Các Nhân Vật Nguyên Mẫu Trong Tiểu Thuyết Việt Lam Tiểu Sử


Như vậy đối với Việt Lam tiểu sử, tác giả chỉ lấy đề tài lịch sử những sự kiện và nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam nhưng cái mà tác giả đem đến cho bạn đọc không phải là hiện thực lịch sử diễn ra trong quá khứ mà là “sự thực” lịch sử diễn ra theo cảm nhận của tác giả. Đúng như nhà sử học Phan Huy Lê đã nhận xét: “Tác giả có lẽ không phải là một nhà sử học và nhất là không nhằm viết một tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, nên tác giả chỉ vay muợn một số cứ liệu lịch sử nào đó cho tác phẩm có cốt cách lịch sử mà thôi… Đây là một bộ tiểu thuyết lịch sử về căn bản xây dựng theo sự hư cấu, theo trí tưởng tượng của tác giả, trong đó những tình tiết lịch sử chỉ được tôn trọng về mặt chi tiết mà thôi” [31,35].

Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan là một cuốn tiểu thuyết lịch sử phản ánh hiện thực có thật trong lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên, chúng ta không đồng nhất bức tranh hiện thực này với chính hiện thực ngoài đời. Mẫu hình nhân vật lịch sử được xây dựng từ những con người có thật, những nhân vật của lịch sử lúc bấy giờ, nhưng khi bước vào văn học, nhân vật ấy lại mang một diện mạo riêng. Đúng như cách nói của đại văn hào M.Gorki: Hiện thực cuộc sống là chất quặng thô, người nghệ sỹ phải sàng lọc sáng tạo, tôi luyện chất quặng thô đó thành chất thép sáng ngời. Chất thép đó chính là các nhân vật văn học. Để có được những hình tượng văn học độc đáo như tác phẩm Việt Lam tiểu sử, chắc chắn nhà văn Lê Hoan cũng phải trải qua một quá trình tôi luyện khá công phu như vậy.

2.2. Các nhân vật nguyên mẫu trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử

Trong tác phẩm Việt Lam tiểu sử, khi xây dựng các nhân vật nguyên mẫu, nhà văn Lê Hoan luôn cố gắng sao cho từ mẫu hình của những nhân vật lịch sử có thật trong sử sách nhưng khi bước vào văn học nhân vật lại mang một diện mạo riêng - diện mạo của một hình tượng nghệ thuật. Tìm hiểu tác


phẩm này, ta thấy có nhiều những nguyên mẫu lịch sử được tác giả xây dựng thành những hình tượng văn học, từ các yếu nhân lịch sử như: Lê Lợi, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Trần Giản Định, Nguyễn Trãi, Trương Phụ, Hoàng Phúc,... cho đến các nhân vật phụ như: Tư không Lê Lễ, Lê Trãi, Hoàng Tất, Lê Sát,... không phải tất cả những nhân vật lịch sử này khi trở thành nhân vật văn học đều tạo nên những ấn tượng sâu sắc nhưng dù sao ít nhiều, họ cũng gây được sự cảm nhận mới về nhân vật, về lịch sử. Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu tất cả các nguyên mẫu lịch sử có trong Việt Lam tiểu sử mà chỉ tập trung tìm hiểu khái quát một số những nhân vật lịch sử tiêu biểu để giúp độc giả có điều kiện nhìn nhận những thành công, những sáng tạo của tác giả Lê Hoan khi xây dựng từ nhân vật nguyên mẫu lịch sử trở thành các hình tượng văn học.

2.2.1. Lê Lợi từ nguyên mẫu lịch sử đến hình tượng văn học

Lê Lợi là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, tên tuổi và tiếng tăm của ông đã được lưu truyền trong sử sách, trong truyền thuyết dân gian. Đối với dân tộc Việt Nam, Lê Lợi là một cá nhân kiệt suất có tầm ảnh hưởng lớn lao. Trên những trang sử vàng, Lê Lợi được ghi nhận là một người anh hùng, một vị lãnh đạo tài giỏi sáng suốt. Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân và lòng căm thù giặc sâu sắc, Lê Lợi đã “thề không cùng sống với kẻ địch” để quyết tâm thực hiện lý tưởng hoài bão xây dựng xã tắc, cứu vớt lê dân. Giới thiệu khái quát về nguồn gốc xuất thân và quá trình xây dựng đại nghiệp của Lê Lợi, các tác giả trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Vua họ Lê, huý là Lợi người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Ở ngôi 6 năm, thọ 51 tuổi chôn ở Vĩnh Lăng. Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 10 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, dựng quan chức. Lập


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

phủ huyện thu sách vở, mở học hiệu. Có thể nói là có mưu lớn sáng nghiệp. Song đa nghi hay giết, đó là chỗ kém” [34,7].

Biết Lê Lợi là một người tài giỏi, kẻ địch tìm mọi cách mua chuộc nhưng Lê Lợi vẫn không hề nao núng “Năm mậu tuất (1948) (Minh, Vĩnh Lạc năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, ngày canh thân, vua dấy binh ở Lam Sơn. Trước người Minh thường trao cho quan chức để cám dỗ, vua không chịu khuất, khẳng khái có chí dẹp loạn. Từng nói rằng: “Trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công lớn, để tiếng thơm ngàn năm sau sao lại chịu hèn nhát cho người sai khiến. Bèn đem hào kiệt dựng cờ nghĩa quyết diệt giặc Minh” [34,9]. Buổi đầu dựng nghiệp, Lê Lợi dựa vào lực lượng xóm giềng là chủ yếu, chiến đấu và trưởng thành từ tay không, thiếu kẻ đỡ đần, nghĩa quân gặp muôn ngàn khó khăn gian khổ nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, trải qua mười năm gian khổ “nếm mật nằm gai” Lê Lợi cùng với nghĩa quân đã lập nên những chiến công kỳ diệu, đánh đuổi giặc Minh trấn yên bờ cõi, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 7

Bắt nguồn từ một nguyên mẫu có thật trong lịch sử, nhà văn Lê Hoan đã lựa chọn để xây dựng thành một hình tượng văn học. Lựa chọn một nhân vật có thật như Lê Lợi để xây dựng thành nhân vật văn học có thể nói là một sự táo bạo của nhà văn Lê Hoan. Vốn dĩ, nhân vật Lê Lợi là một yếu nhân có vai trò to lớn trong lịch sử và có nhiều dấu ấn trong tâm thức người Việt. Bởi vậy, để cho người đọc có một cách nhìn mới hơn về nhân vật này là một điều không dễ. Ý thức được điều đó, trong quá trình nhào nặn từ nhân vật lịch sử trở thành một hình tượng nghệ thuật, nhà văn Lê Hoan đã rất khéo léo và thận trọng để xây dựng nhân vật Lê Lợi trở thành một hình tượng văn học độc đáo cũng là tâm điểm sáng ngời của tác phẩm Việt Lam tiểu sử.

Đọc tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử, người đọc vẫn bắt gặp một Lê Lợi rất quen thuộc trong vai trò là một vị lãnh đạo tài giỏi nhân đức như trong lịch sử.


Nhà văn vẫn trung thành với bản lý lịch tên tuổi, vai trò, vị trí của nhân vật, tuy nhiên những chi tiết cụ thể về tính cách có khác đi nhiều. Chẳng hạn, trong Đại Việt sử ký toàn thư, các tác giả có ghi rõ Lê Lợi là người “đa nghi hay giết đó là chỗ kém” [34,7]. Minh chứng cho lời nhận định này được các tác giả ghi chép cụ thể nhưng rải rác ở các trang 39, 45, 103.

- “Ngày 10... tri châu phủ Chính Bình là Hà Trung bị vua bắt được giết chết” [34,39].

- “Ngày 13... giết Tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết” [34,45].

- “Ngày 13... chém Thiên hộ Lý Vân và người đi theo là Bùi Vĩnh, vì cớ chở trộm mắm muối vào thành Chí Linh” [34,45].

- “Nhâm tý, năm thứ 5 (1432) (Minh Tuyên Đức thứ 7). Mùa xuân tháng giêng, sai thần vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Đào Mạnh Vương là con tù trưởng Đèo Cát Hãn ra hàng, cho ở Đông Kinh, lập làm tư mã, rồi năm sau giết chết ” [34,103].

Khi tiếp xúc với nhân vật Lê Lợi trong tác phẩm Việt Lam tiểu sử, chúng ta không hề thấy ở Lê Lợi tính “đa nghi hay giết” mà ngược lại trong suốt hành trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tấm lòng nhân từ của ông như ngọn lửa cháy sáng thấm thía đến từng tướng lĩnh, từng nghĩa quân. Nền tảng và cốt lõi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là nhân nghĩa, bởi vậy với bất cứ ai dù là tướng lĩnh hay là binh lính Lê Lợi đều tỏ ra rất sáng suốt. Ví dụ như khi bị Trần Giản Định lột bỏ mũ áo đuổi về quê, người đọc những tưởng Lê Lợi rất căm phẫn không bao giờ nghĩ đến việc phò tá cho Giản Định nữa, vậy mà vì trăm họ Lê Lợi luôn canh cánh bên lòng lý tưởng giúp nhà Trần khôi phục lại giang sơn. Lúc kéo quân về nghĩa An, Lê Lợi tìm vào bái yết vua Trần nhưng vua Trần đã rời vào Thuận Châu Lê Lợi ngậm ngùi tiếc nuối: “Muốn vào gặp


mặt vua may được rủ lòng thương để mình được dốc tâm phụng sự. Nay lại không gặp phải chăng tại trời.

Rồi than rằng:

- Trời xanh thăm thẳm nỡ để xe loan long đong lận đận trên đường những lúc chim kêu hoa rụng, gặp cảnh nước biếc non xanh lấy ai đỡ đần hộ vệ” [26,224].

Một chi tiết khác cho thấy Lê Lợi là người rất bình tĩnh như chi tiết Nguyễn Trãi tìm gặp Lê Lợi ở hồi 37. Vốn là một người thông minh lanh lợi, Nguyễn Trãi lợi dụng lúc Lê Lợi trở về phòng liền bám theo trèo lên nóc nhà chui vào ngồi yên trong góc phòng, đến lúc thấy Lê Lợi tính thái ất sai thì vén màn xông vào, làm cho Lê Lợi giật mình rút gươm ra định chém nhưng khi nghe Nguyễn Trãi sụp lạy van lơn lại nói là Tiến sĩ triều Trần thì “lòng thấy kính mộ, liền bước xuống dìu Nguyễn Trãi lên giường cùng ngồi” [26,252]. Dù bị Nguyễn Trãi đưa vào tình thế bị động bất ngờ nhưng Lê Lợi vẫn rất tỉnh táo. Hành động “bước xuống dìu Nguyễn Trãi lên cùng ngồi” cho thấy Lê Lợi là một con người rất thận trọng, một vị minh quân sáng suốt biết tôn hiền đãi sĩ, không hề có tính đa nghi hay giết nhầm một ai cả.

Có thể nói rằng, dưới cái nhìn của nhà tiểu thuyết khi lựa chọn và xây dựng một nhân vật như người anh hùng Lê Lợi trở thành hình tượng văn học thực sự, nhà văn Lê Hoan đã có nhiều cố gắng để xây dựng nhân vật theo quan điểm và cái nhìn của một nhà văn làm cho nhân vật được sống một đời sống mới mẻ và sinh động hơn nhiều so với nhân vật nguyên mẫu có trong lịch sử.

2.2.2. Hồ Quý Ly từ nguyên mẫu lịch sử đến hình tượng văn học

Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử cũng được khá nhiều người biết đến. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư các tác giả chép: “Quý Ly tự là Nguyên, suy tính rằng tổ trước là Hồ Hưng Dật vốn người


Chiết Giang đời Hậu Hán Ngũ quý sang làm thái thú Diễn Châu... Đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại phủ Thanh Hóa làm con nuôi của Tuyên uý Lê Huấn, từ đấy mới đổi làm họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Liêm. Đời trần Nghệ Tôn từ chức Chi hậu tứ cục chánh trưởng, thăng lên Khu mật đại sứ, lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng bình chương sự, gia phong đến Phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm đức hưng liệt đại vương, Quốc tổ chương hoàng, rồi rời ngôi của nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, trở lại họ Hồ, chưa được một năm thì truyền ngôi cho con là Hán Thương... sau 2 cha con đều bị người Minh bắt” [33,658]. Theo như sử sách, Hồ Quý Ly là một kẻ bất trung bất nghĩa, ăn lộc của triều đình nhưng chỉ toan tính bày mưu giết vua để cướp ngôi. Tội ác của Hồ Quý Ly được các tác giả trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép khá tỉ mỉ, có thể điểm qua như sau:

Kỷ mão, Kiến Tân năm thứ 2 (1399) (Minh Doãn Văn Kiến văn thứ 1). Mùa hạ tháng 4 Quý Ly bắt ép vua phải xuất gia theo đạo giáo, ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy, mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyên Cẩn đi theo trông nom. Vua hỏi rằng: “Người theo hầu ta muốn làm gì chăng?” Cẩn không nỡ nói, Quý Ly làm bài thơ đưa cho Cẩn mà nói: “Nguyên Quân không chết thì ngươi phải chết”. Lại làm bài thơ đưa cho Nguyên Quân rằng: “Trước có vua hèn ngu, Hôn Đức và Linh Đức. Sao không liệu sớm đi. Chỉ để bận người khác” Cẩn bèn tiến thuốc độc? Vua không chết, lại tiến nước dừa mà không cho ăn. Cũng không chết. Đến đây sai xa kỵ vệ thượng tướng quân là Phạm Khả Vĩnh thắt cổ giết chết. Chôn ở lăng Yên Sinh, miếu hiệu là thuận tôn” [33,658-659].

Căm tức trước tội ác của Hồ Quý Ly, bọn Trần Thái Bảo, Trần Hãng, Trần Khát Chân là con cháu họ Trần mưu giết Quý Ly, sự việc không thành “bọn tôn thất Hãng, trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân... và các liều thân thuộc cộng hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái


bắt làm tì, con trai từ một tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước” [33,659].

Còn đây là cách để Hồ Quý Ly lên ngôi “Tháng 2, ngày 28, Lê Quý Ly ép vua nhường ngôi và bắt người tôn thất và các quan ba lần dơng biểu khuyến tiến, giả cách từ chối nói: Ta sắp chết đến nơi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa?”. Rồi thì tự lập làm đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi lại làm họ Hồ” [33,663].

Từ chân dung của một kẻ chuyên quyền bạo ngược, nhân vật Hồ Quý Ly đã gây được sự chú ý của nhà văn Lê Hoan. Bằng tài năng của mình, Lê Hoan đã nhào nặn từ một nhân vật lịch sử thành một hình tượng văn học thực sự. Hồ Quý Ly trong lịch sử là nhân vật phản diện đến với văn học vẫn là chân dung của một kẻ phản diện. Trong quá trình xây dựng nhân vật, nhà văn vẫn bảo lưu những yếu tố tên tuổi, tính cách và môi trường sống của nhân vật như trong lịch sử, nhưng để đem lại một cái nhìn mới từ một hình tượng cũ quen thuộc nhà văn Lê Hoan không đi sâu vào kể lại những tội ác của Hồ Quý Ly mà bằng cách trao cho nhân vật những lời thoại khiến cho nhân vật có điều kiện để bộc lộ bản chất tham tàn độc ác của mình một cách khách quan nhất. Chẳng hạn, ở hồi 5 khi được tin Trần Thiên Bình sắp về tới biên giới, Hán Thương liền sai cận thần vào hỏi kế Quý Ly, Quý Ly ngay lập tức lâm triều nói: “Tiên lễ hậu binh, ấy là cách hay nhất trước hết ta hãy cử đại tướng đem quân mai phục những nơi hiểm yếu. Tiếp đó cho người chuẩn bị rượu thịt thiết đãi quân Thiên Bình, rồi dụ chúng vào rừng mà giết sạch để trừ mối họa về sau. Chính hồi Khổng Minh đánh Chu Du cũng đã dùng kế này, gọi là “bày cung thiêng để tóm mãnh hổ, thả mồi ngon để bắt cá to” [26,38].

Những lời nói của Hồ Quý Ly đã lộ rõ bản chất nham hiểm độc ác của một kẻ lòng lang dạ sói, bề ngoài tỏ ra nhún nhường chấp nhận sự sắp đặt của thượng quốc, rước Thiên Bình về nước để trao lại ngôi vua nhưng bên trong


thì ngấm ngầm lập mưu trừ khử bằng một trận mai phục ngoạn mục. Kế sách chiến lược của kẻ từng chiếm ngôi như Quý Ly là “giết sạch để trừ mối họa về sau”.

Hay ở hồi 7, khi Quý Ly xa giá về Tây Đô, Hán Thương lúc tiễn thượng hoàng ra ngoài thành có bày tỏ: “Hoàng phụ tiện đường hạ cố tới Lam Sơn mời anh em Lê Lợi ra phò giúp, nếu được thì nước ta khỏi phải lo.

Quý Ly nói:

- Xem ra hắn cũng chỉ là một gã nhà quê thôi, việc gì phải hạ nhục trẫm như vậy? Trẫm sẽ sai người gọi hắn tới, không tới thì trẫm giết quách đi là xong” [26,57].

Nhờ phương tiện ngôn ngữ, tác giả đã để nhân vật Hồ Quý Ly tự biểu lộ được bản chất kiêu ngạo của mình. Khi có ý coi thường xem anh em Lê Lợi chỉ là “gã nhà quê” và coi việc cầu hiền tài là “hạ nhục”, Quý Ly tỏ ra là một con người không biết tôn hiền đãi sĩ. Thói quen vốn dĩ của Quý Ly là giết nhầm còn hơn bỏ xót cho nên cầu hiền tài mà không tới thì “giết quách đi là xong”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Hồ Quý Ly nhanh chóng bị thất bại trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trấn yên bờ cõi.

Xem xét nhân vật Hồ Quý Ly từ nguyên mẫu lịch sử đến hình tượng văn học, ta thấy tác giả Lê Hoan đã rất cố gắng để thoát khỏi cách ghi chép lạnh lùng của các sử gia. Nếu như nhân vật Hồ Quý Ly trong lịch sử được các nhà sử học ghi chép theo trình tự gắn liền với các sự kiện chính xác thì khi trở thành nhân vật văn học, tác giả Việt Lam tiểu sử không chỉ bằng tiến trình các sự kiện mà còn bằng tư duy logíc nghệ thuật của một nhà văn để cho nhân vật vận động như một chỉnh thể được bộc lộ những tính cách một cách khách quan và chân thực nhất.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/10/2023