Đó còn là không gian của nỗi tiếc thương pha lẫn tâm hờn ý oán: “Khoảng Thanh Trì mây đen bao phủ, đất thực vô tình;
Trên hoa biểu hạc trắng chập chờn, trời bao nguôi hận.”
(Văn tế Vũ Thạnh [18; 432])
Tác giả là một người học trò bày tỏ tâm trạng đau đớn trước cái chết của thầy. Khoảng Thanh Trì là không gian quen thuộc trở nên u ám vì bậc minh triết đã mãi ra đi, cột hoa biểu vừa là không gian u huyễn của Đạo giáo vừa là không gian thực tại gắn liền với cái chết. Dù không gian nào cũng bao trùm nỗi hận trời trách đất. Trời đất nỡ vô tình khiến lòng người oán hận. Tất cả đều xuất phát từ lòng thương tiếc khôn nguôi.
Thế nhưng, quy luật cuộc đời về cái chết không cho phép con người đạt thành ý nguyện. Vì vậy, trong văn tế, rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng chuyển biến từ không gian đớn đau, tiếc nuối đến không gian giận dữ. Đó là không gian tâm trạng của Trần Danh Lâm (1705-?) trước cái chết của bạn người đồng liêu Phạm Đình Trọng:
“Hoành Sơn mây ám; Đông Hải gió gào.”
(Văn tế Phạm Đình Trọng [150; 55])
“Mây ám”, “gió gào” không chỉ là hiện tượng thiên nhiên đáng sợ mà còn là tâm trạng “nổi dậy” của con người mất mát. Mức độ dữ dội của tâm trạng càng được nâng cao khi chủ thể của nó là “Hoàng Sơn”, “Đông Hải”. Chiếm trọn không gian lúc này là những sự vật to lớn với sức công phá mãnh liệt càng đẩy mạnh cảm xúc của con người dâng trào đến mức tột đỉnh.
Có khi không gian được miêu tả trong văn tế cũng là không gian của thực tại. Không gian thực tại bên ngoài tuy không phải là không gian tâm trạng nhưng là chất liệu để từ đó tác giả bày giãi nỗi lòng, tức là từ không gian hoàn toàn thực tại nói lên không gian tâm trạng. Về nghệ thuật miêu tả không gian tâm trạng, có hai hướng là “thuận tả” và “nghịch tả”:
Có thể bạn quan tâm!
- Dụng Điển Từ Lịch Sử Và Văn Học Cổ Điển Việt Nam
- Mượn Lời Hoặc Ý Trong Ca Dao Ví Tính Cách Nào Đó Của Con Người
- Cách Miêu Tả Tâm Trạng Qua Thời Gian Và Không Gian Của Văn Tế Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam
- Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 27
- Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 28
- Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 29
Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.
1/ Ví khung cảnh điêu tàn, đìu hiu với không gian tâm trạng bơ vơ, mất mát:
“Bia đá của Tiên sinh dựng, nhớ Tiên sinh muốn tìm dấu cũ thì nét chữ mờ mịt, rêu chen mặt đá đã thành ra một chiếc tàn bia;
Cây đa của Tiên sinh trồng, nhớ Tiên sinh muốn ngắm cảnh xưa thì cành lá lơ thơ, tuyết rủ đầu cây đã hóa thành một chòm cổ thụ.”
(Văn tế Nguyễn Bỉnh Khiêm [1; 42a])
2/ Kể cả khi đứng trước cảnh vui vẻ náo nhiệt thì tâm trạng vẫn buồn đau:
“Chợ nọ phiên kỳ vẫn họp, khách buôn huyên náo, bùi ngùi Tiên sinh âm hưởng vắng không;
Chùa kia cơ chỉ vẫn còn, tòa Phật trang nghiêm, những tưởng Tiên sinh dung nghi còn đó.”
(Văn tế Nguyễn Bỉnh Khiêm [1; 43a])
Các thủ pháp miêu tả đều có vai trò làm nổi bật nỗi lòng tiếc thương của tác giả dành cho người đã khuất.
Thời gian và không gian miêu tả tâm trạng không chỉ được vận dụng riêng rẽ trong văn tế, lắm lúc chúng được kết hợp, cùng hô ứng với nhau để miêu tả cảm xúc của tác giả. Vũ trụ không thể thiếu không gian hay thời gian, tâm trạng con người cũng là một “tiểu vũ trụ”, hơn nữa, con người và sự việc không thể tồn tại hay diễn ra ngoài thời gian và không gian, vậy nên hai yếu tố này được vận dụng nhuần nhuyễn cùng nhau càng đẩy mạnh cao trào cảm xúc.
Tình cảm của người chồng dành cho người vợ thương yêu đã mất vừa tha thiết, đậm sâu vừa thảm sấu, tuyệt vọng:
“Tơ giai lão vừa sáu thu mà đứt, ước cũ doành khơi đỉnh thẳm, nỡ nào nên để trâm nửa chiếc, để chăn nửa bức, để đệm nửa vuông;
Trải bách niên hầu ba giáp đã dò, giá xưa gác tía lầu son, cũng chẳng qua như nguyệt một tấm, như hoa một cành, như tuyết một khoảnh, như mây một đoá.
(Văn tế vợ là công chúa đời Trịnh [140; 152, 153)
Kết duyên vợ chồng vỏn vẹn sáu năm, ước cũ thề xưa vẫn còn ghi khắc, người vợ ra đi khi tuổi đời chỉ mới ba mươi, để người chồng ở lại cô độc, lạnh lùng với nệm chiếc chăn đơn gối lẻ. Sự việc diễn ra ở thời gian hiện tại với không gian thực tại, cho thấy cảnh ngộ thảm thương của người chồng chung thuỷ khi đã mãi mãi mất người tình chung. Thủ pháp tả thực kết hợp thời gian hiện tại với không gian thực tại đã khắc hoạ rò nét cảnh ngộ đáng thương ấy trước mắt người đọc.
Chúng ta cũng được thấy tình cảm sâu sắc của kẻ làm con khi khóc thương người mẹ kính yêu vừa mới từ trần qua bài văn tế mẹ của danh sĩ Bùi Viện:
“Sao lúc trước tới nhà huyên, đã lũ trẻ gieo mình dưới gối, lại bầy em trông mặt trao tay;
Sao lúc giờ tới nhà huyên, ngoài thì trông nấm đất bên đường, trong những sở chiêu hồn thiết vị.
Sao lúc trước tới nhà huyên, tiêu hao vẫn gạn gùng nguồn ngọn, hỏi nỗi tha hương lữ khách, sự duyên tường tận kẽ tóc chân tơ;
Sao lúc giờ tới nhà huyên, chiêm bao như liệu tưởng đi về, căm lòng tử biệt sinh ly, phong cảnh luống trông vời gạt lệ.”
(Văn tế lão mẫu [152; 516])
Sự kết hợp không gian với thời gian gắn liền với sự đan xen giữa thực tại và quá khứ. Bước tới căn phòng mẹ từng ở, nhìn thấy cảnh vật quen thuộc nơi đây khiến bao kỷ niệm ùa về. Nhớ trước kia đàn con lũ cháu xoắn xuýt thăm nom, sao giờ chỉ còn là nấm mồ bài vị. Nhớ trước kia mỗi lần về thăm, được mẹ thương yêu ân cần hỏi han mọi chuyện, mà nay là cảnh tử biệt sinh ly, kẻ dương gian người âm cảnh, chỉ còn biết trông cảnh cũ mà gạt đôi dòng nước mắt. Thật sự tình cảm của người làm con dành cho người mẹ kính yêu đã qua đời không ai có thể sánh bằng Bùi Viện.
Thời gian và không gian trong văn tế không là những thứ vô hình vô tình. Chúng đích thực cũng là những chất liệu nhào nặn nên hình tượng nhân vật và tâm trạng con người trong cảnh chia ly, âm dương cách trở. Những thủ pháp như miêu tả thời gian vụt thoáng, hồi tưởng thời gian và sự việc quá khứ, đan xen thời gian quá khứ với thời gian hiện tại, miêu tả không gian thực của ngôi mộ trơ vơ gắn với dòng người đưa viếng, thuận tả và nghịch tả không gian, đan xen thời gian với không gian… đều góp phần làm nổi bật tình yêu thương, kính trọng và tâm trạng xót xa, tiếc nuối của người còn sống dành cho người đã khuất.
٭٭٭
TIỂU KẾT
Về hình thức nghệ thuật, văn tế trung đại Việt Nam dùng nhiều thể văn khác nhau cốt sao cho việc thể hiện được trọn vẹn nhất, sự đồng cảm được lan toả mạnh mẽ, sâu sắc nhất. Nhìn chung phần lớn thể văn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngoại trừ hai thể thơ lục bát, song thất lục bát và thể loại vè được dùng làm thể văn để viết văn tế với rất ít tác phẩm. Tuy nhiên, trong thực tế, do xu thế vận dụng ngôn ngữ, do sự linh hoạt, uyển chuyển của người cầm bút và do mối quan hệ giữa các cá thể, các thể văn có thể được vận dụng đan xen và có sự chuyển hoá phức tạp.
Văn tế là loại văn chủ yếu dùng để đọc và bày tỏ nên yếu tố ngôn ngữ và giọng điệu rất quan trọng, đặc biệt là trong văn tế Nôm. Tác giả văn tế vận dụng tối đa các nhóm từ ngữ tiếng Việt thuộc nhiều lĩnh vực, đồng thời vận dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, sáng tạo, kết hợp với giọng điệu phong phú và chuyển đổi luôn đã đem đến cho các bài văn tế nét sinh động, hấp dẫn, gây được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc người nghe. Những yếu tố này giúp văn tế phát huy giá trị về nội dung tư tưởng ở mức độ cao nhất.
Điển cố vốn là một hiện tượng thường được vận dụng theo những quy cách nhất định. Tuy nhiên trong văn tế, bên cạnh những cách dùng khuôn mẫu, điển cố có nhiều cách dùng mới mẻ, sinh động, tiêu biểu như dựa vào điển cố sáng tạo từ mới có ý nghĩa liên quan, thể hiện sự tan vỡ bằng cách cắt chia điển cố, biến điển cố nghiêm túc thành cách nói trào phúng… nhằm đạt được hiệu quả diễn đạt trong từng trường hợp cụ thể. Văn tế cũng có dùng điển cố trong lịch sử và văn học cổ điển Việt Nam, nhất là những tác phẩm nói về hoặc liên quan đến người phụ nữ. Điểm đặc biệt về ngôn ngữ của văn tế là hiện tượng tập Kiều và lẩy Kiều.
Những thủ pháp khác về hình thức nghệ thuật như diễn tả tâm trạng qua thời gian và không gian, dùng câu đối lập… đều góp phần tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và giá trị văn học cho thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam.
KẾT LUẬN
1. Văn tế có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, đáp ứng nhu cầu đầu tiên của người xưa là tế trời đất, tế thần linh để cầu phúc. Trong quá trình tồn tại và phát triển ở thời kỳ đầu, văn tế luôn vận động, biến đổi thành nhiều tiểu loại khác nhau tuỳ theo nhu cầu, mục đích của con người, từ nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh đến nhu cầu về tình cảm; từ đối tượng là thần linh đến đối tượng là người chết, sự vật, loài vật; từ mục đích cầu phước đến mục đích bày tỏ tâm trạng, tình cảm… Tất cả đã tạo nên một diện mạo phong phú, đặc sắc cho loại văn này.
Nằm trong dòng chảy giao lưu và tiếp biến văn hoá, trong đó có văn học và thể loại văn học, văn tế trong văn học trung đại Việt Nam bắt nguồn từ văn tế Trung Quốc. Đồng thời cũng nhờ những tiền đề văn học trước đó của Việt Nam mà văn tế của Việt Nam trở thành một thể loại độc đáo, có nhiều đóng góp có giá trị cao cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
Văn tế trong văn học trung đại Việt Nam rất phong phú về dạng thức. Mặc dù kế thừa thành tựu của văn tế Trung Quốc, nhưng văn tế của Việt Nam có những bước sáng tạo, đột phá về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trong đó có giá trị nhất về phương diện văn học là dạng văn tế ai điếu và văn tế trào phúng. Các tác phẩm hiện còn cho thấy thể loại này muộn nhất đã xuất hiện vào đời Trần, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Từ đó về sau, tuỳ vào đặc điểm xã hội từng thời kỳ, văn tế lại có những bước phát triển phù hợp với tình hình thực tại, phản ánh nhiều nội dung tư tưởng sâu sắc bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy văn tế trong văn học trung đại Việt Nam có nhiều điểm đặc biệt so với văn tế của Trung Quốc về nội dung, nghệ thuật, hình thức sáng tác, ý thức sáng tác, mục đích sáng tác…. Vì nhận thấy được những giá trị ấy, chúng tôi lựa chọn văn tế ai điếu và văn tế trào phúng làm đối tượng nghiên cứu chính cho đề tài luận án của mình.
2. Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam rất phong phú về nội dung tư tưởng. Thể loại này được dùng để nói lên tâm sự, tình cảm của người Việt, đồng thời thể
hiện nhiều nội dung tư tưởng với nhiều tầng bậc khác nhau. Ở nhóm văn tế trong phạm vi gia đình, ngoài lòng yêu thương, tiếc nhớ, tác giả văn tế còn ca ngợi tấm gương đức hạnh, ngôn hành của người thân đã khuất, đề cao tấm lòng hiếu thảo, nhớ ơn, lòng tự hào của người đứng tế trước đức tính tốt đẹp của người được tế, lấy đó làm bài học cho mình, cho gia tộc và mọi người nói chung. Ở nhóm văn tế phạm vi xã hội, văn tế cũng đề cao những đức tính tốt đẹp, gương mẫu của người xưa như trung hiếu, ái quốc, vì dân, nhân hậu. Đây là những đức tính con người cần phải có trong cách đối nhân xử thế hàng ngày, không chỉ ở xã hội xưa mà cả hiện nay, nhất là thời hiện đại khi con người dần lãng quên và đánh mất nhiều nét đẹp trong tính cách và văn hoá truyền thống. Văn tế là một trong những thể loại văn học bảo lưu được những nét đẹp truyền thống, trong đó vẫn còn nhiều yếu tố thích hợp, cần thiết và cần được sử dụng làm một trong những phương tiện giáo dục trong thời đại ngày nay.
Những nội dung trên ít nhiều giống với văn tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, văn tế Việt Nam có ba mảng nội dung đặc sắc, nổi trội: yêu nước, nhân đạo và trào phúng. Do đặc điểm nước ta trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh, nhiều tướng sĩ nghĩa dân hi sinh vì nước. Văn tế trong hoàn cảnh này vừa thực hiện chức năng tiếc thương người đã khuất, vừa được vận dụng làm một thứ vũ khí hiệu quả trên mặt trận văn hoá tư tưởng, một phương thức vận động, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước chống giặc trong toàn dân. Qua văn tế, tội ác của giặc không còn chỗ che giấu, khiến cho toàn dân sụt sôi căm hận. Qua văn tế, những cái chết anh dũng trên chiến trường được tái hiện vừa chân thực vừa sinh động, vừa bi thương vừa hùng tráng, khiến cho muôn người ngưỡng mộ, noi gương. Từ đó góp phần từng bước thúc đẩy công cuộc đấu tranh giữ nước đạt đến thành công mỹ mãn.
Sau tinh thần yêu nước thì tinh thần nhân đạo cũng là nội dung đáng chú ý. Trong văn học Việt Nam nói chung, thời nào cũng có nội dung nhân đạo, chính nội dung này đã làm thành chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam. Nhưng có thể nói, chính văn tế mới thể hiện một cách thiết thực nhất tinh thần này, không chỉ thông qua một lễ tế hay một bài văn tế, mà qua những hành động cưu mang, cứu tế khi người được tế còn sống, chôn cất mồ yên mả ấm khi người ấy qua đời. Ngay đối với kẻ thù phương bắc bại trận, dân ta chôn đống xương tàn cho yên mả yên mồ cũng là nghĩa cử nhân đạo cao cả. Những
suy nghĩ, việc làm, tình cảm của người đứng tế đều được tường thuật đầy đủ, rò ràng trong các bài văn tế cho thấy đây là những điều rất quan trọng trong quan niệm của chính tác giả và đối với mọi người trong cuộc sống. Tuy số lượng tác phẩm trực tiếp hàm chứa nội dung này không nhiều nhưng thực sự là một bộ phận đáng quý của văn tế trong văn học trung đại Việt Nam.
Xã hội nào cũng có những phần tử chậm tiến, cổ hủ; cũng tồn tại tệ nạn và con người tha hoá. Văn tế cũng góp tiếng nói phê phán vào đời sống xã hội với nhiều nội dung tương ứng. Hầu như các đối tượng, sự việc đáng phê phán của văn tế trào phúng đều là những hiện tượng có thể bắt gặp ở mọi lúc mọi nơi, nhất là thời đại ngày nay, như lòng người đen bạc; quan niệm bảo thủ; sự xuống cấp của luân lý đạo đức; giai cấp thống trị ỷ thế cậy quyền, đục khoét nhũng nhiễu; cả những hiện tượng của “thời hội nhập” như nha phiến. Qua đó cho thấy, đối tượng phê phán của văn tế không phải chỉ là những chuyện đời xưa. Mục đích phê phán là nhằm giúp người đời nhận ra điều tốt xấu hay dở, không bước vào vết xe đổ của người đi trước, từ bỏ điều xấu điều dở, tiếp thu cái tốt cái hay, giúp nhau cùng trở nên những con người tiến bộ, cùng đưa đất nước dân tộc bước ra khỏi cảnh lạc hậu nghèo nàn, tạo lập cuộc sống sung túc văn minh.
Nội dung của văn tế không nằm ngoài chức năng tế lễ nhưng trong quá trình phát triển, biên độ nội dung của nó không ngừng mở rộng cả trên chiều sâu tư tưởng và chiều sâu tâm lý sáng tác. Theo điều kiện lịch sử, xã hội và tính cách của người Việt, văn tế không chỉ dừng lại ở mức độ tế lễ và cầu khấn mà dần trở nên hoàn thiện với tinh thần vì cộng đồng, vì dân tộc, vì nhân sinh với những tác phẩm mà đối tượng hướng đến là người sống và được dung chứa bằng những tình cảm lớn lao.
3. Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam rất đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Văn tế vận dụng linh hoạt, có sáng tạo hầu như tất cả các lối văn của văn tế Trung Quốc như phú (gồm cổ phú, luật phú, biền phú, văn phú, tao thể), tản văn, vận văn (tiêu biểu là thơ cổ phong tứ ngôn), thậm chí dùng cả thể biểu là thể văn hành chánh chỉ dùng khi bề tôi dâng lên vua, không hề xuất hiện trong văn tế Trung Quốc. Thể biểu với tính chất trang nghiêm, kính cẩn, khi dùng trong văn tế đã lột xác hoàn toàn thành một thể văn chế giễu, cười cợt nhằm mục đích phê phán, đả kích bọn tay sai của Pháp và những cụ đồ cổ hủ. Bên cạnh đó văn tế còn dùng một số thể văn đặc thù của Việt Nam như lục bát,
song thất lục bát, vè. Trong các lối văn trên, phú là lối thông dụng nhất, vì đây là lối văn thể hiện rò tính quý phái, trang trọng, thể hiện được nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc, rất thích hợp cho thể loại này. Văn xuôi cũng là lối văn được sử dụng nhiều vì không bị gò bó về đối đăng niêm luật, có thể thoải mái thuật sự tả tình, thường dành cho đối tượng là người thân và những người có quan hệ thân thiết. Văn tế cũng vận dụng lối pha tạp nhiều thể (tạp thể), tuy số lượng không nhiều nhưng đều có điểm đặc sắc nhất định.
Có thể khẳng định, ngôn ngữ và giọng điệu là hai yếu tố góp phần rất lớn vào sự hình thành một bài văn tế. Từ cảm thán, từ láy, từ ghép được vận dụng tối đa, linh hoạt và khéo léo làm tăng khả năng biểu cảm và phạm vi nội dung diễn đạt. Một số nhóm từ ngữ đặc trưng như từ cổ, từ ngữ nghề nghiệp, từ ngữ địa phương, từ ngữ bình dân, từ tục, từ liên quan đến một lĩnh vực xấu, từ phiên âm tiếng nước ngoài… xuất hiện trong các nhóm văn tế Nôm thích hợp, cùng với cách vận dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, sáng tạo đều góp phần tạo nên vẻ đặc biệt của văn tế Việt Nam và góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ tiếng Việt.
Về phương diện ngôn ngữ, điển cố là yếu tố không thể thiếu của văn tế trong văn học trung đại Việt Nam. Tuy là một thể văn ứng tác, nhưng hệ thống điển cố của văn tế cực kỳ phong phú. Trong đó, nội dung chính của điển cố, tức trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh và nhân vật, được vận dụng trong văn tế là điển cố nói về nhân vật; mối quan hệ giữa các nhân vật; đức tính, tính cách nhân vật; tài năng, công ơn của người được tế; sự việc, cảnh ngộ; tâm trạng. Bên cạnh vận dụng điển cố theo quy cách truyền thống, văn tế còn dùng điển cố một cách linh hoạt, sáng tạo; dùng điển từ lịch sử và văn học cổ điển Việt Nam; tập Kiều và lẩy Kiều. Những thủ pháp này cùng góp phần làm cho phương thức thể hiện của văn tế thêm đa dạng, nhiều sắc thái. Một số thủ pháp khác về ngôn ngữ như dùng câu đối lập; dùng các kiểu điệp; dùng từ ngữ và cú thức kiểu mẫu đều được vận dụng đắc lực, đem đến tính hấp dẫn và tạo ra hiệu quả tiếp nhận cao cho thể loại này.
Song hành cùng ngôn ngữ là giọng điệu. Từ một thể loại gắn với chức năng nghi lễ mang âm điệu buồn thương, xót xa, văn tế còn mang những giọng điệu khác, tiếng nói khác để diễn tả những quan niệm, tư tưởng hay đơn giản hơn chỉ là sự đồng điệu của những người sáng tác. Tuỳ theo đối tượng, sự việc đang đề cập, văn tế mang nhiều giọng điệu khác nhau như trang nghiêm khi tế tự; tự hào khi nói về công ơn cha mẹ, truyền