Các Công Trình Nghiên Cứu Về Tổ Chức Dạy Học Chủ Đề Cho Học Sinh Chuyên Sử Ở Các Trường Thpt


25


để kiến thức trong mỗi chủ đề được cung cấp tới học sinh một cách có hệ thống, lô gic, sinh động và hấp dẫn, đem lại sự hứng thú, say mê tìm tòi, khám phá của các em. Việc lựa chọn xây dựng chủ đề phù hợp sẽ là căn cứ giúp giáo viên vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm tổ chức các chuỗi hoạt động học tập hiệu quả, đồng thời cũng tạo điều kiện cho kiểm tra, đánh giá công bằng, chính xác.

Tác giả Phạm Văn Long (2014) trong đề tài Vận dụng dạy học theo chủ đề trong phần Lịch sử thế giới (1945 – 2000) ở trường trung học phổ thông, luận văn thạc sĩ sư phạm lịch sử, Đại học Giáo dục – Đại học quốc gia Hà Nội. Trong đề tài của mình, tác giả đã đưa ra những vấn đề có tính chất lí luận về dạy học theo chủ đề nói chung và dạy học theo chủ đề trong bộ môn lịch sử nói riêng; đánh giá vai trò, ý nghĩa của dạy học lịch sử theo chủ đề ở trường trung học phổ thông; xây dựng các chủ đề ở phần lịch sử thế giới từ năm 1945 đến năm 2000. Đồng thời, đề xuất các biện pháp dạy học theo chủ đề như: sử dụng dạy học nêu vấn đề kết hợp với các phương pháp dạy học truyền thống; vận dụng linh hoạt dạy học dự án; vận dụng dạy học theo hợp đồng kết hợp với một số kĩ thuật dạy học hiện đại. Đề tài của tác giả tiếp tục củng cố thêm cho chúng tôi cơ sở lí luận và tính khả thi của việc vận dụng dạy học theo chủ đề, thiết thực cho việc tham khảo các biện pháp dạy học theo chủ đề trong môn lịch sử ở phần lịch sử Việt Nam.

1.2.3. Các công trình nghiên cứu về tổ chức dạy học chủ đề cho học sinh chuyên Sử ở các trường THPT

Luật Giáo dục (12/1998), điều 24, đã quy định yêu cầu về nội dung giáo dục THPT như sau: “Ngoài nội dung chủ yếu nhằm đảm bảo chuẩn kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp cho mọi học sinh, cần có nội dung nâng cao một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh” góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Trong Tài liệu tập huấn phát triển chuyên môn giáo viên trường THPT chuyên môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 7/2012 đã cung cấp một số chuyên đề lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; đồng thời cũng định hướng một số vấn đề về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, rèn luyện năng lực tự học, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá đối với học sinh chuyên. Theo đó, người thầy cần dạy học lịch sử theo quan điểm tích hợp và phương pháp tiếp cận phát triển, xác định được kiến thức và kĩ năng mà học sinh đã biết để bồi dưỡng những kiến thức và kĩ năng cần có thêm. Bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức và kĩ năng theo chiều sâu hoặc kiến thức mới, tránh lặp lại máy móc những nội dung kiến thức và kĩ năng mà học sinh đã có. “Mỗi giáo viên phải tự xây dựng chương trình giảng dạy cụ thể, thực hiện chương trình bằng những phương pháp thích hợp, biết tự đánh giá và điều chỉnh chương trình để đạt kết quả ngày càng cao hơn, đồng


26

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.


thời góp phần phát triển chương trình đào tạo” [14; 191]. Cùng với chương trình, SGK, chủ đề tự chọn, thì những chuyên đề do giáo viên xây dựng để giảng dạy cho học sinh ở trường THPT chuyên là rất cần thiết, bởi nó đáp ứng được việc thiếu hụt tài liệu tài liệu học tập cho học sinh chuyên (sử) hiện nay, đồng thời phù hợp và sát đối tượng. Mặt khác, việc phát triển chương trình, tài liệu đối với giáo viên dạy các lớp chuyên là yêu cầu cần thiết, nhằm giúp giáo viên làm quen với việc thiết kế, biên soạn các chủ đề như nguồn tài liệu giảng dạy nâng cao cho học sinh, đồng thời cũng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động được nguồn tài liệu giảng dạy.

Thiết kế và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay theo hướng phát triển năng lực học sinh chuyên Sử trường THPT thành phố Hà Nội - 5

Các tác giả Trịnh Đình Tùng (Chủ biên), Trần Huy Đoàn, Nguyễn Thị Hương trong cuốn Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử Trung học phổ thông, NXB Giáo dục (2014) đã đề cập đến đặc điểm nhận thức và yêu cầu của việc học tập lịch sử của HS chuyên. Theo đó, HS chuyên là những em có tiềm ẩn năng khiếu môn học. Trong quá trình học tập, nhà trường cần tiếp tục phát triển tiềm năng đó thành năng khiếu. Các tác giả cũng xác định năng khiếu gồm 3 yếu tố chính là thông tuệ; sáng tạo và có một số phẩm chất nổi bật như: chăm chỉ, say mê, kiên trì, quyết tâm, học tập có mục đích, có ý chí, nỗ lực vươn lên...Để đáp ứng mục tiêu nâng cao dân trí, đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phương pháp dạy học của các trường chuyên phải tiên tiến nhất, phù hợp với đối tượng HS xuất sắc, có năng khiếu môn học. HS lớp chuyên cần được học tập tốt hơn về kiến thức khoa học bộ môn và kiến thức về về phương pháp học tập, được học cách tự học tốt nhất, được rèn luyện nhiều về tư duy, nhất là tư duy lô gic, tư duy biện chứng... Những quan điểm của các tác giả là một trong những cơ sở quan trọng giúp chúng tôi trong quá trình thiết kế nội dung chủ đề và lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS chuyên, góp phần hình thành và phát triển năng lực chung và các năng lực đặc thù bộ môn cho các em.

Trong Tài liệu tập huấn cán bộ quản lí, giáo viên về phát triển chương trình, tài liệu dạy học môn chuyên cấp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019) đã xác định nội dung giáo dục môn chuyên Lịch sử cấp THPT gồm các nội dung nâng cao và nội dung chuyên sâu, các nội dung này được kết cấu theo chủ đề/ chuyên đề; các chuyên đề thuộc nội dung chuyên sâu được sắp xếp gắn bó với các mạch nội dung nâng cao cốt lõi. Mục tiêu của các chủ đề/ chuyên đề này là nhằm nâng cao kiến thức và năng lực lịch sử đáp ứng yêu cầu phân hóa sâu cho HS chuyên môn Lịch sử cấp THPT; giúp HS hiểu biết sâu hơn các nội dung kiến thức lịch sử và vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan để HS có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực giải quyết những vấn đề có liên quan đến lịch sử và tiếp tục tự học lịch sử suốt đời; đồng thời từng bước làm quen và thực hiện việc học tập kết hợp với việc nghiên cứu các vấn đề


27


lịch sử có liên quan đến nội dung học tập, phù hợp với khả năng của HS chuyên. Đây là một trong những cơ sở quan trọng giúp chúng tôi có thêm định hướng trong quá trình thiết kế nội dung các chủ đề lịch sử đảm bảo tính nâng cao và lựa chọn phương pháp phù hợp với đối tượng HS chuyên Sử.

Các tác giả Trần Thùy Chi, Trần Huy Đoàn, Nguyễn Thị Thanh Nga trong cuốn Giải quyết những vấn đề khó trong ôn thi học sinh giỏi THPT môn Lịch Sử, NXB Đại học Quốc gia đã hướng dẫn ôn luyện kiến thức dưới dạng trả lời các câu hỏi theo từng chủ đề thuộc phạm vi lịch sử Việt Nam. Trong đó, phần Lịch sử Việt Namtừ năm 1919 – 2000, các tác giả đã chia các chủ đề theo tiến trình thời gian như: Việt Nam từ năm 1919 – 1930; 1930 – 1945; 1945 – 1954; 1954 – 1975; 1975 -2000.

Trong tác cuốn Hướng dẫn ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi trung học phổ thông, chuyên đề Lịch sử, các tác giả Trần Thùy Chi, Trần Huy Đoàn đã hướng dẫn ôn tập hệ thống kiến thức cơ bản được trình bày theo các chủ đề. Các chủ đề được trình bày dưới dạng câu hỏi tự luận. Đồng thời các tác giả cũng giới thiệu một số chuyên đề tham khảo như: mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc từ năm 1930 đến 1975; Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và việc kết thúc kháng chiến chống Pháp; Nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.

Tác giả Bùi Thị Hương Mơ (2013) trong đề tài nghiên cứu Xây dựng và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1954 ở trường trung học phổ thông chuyên- Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục. Trong công trình này, tác giả đã đề cập đến một số vấn đề về lí luận và thực tiễn về dạy học theo chủ đề đối với học sinh chuyên Sử; ở chương một số chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1954, tác giả đã xây dựng 3 chủ đề lịch sử Việt Nam, đó là: chủ đề Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1930; Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945 -1954. Trong phần tổ chức dạy học các chủ đề tác giả đã đề xuất một số phương pháp dạy học như: nêu vấn đề và hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề; áp dụng dạy học theo nhóm tại lớp; Vận dụng dạy học theo dự án; sử dụng hệ thống bài tập; ứng dụng công nghệ thông tin và rèn luyện kĩ năng tự học.

1.3. Những vấn đề luận án kế thừa và tiếp tục nghiên cứu

1.3.1. Đánh giá những kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố

Các công trình nghiên cứu nói trên góp phần quan trọng trong việc củng cố nền tảng cơ sở lí luận và thực tiễn có liên quan đến đề tài, giúp chúng tôi tìm ra định hướng và các giải pháp giải quyết nhiệm vụ của luận án. Qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi kế thừa những vấn đề sau đây:


28


- Một số vấn đề lý luận về việc thiết kế các chủ đề học tập cho các đối tượng HS trong DHLS ở trường THPT nói chung và HS chuyên Sử nói riêng như: Khái niệm, phân loại chủ đề; một số đặc điểm của chủ đề trong DHLS ở trường THPT.

- Các hình thức, phương pháp tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS.

- Nguyên tắc, cơ sở để thiết kế các chủ đề lịch sử phù hợp với đặc điểm nhận thức của các đối tượng HS.

Đặc biệt, những công trình nghiên cứu trong những năm gần đây không chỉ củng cố thêm cơ sở lí luận mà còn cung cấp cho chúng tôi cách tiếp cận mới về việc thiết kế, phương pháp thiết kế, xây dựng nội dung chủ đề học tập phù hợp với đối tượng học sinh; đồng thời gợi mở cho chúng tôi các hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học theo chủ đề bám sát phương châm, định hướng đổi mới giáo dục lịch sử theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc nghiên cứu vấn đề thiết kế và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay cho đối tượng học sinh chuyên Sử trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập một cách hệ thống và toàn diện. Đây là những bước đi đầu tiên, vì vậy chúng tôi mong nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học và các bạn đồng nghiệp để đề tài được triển khai và có thể vận dụng hiệu quả trong thực tiễn dạy học, đồng thời có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn lịch sử nói chung và nâng cao chất lượng dạy học cho đối tượng học sinh chuyên Sử trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

1.3.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu

Qua nghiên cứu những tài liệu của các học giả nước ngoài và trong nước, xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xác định những vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, làm rõ những cơ sở lí luận của việc thiết kế và dạy học lịch sử theo chủ đề nói chung và cho học sinh chuyên Sử nói riêng trong dạy học lịch sử theo hướng phát triển năng lực học sinh; phân tích vai trò, ý nghĩa, những nguyên tắc của việc thiết kế và tổ chức dạy học lịch sử theo chủ đề ở trường phổ thông.

Làm rõ hơn nội hàm khái niệm chủ đề, thiết kế và tổ chức dạy học lịch sử theo chủ đề, tìm ra cách tiếp cận phù hợp với đề tài luận án, với đặc thù bộ môn Lịch sử nhằm đáp ứng được những yêu cầu, nội dung của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Thứ hai, nghiên cứu, khảo sát làm rõ thực trạng của giáo dục lịch sử, những thành tựu, vấn đề còn tồn tại; chỉ ra yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới phương pháp, nâng cao


29


chất lượng dạy học bộ môn. Làm rõ thực trạng của việc dạy học theo chủ đề cho học sinh phổ thông nói chung và học sinh chuyên Sử nói riêng trong dạy học lịch sử ở trường PT hiện nay. Qua đó, phân tích, đánh giá nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, nhằm rút ra kết luận khoa học làm căn cứ thực hiện đề tài luận án.

Thứ ba, nghiên cứu chương trình, định hướng đổi mới về nội dung dạy học, từ đó thiết kế các chủ đề dạy học phần lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay cho đối tượng học sinh chuyên Sử trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời tổng kết lí luận, khảo sát thực tiễn đề xuất các hình thức tổ chức và biện pháp dạy học các chủ đề lịch sử theo hướng phát triển năng lực.

Thứ tư, thiết kế giáo án và tiến hành thực nghiệm sư phạm (từng phần và toàn phần) để đánh giá tính khả thi của những biện pháp được đề xuất trong luận án.

Thứ năm, thông qua kết quả nghiên cứu của luận án, rút ra những kết luận khoa học về vấn đề thiết kế và tổ chức dạy học lịch sử theo chủ đề trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh .

Nếu hoàn thành những nhiệm vụ nói trên, đề tài không chỉ giải quyết được nhiệm vụ đổi mới thiết kế nội dung và các hình thức, phương pháp dạy học Lịch sử theo chủ đề cho HS chuyên Sử thành phố Hà Nội mà còn có thể đáp ứng yêu cầu cho cả đội ngũ GV và HS chuyên Sử trên phạm vi cả nước nói chung.


30


Tiểu kết chương 1


Qua tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

- Vấn đề đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà giáo dục trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Hầu hết các nhà giáo dục nước ngoài và trong nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế nội dung bài học, tổ chức hiệu quả các hoạt động học tập để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

- Trước những yêu cầu thực tiễn của đất nước hiện nay, những nghiên cứu của các học giả trong nước đều khẳng định tính cấp thiết và việc đổi mới từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Lịch sử nói riêng chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức là chủ yếu sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.

- Trên cơ sở mục tiêu đó, việc thiết kế nội dung lịch sử theo chương/bài thành các chủ đề, chuyên đề và đổi mới hình thức, phương pháp dạy học lịch sử nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục trong nước. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng của việc thiết kế nội dung dạy học thành các chủ đề và đổi mới hình thức, phương pháp dạy học lịch sử để phát triển phẩm chất, năng lực của HS, trong đó có đối tượng HS chuyên Sử. Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong đổi mới nội dung, phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

- Nhiệm vụ đặt ra đối với đề tài luận án là kế thừa và phát triển những kết quả nghiên cứu của các nhà giáo dục đi trước; tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết lí luận và thực tiễn của việc thiết kế và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay cho đối tượng HS chuyên Sử trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường PT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS, góp phần làm sâu sắc, phong phú lí luận dạy học bộ môn. Đồng thời, xác định cơ sở, xây dựng quy trình thiết kế và thiết kế các chủ đề Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến nay, phục vụ công tác dạy và học cho đối tượng HS chuyên Sử trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đề xuất các biện pháp tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay theo hướng phát triển năng lực học sinh; thiết kế giáo án dạy học theo chủ đề và tiến hành TNSP để đánh giá tính đúng đắn, khả thi của những giả thuyết đã đặt ra.


30


CHƯƠNG 2

THIẾT KẾ VÀ TỔ CHỨC DẠY HỌC CÁC CHỦ ĐỀ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH CHUYÊN SỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC‌

PHỔ THÔNG – LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


Thiết kế và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Namtừ năm 1919 đến nay theo hướng phát triển năng lực cho học sinh chuyên Sử là một trong những biện pháp góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn ở trường THPT. Một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần giúp GV và HS có những hiểu biết đầy đủ về việc thiết kế, tổ chức dạy học và học tập các chủ đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay một cách hiệu quả, theo định hướng hình thành và phát triển năng lực. Để góp phần giải quyết nhiệm vụ này, trong nội dung Chương 2, chúng tôi tập trung phân tích, làm rõ những cơ sở lí luận và thực tiễn của việc thiết kế và tổ chức dạy học các chủ đề lịch sử Việt Namtừ năm 1919 đến nay theo hướng phát triển năng lực cho học sinh chuyên Sử ở trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2.1. Cơ sở lí luận

2.1.1. Quan niệm về chủ đề và thiết kế chủ đề lịch sử

2.1.1.1. Khái niệm

* Chủ đề lịch sử

- Theo Từ điển Tiếng Việt, chủ đề “1. Là vấn đề chủ yếu được quán triệt trong nội dung một tác phẩm văn học nghệ thuật, theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Chủ đề của tác phẩm. 2. Chủ đề là đề tài được chọn là nội dung chủ yếu của một đợt hoạt động nhằm giáo dục tư tưởng đạo đức” [110;174].

- Tác giả Bửu Kế, trong Từ điển Hán Việt Từ Nguyên định nghĩa “Chủ: cốt yếu; Đề: đầu mối của sự việc. Chủ đề là vấn đề cốt yếu, quan trọng” [64; 381].

- Trong cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt, tác giả Nguyễn Như Ý (chủ biên) cũng định nghĩa: “chủ đề là vấn đề chính được đặt ra trong một tác phẩm nghệ thuật – chủ đề của tác phẩm. Là đề tài được chọn làm nội dung chủ yếu trong học tập, sáng tác”. [113; 388].

Các tác giả Nguyễn Thị Thế Bình Lê Thị Thu trong bài nghiên cứu “Về việc dạy học theo chủ đề trong môn lịch sửTRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG”, in trong Kỉ yếu Hội thảo dạy học lịch sử ở trường phổ thông theo hướng dẫn phát triển năng lực học sinh, Huế, 2016 đã định nghĩa: Chủ đề lịch sử là những vấn đề nổi bật, trọng tâm, cốt yếu của từng giai đoạn, thời kì lịch sử hay tập hợp hệ thống nội dung các sự kiện, hiện tượng lịch sử có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Từ nội dung khái niệm cơ bản về chủ đề nói chung và chủ đề lịch sử nói riêng được các tác giả định nghĩa nêu trên, ta có thể hiểu Chủ đề lịch sử là những vấn đề nổi


31


bật, trọng tâm, cốt yếu của từng giai đoạn, thời kì lịch sử hay là tập hợp hệ thống nội dung các sự kiện, hiện tượng lịch sử có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ: chủ đề Hai khuynh hướng cứu nước trong phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam 1919-1930; Vấn đề dân tộc dân chủ 1930 – 1945; Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao 1945 – 1975.

Chuyên đề : được hiểu là vấn đề chuyên môn được nghiên cứu sâu.

Chuyên đề lịch sử là những vấn đề vừa có tính khái quát, vừa có tính chuyên sâu ở một nội dung nào đó có thể bao gồm một số thời kì lịch sử. Ví dụ: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam; Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam; Tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam; chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX; nhân tài trong lịch sử Việt Nam.

Như vậy, khái niệm chủ đề và chuyên đề có những điểm tương đồng nhất định: cả hai khái niệm này đều phản ánh những vẫn đề nổi bật, trọng tâm, cốt yếu, về một vấn đề, một giai đoạn, một thời kì lịch sử nhất định; đồng thời chủ đề/ chuyên đề cũng phản ánh tính chuyên sâu ở vấn đề lịch sử được phản ánh. Ví dụ, có thể gọi là chủ đề hay chuyên đề ở nội dung: Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của nhân dân Việt Nam từ 1945 đến 1973. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, chúng ta cũng thấy chủ đề có tính bao quát, phổ rộng và có thể bao gồm nhiều mặt khi nó phản ánh một giai đoạn lịch sử nhất định: ví dụ chủ đề: Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam 1930 – 1945 hay : Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày 2 – 9 – 1945 đến trước ngày toàn quốc kháng chiến 19 – 12 – 1946. Trong khi đó, chuyên đề có đặc điểm nổi bật là tính chuyên sâu của vấn đề được đề cập đến hay nghiên cứu.

Từ sự phân tích nói trên, chúng tôi thấy việc phân biệt khái niệm chủ đề/ chuyên đề chỉ mang tính chất tương đối. Tùy thuộc vào mức độ yêu cầu về nội dung, và đối tượng hướng đến mà có thể gọi là chủ đề hay chuyên đề.

* Thiết kế chủ đề lịch sử

Thiết kế chủ đề lịch sử là việc sắp xếp, tập hợp, kết nối, hệ thống những đơn vị kiến thức lịch sử có liên quan thành các chủ đề lịch sử. Hệ thống kiến thức đó là những vấn đề nổi bật, trọng tâm, cốt yếu của từng giai đoạn, thời kì lịch sử hay tập hợp hệ thống nội dung các sự kiện, hiện tượng lịch sử có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Thiết kế các chủ đề lịch sử cho đối tượng HS THPT cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình, đối tượng HS; trong đó mức độ yêu cầu về kiến thức giữa HS học theo chương trình phổ thông cơ bản sẽ khác với đối tượng HS chuyên Sử học theo Chương trình nâng cao. Nếu như HS phổ thông học theo chương trình cơ bản, kiến thức của chủ đề chỉ yêu cầu ở mức độ cơ bản, tính khái quát, nâng cao vừa phải; thì đối với HS chuyên Sử học theo chương trình nâng cao, khi thiết kế chủ đề tính khái quát, nâng cao được đòi hỏi ở mức độ cao hơn.

Ví dụ: để thiết kế chủ đề Hai khuynh hướng cứu nước trong phong trào dân tộc

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 20/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí