Cách Miêu Tả Tâm Trạng Qua Thời Gian Và Không Gian Của Văn Tế Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam


người cũng do quy luật tình cảm mà bi ai trước cảnh sinh li tử biệt. Lòng thảm thiết bi ai của người con mất mẹ lan ra khắp cả phố phường thôn ấp.

Văn tế không chỉ có bi ai vì tình cảm cá nhân. Cao hơn đó là bi ai vì tướng sĩ xả thân cứu nước: “Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân; Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm niềm thần tử hết lòng trung ái.” (Văn tế Trương Định [21; 82]) Cũng là trời đất ủ ê, cỏ cây sùi sụt, nhưng không gian ở đây không chỉ là những cảnh vật thảm sầu nhìn qua lăng kính lòng người sầu thảm, mà là những địa danh cụ thể gắn liền với cuộc đời và chiến công của anh hùng Trương Định, gợi nhớ một quá khứ hào hùng chưa xa và sẽ còn tiếp diễn ở lớp hậu sinh; giọng bi ai ở đây đã vượt trên tình cảm cá nhân, vươn lên tầm cao tư tưởng và sức mạnh, để từ đó hun đúc nên những thần tử trung ái khác, kế tục sự nghiệp bình Tây còn dang dở.

Giọng bi ai trong văn tế xuất phát từ tấm lòng thành kính, nhớ thương của người tế dành cho người thân đã khuất. Sự có mặt của giọng điệu này tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cho văn tế, một mặt thể hiện chân thật tình cảm thương tiếc của người tế, mặt khác nó cũng tác động vào lòng người nghe, người đọc để họ đồng cảm cho nỗi lòng chan chứa của tác giả, cảm nhận được tình cảm gắn bó giữa những người trong gia đình thân tộc.

Từ tâm trạng bi ai chuyển một bước lên nỗi niềm ai oán. Ai oán là thương xót và oán hận. Giọng điệu ai oán trong văn tế diễn ra khi có cảm giác bị ai đó tước đoạt người thân yêu nhất. Từ đó dẫn đến tâm lý oán hận: oán trời trách đất; hờn trách số phận, của cả người đã khuất lẫn người còn sống; oán hận vì người tài đức mà số phận mỏng manh… Cùng với tâm lý buồn thương, nhớ tiếc, tâm lý oán than, hờn trách cũng được hình thành trong hầu hết các bài văn tế, tạo nên sự đa chiều nhưng thống nhất trong cảm xúc của các tác giả.

Cảm giác này là một loại tưởng tượng, suy tư của tác giả văn tế, như Nguyễn Khoa Chiêm nói: “Trời cướp mất Tử Kỳ, bùi ngùi tri âm đâu mấy có.” (Văn tế Thuần Trung hầu [5; 4a] NĐT). Dù sao nó cũng chỉ xuất phát từ tâm trạng xót thương, tiếc nuối cá nhân. Có khi dẫn đến tâm tưởng phản kháng, chống đối như trong Văn khóc con gái nhưng cuối cùng không cách nào khác đành phải chấp nhận thực tại.

Cảm giác mất mát ngoài được thể hiện ra bằng giọng điệu bi ai oán thán còn được thể hiện bằng giọng hoài nghi. Hoài nghi là trong lòng vẫn còn ngờ vực về một điều gì đó.


Người đứng tế thường tỏ ra hoài nghi về cái chết của người được tế. Những người tốt đẹp đến thế sao trời xanh không đoái tưởng, nỡ khiến họ sớm từ giã còi đời, từ bỏ người thân yêu ra đi mãi mãi? Bao nhiêu mơ ước đang ấp ủ muốn thực thi cho đời đành để tan thành mây khói. Luật nhân quả ở đâu? “Thiện giả thiện báo” ở đâu? Lời cổ đức vẫn rành rành ra thế, tại sao sự việc trước mắt diễn ra trái khoáy dường này? Mệnh trời thật không thể lường được.

Hoài nghi trước sự việc không như ý muốn, mỗi tác giả thể hiện bằng ngôn ngữ và giọng điệu khác nhau. Có người hoài nghi nhưng tỏ ra chấp nhận, như Nguyễn Khoa Chiêm: “Do thời ư? Do mệnh ư? Trời thật an bài; Do trời ư? Do người ư? Biết làm sao vậy.” (Văn tế quan Lưu thủ Tuyên Quang [5; 3a] NĐT) Có người tỏ ra thực sự không tin tưởng, như Bùi Hữu Nghĩa: “Chữ „đại đức tất đắc kỳ thọ‟ đọc tới phát buồn; Câu „tích phúc tất hữu dư khương‟ nghe càng thêm lạt.” (Văn tế vợ [21; 63]) Mạnh mẽ hơn là phản kháng: “Giận bấy lão Kiền khôn bạc ác, chòng choẹ hắn không vì; Hiềm thay con Tạo hoá trớ trêu, mon men ta muốn mắng.” (Văn khóc con gái [21; 66]) Từ hoài nghi dẫn đến phản kháng, từ cảm giác đau đớn tột cùng vì mất con, tác giả quay sang trút cơn giận lên đầu ông Tạo hoá. Trong Nho giáo và quan niệm, tín ngưỡng dân gian, ít khi thấy ai dám gọi Trời là “hắn”, chẳng ai dám mắng “lão Kiền khôn bạc ác” mặc dù lão đầy bất công (nếu lão có thật). Trong văn tế Hán Nôm, có lẽ đây là giọng hoài nghi, phản kháng thiên mệnh mạnh mẽ nhất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

3.3.5. Giọng căm phẫn

Căm phẫn là thái độ bất bình, giận dữ, căm thù, phản đối trước điều gì sai trái, ngang ngược. Trong văn tế, giọng căm phẫn diễn ra khi nói về hành động tàn bạo của kẻ thù. So với thái độ ai oán nói trên, lòng căm hận kẻ thù thể hiện ra bằng giọng điệu căm phẫn vô cùng mạnh mẽ.

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 25

Sự căm phẫn trước tiên thể hiện khi nói về hành vi cướp nước tham tàn của giặc. Có khi thể hiện bằng cách ví von giặc là loài động vật: “Nghe tiếng súng non Trà nổ dữ, những muốn săn cho hết giống lợn dữ không tha; Trông khói tàu Cần Hải bốc cao, những muốn chém cho hết loài cá kình mới hả.” (Văn tế các tướng sĩ đánh Pháp tử trận [35; 298]) Có khi thể hiện bằng lời chửi thẳng vào mặt quân cướp nước: “Ôi dân ôi! Công ích thêm sưu, bách phần thêm thuế, quân Tây kia chỉ một lòng tham!” (Văn tế vụ xin sưu [21;


132]) Có khi thể hiện bằng ý chí, hành động: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc [21; 76])

Thái độ căm phẫn còn thể hiện cao độ khi chứng kiến bọn giặc nhẫn tâm đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, sát hại anh hùng nghĩa sĩ, đẩy dân ta vào chỗ chết: “Tủi phận biên manh; Căm loài gian tặc.” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục Tỉnh [21; 85])”, “Nào hay: Trời đã éo le; Người càng quỷ quái. Chứa chan máu quốc, nước vẩn vơ hồn; Xao xác tiếng gà, trời mờ mịt tối.” (Văn tế Phan Châu Trinh [124; 298]) Dù bằng cách nào, giọng căm phẫn ấy cũng xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng thời là dấu hiệu, là khởi điểm cho những cuộc đấu tranh với quy mô lớn hơn, dữ dội hơn với quyết tâm là diệt sạch kẻ thù.

3.3.6. Giọng hào hùng bi tráng

Hào hùng là trạng thái có khí thế mạnh mẽ, dữ dội. Trong văn tế, giọng hào hùng rắn rỏi dùng để nói về người có ý chí và sức mạnh vượt qua mọi chông gai thử thách, không ngại hi sinh, quyết tâm chống lại quân thù. Giống như giọng căm phẫn, giọng hào hùng cũng xuất hiện trong các bài văn tế tướng sĩ tử trận. Chính vì căm phẫn từ những điều mắt thấy tai nghe về sự tàn bạo của giặc tạo nên ý chí, quyết tâm và hành động xả thân cứu nước. Những yếu tố đó mang đến giọng điệu oai hùng cho các bài văn tế.

Giọng hào hùng thể hiện ở khí thế sụt sôi, không ngại gian nan nguy hiểm, quyết tâm tiêu diệt đối phương: “Ôm chữ trung thì xương thịt cũng liều; Gánh việc vò dẫu chông gai sá kể.” (Văn tế các tướng sĩ trận vong [21; 47]) Chữ trung và trách nhiệm đối với đất nước là nhiệm vụ hàng đầu của người làm trai. Dù chông gai hiểm trở, thịt nát xương tan, quyết tâm ấy không bao giờ thay đổi. Giọng điệu hào hùng của câu trên bên cạnh đề cao chữ trung và trách nhiệm làm trai đối với đất nước còn cho thấy ý chí mạnh mẽ của người chiến sĩ ra trận. Mặc dù xuất hiện trong văn tế thời kỳ sau nội chiến, nhưng đây cũng là giọng điệu chung của tất cả những bài văn tế thời kỳ chống ngoại xâm.

Đến văn tế thời kỳ chống ngoại xâm, giọng hào hùng thể hiện ở quyết tâm chống giặc, bảo vệ tròn vẹn lãnh thổ bao đời của cha ông: “Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc [21; 76]) Đất nước ta độc lập, thống nhất; dân tộc ta tự chủ, quật cường.


Không kẻ giặc nào có quyền xâm lược, chia cắt. Hễ là người dân Việt, không ai dung thứ những kẻ hiếu chiến, tham tàn. “Hai vầng nhật nguyệt chói loà” tượng trưng cho công lý, chính nghĩa và hành động hiên ngang xả thân cứu nước của các nghĩa sĩ, là niềm tin chắc chắn vào tương lai thắng lợi vẻ vang.

Đỉnh điểm của giọng điệu hào hùng thể hiện ở tinh thần cảm tử vì nước vì dân trong văn tế yêu nước: “Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam; Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.” (Văn tế Trương Định [21; 81]) Các tướng sĩ ý thức được việc mình làm là việc nghĩa nên không sợ thất bại, không sợ hi sinh. Dù có thất bại, hi sinh cũng không uổng phí. Việc mình đã làm sẽ mở ra con đường cho người sau tiếp bước. Con đường ấy ngày càng thênh thang rộng mở, đúng hướng đúng chiều, người người tiếp bước, nhất định sẽ dẫn đến thành công mỹ mãn. Giọng hào hùng của câu trên và của toàn bài văn tế tạo thành sức mạnh lôi kéo toàn dân tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

Sự hi sinh của tướng sĩ thật hào hùng, nên cái chết của họ không bi ai mà vô cùng bi tráng. Khác với bi ai có vẻ uỷ mị buồn thương, bi tráng là vẻ đáng thương và đáng ngưỡng mộ. Giọng bi tráng trong văn tế được thể hiện khi nói về tinh thần bất khuất và sự hi sinh của các tướng sĩ. Đây là giọng điệu chủ đạo của văn tế tướng sĩ thời kỳ sau nội chiến và những bài văn tế tướng sĩ, nghĩa sĩ hi sinh trong thời kỳ chống Pháp của Lê Khắc Cẩn, Phạm Thanh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Quang Bích, Vò Phát, Phan Bội Châu… và một số tác giả khuyết danh.

Phạm Thanh tái hiện cảnh tượng hi sinh vô cùng bi tráng của các tướng sĩ đánh Pháp bị tử trận: “Phút chốc gặp cơn gió lạnh, cả ba quân như ngói trút tan tành; Thương thay những đống xương khô, đầu một trận công nên bình định. Thây chất đầy cửa bể, máu chảy khắp thành dài. Bóng nắng úa dàu dàu ngọn cỏ, mảnh trăng mờ lạnh ngắt hơi sương. Anh hùng tuôn lệ chứa chan, tráng sĩ ôm lòng bực tức. Sống chửa đền ơn cao cả, kiếp sau xin quyết chí đền bù; Thác đi vẫn thấy oai linh, bể rộng quyết ra tay vùng vẫy.” Cũng có “dàu dàu”, “tuôn lệ”, “bực tức”, tức là “bi”, nhưng cái bi ở đây đã vượt khỏi cái bi ai, bi luỵ của cảm giác mất mát cá nhân khi muốn chiếm hữu mà không thể được. Đây là cái bi trước những tượng đài vĩ đại, những tấm gương báo quốc, vì thực thi nghĩa vụ thiêng liêng, đối mặt với đạn bom pháo lửa mà phải chịu hi sinh. Họ chết đi nhưng tinh thần yêu nước vẫn chói lọi qua tấm lòng son, lòng căm giận kẻ thù vẫn sụt sôi qua ánh mắt, những


giọt máu hồng của họ hoà vào đất tổ, sẽ sản sinh thêm những lớp người anh kiệt, nảy nở thành trái ngọt hoa thơm. Sự hi sinh ấy đương nhiên đáng thương đáng tiếc và thật sự đáng ngợi ca, ngưỡng mộ.

3.3.7. Giọng trào phúng

Trào phúng là đùa cợt để gây cười, hoặc cười cợt để châm biếm, phê phán. Nội dung trào phúng trong văn tế được thể hiện qua giọng điệu tương ứng.

Như đã xét ở chương trên, nội dung trào phúng của văn tế rất đa dạng, trong đó cười cợt để châm biếm, phê phán chiếm tỉ lệ nhiều hơn. Tiếng cười trong đó cũng được thể hiện qua nhiều loại giọng điệu. Từ giọng hài hước đến giọng châm biếm, cao hơn cả là giọng đả kích. Mỗi giọng điệu đều có ý vị riêng, trong đó giọng hài hước hướng đến cuộc sống lạc quan nhằm quẳng gánh lo hiện tại mà tạo dựng cuộc sống tốt đẹp tương lai; giọng châm biếm hướng đến phê phán những thói hư tật xấu nhằm giúp con người nhận ra nhầm lẫn, sai trái của mình mà sửa chữa; giọng đả kích hướng đến đối tượng là giặc Pháp và bọn tay sai nhằm nêu cao tinh thần yêu nước và cổ vũ mọi người tham gia đánh giặc. Cùng với nội dung trào phúng, giọng điệu trào phúng trong văn tế cũng là một nét độc đáo của văn tế trong văn học trung đại Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện một phần tính cách của người Việt Nam.

Từ một thể loại gắn với chức năng nghi lễ mang âm điệu buồn thương, xót xa, văn tế Việt Nam còn mang nhiều giọng điệu khác, tiếng nói khác để diễn tả những quan niệm, tư tưởng hay đơn giản hơn chỉ là một sự đồng điệu của những người sáng tác. Giọng điệu trong văn tế có tác dụng lớn đối với người nghe bởi nó là thể loại được sáng tác để tác động đến người chứng kiến một cách nhanh chóng nhất và trọn vẹn nhất, đồng thời, sự đa dạng của giọng điệu trong văn tế còn mang lại tính độc đáo và thú vị khi nghiên cứu thể loại này.


3.4. CÁCH MIÊU TẢ TÂM TRẠNG QUA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN CỦA VĂN TẾ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Thời gian và không gian nghệ thuật trong văn học được xác định là “những phẩm chất định tính quan trọng của hình tượng nghệ thuật, đảm bảo cho việc tiếp nhận toàn vẹn thực tại nghệ thuật và tổ chức nên kết cấu của tác phẩm”. [58; 1695] Như vậy, thời gian


và không gian là hai yếu tố bao trùm toàn bộ con người và sự kiện, không chỉ ngoài đời mà cả trong tác phẩm văn học. Đặc biệt, văn tế thể hiện tâm trạng của tác giả trong hoàn cảnh tử biệt sinh ly, bên cạnh thời gian cụ thể là lúc người được tế đã qua đời và không gian cụ thể là nơi tiến hành lễ tế, thì thời gian và không gian trong văn tế còn được các tác giả vận dụng thành chất liệu đắc lực thể hiện tâm trạng của mình.

Thời gian trong văn tế thường là kiểu thời gian vụt thoáng. Vì không muốn chia ly nên cảm thấy thời gian trôi qua vùn vụt. Kiểu thời gian này ngoài được diễn tả bằng điển cố để nói lên tâm trạng tiếc nuối như đã đề cập ở trên, còn xuất hiện rất nhiều nơi trong toàn tác phẩm bằng từ ngữ khác như “bỗng”, “bỗng chốc”, “bỗng phút”, “một phút”, “thấm thoắt”, “vội vàng”... Trong văn tế, sự kiện cái chết luôn diễn ra một cách bất ngờ, nhanh chóng:

“Ba mươi sáu năm, đời ảo ảnh về đâu, bỗng chốc đêm xuân nồng giấc điệp;

Bốn mươi tám nguyện, bụi trần căn chưa đoạn, thê lương trăng sáng tiếng quyên than.”

(Thê tiến vong phu văn [5; 12b] NĐT).

“Ông dường ấy phong lưu dường ấy, tưởng trăm năm còn vui hưởng còi đài xuân; Căn về đâu số hệ về đâu, mới một phút đã về miền tiên ngạn.”

(Cháu ngoại tế ông ngoại văn [15; 42a] NĐT)

Tác giả cùng người thân sum hợp chưa được bao lâu, trong phút chốc đã chia lìa đôi ngã. Nỗi đau bất ngờ như chất chồng thành trăm thảm ngàn thương. Dù kẻ khuất người còn, tác giả không bao giờ quên người mình rất mực thương yêu. Tình cảm ấy rộng lớn như bầu trời nên nỗi đau mất mát cũng mênh mang như mặt biển.

Tình đồng liêu cũng được thể hiện rất cảm động trước cảnh kẻ mất người còn trong kiểu thời gian vụt thoáng:

“Mới đêm trước còn tỏ lòng; Mà sáng nay đà rẽ lối.”

(Tế Hình bộ Uẩn Thiện hầu văn [118; 674])

Tác giả (Nguyễn Đăng Thịnh, 1696-1755) dùng hai cụm từ chỉ thời gian “đêm trước”, “sáng nay” có vẻ cụ thể hơn và không quá “vụt thoáng” như cách dùng các từ ngữ “bỗng”, “bỗng chốc”, “bỗng phút”, “một phút”, “thấm thoắt”, “vội vàng”... như trên đã


nói. “Đêm trước” và “sáng nay” cũng không hẳn là khoảng thời gian cụ thể chỉ cách nhau một ngày/ đêm. Nhưng đặt trong ngữ cảnh này, đồng thời với sự có mặt của hai từ liên kết “mới” và “mà” thì cách miêu tả ở đây không chỉ cho thấy thời gian diễn ra thật chóng vánh mà còn tô đậm nỗi lòng xót đau, tiếc nuối của tác giả.

Thời gian và sự việc quá khứ cũng là một trong những phông nền để tác giả nói lên tâm trạng. Ngoài những mối quan hệ mật thiết và huyết thống, trong những mối quan hệ khác người viết văn tế cũng thường có mối quan hệ thân thiết với người đã khuất. Trong quá khứ, tác giả từng nhận được ơn giúp đỡ, lời khuyên nhủ bảo ban, học được đạo làm người từ người được tế. Sự việc bình sinh của người được tế luôn chiếm phần quan trọng trong bài văn tế. Qua đó, tác giả thường hồi tưởng quá khứ để nói lên tâm trạng nuối tiếc, mất mát hiện tại:

“Nghĩ đến hơn ba mươi năm trung cần, lòng nhớ người xưa trở thành cảm xúc; Ngẫm về ngàn vạn lời đích đáng, lòng nhớ người hiền tan nát tâm can.”

(Văn tế Luyện Trung công [5; 1a] NĐT)

Hơn ba mươi năm phụng sự triều đình, Luyện Trung công đã cống hiến hết mình cho đất nước, nhân dân. Lời nói, việc làm của ông đều được mọi người xem là mực thước. Khi ông chết, đến cả nhà vua cũng thương xót, ra chỉ dụ tác giả viết bài văn tế này. Tác giả hẳn phải có khoảng thời gian dài làm việc và có mối quan hệ vô cùng mật thiết với Luyện Trung công mới được nhà vua sai viết văn tế, đồng thời cảm xúc mới trào dâng như thế.

Sau những dòng hồi tưởng là những dòng tả thực. Không thể mãi nhớ về quá khứ, hiện thực trước mắt là điều hiển nhiên phải chấp nhận. Tuy nhiên, hiện thực càng đau thương thì quá khứ tốt đẹp lại càng dễ quay về, dẫn đến thủ pháp vừa tả thực vừa hồi tưởng. Hiện thực đau thương được tô đậm bằng cách đan xen thời gian quá khứ với thời gian hiện tại:

“Đêm nay thu trước, chén rượu mời lưng ngựa tiễn đưa; Thu nay đêm này, giọt lệ ứa âm dương cách trở.”

(Môn sinh vãn nghiệp sư trướng văn [4; 75b] NĐT)

Tình cảm thầy trò gợi tả qua hình ảnh “chén rượu tiễn đưa”. Hình ảnh chén rượu là sự thể hiện mối quan hệ mật thiết, tâm giao. Tác giả chắc phải là một người học trò giỏi,


yêu kính thầy, đồng thời cũng là người được thầy yêu thương, tín nhiệm mới được hầu rượu thầy trong buổi tiễn đưa. Mùa thu trước còn hầu rượu thầy, mùa thu nay đã cách xa mãi mãi. Càng nhớ về quá khứ thì hiện thực chia xa càng khiến cho tác giả đau lòng ứa lệ.

Bên cạnh thời gian thì không gian là phông nền thứ hai để tác giả bộc bạch tâm trạng của mình. Không gian trong văn tế thường là không gian thực tại của ngôi mộ trơ vơ, cảnh vật điêu tàn, dòng người đưa viếng…, nhưng phần nhiều gắn với không gian tâm trạng. Đó là không gian ảm đạm của nỗi đau và sự mất mát:

“Chồi xuân rây huyết thảm treo cành; Cây tử mính rêu sầu bám rễ.”

(Văn tế cha [95; S125; 83])

Cây xuân và cây tử là hai hình ảnh thường được dùng trong văn học chỉ tình phụ tử. Cây xuân to lớn, sống mỗi mùa là tám ngàn năm (theo Trang tử), được dùng chỉ người cha với ước mong cha sống thọ. Cây tử nhỏ bé cần sự che chở nên được dùng chỉ người con. Đây là hai hình ảnh đẹp, tượng trưng cho lòng hiếu thảo của kẻ làm con và tình thương yêu của người làm cha. Trong Văn tế cha, hai hình ảnh này cũng được tác giả dùng với mục đích như thế, nhưng bên cạnh đó còn có một mục đích khác, đó là thể hiện nỗi chơi vơi, đớn đau khi mất đi chỗ dựa to lớn nhất của cuộc đời. Lúc này hình ảnh cây xuân cây tử không chỉ là sự vật cụ thể hiển hiện ở không gian thực tại mà trở thành biểu tượng trong không gian nghệ thuật để nói lên tâm trạng xót xa, tiếc nuối của tác giả.

Chính vì cảm giác bị mất đi chỗ dựa của cuộc đời, không ít tác giả văn tế ôm ấp một ước mơ là người đã mất quay về để mình lại được gần gũi, được yêu thương, được che chở:

“Tuyết đầu đông ngoài đồng băng giá, ngóng gió lành thổi mát bụi gai xanh; Sương sớm trời gò mả thê lương, trông mưa ngọt tưới nhuần thân cây cỏ.”

(Nghĩ tế mẫu văn [4; 90a] NĐT)

Lòng người vô cùng hoang vắng, buồn thảm. Không gian lạnh lẽo cần sự ấm áp. Con đã mất mẹ, lúc nào và ở đâu cũng đau đáu trông chờ. Biết chắc không thành sự thật nhưng tấm lòng người làm con luôn mong ngóng một phép màu cải tử hoàn sinh cho mẹ mình sống lại, để được cơn gió lành, giọt mưa ngọt thấm đẫm tâm hồn đang dần cằn cỗi vì đau buồn, thương nhớ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022