Quan Niệm Về Giáo Dục Trẻ Em Của Người Nùng Dín


2.1.3. Quan niệm về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín

Cùng với việc sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, người Nùng Dín có ý thức dạy dỗ trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ. Người Việt có câu “Dạy con từ thuở còn thơ” thì người Nùng Dín cũng nói rằng:

Tiếng Nùng Dín

Tạm dịch là:

Mayw lsừ út caow rang

Cây thẳng uốn từ măng

Lsangw lục lsangw cao ew

Chăm con rằng từ bé

Út máy tổ caow é

Uốn cây từ lúc nhỏ

Doỏn lsuôn lục caow iêngw

Dạy con lúc con trẻ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Tri thức địa phương về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, Xã Tung Chung Phố, Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - 6

Tuy có ý thức về việc giáo dục trẻ em nhưng cũng như những tộc người khác, người Nùng Dín chưa hình thành nên hệ thống giáo dục khoa học mà dựa vào những kinh nghiệm, những tri thức mà cha ông ta đã dùng bao đời này để dạy dỗ trẻ em. Dù vậy, người Nùng Dín đã có những quan niệm hết sức rõ ràng trong việc giáo dục trẻ em phù hợp với bản sắc văn hóa tộc người.

Các nhà khoa học cho rằng giáo dục có hai chức năng chính là chức năng tái sản xuất nhân cách và tái sản xuất xã hội. Tuy không ý thức được mục đích của việc giáo dục trẻ em trên cơ sở khoa học nhưng người Nùng Dín dựa vào những kinh nghiệm của minh cũng cho rằng: giáo dục trẻ em nhằm vào 2 mục đích chính. Thứ nhất, giáo dục trẻ em là giáo dục một đứa trẻ thành “người Nùng Dín”, tức là giáo dục cho đứa trẻ những quan niệm, triết lý của tộc người Nùng Dín về cuộc sống, lao động, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội … từ đó giúp đứa trẻ hình thành thế giới quan, nhân sinh quan mang dấu ấn, mang bản sắc văn hóa của tộc người. Thứ hai, giáo dục trẻ em những kỹ năng lao động sản xuất phù hợp với truyền thống lao động của nhóm người Nùng Dín nhằm sản xuất ra của cải vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế của gia đình . Hai mục đích này phù hợp với những phân tích của các nhà khoa học về chức năng của giáo dục, thể hiện trí tuệ của người Nùng Dín trong nhận thức về giáo dục con người.

Người Nùng Dín cũng cho rằng: giáo dục trẻ em không phải là một quá trình ngắn ngủi mà phảiđược thực hiện trong một thời gian dài, từ khi đứa trẻ chào đời


đến khi được coi là trưởng thành. Trước đây, người Nùng Dín thường có tục tảo hôn, độ tuổi kết hôn thường là 15 hoặc 16 tuổi, vì vậy họ cho rằng trai, gái dưới từ 15 tuổi trở xuống đều là trẻ em, còn khi đã kết hôn tức là đã trưởng thành. Người Nùng Dín không chỉ giáo dục trẻ em trong gia đình mà còn trong cả cộng đồng tộc người, nhưng quan trọng nhất là giáo dục trẻ em trong gia đình.

2.2. Hệ thống tri thức địa phương về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín.

2.2.1. Nội dung giáo dục

2.2.1.1. Giáo dục ngôn ngữ và chữ viết

Ngôn ngữ là sản phẩm cao cấp của ý thức con người, là vật chất được trừu tượng hóa và là hệ thống tín hiệu thứ hai của con người. Ngôn ngữ là một phương tiện, một công cụ để con người giao tiếp với nhau, trao đổi tư tưởng và đi đến hiểu nhau.

Các nhà dân tộc học khi nghiên cứu thành phần tộc người đã đưa ra các tiêu chí chung để xác định các tộc người khác nhau, trong đó có tiêu chí ngôn ngữ. Ngôn ngữ là tiêu chí cơ bản để người ta phân biệt các tộc người với nhau, người Nùng Dín sử dụng tiếng Nùng là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, tiếng Nùng nằm trong nhóm ngữ hệ Thái – Kadai.

Người Nùng Dín Lào Cai vẫn nói và bảo tồn được tiếng nói tộc người của mình. Đồng thời qua giao lưu văn hóa còn học và sử dụng tiếng nói của các dân tộc khác đặc biệt là tiếng Kinh và tiếng quan hỏa (Vân Nam - Trung Quốc). Ngoài ra nói được tiếng Tày, Giáy, Hmông, Dao đối với các làng bản sống gần các dân tộc này để mở rộng mối quan hệ giao dịch và làm phong phú thêm tiếng nói dân tộc mình.

Người Nùng Dín rất coi trọng việc bảo tồn và duy trì tiếng nói của tộc người mình. Tiếng Nùng cũng trở thành một tiêu chuẩn để họ đánh giá xem có đúng là người Nùng hay không. Khi đi xa gặp những thế hệ trẻ của người Nùng ở nơi khác hoặc những gia đình người Nùng Dín chuyển đi sống nơi khác có con cháu trở về thăm ông bà thì người ta thường hay hỏi câu đầu tiên là “Có còn biết nói tiếng Nùng không?”, nếu còn biết nói thì ngay lập tức dùng tiếng Nùng nói chuyện với nhau và


trở nên thân thiết hơn, nếu không biết nói thì họ thì họ thường bảo “nó mất gốc rồi”. Vậy là, đối với người Nùng Dín thì tiếng Nùng đã trở thành “cái gốc”, là tiêu chuẩn để phán xét một người có thực sự là “người Nùng”.

Người Nùng Dín trong thôn Tùng Lâu nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung luôn nói tiếng Nùng trong gia đình, trong cộng đồng làng bản và kể cả khi gặp người Nùng ở nơi khác. Trẻ em từ khi sinh ra và lớn lên đã nghe và tiếp nhận tiếng Nùng trong gia đình qua ông bà, bố mẹ và những người xung quanh. Chúng nghe người lớn trong gia đình nói tiếng Nùng, nghe những lời hát ru trong địu, những bài ca dao bằng tiếng Nùng vì vậy từ khi còn bập bẹ học nói đến khi nói năng lưu loát, trẻ em người Nùng Dín đã có thể sử dụng tiếng Nùng một cách thuần thục.

Về chữ viết, theo các tư liệu điền dã từ các nghệ nhân cao tuổi, thầy mo, thầy địa lý ngày xưa thì người Nùng Dín cũng có chữ viết sau đó đã bị mất cho đến ngày nay. Vì vậy, người Nùng Dín hiện nay không có chữ viết riêng.

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước có tổ chức dạy chữ phiên âm tiếng dân tộc sang chữ la tinh cho các dân tộc thiểu số trong đó có cả người Nùng Dín ở Lào Cai. Mỗi làng có 4 - 5 người được dự học và đã biết đọc, biết viết cho đến hiện nay vẫn còn nhớ, ví dụ như: Làng Tùng Lâu, xã Tung Chung Phố (Mường Khương hiện còn 4 người biết là : Vàng Tờ Phủ, Vàng Phù Dìn, Lùng Thền Cáng, Ly Thìn Diủ).

2.2.1.2. Giáo dục đạo đức, lối sống và ứng xử

Đây là chức năng hết sức quan trọng của gia đình mà xã hội không thể hoàn toàn thay thế được. Đối với đứa trẻ, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, gia đình là môi trường đầu tiên, trực tiếp hình thành lên nhân cách của nó. Nó cảm nhận, lắng nghe, quan sát từ lời ăn tiếng nói, các kiểu mẫu hành động, các tri thức của nhóm người, cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng. Một đứa trẻ không thể thích ứng được với cộng đồng nếu không được người lớn dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Quá trình dạy đứa trẻ từ một cá thể thành một nhân cách là quá trình dạy học “làm người” bắt đầu từ gia đình. Gia đình là nơi trao, truyền nhân tính đầu tiên cho các thế hệ mới ra đời. Đó là những giá trị nhân bản cao đẹp, thiêng liêng của con người.


Qua sự ứng xử của các thành viên gia đình với nhau, giúp trẻ em hiểu đuợc các mối quan hệ huyết thống “máu mủ, ruột rà”. Ứng xử của gia đình giúp trẻ em nhận ra rằng gia đình là sức mạnh của bản thân và sẽ bảo vệ chính mình. Đứa trẻ nương nhờ vào sức mạnh đó trong suốt cả cuộc đời. Gia đình giúp cho đứa trẻ học cách ứng xử trong gia đình và dần dần mở rộng ra các mối quan hệ nhân tính ngoài xã hội.

Người Nùng Dín cũng cho rằng giáo dục đạo đức, lối sống và cách ứng xử là một nội dung quan trọng trong việc giáo dục trẻ em. Mỗi người Nùng Dín đều được sinh ra và lớn lên trong 3 cộng đồng: cộng đồng gia đình, cộng đồng dòng họ và cộng đồng tộc người. Họ không thể rời bỏ cộng đồng của mình mà ngược lại họ đều phải sống nhờ vào cộng đồng đó và cũng vì các cộng đồng đó. Vì vậy, để tồn tại được trong 3 xã hội đó, họ phải tuôn theo những quy tắc của những cộng đồng ấy. Những quy tắc ấy trở thành những khuôn mẫu đạo đức, lối sống và cách ứng xử mà mỗi cá nhân trong cộng đồng chấp nhận và tuân theo. Vì vậy, người Nùng Dín cho rằng việc giáo dục trẻ em những quy tắc để có thể sinh tồn tại 3 xã hội ấy chính là việc phải giáo dục đạo đức, lối sống và cách ứng xử cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình – môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ em.

- Ứng xử trong gia đình

Gia đình truyền thống người Nùng Dín thường sinh sống theo cấu trúc xã hội gồm ba thế hệ: ông bà – cha mẹ - con cái. Trong đó, ông bà – cha mẹ thường sống chung với con trai trưởng hoặc con trai út. Cấu trúc xã hội này vẫn tồn tại và phổ biến ở hầu hết các thôn, làng người Nùng Dín. Vì vậy, trong mỗi gia đình đều tồn tại các mối quan hệ: quan hệ vợ - chồng, quan hệ bố mẹ - con cái, quan hệ ông bà, cụ - cháu chắt, quan hệ anh - chị - em. Trẻ em từ khi sinh ra trong mỗi gia đình đều sẽ tồn tại trong các mối quan hệ đó, do đó các em cần phải được giáo dục chính xác để xác định được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ gia đình.

Trẻ em khi đã bắt đầu học nói, học nhận thức về xung quanh thì sẽ được ông bà cha mẹ dạy cách xưng hô các thành viên trong gia đình, gọi ông bà, cha mẹ (pồ mề) và anh chị em (pì noống). Điều này sẽ tạo thành thói quen cho trẻ xưng hô đúng với vị trí của mình trong gia đình. Cùng với sự lớn dần của trẻ là sự phát triển hoàn


thiện hơn về tâm lý tình cảm, ông bà cha mẹ bằng những lời khuyên răn, dạy dỗ sẽ chỉ bảo cho trẻ em cách ứng xử hành động cho đúng với vị thế của mình. Trẻ sẽ nhận thức được hành vị nào của mình là đúng, là sai và nếu sai sẽ phải bị trừng phạt.

Cũng như các tộc người khác, người Nùng Dín luôn dạy con cái phải ghi nhớ công ơn của bậc sinh thành, dưỡng dục. Khi con sinh ra, mọi suy nghĩ của cha mẹ đều dành cho đứa con, vì đứa con của mình. Để nuôi con khôn lớn, cha mẹ đã phải trải qua bao nhiêu nhọc nhằn, khổ cực, chăm lo từng miếng cơm, manh ao, nâng niu từng giấc ngủ.

Tình cảm yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con trẻ đã được đưa vào những bài thơ giàu cảm xúc bằng những lời kể mộc mạc giản dị lại chân thật với cuộc sống thường ngày [20,102]:

Tiếng Nùng Dín:

Dịch nghĩa tiếng Việt:

Đânw râư ngư lục lảo

Tháng nào ước con khôn

Đao râư ngư lục lungw

Dạo nào mong con lớn

Ngư lục slungw lum pần

Mong con cao như bạn…

…Chinw bổ păn chau nhai

…Ăn không được chủ mớm

Tảy bổ khải chungw tsênw

Đi không nhanh dắt tay

Thew bổ dín pên bả...

Chạy không kịp bám vai...

…Payw pả đay thiêngw lai Auw hoóc vai nghè ew Payw pả đay thiêngw nuw

Auw hoóc muw utj itw

…Lên nương được dưa gang Đem làm trâu nghé ọ

Lên rẫy được dưa chuột

Đem làm lợn ủn ỉn

Bài hát phản ánh về tấm lòng người cha, người mẹ dành cho con cái, chăm cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy con đi, dạy con nói, khi con còn thơ bé, nhà nghèo khó không có đồ chơi, hái được quả dưa trên nương phải nhịn ăn để làm đồ chơi cho con.

Chính vì thế, con cháu phải biết ơn công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ, từ đó phải kính yêu và có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Người


Việt có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” để nói về việc này. Người Nùng Dín cũng cho rằng khi còn nhỏ cha mẹ là người chăm sóc con cái thì khi về già, cha mẹ không còn sức lao động phải cậy nhờ con cháu. Chăm sóc cha mẹ lúc về già, lúc ốm đau bệnh tật là trách nhiệm của con cháu, nếu không việc đó có nghĩa là đã chà đạp lên đạo làm con, đạo làm người mà cộng đồng tộc người đã thừa nhận và bảo vệ từ lâu đời. Đặc biệt, đạo hiếu còn được mở rộng ra thành việc kính trọng ông bà, tổ tiên của mình.

Điều này xuất phát từ tín ngưỡng dân gian của tộc người Nùng Dín, cùng với các chi nhánh dân tộc Nùng nói riêng và các dân tộc trong ngữ hệ Tày – Thái nói chung, nhóm người Nùng Dín có quan niệm “vạn vật hữu linh” tức là mọi sự vật đều có linh hồn, đồng bào gọi là “mình khonw”. Linh hồn được biểu hiện trong đời sống của người Nùng Dín là “Ty pphiw – tức là ma”, các dân tộc trong ngữ hệ Tày

– Thái và các chi nhánh người Nùng gọi là “phi - ma”. Cũng xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” nên người Nùng Dín quan niệm hồn và xác – tức con người có linh hồn và thể xác (ty con mi mình khonw). Khi con người chết thì chỉ là hồn lìa khỏi xác nhưng hồn vẫn tồn tại ở một cõi riêng biệt gọi là mường tiên (mưng slinw).

Vì vậy, người Nùng Dín tin rằng tuy ở mường tiên xa xôi nhưng linh hồn ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên liên hệ, đi về thăm non phù hộ các con cháu thông qua nén nhang cầu khấn trong các lễ tết, cưới xin, làm nhà. Do đó phải thờ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho cuộc sống của mình được hạnh phúc. Cho nên tất cả các dòng họ, gia đình người Nùng Dín đều thờ cúng tổ tiên; kể cả các con cháu mới lập gia đình ra ở riêng cũng đều lập bàn thờ để thờ cúng gia tiên. Trong đó, đồng bào thờ cúng vào các dịp lễ tết, hội hè dân tộc; con cháu gia đình cưới xin, làm nhà mới, các lễ chúc tết của con cháu.

Mặt khác, xuất phát từ quan niệm về cái chết như đã nêu trên, nếu không tổ chức được tang lễ chu đáo, ông bà cha mẹ không có “mồ yên mả đẹp” thì linh hồn người chết vẫn lẩn quất xung quanh người sống, thậm chí quấy rầy người sống trong gia đình. Cho nên cần phải tổ chức tang lễ với đầy đủ các nghi thức theo


phong tục tập quán tộc người để đưa linh hồn người chết về “an cư lạc nghiệp” ở thế giới mường tiên.

Vì vậy, quan niệm đạo đức truyền thống của tộc người Nùng Dín “con cái phải có hiếu với cha mẹ” còn thể hiện ở chỗ: khi ông bà cha mẹ qua đời, phải chăm lo làm ma chay chu đáo cho cha mẹ là hình thức đáp nghĩa quan trọng nhất. Do đó, khi ông bà cha mẹ qua đời, các con cháu nào cũng vậy phải tổ chức tang lễ dâng hiến tài sản, lễ vật cho người quá cố. Đó là những cây tiền, nhà táng, trâu cày, ngựa thồ, vàng bạc, quần áo, chăn màn thông qua các nghi thức cúng, mo tiễn đường của các thầy mo để cho người quá cố có cuộc sống không chỉ đủ đầy mà còn giàu sang phú quý hơn ở trần gian, bù đắp cho những nỗi gian nan vất vả bất hạnh ở dương trần.

Bên cạnh chữ “hiếu” với ông bà, cha mẹ, người Nùng Dín cũng đề cao giáo dục về mối quan hệ anh em trong gia đình. Anh em là người cùng chung dòng máu, có chung cha mẹ, có chung nguồn gốc với mình bởi vậy phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; khi gia đình có công, có việc như đám ma, đám cưới, … thì người đầu tiên họ nghĩ đến là anh em, con cháu trong nhà. Người Nùng Dín thường bảo nhau: “Khaw thủ toọc út bổ đay lăm rung – Một chiếc đũa uốn không được quá giang” hay “Tủng nừ lum pphuw mi điw lục – Thương nha như vợ chồng, con cái”

Tất cả sẽ đứng ra cùng nhau tổ chức công việc, sắp xếp việc giúp đỡ tiền của hoặc giúp công. Bởi “Mi chằm chinw chú vanw; Cắng chằm thamw chú nâư – Có cùng ăn mới ngon, Việc cùng khiêng mới nhẹ”. Anh em với nhau đôi khi có lúc bất đồng, giận dỗi nhưng không thể vì thế mà bỏ mặc nhau, dứt tình anh em. Người lớn trong gia đình thường dạy con trẻ rằng:

Tiếng Nùng Dín:

Dịch nghĩa:

Slá đoọcj lê bổ rú viềng

Giá cũ thì biết vứt

Pí noống đoọcj bổ rú viềng

Anh em cũ không biết bỏ

Người Nùng Dín cũng cho rằng quan hệ anh em hòa thuận còn do cách đối xử của cha mẹ đối với chúng, việc phân công lao động trong gia đình, việc phân xử khi


con cái có tranh cãi một cách công bằng có thể khiến cho mối quan hệ anh em, cha mẹ - con cái tốt đẹp hơn. Để cho tình cảm anh em trong gia đình thân thiết hơn, ông bà cha mẹ người Nùng Dín còn thường để “đứa lớn trông đứa nhỏ”. Khi cha mẹ, ông bà bận rộn với những công việc đồng áng thì việc trông nom những đứa trẻ còn nhỏ tuổi sẽ do những người anh hoặc chị lớn tuổi trong gia đình đảm nhiệm. Bây giờ khi vào các làng bản người Nùng Dín vẫn còn có thể bắt gặp hình ảnh những em nhỏ 10 – 15 tuổi vừa địu em vừa trông nhà hoặc làm các công việc nhẹ nhàng như nhặt rau, quét nhà,… Việc này đã khiến cho những đứa con lớn tuổi hơn không những tự hào vì mình giúp đỡ được cha mẹ trong các công việc lao động trong gia đình, ý thức được trách nhiệm của bản thân không chỉ là người con mà là người anh, người chị trong gia đình mà còn kéo gần mối quan hệ anh chị em trong nhà. Thậm chí, nhiều khi người anh hoặc chị cả trong gia đình sẽ là người dạy dỗ hướng dẫn em trai, em gái làm các công việc lao động nhẹ nhàng trong gia đình khi chúng đến tuổi.

Em Vàng Thị Xuân (15 tuổi) kể lại: “ mấy năm trước, lúc mà còn đi học 1 buổi, lúc ở nhà, em thường nấu cơm, giặt quần áo, cắt cỏ cho trâu hoặc trông em cho bố mẹ hoặc trông em con chú ở nhà trên. Thỉnh thoảng em cũng dắt các em đi chơi ở trong làng…”2

Đạo vợ chồng cũng được ông bà, cha mẹ giảng dạy phân tích cho con cháu, từ khi còn sống cùng cha mẹ cho đến khi làm dâu, làm rể nhà người. Trong đó, sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng là điều quan trọng nhất được nhấn mạnh đối với con cháu. Khi con cái lập gia đình, người lớn thường dạy rằng:

Tiếng Nùng Dín:

Dịch nghĩa:

Mề nà ta pủ lung

Em dâu với anh chồng

Cung ma chú há khảo

Bí lắm mới nói chuyện

Người Nùng Dín cho rằng giáo dục cho trẻ em về những mối quan hệ trong gia đình không phải bằng cách giảng giải suông mà dựa vào những thực tế ứng xử


2 Vàng Thị Xuân, học sinh trường THPT số 1 thị trấn Mường Khương

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/01/2023