Trong đoạn trích trên tác giả dùng các điển như sắt cầm: đàn cầm và đàn sắt là hai thứ đàn thường đánh hòa âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng êm ấm, hòa hợp; mộng hủy xà: chiêm bao thấy rắn, chỉ điềm sinh con gái; đào hoa nghi kỳ: chỉ người con gái đẹp về nhà chồng. Thơ Đào yêu trong kinh Thi khen người con gái đẹp đã đến tuổi lấy chồng; giấc điềm bi: mộng thấy sinh con trai. Đây đều là các điển cố Hán Việt có nguồn gốc từ kinh Thi tác giả cho biết gia đình họ Trương sinh con gái, gia đình họ Phạm sinh con trai tuy hơi muộn, nhưng việc hứa hôn của hai gia đình được như ý. Hầu như điển cố, thi liệu trong lời kể của tác giả đều là những điển khá quen thuộc. Tuy nhiên, vẫn còn một số điển cố, thi liệu trong lời kể của tác giả không hoàn toàn dễ hiểu và ít xuất hiện. Và như thế, việc sử dụng điển cố hay các mỹ từ trong ngôn ngữ văn học cổ điển được xem là không thành công.
Như vậy, ngữ liệu văn hoá trong tác phẩm văn học cổ điển, ở một góc độ nào đấy đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Trong quá trình hành chức, nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian, giới hạn của đề tài, hệ thống ngôn ngữ văn hoá khảo sát ở đây được chúng tôi thu hẹp trong phạm vi ảnh hưởng và tiếp xúc với văn hoá bác học và bình dân.
1.2.3. Giá trị thẩm mỹ của ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam nhìn từ góc độ văn hoá
Ngôn ngữ nghệ thuật là dạng thức ngôn ngữ được dùng để biểu đạt nội dung hình tượng của các tác phẩm nghệ thuật. Xét từ phương diện chất liệu, lớp ngôn ngữ được sử dụng trong các tác phẩm văn chương được bắt nguồn từ kho “quặng chất liệu” của ngôn ngữ toàn dân, nhưng khả năng tái tạo hình tượng là nét nổi bật của ngôn ngữ nghệ thuật, do đó những nét tương phản của lớp ngôn từ này chỉ bộc lộ ở phương diện thẩm mỹ. Đồng thời, bản thân ngôn từ nghệ thuật cũng dung chứa những ý nghĩa, giá trị văn hoá sâu sắc, thể hiện những tính chất văn hoá đặc thù của một dân tộc, thời đại trong quá trình hiện thực hoá cảm xúc, tư duy thẩm mỹ nghệ thuật của nhà nghệ sỹ.
Nếu ngôn ngữ là “công cụ giao tiếp quan trọng nhất” thì ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ là phương tiện miêu tả cái thực tại ngoài ngôn ngữ mà nó còn là đối
tượng của sự miêu tả, cần được phân tích và soi rọi. Nó được xem là đối tượng đã được định danh bậc hai, là những biểu tượng của nội giới mà nhà nghệ sỹ đã hun đúc được trong hành trình tiếp xúc văn hoá và đi tìm ý nghĩa đích thực của nghệ thuật. Tuy nhiên, trong giao tiếp nghệ thuật, hệ thống này không chỉ biểu thị một khái niệm hay một ý nghĩa đơn trị, đơn thuần nào đấy, tức là không tồn tại sự đơn nghĩa, vì nếu thế sẽ rất lãng phí hình thức. Mỗi một câu, chữ trong tác phẩm đã dung chứa những giá trị thẩm mỹ của môi trường văn hoá nơi tác phẩm đã ra đời và lưu truyền, hành thế.
Khảo sát hệ thống ngôn ngữ tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam, nhất là truyện thơ Nôm bác học, hệ thống thi liệu, điển cố luôn không chỉ là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn mà còn là những rào cản nghệ thuật đối với người đọc. Sự trang bị cũng như những hiểu biết về văn hoá cổ điển truyền thống Đông phương luôn là những điều kiện cần thiết. Đó không chỉ là chìa khoá giải mã tác phẩm mà còn thể hiện bản lĩnh văn hoá, chiều sâu văn hoá trong phong cách của người sáng tác và người tiếp nhận. Ví dụ:
“Vườn tây uyển khúc trùng thanh dạ, Gác Lâm Xuân điệu ngả Đình Hoa.”
Có thể bạn quan tâm!
- Phương Pháp Tiếp Cận Văn Hóa Đối Với Tác Phẩm Văn Học
- Ngôn Ngữ Với Vấn Đề Bảo Tồn, Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hóa
- Ngữ Liệu Văn Hoá Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Nôm Bác Học
- Một Số Đặc Trưng Cơ Bản Của Ngữ Liệu Văn Hóa Trong Ngôn Ngữ Nghệ
- Sự Thể Hiện Quan Niệm Thẩm Mỹ Của Nguyễn Du Trong Thơ Chữ Hán Và
- Tiếp Nhận Và Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Hán, Bác Học Và Văn Hoá Việt, Bình Dân Đối Với Hệ Thống Ngữ Liệu Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Kiều
Xem toàn bộ 272 trang tài liệu này.
(Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲)
“Khách đà về chốn tây trai,
Một mình, một bóng đứng ngồi sao yên.”
(Bích Câu kỳ ngộ 碧溝奇遇)
Nếu chỉ căn cứ vào ý nghĩa thực chỉ của những từ như tây uyển, tây trai, Lâm Xuân, Đình Hoa thì ngôn ngữ tác phẩm trở nên thô cứng, tức là nó chỉ cung cấp cho người đọc lớp nghĩa bề mặt mà không đi vào lớp nghĩa bề sâu để người đọc có thể hiểu tác phẩm một cách sâu sắc hơn. Song khi tiếp cận văn hoá với những ngữ liệu này, người đọc sẽ giải thích được tính hợp lý vốn có để những ngữ liệu này có thể tồn tại được, tức là người đọc có thể phân tích và nêu bật được nét nghĩa hư chỉ, nghĩa bóng của ngữ liệu.
Nhà nghiên cứu Ngữ văn học cổ điển Trung Hoa Dương Lâm trong công
trình khảo cứu nổi tiếng Hán ngữ từ hối dữ Hoa Hạ văn hóa đã nhận định: “Tây là
nơi mặt trời lặn, cũng là nơi sản sinh ra tối tăm lạnh lẽo, mang ý nghĩa tử vong, không tốt lành...” [182, tr.57]. Trong thế đối lập tương đối giữa Đông và Tây, Nam và Bắc nếu những ý nghĩa, hàm nghĩa văn hoá của Đông, Nam thường mang sắc thái dương tính thì ngược lại Tây, Bắc cũng phái sinh nhiều nét nghĩa mới nhưng thường mang sắc thái âm tính và do đó nó thường gắn liền với phụ nữ như
Tây Thi 西施 (nhân danh, chỉ người con gái đẹp), Tây tử 西子 (chỉ người con gái
đẹp), Tây trai 西齋 (căn phòng ở phía Tây, nơi con gái ở), Tây Vương Mẫu
西 王 母 (bà chúa của các tiên nữ), hoặc sự chết chóc, suy vong, yếm thế như Bắc
mang 北 邙 (tên địa danh, hàm chỉ nơi chôn người chết), Bắc thủ 北 首 (sự phản bội), Bắc vọng 北 望 (sự ngóng mong về còi Bắc, nỗi nhớ quê hương), Bắc song 北 窗 (cửa sổ ở chái Bắc, nơi ở của mẹ)...
Trở lại với hai ngữ liệu tây uyển và tây trai đã dẫn trên, đây là hai ngữ liệu gắn liền với nữ nhân và nhờ có nó Nguyễn Gia Thiều mới có thể bộc bạch nỗi lòng của người cung nữ khi nhớ về khúc điệu Đình Hoa của Trần Hậu Chủ, ấy cũng là một sự hồi tưởng về một quá khứ huy hoàng của những ngày được quân vương sủng ái hay tác giả truyện Nôm Bích câu kỳ ngộ sử dụng ngữ liệu Tây trai không chỉ nói về phương hướng của trai phòng mà thực chất là đề cập đến chỗ ở của người con gái, để từ đó diễn tả nỗi nhớ nhung, tương tư của chàng thư sinh Tú Uyên đối với Giáng Kiều.
Ở một ví dụ khác, chữ Bắc 北 cũng đã đi vào trong tác phẩm văn thơ cổ Việt
Nam như một ngữ liệu quan trọng giúp cho thi nhân có thể phản ánh không gian nghệ thuật của thi phẩm. Trong quan niệm của người xưa, Bắc gắn liền với sự u tối, lạnh lẽo, vì thế những câu thơ xuất hiện chữ Bắc thường tạo nên một âm hưởng hoang vắng, tàn tạ, nhạt nhoà, phai phôi. Trong tâm trạng nhớ nhung người chồng nơi chiến tuyến, người chinh phụ đã dòi mắt về hướng Bắc ngóng trông bóng hình của chinh phu. Thế nhưng, nàng chỉ thấy ở phương đó toàn là những cảnh hoang vắng, lẻ tẻ vài ba quán khách, giữa muôn trùng núi non, nghe tiếng địch trên lầu cao tê tái, nỉ non:
“Bắc lai hoà thử bán hoang thành,
Vi vũ giang lâu địch nhất thanh...”
(Chinh phụ ngâm khúc 征婦吟曲) Hồng Hà nữ sĩ 紅河女士 đã chuyển Nôm rất tài tình như sau:
Trông đường Bắc đòi chòm quán khách, Mây rà cây xanh ngất núi non.
Lúa thành thoi thót bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.
Nam Trung tạp ngâm 南中雜吟 là một tập thơ chất chứa những tiếng thở dài, một tâm trạng, u uất, bế tắc, một trái tim luôn tha thiết với nhân dân, với quê hương của Tố Như Tử 素如子, trong Tân thu ngẫu hứng 新秋偶興, ông đã viết:
“Giang Thành nhất ngoạ duyệt tam chu, Bắc vọng gia hương thiên tận đầu.” (Giang Thành nằm mãi ba năm rồi, Ngóng Bắc quê nhà cuối tận trời.)
Ngữ liệu bắc vọng 北望 trong hai câu thơ trên hàm chỉ tâm sự mong ngóng, nhớ
nhung về quê nhà trong nỗi cô đơn, u hoài. Đó cũng là tâm sự của chuỗi ngày làm quan ở
Huế nhưng lòng vẫn luôn đau đáu nhớ quê nhà.
Từ góc độ văn hoá bình dân, qua khảo sát một số tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, chúng tôi nhận thấy từ ngữ trong thơ văn Nôm của cụ Đồ luôn có những nét mộc mạc, bình dị của ca dao và thấm đẫm bản chất chân thật, hồn nhiên, táo bạo và bộc trực như chính tính cách hào sảng của con người Nam bộ. Có lẽ vì thế những nhân vật trong thơ văn cụ Đồ, dẫu là những người anh hùng văn vò song toàn nhưng vẫn đơn sơ bình dị trong hành động cũng như trong giao tiếp. Một nho sinh Lục Vân Tiên kinh sử làu thông nhưng hành động, cử chỉ quê mùa, lúng túng khi hỏi chuyện khách qua đường: Cả kêu: “Bớ chú còng con, Việc chi gấp gáp bon bon chạy hoài”. Đặc trưng văn hoá Nam bộ càng rò hơn qua lời đáp trả, tạ từ của anh chàng họ Lục này, không một chút văn hoa nhưng lại rất rắn rỏi: “Vân Tiên nghe nói rằng ừ! Làm thư cho kịp chừ chừ chớ lâu”. Những từ ngữ ấy có phần thô cộc, đậm chất khẩu ngữ và thiếu sự lãng mạn tình tứ cần thiết như bao mối tình tài tử giai nhân trong văn
học cổ điển Việt Nam nhưng nó chân chất, bình dị và quen thuộc với văn hoá ứng xử của người dân Nam bộ nghĩ sao nói vậy! Câu nói của ông Quán: “Quán rằng ghét việc tầm phào, Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm”, tuy có vẻ thô kệch nhưng lại chất chứa biết bao tình cảm yêu thương, căm ghét rất phân minh, cụ thể. Đó cũng là cách nghĩ suy rất đặc trưng của nhân dân Nam bộ: Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương.
Vẻ đẹp của những từ ngữ văn hoá bình dân trong các sáng tác Nôm không chỉ được toát lên từ nghệ thuật sử dụng từ ngữ bình dân mà còn bộc lộ quan điểm của nhân dân về các vấn đề xã hội. Nguyễn Đình Chiểu đã nói lên được tiếng nói của người bình dân, thay mặt người dân để bày tỏ lòng ghét thương, nỗi căm giận. Tiếng chửi trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc rất nôm na dân dã nhưng lại chứa đựng bao sức mạnh: Bát cơm manh áo nợ đời, mắc mớ chi ông cha nó. Có những chân lí hoặc những suy ngẫm về đạo lí ở đời cũng được nhà thơ đúc kết dưới dạng rất giản dị mà hết sức rắn rỏi:
“Dù đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn nhơ tanh rình.
Dù đui mà đặng trọn mình Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu”
(Ngư tiều y thuật vấn đáp 漁樵醫術問答)
Từ ngữ được dẫn dụng trong mấy câu thơ tuy đơn sơ nhưng toát lên vẻ sắc cạnh độc đáo, ông không chỉ bộc bạch quan niệm cá nhân mà còn lột tả được phác thảo được vẻ đẹp văn hoá của bức chân dung, diện mạo, tính cách của người dân Nam bộ một cách rò nét. Nét đẹp của Kiều Nguyệt Nga được miêu tả không giống như nét đẹp của Thúy Kiều, nhưng Kiều Nguyệt Nga vẫn trội bật lên với vẻ đẹp quen thuộc, giản dị đời thường: Nguyệt Nga đứng dậy mỉm cười có duyên. Dù là nho sĩ nhưng diện mạo và tính cách của Hớn Minh chẳng khác gì người vẻ bề ngoài của nông dân Nam bộ thứ thiệt, chân chất, dám làm dám chịu:
“Tôi bèn nổi giận một khi,
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
Mình làm nỡ để ai lo,
Bó tay chịu trói nạp cho huyện đường.”
(Lục Vân Tiên 陸雲僊) Tuy không có ngoại hình hùng dũng như Từ Hải, nhưng Hớn Minh, Lục Vân
Tiên vẫn có được phong độ của một trang hảo hán, một người anh hùng nông dân. Có lẽ, qua các ngữ liệu văn hoá bình dân được Nguyễn Đình Chiểu sử dụng, người nông dân côi cút nghèo khó bỗng vụt sáng ngời về tinh thần cứu quốc, xả thân vì nghĩa cả, họ hiên ngang bước vào văn học Việt Nam như một biểu tượng văn hoá cao đẹp, một tượng đài vĩ đại của tinh thần yêu nước.
Có thể nói, tham chiếu từ góc độ văn hoá, chúng ta dễ dàng nhận thấy Ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam không chỉ là một công cụ giao tiếp của nhà văn đối với bạn đọc mà nó đã trở thành một hình thức giao tiếp có tính văn hoá. Tính chất này được thể hiện không chỉ qua tính đa nghĩa của câu chữ, ngôn từ mà còn được phản ánh qua những nét nghĩa văn hóa được ẩn hàm bên trong hệ thống ngữ liệu nghệ thuật ấy. Nhà văn giao tiếp với độc giả trong một môi trường văn hoá trung đại và qua quá trình này, nhà nghệ sỹ có điều kiện bộc lộ, thể hiện chiều sâu văn hoá đối với quá trình cắt nghĩa cuộc sống theo cách riêng của mình.
1.3. Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm - Tấm gương phản chiếu văn hóa
1.3.1. Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm, một hình thức giao tiếp đặc thù của văn học cổ điển Việt Nam
Khi tiếp cận ngôn ngữ văn học cổ điển Việt Nam nhất là truyện thơ Nôm bác học, độc giả phải tiếp xúc với một hệ thống ngữ liệu cổ văn rất phong phú về nội dung và phức tạp về nguồn gốc. Do đó, để hiểu và thưởng thức vẻ đẹp, xúc cảm với những ý nghĩa nội tại hàm ẩn trong ngôn ngữ tác phẩm văn chương thời kỳ trung đại, người thưởng thức phải được trang bị một vốn kiến thức về lịch sử, văn hoá, đặc điểm xã hội, đặc điểm thi pháp cổ điển... mà cần thiết hơn cả là sự hiểu biết về
nguồn gốc, xuất xứ văn hoá của hệ thống điển cố, thi văn liệu. Bởi lẽ đây là lớp từ ngữ đa nghĩa, được sử dụng thường xuyên và phổ biến trong thi pháp văn học cổ. Những ngữ liệu đã được trừu tượng hoá, khái quát hoá và đúc rút từ những mẩu chuyện lịch sử, văn chương, cách đối nhân xử thế, kinh nghiệm sống... của tiền nhân được ghi chép và lưu giữ trong kho thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam.
Những dấu ấn văn hoá, quan niệm nhân sinh, văn chương, xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm. Đặc biệt, trong quá trình hành chức của nó, hệ thống ngữ liệu này đã góp phần hình thành tính đa nghĩa của ngôn ngữ tác phẩm. Chẳng hạn, khi gặp các ngữ liệu như đông sàng, đông quân, thanh đế, xuân phong, thu phong, tàn lạp, sương diệp, tây phong, tây lầu, tây sương, tây trai, tây uyển... trong các thi phẩm trung đại, chắc hẳn người đọc sẽ không khỏi băn khoăn vì lớp ngữ nghĩa rất phức tạp của nó. Tuy nhiên, khi mã văn hoá của các ngữ liệu này đã được biện giải thì quá trình tìm hiểu tác phẩm sẽ trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
Sau khi ra đời và bước vào đời sống văn học dân tộc, Truyện Kiềuđã thực sự trở thành món ăn tinh thần cho bao thế hệ người đọc Việt Nam. Cùng với Lục Vân Tiên ở Nam Bộ, tác phẩm này đã trở thành song đại tuyệt phẩm của thể loại truyện Nôm bác học. Sự ra đời của Truyện Kiều đã góp phần to lớn làm phong phú đời sống văn hóa dân tộc. “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều” đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt. Ngôn ngữ Truyện Kiều đã đạt đến độ tinh xảo, chính xác, là điển hình tiêu biểu cho sự phát triển toàn thịnh của ngôn ngữ văn học dân tộc và những tác động của nó, đặc biệt là lớp từ ngữ văn hóa Truyện Kiều đã đi vào ca dao dân ca như những ngữ liệu, chất liệu là tô đậm thêm vẻ đẹp duyên dáng của văn hoá, văn học dân gian Việt Nam.
Nguyễn Du miêu tả khung cảnh tài tử giai nhân tao ngộ qua sự xuất hiện của Kim Trọng trong buổi Thanh minh:
“Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha mầu áo nhuộm non da trời.”
(Câu 0139 - 0140)
“Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.”
(Câu 0143 - 0144)
Một bức tranh thiên nhiên và khung cảnh lễ hội được nhà thơ phác thảo qua những hình ảnh văn hoá rất đặc trưng của Trung Hoa, Việt Nam. Con người trong tiết Thanh minh đi sửa phần mộ và tìm đến những bóng hình quá khứ tạo nên một dạng thức của không gian hồi cố trong tâm cảm. Đặng Thanh Lê đã phân tích bức tranh Thanh minh ấy một cách khéo léo và hấp dẫn như sau:
Nguyễn Du đã chứng tỏ bậc thầy về ngôn ngữ ngay ở câu thơ tự sự ngắn gọn về một sinh hoạt thông thường: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Nghi lễ và hội hè có thể có mối quan hệ gắn bó mật thiết nhưng đó vẫn là hai hình thức sinh hoạt văn hoá có điểm khác biệt: Hội đạp thanh là cuộc vui chơi trên dặm cỏ xanh của lứa tuổi thanh xuân... Hội đạp thanh là một cuộc sống hiện tại và có thể tìm thấy sợi tơ hồng cho mai sau... trong tiết Thanh minh, có hồi ức, có tưởng niệm (lễ là tảo mộ) nhưng cũng có khát khao và hoài vọng nhìn về phía trước của cuộc đời (hội là đạp thanh)... [82, tr.33].
Khung cảnh thiên nhiên diễm lệ ấy cũng chính là cái cớ để nhà thơ miêu tả một bức chân dung hoàn chỉnh về người nho sỹ tài hoa theo quan niệm Nho gia. Có lẽ, ở đoạn thơ này, Nguyễn Du đã chọn bức tranh thanh minh làm nền cho bức truyền thần của Kim Trọng như một sự tương tác nghịch chiều. Vẻ đẹp thiên nhiên trở nên thơ mộng hơn nhờ có hình ảnh con người và hình ảnh con người trở nên sinh động hơn nhờ có thiên nhiên vậy. Thiên nhiên là chuẩn mực, con người là điểm son. Tất cả những ngữ liệu miêu tả Kim Trọng đều gắn liền với màu xanh: hài văn lần bước dặm xanh, cỏ pha màu áo nhuộm non da trời, một vùng như thể cây quỳnh cành dao... Đông - Xuân - Thanh - Tuổi trẻ - Tình yêu là những từ mang tâm thức văn hoá, dễ liên tưởng qua lại, chính điều đó đã mang lại cho đoạn thơ và ngôn ngữ tự sự tác giả đậm chất trữ tình, nhẹ nhàng, có chiều sâu triết lý, văn hoá. Đồng thời, cách thức liên tưởng ấy cũng tạo nên chuỗi thanh âm phức điệu, những hoà điệu mang tính ngữ cảnh của thể loại truyện Nôm, xu hướng cao nhã và cảm thức văn hoá cá nhân tác giả.