Nghiên Cứu Về Mục Tiêu Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em

của cải, quý trọng tri thức… vô hình chung ảnh hưởng tự phát đến trẻ. Những bài học “đạo đức” như vậy có thể lĩnh hội một cách tự nhiên và các giá trị dần được hình thành ở trẻ [19, tr. 59].

- Bắt chước: Là sự lặp lại những hành vi, cử chỉ (ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) của người khác mà cá nhân tri giác được. Bắt chước có thể diễn ra theo cách không chủ định hoặc có chủ định. Trẻ con học cách quan sát người khác và có xu hướng lặp lại, bắt chước cha mẹ. Thông qua đó chúng tiếp thu các thái độ, học cách nhìn nhận và đánh giá những gì diễn ra xung quanh chúng.

Tác giả Dương Thị Diệu Hoa (2012) đã chỉ ra, việc lĩnh hội giá trị ở trẻ chính là quá trình tác động có mục đích, có phương pháp của người lớn. Ví dụ như, trẻ học giá trị thông qua việc tham gia vào các hoạt động có định hướng của gia đình và nhà trường, nhất là vai trò quyết định của cha mẹ đối với việc hình thành giá trị ở trẻ trong những năm đầu đời. Và để quá trình giáo dục giá trị cho trẻ em thành công, đòi hỏi người lớn không chỉ dạy luân lý mà phải kết hợp với hành những hành vi ứng xử có đạo đức. Sự học tập thông qua trải nghiệm mang lại cho trẻ nhiều kinh nghiệm quý, giúp trẻ củng cố những luân lý đã tiếp thu hoặc có thể từ bỏ các giá trị không phù hợp đã được hình thành. Do vậy, để trẻ củng cố những trải nghiệm đạo đức thì việc khen ngợi, động viên của cha mẹ mang lại hiệu quả cao đối với trẻ [28, tr. 165 - 166].

Theo tác giả Trần Thị Minh Đức (2008), trong quá trình xã hội hóa, trẻ em có xu hướng tự đồng nhất bản thân mình với người mà chúng yêu mến, hoặc người có ảnh hưởng nhiều tới nhân cách của chúng và học hỏi các chuẩn mực, quy tắc đạo đức từ người đó (trong gia đình chính là bố mẹ của trẻ). Kinh nghiệm xã hội của trẻ gồm các phán đoán, đánh giá được xác định bằng nguồn thông tin như tốt, xấu, thích hay không thích… do gia đình cung cấp, trở thành cố định vững chắc như những ấn tượng có thật ngay từ nhỏ và có ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, trẻ sẽ chọn những quan điểm đánh giá từ gia đình và áp dụng chúng vào cuộc sống của trẻ [12, tr. 371].

Theo quan điểm của tác giả Trần Trọng Thủy (1993), quá trình hình thành giá trị hay còn gọi là quá trình tiếp nhận và lĩnh hội, sự nội tâm hóa, sự đồng nhất hóa các giá trị là một quá trình xã hội phức tạp, được biểu hiện như sau: 1/ Thông

tin về sự tồn tại của giá trị và những điều kiện để thực hiện nó. 2/ “Phiên dịch” thông tin sang ngôn ngữ riêng của cá nhân. 3/ Hoạt động tích cực, giá trị vừa nhận thức được tiếp nhận hay bị khước từ. 4/ Đưa nó vào hệ thống các giá trị đã được thừa nhận của cá nhân. 5/ Những biến đổi của nhân cách, bắt đầu tự sự tiếp nhận hay phủ nhận giá trị [71]. Quan điểm này cho thấy vai trò của môi trường xã hội trong việc tạo ra các giá trị để trẻ thực hành; bên cạnh đó còn phụ thuộc vào tính tích cực của trẻ thông qua hoạt động để hình thành nên các giá trị cốt lõi.

Tóm lại, các tác giả cùng chung quan điểm cho rằng sự hình thành giá trị ở trẻ em là một quá trình xã hội hóa lâu dài, thông qua cơ chế lĩnh hội. Một mặt trẻ em tiếp thu và lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm và các giá trị xã hội, mặt khác trẻ em lại thực hành, vận dụng những giá trị đã tiếp thu được vào thực tiễn cuộc sống thông qua hoạt động và giao lưu. Do vậy, để trẻ hình thành các giá trị tốt đẹp thì sự quan tâm và giáo dục có định hướng của gia đình trong việc truyền thụ giá trị đóng vai trò hết sức quan trọng.

1.2.3. Nghiên cứu về mục tiêu giáo dục giá trị cho trẻ em

Trên thực tế, vấn đề giáo dục giá trị cho trẻ em ở Việt Nam đã được cụ thể hóa thành môn học trong chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là môn Đạo đức và môn Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, các môn học trong nhà trường cũng lồng ghép các giá trị, hướng đến hình thành nhân cách tốt cho học sinh như: lịch sử, văn học, địa lý... Nhìn chung, các môn học được xây dựng theo nguyên tắc đồng tâm phát triển các giá trị của con người Việt Nam thời kì CNH - HĐH [4, tr. 8]. Theo đó, trọng tâm của hai môn học giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là phát triển ở học sinh hệ thống thái độ, xúc cảm, tình cảm, niềm tin đạo đức; hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, tích cực tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm, quyền hạn của công dân; hình thành hành vi, thói quen theo các chuẩn mực đạo đức xã hội, những qui định của pháp luật và cộng đồng.

Trong lĩnh vực Tâm lý học, theo tác giả Lê Đức Phúc (2009), giáo dục giá trị là một phần của kế hoạch giảng dạy của trường học, nó là quá trình mà ở đó những giá trị được hình thành cho người học dưới sự hướng dẫn của giáo viên [58].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Tán thành quan điểm này, tác giả Phạm Minh Hạc (2013) cho rằng, “sứ mệnh của giáo dục giá trị là đưa cách tiếp cận giá trị vào toàn bộ hoạt động dạy - học, hình

thành và phát triển bền vững con người, gia đình, cộng đồng, xã hội” [23, tr. 209]. Giáo dục giá trị là công việc của cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, với mục tiêu nhằm giúp thế hệ trẻ: 1. Hiểu được giá trị của mỗi con người - của chính mình; 2. Ý thức được giá trị cá thể gắn bó chặt chẽ với giá trị cộng đồng, xã hội; 3. Hình thành và phát triển hệ giá trị của mỗi người thông qua hoạt động và giao lưu với sự hỗ trợ của giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội; 4. Thể hiện được giá trị của bản thân vào cuộc sống; 5. Biết đánh giá giá trị của người khác, của cộng đồng xã hội, đặc biệt tự đánh giá bản thân, từ đó mới có năng lực tự phát triển bền vững, ngày càng hoàn thiện bản thân, gia tăng giá trị tự khẳng định mình [23, tr. 209 - 210].

Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình - 5

Tóm lại qua những nghiên cứu trên có thể thấy việc đề ra mục tiêu giáo dục chính là xây dựng mô hình nhân cách con người trong tương lai. Chúng tôi cho rằng, vai trò của gia đình và nhà trường chính là định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em để đạt được mô hình nhân cách đó sao cho phù hợp và được yêu cầu của sự phát triển xã hội.

1.2.4. Nghiên cứu về nội dung giáo dục giá trị cho trẻ em

Nghiên cứu về gia đình dưới góc độ Xã hội học, các tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý (2007) đã nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với việc giáo dục giá trị truyền thống cho trẻ em. Những nội dung mà gia đình quan tâm hàng đầu đó là: giáo dục truyền thống gia đình (84.5%) và giáo dục truyền thống dòng họ (70.6%). Các giá trị được ông bà cha mẹ quan tâm giáo dục con cháu là: 1. Lòng yêu nước (73.3%);

2. Tinh thần đoàn kết (80.8%); 3. Cần cù, chịu khó trong lao động (76.6%); 4. Ý chí phấn đấu vươn lên (61.9%); 5. Lòng dũng cảm kiên cường (45.9%); 6. Tinh thần học tập ham hiểu biết (70.3%); 7. Lòng hiếu thảo với cha mẹ (88.5%); 8. Tinh thần tôn sư trọng đạo (70.8%). Nghiên cứu của các tác giả không chỉ khẳng định vai trò to lớn của gia đình trong việc bảo lưu, giáo dục giá trị cho thanh thiếu niên mà còn đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của gia đình đối với việc giáo dục giá trị truyền thống cho trẻ em trong điều kiện hiện nay, đó là: phương pháp giáo dục trẻ bằng truyền miệng, giải thích; phương pháp giáo dục bằng tấm gương của cha mẹ; hoặc khi trẻ mắc lỗi cha mẹ cần giáo dục bằng hình thức khuyên bảo; cha mẹ cần biểu dương khen thưởng khi trẻ làm điều tốt; bên cạnh đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và xã hội để giáo dục trẻ [39].

Dưới góc độ Tâm lý học, tác giả Ngô Công Hoàn (2006) đã chỉ ra các giá trị mà gia đình cần hướng tới giáo dục cho trẻ đó là:

- Với trẻ ở lứa tuổi học sinh tiểu học, có hai nội dung quan trọng mà cha mẹ cần giáo dục là: (1) Giá trị đạo đức: gia đình cần giáo dục trẻ làm các việc tốt, việc thiện, như giúp đỡ ông bà cha mẹ làm các việc gia đình, chăm sóc bố, mẹ, ông bà lúc ốm đau… Dạy cho trẻ có hành vi tích cực, có tình yêu thương động vật. (2) Giá trị xã hội, với các giá trị như: sự quyết tâm và tận tâm, sự chân thật và chính trực, sự kiên nhẫn, lòng khoan dung, tính kỷ luật [30, tr. 102 - 106]. Theo đó, quá trình giáo dục giá trị này cần được thể hiện qua hành vi, việc làm cụ thể trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Bởi trẻ lĩnh hội các chuẩn mực hành vi này theo cơ chế nhập tâm, bắt chước hành vi ứng xử từ người khác (bố mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè…) [29, tr. 17].

- Với trẻ ở lứa tuổi học sinh THCS, gia đình cần tiếp tục giáo dục các giá trị về đạo đức và các giá trị xã hội, nhưng không chỉ dừng lại ở việc giáo dục cho trẻ nhận thức được các giá trị, mà trẻ cần đạt được bằng thái độ và hành động tự giác, tự nguyện của bản thân. Theo đó, các giá trị được lựa chọn giáo dục cần gắn với các mối quan hệ gia đình, nhà trường và các mối quan hệ bạn bè của trẻ, đó là: (1) Giá trị đạo đức: thể hiện ở các chuẩn mực hành vi như tôn trọng ông bà cha mẹ, thầy cô, biết kiềm chế cảm xúc, biết yêu thương, sống có trách nhiệm. (2) Giá trị của đồng tiền: biết cách tiêu tiền vào những việc chính đáng, biết tiết kiệm tiền, tôn trọng sức lao động của cha mẹ và mọi người. (3)Tinh thần trách nhiệm: hiểu được trách nhiệm của người con trong gia đình, trách nhiệm của học sinh đôi với trường học, trách nhiệm đối với nhóm bạn bè mà trẻ tham gia. (4) Yêu lao động: nhằm mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho trẻ. Qua đó giúp trẻ có thái độ tích cực đối với lao động, kính trọng người lớn trong gia đình, biết tôn trọng các sản phẩm lao động, tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt. Trẻ cần hình thành những giá trị như: sự say mê lao động, sự cần cù, sáng tạo… [32; tr. 109 - 113].

Theo tác giả Nguyễn Công Khanh (2014), để hình thành giá trị sống cho học sinh Việt Nam, các giá trị quan trọng nhất cần được giáo dục cho trẻ em là: 1. Giàu tình thương; 2. Trung thực; 3. Biết quan tâm đến người khác; 4. Ham học hỏi; 5. Siêng năng; 6. Sống tôn trọng luật pháp; 7. Yêu hòa bình; 8. Biết nhận lỗi và biết

tha thứ; 9. Sống chủ động, tự tin; 10. Chấp nhận thử thách và luôn vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó các giá trị được hình thành nhờ quá trình tự nhận thức và sự trải nghiệm của mỗi người, do đó trẻ cần được giáo dục từ rất sớm, gắn liền với việc tạo những hành vi tích cực và thói quen tốt cho trẻ [40, tr. 70 - 74].

Cùng hướng nghiên cứu này, tác giả Trương Thị Khánh Hà và cộng sự (2016) đã nghiên cứu về giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình. Bằng phương pháp sử dụng bảng khảo sát 10 giá trị (gồm 40 item) của Shalom H. Schwartz, các tác giả đã khảo sát trên nhóm khách thể là cha mẹ và con ở lứa tuổi vị thành niên tại 3 miền: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, các giá trị mà cha mẹ đề cao nhất là: An toàn, truyền thống, đúng mực, nhân ái, và giá trị toàn cầu. Trong khi đó, các giá trị mà trẻ đề cao là: Giá trị toàn cầu, lòng nhân ái, đúng mực, tự định hướng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra các nhóm phẩm chất nhân cách mà cha mẹ thường giáo dục con hiện này là: 1/ Biết yêu thương; tôn trọng bản thân và người khác; lễ phép; có hiếu; có lòng nhân ái; trọng tình nghĩa; chia sẻ giúp đỡ; trung thực; có trách nhiệm; khiêm tốn. 2/ Giàu trí tưởng tượng, linh hoạt sáng tạo, sôi nổi nhiệt tình, mạo hiểm, lạc quan, tự tin, vui vẻ hài hước, can đảm, có khát vọng. 3/ Chăm học, học giỏi, cần cù, có ý chí. 4/ Biết rèn luyện sức khỏe, chăm lao động. 5/ Biết sử dụng tiền, tiết kiệm tiền, tự lập tự chủ. Có thể nói, đây là một trong những nghiên cứu mới nhất về vấn đề giáo dục giá trị cho trẻ em dưới góc độ tâm lý học. Kết quả nghiên cứu phản ánh một cách hệ thống các giá trị cha mẹ đang giáo dục cho trẻ em hiện nay dựa trên bảng khảo sát giá trị của Schwartz [20].

Tiểu kết chương 1

Điểm luận qua các công trình nghiên cứu của các tác giả ở trong và ngoài nước chúng tôi nhận thấy, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều quan tâm đến việc giáo dục giá trị cho trẻ em. Mỗi quốc gia đều có một chiến lược định hướng phát triển công dân của nước mình thông qua chương trình giáo dục giá trị cho trẻ. Các nghiên cứu có chung quan điểm khi cho rằng giá trị đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân.

Các nghiên cứu trên thế giới tập trung nghiên cứu về cơ chế hình thành giá trị và cơ chế hình thành đạo đức (nhờ có giá trị, đạo đức mà con người có được các phẩm chất nhân cách), về các giá trị cần lựa chọn để giáo dục cho trẻ, và về cách thức giáo dục giá trị phù hợp để trẻ hình thành giá trị.

Ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục giá trị cho trẻ em dưới góc độ Văn hóa học. Bên cạnh đó, dưới góc độ Tâm lý học, các tác giả tập trung nghiên cứu về mục tiêu giáo dục giá trị, về nội dung giáo dục giá trị và phương pháp giáo dục giá trị cho trẻ em.

Tóm lại, giá trị được hình thành ở trẻ thông qua quá trình xã hội hóa lâu dài, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển tâm lý con người, trẻ có sự gắn bó chặt chẽ với môi trường gia đình. Trên thực tế, có nhiều nguồn lực cùng tham gia vào việc hình thành cho trẻ các giá trị tốt đẹp như: nhà trường và các tổ chức xã hội, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách tốt cho trẻ. Đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục giá trị cho trẻ em trên thế giới và ở trong nước, tuy nhiên chưa có nghiên cứu đầy đủ về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình. Vì vậy, kế thừa các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, tôi chọn đề tài“Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình” làm đề tài nghiên cứu của luận án.

Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ CHO TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH


2.1. Định hướng

Trong Tâm lý học, Tâm thần học, khái niệm định hướng được định nghĩa là khả năng định vị bản thân trong môi trường của một người, tham chiếu đến thời gian, địa điểm, và con người. Theo New Webster Dictionary of the English Language, định hướng là để "điều chỉnh hoặc dẫn dắt một ai đó hoặc cái gì đó theo một hướng cụ thể để đi đến một tình huống hay một mục tiêu nhất định”.

Trong Tâm lý học, định hướng là chức năng của tâm lý nhằm điều khiển hoạt động, hành động của con người. Theo Từ điển Tâm lý học do tác giả Vũ Dũng chủ biên (2008), định hướng là kỹ năng nắm bắt và làm chủ trong một hoàn cảnh hay bối cảnh. Sự am hiểu, thông thạo trong một vấn đề nào đó. Định hướng là khuynh hướng của hoạt động nào đó [9, tr. 161]. Chúng tôi không tán thành với quan điểm cho rằng “định hướng là kỹ năng”, tuy nhiên khái niệm này về cơ bản cho thấy định hướng là một hoạt động có sự hiểu biết của con người (con người đã nhận thức được) về vấn đề nào đó trong cuộc sống của họ; đồng thời, thể hiện sự hướng tới một nội dung nào đó trong hoạt động của chủ thể. Ví dụ, trong quan điểm của mỗi cá nhân, có người hướng tới các giá trị vật chất, có người hướng tới các giá trị tinh thần.

Trong Tâm lý học hoạt động, P. Ia. Galperin đã giải thích mối quan hệ qua lại giữa dạy học và sự phát triển trí tuệ ở trẻ em. Theo đó, hành động con người được xác định bởi định hướng hành động và điểu khiển hành động được ý thức. Đây là cơ sở cho việc tổ chức hoạt động của trẻ, ông đánh giá rất cao vai trò của định hướng hành động, ông gọi đó là “đối tượng của Tâm lý học”. Galperin cho rằng phần định hướng hành động là phần đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến tất cả các khâu của hành động, bao gồm [dẫn theo 22, tr. 72], [53, tr. 612- 633], [78, tr. 30]:

+ Định hướng mục đích: được hiểu là việc cá nhân xác định những nhiệm vụ hay chuẩn mực hành vi tổng quát cần phải đạt tới (độ khái quát của việc định hướng), tức là trả lời cho câu hỏi cái gì cần được làm.

+ Định hướng nội dung: được hiểu là việc cá nhân tự soạn thảo ra các chiến lược hành động, cũng như sự thực hiện hành động cụ thể, phương pháp thực hiện hành động (tính đầy đủ của việc định hướng).

Theo các tác giả Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thủy (1988), khâu định hướng chứa đựng cả việc xác định mục đích và các yếu tố tâm lý khác (nhu cầu, động cơ...) của công việc. Theo đó, con người sử dụng các giác quan, các cơ bắp, các tri thức, kinh nghiệm..., tổ chức thành các hành động thực hiện. Mặc khác, hoạt động nhắm tới mục đích ít khi diễn ra một cách đơn giản, dễ dàng, thuận lợi, do đó trong quá trình vận hành hoạt động cần phải có điều chỉnh [21, tr. 20 - 21].

Cùng quan điểm trên, các tác giả Nguyễn Ngọc Bích (2000), Phan Trọng Ngọ (2003), Nguyễn Huy Tú (2008) cũng cho rằng định hướng là hoạt động có ý thức nhằm điều khiển hành vi, hoạt động của con người. Chức năng định hướng của ý thức dựa trên mối quan hệ của nó với hành động. Cơ sở của định hướng là con người có khả năng dự kiến trước bên trong về hành động, dự kiến được các bước hành động và các kết quả của hành động trong mô hình bên trong về hiện thực. Như vậy, hành động của con người được xác định bởi định hướng hành động được ý thức. Cơ sở định hướng càng tốt thì hành động càng cao và kết quả càng cao [78, tr. 29 - 32]. Đặc tính của định hướng thể hiện ở việc các hành động không còn là những phản ứng đáp lại các kích thích bên ngoài mà là hành vi, hành động tích cực. Nếu như con người không thể ý thức và suy nghĩ những kết quả hành vi của mình (...) thì anh ta không bao giờ có những hành vi tốt đẹp [5, tr. 158], [53, tr. 615]. Do đó, những hành vi, hành động tích cực mà con người có được trên cơ sở các thao tác trí tuệ, trên mô hình bên trong về hiện thực khách quan.

Tóm lại, trên cơ sở kế thừa các quan điểm của các tác giả về khái niệm định hướng trong Tâm lý học, chúng tôi tán thành quan điểm của các tác giả P. Ia. Galperin, Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thủy, Nguyễn Huy Tú, và thống nhất cách hiểu:

Định hướng là một hoạt động có ý thức, thể hiện ở việc xác định mục tiêu tổng quát cho mỗi hoạt động của cá nhân, từ đó cá nhân lựa chọn nội dung và cách thức thực hiện, hướng tới đạt được mục tiêu đã đặt ra.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/02/2023