Một Số Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong Gia Đình

xấu. Trẻ hình thành được niềm tin về những chuẩn mực xã hội và mong muốn có những hành vi phù hợp [74, tr. 165 - 169].

Thông qua phương pháp nêu gương, trẻ có thể học theo những tấm gương tốt, tránh được những gương xấu, cũng như hình thành và củng cố niềm tin về các chuẩn mực xã hội của gia đình. Do vậy, để định hướng con bằng phương pháp giáo dục này có hiệu quả, cha mẹ cần: 1. Lựa chọn những gương, hình mẫu phù hợp với mục tiêu giáo dục và đặc điểm tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức của trẻ theo độ tuổi. 2. Tấm gương phải thực sự tiêu biểu, điển hình, gần gũi với cuộc sống có tính giáo dục, gây ấn tượng đối với trẻ. 3. Các gương sáng đưa ra phải không quá khó để bắt chước, học tập và làm theo đối với trẻ. 4. Cha mẹ và người thân phải biết tạo động lực cho trẻ học tập, làm theo, bản thân cha mẹ phải mẫu mực để con cái noi theo [74, tr. 171 - 173].

Phương pháp làm gương

Để con có được các giá trị tốt đẹp, cha mẹ giáo dục con bằng phương pháp làm gương là điều rất quan trọng. Cha mẹ muốn con có hành động đúng thì chính cha mẹ phải làm gương. Điều này được lý giải bởi giá trị được hình thành ở trẻ em theo cơ chế trải nghiệm thông qua các hình thức tập nhiễm, bắt chước, học tập [20, tr. 122]. Sự gương mẫu của cha mẹ sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm và hành vi của trẻ. Những hành vi tích cực hay tiêu cực của cha mẹ đều được trẻ quan sát, học tập và bắt chước. Trẻ hành động theo các tiêu chuẩn, niềm tin và những biểu hiện ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của cha mẹ.

Đặc biệt, mối quan hệ cha mẹ và con càng hài hòa thì trẻ càng dễ sống theo mẫu hình của cha mẹ, bởi khi trẻ yêu quý và kính trọng ai đó, chúng rất dễ ảnh hưởng các giá trị của người đó [76; tr. 211]. Do đó sự gương mẫu của cha mẹ là điều có ý nghĩa quan trọng, bởi đó là cách căn bản để trẻ học những chuẩn mực mà chúng sẽ mang theo suốt cuộc đời. Bằng những hành động, lời nói, hành vi và tình yêu của cha mẹ, cha mẹ có thể hướng con đến nơi mà chúng muốn đến. Cha mẹ chỉ cho con làm thế nào để trở thành người đúng mực và hạnh phúc [56, tr. 307 - 309]. Do vậy, cha mẹ và người lớn trong gia đình phải thể hiện sự gương mẫu ngay trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động và cách ứng xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội.

Phương pháp phân tích, giải thích

Bên cạnh các phương pháp nêu trên, phân tích giải thích cũng là một phương pháp hiệu quả mà phụ huynh lựa chọn để giáo dục trẻ trong gia đình. Phương pháp này được hiểu là cha mẹ dùng lời nói với thái độ ân cần để trẻ biết điều hay lẽ phải, điều nên làm hoặc không nên làm trong cuộc sống. Thông qua phương pháp phân tích, giải thích, cha mẹ cung cấp những kinh nghiệm quý báu đã được nhân loại đúc kết thành những quy tắc, chuẩn mực trong đời sống. Diễn giải thuyết phục bằng lời để khai sáng, thúc đẩy hành vi tốt đẹp cho trẻ [20, 73, 74].

Để phương pháp phân tích, giải thích có sức thuyết phục, cha mẹ cần nhấn mạnh lợi ích, sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng, tích cực, tốt đẹp nếu con thực hiện được những hành vi đạo đức [73, tr. 162]. Cha mẹ giải thích cho con những giá trị nào là tốt đẹp, những giá trị nào là sai, nên tránh thông qua các tình huống thật của cuộc sống [20, tr. 123]. Đồng thời, khi phân tích, giảng giải (một chuẩn mực, đạo đức, quy tắc hành vi ứng xử…) cha mẹ cần có lập luận chặt chẽ, có lý, có tình để giúp con nhận thức đúng đắn và đầy đủ những điều hay lẽ phải, từ đó định hướng đúng đắn cho hành vi của trẻ [74, tr. 175]. Sự phân tích, giảng giải có thể bằng lý thuyết, nhưng quan trọng hơn là con đường tình cảm, bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con, giúp trẻ nhận thức đúng những giá trị để điều chỉnh lại nhận thức sai trái, sửa chữa những hành vi không phù hợp, từ đó mà hành động theo lẽ phải.

Phương pháp khen thưởng

Khen thưởng là phương pháp biểu thị sự đồng tình, sự đánh giá tốt đẹp của cha mẹ về những cố gắng, những thành tích đã đạt được của con. Nó có tác dụng củng cố những kỹ năng và thói quen tốt đối với trẻ [74, 75]. Trong giáo dục gia đình, phương pháp khen thưởng giúp trẻ cảm thấy hài lòng, phấn khởi, tin tưởng và tự hào vào năng lực của mình và mong muốn tiếp tục thực hiện những hành vi, hoạt động đó càng tốt đẹp hơn. Khen thưởng có tác dụng củng cố và phát huy những phẩm chất tích cực trong nhân cách của trẻ, giúp trẻ phấn khởi, vươn lên trong tu dưỡng và phấn đấu [73, tr. 161].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Tuy nhiên, việc biểu dương khen thưởng của cha mẹ không phải lúc nào cũng có ý nghĩa giáo dục tích cực đối với trẻ. Nếu cha mẹ khen thưởng quá dễ dãi

sẽ tạo nên ở trẻ tâm lý: dù đạt được một kết quả nào đó cũng được bố mẹ khen thưởng. Cha mẹ khen thưởng không đúng sẽ giảm ý nghĩa giáo dục, thậm chí biến thành đối lập, coi việc khen thưởng như là sự mua chuộc quá mức gây ra thói quen kiêu ngạo, tự mãn quá sớm ở trẻ. Do vậy, để phương pháp này đạt hiệu quả, các bậc cha mẹ cần: 1. Khen thưởng phải đúng mức, có chừng mực và thận trọng. 2. Đảm bảo tính công bằng và được mọi người thừa nhận thì mới có giá trị. 3. Khen thưởng trẻ phải kịp thời, hợp lý, đúng lúc, đúng việc, có tác dụng giúp trẻ tự tin, sớm nhận ra hành động đúng [74, tr. 180].

Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình - 9

Phương pháp trừng phạt

Trừng phạt là phương pháp biểu lộ sự không đồng tình, sự lên án của cha mẹ đối với những hành vi sai lầm của con, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử ở con sao cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Trong một số trường hợp, cha mẹ lựa chọn phương pháp trừng phạt (thậm chí có khi dùng đến roi vọt) với mục đích để con hiểu được được những lỗi lầm sai phạm, tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, phương pháp trừng phạt không thể áp dụng thường xuyên đối với trẻ, vì sẽ tạo ở trẻ tâm lý chai sạn “lỳ đòn”, một sức ỳ tâm lý khó phá vỡ [73, tr. 161 - 162], [74, tr. 183]. Do đó, khen thưởng trừng phạt là một nghệ thuật, sự khen thưởng và trừng phạt khoa học, hợp lý có khả năng củng cố những hành vi tốt, hạn chế những hành vi không mong muốn, dần dần hình thành những giá trị tốt đẹp ở trẻ. Để phương pháp này hiệu quả cha mẹ phải trừng phạt ngay sau khi trẻ có hành vi không đúng, cũng như không thể phạt quá nặng hay quá nhẹ: nếu quá nhẹ, hình phạt sẽ vô hiệu, nếu quá nặng, hình phạt sẽ khiến trẻ ngừng cố gắng, bên cạnh việc gây ra những tổn thương về thể chất cũng như tâm lý ở trẻ [20, tr. 124], [76, tr. 68].

Phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm

Để trẻ tiếp thu các giá trị một cách hiệu quả, việc cha mẹ cho trẻ tham gia thực hiện các hoạt động thực tiễn có ý nghĩa hết sức thiết thực. Hay nói cách khác, giáo dục giá trị phải thông qua các hoạt động mang tính trải nghiệm và củng cố (thường xuyên thực hành, nhấn mạnh cảm xúc dương tính), vì cơ chế của sự hình thành giá trị là cơ chế trải nghiệm (trải qua và nghiệm thấy) [20, tr. 125]. Phương

pháp này thể hiện linh hoạt ở mọi lĩnh vực hoạt động (lao động, học tập, vui chơi…), đặc biệt là ở việc trẻ được tham gia vào công việc gia đình, tùy theo lứa tuổi và khả năng của các em. Thông qua lao động, trẻ hình thành động cơ đúng đắn, “trẻ không chỉ hào hứng hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn tìm ra những công việc khác với sở thích của mình để làm và sẵn sàng giúp đỡ người khác trong công việc… trẻ có thái độ tôn trọng và quý mến đối với người lao động. Có thái độ tự giác theo nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, biết tương trợ các thành viên khác vì cuộc sống chung của gia đình, biết tôn trọng giá trị của thành quả lao động mà mình làm ra [75, tr. 70], [83, tr. 231].

Bên cạnh đó, phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm còn thể hiện ở việc cha mẹ tạo cơ hội khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện vì người nghèo, cho trẻ tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, làng xóm cũng như các hoạt động phong trào ở trường lớp... Đây cũng là những trải nghiệm thú vị đối với trẻ. Qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn này “khơi dậy ở các em tình yêu lao động, lòng thương người, sự sẻ chia, quý trọng lao động, tôn trọng người khác” [20, tr. 126].

Tóm lại, mỗi phương pháp giáo dục giá trị cho trẻ trong gia đình đều có ưu điểm và hạn chế nhất định, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong gia đình mà cha mẹ lựa chọn phương pháp phù hợp. Trong quá trình ĐHGDGT cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể gặp những tình huống phức tạp, đa dạng trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Có trường hợp cha mẹ chỉ cần giải thích nhẹ nhàng, tình cảm là trẻ có thể sửa chữa được những suy nghĩ, hành vi không đúng. Nhưng có trường hợp cha mẹ cần thể hiện sự cương quyết, nghiêm khắc để trẻ thực hiện theo chỉ dẫn đúng đắn của cha mẹ.

2.6. Một số yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình như: truyền thống văn hóa gia đình và địa phương, điều kiện kinh tế của gia đình, nghề nghiệp của cha mẹ, đặc điểm tâm lý của cha mẹ cũng như của trẻ… Trong phạm vi luận án, chúng tôi tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến việc ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình, cụ thể như sau:

Sự thống nhất về quan điểm định hướng giáo dục giá trị cho trẻ giữa các thành viên trong gia đình

Trong gia đình, tình yêu thương, đoàn kết giữa các thành viên có một vai trò hết sức quan trọng, tạo nên bầu không khí tâm lý gia đình vui vẻ hòa thuận. Các thành viên cùng tham gia vào ĐHGDGT cho trẻ như ông bà, cha mẹ, anh chị em... Sự khác nhau về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội, tính cách... là điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển trí tuệ, tình cảm và các giá trị được hình thành, giúp trẻ có những quan sát và nhận thức về xã hội, tập cho trẻ làm quen với xã hội bên ngoài [20, 71]. Vì vậy, khi trẻ được sống trong gia đình mà các thành viên quan tâm đến nhau và có sự thống nhất về quan điểm định hướng giáo dục giá trị cho trẻ, sẽ là điều kiện thuận lợi để trẻ tiếp thu các giá trị đúng hướng.

Tuy nhiên, sự không thống nhất về quan điểm giữa các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng tiêu cực đến việc ĐHGDGT cho trẻ. Với những gia đình có nhiều thành viên và các thế hệ cùng chung sống thì quan điểm định hướng giáo dục đối với thế hệ nhỏ (con, cháu) cũng là vấn đề mà nhiều gia đình gặp phải. Các bậc phụ huynh lớn tuổi trong gia đình (thế hệ ông bà) hướng con cháu theo quan điểm của họ, trong khi đó, cha mẹ lại định hướng con theo cách một riêng. Có thể nói, hiện nay đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa thế hệ cao tuổi (ông, bà) với cha mẹ của trẻ xung quanh việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ. Cha mẹ nào cũng thương con, ông bà nào cũng quý mến con cháu. Nhưng chỉ vì khác biệt về cách thể hiện tình cảm và quan điểm giáo dục con trẻ nên dễ nảy sinh bất đồng quan điểm [74, tr. 280 - 281].

Bên cạnh những mặt tích cực, trong quan điểm định hướng giáo dục của thế hệ lớn tuổi cũng tồn tại hạn chế nhất định như: các thành viên trong gia đình (ông bà/cô dì/chú bác…) định hướng cho con, cháu theo kinh nghiệm cá nhân. Điều này đôi khi không phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như yêu cầu của xã hội. Quan điểm “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không thống nhất trong việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ khiến mục tiêu giáo dục của gia đình bị thất bại. Sự không thống nhất này ảnh hưởng không tốt đến quá trình hình thành nhân cách ở trẻ vì trẻ sẽ không biết nghe theo ý kiến của ai. Bên cạnh đó, điều này cũng tạo ra sự không gương mẫu giữa các thành viên trong gia đình, các thành viên trong gia đình không đoàn kết, không tạo ra tấm gương tốt cho trẻ [31, 49].

Kiến thức của cha mẹ trong việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ

Kiến thức của cha mẹ cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình. Nó thể hiện hiểu biết của cha mẹ trong việc định hướng cho con những giá trị phù hợp với chuẩn mực xã hội, tạo ra sự phát triển nhân cách tốt ở con. Bởi muốn giáo dục đạt được mục tiêu thì cha mẹ cần phải dựa vào những quy luật chung của sự phát triển nhân cách theo lứa tuổi, quy luật hình thành giá trị ở trẻ theo từng lứa tuổi. Theo các nghiên cứu đã chỉ ra, hiểu biết của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến việc hình thành giá trị và tri thức ở trẻ thông qua nhiều kênh khác nhau:

(1) Thông qua sự truyền lại kinh nghiệm, (2) thông qua việc tạo các cơ hội, tình huống cho trẻ tư duy và thực hiện giải quyết vấn đề [99, tr. 714 - 715].

Theo Daniel Goleman, để trở thành người hướng dẫn tốt, cha mẹ cũng phải là người có kiến thức về trí tuệ xúc cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới xúc cảm ở cha mẹ mà con là ở con, và bao trùm lên các lĩnh vực của đời sống gia đình. Bản thân bố mẹ phải làm chủ thật tốt những điều sơ đẳng của trí tuệ xúc cảm (…) khi bố mẹ có trí tuệ xúc cảm, con cái họ hòa hợp với họ hơn, yêu thương họ hơn. Chúng ít có những vấn đề về ứng xử hơn, ít gây hấn hơn… [16, tr. 337]. Như vậy có thể thấy, trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng, cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đối với con trước hết là bằng kiến thức, hiểu biết của bản thân.

Môi trường xã hội, phương tiện truyền thông

Bên cạnh các yếu tố trên, môi trường xã hội, phương tiện truyền thông cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình. Với sự phát triển của kinh tế, người dân có điều kiện để làm ăn, buôn bán, từ đó, giúp cho đời sống sinh hoạt vật chất ngày một nâng cao. Tuy nhiên, mối quan hệ vợ chồng trong một số gia đình bị lỏng lẻo khi một vài giá trị gia đình đang có nguy cơ bị biến đổi do mặt trái của của kinh tế thị trường tác động vào [35].

Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông là yếu tố tác động đồng thời đến nhận thức của cha mẹ và trẻ trong việc tiếp thu kiến thức nói chung và tiếp nhận các giá trị nói riêng. Trong xã hội hiện đại, con người được tiếp cận nhiều thông tin hơn, qua nhiều các kênh khác nhau như ti vi, báo chí, và nhất là sự bùng nổ mạng xã hội internet…. con người được tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều hệ tư tưởng và giá trị khác nhau trên toàn thế giới. Vì vậy, các thông tin này có ảnh hưởng trực tiếp

đến việc cha mẹ đề ra mục tiêu giáo dục, lựa chọn giá trị giáo dục cho con, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành giá trị ở trẻ. Sự tác động tích cực được thể hiện ở chỗ, các cá nhân trong xã hội có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các thông tin mới, được cập nhật và tiếp thu các giá trị của xã hội hiện đại một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, môi trường sống và phương tiện truyền thông cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến việc ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình. Bởi khi trẻ được tiếp thu các thông tin không được chọn lọc và không mang tính giáo dục, thiếu sự kiểm soát từ người lớn, dẫn tới việc trẻ sẽ tiếp nhận các giá trị không phù hợp với các em. Bên cạnh đó, phim ảnh, sách báo, truyện tranh… cũng có tác động không nhỏ tới thanh thiếu niên: nhiều phim hành động, phim kinh dị, trò chơi điện tử có những cảnh chết chóc, tàn sát… Điều này ảnh hưởng đặc biệt tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ: không ít đứa trẻ trở thành người coi trọng đồng tiền, sống hưởng thụ, lười lao động, không biết quan tâm đến người khác… Những thông tin khác biệt và những trải nghiệm không lường trước được đang xâm nhập vào hệ giá trị của thanh thiếu niên, dẫn đến sự cách biệt giá trị giữa cha mẹ và con ngày càng lớn… Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành giá trị ở trẻ và ảnh hưởng đến việc ĐHGDGT cho trẻ của cha mẹ.

Định hướng giá trị của cha mẹ

Định hướng giá trị được hiểu là thái độ lựa chọn của con người đối với các giá trị vật chất và tinh thần; là một hệ thống tâm thế, niềm tin, sở thích được biểu hiện trong hành vi của con người [dẫn theo 55, tr. 21]. Hay, định hướng giá trị là khuynh hướng hay thái độ của cá nhân, cộng đồng hay nhóm xã hội lựa chọn những giá trị nhất định, phù hợp với những hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định [50, tr. 224]. Nhấn mạnh vào điều này cho thấy, định hướng giá trị của cha mẹ là những giá trị mà cha mẹ coi trọng, hướng đến các giá trị có ý nghĩa đối với bản thân họ. Vì vậy, định hướng giá trị của cha mẹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới ĐHGDGT cho trẻ em. Điều này được giải thích bởi một số lý do sau:

Thứ nhất: Các nghiên cứu đã cho thấy, các giá trị được tạo ra ở cha mẹ đó là: qua quá trình xã hội hóa lâu dài trong mối quan hệ (gia đình, xã hội và công việc); cùng với đó là qua việc nuôi dạy con: điều gì cha mẹ cho là đúng cách trong việc giáo dục, kỷ luật trẻ; các mục tiêu mà cha mẹ muốn con mình trở thành… [104].

Như vậy, các giá trị được hình thành và củng cố bởi năng lực nhận thức và kinh nghiệm sống của cha mẹ. Các giá trị mà cha mẹ hướng đến trên cơ sở hệ thống giá trị đã được bản thân họ nhận thức, từ đó có ý nghĩa quyết định đến sự lựa chọn của họ. Đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất quyết định đến việc cha mẹ ĐHGDGT cho trẻ trong gia đình.

Thứ hai: Trên thực tế, những giá trị mà cha mẹ hướng tới để hình thành ở trẻ

- “giá trị xã hội hóa” và những giá trị mà cha mẹ coi trọng không hoàn toàn đồng nhất (bởi trẻ còn được hình thành giá trị từ các hệ thống khác). Tuy nhiên, có sự tương quan giữa các giá trị mà cha mẹ mong muốn cho chính bản thân và giá trị họ hướng đến hình thành ở con (Knafo, Schwartz, 2001). Điều này được hiểu là, khi cha mẹ hướng đến những giá trị sống lành mạnh, sống thiện, sống tốt, có lòng nhân ái và biết quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh, hiếu thảo với ông bà cha mẹ… thì con cái cũng có xu hướng học theo những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ. Ngược lại, nếu cha mẹ hướng tới những giá trị sai lệch thì có ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách ở trẻ [20, tr. 112 - 127]. Hay nói cách khác, các giá trị mà trẻ em có được, mẫu hình nhân cách mà trẻ trở thành trong tương lai dựa trên các giá trị mà cha mẹ coi trọng, dựa trên việc cha mẹ đặt mục tiêu nền tảng ngay từ những giai đoạn đầu đời của trẻ.

Tóm lại, định hướng giá trị của cha mẹ phản ánh những giá trị mà cha mẹ cho là quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa với họ, là cơ sở thúc đẩy hành vi, quy định lối sống, quan điểm sống của cha mẹ. Vì vậy, những giá trị được cha mẹ coi trọng đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc họ xác định mục tiêu giáo dục giá trị cho con, cũng như ảnh hưởng đến việc họ lựa chọn các giá trị và phương pháp giáo dục phù hợp để hướng con tới mục tiêu đã đề ra.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/02/2023