là từ chỗ có trở lại chỗ không, nên “chỗ không” chính là quê hương của con người. Vì vậy nói chết là “về quê”. Ngoài ra, tác giả dùng từ “về quê” còn có dụng ý riêng, vì người được tế là một Hoa kiều tha hương nên đã “giúp” người ấy được trở về quê cũ.
Với dòng tâm tưởng thứ hai, tác giả hay dùng điển cố Phật giáo ám chỉ cái chết. Tư tưởng Phật giáo là một nguồn quan trọng cho loại điển cố này. Theo Phật giáo, con người sau khi chết, linh hồn theo nghiệp chuyển hoá. Người được tế thường là người tài năng, đức độ, có nhiều thiện nghiệp và công lao nên sau khi chết sẽ được về còi an vui vĩnh hằng: “Miền Cực Lạc xe mây vùn vụt, duyên hảo cầu sao bỗng dở dang.” (Văn tế vua Quang Trung [21; 41]) Lê Ngọc Hân dù đau đớn tột độ khi Nguyễn Huệ thăng hà cũng ước linh hồn chồng về miền Cực Lạc.
Với dòng tâm tưởng thứ ba, tác giả hay dùng điển cố mang tư tưởng Nho giáo và quan niệm dân gian ám chỉ cái chết. Theo Nho giáo, con người lúc sống thì có khí, có hồn, có phách. Hồn, phách, khí cùng tụ lại gọi là sinh. Chết rồi hài cốt chôn xuống đất, còn cái khí tinh anh (tâm, linh hồn) thoát lên trên khoảng không và không bao giờ mất đi. Cái khí tinh anh đó chính là một dạng quỷ thần. Vì thế, văn tế nói về cái chết của Hầu Tạo: “Mấy phen tự lực xưng hùng, đứng trong thiên hạ; Một phút vì thân xả mệnh, bạn với quỷ thần.” (Văn tế Hầu Tạo [21; 56]) Trong văn tế, cái chết theo Nho giáo cũng thảnh thơi, siêu thoát như Đạo giáo, Phật giáo. Linh hồn người chết luôn hiện diện khắp nơi, quán sát hành vi của người còn sống, quanh quẩn cùng con cháu. Đặc biệt, trong văn tế, linh hồn rất sáng suốt, linh thiêng, hộ trì người thiện, trừng phạt kẻ ác như cách nói trong Văn tế các tướng sĩ đánh Pháp tử trận: “Xông lên sao Đẩu, hiện thành con dao. Nhập vào cơn gió, hóa thành quả pháo. Hồn thiêng còn luẩn quất ở đỉnh Trà Sơn, ở vùng Cần Hải, đợi uy linh của mệnh vua mà làm tắt cái cuồng bạo của quân giặc Tây kia.” ([4; 111b] NĐT)
Nhìn chung, cái chết trong văn tế theo tư tưởng Nho, Đạo, Phật và quan niệm dân gian có điểm chung là siêu thoát. Trong văn tế, các tư tưởng này thường đan xen phức tạp, không thuần nhất. Chúng không phải là tư tưởng chủ đạo của tác giả mà chỉ được dùng làm phương tiện bày tỏ ước mơ về một tương lai tốt đẹp cho người chết. Tuy vậy, văn tế cũng có khi dùng điển cố nói lên sự thật khổ đau về cái chết như “u minh”, “bà Hớn”, “ngàn năm trường dạ”, “ngọc nát châu chìm”… làm dậy lên niềm cảm thương và
nỗi sầu li biệt nơi người còn sống. Và dù có tin chắc vào cái chết theo Tam giáo thì nỗi niềm này vẫn tràn ngập trong tim. Một trong những tình cảnh thảm thương nhất là vợ chồng li biệt: “Cầu Chức nữ thoắt trao phong vĩnh quyết, doành khuya giục giã thỏ đưa xuôi.” (Nam hải tế văn [21; 70]) Dùng điển cố “cầu Chức nữ” nói lên cảnh tình chia cách. Câu chuyện truyền thuyết vốn đã thảm sầu, người thật việc thật càng thêm muôn phần sầu thảm. Vì dù sao, ả Chức chàng Ngưu mỗi năm còn được gặp nhau một lần trên cầu ô thước, còn tình vợ với chồng mới đó mà đã xa lìa muôn thuở.
6/ Điển cố nói về tâm trạng
Trong văn tế, tâm trạng của người đứng tế thường diễn biến rất phức tạp. Dù trong tâm tưởng của họ, người chết đã về một thế giới yên vui vĩnh hằng, nhưng thực tế trước mắt vẫn khiến họ bàng hoàng. Người đứng tế mang một chuỗi tâm trạng khác nhau. Đầu tiên là nỗi đau vì mất đi người thân yêu; kế đến là nỗi nhớ khôn nguôi, muốn gặp lại nhưng không thể nào gặp được; cuối cùng là nuối tiếc những tháng ngày kề cận đã qua không bao giờ có nữa. Những tâm trạng này cứ nối tiếp và đan xen trong suốt bài văn tế.
Tâm trạng của người đứng tế có khi được thể hiện trực tiếp qua lời văn, nhưng phần nhiều gián tiếp qua điển cố. Hai tâm trạng đầu dễ dàng nhận ra, tả nỗi buồn đau có “đoạn trường”, “châu lệ”; tả nỗi nhớ có “canh tường”, “bạch vân”. Tâm trạng thứ ba ngoài cách tường thuật việc làm, đức tính của người được tế cũng như tình cảm, mối quan hệ của người được tế với người đứng tế và mọi người, văn tế còn dùng điển cố để tả nỗi lòng nuối tiếc. Những điển cố này hơi khó nhận diện. Người đứng tế luôn có cảm giác thời gian được ở bên cạnh người thân quá ngắn ngủi. Muốn ở bên cạnh lâu hơn nhưng mới đó mà âm dương cách biệt. Thời gian ngắn ngủi như “bóng câu qua cửa sổ”, sự đời nhanh chóng như “giọt hẹ sương rơi”. Vì thế, sự nuối tiếc thường thể hiện gián tiếp qua cảm giác thời gian vụt thoáng và sự đời biến ảo vô thường. Có tác giả dùng liên tiếp nhiều điển cố biểu thị thời gian như thế trong một liên: “Bóng bạch câu bay vụt cửa phù sinh; Hình thương cẩu đúc mòn khuôn đại khối.” (Nam hải tế văn [21; 69]) Một liên ngắn ngủi dùng ba điển cố chỉ thời gian vụt thoáng cho thấy sự việc diễn ra nhanh chóng, dồn dập, con người bất lực, không kịp trở tay. Cảnh bể dâu đã khiến cho cả thế gian chao đảo (“đại khối” chỉ thế gian). Câu trên ngoài thể hiện tâm trạng nuối tiếc còn nói lên cái nhỏ bé, yếu ớt của con người trước luật vô thường của vũ trụ.
Có thể bạn quan tâm!
- Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 20
- Dùng Từ Ngữ Và Cú Thức Kiểu Mẫu
- Điển Cố Và Cách Vận Dụng Điển Cố
- Mượn Lời Hoặc Ý Trong Ca Dao Ví Tính Cách Nào Đó Của Con Người
- Cách Miêu Tả Tâm Trạng Qua Thời Gian Và Không Gian Của Văn Tế Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam
- Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 26
Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.
Điển cố là yếu tố không thể thiếu trong sáng tác văn chương thời xưa. Hệ thống điển cố trong văn tế nhìn chung đã thực hiện tốt vai trò của nó. Dù là văn tế Hán hay Nôm, hệ thống điển cố đều góp phần rất lớn vào việc thể hiện nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của từng tác phẩm. Tuy nhiên, không tránh khỏi trường hợp một số tác giả văn tế sính dùng điển cố dẫn đến rối rắm, khó hiểu, không phù hợp với tính chất trang nghiêm của thể loại này. Thực tế những bài văn tế kinh điển lại không dùng nhiều điển cố. Như Văn chiêu hồn ngoài một số thuật ngữ Phật giáo cần thiết, không thấy dùng điển tích cầu kỳ, phức tạp. Từ ngữ cũng như ý nghĩa chủ yếu lấy từ tập tục và hiện thực trong dân gian [47; 125]. Điều này tạo nên nét sinh động cho tác phẩm, tránh được lối mòn công thức, đồng thời đưa tác phẩm gần gũi với mọi người, đem đến hiệu quả tiếp nhận và sức lan toả cao.
3.2.2.2. Vận dụng điển cố một cách linh hoạt
Vận dụng điển cố là dựa theo lời xưa tích cũ nhưng không phải nhất loạt đều theo lối mòn khuôn sáo. Bên cạnh những điển cố dùng theo khuôn mẫu của người xưa, điển cố trong văn tế có nhiều trường hợp dùng một cách linh hoạt, sáng tạo. Tác giả văn tế có một số cách vận dụng linh hoạt điển cố như sau: dựa vào điển cố sáng tạo từ mới có ý nghĩa liên quan; vừa dụng điển vừa lý giải; dịch điển cố một cách ngắn gọn và gợi hình; thể hiện sự tan vỡ bằng cách chia cắt điển cố; phỏng dịch nội dung điển cố thành những kết cấu có hình thức và nội dung giống thành ngữ; biến điển cố nghiêm túc thành cách nói trào phúng.
1/ Dựa vào điển cố sáng tạo từ mới có ý nghĩa liên quan
Trung Quốc có điển “bán tử”, nghĩa là một nửa là con một nửa là khách, dùng để ví von chàng rể. Từ điển cố này, Nguyễn Chuân sáng tạo ra “bán hiếu”, nghĩa đen là nửa chữ hiếu. Bài Văn tế cha vợ của ông có câu: “Bến hà châu rễ mới gặp doi, sùi sụt đã đau lòng bán hiếu.” [32; 113] Chàng rễ ở địa vị “bán tử”, cho nên bổn phận báo hiếu cho cha mẹ vợ chỉ bằng một nửa so với con ruột. Tuy là nói vậy nhưng qua nội dung bài văn tế, ta thấy chàng rễ thể hiện tình cảm rất chân thành, sâu sắc, thật sự đúng theo câu “bán tử do nhi” (con rể cũng như con ruột). “Bán hiếu” không phải hiểu nghĩa đen mà được dùng thay “bán tử”.
2/ Vừa dùng điển cố vừa lý giải
Mục đích vận dụng điển cố là làm cho câu văn trở nên ngắn gọn súc tích, không cần diễn đạt dài dòng, nhưng có khi tác giả văn tế vừa dùng điển vừa đưa thêm lời giải thích của mình: “Tang dữ dị ninh thích, có dám đâu bày đặt ma chay; Tử đắc táng vi vinh, cũng tuỳ họ theo đòi lễ tiết.” (Văn tế anh [95; 557]) Hai câu có vế đầu mượn điển cố từ Luận ngữ (Trung Quốc) và Thọ Mai gia lễ (Việt Nam). Vế sau là lời lý giải, không chỉ giải thích ý nghĩa điển cố mà còn là lời tự bạch. Bản thân luôn giữ dạ trai thành, không muốn đặt bày phô trương, xa xỉ, nhưng vì muốn làm trọn nghĩa cử cuối cùng với người đã chết nên đành phải thực hiện những lễ tiết này. Tác giả khéo tự bạch cho mọi người hiểu rò, những lễ tiết mình thực hiện không phải tuỳ tiện mà đều theo điển tắc của người xưa.
3/ Dịch điển cố một cách ngắn gọn, gợi hình
Ngoài sử dụng điển cố bằng chữ Hán, văn tế còn dùng điển cố theo kiểu dịch nghĩa. Có nhiều cách dịch: dịch hoàn toàn (bác gió thầy mưa, từ điển cố “phong bá vũ sư”), dịch nửa Hán nửa Việt (cửa viên, từ điển cố “viên môn”: cửa quan nha, chủ tướng; dạ tử tuy: lòng tận trung đến chết không rời cương ngựa), chuyển cấu trúc chữ Hán thành cấu trúc tiếng Việt (sàng linh, từ điển cố “linh sàng”: giường đặt thi thể người chết)…
Tác giả văn tế còn có cách chuyển dịch điển cố bằng một ngôn ngữ tiếng Việt rất ngắn gọn, gợi hình nhưng cụ thể và dễ hiểu. Để chỉ một người nào đó được người bề trên đối xử độ lượng, thương yêu, che chở, người Trung Quốc dùng điển cố “cát luỹ” (hoặc “cát đằng”), nghĩa là dây bìm dây sắn, là những loại dây leo phải bám vào thân cây khác để tồn tại. Xuất xứ từ Thi kinh: “Ngọn Nam Sơn có cây cù mộc (cây si, loại cây cao to, gốc cong queo, cành lá rũ xuống), dây sắn dây bìm leo quanh nó.” Văn tế Lê Ngọc Hân dùng điển cố này theo kiểu dịch nghĩa: “Bóng cù mộc xênh xang tán đẹp, phận dựa leo đều vui chốn nương nhờ.” [21; 45] Văn học Việt Nam hay dùng kiểu dịch sát nghĩa danh từ điển cố này là “sắn bìm”, nhưng Phan Huy Ích lại dịch nghĩa theo kiểu động từ là “dựa leo” càng làm nổi bật tính hình tượng của các đối tượng được nói đến. Cách nói này thể hiện rò lòng ngưỡng mộ, biết ơn của người vợ dành cho chồng, đồng thời qua đó gián tiếp tô đậm hình ảnh uy nghi, mạnh mẽ của Hoàng đế Quang Trung.
Những trường hợp chuyển dịch điển cố nói trên cho thấy tác giả văn tế Nôm đã cố gắng Việt hoá tối đa có thể được nhằm giúp điển cố trở nên gần gũi hơn với người đọc.
4/ Thể hiện sự biệt ly bằng cách chia cắt điển cố
Lê Ngọc Hân là một tác giả nữ có cách vận dụng điển cố thể hiện tình cảnh và tâm trạng của mình rất hay: “Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt; Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương.” (Văn tế vua Quang Trung [21; 41]) Trong văn chương nói chung, điển cố “cầm sắt” (hay “sắt cầm”) dùng chỉ cảnh vợ chồng êm ấm, hoà thuận. Hai chữ này luôn đi liền nhau, cho dù có lúc dùng chỉ cuộc tình tan vỡ, như Lục Vân Tiên có câu “Công rằng: Ta cũng thương thầm, Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang.” (câu 1219-1220) Trong bài văn tế, tác giả đã làm triệt tiêu kết cấu vốn cố định của điển cố bằng cách chen vào hai động từ. Xét về mặt ý nghĩa, hai động từ này đều chỉ sự chia li, tan vỡ, nói lên tình cảnh trái ngang hiện tại. Về mặt thủ pháp, một yếu tố bên ngoài chen vào giữa kết cấu vốn cố định của điển cố như một lát cắt oan nghiệt gây cảnh vợ chồng chia cách. Thủ pháp này thể hiện một cách xuất sắc tình cảnh và tâm trạng của người vợ trẻ.
5/ Phỏng dịch nội dung điển cố thành những kết cấu có hình thức ngắn gọn và nội dung súc tích giống thành ngữ
Nguyễn Trọng Trì là một trong số tác giả dùng điển cố trào phúng xuất sắc nhất. Văn bà xã tế ông xã của ông có câu: “Ba tấc lưỡi còn khua, giáo giác đầu ruồi sự nghiệp; Một phút hơi vắng thở, bơ vơ sừng ếch công danh.” [32; 55] Hai điển cố trên xuất phát từ Trang Tử: “Có nước ở đầu gạc bên trái con ốc, gọi là nước Xúc Thị; Có nước ở đầu gạc bên phải con ốc, gọi là nước Man Thị.” Người xưa hay dùng chỉ thế giới tưởng tượng, sự việc hư huyễn. Trong bài văn tế này, tác giả phỏng dịch câu trên thành “đầu ruồi sự nghiệp” và “sừng ếch công danh”, chỉ sự nghiệp, công danh của quan tham nhỏ bé như đầu ruồi, hão huyền như chuyện ếch mọc sừng. Tác giả rất tài tình khi phỏng dịch thành hai kết cấu ngắn gọn, hàm súc, đương đối rất chuẩn, không thua gì các câu thành ngữ.
Tác giả còn phỏng dịch và chuyển dụng thành ngữ chữ Hán theo kiểu chơi chữ. Cũng trong Văn bà xã tế ông xã: “Ngỡ ngàng năm sống tỉ Lão Bành, tóc già răng trẻ vui hưởng chốn đài xuân, ngò đặng vợ mở mày, con mở mặt.” [32; 56] Cụm từ “tóc già răng trẻ” được diễn Nôm từ thành ngữ “phản lão hoàn đồng” (hoặc “cải lão hoàn đồng”, nghĩa là làm cho người già trẻ lại). Cụm từ này có ý nghĩa hết sức sâu xa trong bài văn tế, “răng trẻ” không chỉ đơn thuần dùng đối ngược với “tóc già” mà còn hàm ý châm biếm kẻ tham ăn và tham lam.
6/ Biến điển cố nghiêm túc thành cách nói trào phúng
Văn tế trào phúng có cách dùng điển cố đặc biệt. Các tác giả có biệt tài biến điển cố vốn nghiêm túc thành những lời chế giễu, gây cười, phê phán. Nhiều điển cố khi đặt trong một bài văn tế bình thường sẽ phát huy cao độ tính nghiêm túc, nhưng đặt trong một bài văn tế trào phúng lại thể hiện rò ý nghĩa cười cợt. Nói về việc hút thuốc phiện và người nghiện hút, Văn tế nha phiến có câu: “Màn bát tiên vây phủ bốn bề, cao ráo rũ xiêmvàng thong thả.”, “Khêu ngọn đèn ngọc thố kim ô, đêm lầu Tần ngày cung Hán, cuộc phong lưu xưa dễ hơn nay.” [32; 69] Hình ảnh “rũ xiêm thong thả” nhắc đến cảnh vua Nghiêu vua Thuấn rũ áo thong dong mà thiên hạ bình trị, tức là ca ngợi tài đức tột vời của người trị nước. Hình ảnh “ngọc thố kim ô” trỏ mặt trời mặt trăng và sự sáng sủa. Ở đây, tác giả Nguyễn Xuân Kiều (1857-1893) dùng hai điển cố này diễn tả tư thế khách hút và nơi hút thuốc phiện. Khách hút thì “thong dong” hưởng thụ, quẳng hết sự đời, quay cuồng say tít; nơi hút thì đóng kín để che đậy tầm nhìn và tránh gió, vì khi say thuốc gặp gió rất nguy hiểm. Trong phòng chỉ có ngọn đèn dầu phụng thắp ở bàn đèn vừa dùng để mồi thuốc vừa làm ánh sáng cho cả ngày lẫn đêm. Điển cố ở đây được dùng rất đắt, càng làm tăng ý nghĩa trào phúng, bài văn tế nhờ đó cũng càng thêm thú vị.
3.2.2.3. Dụng điển từ lịch sử và văn học cổ điển Việt Nam
Lịch sử và văn học Việt Nam (những tác phẩm ra đời trước) cũng là một nguồn điển cố của văn học Việt Nam nói chung (những tác phẩm ra đời sau). Tuy không phong phú bằng điển cố Trung Quốc, nhưng điển cố Việt Nam cũng được vận dụng rất sinh động. Nguồn điển cố Việt Nam gồm sách sử và văn học cổ điển.
Điển cố Việt Nam trong văn học Việt Nam chủ yếu được thể hiện bằng hai cách: Thể hiện qua từ ngữ như “Thái phó” (chỉ Trương Hán Siêu), “Phương Đình bút” (nét bút của Nguyễn Văn Siêu)…; Thể hiện qua câu chuyện như “Kim ngưu” (chuyện về con trâu vàng vùng vẫy tạo thành Hồ Tây), “Đoạt sáo” (nhắc trận thắng ở bến Chương Dương)...
Về niên đại điển cố, văn tế có thể mượn những hiện tượng rất sớm trong lịch sử, văn học Việt Nam như những nhân vật vào đời các vua Hùng, đời Trần cho đến những hiện tượng muộn hơn như những sự việc xuất hiện vào đời Nguyễn. Về cách khai thác điển cố, văn tế có thể mượn tên người (nhân vật lịch sử, nhân vật huyền thoại), tên đất, sự
vật, sự việc, từ ngữ, câu văn câu thơ trong tác phẩm văn học… để ví von, so sánh hoặc nói lên ý muốn, suy nghĩ có liên quan.
Điển cố Việt Nam trong văn tế có những cách thể hiện chủ yếu sau: 1/ Mượn người xưa khen ngợi hoặc phê phán người nay
Ảnh hưởng từ quan niệm “sùng cổ” của Trung Quốc, người Việt Nam cũng tôn sùng cổ nhân. Bất cứ lời nói, hành động tốt đẹp nào của người xưa đều được học hỏi, bắt chước. Nhân vật thời xưa có đặc điểm tốt về địa vị, nhan sắc, tài năng… được dùng ví nhân vật tương ứng trong văn tế. Văn tế vợ là công chúa đời Trịnh có câu: “Lòng Mỵnương còn quẩn quất buổi mông trần, vâng bấy giờ thương giọt máu cô trung, mối chỉ ngập ngừng trao trước giá.” [140; 148] “Mỵ nương” là danh xưng gọi con gái của các vua Hùng. Tác giả dùng danh xưng này gọi vợ vì vợ ông là con gái thứ nhất của chúa Trịnh, đồng thời cũng có ý khen ngợi vợ là người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh như những nàng Công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa thời xưa.
Văn tế cũng mượn người xưa để phê phán người nay. Nhân vật thời xưa có đặc điểm tốt nhưng trong một ngữ cảnh nhất định được tác giả dùng để chỉ sự đối nghịch với thời đại ngày nay. Văn tế sống thầy đồ hủ: “Cụ mà ngâm thơ đọc phú, cụ mong ông Chèmông Gióng chi phục sinh.” [79, T21; 1001] “Ông Chèm” là Lý Ông Trọng, tức đức Thánh Chèm, “ông Gióng” là Phù Đổng Thiên vương, tức đức Thánh Gióng, là hai tướng tài trong huyền thoại xưa của Việt Nam. Sử sách đời sau hay nhắc đến hai ông như những tấm gương về tài năng và tinh thần yêu nước. Nhưng nay nếu các cụ đồ hủ cứ cố chấp thói cũ thì chẳng khác nào đọc sách lại muốn những người được nhắc đến trong sách sống lại, vừa chẳng hợp thời lại không thực tế.
2/ Mượn tấm gương người xưa bày tỏ nguyện vọng
Cũng với quan niệm sùng cổ, người ta thường lấy nhân vật thời xưa có đức độ, tài năng, việc làm đáng ngưỡng mộ làm tấm gương, làm bài học cho bản thân và người đời sau học hỏi. Văn tế Lê Quý Đôn: “Nghĩ lại cái vui lúc theo học, cảm cái ơn giáo dục khi xưa, càng rất tủi không làm được vẻ vang cho thầy như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh đối với cụ Chu Tiều Ẩn…” [79, T10A; 414] Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh là học trò của cụ Tiều Ẩn Chu Văn An. Sau khi thầy mất, hai ông đã thu thập các sách của thầy còn để lại để lưu truyền hậu thế. Tác giả bài văn tế rất ngưỡng mộ tấm lòng và việc làm của người
xưa, ước muốn mình cũng có thể làm được như thế mong đền đáp một phần công ơn dạy dỗ của thầy.
3/ Mượn tên đất nói về nơi phát tích dòng họ
Quê hương hoặc vùng đất liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của một người được dùng để chỉ chính người ấy hoặc hậu duệ của người ấy. Văn tế vua Quang Trung: “Điềm sớm ứng chung tư lân chỉ, phái Lam thêm diễn thiên hoàng.” [21; 41] “Phái Lam” là nhánh sông Lam. Sông Lam và Lam Sơn là những địa danh ở quê hương Lê Lợi, là căn cứ cuộc khởi nghĩa của họ Lê, cũng chính là cội nguồn của dòng dòi nhà Lê. Tác giả dùng điển này ý nói Lê Ngọc Hân sinh được hai người con, kéo dài thêm dòng dòi nhà Lê, nhờ thế mà dòng dòi của mình chưa dứt. Cách nói này cũng là một lời ca ngợi khéo léo, thể hiện lòng biết ơn của bà dành cho đức tính cao thượng của Nguyễn Huệ.
4/ Mượn đặc tính của sự vật ca ngợi con người
Sự vật có vai trò thể hiện một tính chất nào đó của con người cũng được dùng chỉ con người có tính chất ấy. Văn viếng Lã Xuân Oai: “Trẻ chiếm xuân bảng; Già trấn cô thành.” [79, T19; 661] Đầu đời Nguyễn, thi Hội, thi Đình được tổ chức vào mùa xuân. Người đương thời và thời sau dùng từ “xuân bảng” chỉ người thi đỗ. Câu trên ý nói việc Lã Xuân Oai đỗ Phó bảng năm 1865.
Có thể thấy, nguồn, hệ thống và cách vận dụng điển cố trong văn tế rất phong phú, đa dạng. Đương nhiên chiếm một tỉ lệ quan trọng là điển cố liên quan đến cái chết. Bên cạnh một số bài dùng điển cầu kỳ, khuôn sáo, thậm chí rối rắm, có nhiều bài dùng điển thông dụng nhưng nhờ đặt đúng chỗ vẫn tạo nên không khí cao sang, nghiêm chỉnh, bộc lộ được tình cảm sâu lắng, nhẹ nhàng.
3.2.3. Cách vay mượn văn liệu và quan niệm dân gian Việt Nam
3.2.3.1. Mượn từ ngữ Truyện Kiều - tập Kiều và lẩy Kiều
Trước nay trong đời sống văn học, người ta vẫn thường tập Kiều và lẩy Kiều. Tập Kiều là chắp nối nhiều câu ở nhiều vị trí khác nhau trong nguyên văn thành một tác phẩm mới, có vần (thơ, phú, câu đối), diễn tả theo ý mình. Lẩy Kiều là thay đổi một vài chữ trong một câu nhằm diễn đạt lại một đề tài có liên quan.
Văn tế cũng có một số tác phẩm tập Kiều và lẩy Kiều. Cũng dễ hiểu, vì Truyện Kiều là tập đại thành của văn học Việt Nam. Bao nhiêu cảnh ngộ ngoài đời đã được