Tổng Quan Các Nghiên Cứu Về Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Chương 2: Cơ Sở Lý Luận Về Định Hướng Giáo Dục Giá Trị Cho Trẻ Em Trong

9. Đóng góp mới của luận án

9.1. Về lý luận

Nghiên cứu ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho lĩnh vực Tâm lý học gia đình, Tâm lý học giáo dục và nghiên cứu định hướng giá trị cho trẻ em. Luận án đã hệ thống các tài liệu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình, xây dựng các khái niệm: định hướng, giá trị, định hướng giáo dục giá trị, ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình. Từ đó, luận án đưa ra những kiến nghị góp phần định hướng giáo dục nhân cách cho trẻ em trong bối cảnh hiện nay.

9.2. Về thực tiễn

Luận án đã chỉ ra được thực trạng ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình của cha mẹ được nghiên cứu ở Hà Nội, làm rõ mục tiêu giáo dục giá trị mà cha mẹ hướng con tới nhiều nhất đó là người kính trọng cha mẹ và người cao tuổi, tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo; sống khiêm nhường, tuân thủ các quy định xã hội; coi trọng sức khỏe, sự an toàn của bản thân và gia đình, an ninh đất nước, trật tự xã hội, thứ hai là người nhân ái, khoan dung, quan tâm đến mọi người xung quanh, sống tình nghĩa và được mọi người tin tưởng; đề cao sự công bằng, bình đẳng xã hội, hòa bình thế giới, sống hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Luận án chỉ ra được nhóm giá trị mà cha mẹ lựa chọn nhiều nhất để giáo dục con hướng tới mục tiêu này đó là truyền thống, tuân thủ và an toàn, tiếp đến là công bằng, nhân ái và khoan dung. Cùng với đó, phương pháp giáo dục giá trị mà cha mẹ lựa chọn nhiều nhất là làm gương, nêu gương, khen thưởng phân tích, giải thích. Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, trong các yếu tố ảnh hưởng, định hướng giá trị của cha mẹ có ảnh hưởng nhiều nhất đến ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình.

Kết quả luận án là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các bậc phụ huynh, giáo viên, các nhà quản lý, trong công tác định hướng giáo dục nhân cách cho trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay.

10. Cấu trúc của luận án

Luận án bao gồm phần mở đầu, bốn chương nội dung chính, kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục. Các chương nội dung chính bao gồm:

Chương 1: Tổng quan các nghiên cứu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em Chương 2: Cơ sở lý luận về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình. Chương 3: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

Chương 4: Kết quả nghiên cứu thực tiễn về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Chương 1

TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ CHO TRẺ EM

Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình - 3


1.1. Nghiên cứu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em ở nước ngoài

Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục tính cách, giáo dục giá trị của các tác giả trên thế giới, nhưng những nghiên cứu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em chưa có nhiều. Các nghiên cứu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em có thể được nhóm thành các hướng như sau:

1.1.1. Nghiên cứu về sự hình thành các giá trị ở trẻ em

Nghiên cứu của Piaget (1965) về sự hình thành giá trị ở trẻ em cho thấy, ông là người đã đưa ra quan điểm gắn sự phát triển đạo đức với sự phát triển nhận thức chung ở trẻ. Sự khác nhau về tư duy, cách nhìn nhận và lý giải các hiện tượng cuộc sống giữa trẻ em và người lớn là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu của Piaget. Do đó nghiên cứu của Piaget xoay quanh 3 vấn đề chính là: (1) Trẻ em nhìn nhận các quy tắc và luật lệ ra sao? (2) Trẻ xem xét chuyện xử phạt và công bằng như thế nào? (3) Trẻ xem xét những hành vi xấu và những điều nói dối như thế nào? Quan điểm của Piaget là “khi đứa trẻ tiến bộ qua các giai đoạn của sự phát triển nhận thức, chúng sẽ đánh giá mức độ nặng - nhẹ khác nhau đối với kết quả của một hành động và những ý định của người thể hiện nó” [dẫn theo 91, tr. 387]. Trẻ hiểu được hành động nào là đúng hay sai, đánh giá được kết quả của hành động là phù hợp hay không phù hợp… phụ thuộc vào sự phát triển nhận thức của từng trẻ.

Piaget đã xây dựng lý thuyết hai giai đoạn của sự phát triển đạo đức: Giai đoạn 1 là giai đoạn đồng nhất (từ 5 - 10 tuổi), đó là một đạo lý chưa trưởng thành về trí tuệ, ảnh hưởng một chiều bởi sự vâng lời người lớn bằng tình cảm. Với mỗi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, đánh giá của trẻ (là đúng hay sai, tốt hay không tốt) đồng nhất với cách đánh giá của người lớn - người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chúng về tình cảm (thời điểm này thường là người thân trong gia đình). Giai đoạn 2 là giai đoạn đạo đức tự chủ (trẻ từ 10 tuổi và lớn hơn) [theo 91, tr. 483 - 484]. Ở giai đoạn này, với năng lực trí tuệ ngày càng tăng, trẻ có được tính độc lập trong các phán xét đạo đức, việc tuân theo các nguyên tắc của người lớn đã chuyển thành sự

tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng trong hợp tác xã hội. Trẻ có thể tự đánh giá được hành vi ứng xử của bản thân và người khác, qua đó trẻ tự điều chỉnh hành vi để phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Tóm lại, Piaget đã đã có những đóng góp rất lớn trong việc chỉ ra sự hình thành giá trị ở trẻ em: Đó là một quá trình phát triển mà để đạt đến giai đoạn đạo đức tự chủ, trẻ cần phải trải qua giai đoạn đồng nhất và có sự gắn bó mật thiết với gia đình. Do vậy, theo quan điểm của Piaget, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị ở trẻ (theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực). Sự hình thành giá trị ở trẻ phụ thuộc vào những đặc điểm nhân cách của các thành viên trong gia đình (ông bà, cha mẹ…), phụ thuộc vào sự định hướng của người lớn trong gia đình, với mục tiêu là để trẻ trưởng thành về nhân cách với các giá trị tôn trọng, bình đẳng và hợp tác.

Kế thừa quan điểm của Jean Piaget, lý thuyết phát triển đạo đức của Lawrence Kohlberg (1971) đã tập trung nghiên cứu về các giá trị đạo đức mà trẻ được hình thành: đi từ giai đoạn sơ đẳng đầu đời mới biết vâng lời hay bị phạt mà làm, rồi qua công việc cụ thể, qua quan hệ liên nhân cách, cho đến hợp tác tập thể, giao ước xã hội, cuối cùng hình thành nên các nguyên tắc đạo đức, tạo nên các tầng bậc độ bền, cường độ, mức tác dụng của giá trị đạo đức đối với hành vi, hoạt động. Kohlberg đã chia các giai đoạn lập luận đạo đức thành 3 mức độ là Đạo đức tiền quy ước (Pre-conventional Morality); Đạo đức qui ước (Conventional Morality) và Đạo đức hậu qui ước (Postconventional Morality) [62, tr.387], [91, tr. 488 - 491], [92, tr. 476 - 480]. Cụ thể gồm 6 giai đoạn đó là:

Giai đoạn 1 (từ 0 - 18 tháng tuổi): Quan điểm “đúng - sai” của trẻ được định hướng theo sự trừng phạt và vâng lời (the punishment and obedience orientation).

Giai đoạn 2 (từ 2 - 3 tuổi): Sự đánh giá đạo đức của trẻ em định hướng vào các nhu cầu lợi ích cá nhân (the naive hedonistic orientation) và cách thức để đạt được lợi ích đó.

Giai đoạn 3 (từ 3 - 5 tuổi): Sự đánh giá hành vi đạo đức của trẻ em đã hướng tới các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, gắn liền với mẫu người lý tưởng ("good boy - good girl").

Giai đoạn 4 (từ 6 - 11 tuổi): Sự đánh giá hành vi đạo đức hướng về luật pháp và những qui định xã hội (the "law and order" orientation).

Giai đoạn 5 (từ 12 - 18 tuổi): Sự đánh giá đạo đức của cá nhân hướng tới tính hợp pháp của những qui ước xã hội (the social contract legalistic orientation).

Giai đoạn 6 (từ 19 tuổi trở đi): Sự đánh giá đạo đức dựa trên những nguyên tắc đạo đức phổ quát (the universal ethical principle orientation).

Theo Kohlberg, quy luật về sự phát triển đạo đức là quá trình nhận thức về sự công bằng. Khi cá nhân đạt tới cấp độ cao nhất, nhận thức đạo đức đã đạt mức lý tưởng: những giá trị đạo đức và những nguyên tắc đạo đức được lập luận một cách rõ ràng. Cá nhân tự quyết định về hành vi của mình với tư cách là một chủ thể lý tính, phù hợp với nguyên tắc đạo đức phổ quát về công bằng, tương hỗ và bình đẳng về quyền con người nói chung. Cá nhân đạt đến giai đoạn này đã tạo dựng được một hệ thống tư tưởng hành động vững chắc, họ tôn trọng kỷ luật và nguyên tắc: “Tôi làm điều này vì đó là điều đúng. Không kể tôi có thích hay là không. Không kể tôi có được lợi lộc gì không. Không kể bạn bè tôi có đồng ý hay không”. Như vậy, theo Piaget và Kohlberg, các giá trị mục tiêu cần hình thành ở trẻ đó là trở thành người tôn trọng, bình đẳng, hợp tác, có kỷ luật và có trách nhiệm. Đây chính là mẫu người trẻ tuổi có trách nhiệm, sẵn sàng gia nhập vào đời sống cộng đồng với một tinh thần xây dựng, và có khả năng thực hiện được lý tưởng cao đẹp của mình.

Một quan điểm khác về sự hình thành giá trị ở trẻ em, đó là một số tác giả theo lý thuyết học tập như John Locke, J.Watson, B.F. Skinner, Bandura cho rằng: xã hội tác động vào việc học tập của mỗi cá nhân theo nhiều mức độ khác nhau, cá nhân học được những bài đạo đức tốt cần phải làm theo, đôi khi cả những bài học ít tính đạo đức. Theo Bandura, nhân cách như một quá trình tiếp cận giao thoa giữa 3 yếu tố: (1) Môi trường - (2) Hành vi - (3) Quá trình phát triển tâm lý của một cá nhân [dẫn theo 8, tr. 501 - 504]. Các tác giả đã đưa ra quan điểm là trẻ em học tập đạo đức và tiếp thu các bài học xã hội diễn ra theo hai phương pháp:

Thứ nhất là phương pháp trực tiếp: Điều này được hiểu qua ví dụ cụ thể như trẻ nhỏ lấy tiền trong ví của cha mẹ và bị đòn. Thông qua việc kỷ luật trực tiếp, cha mẹ hy vọng rằng con cái nhận ra việc ăn cắp là một việc xấu, đáng lên án, để từ đó chúng hiểu rằng sẽ không tái phạm và không nên làm như thế nữa.

Thứ hai là trẻ học qua khuôn mẫu hoặc bắt chước: Một điều dễ thấy, trẻ bắt chước các mẫu hành vi của cha mẹ, anh chị em được hình thành từ rất sớm (Poulson và Kymissis, 1988) [dẫn theo 94, tr. 142]. Trẻ nhỏ quan sát hành vi cách ứng xử của người lớn và bắt chước một cách vô thức hoặc có ý thức, và cách này có thể phát triển bản tính như lòng tin (Applebaum, 1995), và tôn trọng mọi người (Tierno, 1990). Chẳng hạn như trẻ thấy bố mẹ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, yêu thương loài vật, tôn trọng người lớn tuổi… thì trẻ cũng học hỏi và thực hiện những hành vi giúp đỡ, tôn trọng, yêu thương. Và ngược lại, bố mẹ có hành vi không tốt thì trẻ cũng bắt chước và làm theo (không cần biết là đúng hay sai, thậm chí làm sai nhưng trẻ vẫn cho là đúng vì với lập luận ngây thơ rằng “ở nhà bố mẹ cũng làm như thế”). “Tất cả góp phần tạo nên nhận thức của các em về thế giới, về nhân tính, về bản chất thiện ác, về điều hay lẽ phải, về những điều sai trái” [94, tr. 142].

Hỗ trợ hai phương pháp này là nguyên lý củng cố, các hành vi đạo đức nào được khen thì được củng cố và được lặp lại. Maccoby (1992) cho rằng “hành vi đạo đức là hành vi được nhóm xã hội xác định như là thiện hoặc tốt và căn cứ theo đó mà đưa ra những trừng phạt của xã hội” [dẫn theo 10, tr. 26]. Các nhà lý thuyết học tập xã hội dùng thuật ngữ “vị xã hội” thay cho “đạo đức”. Theo họ thì cha mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng và trực tiếp đối với việc hình thành hành vi vị xã hội đầu đời ở trẻ, sau nữa là nhà trường cũng có vai trò đặc biệt. Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra mục đích duy nhất có tầm quan trọng của cha mẹ là góp phần phát triển hành vi tự điều chỉnh của con mình (Lamb, Ketterlinus & Fracasso, 1990). Đối với các bậc cha mẹ thường nhắc nhở con về những hậu quả có thể xảy ra do những hành động của chúng đối với người khác, thì đứa con thường được mọi người quý mến và nắm được các chuẩn mực đạo đức mà chúng tiếp thu được (Grace J.Craig, Don Baucum, 2004) [7, tr. 503].

Tóm lại, sự hình thành và phát triển giá trị ở trẻ em trải qua các giai đoạn khác nhau, đó là một quá trình phát triển của nhận thức về những việc nên làm, có ích, có ý nghĩa… Đặc biệt, sự hình thành giá trị ở trẻ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự gắn bó với gia đình trong giai đoạn đầu của cuộc đời: Những gì trẻ làm, những gì trẻ học được cũng là kết quả của sự quan sát và học tập từ các thành viên trong gia

đình cho đến ngoài xã hội. Điều này cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ phù hợp để chúng đạt tới sự trưởng thành về nhân cách.

1.1.2. Nghiên cứu về nội dung giáo dục giá trị cho trẻ em

Trên thế giới, việc lựa chọn các giá trị phù hợp để giáo dục cho trẻ em là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Ở Mỹ, sau những biến cố thay đổi về chính trị, xã hội, kinh tế ở thế kỷ XX, nước Mỹ gặp phải một số vấn đề như: sự khủng hoảng của nền kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình, số vụ ly hôn, bạo lực gia đình tăng cao, thanh niên rơi vào vòng xoáy của ma túy, tội phạm… Đây là vấn đề tồn tại mà quốc gia này phải đối mặt, có ảnh hưởng trực tiếp đến thanh thiếu niên. Do đó, chính phủ Mỹ ngày càng nhận rõ tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị cho những người trẻ tuổi. Họ nhận ra rằng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là giới trẻ đã không được giáo dục giá trị đạo đức một cách đầy đủ, đúng hướng để chúng tự vượt qua được các thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, người Mỹ quan tâm hướng tới việc giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm, trở thành những người hạnh phúc, có đời sống tâm lý cân bằng, hài hòa, xây dựng được những gia đình, cộng đồng lành mạnh, bền vững [dẫn theo 59, tr. 22].

Theo đó, trọng tâm của chương trình giáo dục nhấn mạnh tới các mục tiêu lớn trong cuộc đời mỗi con người: (1) Sự trưởng thành về tính cách; (2) Xây dựng các mối quan hệ thân thiết; (3) Gia đình hạnh phúc, đóng góp cho xã hội. Liên quan tới các mục tiêu này, nước Mỹ định hướng cho trẻ em tới những giá trị phổ quát được công nhận và đề cao ở mọi nền văn hóa như “liêm chính, trách nhiệm, sự quan tâm, trung thực, chuyên cần, tôn trọng” [59, tr. 22 - 23]. Đại bộ phận cha mẹ Mỹ cho rằng mục tiêu quan trọng của giáo dục trẻ là làm cho chúng “quen dần với trách nhiệm” (61.6%), “phải hiểu rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu” (60.7%), “cần phải biết chịu đựng, nhường nhịn và có lòng khoan dung với người khác” (30%) [6, tr. 283 - 285]. Cha mẹ Mỹ giáo dục con bằng việc cho trẻ tham gia vào các công việc gia đình. Trẻ em phải làm tất cả các công việc như làm vườn, lau nhà, rửa bát... và cha mẹ yêu cầu cả về chất lượng công việc mà trẻ làm, tức là tạo trẻ tính tự lập biết chịu trách nhiệm về công việc mà chúng đảm nhận.

Ở nước Anh, theo tác giả Richart Layard, việc giáo dưỡng tinh thần cho trẻ em đóng vai trò quan trọng, có lợi ích cho toàn xã hội, với quan điểm cho rằng: "sự nghèo hèn về tinh thần là thứ dễ lây nhiễm cho trẻ em". Hiện nay, các giáo trình biên soạn cẩn thận dạy về trí thông minh xúc cảm có tác động rất tốt đến tính khí của trẻ em trong việc chúng quan tâm đến những người khác, những tác động này hai năm sau vẫn còn ghi nhận được [dẫn theo 63, tr. 234]. Do đó, môn học giáo dục giá trị trong nhà trường từ lớp 1 đến lớp 12 bao gồm những nội dung cơ bản: 1. Hiểu biết và điều khiển các tình cảm của bạn (kể cả giận dữ và thù địch); 2. Yêu mến và sẵn sàng phục vụ người khác (bao gồm các bài tập thực hành và học tập các gương mẫu); 3. Biết cảm nhận cái đẹp; 4. Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tật, kể cả bệnh tâm thần, ma túy và rượu; 5. Tình yêu, gia đình, cha mẹ và con cái;

6. Lao động và tiền bạc; Hiểu biết các phương tiện truyền thông và biết giữ gìn các giá trị riêng của bạn; 7. Hiểu biết người khác và biết cách giao tiếp; 8. Tham gia vào chính trị; 9. Các tư tưởng triết học và tôn giáo [63, tr. 234 - 236]. Việc định hướng những giá trị này cho thấy đây là mối quan tâm hàng đầu của nước Anh trong việc phát triển tính cách cho học sinh.

Ở nước Úc, chương trình Giáo dục giá trị trong các trường học đã xác định 9 giá trị cơ bản cho học sinh, đó là: 1/ Chăm sóc và tình thương: chăm sóc cho bản thân và những người khác. 2/ Làm việc với sự cố gắng nhất của bản thân: tìm cách thực hiện một điều gì đó xứng đáng và đáng ngưỡng mộ, cố gắng hết sức, theo đuổi sự xuất sắc. 3/ Thực hiện công bằng: theo đuổi và bảo vệ lợi ích chung, tất cả mọi người trong xã hội được đối xử công bằng. 4/ Tự do: tận hưởng tất cả các quyền và đặc quyền của công dân Úc, miễn phí từ sự can thiệp hoặc kiểm soát cần thiết, và đấu tranh cho quyền lợi của người khác. 5/ Trung thực và sự tin cậy: trung thực, chân thành và theo đuổi sự thật. 6/ Sự ngay thẳng, chính trực: hành động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và ứng xử đạo đức, đảm bảo tính nhất quán giữa lời nói và việc làm. 7/ Tôn trọng: ứng xử với người khác với sự cân nhắc và tôn trọng quan điểm của người khác. 8/ Trách nhiệm: chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, giải quyết những khác biệt trong tinh thần xây dựng, không bạo lực và giữ hòa khí, đóng góp vào cuộc sống xã hội, bảo vệ môi trường. 9/ Hiểu biết, khoan dung và hòa nhập: nhận thức về người khác và nền văn hóa của họ, chấp nhận sự đa dạng trong một xã hội dân chủ, bao gồm cả bản thân và người khác [90], [98, tr. 5].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/02/2023