Giáo Dục Truyền Thống Văn Hoá Dân Tộc Cho Học Sinh Trong Bối Cảnh Hội Nhập

Với hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, trong quá trình lao động, sản xuất, đời sống, mỗi dân tộc đều có trang phục riêng rực rỡ sắc màu và đã sản sinh ra những nét văn hoá đặc sắc, sinh hoạt tín ngưỡng riêng với mong muốn hướng tới chân, thiện, mỹ và những điều tốt đẹp nhất. Những nét văn hóa đặc sắc ấy được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa mang bản sắc riêng, đa dạng và độc đáo. Kho tàng văn hóa của các dân tộc trong vùng khá phong phú tạo nên các giá trị văn hóa cơ bản. Các giá trị văn hóa đó được thử thách qua thời gian, trong những không gian khác nhau, trải qua sự chắt lọc theo các giai đoạn lịch sử, được thể hiện trong sự tiếp biến của quá trình giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác. Khi nói đến truyền thống văn hóa dân tộc vùng miền núi phía Bắc có thể thấy văn hóa mang đặc trưng vùng miền rõ nét, biểu hiện trong hoạt động sống của cá nhân, cộng đồng, dân tộc như: ăn, mặc, ở, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo... tạo nên nét đặc trưng của từng dân tộc.

- Về nhà ở: mỗi dân tộc đều có những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Ngôi nhà của người Nùng có những nét độc đáo riêng biệt trong những ngôi nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất và ở một số nơi đồng bào ở nhà trình tường. Dân tộc Dao thường xây dựng nhà ở nơi cao ráo, gần rừng để có thể quan sát được khoảng không gian rộng, thuận lợi cho việc làm ruộng nương. Người dân tộc Tày rất coi trọng ngôi nhà sàn, nhà sàn làm bằng gỗ tốt, thường lợp bằng lá cọ hoặc lợp tranh, ngói âm dương. Đây không chỉ là nơi ở có khả năng chống thú dữ và tạo năng lượng sống cho con người mà đó còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng, Một số dân tộc khác sống ở vùng thấp thường ở nhà trệt, rải rác trên các gò đồi, xen kẽ những cánh đồng tương đối bằng phẳng.

- Về ẩm thực: nguồn lương thực, thực phẩm của đồng bào khá phong phú và đa dạng, là nơi nổi tiếng với xôi ngũ sắc, thịt lợn muối, thịt treo gác bếp, lạp sườn... Vào dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh trời,

bánh khẩu sli, cơm lam. Ẩm thực của người Tày, Nùng rất đặc sắc và độc đáo, ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần, vừa đơn giản, mộc mạc lại vừa hài hòa, bổ dưỡng, góp phần đem lại sự tự hào cho con người và vùng đất nơi đây. Trước và sau mỗi mùa thu hoạch, người Tày, Nùng thường tổ chức lễ hội xuống đồng, lễ hội cơm lúa mới..

- Về trang phục: đây được coi là bức tranh đa màu sắc trong các loại trang phục truyền thống của từng dân tộc, qua những nét chấm phá đặc sắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đại diện cho những giá trị thẩm mĩ đã được các thế hệ lưu truyền từ xưa đến nay. Trang phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, song cũng tạo ra nét riêng biệt và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết, Trang phục của người Dao thể hiện nét độc đáo ở những mẫu hoa văn trên vải của họ. Phụ nữ thường mặc áo có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc. Trang phục của người Mông thật ấn tượng với bốn màu chủ đạo là xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết muôn màu sắc ở chiếc váy. Họa tiết tập trung chủ yếu ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng phía trước. Kỹ thuật thêu hoa văn thể hiện sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ của bàn tay người phụ nữ. Tạo hình các hoa văn trên trang phục phần nào biểu trưng cho cuộc sống vui vẻ, yêu thiên nhiên mãnh liệt của người dân tộc ở đây.

- Giá trị văn hoá tinh thần: Các dân tộc trong vùng sống gắn bó thường xuyên với môi trường tự nhiên nên ở họ xuất hiện niềm tin vào số phận, vào lực lượng siêu nhiên và đó chính là cơ sở của niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng các dân tộc vùng núi phía Bắc trước hết là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sau là tín ngưỡng đa thần giáo và một số phương diện chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo. Trong gia đình, cư dân các dân tộc đều lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra họ còn thờ Phật, theo Đạo, có khi thờ vị thần được coi là thủy tổ của dân tộc mình. Chẳng hạn như trong quan niệm của các dân tộc Tày, Nùng, thần Nông là vị thần phụ trách việc nông trang, định ra thời vụ và giữ nước cho mùa vụ. Hàng năm, các dân tộc đều tổ chức

những nghi lễ trang trọng thờ cúng thần Nông để cầu mong mưa thuận gió hòa, bớt thiên tai. Đồng bào các dân tộc cũng quan niệm vạn vật đều có hồn, có ma, có thần. Đó là nguyên nhân hình thành hàng loạt các miếu thờ thổ công, thổ địa, thổ thần, là nguyên cớ để đồng bào các dân tộc tổ chức các lễ hội mang tính nghi lễ. Tại những nơi có đông người Tày, Nùng, Dao có nhiều phong tục tập quán, lễ hội phong phú như hát then và điệu giao duyên sli, lượn, sình ca…. Các trò chơi dân gian như ném pao, thổi khèn và múa các điệu múa dân tộc…; thi bắn nỏ, hát giao duyên,.. Lễ hội Gầu Tào được coi là lễ hội tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông. Lễ hội là dịp để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho dân bản tài lộc, mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng.

- Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc qua các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp trong vùng còn chưa kịp thời, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa riêng và bị đồng hóa đang diễn ra ở một số dân tộc. Tình trạng pha tạp trong các hoạt động văn hóa, lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét như: Giá trị văn hóa ẩm thực của người DTTS vùng núi phía Bắc hiện nay đang dần thưa vắng trong đời sống hiện đại; Giá trị văn hóa qua không gian sống có sự thay đổi tương đối rõ rệt. Do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất rừng bị thu hẹp nên nguyên vật liệu để làm một ngôi nhà kiểu cổ truyền ngày càng hiếm; Giá trị văn hóa qua trang phục cũng có sự biến đổi nhanh chóng. Tại các bản làng của người DTTS, việc trồng bông dệt vải không còn nhiều. Trước đây vải may trang phục của người dân tộc thường được dệt thủ công từ các loại sợi bông, sợi gai, sợi lanh, sợi tơ tằm thì ngày nay đều được mua từ các đồ may dệt sẵn ở các chợ. Số người DTTS sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt ngày càng ít. Điều này làm cho những giá trị văn hóa của bộ trang phục truyền thống đang

dần biến mất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; Đối với giá trị văn hóa tinh thần, có thể nói, sự biến đổi của văn hóa DTTS thể hiện mạnh nhất ở tập quán tín ngưỡng, lễ hội và ma chay. Nó thể hiện sự giao thoa mạnh mẽ với nền văn hóa của dân tộc Kinh. Những tiết mục dân ca, dân vũ ít được người dân sử dụng hàng ngày mà chủ yếu thực hiện trong các ngày lễ lớn của cộng đồng. Điều này cho thấy các giá trị văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc dần mai một, ít xuất hiện trong đời sống văn hóa thường ngày và dẫn đến nguy cơ người dân không biết thực hành nghi lễ, biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

Điều đó đòi hỏi những nhà quản lý giáo dục trong các trường PTDTNT phải có nhận thức sâu sắc, có biện pháp phù hợp để tổ chức giáo dục học sinh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc có nghĩa là vừa loại bỏ được các hủ tục lạc hậu, khắc phục tư tưởng xem nhẹ những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, vừa gìn giữ và phát triển được bản sắc dân tộc lại vừa tiếp thu được những nét độc đáo của các nền văn hóa khác, bổ sung để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc mình. Làm cho các giá trị văn hóa luôn có tính bền vững tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc.

1.3. Giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc cho học sinh trong bối cảnh hội nhập

Tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở tỉnh Bắc Kạn trong bối cảnh hội nhập - 4

1.3.1. Khái niệm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh trường PTDTNT là tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu, lĩnh hội những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn truyền thống văn hóa của đất nước, của các dân tộc trên quê hương mình như phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo, dân ca dân vũ, nghệ thuật...

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh là hoạt động có mục đích, có kế hoạch, có nội dung, có phương pháp cụ thể nhằm biến những chuẩn mực văn hóa đã được xây dựng, tiếp thu, vun đắp và thừa nhận trở thành những phẩm chất cần có của mỗi học sinh.

1.3.2. Chương trình giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc trong trường phổ thông

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, cần làm gì, làm thế nào để mỗi quốc gia, dân tộc gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu? Để giải quyết những vấn đề này, tại Hội nghị giáo dục thế giới ACT + 1 lần thứ 33 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, đại diện Công đoàn GD Việt Nam, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN đã có những chia sẻ kinh nghiệm hết sức ý nghĩa và đã khẳng định vai trò to lớn của việc giáo duc truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ “trong xu thế toàn cầu hóa, Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống” Mục tiêu của Hội nghị hướng tới việc xây dựng ASEAN thành trung tâm giáo dục chất lượng cao thông qua việc tăng cường hiểu biết về lịch sử văn hóa của từng quốc gia, nâng cao chất lượng và cơ hội học tập cơ bản cho mọi người, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục… [18]. Trước hết nó nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy những mặt tích cực của giá trị văn hóa mang lại, để giới trẻ - những chù nhân tương lai của đất nước cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc để xứng đáng bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp. Những trí thức Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những hiền tài - nguyên khí của quốc gia, phải mang bản lĩnh, bản sắc và tinh hoa của người Việt Nam. Việc nhận thức đúng đắn về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục tri thức của mỗi con người, nó góp phần lưu giữ và phát huy được giá trị tinh hoa của nhân loại, đưa đất nước ngày càng phát triển theo con đường hòa nhập nhưng không hòa tan. Các trường phổ thông phải nhận phần lớn nhất trách nhiệm này, phải là nơi đào tạo, tôi luyện và tỏa sáng các truyền thống văn hóa dân tộc. Hãy hành động để những giá trị văn hóa truyền thống bản địa của chúng ta chẳng những không bị hòa tan mà còn có cơ hội để quảng bá, phát triển những giá trị cao quý, những

tinh hoa của văn hóa Việt Nam nói chung và VHDT thiểu số nói riêng ra thế giới. Từ đó vấn đề đào tạo những tri thức với bản lĩnh của người Việt Nam, xem bản lĩnh văn hóa bản địa là hạt nhân cơ bản, duy lý xuyên suốt quá trình đào tạo tại các trường phổ thông.

1.3.2.1. Mục tiêu của giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh phổ thông

Giáo dục truyền thống VHDT trong trường PTDTNT nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình; Hình thành và phát triển ở HS các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hoá truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong hoạt động hiện tại cũng như sau này; Giáo dục truyền thống văn hoá, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương mình, hình thành ở HS tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng; Làm phong phú nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, góp phần giáo dục cho học sinh nhân cách con người mới có tri thức và văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Trên cơ sở có những hiểu biết về các chuẩn mực của đời sống văn hóa, biết tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa giúp học sinh có ý thức thực hiện lối sống có văn hóa trong thời đại văn hóa rất đa dạng như hiện nay. Đặc biệt trở thành những con người có nhân cách tốt, có tri thức, có đạo đức và đậm đà bản sắc dân tộc.

Giáo dục cho học sinh có cách nghĩ, thói quen và hành động một cách có văn hóa trong môi trường sống ở trường, ở lớp, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô giáo. Làm cho học sinh thường xuyên, liên tục được sống trong môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó góp phần xây dựng trường học văn hóa không chỉ cho học sinh mà còn góp phần xây dựng nên xã hội văn hóa.

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh phổ thông nhằm đạt được:

+ Về nhận thức: Học sinh có sự hiểu biết về chuẩn mực của các giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với con người Việt Nam đặc biệt là lứa tuổi học sinh phổ thông mà những chuẩn mực đó đã được xã hội thừa nhận và đã được pháp luật quy định thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường, thông qua các mối quan hệ giữa bản thân học sinh với thầy cô, bạn bè, gia đình và cộng đồng, trong công việc học tập, lao động, vui chơi và giải trí.

+ Về kỹ năng, hành vi: Học sinh từng bước hình thành và có được những cử chỉ, lời nói, hành động, cách ứng xử, ăn mặc, tham gia các hoạt động học tập, lao động, tham gia văn nghệ thể thao, giao thông, internet và các hoạt động xã hội đúng với chuẩn mực văn hóa. Hình thành nên thói quen “sống có văn hóa”.

+ Về thái độ: Học sinh bước đầu có thái độ, có trách nhiệm đối với bản thân về những suy nghĩ, phát ngôn, hành động và các mối quan hệ của bản thân đối với mọi người xung quanh, biết tôn trọng bản thân mình. Có thái độ lên án với những lời nói, hành vi thiếu văn hóa trong và ngoài nhà trường. Hơn nữa các em biết sưu tầm, chia sẻ những hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đối với thầy cô, bạn bè và cộng động đồng xã hội. Có thái độ trân trọng di sản VHDT, từng bước hình thành ở HS lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa thống nhất của dân tộc Việt Nam.

1.3.2.2. Nội dung giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc trong các môn học

Để hình thành ở học sinh những phẩm chất nêu trên ta cần giáo dục học sinh những nội dung thông qua các môn học và các chủ đề giáo dục như: môn Ngữ Văn, Lịch Sử, Âm nhạc, Thể dục, GDCD,... .

Thông qua việc học tập các môn học, nhà trường giáo dục cho học sinh những giá trị văn hóa của đất nước, dân tộc Việt Nam đó là giáo dục lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - cộng đồng - làng xã - tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, lối sống văn minh, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng để trên cơ sở đó, học sinh có đủ năng lực thẩm thấu những giá trị văn hóa của dân tộc, tự bảo vệ và chống lại những phản văn hóa ngoại lai. Trong bối cảnh hiện nay các nhà trường cần giáo dục văn hóa tham gia mạng xã hội, giáo dục lối sống trong hoạt động sinh hoạt ký túc xá, Giáo dục lao động, sáng tạo cho học sinh.

Giáo dục những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi phía Bắc gắn với những nét đẹp trong văn hóa: các lễ hội dân tộc, phong tục, tập quán, cách ăn mặc, ẩm thực, làn điệu dân ca, dân vũ, những làng nghề... Để từ đó học sinh biết vận dụng vào thực tiễn đời sống sinh hoạt, học tập cụ thể là:

+ Trong học tập cần có thái độ đúng đắn, phải có động lực học tập, không bỏ học và gian lận trong kiểm tra, thi cử.

+ Trong sinh hoạt cần biết quý trọng những giá trị, của cải vật chất do bố mẹ làm ra, không tiêu xài hoang phí. Biết gìn giữ tài sản công, thực hiện tốt nội quy nhà trường, nền nếp gia đình, trật tự xã hội, không tham gia các tệ nạn xã hội.

+ Trong lao động cần trân trọng các giá trị của lao động và học tập mang lại, phát huy đức tính cần cù, sáng tạo, yêu lao động.

+ Trong giao tiếp, ứng xử cần có văn hóa với mọi người xung quanh, không nói tục, chửi thề, cần kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô và tôn trọng bạn bè, không kỳ thị dân tộc.

+ Biết cư xử có văn hóa với con người và môi trường xung quanh. Tích cực xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn thân thiện.

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 09/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí