Giáo Xứ Quy Chính (Xã Vân Diên, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An)

đã chủ động, linh hoạt thực hành tôn giáo này theo cách của người Việt, tức người Việt đã bản địa hóa Công giáo theo cách của mình.

Đi vào cụ thể, với trường hợp hội nhập phi quan phương Đức Maria, tác giả cho rằng: “Đức Maria được tín đồ Công giáo tôn thờ như một Thánh Mẫu, thể hiện ở các lĩnh vực: Tên gọi, sự tôn vinh, nghệ thuật tạo hình, chuyển hóa niềm tin và sự cầu xin, đặc biệt là nghi thức sùng kính...” [22, tr 552].

Cũng ở phương diện hội nhập văn hóa, tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng sự hội nhập Công giáo trong văn hóa Việt được thể hiện trên hai bình diện là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Ông viết: “Trên bình diện văn hóa vật chất: Xuất hiện các kiến trúc đô thị kết hợp tài tình phong cách phương Tây với tinh thần dân tộc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên Việt Nam…sử dụng mái ngói, bố cục kiểu tam quan, lầu hình bát giác…làm nổi bật tính dân tộc; đưa các mái hiên, mái che, cửa sổ ra xa để tránh nắng chiều và mưa hắt…; trên bình diện văn hóa tinh thần: là những hiện tượng trong các lĩnh vực văn tự - ngôn ngữ, báo chí, văn học - nghệ thuật, giáo dục - khoa học, tư tưởng …[67, tr 291- 293].

Như vậy, ở Việt Nam ngoài hội nhập quan phương từ các nhà truyền đạo và hội thánh thì các nhà nghiên cứu, đặc biệt là tác giả Nguyễn Hồng Dương đều nhấn mạnh đến hội nhập phi quan phương từ góc độ văn hóa– tức là sự chủ động tiếp nhận và hòa nhập Công giáo vào văn hóa địa phương của người dân. Chúng tôi cho rằng có thể coi hội nhập Công giáo phi quan phương như là một cách gọi khác của việc bản địa hóa Công giáo nói chung và Đức Maria nói chung vào văn hóa Việt Nam. Trong thực tế, tín đồ Việt Nam đã kính thờ Đức Mẹ Maria theo truyền thống văn hóa của mình, qua các biểu hiện về hình tượng, quyền năng, các nghi thức nghi lễ thờ kính, qua các công trình kiến trúc điện thờ Đức Mẹ, qua hệ thống dày đặc các linh địa Đức Mẹ trải rộng từ Bắc vào Nam và những vùng đất Việt đã gắn liền với tên Đức Mẹ như: Đức Mẹ Thái Hà – Hà Nội, Đức Mẹ La Vang – Quảng Trị, Đức Mẹ Bãi Dâu – Vũng Tàu…

Vận dụng quan điểm về hội nhập Công giáo tại Việt Nam từ góc độ phi quan phương của các tác giả nói trên, luận án sẽ nghiên cứu những biểu hiện của sự bản địa hóa sự tôn thờ Đức Mẹ Maria trong cộng đồng người Công giáo Việt Nam tại

các điểm nghiên cứu cụ thể thông qua các khía cạnh như: Tên gọi, hình tượng trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điện thờ, sự hiển linh và niềm tin về quyền năng, sự thờ kính của người dân.

1.3. Khái quát về địa bàn nghiên cứu

Như đã trình bày ở phần Mở đầu, trong luận án này chúng tôi lựa chọn 5 điểm nghiên cứu chính đại diện cho ba khu vực Bắc- Trung- Nam là: Giáo xứ Quy Chính (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp (phường 9, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) và Giáo xứ Vỉ Nhuế (thôn Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định); Giáo xứ La Vang (Làng Cổ Vựu, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); - Giáo xứ Khmer Trung Bình – địa chỉ: Ấp chợ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dưới đây là phần trình bày khái quát về các Giáo xứ nói trên:

1.3.1. Giáo xứ Quy Chính (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)

Quy Chính là một làng đạo toàn tòng có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, với 355 hộ gia đình và 1.350 Giáo dân, được đánh giá là một làng quê có tốc độ phát triển kinh tế năng động nhất trong xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề truyền thống bún bánh vào ngày 16/11/2005. Giáo dân ở đây vừa làm nghề truyền thống vừa làm nông nghiệp, đi đầu trong các phong trào làm kinh tế và các hoạt động văn hóa xã hội và được xem là một trong những trung tâm sinh hoạt tôn giáo sôi nổi của Giáo hạt Vạn Lộc. Giáo dân Quy Chính có lòng yêu kính Đức Mẹ Maria cách đặc biệt, với nhiều hội đoàn Đức Mẹ, nhiều phong trào và các thực hành nghi lễ thờ kính Đức Mẹ, từ đó mà Đức Mẹ Maria có vai trò rất quan trọng đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình và công đoàn trong Giáo xứ Quy Chính.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.

Qua 335 năm lịch sử hình thành và phát triển, cộng đoàn giáo xứ Quy Chính đã can đảm bước qua những thăng trầm của thời cuộc. Hiện tại, giáo xứ Quy Chính đang được cha Hoàng Sỹ Hướng quản nhiệm, với gần 2700 nhân danh, thuộc 04 họ đạo: Quy Chính, Nhật Quang, Đan Nhiệm và Đông Quy; nằm trên địa bàn xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (pv sâu, Linh mục quản nhiệm, trưởng hội đồng mục vụ Giáo xứ Quy Chính ngày 12/3/2018), được thành lập vào năm 1846,

Giáo xứ với gần 3.000 nhân danh này đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phát triển của Địa phận Vinh nói riêng và miền Trung nói chung.

Bản địa hóa Đức mẹ Maria tại Việt Nam - 7

Ngoài ra, Giáo xứ Quy Chính còn là nơi có đền thờ thánh Lê Tùy nổi tiểng và là trung tâm sinh hoạt của giới trẻ Giáo hạt Vạn Lộc. Đặc biệt nơi đây có khu tượng thờ Đức Mẹ Maria trong hình tượng người phụ nữ Việt Nam với trang phục áo dài truyền thống và sự hoạt động sôi nổi của các hội đoàn Đức Mẹ Maria. Mặt khác, Giáo xứ Quy Chính nằm trên địa bàn xã Vân Diên, huyện Nam Đàn quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh, là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

Đề tài chọn Giáo xứ Quy Chính bởi nó mang tính đại diện cho tín ngưỡng Công giáo của khu vực miền Trung. Đây là vùng đất đậm văn hóa xứ Nghệ, nghiên cứu sự bản địa hoá Đức Maria ở khu vực này có thể chỉ những nét tương đồng và dị biệt qua so sánh với các địa phương khác thuộc miền Bắc và miền Nam.

1.3.2. Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp (phường 9, quận 3 – Tp. Hồ Chí Minh)

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp tọa lạc tại địa chỉ số 38 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Vào năm 1960 số lượng Giáo dân quy tụ gần đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp của Dòng Chúa cứu thế rất đông (Dòng Chúa cứu thế đến Việt Nam vào năm 1925 và lập nhà dòng tại Sài Gòn năm 1933).

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp được thành lập vào ngày 12/3/1963 do linh mục Lê Trung Thịnh đại diện phía tòa Giám Mục Sài Gòn và Linh mục Nguyễn Văn Thính bề trên dòng Chúa cứu thế ký quyết định thành lập dưới sự cho phép của Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Phao lô Nguyễn Văn Bình. Ngôi thánh đường hiện nay được xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành 1953.

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp hiện nay do linh mục Phê rô Đinh Ngọc Tâm quản nhiệm với số Giáo dân khoảng hơn bốn ngàn (số tín đồ tham gia sinh hoạt tại Giáo xứ có thời điểm gần mười ngàn người). Đây là Giáo xứ có rất nhiều hội đoàn hoạt động sôi nổi đặc biệt là các hội đoàn Đức Mẹ. Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp là Giáo xứ nổi bật trong các hoạt động thờ kính Đức Mẹ Maria tại khu vực miền Nam, nơi đây có đền thờ Đức Mẹ Hằng cứu giúp rất nổi tiếng, là trung tâm hành hương Đức Mẹ Maria của tín đồ. Đây cũng là nơi giúp phổ biến linh ảnh Đức Mẹ

Hằng cứu giúp (một bức ảnh được Giáo hội Công giáo công nhận là linh thiêng và dòng Chúa Cứu Thế được giao nhiệm vụ phổ biến bức ảnh này). Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp cũng chính là nơi đặt trụ sở chính của dòng Chúa Cứu thế một trong những dòng tu có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới và dòng tu này được tòa thánh giao trọng trách quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trên toàn thế giới.

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp là đại diện tiêu biểu tại khu vực miền Nam. Ngoài việc Giáo xứ mang tước hiệu Đức Mẹ Hằng cứu giúp, nơi đây còn có ngôi đền thờ Đức Mẹ được xem là lâu đời và linh thiêng nhất tại TP. Hồ Chí Minh, là trung tâm hành hương Đức Mẹ nổi bật tại khu vực miền Nam quy tụ hàng triệu tín đồ tới hành hương mỗi năm. Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp còn được xem là Giáo xứ điển hình trong các hoạt động thờ kính Đức Mẹ, vì vậy việc chọn Giáo xứ này sẽ có thêm nhiều tư liệu để so sánh nhằm tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt trong các cách thực hành thờ kính Đức Mẹ Maria với các điểm nghiên cứu khác.

1.3.3. Giáo xứ Vỉ Nhuế (thôn Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)

Giáo xứ Vỉ Nhuế thuộc thôn Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là vùng đất nằm bên con sông Đáy thơ mộng, nơi đây cũng được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, đặc biệt Giáo xứ nằm ở một trong những trung tâm thờ Mẫu của tỉnh Nam Định, nơi có Phủ Nấp gắn với truyền thuyết giáng sinh lần một của Mẫu Liễu Hạnh.

Hiện nay, Giáo xứ Vỉ Nhuế do Linh Mục Ngô Văn Thông quản nhiệm, có 3189 giáo dân với hai họ lẻ là La Ngạn và Đại Duyệt. Họ chính xứ Vỉ Nhuế có 2985 giáo dân nằm kề xung quanh thánh đường, chiếm 95,6 % dân số trong thôn, với 6 giáp. Giáo xứ có các hội đoàn: Hội Mân Côi, hội thánh Giuse, hội Đông Công, Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn v.v... Nhà thờ Giáo xử Vỉ Nhuế được xây dựng từ năm 1943 đến nay, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Vào năm 1947, Cha xứ Giuse Trịnh Ngọc Am đã đặt tượng Đức Mẹ Mân Côi lên trước gian cung thánh, nhận tước hiệu ngôi thánh đường của Giáo xứ là Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi. Sau đó Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã về dâng lễ tại thánh đường Đức Mẹ Mân Côi của Giáo xứ Vỉ Nhuế và chấp nhận tước hiệu này ngày 28 tháng 11 năm 2007 và từ đó ngôi thánh đường của Giáo xứ chính thức mang tước hiệu của Đức Mẹ Maria.

Giáo xứ Vỉ Nhuế nằm trong vùng văn hóa đặc biệt có tính đại diện tiêu biểu của văn hóa Bắc Bộ cụ thể là văn hóa Công giáo Bắc Bộ. Chính vì thế, chúng tôi chọn Giáo xứ Vỉ Nhuế là điểm khảo sát về sự hội nhập Đức Mẹ Maria ở miền Bắc qua nghiên cứu các biểu hiện tên gọi - tước hiệu, biểu tượng, điện thờ và thực hành nghi lễ…

1.3.4. Giáo xứ La Vang

La Vang thuộc làng Cổ Vựu, huyện Hải lăng, tỉnh Quảng Trị - thuộc tổng giáo phận Huế. La Vang được xem là trung tâm hành hương Đức Mẹ lớn nhất Việt Nam, còn gọi là trung tâm thánh mẫu toàn quốc của hội thánh Công giáo Việt Nam. Tương truyền Đức Mẹ Maria đã hiển linh tại đây vào năm 1798, theo thời gian phát triển cùng với sự công nhận của tòa thánh Giáo hội Roma là tiểu vương cung thánh đường La Vang…Từ đó La Vang ngày càng phát triển và thu hút lượng lớn tín đồ đổ về hành lễ, hành hương… Hiện nay La Vang là một trong những địa danh có sức ảnh hưởng lớn với tín đồ Việt Nam cũng như tín đồ Công giáo một số nước trên thế giới.

Giáo xứ La Vang nơi có vương cung thánh đường La Vang, hàng năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn thờ kính Đức Mẹ, quy tụ hàng triệu tín đồ về tham dự. La Vang thuộc Giáo phận Huế và cũng nằm trong vùng văn hóa đặc biệt, bởi nó rất gần với kinh đô Huế và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa cung đình, biểu hiện qua hình tượng, nghi thức nghi lễ thờ kính… La Vang là điểm nghiên cứu quan trọng để thực hiện luận án này.

1.3.5. Giáo xứ Khmer Trung Bình – Sóc Trăng

Giáo xứ Trung Bình thuộc ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, do Linh mục Huỳnh Văn Ngợi quản nhiệm, các sinh hoạt tôn giáo ở đây đều được thực hiện bằng ngôn ngữ Khmer và nhiều hoạt động còn mang nhiều nét văn hóa Khmer rất độc đáo. Số giáo dân vào khoảng hơn hai ngàn người, trước đây chủ yếu là Giáo dân người Khmer sau này vì nhiều nguyên nhân nên số Giáo dân gốc người Kinh ngày càng đông. Giáo dânTrung Bình kinh tế khá khó khăn do không có nhiều đất canh tác và không có nghề nghiệp, chủ yếu là làm thuê, làm công nhân, sau này được sự hỗ trợ từ Giáo phận và chính quyền cũng như sự hướng dẫn của các Linh mục quản nhiệm, Giáo xứ có sự phát triển từng ngày. Nổi bật nhất trong quần thể các công trình kiến trúc tại Giáo xứ là ngôi thánh đường mang màu sắc văn

hóa Khmer và đền thờ Đức Mẹ với hình tượng của người phụ nữ Khmer, việc chọn 1 Giáo xứ của Giáo dân Khmer với nhiều giá trị văn hóa tộc người giúp chúng tôi có thêm một đối tượng để khảo sát và so sánh về các dạng thức bản địa hóa Đức Mẹ Maria ở các tộc người thiểu số tại Việt Nam.

Tiểu kết chương 1

Trong mấy thế kỷ Việt Nam tiếp xúc và giao lưu với phương Tây, bên cạnh Công giáo, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã tác động một cách khá sâu rộng vào nhiều lĩnh vực văn hóa vật chất và tinh thần Việt Nam. Tùy từng lúc từng nơi, thái độ của người Việt Nam có thể khác nhau, chấp nhận hay chống đối, nhưng cuối cùng bao giờ cũng là sự thâu hóa linh hoạt, tiếp nhận những gì có ích và biến đổi cho phù hợp với tính cách Việt Nam và nhu cầu Việt Nam.

So với Phật giáo và Khổng giáo, Công giáo du nhập vào Việt Nam muộn hơn, mang đậm nét văn hóa phương Tây nhưng cũng đã đóng góp nhiều mặt tích cực tạo nên những nét văn hóa Công giáo rất riêng biệt. Đức Mẹ Maria được du nhập vào Việt Nam và được bản địa hóa tại Việt Nam thể hiện đặc tính linh hoạt của văn hóa truyền thống dân tộc và cũng thể hiện sức mạnh của văn hóa Việt Nam, dù theo quan điểm nào thì việc bản địa hóa Đức Mẹ Maria là một hiện tượng văn hóa độc đáo được nhiều tác giả quan tâm và nghiên cứu, từ một nhân vật có phần xa lạ với văn hóa truyền thống Việt Nam cộng với sự du nhập theo một tôn giáo ngoại sinh là đạo Công Giáo, Đức Mẹ Maria đã hòa nhập sâu rộng trong đời sống của tín đồ Việt Nam, trở thành người mẹ Việt Nam, được đông đảo tín đồ Việt yêu kính cách cuồng nhiệt.

Qua việc lựa chọn khảo sát năm điểm khảo sát chính là: Giáo xứ Quy Chính - Nghệ An, Giáo xứ Vỉ Nhuế - Nam Định, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp - Tp. Hồ Chí Minh, Giáo xứ La Vang Quảng Trị, Giáo xứ Khmer Trung Bình Sóc Trăng …đề tài hướng tới làm rò những biểu hiện của việc bản địa hóa Đức Mẹ Maria tại những địa bàn nghiên cứu mang tính đại diện ở Việt Nam.

CHƯƠNG 2

ĐẠO CÔNG GIÁO, ĐỨC MẸ MARIA VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀO VIỆT NAM

2.1. Khái quát đạo Công giáo và sự du nhập vào Việt Nam

2.1.1 Khái quát về đạo Công giáo

*Sự ra đời và huyền thoại về Chúa Giê Su

Đạo Công giáo ra đời vào thế kỷ thứ I ở phía Đông đế quốc La Mã cổ đại, đến thế kỷ thứ IV (năm 313) Hoàng đế Constantino với sắc chỉ Milanô tuyên bố Công giáo là quốc đạo của đế quốc La Mã, Đức Chúa Giê-Su được coi là đấng sáng lập đạo Công giáo. Công giáo trong quá trình hình thành và phát triển đã kế thừa nhiều truyền thống cũng như tư tưởng của Do Thái giáo và tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá, tín ngưỡng của các cư dân vùng Trung Cận Đông. Ngoài ra, Công giáo còn tiếp thu nhiều tư tưởng của triết học Hy Lạp và La Mã, đặc biệt là tư tưởng của trường phái khắc kỷ, tiêu biểu là hai nhà triết học: Phi – Lông gốc Do Thái sống ở Hy Lạp (25 TCN – 50 SCN) và Sê – Nêch ở La Mã (4-65 SCN)

Đấng sáng lập Công giáo là Đức Giê Su người Do Thái, sinh khoảng năm thứ 6 TCN, lúc nhỏ sống cùng gia đình có cha là ông Giu Se và mẹ là Bà Maria, khoảng 30 tuổi Ngài truyền đạo trong cộng đồng người Do Thái. Trong quá trình truyền đạo Ngài đã chọn được 12 môn đồ thân cận, quá trình truyền đạo của ngài bị những người Do Thái đả phá và chính quyền La Mã xét tội mưu phản nên phải nhận hình phạt đóng đinh trên thập giá. Người Kito hữu tin rằng Ngài đã sống lại sau ba ngày để cùng các môn đệ thiết lập nên Giáo hội Công giáo.

*Nội dung cơ bản về giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức đạo Công giáo

- Kinh Thánh: Những vấn đề cơ bản giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức của Kitô giáo tập trung trong cuốn Kinh Thánh, là cuốn sách tập hợp nhiều tác phẩm nhỏ được hình thành từ thế kỉ thứ I SCN đến thế kỉ IX. Người Kitô giáo cho rằng tác giả duy nhất của Kinh Thánh là Thiên Chúa, Kinh Thánh gồm 2 phần: Cựu ước và Tân ước; Cựu ước là bộ dã sử của dân tộc Do Thái và là Kinh Thánh của đạo Do Thái, gồm 46 cuốn chia thành 3 loại: Sách lịch sử, sách giáo huấn và sách tiên tri. Tân ước gồm 27 cuốn

cũng gồm 3 loại: Sách lịch sử, sách giáo huấn và sách tiên tri. Kinh Thánh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với người Kitô giáo vì đó là luật Thánh.

- Giáo lý: Được thể hiện ở những điểm căn bản như sau:

Niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ngài là đấng có quyền phép vô song, sáng tạo muôn loài từ hư không và Ngài là đấng hằng có. Thiên Chúa có ba ngôi cùng chung một bản thể, ngôi thứ nhất là Chúa cha – tạo dựng vũ trụ, ngôi thứ 2 là Chúa con – cứu chuộc loài người, ngôi thứ 3 là Chúa Thánh Thần – Thánh hoá.

Con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có nhiệm vụ thờ phụng Thiên Chúa, tiếp tục công cuộc kiến tạo trái đất và yêu thương đồng loại.

Con người có hai phần: Thể xác và linh hồn, thể xác là tạo vật như mọi tạo vật khác, còn linh hồn là phần thiêng liêng tồn tại vĩnh viễn, đến ngày tận thế người chết sẽ sống lại để chịu phán xét của Chúa Trời.

- Luật lệ: Giáo hội Kitô có hệ thống luật lệ khá phức tạp nhưng chung quy chúng vào 10 điều răn của Thiên Chúa, chế định 2 mối quan hệ cơ bản là: Con người với Thiên Chúa và con người với con người, hai mối tương quan ấy thực hiện một tinh thần cơ bản là kính Chúa và yêu người.

- Lễ nghi: Tiêu điểm của lễ nghi Kitô giáo là Bảy phép Bí tích

- Các ngày lễ: Các ngày lễ được quy định trong lịch phụng vụ, trong năm có các ngày lễ trọng buộc các tín hữu phải tham dự.

Ngoài các lễ bắt buộc trên còn có các ngày lễ chủ nhật quanh năm và một số các ngày lễ mà các tín hữu tham dự để có nhiều ân phúc.

- Tổ chức: Giáo hội Công giáo là một tổ chức tôn giáo thống nhất và chặt chẽ, là một hệ thống từ trung ương đến địa phương, từ cá thể đến tập thể, từ tập thể lớn đến tập thể nhỏ. Trước hết là Giáo dân- tức là người đã lãnh nhận phép rửa tội để trở thành Kitô hữu, nhiều Giáo dân hợp thành Giáo họ, nhiều Giáo họ hợp thành Giáo xứ đứng đầu là Linh mục, nhiều Giáo xứ hợp thành Giáo hạt đứng đầu là Giám Mục, nhiều Giáo hạt hợp thành Giáo phận, nhiều Giáo phận hợp thành Giáo tỉnh, đứng đầu là Tổng Giám Mục, nhiều Giáo tỉnh hợp thành Giáo hội quốc gia, đứng đầu là Hội Đồng Giám Mục, nhiều Giáo hội quốc gia hợp thành Giáo Hội Hoàn Vũ, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022