Phát Huy Vai Trò Của Văn Hóa Nghệ Thuật Trong Việc Giáo Dục Giá Trị Văn Hóa Tinh Thần Truyền Thống Dân Tộc Góp Phần Hình Thành, Phát Triển Nhân Cách Sinh


Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là biện pháp tích cực trong phòng chống tệ nạn xã hội; nâng cao khả năng “đề kháng, miễn dịch” với văn hóa phản động, độc hại xâm nhập học đường.

Bốn là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đi đôi với kỷ cương, kỷ luật học đường nghiêm minh; nâng cao hiệu quả quản lý SV thông qua các văn bản pháp quy như: nội quy, quy chế học tập; thực hiện đồng bộ biện pháp giáo dục, hành chính đến phát hiện xử lý kịp thời kỷ luật SV vi phạm.

Năm là, duy trì thường xuyên mối liên hệ phối hợp trách nhiệm giữa nhà trường với gia đình và các lực lượng xã hội liên quan, từ công tác tuyên truyền giáo dục, nắm bắt tình hình đến phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu trong một bộ phận SV.

4.2.5. Phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc góp phần hình thành, phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay

Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Nghệ thuật là một loạt những hoạt động khác nhau của con người với đặc trưng được mô tả bởi sự bắt chước (phản ánh cuộc sống), sự thể hiện, trao truyền cảm xúc và những sản phẩm do những hoạt động đó tạo ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa nghệ thuật là nhu cầu thị hiếu, món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân, có khả năng định hướng quan điểm và dư luận. Bác chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi có bổ ích” [45, tr.64 ]. Đảng ta chỉ rõ, văn học nghệ thuật có vị trí rất quan trọng, phải được định hướng để phù hợp với mục tiêu chung của đất nước; văn hóa nghệ thuật phải phát huy tính giáo dục cho nhân dân, nhất là lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống,…; cổ vũ, động viên các tầng lớp


nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực góp phần đẩy mạnh công cuộc CNH - HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Chức năng giáo dục của nghệ thuật bắt nguồn rất sâu từ bản chất của nó. Nghệ thuật nhân ra,rút ngắn, tập hợp các lối sống phù hợp, hình thành ý thức mới làm cho con người học hỏi được nhiều cuộc sống khác” [40, tr.107]. Phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV, vì thế mà trở nên vô cùng cần thiết.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.

Có thể điểm qua một số lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực với giáo dục GTVH tinh thần TTDT góp phần hình thành, phát triển nhân cách SV để thấy rõ hơn điều đó.

Phát huy vai trò của âm nhạc trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc cho sinh viên. Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống loài người, cuộc đời con người, từ tiếng mẹ ru thuở lọt lòng và những bài hát đồng dao khắc vào tâm can, từ tiếng hát giao duyên tuổi yêu đương và những bài ca hòa theo nhịp điệu lao động, cho đến những khúc hát bản đàn gắn với sinh hoạt tập thể, tế lễ, thờ cúng, ma chay...Âm nhạc làm giàu đời sống tinh thần, cân bằng trạng thái tâm sinh lý, đưa con người ta gần với nhau hơn trong sự đồng cảm và hướng thiện. Âm nhạc - nhất là tác phẩm không lời, là ngôn ngữ đối thoại toàn cầu, không cần phiên dịch. Âm nhạc khiến ta thấy yêu đời, khích lệ ta vượt lên những cản trở tưởng như không thể vượt qua, giúp ta chế ngự nỗi sợ hãi, sự cô đơn để vươn lên. Sức mạnh huyền bí của âm nhạc được tôn vinh trong rất nhiều truyền thuyết từ Đông sang Tây. Tiếng hát mê hồn đã giúp Orpheus chinh phục cả quỷ dữ, đưa chàng vượt qua mấy tầng địa ngục kinh hoàng để cứu vợ. Âm nhạc trong cổ tích Việt Nam cũng lắm phép màu: nghe tiếng đàn kêu tích tịch tình tang của Thạch Sanh mà công chúa khỏi câm, còn lũ giặc rã rời vì nhớ vợ con, chẳng đánh cũng tan tác. Ở một đất nước chiến tranh liên miên như Việt Nam, sức mạnh tinh thần, sức mạnh đồng đội từ âm nhạc được vận dụng tối đa. Chiến binh cần tiếng trống, tiếng kèn

Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay - 19


xung trận. Người tù cách mạng cần tiếng hát lạc quan. Trong chiến tranh vệ quốc, khi miền Bắc cất cao “Tiếng hát át tiếng bom”, thì miền Nam tha thiết “Tôi hát cho đồng bào tôi nghe”. Và hôm nay, MV “Tiếng gọi non sông”, “Quốc ca - Tiến quân ca”, dự án âm nhạc “Những trái tim Việt Nam”, chương trình đại nhạc hội “Khí phách Đại Việt”…đã nhanh chóng truyền đi thông điệp về tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc Việt Nam, chạm tới trái tim hàng triệu người Việt và bạn bè trên khắp thế giới. Với SV, không thể không nói đến “Bài ca sinh viên”, đây là một ca khúc rất hay, mỗi khi cất lên luôn gây cảm xúc mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, ý thức vươn lên của các thế hệ SV Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, hôm nay giới trẻ nói chung, SV nói riêng không quay lưng với âm nhạc truyền thống, âm nhạc cách mạng, bởi cái gì là giá trị thì vẫn vẹn nguyên giá trị và đi cùng năm tháng. Những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật và nhân văn luôn khơi gợi, phát triển trí tưởng tượng đầy sáng tạo của con người, là điều kiện tốt để nuôi dưỡng nhân cách. Tác phẩm âm nhạc mang đậm tính dân tộc là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là lời khẳng định bản sắc của dân tộc ta trước thế giới, là góp thêm nét độc đáo trong sự đa sắc màu của văn hóa nhân loại. Vì vậy, có thể coi âm nhạc là một phương tiện tuyệt vời để giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục tinh thần dũng cảm, bất khuất, không ngại khó khăn gian khổ cũng như lòng nhân ái bao dung, yêu chuộng hòa bình, lạc quan yêu đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Xuất phát từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp, cung cấp tri thức âm nhạc, phát triển tình cảm, thẩm mĩ cho SV nhằm định hướng và phát triển văn hóa âm nhạc cho SV là vô cùng quan trọng. Nhà trường có thể tổ chức các loại hình: Phát triển hoạt động ngoại khóa biểu diễn; Tổ chức các chuyên đề văn hóa âm nhạc; Tổ chức câu lạc bộ âm nhạc; Sử dụng dân ca là một phương tiện giáo dục góp phần nâng cao văn hóa âm nhạc truyền thống cho SV; tổ chức giới thiệu các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của thế giới, của


Việt Nam, kết hợp tổ chức diễn đàn bình luận trong SV; tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá âm nhạc lành mạnh trong nhà trường…

Phát huy vai trò của ca dao, dân ca trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc cho sinh viên. Ca dao, dân ca là sự kết tinh những giá trị thuần tuý của tinh thần dân tộc, là nét đẹp trong văn hóa dân gian Việt Nam. Trong ca dao, dân ca không chỉ cho thấy những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mà còn làm nổi bật lên tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người thiết tha. Lấy nguồn cảm hứng từ thực tế cuộc sống, từ kinh nghiệm sản xuất mà ca dao dân ca được sáng tạo nên. Đó là lời ăn, tiếng nói của ông cha ta tích lũy từ ngàn đời, răn dậy con cháu, bao hàm những nội dung mang ý nghĩa triết lý dạy bảo rất sâu sa. Đó là những câu hát được truyền tải bằng âm thanh giọng điệu ngôn ngữ với nội dung nghệ thuật phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê, là luỹ tre xanh, cây đa, giếng nước, sân đình, là cánh đồng lúa trải rộng sải cánh cò bay…Hai tiếng quê hương nghe gần gũi thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng ta nên người. Qua ca dao, dân ca những hình ảnh của miền quê như trở nên gần gũi hơn, lung linh hơn nhờ những ca từ đầy hình ảnh. Khi nói đến dân ca, chúng ta không thể quên những lời ru con thiết tha trìu mến, qua tiếng ầu ơ mẹ ru con, những hình ảnh của miền quê yêu dấu của biển rộng non cao, những người mẹ năm tháng tảo tần một nắng hai sương nuôi dậy con khôn lớn. Những lời hát ru của mẹ đã hòa đồng với tâm hồn trẻ thơ, vừa đằm thắm nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần trầm tư sâu lắng. Trong câu hát của mẹ có ánh trăng soi rọi như đưa con vào giấc ngủ êm đềm, có áng mây trôi bồng bềnh trên đỉnh núi, có dòng sông bên lở bên bồi, có mặt biển long lanh ánh bạc và những con thuyền thấp thoáng ngoài khơi xa. Tình người, tình đời mênh mang, dù đi khắp chân trời góc bể, vẫn đau đáu nỗi niềm “chim nhớ lá rừng”, “cách xa cội nguồn ngồi một mình nhớ lũy tre xanh”. Ca dao, dân ca là sản phẩm văn hoá, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi con người Việt Nam nói chung, với SV nói riêng. Giáo dục truyền thống thông qua ca dao, dân ca vừa có ý nghĩa sâu sa vừa gần gũi thiết thực.


Năm học 2014, Đại học FPT chính thức triển khai chương trình giáo dục ca dao, dân ca Việt Nam thông qua chương trình giảng dạy được thiết kế bài bản và phù hợp với trình độ tiếp thu của SV. Thiết nghĩ, để phát huy vai trò của ca dao, dân ca trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự năng động của lãnh đạo mỗi trường.

Phát huy vai trò của văn học trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc cho sinh viên.

Văn học giúp ta hiểu thêm về văn hoá, con người, lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại. Có thể nói không một thước đo thời gian nào sắc nét như văn học. Văn học là “bách khoa toàn thư” về vô vàn những cung bậc cảm xúc của con người, tất cả đều sinh động và chân thực đến kì lạ. Người ta đọc sách để tăng thêm sự hiểu biết và hiểu biết đúng đắn, chân thực về đời sống xã hội, đời sống nội tâm và sinh học con người, như vậy là bổ ích. Người ta đọc sách chỉ để giải trí, để thư giãn, vậy cũng là bổ ích. Robert Creeley có một câu triết lý rất hay “Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc”.

Trong xã hội bận rộn và ồn ào ngày nay, nhịp sống tất bật, hối hả đôi khi làm chúng ta quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống. Đọc một bài thơ, một cuốn chuyện hay để ta chiêm nghiệm và sống chậm lại, ta sẽ thấy trân trọng từng giây phút đẹp đẽ trôi qua trong cuộc đời này. Tìm hiểu, đi sâu vào lĩnh vực văn học, ta sẽ nâng cao được nhận thức, bồi dưỡng được tư tưởng, tình cảm tốt đẹp và năng lực thẩm mĩ. Nếu xã hội hiện đại dường như ngày càng khiến con người dần xa cách nhau thì với văn học sẽ giúp ta bồi dưỡng “tình đời”, làm cho tâm hồn tình cảm thêm phong phú, nhạy cảm, rung động trước cái đẹp, cái thiện, cái thực của cuộc đời. Đâu chỉ có vậy, văn học còn là để đi tìm về với nguồn cội của dân tộc, đến với lịch sử hào hùng của cha anh. Đọc “Nam quốc sơn hà” để thêm yêu quý bờ cõi dân tộc, học “Bình Ngô đại cáo” để căm thù bọn giặc hung tàn, bồi đắp cho bản thân niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đọc “Tắt đèn”, “Bước đường cùng” để khâm phục, để hiểu thêm


về những con người Việt Nam chân chất, hiền lành dù sống trong tận cùng khổ đau nhưng vẫn không đánh mất mình. Đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20” để hiểu về một thế hệ trẻ khát vọng sống, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc như thế nào…Tất cả đều giúp ta tạo nên sự cân đối trong phát triển trí tuệ, tài năng cũng như hình thành nhân cách con người. Thông qua hình tượng nghệ thuật, các nhân vật trong các tác phẩm văn học sẽ giúp cho SV nâng cao lòng yêu nước, ý thức tự cường dân tộc; nêu cao tinh thần vượt khó trong học tập, rèn luyện; bồi dưỡng lòng nhân ái, bao dung; đức tính cần cù, khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống, lạc quan yêu đời, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.

Một biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay là phải rèn luyện thói quen và kỹ năng đọc sách cho SV nhằm giúp họ có văn hóa đọc sách để tiếp tục học hỏi suốt đời, để tiếp nhận kiến thức mới và thích nghi với tình hình liên tục đổi mới. Đọc sách là cách tự học tốt nhất. Văn hóa đọc là một yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của quá trình tự học. Vì vậy, muốn có kiến thức và khả năng làm việc tốt sau khi ra trường thì trước hết, SV phải học và phải đọc sách. Với mỗi môn học, giảng viên cần cung cấp các tài liệu tham khảo để SV có sự định hướng khi đọc. Thư viện nhà trường cần được đầu tư để tăng cường số lượng và chủng loại sách, có kế hoạch cụ thể để xây dựng, cổ vũ văn hóa đọc cho sinh viên trong trường. Cần tạo ra những hoạt động xã hội kích hoạt văn hóa đọc như: sự kiện “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; tổ chức cuộc thi “Sinh viên với văn hóa đọc sách”; SV thi thuyết trình, hùng biện; tìm hiểu lịch sử truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng... Đài Truyền hình Việt Nam với chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách”, Đài tiếng nói Việt Nam với chuyên mục “Đọc chuyện đêm khuya”…

Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, sự phát triển đa dạng của các loại hình văn hóa nghệ thuật, việc giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV thông qua vai trò văn hóa nghệ thuật là một bài toán khó cần phải được nghiên cứu, tìm tòi lời giải. GS Phong Lê đặt


câu hỏi “Bản sắc dân tộc trong văn hóa, văn học- nghệ thuật thời kỳ toàn cầu hóa là gì?”. Và theo ông:

Đó quả là vấn đề thật rộng lớn, bao trùm nhiều mặt sinh hoạt tinh thần và vật chất của con người, với những nét riêng, những đặc sắc riêng, không lẫn với bất cứ ai, thể hiện trong ca dao, dân ca, chèo, tuồng; trong ca nhạc, hội họa, kiến trúc; trong đền miếu, đình chùa; trong phong tục, tập quán, nếp sống, ứng xử...Trong xã hội hiện đại, dưới áp lực của toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần giữ cho được cái riêng của mình, vẫn càng cần được là mình [41].

Hiện nay, dù còn quan niệm phủ nhận sự tồn tại của thị trường văn hóa nghệ thuật. Nhưng dưới góc độ nào thì nó vẫn tồn tại, bởi lẽ nó là hệ quả tất yếu của quan hệ cung cầu và một sản phẩm chỉ được gọi là sản phẩm văn hóa nghệ thuật một khi nó được cộng đồng thừa nhận. Giải pháp phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc cho SV hiện nay không thuần túy ở góc hẹp tuyên truyền, giảng dạy mà còn đòi hỏi một sự đầu tư thực sự, với những cách làm năng động, và rất cần cái tâm của các nhà lãnh đạo các nhà trường cao đẳng, đại học.

Tóm lại, để đạt được mục tiêu giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV, cần chú trọng tác động tích cực lên từng mặt của nhân cách, vừa chú trọng đến sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau của các mặt đó trong chỉnh thể tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, trí tuệ của SV. Công tác giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV các trường cao đẳng, đại học hiện nay đòi hỏi tất cả các chủ thể giáo dục cần ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Đồng thời, bản thân SV phải luôn có ý thức rèn luyện, kế thừa và phát huy các giá trị đó, góp phần hình thành, phát triển nhân cách SV truyền thống và hiện đại.

Kết luận chương 4

Giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV hiện nay giữ một vai trò hết sức quan trọng không những đối với quá trình hình thành, phát triển NCSV mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Để đạt mục tiêu


đề ra, trước hết cần xác định rõ các quan điểm giáo dục GTVH tinh thần TTDT. Đó là: Trong quá trình giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc phải lấy hoạt động của SV làm trung tâm, giáo viên là chủ đạo; Đảm bảo sự thống nhất giữa truyền thống với hiện đại, kế thừa với đổi mới trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV; Giáo dục GTVH tinh thần TTDT với việc hình trình và phát triển NCSV Việt Nam hiện nay là sự nghiệp của Đảng, nhà nước và của toàn dân, trong đó nhà trường giữ vai trò hết sức quan trọng.

Từ quan điểm trên, hình thành nên một hệ thống giải pháp cơ bản về giáo dục GTVH tinh thần TTDT với việc hình thành, phát triển NCSV Việt Nam hiện nay bao gồm: Đa dạng hóa phương thức giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV; Phát huy vai trò chủ thể của nhà trường trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT; Phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của SV trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT; Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, chủ động phòng chống, bài trừ tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu trong một bộ phận SV; Phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT góp phần hình thành, phát triển NCSV Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, điểm xuất phát chính là từ nhận thức, tư duy là chìa khóa mở lối. Giáo dục GTVH tinh thần TTDT không chỉ thuần tuý là một môn học, ngành học mà còn mang một ý nghĩa to lớn, triển khai một tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược đào tạo những tri thức với bản lĩnh của người Việt Nam, xem bản lĩnh văn hóa truyền thống bản địa là hạt nhân cơ bản, duy lý xuyên suốt quá trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/11/2022