Bản thân nó (tức thanh âm phức điệu) có thể tạo nên một tiềm năng ngữ nghĩa mà mỗi độc giả khi tiếp nhận sẽ tự tái tạo cho mình những mô thức tái hiện riêng biệt, tuỳ thuộc vào “tầm đón nhận” và chiều sâu văn hoá của mỗi cá nhân.
Như vậy, hơn bất kỳ một phương tiện nào khác, ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ thể hiện đặc trưng thẩm mỹ của thể loại và tác giả mà còn góp phần phát triển quá trình tư duy và đặc điểm nghệ thuật của một mô hình phản ánh cuộc sống, giúp nhà văn có thể triển khai ý đồ nghệ thuật theo thủ pháp mỹ học đặc trưng của thơ ca
trung đại: Ý tại ngôn ngoại 意在言外 (ý ở ngoài lời), huyền ngoại chi âm 絃外之音
(âm thanh ở ngoài tiếng đàn) và cam dư chi vị 甘 餘 之 味 (vị ngọt ở ngoài vị ngọt). Hơn thế nữa, nó còn thể hiện sự lịch lãm, trình độ văn hoá, chiều sâu văn hoá, chiều sâu tư tưởng của tác giả văn học, kể cả sự trang nhã, uyên bác của Ngôn ngữ nghệ thuật văn học cổ điển.
1.3.2. Một số đặc trưng cơ bản của ngữ liệu văn hóa trong ngôn ngữ nghệ
thuật truyện Nôm
Hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ văn chương cổ điển từ lâu đã được các nhà khoa học Ngữ văn quan tâm khảo sát, song sự thống nhất trong quan điểm nghiên cứu về nội hàm và ngoại diên của các khái niệm này vẫn chưa được minh định cụ thể, chi tiết hoá, đây cũng chính là những vấn đề cốt lòi của việc nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá trong một đối tượng cụ thể. Trong bối cảnh chung đó, việc đề xuất một cách hiểu sơ khởi về khái niệm này của tác giả luận án đã góp phần xây dựng nên hệ quy chiếu để phân loại và biện giải về hệ thống ngữ liệu bác học và bình dân trong ngôn ngữ truyện Nôm nói chung. Khi trở thành một yếu tố quan trọng của ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam, hệ thống ngữ liệu này đã phát huy tối đa tiềm năng vốn có, giúp cho nhà nghệ sỹ có thể diễn đạt uyển chuyển, hấp dẫn những khái quát nghệ thuật ở cấp độ cao. Việc sử dụng thành thạo, hợp lý các ngữ liệu văn hoá này trong các thể loại, tác phẩm văn chương đã trở thành tiêu chí đánh giá về sự uyên bác, độ thâm thuý và khả năng chiếm lĩnh đời sống thông qua những nguyên tắc thi pháp và các phương thức biểu hiện đặc thù.
Tiếp xúc với nghệ thuật, nhất là nghệ thuật văn chương cổ điển, ấn tượng đầu tiên là ở tính thẩm mỹ, sự cách điệu, khả năng đăng đối trong hình thức. Không chấp nhận điều này, người thưởng thức khó có thể đặt chân vào thánh đường nghệ thuật. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong văn chương, đặc biệt văn học cổ điển Việt Nam cũng có đặc trưng như vậy. Nghệ thuật lựa chọn, kết hợp và sử dụng các ngữ liệu văn hoá đã kiến tạo cấu trúc thẩm mỹ, độ sâu sắc và sự thâm thuý cho ngôn ngữ tác phẩm văn học trung đại ở Việt Nam. Khảo sát ngôn ngữ văn học cổ điển từ góc nhìn văn hoá, có lẽ chúng ta cần xem xét đặc trưng của hệ thống này trên hai phương diện nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật, qua đó phân tích, biện giải và cắt nghĩa những tác động của nó, nhất là sự tương tác thẩm mỹ của sự sáng tạo và tiếp nhận trong quá trình tìm hiểu tác phẩm văn chương trung đại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn Ngữ Với Vấn Đề Bảo Tồn, Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hóa
- Ngữ Liệu Văn Hoá Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Nôm Bác Học
- Giá Trị Thẩm Mỹ Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Tác Phẩm Văn Chương Cổ Điển Việt Nam Nhìn Từ Góc Độ Văn Hoá
- Sự Thể Hiện Quan Niệm Thẩm Mỹ Của Nguyễn Du Trong Thơ Chữ Hán Và
- Tiếp Nhận Và Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Hán, Bác Học Và Văn Hoá Việt, Bình Dân Đối Với Hệ Thống Ngữ Liệu Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Kiều
- Đặc Trưng Thẩm Mỹ Của Hệ Thống Ngữ Liệu Văn Hóa Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Kiều
Xem toàn bộ 272 trang tài liệu này.
Về phương diện nội dung, nếu như ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp khẩu ngữ, tính cộng đồng (cũng là một đặc trưng của văn hoá) được thể hiện rất cao, nó đảm bảo cho quá trình luân chuyển ngữ nghĩa trong chuỗi lời nói không bị đứt quãng thì khi đi vào tác phẩm nghệ thuật, do được trau chuốt, gọt dũa, đặc biệt dưới áp lực của môi trường, bối cảnh và đặc trưng văn hoá của thời đại và thể loại, sự gia tăng các nội hàm ngữ nghĩa mới trong các từ ngữ nghệ thuật được nâng lên rất cao và trở thành lớp ngôn từ được tổ chức ở trình độ cao. Ý nghĩa khái quát cao và đậm nét tượng trưng của lớp từ ngữ này đã tạo nên sự cô đọng cho câu thơ, lời văn và hơn thế nữa, nó còn góp phần diễn đạt cấu trúc của hệ thống cảm xúc, tứ thơ đặc sắc của thi nhân. Đặc điểm ngôn ngữ này được các nhà nghiên cứu văn học cổ gọi là tính hàm súc, cô đọng và tiết giản. Đặc tính này đã hỗ trợ đắc lực cho các tác giả tổ chức hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm theo thi pháp văn học cổ trung đại: tính tượng trưng ước lệ, cao nhã và quy phạm, đồng thời phản ánh phong cách thời đại, quan niệm về nhân sinh, dấu ấn văn hoá của một giai đoạn lịch sử. Có lẽ, những yếu tố này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn hay sức sống bền lâu cho những tác phẩm văn học cổ trung đại và có thể đây cũng là những điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của ngôn ngữ các tác phẩm như Hoa tiên, Lục Vân Tiên, Sơ
kính tân trang, Song Tinh Bất Dạ... Và đó cũng chính một nguyên nhân góp phần tạo nên sự điêu luyện, sâu sắc, dung dị, bình dân, cổ kính bác học của Truyện Kiềuhay chiều sâu văn hoá trong tâm thức nghệ thuật và tư duy, chiêm nghiệm, lý giải về cuộc sống của văn thi sĩ tiêu biểu trong văn hoá, văn chương cổ điển Việt Nam.
Hệ thống từ ngữ nguyên dạng Hán Việt và chuyển dịch thuần Việt trong tác phẩm văn học cổ trung đại là những từ ngữ mang những nét nghĩa văn hoá, nó có sức khái quát cao đã giúp cho tác giả có khả năng miêu tả hiện thực theo một bút pháp cực tả, tuyệt đối hoá, lý tưởng hoá. Nói cụ thể hơn, đây cũng chính là biểu hiện cao độ của tính hàm súc, cô đọng, tính biểu trưng trong nội dung tác phẩm. Nó thể hiện ở xu hướng khái quát hoá, ước lệ hoá với những cấu trúc cân đối hài hoà, đăng đối trong nội dung thi liệu mà chúng ta đã phân tích trên. Ngoài ra, hệ thống từ ngữ này góp phần thể hiện lối tư duy cầu tính, sùng cổ, có tính trật tự thứ bậc của văn hoá Việt, từ đó chi phối đến xu hướng trọng sự cân đối hài hoà, hàm súc, cô đọng trong ngôn từ nghệ thuật.
Xét về phương diện hình thức nghệ thuật, tính hàm súc, cân đối hài hoà trong hình thức, ý tượng đã tạo nên tính biểu trưng cho những thi từ đặc sắc. Những đặc tính này không chỉ đơn thuần là những biểu hiện đặc trưng cho ngôn từ thi ca, mà sâu xa hơn là nó đã được sản sinh ra từ nhu cầu thể hiện, biểu đạt một cách khái quát nhất những nội dung cụ thể, đó là sự dồn nén những thông tin. Đây là những biểu tượng về vẻ đẹp chuẩn mực hài hoà mà ông cha ta đã học tập và sáng tạo trong tiến trình phát triển của lịch sử văn chương nước nhà. Bắt nguồn từ tính đăng đối trong hình thức thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật đã phản ánh những quan niệm văn hoá về mỹ học cổ điển, đó là quan niệm tôn trọng sự hài hoà giữa nội dung và hình thức (xét ở góc độ nào đấy). Nếu chất liệu tươi rói của phong cách khẩu ngữ đã tạo cho các ngữ liệu văn hoá một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, đầy sức sống thì những giá trị văn hoá bác học góp phần giúp cho ngữ liệu có thể lột tả được những nét đẹp uyển chuyển, sắc thái uyên bác, cao nhã cho các ngữ cảnh được miêu tả. Nếu xem xét từ góc độ từ chương học, ngữ liệu văn hoá còn có khả năng mang lại sắc thái tu từ, góp phần tạo nên trường liên tưởng sâu rộng, tạo nên sự hô ứng, hài hoà, mang màu sắc bác học, quý phái, vương giả, kiêu kỳ.
Như vậy, xét ở phương diện nghệ thuật, các ngữ liệu văn hoá trong ngôn từ nghệ thuật đã phát huy được tính năng động vốn có của nó: tính thẩm mỹ và đăng đối. Yếu tố thẩm mỹ khách quan của các thi liệu văn hoá thích hợp với việc nhấn mạnh các sắc thái mơ hồ, trang trọng... và nó “không thích hợp với việc cụ thể hoá đối tượng phản ánh nhưng nó lại vô cùng thích hợp khi ta muốn vĩnh viễn hoá sự việc, đẩy lùi nó về thế giới ý niệm. Nó cấp cho ngôn ngữ cái vẻ dứt khoát, đanh thép của những chân lý vĩnh viễn...” [100, tr.54].
1.4. Quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán và Truyện Kiều
1.4.1. Cơ sở hình thành quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du
Quan niệm thẩm mỹ là một thuật ngữ thuộc bộ môn Mỹ học và Lý luận văn học. Thuật ngữ này, ở Việt Nam, có người gọi là thẩm mỹ quan, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là quan niệm thẩm mỹ. Trong giáo trình Nhập môn Lý luận văn học (2014), Huỳnh Như Phương đã định nghĩa như sau: “Quan niệm thẩm mỹ là sự tự ý thức của đời sống thẩm mỹ, trong đó có đời sống nghệ thuật, của một thời đại và được phát ngôn qua những cá nhân kiệt xuất, bằng những khái niệm và mệnh đề suy lý” [108, tr.81].
Có thể nói, nội hàm thuật ngữ này luôn có sự co giãn, nhưng nhìn chung, quan niệm thẩm mỹ qua nhiều thời đại được hiểu là sự tự ý thức, cách cảm thụ, đánh giá của chủ thể về đời sống thẩm mỹ, trong đó có đời sống nghệ thuật. Trong Tâm lí văn nghệ, Chu Quang Tiềm đã phân chia cái đẹp làm hai dạng thức cơ bản khác nhau: cái đẹp nhu tính và cái đẹp cương tính. Theo ông, cái đẹp cương tính chủ về động, cái đẹp nhu tính chủ về tĩnh, động như say, tĩnh như mộng, ông cho rằng:
Quan niệm âm, dương có thể nói đã in sâu vào tâm tưởng mọi người, cho nên hai cái đẹp thuộc loại “cương, nhu” đã được các nghệ thuật gia phân chia rành mạch. Về phương diện thơ thì có sự khác biệt giữa họ Lý và họ Đỗ, họ Vi, họ Mạnh, về phương diện từ thì có sự khác biệt giữa họ Tô, họ Tân... [150, tr.356].
Lưu Cương Kỷ 劉綱紀 và Phạm Minh Hoa 范明華 trong Chu Dịch dữ mỹ
học 周易與美學 cho biết, trong lịch sử nghiên cứu mỹ học Trung Quốc, vấn đề cái
đẹp và vấn đề sinh mệnh có quan hệ mật thiết với nhau và “Cái đẹp được nảy sinh là lấy sự biến hoá, phát triển lành mạnh, bình thường của sinh mệnh tự nhiên làm tiền đề” [187, tr.13].
Có thể nói, mỹ học cổ điển Việt Nam đã được hình thành trên nền tảng của quan điểm triết mỹ phương Đông và văn hoá cổ truyền dân tộc. Trong văn chương, các tác phẩm tập trung thể hiện theo định hướng cơ bản là Thi dĩ ngôn chí 詩 以 言 志
và Văn dĩ tải đạo 文以載道, Văn dĩ minh đạo 文以明道. Dưới ảnh hưởng của triết
học, mỹ học Nho giáo, loại văn chương được đề cao là văn chương chở đạo, phụng sự con người. Trong suốt gần mười thế kỷ phát triển văn học Hán Nôm Việt Nam,
hệ thống mỹ học cổ điển phong kiến dành quyền cho chủ thể được phép bày tỏ chí lớn của mình trong phạm vi quan niệm xử thế của Nho giáo: Tu 修 , Tề 齊 , Trị 治 ,
Bình 平. Về hình thức biểu hiện của cái đẹp, người xưa thường hướng đến tính hài hoà, đăng đối, cao quý, thanh nhã. Trong chuyên luận Mấy vấn đề về phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam (1984), nhà nghiên cứu văn học cổ điển Nguyễn Sĩ Cẩn có lí khi nhận xét: “Đối với người xưa, thế giới là một chỉnh thể tĩnh tại. Cân đối, hài hòa là ý niệm của cái đẹp (...). Cao quý, thanh nhã là những phạm trù của văn học cổ” [13, tr.32]. Ông còn khẳng nhận rằng: “Người nghệ sĩ xưa quan tâm đến cái gợi hơn cái tả (...). Giá trị thẩm mỹ của câu văn, lời thơ toát lên từ nội dung hàm súc và tính không xác định của nó” [13, tr.33].
Sự hình thành quan niệm thẩm mỹ ở mỗi người nghệ sĩ luôn gắn với nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Ý thức hệ tư tưởng, môi trường thẩm mỹ, lịch sử văn hoá, xã hội, gia đình, dòng họ... là những điều kiện khách quan đã chi phối mạnh mẽ đến quá trình hình thành quan niệm và ý thức mỹ học của người nghệ sĩ. Thi sĩ Nguyễn Du cũng không ngoài quy luật chung đó. Quan niệm thẩm mỹ của ông được hình thành trên những cơ sở có tính khách quan và chủ quan. Nguyễn Du chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những điều kiện văn hoá, tư tưởng xã hội, nhưng cá nhân ông đã thẩm thấu những vấn đề của thời đại, tiếp thu và vận dụng cải biến để xây dựng thành quan niệm của riêng mình. Về cơ sở hình thành quan niệm thẩm mỹ ở Nguyễn Du, chúng ta có hình dung qua mấy căn cứ sau:
Thứ nhất, Nguyễn Du đã sinh trưởng trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam và một giai đoạn đầy bi kịch của lịch sử dân tộc. Trong sáng tác của Nguyễn Du, dưới những tác động của một môi trường lịch sử, văn hoá đặc biệt ấy, nét nổi bật chính là sự dâng trào cao độ của xúc cảm và một cảm quan hiện thực sâu sắc. Vì thế, ta luôn cảm thấy trong thơ Nguyễn Du luôn vang lên những thanh âm, ánh lên sắc màu của cuộc sống trần thế. Không những vậy, thế giới trữ tình của nhà thơ khắc hoạ rò những nét sắc cạnh, chân thực không khoan nhượng về một bức tranh hiện thực phong phú, đa dạng. Đi sâu tìm hiểu vẻ đẹp, sự chân thực của bức tranh đa thanh sắc ấy, chúng ta sẽ nhận thấy Nguyễn Du hiện ra với tư cách của một nhà nhân đạo vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Có lẽ, trong số những yếu tố trội bật của thế giới nghệ thuật Tố Như tử, đây dường như là điểm đặc sắc, tích cực nhất và đáng chú ý nhất của ông. Nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ, bền bỉ ở hầu hết tác phẩm của ông, nhất là thơ chữ Hán và Truyện Kiều.
Thứ hai, Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu 碧溝 thuộc kinh thành
Thăng Long 昇龍, một vườn địa đàng nghệ thuật thời bấy giờ. Những năm tháng sống ở chốn lầu son gác tía tuy cổ kính nhưng đầy rẫy những chướng ngại và bất trắc vô hình. Những sắc màu của cuộc sống, các địa danh văn hoá tiêu biểu cổ thành
Thăng Long, Bích Câu đã tạo nên câu thơ đẹp, những ý tưởng thẩm mỹ sâu sắc trong thế giới nghệ thuật thơ của ông. Và Nguyễn Du dù đã trải qua những ngày tháng tha hương trên đất Bắc nhưng trong tâm trí ông, những ký ức, hình ảnh về quê hương xứ Nghệ luôn hiển hiện, đi về. Với quê hương, ông là người để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong các sinh hoạt văn hoá làng xã. Nguyễn Du đã viết bài Thác lời trai phường nón trả lời bài Thác lời trai phường vải của Nguyễn Huy Quýnh
阮 輝 炯 , một tuyệt phẩm chan chứa những rung cảm tế vi, trong sáng của tuổi đôi
mươi hồn nhiên, trong sáng.
Bên cạnh những ảnh hưởng của quê hương xứ Nghệ giàu truyền thống thi ca, sự tác động của một văn phái lừng lẫy ở mảnh đất Hồng lĩnh 鴻嶺 cũng là điều đáng nói. Từ năm 1943, Hoàng Xuân Hãn đã định danh và nghiên cứu về Hồng Sơn văn phái 鴻山文派. Có thể nói, đây là một danh xưng khá thi vị, dụ chỉ cho một
nguồn di sản văn hoá truyền thống của 99 ngọn hùng phong thuộc dải Hồng Sơn hùng vĩ. Trần Ngọc Anh trong Hồng Sơn văn phái - Nguồn thi ca Nôm một vùng quê (1999) đã tiếp tục khẳng định:
“Vùng đất địa linh nhân kiệt ấy đã hun đúc nên bao danh nhân kiệt xuất, những thần bút kỳ tài làm rạng danh nền văn học nước nhà như Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ…” [07, tr.12].
Như vậy, về mặt lịch sử và văn học, đất Hồng Sơn đã sản sinh ra một nguồn thi
ca Nôm đặc biệt và phát triển liên tục với sức sống bền bỉ, không ngừng.
Thứ ba, từ mạch nguồn văn hoá gia đình, phẩm chất tài hoa của người cha và thiên tính nghệ sĩ của người mẹ đã ảnh hưởng không ít đến tư tưởng thẩm mỹ của ông. Họ Nguyễn ở Tiên Điền lại có mối quan hệ thông gia, gắn bó văn học với họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu nổi tiếng về văn học ở vùng Nghệ - Tĩnh. Sống trong môi trường văn nghệ đó, năng khiếu nghệ thuật của Nguyễn Du có điều kiện nảy nở, phát triển từ sớm và điều ấy cũng tác động mạnh mẽ tới quan niệm thẩm mỹ của ông về sáng tạo văn chương nghệ thuật. Có thể nói, những năm tháng tuổi thơ ở đất kinh kỳ, những ảnh hưởng của vùng văn mạch nghìn năm cùng với bản tính tài tử của nghiêm phụ và ưu chất nghệ sĩ của thân mẫu - người con của vùng đất quan họ Bắc Ninh đã hun đúc nên một Nguyễn Du tài hoa bậc nhất thời bấy giờ. Cùng với “mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần 十載風塵) và những năm tháng về quê sống “dưới chân Hồng Lĩnh”, thi sĩ có dịp hiểu biết, sống gần gũi quần chúng, ngọn nguồn của mọi giá trị tinh thần cao quý nhất của dân tộc. Thiên tài lỗi lạc của Nguyễn Du, những gì là của hồn thơ bất diệt ấy đã được ấp ủ và nảy nở có lẽ chủ yếu trong những năm tháng buồn vui lẫn lộn này.
Thứ tư, Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân 僊峰夢蓮堂主人 khi đề tự Truyện Kiều đã nhận xét về tài năng của Nguyễn Du, ông cho rằng nhà thơ là người có “đôi mắt nhìn thấu sáu còi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời”. Người xưa đã hết lòng vì kẻ tri âm nên đã thốt lên những lời tri kỷ ấy vậy. Mộng Liên Đường quả là người thấu hiểu tâm sự của Nguyễn Du và phong cách triết nhân của thi nhân. Có lẽ điều
ấy xuất phát từ một định mệnh, Nguyễn Du không phải là con người hành động mà là con người tư tưởng, của sự u uất. Cái còi đời với bao thăng trầm và còi người với bao buồn vui không chỉ là nỗi niềm trăn trở của ông mà còn là chỗ tìm về của tư tưởng Nguyễn Du với Truyện Kiều, là một tuyệt phẩm đã đi đến chỗ diệu vợi. Dường như, Nguyễn Du được sinh ra để suy tư, ông đã tự nhận điều ấy: “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Độc Tiểu Thanh ký). Một thể chất yếu đuối, nhạy cảm, một cá tính trầm lặng, ít nói với một tâm hồn tế vi, khiến Nguyễn Du thuộc về mẫu người nghĩ hơn là làm, suy tư nhiều hơn là hành động. Trong chuyên luận Văn hoá Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hoá, Đỗ Lai Thuý đã gọi “Nguyễn Du là con người đang đi trên đường tìm kiếm sự hài hoà” [148, tr.330], là nhà thơ của những niềm tâm sự, là con người của những miền ký ức.
Theo thống kê của chúng tôi, qua 203 bài trong Nguyễn Du toàn tập [31] - từ
Thanh Hiên thi tập 清軒詩集 qua Nam Trung tạp ngâm 南中雜吟 đến Bắc hành tạp lục 北行雜錄, hơn 100 lần xuất hiện các hình thức nghi vấn, tự vấn, cật vấn… Có lẽ, ngoài Cao Chu Thần 高周臣 - người trí thức chưa học được phép ngủ - chưa có nhà thơ trung đại nào lại đặt ra khá nhiều câu hỏi như Tố Như vậy. Đi qua những trải nghiệm, những xót xa của thời cuộc, những tang thương của chính bản thân, sau
khi bị trục xuất khỏi toà lâu đài quý tộc, phiêu dạt trong còi nhân gian và tha hương ngay trên chính quê hương của mình, Nguyễn Du dường đã tự xây dựng cho mình một cô đài thi ca với những hình ảnh đau thương, những vong hồn u mê lạc lối trên đường hoá sinh. Đối tượng hướng đến của Nguyễn Du là cuộc đời, con người trong những dằn vặt đau thương và dường như là chính bản thân mình nữa. Khi ông nói đến cổ nhân, các bậc danh sĩ, kỳ nữ tài tình, hương sắc thì không gì khác là ông
đang tự thú về bản thân mình, là tinh thần Ngã tự cư 我自居 - một cảm thức tự thú,
hướng ngã mà ông đã từng khẳng định. Vì thế, trong quá trình vận động, tự thân nó đã hình thành nên một hệ thống quan niệm thẩm mỹ, quan niệm của nghệ thuật rất riêng tây của một người làm thơ đã đạt đến trình độ có mã thơ riêng của mình và vì lẽ ấy ông cũng là phong cách văn hoá của một nhà tư tưởng đầy cá tính.