu được từ các phương pháp phỏng vấn sâu cha mẹ và học sinh, chúng tôi tiến hành phân loại, lựa chọn nghiên cứu 2 cặp cha/mẹ và con điển hình theo những nội dung đã trình bày ở trên.
3.3.4. Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
Luận án sử dụng một số phép toán được thể hiện bằng các thuật thống kê sau đây:
Phân tích thống kê mô tả:
+ Điểm trung bình (mean): Cách tính này được dùng trong việc tính điểm đạt được của từng câu cũng như từng mặt biểu hiện của cha mẹ trong ĐHGDGT cho con.
+ Độ lệch chuẩn (standard deviation): Được dùng để mô tả mức độ phân tán hay mức độ tập trung của các câu trả lời trong toàn mẫu.
+ Tần suất, tỷ lệ % cho các phương án trả lời của từng ý kiến.
Phân tích thống kê suy luận:
- Phân tích so sánh: Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng phép so sánh giá trị trung bình (compare means). Các giá trị trung bình được coi là khác nhau có ý nghĩa về mặt thống kê với xác suất p < 0.05. Thông số thống kê này được sử dụng nhằm xác định liệu có mối liên hệ giữa ĐHGDGT cho trẻ em với các yếu tố như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, địa bàn sinh sống của cha mẹ hay không. Khi so sánh sự khác biệt giữa hai nhóm khách thể về mức độ định hướng giáo dục giá trị cho trẻ, chúng tôi dùng phép phân tích Independent samples t-test, còn phép xoay One-way ANOVA dùng để so sánh sự khác biệt mức độ ÐHGDGT cho trẻ ở 3 nhóm khách thể trở lên.
- Phân tích tương quan nhị biến dùng để tìm hiểu sự liên hệ bậc nhất giữa hai biến số, nghĩa là sự biến thiên ở một biến số xảy ra đồng thời với sự biến thiên ở biến số kia như thế nào trong cùng một thời điểm. Mức độ liên kết hay độ mạnh của mối liên hệ giữa hai biến số được đo bởi hệ số r. Dựa vào hệ số xác suất (p) ta có thể biết mức độ ý nghĩa của mối liên hệ. Ở đây chúng tôi chọn p = 0.05 là cấp độ có ý nghĩa. Khi p < 0.05 thì giá trị r được chấp nhận là có ý nghĩa cho phân tích về mối liên hệ giữa hai biến số.
- Phân tích hồi quy tuyến tính để xem xét mối quan hệ giữa một biến số phụ thuộc với một hay nhiều biến số độc lập, nhằm xác định sự thay đổi của biến phụ thuộc khi có sự thay đổi của biến độc lập trên cơ sở nghiên cứu các thông số R2, F - test; hệ số Beta cùng với giá trị p < 0.05. Cụ thể: sử dụng phép hồi quy để dự đoán việc ĐHGDGT cho trẻ em của cha mẹ thay đổi như thế nào khi có sự tác động của yếu tố định hướng giá trị của cha mẹ.
Cách phân tích dữ liệu
Như đã phân tích ở phần cơ sở lý luận, việc ĐHGDGT cho trẻ em được thể hiện qua việc xác định mục tiêu giáo dục giá trị cho trẻ; cha mẹ lựa chọn các giá trị và lựa chọn phương pháp giáo dục để hướng trẻ tới mục tiêu đã đề ra. Các dữ liệu được phân tích cụ thể như sau:
Việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ: Được thể hiện qua xác định mục tiêu tổng quát về mẫu hình người (với các giá trị đặc trưng), đánh giá của cha mẹ về mẫu người mà họ hướng con đến nhiều nhất. Nghiên cứu này không tuyệt đối hóa các mẫu hình nhân cách, vì các khách thể cùng một lúc có thể hướng tới nhiều mẫu hình khác nhau. Chúng tôi sử dụng thang đo gồm 5 khoảng gồm: 1.Hoàn toàn không hướng tới; 2. Không hướng tới; 3. Hướng tới ở mức vừa phải. 4. Hướng tới nhiều; 5. Hướng tới rất nhiều. Dựa vào lý thuyết của Schwartz, chúng tôi quy ước rằng những người có các nhóm giá trị dưới đây sẽ có những đặc điểm như sau:
Người quyền lực, quyền uy và thành đạt được hiểu là: Người có sự thành công và có tầm ảnh hưởng, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của xã hội hiện đại; có quyền lực xã hội, uy tín và sự giàu có; biết hưởng thụ và tận hưởng cuộc sống.
Người công bằng, nhân ái và khoan dung được hiểu là: Người nhân ái, khoan dung, quan tâm đến mọi người xung quanh, sống tình nghĩa và được mọi người tin tưởng; đề cao sự công bằng, bình đẳng xã hội, hòa bình thế giới, sống hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống.
Người truyền thống, tuân thủ và an toàn được hiểu là: Người kính trọng cha mẹ và người cao tuổi, tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo; sống khiêm nhường, tuân thủ các quy định xã hội; coi trọng sức khỏe, sự an toàn của bản thân và gia đình, an ninh đất nước, trật tự xã hội.
Người tự chủ, mạo hiểm và khám phá cái mới được hiểu là: Người độc lập trong suy nghĩ và hành động, tự lựa chọn mục tiêu, tự lập kế hoạch và thực hiện mục tiêu; hứng thú trải nghiệm những điều mới lạ và các thách thức trong cuộc sống, có một cuộc sống phong phú và sôi động.
Bốn nhóm giá trị đặc trưng này được quy ước để phân tích định hướng giáo dục giá trị của cha mẹ cho trẻ, tìm ra mẫu người mà cha mẹ hướng tới nhiều nhất để giáo dục con hiện nay.
Việc lựa chọn giá trị để giáo dục cho trẻ: Sử dụng Bảng trắc nghiệm 19 giá trị của Schwartz. Thang đo của Schwartz là thang Likert - 6 mức độ: 1. Không giống tôi chút nào; 2. Không giống tôi; 3. Ít giống tôi; 4. Khá giống tôi; 5. Giống tôi; 6. Rất giống tôi.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi chọn 5 mức độ để phù hợp và thống nhất với các thang đo khác trong bảng hỏi. Tương ứng với mỗi item có 5 phương án lựa chọn: 1. Hoàn toàn không giống tôi, 2. Không giống tôi, 3. Khá giống tôi, 4. Giống tôi, 5. Rất giống tôi. Các lựa chọn được quy đổi ra thang điểm 5, điểm của mỗi giá trị là điểm trung bình cộng của các item tạo nên giá trị đó. Kết quả điểm trung bình phản ánh mức độ ưu tiên lựa chọn giá trị của cha mẹ: điểm càng cao, mức độ cha mẹ ưu tiên lựa chọn các giá trị để giáo dục cho con càng cao. Và ngược lại, điểm càng thấp phản ánh mức độ ưu tiên lựa chọn giá trị để giáo dục con càng thấp.
Các khách thể sẽ trả lời xem họ giống tới mức nào với những phụ huynh (được nêu trong câu hỏi) có con ở lứa tuổi như con của họ. Các khách thể sẽ đánh giá các giá trị mà họ lựa chọn bằng cách trả lời câu hỏi “Anh/Chị lựa chọn các giá trị để giáo dục con của mình giống với các bậc cha mẹ này ở mức nào?” và chọn 1 trong số 5 phương án phù hợp nhất. Với cách hỏi gián tiếp này, các khách thể sẽ cho biết mình giống như thế nào so với những người được mô tả trong bảng hỏi, ví dụ:
- “Họ dạy cho con họ điều quan trọng là hình thành cách nhìn của mình một cách độc lập”, mô tả một người mà đối với anh ấy/chị ấy, lựa chọn giá trị “tự định hướng” để giáo dục cho con là rất quan trọng.
- “Họ dạy cho con họ điều quan trọng là chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên”, mô tả một người mà đối với anh ấy/chị ấy, lựa chọn giá trị “bảo vệ thiên nhiên” để giáo dục cho con là rất quan trọng.
- “Họ dạy cho con họ điều quan trọng là khoan dung với tất cả các kiểu người và các nhóm”, mô tả một người mà đối với anh ấy/chị ấy, lựa chọn giá trị “truyền thống” để giáo dục cho con là rất quan trọng.
- “Họ dạy cho con họ điều quan trọng là những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội cần được bảo vệ”, mô tả một người mà đối với anh ấy/chị ấy, lựa chọn giá trị “công bằng, bình đẳng” để giáo dục cho con là rất quan trọng.
Việc lựa chọn phương pháp giáo dục giá trị cho trẻ của cha mẹ: với thang đo gồm 5 khoảng từ 1.Hoàn toàn không giống tôi đến 5. Rất giống tôi để đánh giá việc lựa chọn các phương pháp giáo dục giá trị của cha mẹ. Điểm càng cao, mức độ lựa chọn phương pháp giáo dục giá trị của cha mẹ càng cao, ngược lại, điểm càng thấp phản ánh mức độ lựa chọn phương pháp giáo dục giá trị của cha mẹ càng thấp.
Các khách thể sẽ trả lời xem họ giáo dục con của mình giống với những phụ huynh (được nêu trong câu hỏi) tới mức nào, bằng cách trả lời câu hỏi “Anh/Chị lựa chọn cách giáo dục con của mình giống với các bậc cha mẹ này ở mức nào?” và chọn 1 trong số 5 phương án phù hợp nhất. Với cách hỏi gián tiếp này, các khách thể sẽ cho biết mình giống như thế nào so với những người được mô tả trong bảng hỏi.
Với bảng hỏi cho học sinh: Câu 2, câu 3, câu 5 hỏi cho cha mẹ cũng được hỏi cho học sinh. Nội dung các item được giữ nguyên, chúng tôi đã Việt hóa về ngôn ngữ cho phù hợp với học sinh, để các em thuận lợi khi trả lời. Cách xử lý kết quả tương tự như xử lý kết quả thang đo ở cha mẹ.
Như vậy, đây là nghiên cứu khám phá nhằm chỉ ra việc xác định mục tiêu giáo dục giá trị cho con của cha mẹ, nghĩa là luận án không nghiên cứu mức độ mà nghiên cứu tính chất của việc định hướng này. Do đó, kết quả điểm trung bình phản ánh mẫu người nào (với các giá trị đặc trưng) mà cha mẹ hướng con tới nhiều nhất; mẫu người nào cha mẹ hướng con tới ít nhất, trên cơ sở đó chỉ ra những giá trị mà cha mẹ ưu tiên lựa chọn để giáo dục cho con, cũng như việc lựa chọn phương pháp giáo dục của cha mẹ để hình thành ở con các giá trị mà cha mẹ đã đề ra.