Trong những trang nhật kí đầy xúc động của mình, nhân vật Nam cũng thể hiện những đấu tranh trong nội tâm khi mổ để cứu một tên giặc lái máy bay của Mĩ. Cô viết: "Khi mổ cho nó, mũi dao trên tay em run lên bần bật vì căm thù. Em chỉ cần nhích mũi dao sâu xuống một chút là em đã trả được thù cho anh, cho đồng đội và cho đồng bào cả nước. Nhưng em lại tự xấu hổ với suy nghĩ nông cạn của mình. Em là một người lính, em không thể giết nó khi tính mạng nó đang nằm trong tay em, như cá đang nằm trên thớt. Mũi dao của em là mũi dao cứu người, mũi dao nhân đạo. Em muốn nó sống để tận mắt nhìn thấy tội ác tày trời của mình, để nó nhìn thấy ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam" [7]. Với quyết định đúng đắn sau những đấu tranh trong nội tâm, hành động cuối cùng của Nam đã khẳng định một điều: với một bác sĩ chân chính, nhiệm vụ của họ là cứu người và họ sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu chữa người bệnh dù người bệnh có thể là kẻ thù của họ.
Trong truyện ngắnTrở về, để diễn đạt tấn bi kịch của một người phụ nữ người Việt gốc Hoa thời kì trước khi xảy ra cuộc tấn công của Trung Quốc vào các tỉnh Biên giới phía Bắc nước ta, nhà văn đã chủ yếu dùng phương thức độc thoại nội tâm. Thông qua những độc thoại nội tâm của Hương người đọc thấy được những giằng xé giữa lòng thương yêu chồng con với nghĩa tình làng xóm, nỗi sợ hãi trước cái chết và cảm giác ô nhục nếu làm việc phản bội và đê hèn. Nếu Hương (nhân vật chính - người phụ nữ gốc Hoa) không bỏ được gói thuốc độc vào một cái giếng có nhiều người dùng hoặc vào bể nước của một bếp ăn tập thể thì cô không thể trở về "bên kia" – nơi họ đang giữ chồng và đứa con gái mới hai tuổi của cô. Nếu cô không làm được việc cho chúng, chồng con cô sẽ bị giết. Với những dằn vặt, đau đớn, giằng xé tâm hồn, từ khi ôm hai gói thuốc độc "đôi mắt cô bỗng sâu hẳn xuống, thâm quầng, người gầy rộc đi như trúng thuốc độc vậy" [5]. Đến đêm thứ ba, Hương quyết định hành động, sau khi xong công việc cô sẽ được sống sung sướng với chồng con trọn đời. Nhưng đi gần trọn một đêm, Hương cũng
không thể nào làm nổi cái việc độc ác đó. Cô nghĩ: "Bỏ được thuốc độc, thấy người ta chết, lương tâm bị dày vò cắn rứt rồi cũng chết. Đằng nào cũng chết" [5]. Hương đau đớn ôm ngực lảo đảo, cô thổn thức gọi "Ly con ơi ! Hãy tha thứ cho mẹ! Anh Phương ơi hãy hiểu cho em ! Em không thể làm tay sai cho quân giết người! Em đành…đành tan nát hết! Trời ơi!" [5]. Qua tiếng tiếng kêu thổn thức của Hương, người đọc có thể cảm nhận rõ tâm trạng bối rối, nỗi đau đớn, giằng xé ... của nữ nhân vật người Việt gốc Hoa này.
Nhân vật Khanh trong truyện ngắn cùng tên cũng được tác giả khắc họa tính cách thông qua những dòng độc thoại nôi tâm. Sự thương nhớ, lo âu, những ngày đêm khắc khoải mong chờ tin tức người yêu đang chiến đấu ở miền Nam rồi cả những thoáng băn khoăn khi tuổi xuân đã dần qua đi đã được thể hiện rất rõ thông qua những đoạn độc thoại nôi tâm của Khanh. Lúc nào trong tâm trí của Khanh cũng vang lên câu hỏi: "Đêm nay biết anh Hải ở đâu? Anh nằm trong hầm hay đang chồn chân leo dốc? Trời hôm nay hơi lạnh anh có bị đau khớp không…?" [5]. Những lúc nhớ Hải, Khanh thường hay thơ thẩn một mình trong công viên, nhìn thấy những đôi trai gái đang ngồi tâm tình, Khanh tự ngượng với mình: "Sao mình lại ở đây thế này. Họ sẽ bảo mình điên mất hoặc đang thất vọng chờ ai? Ừ, mà mình chờ thật, mình đã chờ anh Hải mười bảy tháng rồi. Nhưng mình không thất vọng chút nào. Ngày toàn thắng anh sẽ trở về" [5]. Câu chuyện "nàng Tô Thị" ở quê Khanh chờ chồng đi chinh chiến ba năm rồi hóa đá. Còn Khanh đợi người yêu đã năm năm rồi. Năm năm bặt tin anh nhưng Khanh không thể tiếp tục chờ đợi, Khanh sẽ là nàng Tô Thị của thế kỉ XX chứ không phải nàng Tô Thị trong truyện cổ tích. Khanh đã viết đơn xin vào Nam công tác. Đọc lá đơn nhiều lần, Khanh tự hỏi mình rằng: "Việc ra đi này có phải vì anh Hải hay vì tiếng gọi của đồng bào miền Nam ruột thịt?" [7]...
Nói tóm lại, Vi Thị Kim Bình đã sử dụng phương thức độc thoại nội tâm trong môt số truyện ngắn của mình để khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật.
Những đoạn độc thoại của nhân vật tuy không dài nhưng lại rất có ý nghĩa trong việc bộc lộ suy nghĩ, tâm lí của các nhân vật là người dân tộc thiểu số. Đó là những suy nghĩ rất thật, rất trung thực, thể hiện bản chất hồn hậu, nhân ái, chân thật, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh của họ. Từ những đoạn độc thoại này, người đọc có thể hiểu thêm về các diễn biến tâm lí trong thế giới nội tâm của nhân vật cũng như có những đánh giá chính xác hơn về vẻ đẹp tâm hồn và những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của những con người vùng núi cao biên giới xa xôi này.
Như vậy, có thể thấy trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của mình, nhà văn Vi Thị Kim Bình đã rất chú trọng tới việc khắc họa về ngoại hình, hành động và cũng đã chú ý đến việc miêu tả tâm lí của nhân vật. Cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm của Vi Thị Kim Bình chịu ảnh hưởng khá đậm thi pháp truyền thống. Các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn - đặc biệt là nhân vật người phụ nữ, thường mang một nét tính cách thống nhất từ đầu đến cuối, ít có sự xáo trộn, phức tạp. Họ đều được tác giả khắc họa, miêu tả với những nét tính cách và phẩm chất chân thật, hồn nhiên, chất phác luôn tận tụy, tâm huyết với công việc, giàu lòng yêu thương con người, sẵn sàng hi sinh vì người khác. Nói chung, họ khá giống nhau về tính cách, suy nghĩ và hành động. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng luôn cố gắng vươn lên, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách để hướng tới tương lai.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng hình tượng nhân vật trong các tác phẩm của mình, đôi khi nhà văn Vi Thị Kim Bình cũng mắc một số nhược điểm như: tính công thức, sơ lược và đôi chỗ miêu tả cử chỉ, chi tiết ở một vài truyện còn có sự trùng lặp nhau. Song với mục đích viết cho người miền núi, viết về miền núi nên cách xây dựng nhân vật như vậy cũng vừa phù hợp với nhu cầu của người đọc.
Ở giai đoạn sau, sáng tác của Vi Thị Kim Bình đã có sự chuyển biến khá rõ rệt, từ lối viết theo thi pháp cổ điển sang lối viết vận dụng nhiều yếu tố
của thi pháp hiện đại, ví dụ như: từ kể sang tả, từ việc coi trọng việc miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật sang chú ý sang chú ý hơn việc phân tích tâm lí nhân vật, phản ánh tính cách nhân vật, miêu tả cuộc sống đa dạng và đa diện hơn. Các nhân vật trung tâm có nét riêng, có cảnh ngộ riêng, có đời sống nội tâm sâu sắc hơn. Những trang viết của nhà văn đã có nhiều khám phá về những diễn biến tinh tế trong đời sống nội tâm nhân vật. Tuy rằng những sáng tác đó chưa nhiều, nhưng mỗi truyện ngắn như vậy là một công cuộc sáng tạo mới của tác giả - nó thể hiện sự nỗ lực không ngừng của nhà văn nữ dân tộc thiểu số này trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy nhọc nhằn, vất vả nhưng hạnh phúc của bà.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Cốt Truyện Trong Tác Phẩm Tự Sự.
- Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Vi Thị Kim Bình
- Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lí, Tính Cách Nhân Vật Qua Độc Thoại Nội Tâm
- Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 14
- Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 15
- Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 16
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật.
3.3.1. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật
Như đã biết, văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn ngữ văn học là "Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học" [13]. Ngôn ngữ văn học bắt nguồn từ ngôn ngữ nhân dân, được chọn lọc và gọt rũa qua quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn. Nó là phương thức tồn tại, phương thức biểu hiện của nội dung, đồng thời nó còn biểu hiện trực tiếp và rõ nét cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng của nhà văn.
Ngôn ngữ nghệ thuật ra đời qua quá trình sáng tạo của nhà văn nên nó mang dấu ấn, màu sắc riêng của từng tác giả, phản ánh nét độc đáo không lặp lại của nhà văn. Khi các nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi người lại có khả năng thể hiện một giọng riêng, một phong cách riêng bắt nguồn từ cá tính sáng tạo của người viết.
Ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là yếu tố vật chất duy nhất trong tác phẩm văn học. Qua ngôn ngữ, người đọc khám phá được bao điều trong tác phẩm: thế giới hình tượng, tư tưởng, quan niệm... mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật lại chứa đựng cả thế giới mà nhà văn sáng tạo từ cảnh vật, con người đến cốt
truyện, kết cấu, chủ đề... Trong mối quan hệ chặt chẽ ấy, ngôn ngữ nghệ thuật trở thành phương thức tồn tại, phương thức biểu hiện của nội dung, đồng thời nó còn biểu hiện trực tiếp và rõ nét phong cách và tài năng nhà văn.
Ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự bao gồm hai thành phần cơ bản đó là: ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ nhân vật.
3.3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình
Trong quá trình sáng tạo, lao động nghệ thuật, nhà văn Vi Thị Kim Bình luôn luôn có những tìm tòi, cố gắng để làm sao cho ngôn ngữ có thể phù hợp với nội dung cũng như tư tưởng của tác phẩm Các sáng tác của bà được viết bằng ngôn ngữ phổ thông nhưng mang đậm dấu ấn, hồn cốt của dân tộc mình. Trong các tác phẩm của bà, từ việc khắc họa phong cảnh quê hương, làng bản đến phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, cách nghĩ, cách cảm, lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động, dáng đi, điệu cười, ánh mắt đều có những nét riêng, không thể trộn lẫn với vùng miền khác, dân tộc khác. Ngôn ngữ trong các tác phẩm của Vi Thị Kim Bình cũng mang những nét phong cách riêng, rất giản dị, mộc mạc, tự nhiên, mang đậm màu sắc dân tộc và miền núi, rất gần gũi và dễ đi vào lòng người. Điều này được thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn.
3.3.2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện
Ngôn ngữ người kể chuyện có vai trò then chốt trong tác phẩm tự sự, là yếu tố cơ bản thể hiện cái nhìn, giọng điệu và phong cách tác giả. Ngôn ngữ người kể chuyện có tính chất tĩnh tại, như lời dẫn chuyện, lời miêu tả thiên nhiên, cuộc sống..., có khi là lời trữ tình ngoại đề, lời khắc họa chân dung nhân vật hoặc miêu tả tâm trạng nhân vật của tác giả... Ngôn ngữ người kể chuyện vừa có vai trò then chốt trong phương thức tự sự vừa là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, thể hiện cái nhìn, giọng điệu và cá tính của tác giả.
Nhà văn Vi Thị Kim Bình là người dân tộc Tày đã sống, gắn bó và am hiểu sâu sắc con người, vùng đất cùng các phong tục tập quán của người dân
tộc thiểu số nên ngôn ngữ người kể chuyện trong sáng tác của nhà văn là hệ thống từ ngữ gắn với cuộc sống và con người miền núi. Đó là thứ ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu gần gũi với cách tư duy, cách diễn đạt, nếp cảm, nếp nghĩ của người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Vi Thị Kim Bình là một cây bút hiền lành, giản dị nên ngôn ngữ người kể chuyện cũng rất giản dị, nhẹ nhàng, chân thành, thể hiện thái độ yêu thương, cái nhìn đầy nhân hậu, đầy sự cảm thông, trân trọng và sự gắn bó máu thịt giữa tác giả với con người, với cuộc sống miền núi cao biên giới.
Trong 51 truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, ở tác phẩm nào người đọc cũng đều có thể dễ dàng cảm nhận được khá rõ ràng hiện thực nơi đây qua những tên đất tên người, những sự vật sự việc, những sinh hoạt rất đặc trưng của người dân tộc Tày ở vùng đất Lạng Sơn - miền núi cao địa đầu của tổ quốc. Tên gọi những miền đất vừa quen, vừa lạ (đối với độc giả) của vùng đất Lạng Sơn thường được nhắc đến như: Đồng Đăng, Na Sầm, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Bảo Lâm, Pác - Luống, Bản Trảng, Tà Lài, Mĩ Cao, Văn Thụ, Tu Đồn - Điềm He, Văn Quan, Kì Lừa, Bản Kìa, Hội Hoan, Bản Đú, Kéo - Coong, Bản Chang, ... Cùng với tên các địa danh là tên người mang đậm chất dân tộc như: Ké A Dim, A - Thoòng, Láy, A Báo, Noọng, Nhình, Chuối, Lim, Sử, Hạn, Pẩn, Pâu, Pẩu, Ọt, Lù...
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm của Vi Thị Kim Bình chân thực, đầy tình cảm, nhiều khi người kể chuyện như hòa vào câu chuyện. Trong truyện Kho báu của bảy nàng tiên, cảm xúc của người kể chuyện đã hòa với cảm xúc của nhân vật: "Chúng tôi lau nước mắt lặng đi rất lâu. Chúng tôi lặng đi như ngày nào mẹ tôi kể cho tôi nghe. Khi tôi còn bé, mẹ tôi cũng lặng đi như thế. Mẹ tôi lặng đi vì tiếc của, chúng tôi lặng đi vì đau đớn, xót xa, căm giận" [7]. Tình cảm căm giận, đau đớn, xót xa không chỉ là của người kể chuyện nữa mà còn là của tất cả những người dân xứ Lạng.
Là một người phụ nữ trí thức người dân tộc chân thật, nhẹ nhàng, dịu dàng nên khi viết về những người phụ nữ dân tộc, giọng điệu trần thuật của tác giả cũng rất mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sắc sảo. Trong những truyện ngắn: Niềm vui, Một ngày nghỉ, Cuốn băng màu da, Đặt tên, Những bông huệ trắng, Đốm sáng, Khanh, Mối tình đầu muộn mằn, Ánh đuốc bên bờ suối, ... Vi Thị Kim Bình đã kể lại, đã miêu tả cuộc đời, số phận cũng như những phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ dân tộc như: Y tá Vân, Y tá Nhình, Y tá Xuyến, Dược tá Minh, Nữ cứu thương Lê, Bác sĩ Tâm, bác sĩ Nam, y sĩ Minh, y sĩ Ngà, cô giáo Nhạn, Khanh, Minh, Hưởng, với giọng kể chứa đựng sự ngợi ca, trân trọng... Họ đều là những người phụ nữ có tâm hồn trong sáng, giản dị, dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng luôn biết vươn lên, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách để hướng tới tương lai. Ví dụ: Trong truyện ngắn Đặt tên, cô gái trẻ người dân tộc Tày tên Lê được tác giả dành bao tình cảm, bao yêu mến để xây dựng, khắc họa vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp tâm hồn người con gái vùng sơn cước này với những câu văn miêu tả ngắn gọn: "Nước mắt cô trào ra, lăn trên đôi gò má trắng hồng. Cô gạt nước mắt và chạy vội về nhà.... lúc sau, cô mang đến cho anh một chiếc chăn bông mới tinh" [5].
Ở truyện ngắn Niềm vui nhân vật y tá Vân cũng hiện ra với giọng kể chứa đầy sự ngợi ca, sự trân trọng và yêu mến: " Mặt trời xuống thấp như ngó nhìn chị - người có nước da bắt nắng, có đôi mắt hiền từ, có giọng nói dịu dàng, êm ái. Người con gái có thân hình mảnh dẻ, mềm mại lại thắng được những loại vi trùng độc ác, nguy hiểm, gây chết người" [5].
Trong truyện Những bông huệ trắng, hình ảnh những "những bông huệ thơm ngan ngát, trắng muốt" được ví "như tấm áo choàng của người thầy thuốc". Họ là "Những bông huệ thon thắn mảnh khảnh nhưng dịu dàng và vững vàng" [7]. Đây là hình ảnh so sánh vừa cụ thể vừa lãng mạn đã làm toát lên những phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc.
Ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình rất ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, được lựa chọn, chắt lọc cho phù hợp với từng tình huống, lứa tuổi. Trong những truyện ngắn như Em bé bị lạc, Con không đi chân đất mẹ nhỉ?, Giấc mơ tiên, Chú vịt vênh vang, Cô tiên xuống chợ, Hai vành khăn trắng, Bạn Lan không phải con cô giáo... ta thấy ngôn ngữ tác giả sử dụng rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ cảm, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.
Trong truyện Con không đi chân đất mẹ nhỉ, thông qua câu chuyện người mẹ kể cho bé Oanh về việc bé Vân không chịu đi dép, đâm phải mảnh bóng đèn nhà bà Thàm tác giả đã khéo tạo ra những tình tiết để có thể thấy được tính giáo dục cao thông qua ngôn ngữ kể chuyện hết sức ngắn gọn. Tình tiết thứ nhất là "Chị Vân co chân lên khóc, vừa khóc chị vừa nói: Bố về bố mắng chết!" [7]. Tình tiết thứ hai là "Bé Oanh tròn xoe đôi mắt, hai hàng mi cong ngước lên nhìn mẹ rồi nó: Mẹ ơi! Con không đi chân đất mẹ nhỉ" [7]. Kiểu câu kể trong hai tình tiết trên đã khiến cho ngôn ngữ nhân vật (lời trực tiếp) biến thành ngôn ngữ người kể chuyện (lời gián tiếp). Người mẹ trong câu chuyện đã rất khéo léo trong việc dạy con. Qua câu chuyện, người mẹ đã để cho đứa trẻ tự nhận thấy việc đi chân đất là rất nguy hiểm để thốt lên lời nói rất ngây thơ "Mẹ ơi! Con không đi chân đất mẹ nhỉ" [7].
Truyện ngắn Em bé bị lạc cũng vậy. Với cách dẫn dắt ngắn gọn, qua câu chuyện của một em bé bị lạc, người mẹ đã dạy con biết rõ nguồn gốc của mình, cho con hiểu biết về mọi người xung quanh, về nơi sinh ra và cao hơn nữa là biểu hiện của tình thương vô bờ của người mẹ với con mình.
Khi miêu tả ánh trăng trong con mắt của Hoan - một đứa trẻ mười tuổi trong truyện Giấc mơ tiên, nhà văn đã diễn tả bằng những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi với suy nghĩ của trẻ thơ: "Mọi lần ông trăng có màu vàng như màu của như màu của những hạt lúa chín. Còn hôm nay, ông trăng to như một cái mâm con, có màu đỏ như gấc chín" [7]...