Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam - 14

nhà văn đang được thưởng thức vậy.

Ông tả về cơm nắm- thức quà ăn buổi sáng “Đối với các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng cau … là những người ưa món quà gì vừa rẻ, vừa ngon, lại vừa no lâu – các cô khó tính, sành ăn và hay xét nét lắm- đã có món quà của cô hàng cơm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng. Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy … Con dao cắt, sáng như nước và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gạt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ vuông cạnh và dài, để bày trên đĩa” (Hà Nội băm sáu phố phường).

Với món bún ốc, Thạch Lam đã tả bằng những dòng thật sự là văn chương, mà cũng thật sự là đời thường: “Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, nước ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và đôi khi làm rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay là con ốc nguyên cả ruột đã đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm. Ấy cô có thú thực với tôi như thế” (Hà Nội băm sáu phố phường). Có thể thấy cô hàng bún ốc đã tài mà tác giả mô tả lại càng tài tình. Nhưng không chỉ ngần ấy, mà tác giả có cả một lòng yêu thành thực yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng nhưng là của một Hà Nội hằng đắm say.

Ngôn ngữ Thach Lam nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình man mác. Có lẽ ta sẽ không tìm thấy những lớp ngôn ngữ mang tính chất xã hội hóa cao như trong sáng tác của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Ta cũng không tìm

thấy những nét đặc trưng của ngôn ngữ nhân vật với khẩu khí và cách diễn đạt riêng như: "mẹ kiếp, nước mẹ gì!", "Biết rồi khổ lắm nói mãi!" (Vũ Trọng Phụng) hay cái biệt tài sử dụng đắc địa các đại từ nhân xưng: nó, hắn, y, thị, gã .. (Nam Cao) cũng như lối nói phóng đại đầy chất hài hước, trào phúng (Nguyễn Công Hoan). Cái đẹp của ngôn ngữ Thạch Lam là cái đẹp của thứ ngôn ngữ "vừa cho ta nhìn vừa cho ta cảm". Tâm hồn đa cảm và tinh tế đến độ "có thể thu nhận được sự thay đổi về độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô rụng va vào đất" đã đem đến cho bạn đọc những trang văn đạt đến sự trong sáng, thuần khiết của Tiếng Việt, có khả năng diễn tả một cách đầy đủ những cung bậc khác nhau của đời sống nội tâm con người. Nếu cho rằng một thế giới cảm giác mong manh, thầm kín, nội tại đã hiện diện rất nhiều trong con người văn xuôiTự lực văn đoàn, thì đến Thạch Lam cái thế giới ấy đã đạt đến độ tinh tế nhất. Ở trong mỗi con người chúng ta, dường như ai cũng có một đời sống nội tâm đầy bí mật, nhưng mấy ai đã diễn tả được nó như thế này: "Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kì dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nặng nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc" (Sợi tóc).

Tác phẩm Thạch Lam càng đọc càng bị lôi cuốn, càng đọc càng say. Ông đã biết chọn cho mình một lối ngôn ngữ rất riêng, rất độc đáo. Ông dùng thủ pháp so sánh để miêu tả tâm hồn nhân vật và miêu tả thiên nhiên: “Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi béo ngậy của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan như thấm nhuần vào xương tuỷ.” (Đói); “Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn

trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi” (Một cơn giận); “Tiếng mưa reo và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần (Tiếng chim kêu), “Tâm hồn Thành trơ trọi như một cánh đồng thấp mà lúa đã gặt rồi” (Cuốn sách bỏ quên); “ ... bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại như có một vết thương chưa khỏi” (Nhà mẹ Lê); “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn trong lò”, “Một đêm mùa hạ êm như nhung”, “Một chiều êm ả như ru …” (Hai đứa trẻ).

Lối miêu tả so sánh đã giúp cho nhà văn cụ thể hoá những cái vốn trừu tượng. Nhờ đó những biến thái tinh vi của lòng người đã biểu hiện một cách tự nhiên, sinh động. Ông đã có một khả năng kì diệu là truyền đến cho người đọc những “rung động khẽ như cánh bướm non” trong cái thế giới mà ta đang sống hàng ngày mà chính ông là người nhận ra trước hơn ai hết, và cũng rung động hơn ai hết.

Một trong những biểu hiện yếu tố trữ tình ở ngôn ngữ Thạch Lam là ngôn ngữ bình luận và trữ tình ngoại đề. Đó là thứ ngôn ngữ được hoà trộn giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Tác giả mượn lời nhân vật để bộc lộ những tâm tư, bộc lộ chính kiến của mình.

“Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày kia cũng thế nữa, tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ mình cô; trong những luỹ tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em” (Cô hàng xén).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

“Ngày nọ nối tiếp ngày kia. Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ thuộc về nàng nữa” (Một đời người)

“Cuộc đời có những cái chế giễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu cái ý nghĩa chua chát và sâu xa” (Cái chân què).

Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam - 14

“Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì”. (Một cơn giận). Đó là tâm sự của nhân vật tôi mà cũng chính là tác giả. Ông tự vẽ mình!

“Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi?” (Người bạn).

Thật khó có thể phân biệt đâu là ngôn ngữ của tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật. Nhà văn đã thật sự đặt mình vào địa vị nhân vật để nói lên suy nghĩ về số phận và cuộc đời những cô hàng xén nghèo khó sớm tối phải tần tảo vất vả vì gia đình; những bi kịch về tình cảm, hôn nhân gia đình hay bi kịch về số phận của con người. Lối diễn đạt, kiểu ngôn ngữ như vậy không chỉ khái quát phản ánh một cách tinh tế sinh động được tâm trạng nhân vật mà đồng thời thể hiện được thái độ cảm xúc nhà văn. Nó có sức khơi gợi dễ làm ta rung động vì trước ta, chính tác giả đã rung động.

Tóm lại, ngôn ngữ văn xuôi Thạch Lam hết sức đặc sắc. Đó là thứ ngôn ngữ của tâm trạng, của cảm giác diễn tả những trạng thái mơ hồ, mong manh thường xảy ra bất chợt trong tâm hồn nhân vật. Trong văn Thach Lam, lời kể, lời tả rất nhẹ nhàng, thủ thỉ và dung dị nhiều khi thiên về bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của chính tác giả. Đặc biệt nhà văn đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ bình luận và trữ tình ngoại đề, tất cả làm nên một nét riêng độc đáo của nhà văn, tạo nên chất thơ, chất trữ tình hấp dẫn.

3.3.2. Giọng điệu.

Giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như trong phong cách nhà văn. Tìm hiểu tác phẩm văn chương mà bỏ quên giọng điệu, tức là tước đi các phần quan trọng tạo nên

bản sắc độc đáo của tác phẩm. Bởi vì giọng điệu không chỉ là vấn đề phong cách mà còn là yếu tố quan trọng, tạo nên tư tưởng tình cảm của tác phẩm. Nhà văn, nhà thơ trước khi bắt tay vào viết phải bắt đầu từ “khúc ca bên trong” như cách nói của Lamartine, phải chọn được một giọng điệu từ “tâm trạng mang màu sắc nhạc tính” như M.Arnaudov quan niệm:

"Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thâm sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm" [21;134].

Dấu ấn chủ quan của nhà văn in đậm qua thế giới nghệ thuật của các tác phẩm. Thực tế cho thấy cùng một hiện thực phản ánh nhưng mỗi nhà văn lại có cách nhìn hiện thực và lý giải hiện thực theo những chiều hướng tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ khác nhau, tạo nên những nét riêng độc đáo về phong cách. Turghênev cũng đánh giá cao sự sáng tạo của nhà văn: “Cái quan trọng trong tài năng văn học mà tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì một tài năng nào là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói riêng của mình. Đúng thế cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là cái giọng điệu riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác” [1;90].

Cuộc sống thanh bạch và tâm hồn đa cảm đã đi vào những trang văn Thạch Lam, tạo cho ông một văn phong và cốt cách riêng biệt. Đọc tác phẩm của ông, người ta thấy cái nhẹ nhàng lặng lẽ từ cuộc sống đã chuyển thành giọng kể nhỏ nhẹ, dịu dàng mà sâu lắng trong văn của ông. Ai đó đã nhận xét Thạch Lam nhẹ nhàng từ cử chỉ, tiếng nói, từ câu nói, bước đi giống như các nhân vật trong truyện. Nguyễn Trường Giang - người con thứ ba của Thạch Lam đã nhận xét như vậy về cha mình: “Ông yêu văn chương cũng thầm lặng và nhẹ nhàng như ông viết” [62;15].

Thạch Lam đã đưa vào trong tác phẩm của mình giọng điệu riêng khó lẫn: giọng thủ thỉ tâm tình và giàu sức gợi.

Người ta nhận ra trong Chí Phèo, Đời thừa, Trăng Sáng là giọng của Nam Cao gân guốc, sắc lạnh mà đằm thắm trữ tình. Người ta gặp giọng Ngô Tất Tố “mạnh mẽ sôi nổi” trong những trang tiểu thuyết Tắt đèn. Còn những tập truyện Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc có giọng điệu dịu dàng, nhỏ nhẹ, êm đềm như những câu thơ của Thạch Lam.

Sức gợi trong văn Thạch Lam còn được tạo bởi lối viết luôn tác động vào trực giác của người đọc. Bằng giọng văn nhẹ nhàng thủ thỉ, Thạch Lam đã khơi gợi những rung cảm tự nhiên ở người đọc vào những trang văn của mình. Xin hãy nghe Thạch Lam mở mục quà Hà Nội bằng một giọng điệu tha thiết: “Qùa Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút “quà Hà Nội” là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hoá của người cho …Nếu chúng ta về các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà Hà Nội có vị ngon là chừng nào! Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng chả ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi”, “Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành …” (Hà Nội băm sáu phố phường).

Viết về những thân phận người bấp bênh trong xã hội cũ, nhưng không vì thế mà văn chương Thạch Lam nhuốm màu tuyệt vọng, những trang truyện của Thạch Lam dẫu viết về cái chết, cái tàn cái lụi vẫn ngân lên một chất thơ kì diệu…Trong giọng văn vẫn sóng sánh niềm xúc động, sẻ chia, giọng của sự đồng cảm, của niềm yêu thương chở che và nâng đỡ con người. Thạch Lam xưng hô với nhân vật nhẹ nhàng thân mật, bằng

cách gọi tên: Liên, Tâm, Sinh … hoặc bằng cách gọi trừu mến: mẹ Lê, chàng, nàng …. “Thạch Lam đã rất đồng cảm với người lao động và dường như cao hơn còn là sự hoà nhập vào dòng người khốn khổ ấy. Nhân vật Thạch Lam luôn có một cái tên rất nhẹ, vần không hoặc vần bằng như chính con người và tình cảm trong suốt, dịu dàng mỏng manh của họ vậy” (Hà Văn Đức). Giọng văn cứ nhẹ nhàng thủ thỉ như sẻ chia như thấu hiểu, giọng văn của một người giàu cảm xúc tinh tế, nhạy cảm, một ngòi bút đẫm chất trữ tình.

Cái giọng điệu thủ thỉ, tâm tình và giàu sức gợi ấy đã làm nên những trang truyện Thạch Lam như những trang thơ mà đượm buồn. Cái giọng ấy đã góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật rất riêng của Thạch Lam.

Viết về cuộc đời bình dân nghèo đói - đó là cảm hứng của các nhà văn Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực. Một trong tôn chỉ sáng tác của Tự lực văn đoàn là “hướng về bình dân, không vương giả” nên các nhà văn như Nhất Linh, Khải Hưng, Hoàng Đạo…hết sức tuân theo chủ nghĩa bình dân. Họ tìm về nơi thôn dã mà sáng tác. Nhân vật của họ là những cô thiếu nữ thơ ngây mà xinh đẹp, dường như sống chỉ để mà yêu. Cảnh vật của họ chỉ là “lũy tre làng”, những nếp rạ thanh bình với làn khói lam chiều êm ả. Họ cố tuân thủ theo chủ nghĩa bình dân, nhưng đó là thứ “bình dân” được nói cao giọng, được hô hào, kêu gọi bằng thái độ của người từ trên nhìn xuống, ở ngoài nhìn vào xót thương và cứu vớt chứ chưa có sự đồng cảm sẻ chia. Họ thấy những cô thôn nữ thơ ngây mà chưa thấy những cảnh làm việc tối tăm mặt mũi. Họ say những nếp khói lam chiều mà không biết trong bếp người ta nấu gì, đất sét khô [Làm mõ - Ngô Tất Tố] hay chỉ vài dãi khoai [Tắt đèn - Ngô Tất Tố]. Thạch Lam tuân theo chủ nghĩa bình dân, nhưng hai chữ “bình dân” ấy không trôi nổi, hời hợt như những áng phù vân mà lúc nào cũng ấm áp hơi thở cuộc đời. Thạch Lam không hề cao

giọng, rất lặng lẽ, khiêm nhường, ông đến với cuộc sống của kiếp nghèo đói bằng niềm thương cảm chân thành, sự thấu hiểu sâu sắc. Vì thế, truyện Thạch Lam là bài thơ trữ tình đượm buồn, mà ở đó ta luôn thấy nghẹn ngào chút lệ thầm kín của tình thương (Thế Lữ). Giọng văn Thạch Lam buồn, nhẹ nhàng mà tha thiết yêu thương.

Giọng điệu văn chương của Thạch Lam được thể hiện ngay từ cảm hứng sáng tác. Cảm hứng sáng tác của Thạch Lam bắt nguồn từ những cuộc đời bình dân nghèo khó. Vì thế trong truyện Thạch Lam, câu chữ cứ mang một giọng buồn, day dứt, nó gợi niềm xót xa thương cảm về số phận bấp bênh của con người dưới xã hội cũ. Một nỗi buồn man mác nhè nhẹ phủ lên và thấm vào đời sống của các nhân vật, nỗi buồn xa xôi, nỗi buồn mơ hồ. Một cô hàng xén, một cô Liên, một cô Dung… sống buồn bã trong gia đình và cả ở xã hội. Một đứa trẻ cố thức đêm chỉ để nhìn ánh sáng đèn của chuyến tàu đêm với hy vọng được nhìn thấy cảnh náo nhiệt ở sân ga. Thạch Lam gieo vào lòng người đọc sự xót xa, thương cảm cho những kiếp người nhọc nhằn, nghèo khó.

Liên và Huệ trong Tối ba mươi là những người làm cái nghề dưới đáy cùng của xã hội. Những ngày Lễ – Tết hai cô vẫn nhớ tới quê hương làng xóm với một mái nhà yên ấm, nhớ tới ông bà tổ tiên cùng tuổi thơ trong sáng của mình. Cao hơn nữa là một niềm tiếc hận, khổ đau cho thân phận. Nhà văn miêu tả bằng một giọng điệu đầy chua xót: “… những giọt nước mắt chảy tràn mi, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn khắp người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những ước mong tuổi trẻ, những thất vọng chán chường” (Tối ba mươi).

Miêu tả cái chết của mẹ Lê, giọng văn Thạch Lam bỗng trùng xuống gợi cảm giác đau xót thương cảm:

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 28/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí