Giá Trị Kế Thừa Từ Những Quy Định Về Bảo Vệ Quyền Lợi Nhóm Xã Hội Yếu Thế Trong Bộ Luật Hồng Đức

Chương 3:

GIÁ TRỊ KẾ THỪA TỪ QUY ĐỊNH BẢO VỆ QUYỀN LỢI CÁC NHÓM XÃ HỘI YẾU THẾ CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

VÀ KẾ THỪA CÁC GIÁ TRỊ ĐÓ TRONG QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NHÓM XÃ HỘI YẾU THẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


3.1. Nhận diện các giá trị kế thừa từ quy định bảo vệ quyền lợi các nhóm xã hội yếu thế của Bộ luật Hồng Đức

Bộ luật Hồng Đức được coi là di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, chưa có công trình pháp lý nào trong lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam sánh bằng[4, tr.94]. Đây là bộ luật có ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội đương thời. Không những thế nó còn là Bộ luật tồn tại và phát huy được tác dụng trong một khoảng thời gian rất dài với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ trong thực tế. Bộ luật Hồng Đức được áp dụng trong suốt 360 năm tồn tại của triều đại nhà Lê. Thậm chí sau khi Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) ra đời, nhiều nội dung của Bộ luật Hồng Đức vẫn còn có giá trị sử dụng. Có nhiều nội dung của Bộ luật Hồng Đức còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là tiến bộ, hiện đại hơn so với Bộ luật Gia Long ra đời sau đó mấy trăm năm. Đặc biệt là kỹ thuật lập pháp của Bộ luật Hồng Đức đã đạt đến trình độ cao mà ngày nay giá trị của nó vẫn được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Bộ luật Hồng Đức được hình thành cùng với sự ra đời của nhà nước phong kiến Lê sơ. Nội dung và hình thức của nó chịu sự quy định của những điều kiện kinh tế - xã hội của xã hội phong kiến. Đây là thời kỳ mà phần lớn các tư liệu sản xuất nằm trong tay giai cấp địa chủ phong kiến do đó pháp luật cũng là ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến và là phương tiện để bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến chứ không phải là để thể hiện ý chí của đại đa số người dân, nhất là giai cấp nông dân và các nhóm xã hội yếu thế trong xã hội. Tuy xuất hiện trong bối cảnh như vậy nhưng bản thân bộ luật này lại chứa đựng rất nhiều những yếu tố tiến bộ. Ý thức, quan điểm và chính sách pháp luật của các nhà làm luật Việt Nam thời phong kiến

lại có nhiều điểm rất phù hợp với những tư tưởng, quan điểm, chính sách pháp luật tiến bộ về các vấn đề như nhân quyền, nhân đạo, công lý, về xã hội dân sự được hình thành ở thời kỳ phục hưng, thế kỷ XVIII, XIX và XX[38]. Tuy vẫn còn có nhiều điểm hạn chế nhưng từ những giá trị tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức chúng ta vẫn có thể thấy được những nội dung vượt trước thời đại, thể hiện tính nhân đạo, tiến bộ sâu sắc và những giá trị lớn lao về tư tưởng cũng như kỹ thuật lập pháp. Tuy trong Bộ luật không đề cập đến vấn đề nhân quyền nói chung nhưng bản thân bộ luật lại quy định nhiều nội dung liên quan đến các quyền cơ bản của con người như quyền thừa kế, quyền sở hữu, quyền được nhà nước chăm lo khi ốm đau, già yếu không nơi nương tựa, quyền được tiếp cận công lý…đó là một vài trong số những nội dung mà khoa học pháp lý hiện đại gọi là quyền con người. Đặc biệt pháp luật cũng đã có nhiều quy định mang tính bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng thuộc nhóm xã hội yếu thế. Hơn thế nữa, không dừng ở việc quy định, nhà làm luật đã làm cho những quy định đó được thực hiện trong thực tế. Vì vậy nó được đánh giá “thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân”[4, tr.94]. Những giá trị đó đến nay vẫn cần thiết được học tập và vận dụng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, việc kế thừa tiếp thu và vận dụng các giá trị của pháp luật thời kỳ phong kiến hiện nay phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Nguyên nhân là do bản chất của chế độ ta hiện nay là chế độ xã hội chủ nghĩa và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tư liệu sản xuất chủ yếu đều thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Pháp luật là ý chí thống nhất của toàn dân, người dân được làm chủ nhà nước, làm chủ chế độ, được tham gia vào việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, được giám sát hoạt động của nhà nước. Bản chất của nhà nước ta hiện nay hoàn toàn khác so với nhà nước phong kiến thời Lê sơ. Do đó, việc tiếp thu, kế thừa những giá trị của pháp luật thời Lê sơ phải tuân theo những nguyên tắc của chế độ xã hội chủ nghĩa như nguyên tắc chủ quyền nhân dân, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc Đảng lãnh đạo…và các nguyên tắc cơ bản khác của chế độ ta. Việc kế thừa không có nghĩa là sao chép y nguyên cả về nội dung, hình thức và tinh thần của pháp luật phong kiến thời Lê sơ mà phải gạt bỏ những dấu ấn tiêu cực, chọn lựa những giá trị tiến bộ, còn phù hợp với thực tiễn hiện

nay. Đồng thời, kế thừa, tiếp thu phải luôn gắn với phát huy các giá trị đó, đưa nó lên một tầm cao mới, góp phần phát huy truyền thống nhân đạo, tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên phải dựa trên quan điểm tôn trọng lịch sử và khách quan trong việc nghiên cứu và kế thừa. Nhiều vấn đề của Bộ luật Hồng Đức không thể áp dụng máy móc trong xã hội hiện nay nhưng vẫn còn rất nhiều giá trị mà chúng ta có thể vận dụng để hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

3.2. Giá trị kế thừa từ những quy định về bảo vệ quyền lợi nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

3.2.1. Giá trị kế thừa từ những quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức

Thời Lê sơ, địa vị pháp lý của người phụ nữ rất thấp. Họ phải sống phụ thuộc và không được tự do quyết định cuộc sống của mình. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới kể cả những nước ở phương Đông cũng như những nước phương Tây.

Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 11

Trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, thể hiện rõ tính nhân đạo, khoan hồng, giáo dục như quy định giảm nhẹ tội, giảm nhẹ những hình phạt về thân thể cho phụ nữ, hoãn thi hành hình phạt đối với phụ nữ có thai và sinh con chưa đủ 100 ngày; trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại tới danh dự, nhân phẩm người phụ nữ đặc biệt là trẻ em gái…Tất cả những điều đó đã thể hiện sự ghi nhận của pháp luật đối với vai trò của người phụ nữ, là sự kết hợp hài hòa của pháp luật với truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thể hiện sự quan tâm của nhà nước với việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, thể hiện tư tưởng tôn trọng nữ quyền.

Trong lĩnh vực dân sự, Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định mang giá trị to lớn, quan trọng và tiến bộ mà trước hết là việc coi phụ nữ là chủ thể độc lập, không lệ thuộc vào đàn ông, có quyền và nghĩa vụ độc lập, được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Pháp luật cũng ghi nhận quyền sở hữu của người phụ nữ trong khi pháp luật các nước Trung Quốc và Tây Âu cùng thời kỳ không thừa nhận. Không những phụ nữ có quyền sở hữu tài sản riêng, có quyền sở hữu trong khối tài sản chung với chồng mà họ còn có quyền quản lý tài sản chung trong gia đình. Người phụ nữ cũng

có quyền hưởng thừa kế thậm chí thừa kế hương hỏa, nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên trong trường hợp gia đình không có con trai nối dõi. Phần thừa kế của con gái được khuyến khích ngang bằng với con trai để tránh sự bất hòa trong gia đình. Một điểm đặc biệt nữa là Bộ luật đã có sự quan tâm bảo vệ quyền lợi cho các nô tỳ, những người vốn có địa vị thấp kém, phụ thuộc, đôi khi còn bị coi là một thứ tài sản của chủ…

Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hồng Đức đã kết hợp hài hòa các giá trị đạo đức Nho giáo với tập tục truyền thống của người Việt Nam tạo nên hệ thống những quy định đặc sắc về hôn nhân và gia đình. Điểm tiến bộ vượt bậc của Bộ luật Hồng Đức so với các bộ luật ở nhiều quốc gia khác cùng thời kỳ là đã dành cho người phụ nữ một số quyền lợi cơ bản mà trước hết là đã thừa nhận quyền ly hôn của phụ nữ. Đối với việc ly hôn, bên cạnh các trường hợp buộc ly hôn do vi phạm các quy định cấm kết hôn (điều 317, 318, 323, 324, 334) thì còn có thể ly hôn do lỗi của người vợ hoặc do lỗi của người chồng. Đối với trường hợp ly hôn do lỗi của người vợ vì phạm phải các điều “nghĩa tuyệt” thì người chồng bắt buộc phải bỏ vợ, không bỏ cũng bị xử tội biếm (điều 310). Nhưng trái với pháp luật Trung Hoa, bộ luật đã đồng nhất quan niệm về các trường hợp “thất xuất” và “nghĩa tuyệt” để hạn chế bớt các trường hợp người đàn ông phải bắt buộc bỏ vợ trong khi theo Đường luật, chương Hộ hôn, có quy định 5 trường hợp “nghĩa tuyệt” đồng thời còn quy định về “hòa ly” (ly hôn tự nguyện vì không hòa hợp) và “trình tố ly hôn” (trình quan địa phương xin ly hôn). Qua đó Bộ luật đã gián tiếp quy định trách nhiệm của người chồng trong gia đình. Pháp luật cũng cho phép người con gái được từ hôn, quy định về độ tuổi kết hôn, trừng phạt các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền thế để cưỡng ép kết hôn…Xem xét trong bối cảnh lịch sử, xã hội thời bấy giờ và hệ thống pháp luật của các quốc gia khác cùng thời kỳ thì rõ ràng Bộ luật Hồng Đức đã thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ, hàm chứa những giá trị tiến bộ và nhân văn cao cả.

Trong lĩnh vực tố tụng, pháp luật cũng có nhiều quy định mang tính khoan hồng đối với phụ nữ như: được tạm hoãn thi hành án khi có thai hoặc sinh con chưa đủ 100 ngày. Trong quá trình giam giữ, điều tra, xét xử và thi hành án đối với phụ nữ cũng có nhiều quy định nhằm hạn chế sự tùy tiện, lợi dụng quyền hạn của những

người thi hành công vụ để xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm, tiết hạnh của người phụ nữ.

Như vậy, trong tất cả các lĩnh vực cơ bản mà Bộ luật Hồng Đức điều chỉnh, quyền lợi của phụ nữ đều được quan tâm và bảo vệ. Những nội dung đó đều thể hiện rõ tinh thần vì con người, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ. Mặc dù hệ thống pháp luật hiện nay đã có những quy định mang tính tiến bộ hơn, đầy đủ hơn nhưng kế thừa những giá trị tiến bộ của bộ luật Hồng Đức đồng thời bổ khuyết thêm những giá trị mới, nội dung mới vẫn là việc làm quan trọng, có ý nghĩa trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay.

3.2.2. Giá trị kế thừa từ những quy định bảo vệ quyền lợi của người phạm tội trong Bộ luật Hồng Đức

Một trong những đặc điểm của pháp luật thời phong kiến ở Việt Nam và cả Trung Quốc là thiên về hình sự. Phần lớn các điều luật đều được xây dựng dưới dạng những quy phạm pháp luật hình sự và đều áp dụng chế tài là những hình phạt. Vì vậy, khái niệm tội phạm được hiểu rất rộng, những vi phạm thuộc các lĩnh vực như dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình…cũng có thể quy kết là tội phạm và phải chịu hình phạt. Trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hồng Đức đã xây dựng được một hệ thống tội danh khá đầy đủ và bao gồm gần như tất cả các tội danh được coi là cơ bản theo luật hình sự hiện đại. Ngoài những quy định bảo vệ quyền lợi của người phạm tội là những đối tượng thuộc nhóm xã hội yếu thế là phụ nữ, người già, trẻ em đã được phân tích riêng thì Bộ luật Hồng Đức cũng có nhiều nội dung bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng là những người phạm tội thông thường.

Điểm đặc sắc và tiến bộ trong Bộ luật Hồng Đức là chính sách hình sự nghiêm minh nhưng khoan hồng. Có sự phân biệt giữa lỗi cố ý và vô ý; phân biệt người đồng phạm với người chủ mưu đồng thời cũng quan tâm đến vấn đề nhân thân người phạm tội… Để thể hiện tính khoan hồng, pháp luật có nhiều quy định nhằm giảm nhẹ hình phạt, châm chước cho người phạm tội như: giảm tội nếu tự thú, nếu phạm tội do lầm lỡ; cho chuộc tội bằng tiền đối với một số trường hợp và một số tội nhất định. Cùng một tội phạm, người thực hiện là thứ dân thì lại được giảm nhẹ hơn so với người thực hiện là quan lại. Tiền bồi thường, tiền chuộc tội cũng thấp hơn so

với quan lại… Những quy định đó thể hiện tính nghiêm trị nhưng vẫn nhân đạo, khoan hồng đối với người phạm tội.

Pháp luật thời Lê sơ quy định rất rõ ràng trách nhiệm của những người thi hành công vụ trong quá trình điều tra, truy bắt, giam giữ, xét xử nhằm hạn chế sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm, lạm quyền nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người phạm tội. Hoạt động của những người thi hành công vụ đều phải tuân theo pháp luật, không được áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, vô căn cứ và không cần thiết. Đồng thời pháp luật cũng quy định rõ ràng chế tài dành cho người áp dụng pháp luật nếu như họ không tuân thủ pháp luật. Điều đó góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tránh mọi hành vi lạm quyền, làm trái quy định pháp luật của người thi hành công vụ. Qua đó góp phần làm cho những quy định bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế được đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Bộ luật Hồng Đức đưa ra nhiều nguyên tắc bắt buộc các chủ thể áp dụng pháp luật phải tuân theo như nguyên tắc xét xử công khai, tập thể, chỉ tuân theo pháp luật, quyết định theo đa số, thấu tình đạt lý, giảm nhẹ tội khi còn nghi ngờ...Trong đó nhiều nguyên tắc đến nay vẫn được pháp luật hiện đại kế thừa. Trong quá trình điều tra, xét xử không được dùng các biện pháp tra tấn, hành hạ thân thể, đánh đập người phạm tội một cách tùy tiện, không được để người đó chết, ốm đau phải được chữa chạy... Tất cả những quy định đó đều nhằm mục đích hạn chế việc xét xử oan sai, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người phạm tội, làm cho quá trình xét xử được diễn ra một cách công bằng, chính xác, khách quan, đúng pháp luật từ đó bảo vệ được quyền lợi của người dân, đặc biệt là những người phạm tội.

3.2.3. Giá trị kế thừa từ những quy định bảo vệ quyền lợi của người già, trẻ em trong Bộ luật Hồng Đức

Những quy định đối với người già và trẻ em thể hiện rõ tính nhân đạo, khoan hồng, giáo dục của pháp luật đồng thời cũng phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, gần với tư duy pháp luật hiện đại tuy vẫn còn có những điểm hạn chế. Để bảo vệ những đối tượng yếu thế là người già, trẻ em, là những đối tượng sức khỏe yếu, không có khả năng và điều kiện để bảo vệ tài sản của mình như trẻ em, người điên, người say…đối với những hành vi xâm hại tài sản của nhóm đối tượng

này pháp luật đã quy định tăng nặng hình phạt, xử lý nặng gấp đôi so với những trường hợp thông thường. Bằng cách đó nhà làm luật đã hạn chế sự xâm hại và bảo vệ quyền lợi của những đối tượng này. Việc nghiêm cấm những người thi hành pháp luật tra tấn người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi, người tàn tật đã thể hiện sự quan tâm, nhân đạo đối với nhóm đối tượng có sức khỏe yếu hoặc không hoàn thiện về thể chất đồng thời thể hiện rõ tính nghiêm minh, nhân đạo của pháp luật.

Trong lĩnh vực dân sự, quyền lợi của trẻ em, trẻ mồ côi, con nuôi, con vợ lẽ cũng được quan tâm bảo vệ. Pháp luật có quy định độ tuổi trẻ em được tham gia các giao dịch dân sự tránh trường hợp lợi dụng sự non nớt, nhận thức còn hạn chế của trẻ em để trục lợi. Cơ chế quản lý tài sản của trẻ em và trẻ mồ côi cũng được thực hiện rất chặt chẽ đồng thời pháp luật cũng có quy định trừng phạt nặng các hành vi xâm hại đến quyền lợi của trẻ mồ côi. Cơ chế đó phần bảo vệ tài sản, quyền lợi của đứa trẻ, là giá trị rất tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức. Đối với trẻ đi lạc, người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa pháp luật cũng gắn quyền lợi của họ với trách nhiệm của quan địa phương, tạo ra cơ chế bảo vệ hiệu quả cho những đối tượng này, thể hiện nét nhân văn trong pháp luật.

3.2.4. Giá trị kế thừa từ những quy định bảo vệ quyền lợi của những đối tượng yếu thế khác trong Bộ luật Hồng Đức

Bên cạnh những nhóm đối tượng là phụ nữ, người già, trẻ em, người phạm tội, các nhà làm luật thời Lê sơ còn quan tâm đến những đối tượng khác như người dân tộc thiểu số, người thuộc tầng lớp nô tỳ, người góa vợ, góa chồng, người tàn tật, tâm thần. Đối với người dân tộc thiểu số, nhà làm luật cấm các hành động phạm pháp với họ, tôn trọng các luật tục của họ. Xử nặng những trường hợp xâm hại đến quyền lợi của họ hay các hành vi kỳ thị, ngăn cản họ thực hiện các quyền như những người dân bình thường khác. Điều đó thể hiện cách xử lý khéo léo dung hòa giữa pháp luật với luật tục địa phương. Qua đó củng cố mối quan hệ giữa nhà nước với các dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường sức mạnh hòa hợp bên trong, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong nước, từ đó góp phần xây dựng truyền thống đoàn kết dân tộc của người Việt Nam.

Pháp luật cũng có những quy định quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho các nô tỳ, những người làm thuê, ở đợ…họ là những người vốn có địa vị thấp kém, phụ thuộc

trong xã hội, đôi khi còn bị coi là một thứ tài sản của chủ. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của nô tỳ với chủ, nhà làm luật cũng quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của họ, tránh việc chủ tùy tiện xâm hại họ như tự ý thích chữ vào mặt, đánh đập hoặc giết hại họ … Đó là điểm tiến bộ đặc biệt của Bộ luật Hồng Đức mà pháp luật của nhiều quốc gia khác cùng thời kỳ chưa có.

Đối với những người góa vợ, góa chồng là những người bị thiệt thòi, tổn thương về tình cảm; những người cô độc, nghèo khổ không nơi nương tựa, không có khả năng tự kiếm sống, người bệnh tật không ai nuôi nấng phải sống lang thang cơ nhỡ pháp luật cũng gắn quyền lợi của họ với trách nhiệm cụ thể của quan lại địa phương là phải nuôi dưỡng, chăm sóc, chạy chữa và chôn cất tử tế cho những đối tượng này. Đấy là những điều luật độc đáo xuất phát từ thực tế xã hội Việt Nam, là những nội dung tiến bộ và giá trị đặc sắc của bộ luật, là sự vận dụng Nho giáo trên tinh thần dân tộc và sáng tạo[19].

Như vậy, Bộ luật Hồng Đức hàm chứa rất nhiều những giá trị nhân đạo, tiến bộ, đặc sắc, mới mẻ. Nó không phải là sự sao chép đơn thuần, vận dụng những quy định pháp luật của các Bộ luật phong kiến Trung Hoa. Đặc biệt là các quy định về nhóm xã hội yếu thế là những quy định hết sức độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu, vận dụng cho pháp luật hiện đại. Các quy định tiến bộ, nhân đạo đó có ý nghĩa tham khảo quý báu đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay và cũng là cái để mỗi chúng ta cảm thấy tự hào về truyền thống văn hóa, pháp lý của dân tộc.

3.3. Thực tiễn xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội yếu thế ở Việt Nam hiện nay.

3.3.1. Thực tiễn xây dựng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế ở Việt Nam hiện nay

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế nói riêng nhà nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Số lượng văn bản được ban hành trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người và quyền của nhóm xã hội yếu thế ngày càng nhiều với chất lượng và kỹ thuật lập pháp ngày càng cao. Pháp luật đã thừa nhận và xây dựng nhiều cơ chế bảo đảm những quyền con người cơ bản theo những Công ước mà Việt Nam ký kết được thực

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/10/2023